Chúa Nhật III Phục Sinh Năm A
CN 3 PS.A
23-4-2023
Lc 24,13-35
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ An Hải
GIÁO HUẤN SỐ 22
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Hoạt Động có Năng Lực Thánh Hóa (tt)
Nói vậy không có nghĩa là phớt lờ nhu cầu cần có những khoảnh khắc an tĩnh, cô tịch và thinh lặng trước mặt Chúa. Hoàn toàn không phải thế. Sự có mặt của những môn đồ công nghệ luôn đổi mới, sự hào hứng của du lịch, và những dẫy hàng tiêu dùng bất tận nhiều khi không còn chỗ chứa cho người ta nghe tiếng Chúa. Chúng ta bị tràn ngập bởi những lời nói, bởi những thú vui hời hợt và vởi mọi sự ồn ào ngày càng tăng, chúng ta bị lấp đầy không phải bởi niền vui mà bởi sự nhăn nhó bất mãn của những người mà đời sống của họ đã đánh mất ý nghĩa. Làm sao chúng ta có thể không nhận ra nhu cầu phải dừng cuộc bon chen ấy và tìm không gian riêng tư cần thiết để có một cuộc tâm sự chân thành với Thiên Chúa ? Việc tìm ra không gian ấy có thể gay go , nhưng luôn đem lại trái ngọt. Sớm hay muộn, chúng ta phải đối diện với con người thật của mình và cho phép Chúa bước vào. Điều này không thể xảy ra trừ khi chúng ta thấy mình đang lao vào vực thẳm của một cám dỗ khủng khiép hay cảm thấy choáng váng vì đang đứng trên vách chênh vênh của tuyệt vọng, hoặc ta thấy mình hoàn toàn đơn độc và bị bỏ rơi. Trong những hoàn cảnh như thế, chúng ta tìm thấy động lực sâu xa nhất để sống tận lực sự dấn thân cho công việc của mình (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 29).
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Những Nhà thờ, Mình Thánh đầu tiên ở Việt Nam
Sau khi tới Cửa Hàn (18-1-1615) công việc đầu tiên của cha Buzomi là cất tạm một nhà nguyện cho người Bồ trong thời gian đến buôn bán… Lễ Phục sinh năm đó cha được sung sướng dâng lễ đầu tiên ở quê hương thứ hai của cha trong nhà nguyện mới và đón nhận 10 người tân tòng, những bông lúa đầu mùa của cha (cha Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, quyển I, trang 59).
.Một cụ ông 85 tuổi, Đắc Lộ gọi là Sãi, thông thạo chữ Hán, được dân chúng trong vùng rất kính trọng, xin gia nhập đạo, mang tên thánh là Gioakim… Cụ thấy Đắc Lộ phải giảng giải, dâng thánh lễ, làm bí tích thánh tẩy trong một ngôi nhà quá chật hẹp, nên cụ dâng ngay một miếng đất gần đó để làm một nhà thờ bằng gỗ theo kiểu địa phương. Dân chúng đóng góp vật liệu như tre, gỗ, cón các thương gia Bồ góp công sức trang trí nhà thờ. Đây là ngôi nhà thờ đầu tiên ở Đàng Ngoài được khánh thành ngày 3-5-1627 mang tước hiệu ‘Tìm Thấy Thánh Giá’ (cha Đỗ Quang Chính, Tản Mạn Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trang 54-55).
Cũng tại An Vực vào khoảng cuối tháng 5-1627 gần ngôi nhà thờ nói trên đây, có một nhóm người phong cùi tụ họp sống chung với nhau, được Đắc Lộ đến thăm dạy giáo lý làm cho nhiều bệnh nhân tin đạo dễ dàng. Trong số bệnh nhân này, một người tên thánh là Simon, khá thành thạo chữ Hán, nên ông tình nguyện chăm chỉ chép lại các kinh, kể cả kinh Mười Điều Răn do Đắc Lộ trực tiếp đọc cho Simon chép để học, rồi ông dạy lại cho các bệnh nhân trong nhóm . Chính nhóm người không được may mắn này bị cách ly với đồng bào, chẳng mấy ai dám đến gần, cũng chẳng dám vào nhà thờ mới dựng gần đó, nên họ tự động dựng một nhà nguyện ngay trong hàng rào trại của họ, cứ ngày ngày họ đều họp nhau trong nhà nguyện đọc kinh chung trước bức ảnh do Đắc Lộ tặng cho họ (ĐQC, sđd, trang 55).
Đầu tháng 3-1640 Đắc Lộ ra Huế, sau hơn 14 năm trời vắng mặt, bái yết chúa Nguyễn Phúc Lan với nhiều lễ phẩm quí giá, làm nhà chúa rất hài lòng. Được tin cha Đắc Lộ tới, bà Minh Đức liền mời cha vào dinh bà. Tại đây Đắc Lộ làm việc bất kể ngày đêm, gặp gỡ bổn đạo, dâng thánh lễ mỗi ngày. Bổn đạo ùn ùn kéo đến, không sợ hãi nhờ uy tín vai vế của bà. Các ngày lễ cha phải dâng nhiều thánh lễ mới đáp ứng được nhu cầu số đông bổn đạo. Tuần Thánh năm 1640 được cử hành long trọng, sốt sắng trong chính nhà nguyện của bà, sau này Đắc Lộ phải ghi nhận : ‘Tôi xin thành thật thú nhận rằng tại đây chứ không phải ở Âu châu, người ta cảm nghiệm được cuộc thương khó của Chúa chúng ta’(ĐQC, sđd, trang 57-58).
Ngày 25-1-1836 nhằm mồng 6 Tết Nguyên đán, nhà vua ra một chiếu chỉ vạch ra những điều gọi là ‘tội ác của đạo Da-tô’. Các thừa sai dùng một thứ bánh mê hoặc dân chúng giữ đạo tới cùng (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập II, trang 68).
Vào mùa thu năm 1916, tháng 9 hay tháng 10, ba em đem chiên tới đồng cỏ Ca-bê-cô, Thiên Thần hiện ra lần thứ ba. Các em đang quì cầu nguyện và đầu cúi xuống đất, một ánh sáng chói sáng chiếu chung quanh và trên người các em. Các em ngẩng đầu lên thì thấy Thiên Thần Hòa Bình. Tay trái cầm chén thánh. Mình Thánh đứng lơ lửng trên chén thánh. Những giọt máu từ Bánh Thánh rơi xuống chén thánh.
Thiên Thần bỏ tay, chén thánh và Mình Thánh lơ lửng trên không. Thiên Thần quì xuống bên cạnh ba em . Thiên Thần bảo các em chầu kính Thánh Thể. Các em cùng Thiên Thần cúi đầu sát đất, thờ lạy Chúa Giêsu trong Thánh Thể.
Thiên Thần dạy ba em lời cầu nguyện quan trọng này : “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, con thờ lạy Chúa. Con dâng Chúa Mình, Máu, Linh Hồn và Thiên tính của Chúa Giê–su Ki–tô hiện diện trong các nhà chầu trên thế giới, và đền tội những xúc phạm, những bất kính, những khinh thường Chúa. Nhờ công ơn vô biên của Trái Tim rất thánh Chúa và Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ Ma–ri–a, con xin Chúa thương cho những người tội lỗi được trở về”.
Thiên Thần bảo các em lặp lại lời cầu nguyện này ba lần. Sau đó Thiên Thần đứng dậy cầm chén thánh và Mình Thánh. Thiên Thần đến gần Luxia và cho em rước Mình Thánh, cho hai em Phan-xi-cô và Gia-xin-ta rước Máu Thánh.
Thiên Thần lại cúi đầu xuống đất và cầu lời nguyện này ba lần. Các em cũng cầu nguyện như Thiên Thần. Thiên Thần biến đi, các em vẫn cầu nguyện. Ơn Chúa hoạt động mạnh mẽ nơi tâm hồn các em, giúp các em sửa soạn đón gặp Đức Nữ Vương Thiên Đàng (Trong tập sách “Our Lady Of Fatima” của bà Donna-Marie Cooper O’Boyle. Nhà xuất bản Franciscan Media 2017).
xxx
Những câu chuyện ‘nhà thờ’, ‘Mình Thánh’ giúp chúng ta say mến ‘Lời Chúa, Thánh thể’ trong Bài Tin Mừng thánh lễ 3 Phục sinh hôm nay.
Bài Tin Mừng (Lc 24,13-35) : Bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Để cho thấy sự không tin dẫn các môn đệ tới đâu. Lu-ca kể cho chúng ta chuyện hai môn đệ bỏ đi về quê. Sau khi đã nghe các bà và cả ông Phê-rô kể lại, hai người này vẫn bỏ đi. Chân họ bỏ đi nhưng lòng họ chẳng thể quên chuyện mới xảy ra. Họ ra đi với bộ mặt đám ma.
Chúa Giê-su như người mục tử đi tìm con chiên lạc. Chúa tới đồng hành với họ. Chúa không đột ngột . Chúa cho họ cơ hội bộc lộ tất cả những gì đang mang nặng trong tim, rồi Chúa dùng ánh sáng Sách Thánh và hơi ấm của ‘Người sống’ để soi sáng và sưởi ấm lòng họ. Khi Chúa giả bộ phải đi xa hơn thì họ nài nỉ Chúa ở lại với họ. Và khi Chúa bẻ Bánh thì mắt họ mở ra, họ nhận ra Chúa, nhưng Chúa đã biến mất. Bấy giờ họ mới nhận ra sự biến đổi diễn ra trong lòng họ nhờ Lời Chúa nói với họ và giải nghĩa Sách Thánh cho họ. Họ lập tức đứng dậy quay về Giê-ru-sa-lem.
Câu chuyện này dài và chiếm phần giữa của chương cuối sách Tin Mừng Lu-ca bắt ta phải suy nghĩ. Chúa nuôi dưỡng lòng tin của chúng ta. Lời Chúa làm cho lòng chúng ta bừng cháy. Bẻ Bánh xé tấm màn che mắt chúng ta để nhận ra Chúa. Khi Chúa nói về cuộc Thương Khó và Phục sinh thì ‘lời ấy còn bị che giấu đến nỗi các ông không nhận ra ý nghĩa’. Bây giờ khi Chúa bẻ bánh thì bức màn che giấu kia bị xé ra, cũng như ‘bức màn trong Đền thờ xé ngay chính giữa’ (Lc 22,45). Có nhận ra ý nghĩa cái chết của Chúa thì mới nhận ra Chúa Phục sinh.
Hai người môn đệ lập tức quay về Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem là điểm tới trong cuộc hành trình của Chúa Giê-su trở thành điểm khởi hành của các môn đệ Chúa đưa họ tới điểm khởi hành mới để cùng lên đường thi hành sứ mạng (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Lu-ca, trang 130-131).
Cầu nguyện
Lạy Chúa, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua,
Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại,
và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa.
Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban,
và nắm chắc hy vọng được phục sinh vinh hiển.
Chúng con cầu xin.
SUY NIỆM II
TỪ EMMAUS ĐẾN THÁNH LỄ
(Hội An 23/4/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Thánh sử Luca tường thuật, hai môn đệ đi về làng Emmaus, là nơi trước đây họ đã rời bỏ để đi theo Chúa, nay trở về với vẻ mặt buồn rầu, vì Thầy Giê-su đã chết trên thánh giá và hôm nay có người bảo không tìm thấy xác Chúa, có kẻ nói Chúa đã sống lại. Mọi sự trở nên đen tối đối với họ, bởi họ không hy vọng gặp lại Thầy Giê-su. Có bao giờ bạn rơi vào tình cảnh như của các môn đệ Emmaus chưa? Có bao giờ bạn chới với trong hoàn cảnh của mình vì không thấy Chúa Giê-su trong cuộc đời chưa? Lời Chúa mời gọi chúng ta khám phá ánh sáng giữa đêm tối, niềm vui giữa chán chường, niềm hy vọng giữa rã rời, vì Chúa Giê-su phục sinh đang sống với chúng ta trong thánh lễ mọi ngày.
- Từ cuộc gặp gỡ tại Emmaus đến Thánh Lễ
Vào chiều ngày lễ Phục Sinh, có một Vị Khách lạ cùng đi với hai môn đệ Emmaus. Ngài nhập đoàn, ở giữa họ trong cơn ưu phiền của họ. Vị Khách ấy là Chúa Giê-su phục sinh. Nhưng các ông không mường tượng được Vị Khách ấy là Thầy Giê-su của mình, chỉ vì tâm trí họ rã rời, chỉ bởi vì họ không tin vào lời Chúa báo trước sẽ sống lại. Quả thật, ưu sầu khiến họ nhìn lại quá khứ, âu lo khiến họ nhìn quanh đầy sợ hãi, chỉ khi tin vào Chúa Phục Sinh, mọi ưu phiền và thất vọng sẽ nhường chỗ cho niềm vui và sự sống.
Chúa Giê-su Phục Sinh là Vị Khách lạ đó, đi bên cạnh các môn đệ, đem lại sự sống và niềm vui cho các ông. Ngài làm gì? Ngài gặp gỡ và hiện diện với các ông. “Ngài tiến lại gần và cùng đi với các ông.” Đó cũng là sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong cộng đoàn dâng thánh lễ. Chúa đã nói: “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì ở đó có Thầy giữa họ” (Mt 18,20). Cộng đoàn đức tin đang tụ họp nhau cử hành thánh lễ, thì có Chúa giữa.
“Nhưng mắt họ bị ngăn cản không nhận ra Ngài.” Hai môn đệ Emmaus không nhận ra Chúa Phục Sinh đang hiện diện giữa họ; nhiều tín hữu hôm nay không nhận ra Chúa giữa cộng đoàn của những người đã lãnh bí tích Rửa Tội đang làm thành Thân Thể mầu nhiệm Chúa Giê-su. Chính sự hiện diện của Chúa giữa cộng đoàn làm cho cộng đoàn và mỗi chúng ta đáng trọng, bởi biết mình được Chúa yêu. Mỗi cá nhân có thể thắng vượt được những nghiệt ngã cuộc đời khi biết có ai đó đang thương yêu mình. Chúa đang hiện diện giữa chúng ta và đang thương yêu cộng đoàn chúng ta, nền tảng đức tin đó khiến các môn đệ Emmaus an tâm và lòng chúng ta hôm nay hân hoan khi cử hành thánh lễ và hoạch định cuộc đời mình.
Ở giữa các môn đệ Emmaus, Chúa Giê-su phục sinh giải thích Thánh Kinh và lòng các môn đệ bừng bừng cháy khi nghe lời Chúa. Họ thố lộ với nhau kinh nghiệm đức tin ấy: “Lòng chúng ta đã chẳng bừng bừng cháy khi Ngài giải thích Thánh Kinh cho chúng ta đó sao?” Lòng họ bừng cháy vì được tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giê-su là Lời Hằng Sống. Chính lời Chúa làm lòng họ cháy bỏng và biến đổi đời họ. Trong thánh lễ, Ki-tô hữu được nghe lời Chúa, đặc biệt trong bài Tin Mừng, Chúa Giê-su Phục Sinh trực tiếp nói với chúng ta. Chúa Phục Sinh muốn làm bừng cháy lòng chúng ta bằng lời của Ngài và hướng lòng tín hữu theo lời của Ngài. Nếu lòng tín hữu không bừng cháy nhờ lời Chúa, thì lòng nguội lạnh của họ giúp ai sốt mến được? Vì vậy, đừng đánh mất niềm hứng khởi từ lời Chúa được nghe.
Hai môn đệ Emmaus còn chia sẻ, mắt họ sáng ra và họ nhận ra Chúa Giê-su phục sinh khi Chúa bẻ bánh. Yếu tố quyết định làm cho hai môn đệ nhận ra Chúa đã sống lại là Chúa cầm lấy bánh, chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Họ nhớ lại Chúa đã thực hiện các cử chỉ này trong bữa Tiệc Ly và nói với họ “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy, nên mắt họ sáng lên vì nhận ra Chúa. Tuy nhiên, khi họ vừa nhận ra, thì Chúa đã biến mất. Đấng bẻ bánh giờ đây trở thành tấm bánh. Đó là mầu nhiệm đức tin của tín hữu chúng ta khi cử hành thánh lễ. Tấm bánh chính là Chúa Giê-su phục sinh đang ở giữa chúng ta, ở trong lòng chúng ta khi chúng ta rước lấy và làm cho lòng chúng ta cháy bừng thêm.
- “Xin ở lại với chúng con”
“Lòng bừng cháy” vì được nghe lời Chúa, “mắt sáng ra và nhận ra Chúa,” những kinh nghiệm đức tin đó làm nảy sinh lòng khát khao nơi các môn đệ Emmaus. Họ khẩn khoản mời Chúa Phục Sinh: “Xin Ngài ở lại với chúng tôi” (Lc 24,29). Họ khao khát được nghe mãi lời Chúa và tham dự mãi cử hành bẻ bánh. Chúa đã nhận lời. Chúa ở giữa họ khi họ tụ họp với nhau, Chúa ở với và cho họ nghe lời Chúa, Chúa ở lại với họ trong Tấm Bánh Thánh Thể. Chúa ở giữa họ và cùng đi với họ trở về Giêrusalem loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Đó là cách thế Chúa ở lại với chúng ta mọi ngày cho đến ngày tận thế như lời Ngài hứa.
Vì thế, mỗi khi tham dự thánh lễ, chúng ta sống kinh nghiệm đức tin của các môn đệ Emmaus: khẩn khoản mời Chúa ở lại với chúng ta, khát khao tham dự thánh lễ, vì vui mừng thấy Chúa đang ở giữa cộng đoàn, lòng bừng cháy vì được nghe lời Chúa, mắt sáng lên vì nhận ra và rước Chúa Giê-su phục sinh vào lòng. Xin Chúa cho niềm vui có Chúa làm cho chúng ta khi trở về nhà hạnh phúc sống đức tin vào Chúa phục sinh, hăng hái loan báo và khích lệ người khác cùng siêng năng tham dự thánh lễ, để có được kinh nghiệm đức tin như các môn đệ Emmaus.
SUY NIỆM III
NHẬN RA CHÚA HIỆN DIỆN TRONG CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Mỗi người trong chúng ta khi bước vào cuộc sống, ai ai cũng đã, đang và sẽ gặp biết bao nhiều chuyện buồn phiền và thất vọng. Buồn phiền vì không được đi học hay có đi học, học không bằng bạn bè, buồn vì không có việc làm, buồn vì bạn bè phản bội, buồn vì bà con chơi xấu mượn tiền không trả, buồn vì làm ăn không thành công, thui lỗ, buồn vì bệnh tật… Rồi trong chuyện tình yêu hôn nhân gia đình cũng vậy, chưa có người yêu cũng buồn, có người yêu cũng buồn, người chưa có gia đình cũng buồn, có gia đình cũng buồn, đi tu theo Chúa có buồn phiền và thất vọng, cụ thể hai môn đệ trong Tin Mừng mà chúng ta vừa mới nghe.
Rõ ràng hai môn đệ đã từng theo Chúa, nghe Chúa giảng và thấy làm những việc kỳ điệu, ấy thế mà hôm nay Chúa chết, buồn sầu và thất vọng nên quyết định bỏ Chúa lên đường về quê, làm ăn kiếm sống, không theo Chúa nữa. Tại sao các ông buồn và thất vọng? Vì trước đây họ theo Chúa với hy vọng rằng Chúa sẽ giải phóng Ít-ra-en, khi ấy Chúa sẽ được vinh dự vui mừng, mình cũng “vui lây”. Giờ đây, Chúa mình theo chết thảm quá nên cái chết của Chúa Giêsu là một chấm hết đối với họ: hết mong “công hầu khanh tướng”, hết hy vọng. Cho nên, hôm nay, trên đường từ Giê-ru- sa-lem về Em-mau là đi về phía tây, phía mặt trời lặn, phía đêm tối. Tâm trạng hai môn đệ lúc ấy buồn sầu thảm thiết và ruột gan rối bời như đêm đen. Thế rồi, Đức Giêsu xuất hiện như người lữ hành cùng đi với họ, trò chuyện, giải thích Thánh Kinh cho họ. Chính lúc nghe Lời Chúa, lòng họ đã bừng cháy lên, nhất là khi “Người cấm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” thì họ mới thực sự nhận ra Người, không chỉ bằng con mắt xác thịt mà bằng cả con mắt đức tin. Giờ đây, thật sự họ đã nhận ra Chúa đã phục sinh và từ đó ý nghĩa của cuộc đời trở nên trong sáng, tối tăm trở nên sáng như ban ngày. Cho nên, sau khi Ngài biến mất, họ phải đứng dậy ngay, quay trở lại Giê-ru- sa-lem, đi về phía đông, phía mặt trời mọc, phía ánh sáng. Và chính Đức Giêsu đã đưa họ từ tâm trạng buồn phiền thất vọng, chán nản sang niềm vui phục sinh và hạnh phúc vì có Chúa trong đời.
Sống giữa cuộc đời, chúng ta gặp nhiều biến cố xảy ra cho mình và gia đình chúng ta và nó làm cho ta phải buồn phiền và thất vọng. Vì vậy, mọi ngày chúng ta từ giữa cuộc đời đến Nhà thờ mang trong mình những tâm tư của cuộc sống. Khi vào nhà thờ mình kể cho Chúa Giêsu nghe tất cả, lúc đó Chúa Giêsu qua Giáo hội lấy Thánh kinh chia sẻ với anh chị em. Lấy Thánh kinh để dọi một ánh sáng vui mừng và hy vọng biến cố buồn phiền và thất vọng mà anh chị em gặp trong cuộc sống để chúng ta gặp Chúa trong những biến cố ấy, Ngài luôn hiện diện đỡ nâng ta, ban bình an và nói với ta những lời an ủi để ta khỏi tuyệt vọng trong đời để rồi đời không phải là vạn ngày sầu mà mỗi ngày có một niềm vui, như lời Chúa nói: “Thầy đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 1-10). Vì thế, đỉnh cao của Thánh lễ là việc Chúa Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra và trao cho chúng ta, và khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa vào trong cung lòng ta, lúc ấy chúng ta sẽ được kết hiệp mật thiết với Chúa, Chúa sẽ làm cho chúng ta bình an khi gặp những đau khổ, buồn phiền trong cuộc sống hôn nhân và gia đình. Qủa vậy, chính khi “bẻ bánh” mà hai môn đệ Emmau mới bừng sáng con mắt mà nhận ra Người. Thì chỉ có Bí tích Thánh Thể mới giúp chúng ta hồi phục sau những cơn giông tố cuộc đời. Chỉ có Bí tích Thánh Thể mới bổ sức cho chúng ta những người cha, mẹ, và con cái sau những lần vấp ngã đắng cay để trỗi dậy làm cho mái ấm gia đình nở hoa chứ không bế tắc. Chỉ có Bí Tích Thánh Thể mới dẫn đưa chúng ta từ nơi tối tăm sự chết đến miền ánh sáng Phục Sinh bằng việc gia đình hòa thuận thương yêu nhau khi thịnh vượng cũng như lúc gia nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe và khi vui cũng lúc sầu buồn. Vì vậy, chỉ trong Đức Giêsu, chúng ta mới nhận ra được ý nghĩa của cuộc đời. Có Ngài hiện diện, ngay cả trong những ngày tháng buồn phiền, chúng ta vẫn có thể thấy ánh sáng cho hành trình cuộc đời, được Ngài lưu lại trong tâm hồn, chúng ta nhận ra thiên đàng đã bắt đầu ngay trên trần thế này đó là bình an và hạnh phúc.
Cho nên, trong Tâm thư gửi cho các gia đình Công giáo, các Đức giám mục Việt nam mời gọi Gia đình hãy là ngôi nhà thờ phượng khi gia đình tràn ngập sự hiện diện của Chúa. Ngài sẽ bước vào ngôi nhà của anh chị em khi mọi người trong nhà cầu nguyện chung, lắng nghe Lời Chúa. Những giờ cầu nguyện chung ấy sẽ liên kết mọi người trong Chúa, giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố vui buồn của gia đình, cùng nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trở nên chứng nhân của Chúa giữa lòng đời. Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng: “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Niềm vui của tình yêu, 318). Và trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng Đức giáo hoàng đương kim đã khẳng định rằng: “Những ai gặp Chúa Giê-su và chấp nhận đề nghị cứu độ của Ngài thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn”.
Nếu ngày xưa, hai môn đệ Emmaus đã nhận ra Chúa khi Ngài ngồi vào bàn ăn bẻ bánh trao lại cho hai ông, thì hôm nay nơi Bàn Tiệc Thánh này, Ngài cũng làm lại cử chỉ đó để chúng ta nhận ra Ngài đang sống và hiện diện giữa chúng ta và với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Và sau khi vui mừng nhận ra Chúa đã sống lại, hai ông đã vội vã ra đi gặp anh em để thông đạt niềm vui và niềm tin yêu nơi họ. Cũng vậy, sau khi hiệp lễ, chúng ta được sai phái ra đi đem Tin Mừng Chúa sống lại, đem niềm vui Phục Sinh đến cho mọi người, nhất là những người trong gia đình chúng ta để mọi thành viên trong gia đình thương yêu nhau, vợ chồng chung thủy với nhau, cha mẹ yêu thương chăm sóc và giáo dục con cái nên người, nhất là con cái phải thảo kính với ông bà cha mẹ, quan tâm và chăm sóc ông bà cho mẹ bằng tinh thần cũng như vật chất. Và như thế, gia đình chúng ta quả thật là gia đình Công giáo thực sự và là mái ấm tình thương vì luôn có Chúa hiện diện.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh, “xin ở lại với chúng con”, vì chúng con rất cần Chúa trong các nỗi buồn của cuộc đời. Chúng con không xin Chúa những ơn cao cả, nhưng chỉ xin Chúa luôn hiện diện. Có Chúa, dù cuộc đời chúng con có còn nhiều buồn phiền nhưng chúng ta tin chắc chắn rầng Chúa ban bình an cho chúng con, làm chúng ta an tâm mà vui sống. Amen.