Chúa Nhật III Mùa Vọng Năm C
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(Xp 3,14-18; Pl 4,4-7; Lc 3,10-18)
Bài Ðọc I: Xp 3, 14-18a
“Chúa sẽ hân hoan vì người”.
Trích sách Tiên tri Xô-phô-ni-a.
Hỡi thiếu nữ Si-on, hãy cất tiếng ca! Hỡi Ít-ra-en, hãy hoan hỉ! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy hân hoan và nhảy mừng hết tâm hồn! Chúa đã rút lại lời kết án ngươi và đã đẩy lui quân thù của ngươi. Vua Ít-ra-en là Chúa ở giữa ngươi, ngươi không còn sợ khổ cực nữa.
Trong ngày đó, ở Giê-ru-sa-lem thiên hạ sẽ nói rằng: Hỡi Si-on, đừng sợ, tay ngươi sẽ hết rã rời! Chúa là Thiên Chúa ngươi, là Ðấng mạnh mẽ ở giữa ngươi, chính Người cứu thoát ngươi. Người hân hoan vui mừng vì ngươi. Người cảm động yêu thương ngươi, và vì ngươi, Người sung sướng reo mừng. Những kẻ hư hỏng bỏ lề luật, Ta sẽ quy tụ họ lại, vì họ cũng là con cái ngươi.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Is 12, 2-3. 4bcd. 5-6
Ðáp: Hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi có Ðấng Thánh của Ít-ra-en thật cao cả (c. 6).
Xướng: Ðây Thiên Chúa, Ðấng Cứu Chuộc tôi. Tôi sẽ tin tưởng mà hành động, tôi không run sợ: vì Thiên Chúa là sức mạnh của tôi và là Ðấng tôi ca ngợi. Người trở nên phần rỗi của tôi.
Xướng: Các ngươi sẽ hân hoan múc nước nơi suối Ðấng cứu độ: Hãy tung hô Chúa, hãy kêu cầu thánh danh Người, hãy công bố cho các dân tộc biết các kỳ công của Người, hãy nhớ rằng danh Người rất cao trọng.
Xướng: Hãy hát mừng Chúa, vì Người đã làm những việc cả thể, hãy công bố việc này trên khắp địa cầu. Hỡi dân Si-on, hãy nhảy mừng và ca ngợi, vì ở giữa ngươi, có Ðấng Thánh của Ít-ra-en thật cao cả.
Bài Ðọc II: Pl 4, 4-7
“Chúa gần đến”.
Trích thơ Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Phi-líp-phê.
Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Is 61, 1 (x. Lc 1, 18)
Alleluia, alleluia! – Thánh Thần Chúa ngự trên tôi. Người đã sai tôi đem tin mừng cho người nghèo khó. – Alleluia.
Phúc Âm: Lc 3, 10-18
“Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?”
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.
Khi ấy, dân chúng hỏi Gio-an rằng: “Vậy chúng tôi phải làm gì?” Ông trả lời: “Ai có hai áo, hãy cho người không có; ai có của ăn, cũng hãy làm như vậy”. Cả những người thu thuế cũng đến xin chịu phép rửa và thưa rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi phải làm gì?” Gio-an đáp: “Các ngươi đừng đòi gì quá mức đã ấn định cho các ngươi”. Các quân nhân cũng hỏi: “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” Ông đáp: “Ðừng ức hiếp ai, đừng cáo gian ai; các ngươi hãy bằng lòng với số lương của mình”.
Vì dân chúng đang mong đợi và mọi người tự hỏi trong lòng về Gio-an rằng: “Có phải chính ông là Ðức Kitô chăng?” Gio-an trả lời cho mọi người rằng: “Tôi lấy nước mà rửa các ngươi, nhưng Ðấng quyền năng hơn tôi sẽ đến, – tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người, – chính Người sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần và lửa. Người cầm nia trong tay mà sảy sân lúa của Người, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt!” Ông còn khuyên họ nhiều điều nữa khi rao giảng tin mừng cho dân chúng.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
CHÚNG TA PHẢI LÀM GÌ TRONG MÙA VỌNG NÀY?
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Hiện nay, nhiều nơi Mùa Vọng đã trở thành một dịp cho các cuộc vui chơi lễ hội, mua sắm, giải trí… Ngược lại, đối với người Kiô giáo thì khác, Mùa Vọng vừa là mùa chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, tức Ngài đến lần thứ nhất với loài người; nhưng qua việc kính nhớ này, Mùa vọng giúp người tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì thế, Mùa Vọng được coi như mùa hân hoan mừng vui sẵn sàng chờ Chúa đến trong tư thế tỉnh thức, sám hối và làm việc bác ái. Vì thế, Lời Chúa hôm này mời gọi chúng ta phải quyết tâm sống những ngày còn lại của Mùa Vọng này có định hướng rõ ràng: sám hối và yêu thương.
Tin Mừng Luca thuật lại rằng sau khi nghe thánh Gioan Tẩy Giả rao giảng, hàng đoàn người lũ lượt kéo đến xin chịu phép rửa ăn năn sám hối. Hơn thế nữa, họ còn muốn thay đổi cuộc đời với một thái độ thành khẩn, đơn sơ, hiểu biết và đầy quyết tâm nên họ hỏi thánh Gioan Tẩy giả: “Chúng tôi phải làm gì?”. Thánh nhân đưa ra hành động căn bản đó là: ăn năn sám hối và là việc bác ái.
Trước hết, thánh Gio-an Tẩy giả kêu gọi: “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc 3,8). Tại sao phải sám hối vì chưng con người không ai là trọn lành chỉ mình Chúa là Đấng trọn lành. Chính Thánh vua Đa-vít đã khẳng định: “Lạy Chúa, Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Cho nên, lời rao giảng đầu tiên Chúa: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15). Rõ ràng Chúa Giêsu nói sám hối rồi mới tin vào Tin Mừng. Như vậy, việc làm đầu tiên của đức tin chúng ta là sám hối, ăn năn. Cho nên, Chúa Giêsu trước khi về trời, Chúa căn dặn rằng: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Như vậy, sám hối chưa phải là tấm vé để vào Thiên Đàng nhưng là điều kiện để có đức tin. Đức tin có đó nhưng nó sống hay chết là tùy thuộc cung cách sống đạo, tức sống Lời Chúa ở nơi mỗi người chúng ta trong cuộc sống hằng ngày qua mọi hoàn cảnh. Vì thế, nhìn vào cuộc đời Kitô hữu của mình từ bao lâu nay mình sống đức tin như thế nào trong tương quan với Chúa và với tha nhân? Đã thật sự tốt chưa? Có nghĩa rằng đã trọn lành như lòng Chúa Giêsu mong muốn chưa? Nếu tốt rồi, hãy tạ ơn Chúa, nếu chưa tốt hay còn nhiều thiếu sót, lầm lỗi thì hãy ăn năn sám hối thật lòng để rồi đến hòa giải với Chúa và với anh em. Vì vậy, Mùa Vọng là mùa của sám hối để làm hòa với Chúa và với tha nhân ngõ hầu Chúa sẽ giáng sinh nơi cung lòng của mỗi người chúng ta. Thế nào là làm hòa với Chúa: xét mình, ăn năn tội, xưng thú tội, lãnh nhận ơn hòa giải, dốc lòng chừa. Việc này ai làm cũng được rất dễ. Còn làm hòa với tha nhân thì sao? Tha nhân gồm có tha nhân xa và tha nhân gần. Tha nhân xa là người dưng nước lã, bạn bè, hàng xóm… tha thứ, làm hòa hơi dễ. Còn tha nhân gần chính là vợ chồng, con cái, anh chị em ruột của tôi, bạn bè thân cận tôi hay anh chị em trong cộng đoàn và giáo xứ tôi đây. Cho nên, việc hòa giải này mới khó, khó ở chỗ rằng chúng ta biết nhau quá, thương nhau quá nhưng tại sao họ lại phạm tội này… tôi không thể tha thứ được. Khó tha thứ thật nhưng phải làm bởi vì một nhà thần học nọ nói rằng: “Trên đời người ta cần chữ viết – Chúa gửi các nhà giáo dục. Nếu người ta cần tiền – Chúa gửi các nhà kinh tế. Nếu cần giải trí – Chúa gửi các anh hề hay ca sĩ. Và cuối cùng, nếu người ta cần tha thứ – Chúa gửi các Kitô hữu vì họ không chỉ tha 7 lần mà 70 lần bảy”.
Hành động thứ 2 mà Thánh Gioan tẩy giả kêu gọi chúng ta: “làm việc bác ái”. Bác ái Kitô giáo có 2 chiều kích: bên ngoài và bên trong. Chiều kích bên ngoài trong là nhắm vào sự hiện diện của Chúa Giêsu nơi thân xác của tha nhân nên chúng ta bắt đầu sống bác ái bằng việc chăm sóc những người cần chúng ta giúp đỡ. Cụ thể, Thánh Gioan Tẩy Giả hôm nay nói: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có, ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”. Như thế, bác ái không phải là bố thí những gì dư thừa, nhưng phải là chia sẻ trong tinh thần “nhường cơm sẻ áo” “hạt gạo cắn đôi”. Chia sẻ những gì mình đang cần thiết, trong tinh thần huynh đệ, trong tinh thần yêu người khác như chính mình và cũng trong tinh thần Mến Chúa yêu người. Vậy, hãy thử nhìn lại đời sống Kitô giáo của mình: Tôi đã thực sự sống tinh thần chia sẻ. Dám cho đi cả những gì cần thiết không? Có bao giờ tôi giúp đỡ người có tội bằng cách cho họ một lời khuyên, một lời an ủi hay một lời tha thứ chưa? Thánh Têrêsa Calcutta dạy ta: “Hãy cho đi cho đến khi cảm thấy đau đớn xót xa, thì sự cho đi mới thực sự có ý nghĩa. Biết cho đi như thế, chắc chắn ta sẽ gặp được Chúa”.
Từ xưa đến nay, khi nói đến việc chuẩn bị đón mừng Chúa, chúng ta nghĩ ngay tới việc đi xưng tội, lo dọn mình sạch mọi tội lỗi, chừng đó chưa đủ vì Lời Chúa hôm nay khẳng định chúng ta hai hành động rõ ràng: sám hối để làm hòa với Chúa và với nhau đồng thời hãy sống bác ái với tha nhân để có một cuộc sống đầy tình người. Chỉ có cuộc sống chân chính không gian dối, không bóc lột, không lừa đảo, không gian tham; chỉ có cuộc sống công bình, yêu thương, chia sẻ và phục vụ mới dần dần tạo cho tâm hồn mình tinh tuyền thánh thiện hầu đón Chúa trong đời ta mọi lúc nói như Lời Chúa trong bài đọc 1: “Người là vị cứu tinh, là Đấng anh hùng, vì ta, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới ta” (Xp 3,17).
SUY NIỆM II
PHẢI LÀM GÌ ĐỂ ĐÓN CHÚA?
(Hội An 15/12/2024)
Lm Giuse Nguyễn Văn Thú
Các cuộc thi thời trang ngày càng nhiều, có cuộc thi khu vực, có cuộc thi thế giới. Ở sàn diễn thời trang, người ta dễ gặp những bộ trang phục đẹp mắt và thanh nhã, nhưng có quá nhiều trang phục lập dị, không giống ai. Nhiều người tự hỏi, tính thẩm mỹ ở đâu nơi những mẫu trang phục kỳ quái, gây “sốc” cho nhiều người mà kết quả chỉ để trưng bày trên sàn diễn, chứ không phải để mặc.
Thánh Gioan Tẩy Giả xuất hiện trước dân chúng cũng mặc trang phục kỳ dị: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da; lại thêm ăn châu chấu và uống mật ong rừng (Mc 1,6). Nơi Gioan Tẩy Giả, áo lông lạc đà và thắt dây da lưng giúp dân chúng nhận ra ông là ngôn sứ như sách Giacaria và sách Các Vua diễn tả trang phục ngôn sứ (x. Dcr 13,4; 2V 1,8). Ông không đến biểu diễn thời trang, nhưng minh chứng ông là một ngôn sứ thực thụ, có đời sống khổ hạnh ăn châu chấu và mật ong rừng. Hơn hết, ông là người đến kêu gọi mọi người thay đổi đời sống để đón Chúa đến. Kết quả là, rất nhiều người nghe lời ông, đến và tỏ lòng sám hối với câu hỏi: “Chúng tôi phải làm gì?” Lời rao giảng của Gioan sinh hoa trái nơi mọi tầng lớp dân Israel; còn lời Chúa hôm nay có sinh hoa trái nơi mỗi chúng ta không, để chúng ta thưa được với Chúa: “Lạy Chúa, chúng con phải làm gì để đón Chúa?”?
- Mùa vọng là mùa đón Đấng Emmanuel
Giữa chúng ta, có hai lối sống trong thời điểm này: một là vì quá lo lắng việc đời, khiến chúng ta không biết lúc này đã là tuần thứ ba mùa Vọng rồi và cũng không nhớ phải làm gì để đón Chúa; hai là tưởng rằng đón Chúa là lo những chuyện bên ngoài, nào là quà thiệp giáng sinh, trang trí thế nào, ăn món gì mừng lễ, nghỉ lễ giáng sinh ở đâu v.v. Cả hai lối sống ấy vẫn chưa sẵn sàng đón Chúa đến. Bởi, mọi tín hữu đều hiểu rằng đón Chúa đến thực sự không phải những gói quà hay món ăn hoặc một kỳ nghỉ ngơi, mà là mừng đón một đứa trẻ sinh ra nằm trong máng cỏ, đứa trẻ mà các ngôn sứ gọi là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Đức Bênêđictô chia sẻ, đứa trẻ Emmanuel đến gây ngạc nhiên cho nhân loại, đến giữa nhân loại trong hình hài một Hài Nhi “để chúng ta có thể yêu Ngài, để chúng ta có thể dám yêu Ngài và như một đứa trẻ, Ngài tin tưởng để chúng ta ôm Ngài trong vòng tay. Điều đó như thể Thiên Chúa nói với chúng ta, Ta biết rằng vinh quang của Ta làm con sợ hãi, vì vậy bây giờ Ta đến với con như một đứa trẻ, để con có thể chấp nhận Ta và yêu Ta.” Đón Chúa đến là đón đứa trẻ Emmanuel, Thiên-Chúa-làm-người ở với chúng ta.
Tuy được Thiên Chúa hạ mình vừa tầm với của nhân loại như thế, thử hỏi nhân loại và nhất là tín hữu chúng ta, có reo vui mừng Chúa đến với chúng ta không? Người ta có cảm giác rằng nhiều người sống xa lạ với Chúa Giê-su, như thể họ không cần Chúa, thậm chí xem Chúa là chướng ngại vật trên con đường tiến thân và lối sống tự do của họ, đến nỗi mỗi khi nhắc đến Chúa, họ cảm thấy khó chịu vì Ngài gây khó khăn cho sự buông thả của họ. Nói cách khác, nhiều người muốn mừng lễ giáng sinh với điều kiện không có Đấng Emmanuel giáng sinh ở với con người. Tuy nhiên, cũng có nhiều người thành tâm đón Chúa đến, lòng họ reo vui như dân Chúa vui bên Chúa.
Thời Gioan Tẩy Giả, trong khi nhiều người tìm đến nơi đô hội, xa tránh cơ hội chuẩn bị tâm hồn gặp Đấng Cứu Thế, thì cũng có đám đông gồm đủ hạng người: giàu-nghèo, thu thuế, binh lính đi vào nơi cô tịch với lòng khao khát chuẩn bị xứng đáng nhất để đón Chúa đến. Họ tự chất vấn chính mình, “chúng tôi phải làm gì?” Ngày nay, chúng ta cũng được lời Chúa gợi ý: bạn phải ưu tiên làm gì để đón Chúa đến với bạn?
- Tâm hồn và cuộc đời đón Chúa ngự vào
Chúng ta được mời gọi nhận thức, rằng ngay giữa lúc chúng ta đang bận rộn chuẩn bị mọi sự cho việc mừng biến cố Đấng Emmanuel giáng sinh tại Bê-lem cách đây hơn 2.000 năm, thì Đấng Emmanuel ấy lại giáng sinh tại Bê-lem của gia đình và trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Vì thế, mỗi người được mời gọi sống chậm lại, tìm nơi tĩnh lặng, với một tâm hồn cô tịch, để nghiệm thấy Đấng Emmanuel-Giê-su đang hiện diện cách kỳ diệu trong cuộc đời bình thường của chúng ta. Như dân Do Thái theo Gioan Tẩy Giả vào nơi cô tịch để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa, chúng ta được mời gọi thực hiện một mùa Chay nhỏ, nghĩa là sám hối, đến tòa Giải tội thú nhận tội lỗi, lãnh ơn tha tội và sống lại mối tương quan thân thiết với Chúa. Chúng ta phải nhìn nhận rằng: thế giới này đang có nhiều thứ tranh giành sự chú ý của chúng ta, nào là các trang mạng, nào là công việc, những lo lắng khác và tội lỗi, khiến chúng ta không chỉ không có thời giờ dành cho sự thinh lặng và cầu nguyện, mà còn hững hờ như thể không cần đến Chúa. Vì thế, rất cần vào nơi cô tịch gặp Chúa và chuyện trò với Chúa.
Thứ đến, mùa Vọng là mùa chuẩn bị cho Đấng Emmanuel đến. Việc Chúa đến với mỗi chúng ta và gia đình của chúng ta không phải là điều tự động xảy ra, nếu không có sự đón mời của chúng ta. Các chủ quán trọ không đón Chúa, nên Chúa mới sinh ra nơi hang lừa máng cỏ; cuộc sống chúng ta quá bận rộn, quá chật chội nên thường không dành chỗ cho Chúa ngự đến. Điều đó không có nghĩa Chúa vắng mặt; trái lại, Ngài đang đợi chúng ta nhận ra Ngài và gặp Ngài, đón mời Ngài vào lòng ta. Giáo Hội nhận ra Đấng Emmanuel là Thánh Thể, nên hiểu Đấng Emmanuel nằm trong máng cỏ là lương thực nuôi sống nhân loại. Giáo Hội nhận ra Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta, là Thánh Thể, nên lời “Gloria,” “Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời” được thiên thần ca ngợi Đấng Emmanuel nằm trong máng cỏ, nay Giáo Hội đưa lời “Vinh Danh “vào trong thánh lễ. Vì thế, tham dự thánh lễ và quỳ thinh lặng ngắm nhìn Thánh Thể là cách diễn tả đức tin vào Đấng Emmanuel, nhận ra Ngài hôm nay và mừng đón Ngài vào cuộc đời chúng ta.
Vậy, trước câu hỏi: “Lạy Chúa, chúng con phải làm gì để đón Chúa?”, chúng ta được trả lời: đi vào nơi cô tịch gặp Chúa, cầu nguyện với Chúa và tham dự thánh lễ, rước Chúa vào lòng xứng đáng, đồng thời thinh lặng quỳ ngắm Thánh Thể Chúa như Mẹ Maria, thánh Giuse, các mục đồng và các vua thinh lặng kính thờ Chúa. Đó là cách đón Chúa. Chúa sẽ sống trong chúng ta và với chúng ta. Đó là niềm vui của chúng ta.
SUY NIỆM III
CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG NĂM C – 2024
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Chúng ta đang sống trong bầu khí thánh thiêng của Mùa Vọng, thời gian chuẩn bị tâm hồn để đón mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể. Hôm nay, Giáo Hội dành riêng Chúa Nhật III, còn gọi là Gaudete – Chúa Nhật của Niềm Vui. Đây không chỉ là lời mời gọi, mà còn là một lời hứa: niềm vui đích thực phát xuất từ Chúa.
Nhưng làm thế nào để chúng ta thật sự vui lên trong Chúa, nhất là giữa những bộn bề, lo toan của cuộc sống hiện tại?
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Sôphônia thốt lên lời đầy xúc động: “Hãy vui mừng, hỡi con gái Sion! Hãy reo hò, hỡi Israel!” (Sph 3:14). Đó là lời mời gọi mang tính tiên tri, hướng đến dân Chúa đang phải đối diện với đau khổ, chia lìa và lưu đày.
Tại sao họ có thể vui mừng? Vì “Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đang ngự giữa ngươi” (Sph 3:17). Chính sự hiện diện của Thiên Chúa là nguồn suối của niềm vui. Người không chỉ đến để quan sát, mà còn để đồng hành, giải thoát và biến đổi mọi khổ đau thành hy vọng.
Trong đời sống, chúng ta thường cảm thấy niềm vui bị đe dọa bởi thử thách, bất an và lo lắng. Nhưng như dân Israel ngày xưa, chúng ta cần nhớ rằng Thiên Chúa luôn hiện diện bên cạnh. Chính Người là điểm tựa vững chắc, là ánh sáng dẫn đường, và là nguồn mạch của mọi niềm vui.
Trong Tin Mừng hôm nay (Lc 3:10-18), thánh Gioan Tẩy Giả không chỉ mời gọi người ta hoán cải, mà còn hướng dẫn cách sống cụ thể: “Ai có hai áo thì hãy chia cho người không có. Ai có của ăn cũng hãy làm như vậy.”
Niềm vui không phải là cảm giác tạm bợ hay những món quà vật chất xa hoa. Niềm vui đích thực phát xuất từ tình yêu trao ban. Đó là khi chúng ta biết san sẻ cho người khác, sống liên đới và gieo mầm hy vọng vào cuộc sống của họ.
Hãy tự hỏi: “Tôi có thể làm gì hôm nay để lan tỏa niềm vui Chúa?” Có lẽ, đó là một lời nói yêu thương dành cho người thân, một cử chỉ sẻ chia với người nghèo, hay đơn giản là dành thời gian lắng nghe những ai đang cần được cảm thông.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philíp (Pl 4:4) đã viết: “Hãy vui mừng luôn trong Chúa. Tôi nhắc lại: Hãy vui mừng!” Thật dễ để vui mừng khi mọi sự đều suôn sẻ, nhưng thử hỏi: chúng ta có thể vui lên khi đối diện với nghịch cảnh không?
Niềm vui trong Chúa không phải là sự phủ nhận đau khổ, nhưng là niềm xác tín rằng Thiên Chúa luôn hành động ngay cả trong đau khổ ấy. Hãy nhìn vào những con người quanh ta: có những người, dù sống trong hoàn cảnh nghèo khó hay bệnh tật, vẫn luôn mỉm cười. Họ chính là chứng nhân của niềm vui đến từ niềm tin nơi Chúa.
Khi làm mục vụ, tôi gặp một người phụ nữ bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thay vì than trách, bà vẫn bình thản, dâng mọi đau khổ lên Chúa và còn động viên những người xung quanh. Bà nói: “Chúa đã ban cho tôi biết bao nhiêu hồng ân. Bây giờ tôi chỉ muốn tạ ơn Ngài bằng cách đón nhận tất cả với niềm vui.”
Có một người phụ nữ nghèo bán hoa mỗi sáng. Một hôm, bà tặng bó hoa đẹp nhất cho một cậu bé nghèo, vì biết mẹ cậu đang bệnh. Cậu bé mang bó hoa về, và mẹ cậu mỉm cười trong nước mắt hạnh phúc. Niềm vui nhỏ bé từ bó hoa ấy không chỉ lan tỏa cho gia đình cậu bé, mà còn trở về với chính người phụ nữ bán hoa.
Niềm vui không phải điều xa xỉ, mà đến từ những hành động yêu thương nhỏ bé. Hãy nhớ rằng, khi chúng ta trao niềm vui cho người khác, niềm vui ấy sẽ trở lại với chúng ta.
Thưa cộng đoàn, Chúa Nhật III Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta rằng niềm vui không đến từ vật chất hay hoàn cảnh, mà đến từ Thiên Chúa. Người đang hiện diện giữa chúng ta, mời gọi chúng ta sống niềm vui ấy qua hành động cụ thể, và giữ vững niềm vui ngay cả trong thử thách.
Hãy để niềm vui của Chúa thấm đượm tâm hồn chúng ta và lan tỏa đến mọi người, đặc biệt là những người đang đau khổ. Hãy sống niềm vui, vì đó là dấu chỉ hùng hồn nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của chúng ta.
“Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống niềm vui trong Chúa, vượt qua mọi thử thách, để trở thành ánh sáng hy vọng cho những người xung quanh. Amen.”
Jn.nvh
SUY NIỆM IV
NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG VÀ TIẾNG NÓI…
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
Người mở đường
Khi ông Gioan xuất hiện và loan báo một thời đại mới, thì đám đông dân chúng lũ lượt, kéo nhau đến nghe ông giảng và xin ông làm phép rửa cho. Họ là một đoàn dân, là những người có tinh thần thiện chí, thuộc đủ mọi hoàn cảnh sống, mọi nghề nghiệp. Họ lắng nghe lời giảng của vị Tiền Hô, họ nhìn lại đời mình và nhận ra cần phải thay đổi lối sống. Họ chấp nhận mở rộng tâm hồn trước những hành động bất ngờ của Thiên Chúa: họ là một “dân tộc đang chờ đợi”. Một ai đó sẽ đến và sẽ tiếp tục con đường đã được khai mào trong tâm hồn họ. Chính vì thế, họ hỏi ông Gioan: “Chúng tôi phải làm gì đây?”
Có người cho rằng câu hỏi này không thích hợp lắm, vì nó hướng tới những việc cụ thể, những đòi buộc về luân lý. Nếu đám đông chỉ nghĩ đến điều này thì rõ ràng là không đủ, bởi vì điều cốt yếu, như Tin Mừng sẽ đòi hỏi, đó là sẵn sàng tiếp đón một ai đó để dấn mình vào một cuộc phiêu lưu thiêng liêng. Các đòi hỏi về luân lý chỉ là hệ quả của việc lên đường này.
Đúng thế, lên đường là điều quan trọng. Ông Gioan Tẩy Giả không phải là con đường, ông chỉ là “người mở đường”.
Tuy nhiên ông biết rõ điều cần phải làm để đón tiếp con người đang đến; đó là mỗi người phải xem xét lại những mối tương giao của mình với người khác, cũng như cách thức mình sống những tương giao đó.
Như vậy, trước câu hỏi của dân chúng, vị ngôn sứ không đòi hỏi điều gì lạ thường. Mỗi người phải hối cải tức là từ bỏ thái độ cho rằng mình đầy đủ và nhận ra nhu cầu để cho Lời Chúa tác động. Vị ngôn sứ đưa mỗi người trở về với đời thường, và đề nghị họ thay đổi, hối cải bắt đầu từ hoàn cảnh riêng của mình. Tuỳ bối cảnh sống và nghề nghiệp, mỗi người phải tìm cách thực hiện các đòi buộc về công bình xã hội, về sự tương trợ lẫn nhau và về đức bác ái.
Trong số những người đến nghe ông Gioan giảng, có những binh lính (người ngoại quốc, bị coi là kẻ bóc lột) và những người thu thuế (những người này bị kể là những kẻ phạm tội công khai vì cộng tác với thế lực ngoại bang, thế lực chiếm đóng). Chi tiết này cho thấy viễn tượng phổ quát của Tin Mừng Luca, bắt nguồn từ lời ngôn sứ Isaia: “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,5).
Những người Do thái có lòng tin thắc mắc ông Gioan có phải là Đấng Mêsia không. Ông Gioan phản bác lại ý tưởng này bằng cách minh chứng rằng, từ căn bản, phép rửa do ông cử hành không đem lại điều gì mới. Phép rửa này chỉ gợi lại những hình ảnh Thánh Kinh trong đó việc băng qua sông có nghĩa là tiến bước về ơn cứu độ. Phép rửa trong nước và Thần Khí hoàn tất ước nguyện của ông Môsê trong hoang địa, tức là đã đến ngày toàn dân trở thành “dân ngôn sứ”. Phép rửa này báo trước cuộc thay đổi toàn diện mà ông Gioan cảm thấy đã đến gần.
Nét mới của mặc khải
Trình thuật Tin Mừng hôm nay nói đến hai ngôn sứ cùng một lúc: ông Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu Kitô. Việc chuyển giao từ Giao Ước Cũ sang Giao Ước Mới diễn ra cách đơn giản, nhưng cũng theo nghi thức và phần nào long trọng. Việc nói đến hai ngôn sứ cùng một lúc, theo lối tương phản, làm nổi bật biến cố trọng tâm của toàn bộ Lịch sử Cứu độ.
Trình thuật này minh hoạ cuộc di chuyển từ hoang địa đến dòng sông:
Hoang địa hay sa mạc là nơi thử thách, nơi để thực hiện việc từ bỏ và cảm nghiệm sự cô tịch. Hoang địa là hình ảnh báo trước đồi Canvê. Gioan là một con người của hoang địa. Ông thu tóm nơi mình toàn bộ truyền thống Kinh Thánh: chính trong hoang địa, dân Do thái đã học biết kinh nghiệm về tôn giáo, đã lãnh nhận phép rửa sám hối. Theo Kinh Thánh, biến cố đặc biệt của hoang địa là bụi gai bừng cháy. Hình ảnh này báo trước cuộc biến hình đổi dạng của Đức Giêsu trên núi cao, báo trước Vinh Quang của Thiên Chúa vĩnh cửu.
Sông Giođan là dòng sông đưa tới sự sống, là bến bờ của Đất Hứa. Chính tại đây, ông Gioan đã làm phép rửa cho dân và báo trước phép rửa mới. Cũng tại đây, Đức Giêsu đã lãnh nhận nghi thức thanh tẩy của ông Gioan, để trở thành cây cầu nối giữa hai giao ước. Đức Giêsu sẽ biến đổi nghi thức của ông Gioan: ông Gioan làm phép rửa bằng nước, còn Đức Giêsu làm phép rửa trong Thần Khí.
Ngoài ra, còn phải kể đến sự thay đổi về “tiếng nói”. Ông Gioan nghe Tiếng Nói và ông chỉ là người làm dội lại. Ông công bố cuộc chiến với Thần dữ. Còn Đức Giêsu chính là Lời sống động của Thiên Chúa, như lời ông Gioan loan báo và được Chúa Cha xác nhận. Người chính là điểm nối giữa hai giao ước. Người là trung tâm, là cốt lõi của mặc khải đem lại ý nghĩa trọn vẹn cho những điều đã được nói trước và những điều sẽ được nói sau này.
Như vậy, theo thánh Luca, Đức Giêsu là một trường hợp ngoại thường về mọi khía cạnh. Tác giả Tin Mừng thứ ba nhận định rõ mối khác biệt về đẳng cấp giữa vị ngôn sứ của Giao Ước Cũ và vị ngôn sứ của Giao Ước Mới. Tuy vậy, Đức Giêsu cũng tuyên dương phẩm cách và vai trò đặc biệt của vị Tiền Hô: “Trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả” (Mt 11,11).
Thánh Luca sử dụng một công thức đơn giản, nhưng rất quyết liệt: “Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người…” (Lc 3,16). Người ta có thể nghe thấy câu nói này nơi nhiều ông thầy khi ông nhận ra tài năng của người học trò. Tuy nhiên, câu nói này của ông Gioan còn có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều: “Có người đến sau tôi, nhưng trổi vượt hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1,30).
Lời tuyên bố này làm người ta liên tưởng đến câu mở đầu Tin Mừng thứ tư: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời” (Ga 1,1). Do đó, tiếng nói từ trời vọng xuống khi Đức Giêsu chịu phép rửa không còn là lời tiên tri, không còn là lời hứa, nhưng chính là tiếng nói của mặc khải, tiếng nói của sự hiện diện, Đấng từ Ta mà đến, chính là Lời Ta. Nơi Người có tràn đầy Ân Sủng và Sự Thật.
Hiện diện bằng lời
“Thiên Chúa, Đấng từ trước tới nay vẫn ẩn mình, nay đã không còn muốn chỉ là Thiên Chúa dành cho những nhà thần bí hay một vài người muốn phiêu lưu tìm về tuyệt đối. Người đã muốn trở thành Thiên Chúa cho mọi người, cho cả nhân loại, kể cả những cô gái điếm, người thu thuế, người ở thôn quê lẫn người ở thành thị. Chính vì thế, Người đã cho Dân Do thái biết rằng Người sẽ không còn hiện diện với họ qua lời nói, qua các ngôn sứ. Đây chính là nét mới của mặc khải. Từ nay, ngọn lửa sẽ là lời nói.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý: không phải là bất cứ lời nói nào, không phải là bất kỳ một ngôn sứ giả danh nào. Thời đại chúng ta có rất nhiều tiếng nói hoa mỹ của những người muốn mê hoặc quần chúng để phục vụ cho kế hoạch riêng tư. Một lời nói mà mọi lương tâm ngay thẳng có thể nhận ra phải chứa đựng sự thật. Lời nói này không vặn vẹo, nhưng có sức xuyên thủng tâm hồn. Lời nói ấy thiêu đốt lương tâm, nhưng là để đánh thức và giải phóng…” (Theo A.M. Bernard).
* * * * *
Lạy Chúa, con không ở một mình nhưng chung quanh con là cả một đám đông vô hình. Chúa là Đấng Vô Biên, là Cha của tất cả mọi người, là mục tử của đám đông nhân loại đang sống chen chúc tại Trung Quốc, hay tại những hòn đảo ở Nhật Bản.
Chúa là Cha của những người Châu Phi, của những phật tử, của tất cả những ai đang chờ đợi! Xin Chúa thương chúc phúc, vì công việc lớn lao và cao cả này mà Chúa đã trao vào tay con. (Theo P.Charles, Lời nguyện truyền giáo)
Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ
Chúa Nhật 3 Mùa Vọng, Năm C
(nguồn: giaophancantho.org)
- VUI LUÔN TRONG CHÚA
Một buổi sáng nọ, khi văn hào Mark Twain (Samuel Clemens: 1835-1910) và một người bạn đồng môn đang đi bộ từ nhà thờ về nhà, họ nghe thấy tiếng sấm sét ầm ầm trên đầu và ngay lập tức mưa bắt đầu rơi nặng hạt. Khi họ nháo nhào tìm nơi trú ẩn, bạn của Twain lo lắng hỏi: “Anh có nghĩ rằng mưa sẽ mau dừng lại không?!” “Mưa xong phải dừng lại chứ!”, Twain mau mắn đáp. –Sự lạc quan lành mạnh của Twain nhắc chúng ta cần nhìn mọi thứ như chúng vốn là. Thay vì phóng đại những khó khăn bình thường trong cuộc sống thành những thảm họa to lớn và do đó kết thúc bi thảm, những người lạc quan duy trì một cái nhìn tích cực giúp họ đối phó một cách hợp lý trước mỗi hoàn cảnh cụ thể. Khi Phaolô mời gọi các tín hữu Philípphê thể hiện sự lạc quan tương tự, ngài cũng cho họ biết ngay những ưu điểm của thái độ ấy. Thật vậy, họ có thể vui mừng và thậm chí luôn vui mừng, không chỉ đơn giản vì họ đã học biết cách duy trì một cái nhìn tích cực đối với cuộc sống, mà bởi vì Thiên Chúa, nguồn mọi sự bình an đã ở gần họ! (Theo tài liệu của cha Sanchez).
- CHUYỂN TIẾP
(Pay It Forward)
Bộ phim Pay It Forward (dựa trên tiểu thuyết của Catherine Ryan Hyde) có cùng một chủ đề: nguồn gốc của niềm vui và hạnh phúc, liên quan đến phụng vụ hôm nay. Phim kể về câu chuyện của một giáo viên lớp bảy (Eugene Simonet) và cậu học sinh mười một tuổi (Trevor). Vào ngày đầu tiên của lớp học, giáo viên viết lên bảng câu thực tập này: “Em hãy nghĩ về một điều gì đó mới mẻ sẽ làm thay đổi thế giới, và hãy hành động theo những gì em nghĩ.” Ý tưởng này hấp dẫn cậu Trevor, người sống với một bà mẹ đơn thân, nhưng lại là một người mẹ nghiện rượu. Cậu cố gắng biến ý tưởng của mình thành hành động bằng cách giúp mọi người, mà cậu nghĩ đến lượt họ, sẽ “pay it forward” bằng cách giúp người khác. Cậu vẽ một vòng tròn trong cuốn sách bài tập và viết tên của mình ở giữa. Từ vòng tròn đó, cậu kéo dài ba đường kẻ, ở cuối đường kẻ là ba đường tròn nữa. Trong vòng tròn đầu tiên, cậu viết tên mẹ của mình. Cậu sẽ cố gắng giúp bà từ bỏ chứng nghiện rượu. Trong vòng tròn thứ hai, cậu viết tên của một bạn cùng lớp đang bị các bạn nam lớn hơn trong trường bắt nạt. Cậu sẽ coi đó là nhiệm vụ của mình phải bảo vệ người bạn này. Trong vòng thứ ba, cậu viết tên của giáo viên phụ trách lớp, người mà cậu sẽ cố gắng thuyết phục để yêu mẹ mình. Đây là những thách thức lớn đặt ra với cậu bé. Bộ phim sau đó cho thấy những trở ngại mà cậu thiếu niên phải đối mặt trong nỗ lực thay đổi thế giới quanh mình. Cuối cùng, phim Pay It Forward truyền cảm hứng cho chúng ta về khả năng biến thế giới trở nên tốt đẹp hơn, thay đổi mỗi người bằng những “hành động tử tế ngẫu nhiên” và bằng tình yêu thương. Bộ phim dạy chúng ta rằng khi ai đó làm cho chúng ta một việc tốt, chúng ta cũng nên “pay it forward” bằng lòng tốt của mình. Kết quả cuối cùng là hòa bình và niềm vui được trải rộng. Đó là chủ đề chính của các bài đọc Chúa nhật III Mùa Vọng hôm nay.
3.VẾT BỚT
Nathaniel Hawthorne có viết một truyện ngắn mang tựa đề “Vết bớt bẩm sinh”. Đó là câu chuyện về một người đàn ông kết hôn với một phụ nữ rất xinh đẹp nhưng lại có một vết bớt trên má trái. Cô luôn coi đó là một nét đẹp, nét duyên thầm, nhưng chồng cô lại cho là dấu hiệu của sự không hoàn hảo, một khuyết điểm. Nó bắt đầu ám ảnh anh đến nỗi tất cả những gì anh có thể nhìn thấy trên khuôn mặt của vợ chỉ là vết bớt. Anh không thể nhận ra vẻ đẹp, sự duyên dáng hay nhân cách tuyệt vời của vợ. Anh chỉ tập trung vào những gì anh cho là thiếu sót. Anh cứ chê bai cô cho đến khi cuối cùng cô phải chịu phẫu thuật để loại bỏ cái gọi là “tiêu điểm bất toàn”. Vết bớt cuối cùng cũng mờ đi, nhưng sức khỏe của cô cũng hao mòn dần. Trong tâm trí của Hawthorne, vết bớt đó gắn liền với con người của cô ấy và ngay sau khi nó được xóa bỏ, cô ấy đã chết. Một người tìm kiếm sự hoàn hảo cuối cùng chẳng được gì. Đó không phải là điều Chúa muốn.
* Khi nghĩ về Mùa Vọng và nghe những từ như “ăn năn”, “hoán cải” “hoàn hảo”…, nhiều khi chúng ta có những ý nghĩ tiêu cực trong tâm trí. Nhưng Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết sám hối là điều tích cực. Sám hối có nghĩa là thay đổi hướng đi riêng để trở về với con đường của Chúa, hầu đạt được mục tiêu Chúa dành cho cuộc đời bạn. (Cha Tony)
- BIẾN ĐỔI
Trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, các lực lượng cộng sản xâm chiếm thành phố Hungnam và bắt đầu hành quyết hàng loạt những người Triều Tiên bị nghi ngờ có thiện cảm với Mỹ. Hải quân Mỹ đã đối phó với hành động tàn bạo này bằng cách cử 200 tàu đến sơ tán những người tị nạn khỏi Hungnam. Vào ngày 22 tháng 12 năm 1950, thuyền trưởng Leonard LaRue và thủy thủ đoàn đã lái con tàu của họ, Meredith Victory, đến bến cảng Hungnam. Nó được đưa vào hoạt động như một tàu phục vụ người tị nạn. Hơn 14000 người tị nạn Triều Tiên tuyệt vọng chen chúc lên tàu. Thuyền trưởng LaRue cầu nguyện trong im lặng khi người của ông nhổ neo và hướng đến Hàn Quốc. Trong vài ngày tiếp theo, thủy thủ đoàn và hành khách phải chịu đựng nhiệt độ đóng băng. Chỉ có tạm thức ăn và nước uống để giúp họ bớt cồn cào bụng dạ, nhưng không đủ để thỏa mãn cơn đói của họ. Họ thường xuyên gặp nguy hiểm trước hỏa lực của kẻ thù. Trong lúc khó khăn, thuyền trưởng LaRue lại nhận thấy có sự thay đổi trong thái độ cư xử của những người lính của mình. Họ đã tặng thức ăn và quần áo của chính họ cho những người tị nạn. Bảy đứa trẻ được sinh ra trên con tàu, mỗi đứa trẻ đều được đỡ bởi các thủy thủ tận tâm. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 1950, tàu Meredith Victory đã đến được bến cảng an toàn, thuyền trưởng LaRue cảm tạ Chúa; ông chợt nghĩ đến Mẹ Maria, thánh Giuse và Chúa Giêsu cũng đã biết cái đói, cái lạnh và sự nguy hiểm. Không một sinh mạng nào bị mất trên chuyến hải trình. Thuyền trưởng Leonard LaRue đã nhận được các giải thưởng quân sự cao của chính phủ Hàn Quốc và Hoa Kỳ vì đã tham gia cuộc giải cứu người tị nạn đầy khó khăn.
* Bốn năm sau, thuyền trưởng LaRue rời quân ngũ để gia nhập một tu viện Benedictine, nơi ông muốn dành trọn phần đời còn lại của mình cho Chúa. Trong nhật ký, ông viết: “Dấu chỉ thật rõ ràng, không thể nhầm lẫn đến với tôi rằng, trên tàu Christmastide ở vùng biển nguy hiểm và đầy đe dọa ngoài khơi Hàn Quốc hôm ấy, bàn tay của Chúa đã điều khiển con tàu của tôi.” [Thomas Fleming, “Hàng hóa quý giá”, Guideposts (tháng 12 năm 2002), trang 29-32]
- GẶP CHÚA TRỰC DIỆN
Một câu chuyện cổ Nga kể về một người nông dân tên là Diametric, người giống như ông Simêon trong Phúc Âm thánh Luca (2,26), mong muốn được gặp Chúa mặt đối mặt trước khi chết. Ông cầu nguyện với thánh Nikolas, vị hứa sẽ ban cho ông điều ước. Vị thánh tiếp tục chỉ cho ông địa điểm và ngày giờ gặp gỡ Chúa. Khi thời gian cho biến cố trọng đại gần đến, Diametric phải bắt đầu cuộc hành trình dài để đến nơi hẹn. Ông chỉ có một điều trong đầu: cuộc gặp gỡ Chúa. Nhưng trên đường, ông lại gặp một người nông dân già bị hỏng xe. Lúc đó ông ở vào thế tiến thoái lưỡng nan: phải dừng lại giúp người nông dân hay phải vội để đến đúng hẹn với Chúa? Trái tim nhân hậu của ông đã chiến thắng, ông quyết định ở lại để giúp sửa cái xe hàng cho người nông dân già. Ông phải mất hàng giờ để làm xong công việc đó và do vậy không bao giờ còn cơ hội gặp được Chúa nhãn tiền. Đêm đó, thánh Nikolas xuất hiện với ông trong một giấc chiêm bao và nói: “Bạn của tôi ơi, bạn đã gặp Chúa rồi. Nó đã xảy ra khi bạn giúp người đàn ông vô danh đó đang gặp khó khăn.” (Trích dẫn bởi Cha Benitez).
- NÓNG LÒNG MONG ĐỢI
Trong câu chuyện ngụ ngôn thần tình của Antoine de Saint-Exupéry, Hoàng tử bé (Le Petit Prince, 1943), nhân vật chính trẻ tuổi đến từ một hành tinh khác, bỗng thấy mình bị mắc kẹt trên trái đất. Sợ hãi và hoang mang, anh ta được một con cáo tận tình giúp đỡ trong những ngày hoạn nạn. Khi hoàn cảnh buộc cả hai phải xa nhau, con cáo nằng nặc đòi cho được họ phải ấn định thời gian chính xác cho lần gặp mặt tiếp theo. Khi hoàng tử bé hỏi cáo về sự khăng khăng của nó muốn có một thời điểm chính xác, cáo trả lời: “Bởi vì nếu tôi biết bạn đến vào lúc bốn giờ chiều, thì tôi sẽ bắt đầu cảm thấy hạnh phúc ngay vào lúc ba giờ!”
* Theo một nghĩa nào đó, tiên tri Sôphônia cũng muốn khuấy động sự phấn chấn tương tự nơi những người cùng thời với ông. Ông muốn nói: “Chúa sắp đến rồi. . . Ngày đó đang đến rất nhanh, bạn đã có thể bắt đầu hạnh phúc rồi đó!” (Tài liệu của cha Sanchez).
- SỬA CHỮA THẾ GIỚI
Một người bạn đã chỉ cho tôi một trang web mời gọi mọi người đóng góp các giải pháp hoặc ý kiến về “cách sửa sai thế giới”. Họ đã đề ra nhiều biện pháp khắc phục thú vị, đa dạng, từ “cách chạy xe cẩn thận ngoài đường” đến “việc giải quyết nạn đói trên thế giới”… Giống như hầu hết các phát minh hoặc những ý tưởng mới được thai nghén, tất cả dường như vẫn thiếu một thứ gì đó. Tuy nhiên, chính những gì bỏ qua lại là nhân tố chính giúp tìm ra một giải pháp thỏa đáng. – Trong Bài đọc I hôm nay (Sp 3,14-18) “vấn đề” về thế giới đã được nói rõ. Có quá nhiều tai ương xảy ra trong đời sống khiến người ta kinh hãi rụng rời. Bất công xã hội và thiếu tình yêu thương là căn nguyên của mọi vấn đề, gây ra và làm trầm trọng thêm do sự bất trung của dân Chúa. Các tiên tri đã chỉ ra “khả năng cốt lõi” để giải quyết vấn đề: công lý và tình yêu. Sôphônia hôm nay cho chúng ta biết: “Chúa sẽ vui mừng hoàn hỉ, sẽ lấy tình thương của Ngài mà đổi mới dân Chúa”. Thiên Chúa đã đi bước trước, Ngài xử với chúng ta bằng tình thương và sự tha thứ. Đến lượt chúng ta, chúng ta cũng phải sống với tha nhân như vậy. Chỉ như thế chúng ta mới “sửa sai được thế giới”. Hãy bắt đầu ngay trong Mùa Vọng này!
- CHUYỆN MỘT CON VỊT
Charles L. Allen đã từng kể về một con vịt trời. Chú vịt này có thể bay cao và bay rất xa, nhưng một ngày nọ, nó đáp xuống một chuồng trại. Ở đó cuộc sống chắc chắn ít thú vị hơn nhưng lại dễ dàng hơn. Vịt bắt đầu ăn no và sống với những con vịt đã được thuần hóa và dần dần nó quên cách bay. Nó trở nên béo mập và lười biếng. Tuy nhiên, vào mùa xuân và mùa thu, khi những con vịt trời bay cao trên bầu trời xanh, có điều gì đó khuấy động bên trong nó, nhưng nó không thể đứng dậy để tham gia bay cùng chúng. Một bài thơ về con vịt này kết thúc bằng những dòng như sau: Nó từng là một con vịt khá đẹp so với hình dáng của nó, / Nhưng nó không còn phải là con vịt mà nó đã từng như trước. [Charles L. Allen, In Quest of God’s Power (Old Tappan, N.J: Fleming H. Revell Co., 1952).]
* Có thể chúng ta không muốn mình trở thành một kiểu người tầm thường nào đó. Nhưng cuộc sống đời thường, theo năm tháng kéo ghì bạn xuống. Cần có một lực đẩy mạnh giúp chúng ta bật dậy để bước theo một ơn gọi thiêng liêng. Sức mạnh đó đang ở trong ngày hôm nay, trong thời gian hồng ân là Mùa Vọng.
- TẠI SAO KHÔNG ĐÁNH ĐÒN
Anh Bob Beasley thuộc về một cộng đoàn Giáo hội Tin Lành Giám lý ở Canada, một Giáo hội theo truyền thống là rửa tội bằng cách dìm người xuống giếng. Một ngày chủ nhật nọ, khi gia đình trở về từ nhà thờ, cô con gái nhỏ của anh hỏi: “Bố ơi, tại sao mục sư lại đẩy anh chàng đó xuống nước? Tại sao hả bố?” Vợ của Bob đã cặn kẽ trả lời câu hỏi của con, nhưng cô gái nhỏ tên là Rena, không hài lòng. Tối hôm đó, Bob và vợ đã cố gắng đưa ra câu trả lời từ quan điểm của tín đồ Giám lý mà tâm trí của một đứa trẻ có thể hiểu được. Họ nói về tội lỗi và nói với Rena rằng khi một người quyết định sống cho Chúa Giêsu và “hướng thiện”, họ phải được rửa tội. Hai người cố gắng giải thích rằng nước tượng trưng cho việc Chúa Giêsu rửa con người khỏi tội lỗi; khi họ ra khỏi nước thì trở nên “sạch”, điều đó có nghĩa là từ đó họ sẽ cố gắng trở nên “tốt hơn”. Rena nghĩ về điều này một lúc và hỏi lại: “Tại sao nhà thuyết giáo không đánh đòn anh ta?”
(Trích dẫn bởi Dale Bigham, www.ardenroadbaptist.com/sermon/ephesians/ephesians28.html.)
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm