Chúa nhật III Mùa Vọng năm B
CN.3.MV.B
(Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 6,16-24; Ga 1,6-8.19-28)
Ngày 8-11-1840 thời vua Minh Mạng có 5 vị thánh Việt Nam tử đạo cùng một ngày tại pháp trường Năm Mẫu, Nam Định. Đó là ba cha : Giuse Nguyễn Đình Nghi, Phaolô Nguyễn Ngân, Martinô Tạ Đức Thịnh cùng hai ông Gioan Baotixita Cỏn, lý trưởng và Mactinô Thọ, viên thu thuế.
Cha Phaolô Nguyễn Ngân được nhiều người thương mến vì tính tình vui vẻ, khiêm tốn, dễ hòa đồng. Nét mặt lúc nào cũng tươi vui, cởi mở.
Ngài sinh năm 1771 tại làng Cự Khanh, xứ Kẻ Bền, Thanh Hóa. Sau khi thụ phong linh mục, ngài được sai về coi sóc xứ Duyên Mậu, Phát Diệm. Một ngày kia ngài đến xứ Phúc Nhạc, để xưng tội với cha Nghi, thì bị bắt.
Ở trong tù, cha biên thư cho một cha bạn, kể lại ngày cha bị bắt như sau : “Khi tôi tự ý ra nộp mình, thì họ xông vào lột áo tôi, như bắt được một tên giặc, tên cướp. Nhưng tôi vẫn vui vẻ và tâm hồn cảm thấy bình an lạ lùng. Cảm giác sợ hãi biến đi mất. Lính thấy thế, họ nói với nhau : xem kìa, ông này chẳng sợ hãi gì. Bị đánh đau thế, mà ông ta còn cười. Khi tới chỗ ông Trịnh Quang Khanh, quan trấn Nam Định, ngồi chờ, tôi thấy cha Nghi đang đeo gông ngồi ngoài trời nắng. Người ta cũng đeo cho tôi một cái gông như thế. Khi họ vừa đặt vào cổ tôi, tự nhiên miệng tôi thốt nên lời : Tạ ơn Chúa ! Lòng tôi tràn ngập niềm vui. Trí tôi nghĩ đến con đường lên trời qua những cực hình đau đớn sắp tới.” (Nguyễn Đức Việt Châu, Hạnh Tích Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, trang 439-442).
Cha Phaolô Nguyễn Ngân vui, vì “nghĩ đến con đường lên trời qua những cực hình đau đớn sắp tới”. Còn Lời Chúa, trong ba bài Sách Thánh Chúa nhật thứ III Mùa Vọng hôm nay, cũng diễn tả niềm vui. Vì thế, Phụng Vụ khuyến khích chủ tế thay vì mặc áo lễ mầu tím, thì mặc áo lễ mầu hồng.
Bđ1 : Bđ1 thánh lễ nói đến niềm vui của ngôn sứ I-sai-a. Vui vì được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ. Vui vì được loan báo ‘Tin Mừng’ cho những người Ít-ra-en được giải thoát khỏi tù đày ở Babylon, nước Irak ngày nay, và trở về quê cha đất tổ vào năm 538 trước Chúa Giáng sinh. ‘Tin mừng’ Thiên Chúa, dùng ngôn sứ Isaia loan báo, vui biết dường nào. Đọc lại một vài câu trong bđ1 hôm nay, lòng chúng ta cũng phải reo vui : “Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tâm hồn tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa” (Is 61,1-2a).
Ngôn sứ còn dùng những hình ảnh để diễn tả niềm vui ‘Tin Mừng’: “Như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lỗng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm. Đức Chúa là Chúa thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổ vang lời ca ngợi trước muôn dân” (Is 61,10-11).
BTM : Trong BTM, thánh Gioan loan báo niềm vui là Đấng Cứu Thế đến, Đấng mà thánh Gioan nói : “Tôi đây làm phép rửa trong nước, nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi, và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,26-27).
Sách Tin Mừng thánh Mt cho biết thánh Gioan không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu, vì Chúa Giêsu “làm phép rửa bằng Thánh Thần và bằng lửa” (Mt 3,11).
Bđ2 : Bđ2 là thư thánh Phaolô gửi cho cộng đoàn tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca ở nước Hy Lạp bây giờ. Trong cuộc hành trình truyền giáo thứ II, ngài đã đến Thêxalônica loan báo Tin Mừng. Người Do Thái đến chống phá. Ngài phải trốn đến Côrintô. Vì ở với họ mới 18 tháng, không biết đức tin của họ ra sao, ngài phải sai ông Timôthê đến. Khi được biết, họ vẫn vững đức tin, từ Côrintô, ngài vui mừng viết thư cho họ: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1Tx 5,16-18).
Thánh Phaolô Nguyễn Ngân vui vì được về thiên đàng, dân It-ra-en vui vì được giải thoát khỏi cảnh lưu đày, thánh Phaolô vui vì nghe tin cộng đoàn tín hữu Thêxalônica vẫn sống đạo, thánh Gioan báo tin vui vì Chúa đến. Chắc hẳn chúng ta cũng vui vì sắp đến lễ Chúa giáng sinh (17-12-2017).
—————————————–
CN.3.MV.B
Thứ năm này, ngày 18-1, kỷ niệm 400 năm cha Francesco Buzomi người Ý, cha Diogo Carvalho người Bồ Đào Nha, và thày Antonio Dias người Nhật, đặt chân lên Cửa Hàn, Đà Nẵng (18.1.1615-18.1-2015). Ngày 6-1-1615 ba ngài lên tàu từ Áo Môn. Sau 12 ngày lênh đênh trên biển cả, ngày 18-1-1615 tàu cập bến.
Dòng Tên đã ba năm nay chuẩn bị mừng ngày 18-1 này. Họ mở mạng “Loan Báo Tin Mừng”, tổ chức những cuộc hành hương nhìn lại những địa điểm các thừa sai đã đi gieo vãi Tin Mừng, tổ chức những cuộc hội thảo tìm hiểu những con người, những thành quả các thừa sai để lại.
Giáo phận Đà Nẵng chúng ta đã ba năm nay chuẩn bị mừng 400 năm ngày 18-1, nhất là mừng 50 năm ngày thành lập Giáo Phận (18.1.1963-18.1.2013). Khởi đầu ba năm chuẩn bị là Đại Hội Dân Chúa từ mỗi giáo xứ lên đến Giáo Phận. Suốt ba năm dân Chúa trong Giáo Phận học hỏi cuốn sách “Giáo Lý Của Hội Thánh”.
Ngày 18-1 không những là ngày vui của Dòng Tên, là ngày sinh nhật của Giáo Phận Đà Nẵng, mà còn là ngày sinh nhật của toàn thể Giáo Hội Việt Nam. Cha Đỗ Quang Chính đã viết : “Đây là ngày Giáo Hội Việt Nam thường coi cuộc truyền giáo được ‘chính thức’ mở ra ở Việt Nam, mặc dù trước đó đã có những ‘dấu vết’ Tin Mừng ở xứ này” (Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 20).
Bđ1 : Trong bđ1 thánh lễ, ngôn sứ I-sai-a đã ví niềm vui ngày Thiên Chúa đến giài phóng dân Ít-ra-en khỏi 50 năm kiếp sống lưu đày ở Babylon như niềm vui ngày cưới, như ngày đất đai đâm chồi nẩy lộc, ngày vườn tược nở hoa : “Như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất dai đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm” (Is 61,10b-11a).
BTM : BTM Chúa nhật hôm nay thánh Gioan tông đồ nhắc lại nhiệm vụ của thánh Gioan Tẩy giả là “làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,7). Chúa Giêsu là ánh sáng (Ga 8,12). Thánh Gioan đến làm chứng về Chúa Giêsu. Ngày Ánh Sáng đến, ngày Chúa Giêsu đến ở với loài người.
Không có ánh sáng, tiệc cưới tối tăm làm sao vui ? Không có ánh sáng, đất đai vườn tược làm sao có sự sống ?
Ngày 18-1, ngày Tin Mừng, ngày Chúa Giêsu đến ở với dân tộc Việt Nam. Ngày 18-1, ngày sinh nhật của Giáo Phận Đà Nẵng. Vui biết mấy !
Bđ2 : Ngày Chúa đến cứu khỏi cảnh nô lệ, vui như ngày hôn lễ, vui như ngày đất đai vườn tược nẩy lộc nở hoa. Còn ngày Chúa đến ở với loài người vui như ngày có ánh sáng. Nên thánh Phaolô kêu gọi dân thành Thêxalônica : “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,16).
Ít có ngày như ngày 19-12-1839 có nhiều vị tử đạo, chết để làm chứng cho Đức Chúa. Ngày 19-12 này có 5 chứng nhân : hai thày giảng và ba giáo dân. Thày Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mầu 49 tuổi, cao tuổi nhất, trở thành người dẫn đầu.
Thày Mậu là người Thái Bình. Đi tu từ nhỏ. Thày chịu chức thày giảng, giúp các cha đi giảng đạo nhiều xứ đạo. Khi cha Phêrô Nguyễn Văn Tự bị bắt, và bị dẫn giải về trấn Bắc Ninh, thày Mậu theo lên trấn. Giáo dân gửi thày trọ trong một nhà quen. Không ngờ, vì ham tiền thưởng, chủ nhà tố giác thày. Thày bị bắt và bị giải lên trấn.
Quan trấn Bắc Ninh hỏi thày là ai ? Thày đáp : “Tôi là môn đệ quan trọng của cha Tự”. Cha Tự làm hiệu đừng khai như thế, để được về. Thày nói nhỏ với cha : “Xin cha thương, nhận con là môn đệ của cha, để con cũng được chết vì đạo”.
Ngày 19-12-1839, thày và bốn đồng bạn bị điệu ra pháp trường. Thày nói với đám đông đi theo : “Anh em chúng tôi đang tiến về thiên đàng đấy” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, trang 117.125).
Ba nhà truyền giáo Dòng Tên đã đến Việt Nam cách đây 400 năm để rao giảng Tin Mừng, vì Chúa là niềm vui cho loài người. Thày Phanxicô Hà Trọng Mầu đã đón nhận niềm vui Tin Mừng. Thày sẵn sàng chết cho Tin Mừng, Chết cho Tin Mừng là được về thiên đàng, được về ở với Đức Chúa (14-12-2014).
———————————————
.CN.3.MV.B
Khi làm hang đá, người ta chỉ đặt con bò, con lừa. Tại sao không đặt những con vật khác ?
Người ta kể rằng : khi thánh Giuse và Đức Mẹ lên đường đi Belem. Một thiên thần gọi các con vật đến, để chọn một vài con đi giúp đỡ hai ngài trong hang Belem.
Nghe nói đi Belem con vật nào cũng tranh nhau đi. Mỗi con kể cho thiên thần nghe lý do mình muốn đi.
Con sư tử khoác lác kể : “Chỉ có chúa sơn lâm mới xứng đáng đi phục vụ Vua trời đất. Con sẽ xé thịt tróc xương những kẻ nào dám bén mảng làm hại Hài Nhi Giêsu”. Nghe xong, thiên thần phê : “Chú mày dao to búa lớn, bạo lực quá, ta không thể chọn chú mày được”.
Chú cáo thì khoe : “Con sẽ chăm sóc đầy đủ, chu đáo quí ngài. Hài Nhi Giêsu đủ sữa ngon. Đức Maria và thánh Giuse bữa cơm nào cũng thịnh soạn, đầy đủ mọi thứ của ngon vật lạ…Muốn ăn thứ gì cũng có. Với nanh vuốt của con đây, con muốn bắt con gi trên rừng dưới biển cũng được”. Thiên thần lắc đầu nói : “Chú mày hung hăng con bọ xít ghê quá”.
Con công xoè đuôi hãnh diện : “Con sẽ lấy những chiếc lông mầu sắc sực sỡ, để trang trí hang Belem, và suốt ngày con múa nhảy mua vui cho Chúa Hài Đồng”. Thiên thần từ chối nói : “Chú mày diêm dúa quá ! Kiêu kỳ quá !”
Biết bao con vật đến trình diện, thiên thần chẳng chọn được con nào. Cuối cùng thấy chú bò chú lừa đang giúp bác nông dân trên cánh đồng bên cạnh, thiên thần gọi các chú đến.
Chú lừa nhỏ nhẹ nói : “Con chẳng sang trọng, oai phong như các con vật kia. Con chỉ có cái đuôi phe phẩy, để đuổi muổi cho Chúa Hài Đồng. Và các ngài đi đâu con xin chở các ngài đi”.
Thiên thần gật gù, rồi gọi chú bò. Chú bò bộc bạch : “Người ta thường nói dốt như bò. Con dốt nát, chỉ biết đem sức ra phục vụ. Hang đá mùa đông lạnh lẽo, con xin dâng hơi thở thơm mùi cỏ để sưởi ấm cho Chúa Hài Đồng”.
Các con vật kiêu căng khoe khoang đều bị thiên thần loại bỏ; chỉ có chú bò, chú lừa khiêm nhường, hạ mình mới được thiên thần chọn phục vụ hang Belem.
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng nói đến niềm vui Chúa dành cho những người hạ mình khiêm nhường.
Bđ1 : Ngôn sứ Isaia cất tiếng ngợi khen trong bđ1 : “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bi giam cầm, ngày phóng thích cho những kẻ tù nhân” (Is 60,1).
Bđ2 : Bđ2 là một đoạn thư thánh Phaolô viết cho người tín hữu thành phố Thêxalônica ở Hy Lạp. Thánh Phaolô và thánh Xila đến rao giảng, họ đã tin theo Chúa. Người Do Thái ghen tức tra tay bắt, hai ngài phải trốn sang Côrintô. Sợ người Thêxalônica bỏ đạo, thánh Phaolô phải phái thánh Timôthê đến khích lệ an ủi. Không ngờ họ vẫn can đảm đi theo Chúa. Được tin vui, thánh Phaolô viết thư khen ngợi : “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh” (1Tx 5,16-17).
BTM : Thánh Gioan Tẩy giả trong BTM là mẫu gương của những ai khiêm nhường hạ mình. Người Do Thái tặng cho ngài đủ mọi tước hiệu cao sang, ngài chỉ nhận : “Tôi là tiếng hô trong hoang địa…Tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,23.27).
Như thế, những con vật kiêu căng tự đắc không xứng đáng được niềm vui giáng sinh, cả những người kiêu căng cũng vậy, chỉ những người hạ mình khiêm nhừơng mới đáng đón nhận (11-12-2011).
———————————————-
CN.3.MV.B
Năm nay, năm 2008, chúng ta kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức nước Pháp năm 1858 (1858-2008).
Ít khi chúng thấy tượng ảnh nào cười. Tất cả đều nghiêm. Kể cả tượng Đức Mẹ Lộ Đức cũng nghiêm. Thật ra khi hiện ra với chị thánh Benadetta Đức Mẹ luôn cười.
Sau ngày 11-2-1858, ngày đầu tiên Đức Mẹ hiện ra, má của thánh Benađetta không tin là Đức Mẹ, mà cho là ma, cấm thánh nữ không được đến hang đá Ma-sa-bi-en. Nhưng chỉ hai ngày sau, ngày 14-2, má thánh nữ cho phép. Lần này thánh nữ đem nước phép đi rẩy “con ma”.
Tới hang đá, thánh nữ Benadetta quì xuống và bắt đầu lần hạt. Và rồi thánh nữ hô to: “Ôi ! Ánh sáng ! Bà kìa !”.
Thánh Benađetta tới gần và lấy nước phép rẩy. Đức Mẹ cười.
Thánh nữ lại gần hơn và hai lần rảy nước phép. Đức Mẹ vẫn cười.
Nhìn Đức Mẹ cưới, thánh nữ Benađétta cũng cười. Một nụ cười thật rạng rỡ.
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng toát lên một niềm vui, những nụ cười.
Bđ1 : Ngôn sứ Isaia khoe với đồng bào Do Thái của mình : “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao !” (Is 61,10). Niềm vui Chúa ban cho vui như ngày cưới của cô dâu chú rể, như đất đai đâm chồi nẩy lộc.
Bđ2 : Các Kitô hữu ở thành phố Thêxalônica của Hy Lạo ngày nay, tuy bị người Do Thái chống phá, họ vẫn vững lòng tin. Từ thành phố Côrintô nghe tin vui, thánh Phaolô viết thư khích lệ : “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,16).
BTM : Thánh Gioan tông đồ nói về thánh Gioan Tẩy giả như sau : “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng” (Ga 1,8).
Nói đến ánh sáng là nói đến niềm vui. Những khi bị cúp điện, bỗng điện sáng lên, ai nấy reo lên.
Chúa Giêsu là ánh sáng. Chúa đem niềm vui xuống cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta.
Thánh Augustinô nói : “Người Kitô hữu phải là lời Halleluia từ đầu xuống đến chân”.
Thánh Gioan Thánh Giá thì nói : “Linh hồn người phụng thờ Thiên Chúa luôn bơi trong niềm vui, luôn giữ được ngày vui, và luôn ở trong lời ca tiếng hát”.
Người Việt Nam có câu : “Mình về mình có nhớ ta không ? Ta về ta nhớ hàm răng mình cười” (14-12-2008)
——————————————-
CN.3.MV.B
Hôm nay vị chủ tế mặc áo mầu hồng, mặc áo màu vui. Có hai dịp mặc áo mầu hồng : một là Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng, hai là Chúa nhật thứ tư Mùa Chay. Chúa nhật hôm nay vui vì Lời Chúa cả ba bài đều toát lên niềm vui Chúa sắp đến.
Bđ1 : Ngôn sứ I-sai-a trong bđ1 nhắc đên ba lần vui. Mỗi lần một từ vui khác nhau và hình ảnh vui khác nhau.
– Hình ảnh vui thứ nhất là “Sứ giả loan báo tin mừng” : “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phòng thích cho những tù nhân” (Is 61,1).
– Hình ảnh vui thứ hai là “cô dâu chú rể” : “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi mừng rỡ biết báo ! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lỗng lẫy điểm trang” (Is 61,10).
– Hình ảnh vui thứ ba là “đất đai vườn tược nẩy lộc, trổ hoa, vang tiếng hát” : “Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt nẩy mầm. Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân” (Is 61,11).
Bđ1 chỉ có ba câu mà có biết bao từ, biết bao hình ảnh diễn tả niềm vui của lòng người. Ngôn sứ diễn tả thật khéo. Ông là một văn sĩ tuyệt tài. Ông đã viết bài ca này để diễn tả ngày vui dân Do Thái được giải phóng khỏi 50 năm lưu đày ở Babylon, từ năm 587 đến 538 trước Chúa giáng sinh.
Bđ2 : Bđ2 thánh Phaolô không viết văn hoa như ngôn sứ Isaia trong bđ1, nhưng ngài viết bằng một giọng văn thần học, lý luận để diễn tả niềm vui : “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại vui lên anh em !”.
Thánh Phaolô đã đến giảng đạo tại Thê-xa-lô-ni-ca, một thành phố của nước Hy Lạp ngày nay vào mùa đông 50. Chỉ được 18 tháng ngài bị người Do Thái phá phách, đe dọa. Ngài phải trốn đi Côrintô. Tại Côrintô, ngài sai thánh Ti-mô-thê đến Thêxalônica. Thánh Timôthê đến thấy các tín hữu vẫn sống đạo vững vàng, vui vẻ, mặc dầu bị biết bao đe dọa, thử thách, khó khăn. Thấy tinh thần trung kiên của các tín hữu Thêxalônica, thánh Phaolô viết đoạn thư chứa chan niềm vui và khích lệ này.
Chỉ một từ “Vui”, thánh Phaolô diễn tả bằng ba cường độ khác nhau : cường độ thứ nhất : “Hãy vui luôn”; cường độ thứ hai : “Niềm vui trong Chúa”; cường độ thứ ba : “Vui lên anh em”.
BTM : BTM đọc sách TM thánh Gioan tông đồ. Người ta ví thánh Gioan là con chim phượng hoàng, con chim bay cao nhất trên bầu trời. Quả thật, đọc sách TM của ngài, chúng ta thấy tư tưởng của ngài cao siêu.
Các nhà Kinh Thánh cho rằng : sách Sáng Thế kể 7 ngày Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ, thì sách TM thánh Gioan cũng kể 7 ngày đầu tiên cứu đời của Chúa Giêsu, 7 ngày sáng tạo mới (CGKPV, Kinh Thánh Tân Ước 1994, trang 399) :
– Ngày thứ nhất : Thánh Gioan Tẩy giả làm chứng về Chúa Giêsu với những thày tư tế và Lêvi.
– Ngày thứ hai : thánh Gioan Tẩy giả chỉ cho các môn đệ của ngài biết Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”.
– Ngày thứ ba : Hai môn đệ thánh Gioan Tẩy giả là thánh Anrê và Gioan tông đồ đi theo Chúa Giêsu.
– Ngày thứ tư : Thánh Philíppphê và Batôlômêô đi theo Chúa Giêsu
– Ngày thứ năm : Chúa Giêsu về miền Galilê
– Ngày thứ sáu : Cuộc hành trình về Galilê tiếp tục.
– Ngày thứ bảy : Đức Giêsu dự tiệc cưới Cana.
Trong 7 ngày sáng thế, ngày thứ nhất là ngày Thiên Chúa dựng nên ánh sáng, thì ngày thứ nhất trong tuần lễ đầu tiên của Chúa Giêsu , thánh Gioan Tẩy giả đã làm chứng : “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (Ga 1,6-8).
Những ngày cúp điện giúp chúng ta hiểu nỗi buồn của đêm tối và niềm vui của ánh sáng. Lễ Giáng sinh vui vì lễ chan hòa ánh sáng. Chẳng những chan hòa ánh sáng vì đèn sao lấp lánh, mà nhất vì Chúa sinh ra, Chúa là ánh sáng, là nguồn sáng, như một bài hát đã diễn tả : “Chúa là nguồn ánh sáng, là ơn cứu độ của tôi “
Thánh Gioan tông đồ, Con chim phượng hoàng, thật là sâu sắc khi dùng hình ảnh ánh sáng để diễn tả niềm vui, niềm vui của Chúa.
Tóm lại ba bài đọc thánh lễ hôm nay đã diễn tả niềm vui Chúa xuống trần ở với nhân loại. Trời đất hân hoan. Còn lòng chúng ta thì sao ? (11-12-2005).
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành