Chúa Nhật III Phục sinh – Năm C


CN.3.PS..C

(Cv 5,27b-32.40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-19)

14-4-2013

Người ta yêu quí Đức giáo hoàng Phanxicô, vì ngài khiêm nhường. Tấm hình Đức Phanxicô hôn nhẫn Đức HY GB Phạm Minh Mẫn đủ nói lên lòng khiêm nhường của ngài. Thường tình người dưới hôn nhẫn người trên. Với Đức Phanxicô thì người trên lại hôn nhẫn người dưới.

Làm lớn, làm người trên khiêm nhường. Có thế, chúng ta mới hiểu câu chuyện trong BTM thánh lễ hôm nay.

 

BTM : Trong BTM, trước khi trao chức giáo hoàng, để chăm sóc đoàn chiên, Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô : “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này hơn không ?” (Ga 21,15). Chúa chẳng những hỏi một lần, mà hỏi ba lần, đến nỗi thánh Gioan kể lại “Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần” (Ga 21,17).

Các nhà Kinh Thánh cho rằng thánh Phêrô buồn vì Chúa nhắc ông nhớ đến tội chối Chúa ba lần của ông.

Theo phép lịch sự, cái hay cái tốt của người thì nói ra, cái xấu cái dở của người thì bỏ đi. Vậy mà trong giây phút long trọng phong chức giáo hoàng cho thánh Phêrô, Chúa Giêsu lại nhắc đến tội chối Chúa ba lần của ngài.

Chúa Giêsu nhắc đến tội của vị giáo hoàng đầu tiên không phải để bêu xấu, mà để thánh Phêrô khiêm nhường. Làm giáo hoàng cần đức khiêm nhường. Nhớ đến khuyết điểm, nhớ đến tội lỗi của mình, thì không dám kiêu ngạo, không dám vênh vang khinh người. Nhờ đó, mà thương những người tội  lỗi, cảm thông với những người yếu đuối.

Trong bàn tiêc ly, Chúa Giêsu đã báo trước tội chối Chúa của thánh Phêrô, nhưng rồi Chúa nói tiếp : “Phần anh, một khi anh đã trở lại, anh hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32).

 

Bđ1 :  Cám ơn Chúa, thời chúng ta có Đức giáo hoàng Phanxicô khiêm nhường, chúng ta còn có Đức giáo hoàng Bênêđíctô can đảm. Ngài đã từ chức ngày 28-2 vừa rồi. 600 năm mới có chuyện Đức giáo hoàng từ bỏ địa vị. Đạo cũng như đời dễ gì người ta chịu bỏ cái ghế của mình. Có thì người ta bám cho chặt, chưa có thì người ta giành giật. Thế giới đã khen ngợi Đức Bênêđíctô can đảm.

Bđ1 đã nói đến đức can đảm của giáo hoàng Phêrô và các tông đồ. Các nhà lãnh đạo Do Thái cấm các ngài không được rao giảng về Chúa Giêsu. Nhưng thánh Phêrô, vị giáo hoàng đầu tiên, khẳng khái đáp : “Phải vâng lời Thiên  Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29).

Các tông đồ bị các nhà lãnh đạo cho đánh đòn, nhưng các ngài “lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).

        Đức giáo hoàng Phanxicô cũng nói : “Khi bước đi theo Chúa mà không vác thập giá, xây dựng Giáo Hội mà không có thập giá, và tuyên xưng Đức Kitô mà không nói đến thập giá, Chúng ta không phải là môn đệ của Chúa, mà là những kẻ làm tôi tớ cho thế gian này”.

 

Bđ2 : Chúa Giêsu là thầy của mọi giáo hoàng, là mẫu gương của các nhà lãnh đạo. Chúa Giêsu khiêm nhường. Thư Philípphê đã viết “Đức Giêsu Kitô bản thân vốn là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân tôi đòi, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,7).

Cũng thư Philipphê đã mô tả đức can đảm của Chúa Giêsu : “Người vâng lời cho đến nỗi phải chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người” (Pl 2,8-9)

Bđ2 sách Khải Huyền mô tả cảnh Thiên Chúa siêu tôn Chúa Giêsu.

Trên trời, các thiên thần tung hô : “Con chiên đã bị giết, nay xứng đáng lãnh nhận phú quí và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Kh 5,12).

Dưới đất vạn vật tung hô : “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và con chiên, lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời” (Kh 5,13).

Chúng ta cám ơn Chúa đã cho Giáo hội Đức Phanxicô khiêm nhường và Đức Bênêđíctô can đảm. Khiêm nhường và can đảm giống như Chúa Giêsu.

——————————————-

CN.3.PS..C

18-4-2010

Si-en-ki-e-vich là nhà văn Balan đươc giải thưởng Nobel năm 1905 với tác phẩm “Quo Vadis”, “Chúa Đi Đâu” ? Tác phẩm được ông Nguyễn Hữu Dũng dịch sang tiếng Việt. Nhà Văn Học Hà Nội xuất bản năm 1985. Năm 2002 in lại lấn thứ hai.

Tên sách Quo Vadis là câu nói của thánh Phêrô hỏi Chúa “Quo Vadis Domine”, “Chúa ơi, Chúa đi đâu đấy” ?

Khi ông Nêrô, hoàng đế Rôma bắt bớ, giết chết các Kitô hữu, thánh Phêrô chạy trốn khỏi thành Rôma. Tới cổng thành thì gặp Chúa Giêsu vác Thánh Giá đi vào thành, thánh Phêrô hỏi Chúa : “Chúa ơi, Chúa đi đâu đấy ?” Chúa trả lời : “Thầy vào thành Rôma để chết lần thứ hai thay cho con !” Thánh Phêrô hối hận trở lại thành Rôma. Vua Nêrô bắt và đóng đinh ngài như đóng đinh Chúa. Thánh Phêrô cảm thấy mình không xứng đàng được đóng đnh giống như Chúa. Ngài xin đóng đinh ngược : đầu ngược xuống đất, chân chỏng lên trời.

BTM  : Bài TM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu đã báo trước về cái chết của thánh Phêrô. Chúa nói : “`Khi còn trẻ anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng, và lôi anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21,18).

Để có can đảm chết cho Chúa và đoàn chiên, Chúa Giêsu đòi thánh Phêrô phải có lòng mến. Chúa Giêsu hỏi thánh Phêrô : “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Chẳng những Chúa hỏi  ngài một lần, mà là ba lần. Thánh Phêrô đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”  (Ga 21,15).

Ngoài lòng mến, Chúa Giêsu còn đòi lòng yêu mến Thánh Thể. “Bước lên bờ, các tông đồ nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa…Đức Giêsu nói : ‘Anh em đến mà ăn’…Đức Giêsu cầm lấy bánh trao cho các ông, rồi cá” (Ga 21, 9.12).

Thánh Anrê Trần văn Trông tử đạo ngày 28-11-1835. Biết mình sắp bị giết, người thanh niên Trần Văn Trông tìm cho được vị linh mục để xưng tôi và được rước Mình Thánh Chúa.. Biết cha Ngôn đang trốn trên thuyền lênh đênh trên dòng sông Hương, anh Trông tìm đến, quì xuống xưng tội. Cha Ngôn giơ Mình Thánh Chúa lên. Anh kêu lên : “Ôi Vị Khách quí”.

Sau khi rước Chúa, anh xuống thuyền và hiên ngang tiến ra pháp trường, giơ đầu cho lý hình chém.

——————————-

CN.3.PS.C

22-4-2007

Nước Do Thái chỉ có hai cái hồ. Một cái rộng lớn hơn ở miền Nam, gọi là Biển Chết. Nước trong hồ qúa mặn, không một sinh vật nào sống nổi, nên gọi là Biển Chết. Môt cái ở miền Bắc nhỏ hơn, rộng 12 cây số, có ba tên gọi : hồ Galilê, hồ Giê-nê-xa-rét và hồ Ti-bê-ri-a.

Cái hồ này đã nuôi sống dân tộc Do Thái về vật chất, cung cấp tôm cá và hải sản. Và cái hồ này cũng đã nuôi dưỡng dân tộc Do Thái về tinh thần.

Ba năm trước trên bờ hồ Galilê này, Chúa Giêsu đã gọi 4 môn đệ đầu tiên : đó là các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan. Sách TM kể rằng : “Đang đi dọc theo biển hồ Galilê, thì Đức Giêsu thấy ông Simôn với người anh là ông Anrê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo : ‘Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người’” (Mc 1,16-18).

Ba năm sau cũng trên bờ hồ Tibêria này, Đức Giêsu đã hỏi ông Phêrô : “’Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?’ Ông đáp : ‘Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.’ Đức Giêsu nói với ông : ‘Hãy chăm sóc chiên con của Thầy’” (Ga 21,15).

 Trên bờ hồ Giênêxarét, ba năm trước Chúa Giêsu đã chọn thánh Phêrô làm môn đệ, ba năm sau Chúa chọn thánh nhân làm giáo hòang, làm người cai quản Hội Thánh, “chăm sóc chiên con của Thầy”.

Khi đặt thánh Phêrô làm giáo hòang, Chúa biết con người của Phêrô : một con người đã ba lần chối Chúa. Ở tòa án thượng tế Cai-pha, ông đã dễ dàng chối Chúa với cô gái gác cổng. Cô gái  nói với thánh Phêrô : “Cả bác này nữa, bác không thuộc  nhóm môn đệ của ông ấy sao ?”. Thánh Phêrô liền đáp : “Đâu phải !” (Ga 18,17).

Song, Chúa cũng biết thánh Phêrô là một con người luôn luôn đi đầu mọi việc, có tính chỉ huy, lãnh đạo :

– Chính thánh Phêrô đã rủ các tông đồ  đi đánh cá : Ông nói : “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với”.

– Chính thánh Phêrô là người xuống hồ kéo thuyền vào bờ, khi Chúa nói : “Đem ít cá mới bắt được tới đây.”

Chúa biết thánh Phêrô chối Chúa, vì thánh Phêrô kiêu ngạo, cậy mình, ỷ vào tài năng của mình, vào sức mạnh của mình. Trong bàn tiệc ly, Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô : “Simon, Simôn ơi, kìa Xatan đã xin được sàng anh em như sàng gạo. Nhưng thầy đã cầu nguyện cho anh, để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”. Ông Phêrô thưa lại : “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng”. Chúa Giêsu nói lại : “Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết : hôm nay gà chưa kịp gáy, thì đã ba lần anh chối Thầy” (Lc 22,31-34).

Phải cậy dựa vào Chúa, thánh Phêrô sẽ trở thành một vị giáo hòang xứng đáng. Do đó, Chúa đã dạy cho Phêrô và các tông đồ bài học tín thác cuộc đời vào Chúa. Đánh cá vào ban đêm thường là bắt được nhiều cá, thế mà thánh Phêrô và các tông đồ đã không bắt được con cá nào. Song, dù là ban ngày, nghe lời Chúa bảo, các ông đã bắt được cá đầy lưới.

Cậy dựa vào Chúa và sống khiêm nhường đó là đức tính của vị giáo hòang. Chúa Giêsu đã hỏi thánh Phêrô : “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?”. Chúa hỏi những ba lần, khiến thánh Phêrô buồn. Chúa hỏi ba lần, để nhắc nhớ ba lần thánh Phêrô chối Chúa, để thánh Phêrô sống khiêm nhường.

Bài TM thánh lễ hôm nay đã kể lại cuộc bầu cử vị giáo hòang đầu tiên của Hội Thánh, để rồi từ đó Giáo hội đã có những vị  Giáo hòang kế tiếp lãnh đạo Giáo hội. Đức giáo hòang Bênêđíctô 16 hôm nay là vị giáo hòang thứ 265.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho Đức giáo hòang và các vị lãnh đạo của Giáo hội.

————————————

CN.3.PS.C

2004

Chúa nhật 2 Phục sinh tuần trước, Chúa đã cho chúng ta được vào Giáo hội, vào cộng đoàn những người tin theo Chúa, để chúng ta cùng sinh hoạt chung với nhau. Chúa nhật 3 Phục sinh tuần này, Chúa cho thánh Phêrô lãnh đạo Giáo hội, lãnh đạo cộng đoàn, lãnh đạo chúng ta. Người lãnh đạo Giáo hội chúng ta quen gọi là Đức Giáo hoàng, Đức Thánh Cha.

 

Bài Tin Mừng : Câu chuyện bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu đã đặt thánh Phêrô làm đầu Hội thánh. Trước khi đặt thánh Phêrô làm Giáo hoàng, Chúa Giêsu muốn cho thánh Phêrô cũng như các tông đồ ý thức về sứ vụ của mình. Sứ vụ đó được diễn tả qua hình ảnh “thả lưới bắt cá”. Thánh Gioan kể : “Ong Simôn Phêrô nói với các tông đồ : ‘Tôi đi đánh cá đây’. Các ông đáp : ‘Chúng tôi cùng đi với anh’. Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả” (Ga 21,3).

Thánh Gioan kể tiếp : “Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông : ‘Này các chú không có gì ăn ư ?’. Các ông trả lời : ‘Thưa không’. Người bảo các ông : ‘Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá’. Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Ga 21,4-6).

Nhiệm vụ “thả lưới bắt cá”, nhiệm vụ truyền giáo là do Chúa trao phó, chứ không phải do thế gian, do mình. Chúa sai đi, chứ không phải tự ý mình đi. Vì thế, phải làm nhiệm vụ vì Chúa, với Chúa. Với Chúa thì thành công “lưới đầy những cá”; còn không với Chúa, theo ý mình thì thất bại “không bắt được gì cả”. Làm với Chúa, thì dù không hợp thời vì thả lưới vào ban ngày, vẫn bắt được nhiều cá; còn làm theo ý mình, thì dù hợp thời vì thả lưới vào ban đêm, cũng không bắt được gì cả.

Các tông đồ đã bắt được 153 con cá (21,11). Theo thánh Giêrônimô, đó là con số mà thời đó chỉ về tất cả các loại cá dưới biển. Các tông đồ phải đi truyền giáo cho mọi dân tộc, đi khắp nơi; không riêng cho một nước, một dân tộc. Công giáo có nghĩa là đạo chung cho tất cả mọi người.

Nhiệm vụ truyền giáo là một nhiệm vụ rất vất vả, rất nguy hiểm, như ra khơi, như xuống biển. Biển khơi tượng trưng cho thế giới của sự dữ, của ma qủi, đầy sóng gió. Song đã có Chúa, Chúa “đứng trên bãi biển” (21,4), tức là trên nền đất cứng, vững chắc, tức là Chúa đã sống lại, đã chiến thắng sự chết, sự dữ; nhất là đã có Thánh Thể Chúa bổ dưỡng : “Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa…Đức Giêsu nói : ‘Anh em đến mà ăn’…Đức Giêsu cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá Người cũng làm như vậy” (21,9.12.13).

Sau khi cho các tông đồ ý thức về nhiệm vụ truyền giáo, bây giờ Chúa Giêsu muốn trao riêng cho thánh Phêrô nhiệm vụ lãnh đạo Giáo hội, chức vụ Giáo hoàng. Chúa Giêsu nói với thánh Phêrô ba lần : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (21,15.16.17). Trước khi trao, Chúa Giêsu hỏi : “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?”. Chúa Giêsu cũng hỏi ba lần, khiến ông buồn. Chúa Giêsu muốn quyền lãnh đạo được tình yêu, được tinh thần hy sinh phục vụ chỉ đạo, chứ không vì tiền bạc, danh vọng, địa vị, “ăn trên ngồi trốc”. Ba lần cũng để nhắc nhớ ba lần thánh Phêrô đã chối Chúa, đã không dám hy sinh bản thân cho Chúa. Qủa thật, đời giáo hoàng của thánh Phêrô, như Chúa báo trước “Lúc còn trẻ anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (21,18). Số phận của Giáo hoàng Phêrô cũng giống như số phận của Chúa Giêsu : đó là “Con chiên bị giết” mà thánh Gioan mô tả trong sách Khải Huyền trong bài đọc 2.

 

Bài đọc 2 : Trong sách Phúc Âm, thánh Gioan Tẩy Giả đã nói : “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29). Con Chiên đã bị giết để gánh tội trần gian, Con Chiên đã hy sinh phục vụ cho nhân loại. Chính vì thế, theo thánh Gioan, Chúa Giêsu chết đúng vào giờ người Do Thái giết con chiên, để đến tối ăn mừng lễ Vượt Qua.

Vì hy sinh cho đoàn chiên, Con Chiên đã được Thiên Chúa tôn vinh. Sách Khải huyền trong bài đọc 2 thánh lễ viết : “Con chiên đã bị giết, nay xứng lãnh nhận phú qúy và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang và muôn lời cung chúc” (Kh 5,12). Phú qúy, uy quyền, khôn ngoan, sức mạnh, danh dự, vinh quang, muôn lời cung chúc, tất cả là 7, con số chỉ sự hoàn toàn. Con Chiên được chúc tụng là hoàn toàn.

Nay thánh Phêrô cũng không còn vì  mình mà chối Chúa nữa; song vì Chúa, vì các con chiên Chúa trao cho chăn dắt, đã sẵn sàng tuyên xưng Danh Chúa Giêsu, như thánh Luca kể trong sách Công Vụ Tông Đồ đọc ở bđ 1.

 

Bài đọc 1 :  Đây là lần thứ hai thánh Phêrô cùng các tông đồ bị bắt. Lần này bị bỏ tù. Ban đêm Thiên thần đến cứu ra khỏi tù và bảo vào Đền Thờ Giêrusalem giảng. Sáng đến, lính đến nhà tù, nhà tù vẫn cửa kín cài then, còn người thì không thấy. Được tin các tông đồ đang giảng ở Đền thờ, lính đến bắt, điệu về Thượng Hội Đồng, tức là cơ quan tối cao của đạo Do Thái. Vị thượng tế thay mặt hội đồng nói : “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông” (Cv 5,28). Thánh Phêrô đáp lại : “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (5,29). Sau đó, họ cho đánh đòn các tông đồ, rồi thả về. Thánh Luca kể : “Các tông đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (5,41).

Thánh linh mục Phaolô Phạm Khắc Khoan, vị thánh già tuổi nhất trong hàng Các Thánh Tử Đạo VN, 69 tuổi, cũng sẵn sàng chịu khổ vì Chúa. Năm 1837 khi đi dâng lễ ở họ Đông Biên về, cha bị bắt và bị điệu về giam ở tỉnh Ninh Bình. Khi quan bảo cha đạp chân lên Thánh giá, cha đáp : “Quan bảo tôi chà đạp lên Thánh giá là điều chẳng hợp lý tí nào ?”. Quan nói : “Sao lại không hợp lý, ta chỉ cho ông con đường sống mà không hợp lý à ?”. Cha đáp lại : “Thưa quan, nếu nước nhà có biến, mà quan sợ chết đào ngũ, thì quan là kẻ hèn nhát. Cũng vậy, tôi nhờ ơn Vua cả trên trời, tôi đâu có quyền sợ chết mà bỏ Người được”. Trước khi bị chém đầu, ngài đã hát 3 lần Halleluia. Ngài lên giọng như  hát Halleluia Đêm vọng Phục sinh.

Linh mục Nguyễn Trung Thành