Chúa Nhật III Thường Niên A – Mồng Một Tết Quý Mão


CN 3 TN A

TẾT QUÍ MÃO

22-1-2023

GIÁO HUẤN SỐ 9

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Các Bạn Nữa Cũng thế (tt)

Hãy cho phép ân sủng Phép Rửa của bạn sinh hoa kết quả nơi một nẻo đường thánh thiện. Hãy cho phép mọi sự mở ra với Thiên Chúa; hãy hướng về Ngài trong mọi hoàn cảnh. Đừng sờn lòng nản chí, vì quyền năng của Chúa Thánh Thần sẽ giúp bạn, và sự thánh thiện nói cho cùng là hoa trái của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời bạn (x.Gl 5,22-23). Khi bạn cảm thấy bị cám dỗ ì lại trong sự yếu đuối của mình, hãy hướng mắt về Chúa Ki-tô chịu đóng đinh và nói : “Chúa ơi, con là một tội nhân khốn khổ, nhưng Chúa có thể làm phép lạ nơi con nên khá hơn một chút”. Trong Giáo hội, vốn thánh thiện nhưng lại được hình thành bởi các tội nhân, bạn sẽ tìm thấy mọi sự bạn cần để lớn lên trên con đường thánh thiện. Chúa đã ban cho Giáo hội những quà tặng như Thánh Kinh, các bí tích, những nơi thánh, những cộng đoàn sống động, chứng ta của các thánh và một vẻ đẹp đa dạng, phát xuất từ tình yêu của Thiên Chúa, “như một cô dâu điểm trang lộng lẫy” (Is 61,10) (Tông huấnVui Mừng Hoan Hỉ, số 15).

 

SUY NIỆM I

CN 3 TN A – TẾT QUÍ MÃO

Lễ Tân niên – Bình an cho năm mới

St 1,14-18; Pl 4,4-8; Mt 6,25-34

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Ngày Tết

Cha Đắc Lộ (Alexanre de Rhodes) kể : Tết, ngày đầu năm, theo tục lệ lương dân, thường có những cúng bái trong ba Ngày Tết. Chúng tôi truyền cho giáo dân làm những việc đạo đức trong ba ngày này. Để thay thế cái hộp treo ở đầu cây nêu dựng ngay cửa nhà, thì chúng tôi khuyên họ đặt cây Thánh Giá ; họ làm theo. Thế là trong khắp phố phường trong kinh thành người ta trông thấy biểu hiệu đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao vót quá mái nhà làm cho ma quỉ sợ hãi và các thiên thần vui mừng. Khi vào ngày đầu năm nhà chúa đi qua phố, thấy Thánh Giá cao chót vót thì ngài nói : “Đây là biểu hiệu của giáo dân”. Trong ba ngày đầu năm, chúng tôi đã cho huấn dụ và cho giữ như sau : Ngày mồng một Tết kính công việc tạo thành và gìn giữ (muôn loài), kính dâng Thiên Chúa Cha. Ngày mồng hai , nhận biết ơn cứu chuộc cao cả khôn sánh, kính dâng Con Thiên Chúa. Ngày mồng ba, khiêm tốn cảm tạ Chúa Thánh Linh vì ơn được gọi vào đạo Đức Ki-tô. Không ai là không hăm hở làm các việc này, không ai là không vui mừng sung sướng (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên chuyển ngữ, Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài, trang 211).

Qua lời cha Đắc Lộ kể, ba ngày Tết nhắc nhớ đến 3 Đấng với 3 công trình :

  • Chúa Cha với công trình sáng tạo,
  • Chúa Con với công trình cứu độ,
  • Chúa Thánh Thần với công trình thánh hoá.

Lời Chúa trong thánh lễ cũng nhắc nhở chúng ta hai công trình sáng tạo và cứu độ.

Bài đọc 1 (St 1,14-18) : Bđ1 đọc sách Sáng Thể. Sách kể Thiên Chúa tạo dựng những vầng sáng trên vòm trời : hai vầng sáng lớn và các ngôi sao, để ‘phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các ngày đại lễ, ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối.

Bài Tin Mừng (Mt 6,25-34) : Trong sách ‘Tự Đáy Lòng’ (Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Mát-thêu), cha Nguyễn Công Đoan viết : “Sau giáo huấn về ba việc đạo đức trụ cột (bố thí, cầu nguyện và ăn chay), sách Tin Mừng này còn gom thêm vào bài giảng trên núi những lời giáo huấn của Chúa về cách sống tương quan với Thiên Chúa, tiền của và tha nhân”… Như vậy, con đường cứu độ gắn liền với việc thờ phượng Thiên Chúa, với việc xử dụng tiền bạc và sống tương quan với tha nhân.

Về ‘việc thờ phượng Thiên Chúa’, cha viết : “Cựu Ước nhấn mạnh tới việc thờ phượng Thiên Chúa và chống lại việc thờ ngẫu tượng, Chúa Giê-su không nói đến ngẫu tượng, nhưng nói đến sự tôn thờ Tiền của. Thánh Phao-lô sẽ đồng hóa : ‘Tham lam cũng là thờ ngẫu tượng (Cl 3,5). Khi đã biết Thiên Chúa thật, biết Đức Giê-su Ki-tô thì ngẫu tượng không cón hấp dẫn, nhưng Tiền Của thì luôn hấp dẫn” (sđd, trang 63).

Cha Đoan ghi lại những lời người xưa : Lời Đức cha Nguyễn Khắc Ngữ : “Tôi điếc đấy, nhưng hễ nói chuyện tiền bạc thì tôi không điếc đâu nhé !”. Một nhà thơ Việt Nam xưa đã nói về sức mạnh của đồng tiền : “Nghe xúc xắc bỗng gió hòa mưa thuận”. Cụ Nguyễn Khuyến bình luận về truyện Kiều : “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ! Thuở trước làm quan cũng thế à ?” Tưởng ngày nay người ta mới biết hối lộ, hóa ra thuở trước quan cũng biết ăn hối lộ. Tổ tiên ta đã diễn tả tối đa sức mạnh của đồng tiền “có tiền mua tiên cũng được”; còn bài ca dao hiện đại diễn tả cách táo bạo : “Ôi đồng tiền là tiên là Phật”.

Cha viết tiếp : “Chúa Giê-su nói dứt khoát : ‘Không ai có thể làm tôi hai chủ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được’. Với ngẫu tượng  thì người ta dễ nhận ra cái lố bịch của nó, nhưng với đồng tiền thì người ta dễ dàng hoa mắt. Đức thánh cha Phan-xi-cô vừa nhận trách nhiệm đã tiến hành cải tổ cơ chế tài chánh của Tòa Thánh. Xa-tan có thể giả dạng thiên thần thì Tiền Của cũng có thể giả dạng ông thánh. Người ta có thể bắt đầu kiếm tiền xây nhà thờ, rồi nó nhảy lên bàn thờ hồi nào không hay. Chúa Giê-su cho một tiêu chuẩn để nhận biết minh đang thờ Thiên Chúa hay Tiền Của: “Kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi ở đó”.

Tiền của thấm nhâp vào ta như chất độc từ ô nhiễm môi trường, mỗi ngày một chút. Ta bắt đầu sự lo lắng về của ăn áo mặc hằng ngày, rồi tích trữ cho an toàn. Cái kho mỗi ngày mỗi đầy, hết chỗ thì xây kho mới, sắm tủ mới, tới mức nào đó chúng ta nhốt mình trong cái kho, cái tủ ấy mà không hay. Cách chống ô nhiễm trong không khí là đeo khẩu trang, cách bảo vệ cho Tiền của đừng xâm nhập lòng ta là tin tưởng vào Thiên Chúa Quan Phòng, hít thở không khí trong lành của Thiên Chúa…

-Chúa Giê-su bảo Thiên Chúa đã cho cái lớn là mạng sống và thân xác, tại sao lại sợ Thiên Chúa không cho cái nhỏ là của ăn áo mặc.

Nhìn chim trời xem, nó chỉ bay lượn kêu hót, thế mà Thiên Chúa vẫn nuôi nó. Con người Chúa dựng nên quí giá hơn chim trời, sao lại sợ Chúa không cho có của ăn ? Cái lo lắng của con người có được việc gì không ? “Ấy tuổi đời con Chúa đo cho một vài gang tấc” (Tv 39/38,5). Lo lắng cho lắm liệu có kéo dài mạng sống được một gang hay không ?

Nhìn hoa cỏ ngoài đồng xem : cảnh mùa xuân ở Ga-li-lê, các loài hoa hooang dã ngoài đồng nở rộ, rực rỡ đủ mầu sắc… “Vua Sa-lô-môn dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy”. Các loài hoa ấy chỉ làm đẹp cho nương đồng, rồi người ta gom lại đốt đi. Thế mà Thiên Chúa còn mặc cho nó đẹp đẽ như vậy !

Lo lắng vì áo mặc, thức ăn, thức uống, thì quả là thiếu lòng tin vào Thiên Chúa là Cha trên trời! Chúa Giê-su đưa ra một kế hoạch phân công. Cha ban sự sống thì Cha biết chúng ta cần gì để sống, vậy hãy để Cha lo của ăn áo mặc, phần chúng ta chỉ lo “tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người”, tức là sống ba lời cầu xin của kinh Lạy Cha : Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…

Để củng cố tinh thần phó thác, Chúa Giê-su dạy về hiệu quả của lời cầu xin. Cha Đoan viết : “Thiên Chúa là Cha, chúng ta là con cái; nên xin thì Cha cho, gõ cửa thì Cha mở, tìm thì thấy. Nhưng có một giới hạn: người cha trên trần gian thấy điều con xin là độc hại mà con tưởng lầm là tốt đẹp, thì cha không cho. Thiên Chúa là Cha trên trời lại càng biết rõ đâu là con rắn, đâu là hòn đá, nên luôn cho những gì tốt lành. Xa-tan đã hiện hình thành con rắn để cám dỗ con người đầu tiên. Xa-tan đã cám dỗ Chúa Giê-su biến đá thành bánh… Xin thì cứ xin, chắc chắn sẽ được, nhưng được cái gì thì Cha quyết định, vì Cha biết cái gì tốt, cái gì độc hại cho con cái của Cha (sđd, trang 63-66)

Bài đọc 2 (Pl 4,4-8) : Bđ2 chúng ta đọc thư Phi-líp-phê của thánh Phao-lô. Thư viết : “Thưa anh em, anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa, tộng rãi. Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn , van xin và tạ ơn, mà giải bày trước mặt Thiên Chúa, những điếu anh em thỉnh nguyện” (4,3-6).

Lời khuyên của thánh Phao-lô rất thích hợp với chúng ta trong những ngày đầu xuân.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu,

trong ngày đầu năm mơi chúng con họp nhau đây

để dâng lời chúc tụng ngợi khen Chúa.

Cúi xin Chúa mở lượng hải hà

ban cho hết mọi người chúng con trong năm… này

được bình an mạnh khỏe,

càng thêm tuổi càng thêm nhân đức

hầu đáng hưởng phúc lộc dồi dào.

Chúng con cầu xin.

SUY NIỆM II

CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN

LỄ MỒNG MỘT TẾT – QUÝ MÃO

Lời Chúa: Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48

Năm mới, người mới – cuộc sống mới

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 

                Mỗi độ năm mới về, ai trong chúng ta cũng thích nghe bài hát này: “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa. Một chiều xuân em đã hẹn hò. Như ươm tình trong cánh hoa mơ, đưa hương theo làn gió. Em nói rằng em viết thành thơ. Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa. Hẹn gặp nhau khi pháo giao thừa. Em đứng chờ tôi trước song thưa. Tôi đi qua đầu ngõ. Hỏi nhau thầm Xuân đã về chưa? Đk: Xuân đến xuân đi xuân về gieo thương nhớ. Xuân qua để tôi chờ. Xuân đến xuân đi xuân về mơn lá hoa. Xuân qua rung đường tơ. Bước sông hồ như đắm như mơ. Trở về đây khi gió sang mùa. Mong ước tìm cô gái Xuân xưa Cho vơi bao niềm nhớ. Có ngờ đâu Xuân vắng người thưa”. Tại sao lại người ta đón xuân này nhớ xuân xưa, bởi vì xuân xưa người ta còn yêu nhau, giờ xuân này họ không còn thương nhau nữa, không còn nên mới nhớ. Còn chúng ta hôm nay thì sao? Đón xuân này phải khác xuân xưa, khác ở chỗ xuân xưa ta buồn vì ta đau khổ, ta nghèo, ta bệnh tật, ta tội lỗi nhưng xuân này ta cui vẻ hơn, hạnh phúc và thánh thiện hơn nhờ chúng ta biết cậy trông, tín thác vào Chúa và sống Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh qua mọi thời vì nhưng Lời Chúa nói trong bài đọc rằng: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giê-ru-sa-lem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn”. Cho nên, Chúa Giêsu trong ngày đầu năm nói rằng: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”, tức là năm mới chúng ta phải đổi mới đời sống.

Những ngày đầu xuân, chúng ta thấy rõ rằng thiên nhiên cũng đổi mới với sự hồi sinh của cây cỏ, hoa đào, hoa mai và muôn hoa đua nhau nở. Phố phường đổi mới với những căn nhà mới quét dọn sơn sửa… Hoà vào cái mới của đất trời, của xã hội, lòng người cũng nôn nao trong niềm hy vọng đổi mới bản thân và cuộc đời. Đầu  năm, ai cũng mong tống tiễn những điều xấu của năm Đinh Dậu vào quá khứ và rồi cũng mong đón nhận những ngày tháng tươi đẹp và hạnh phúc của năm Mậu Tuất này. Niềm mong ước đổi mới được thể hiện qua những cố gắng giữ vẻ mặt tươi cười, không tức giận, không nói những lời thô tục, những điều rủi ro, nhưng chỉ nói những điều tốt đẹp, đối xử hoà nhã với mọi người trong những ngày Tết. Phút giao thừa thật thiêng liêng. Nó đánh dấu một khởi đầu mới. Người Á đông chúng ta tin rằng sống tốt đẹp những giây phút đầu tiên sẽ có ảnh hưởng tốt đến cả năm. Nên mỗi dịp Tết là một lần khuyến khích ta cố gắng đổi mới đời sống, đổi mới bản thân để có một năm mới thánh thiện và hưởng được phúc lộc thọ của Chúa Xuân ban cho chúng ta trong Thánh Lễ Minh Niên này.

Đổi mới đời sống là điều Đức Giêsu tha thiết mong muốn nơi ta. Người không ngừng mời gọi ta hãy từ bỏ con đường tội lỗi xưa cũ, bước vào con đường mới, con đường tự do, thánh thiện của con cái Thiên chúa. Người không ngừng mời gọi ta trở thành bầu da mới để có thể chứa đựng thứ rượu mới là Tin Mừng của Người. Ngày Tết chính là một cơ hội cho ta thực hành Lời Chúa dạy, tích cực đổi mới đời sống nên thánh thiện hơn, tốt đẹp hơn, tươi sáng và rạng ngời hơn trong năm mới Mậu Tuất này. Để được như thế, chúng ta phải bắt đầu sống tâm tình đổi mới trong những ngày Tết, chúng ta ý thức rằng đừng chỉ giữ hình thức bề ngoài, mà phải có tâm tình bên trong cho nên khi chúng ta thăm viếng, chúc nhau những câu chúc tốt đẹp hay chúng ta lì xì cho nhau trong những ngày Tết, đừng làm như một hình thức xã giao hay như một thói tục bắt buộc nhưng hãy có lòng yêu mến, kính trọng thực sự. Hãy đón tiếp mọi người đến thăm viếng ta hay chúng ta gặp gỡ ngoài xã hội như đón tiếp chính Chúa vậy. Cho nên, Chúa Giêsu hôm nay dạy chúng ta bài bài học yêu thương độc đáo của người Công giáo rằng: “Hãy yêu thương đồng loại kể cả kè thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em”. Vì vậy, khi chúng ta sống tinh thần Tin Mừng trong những ngày Tết, chúng ta góp phần xây dựng một mùa Xuân mới, một mùa Xuân dân tộc, một mùa Xuân tình thương. Mùa Xuân ấy sẽ vĩnh cửu ngay trong những ngày đang sống và mai sau trên Nước Trời.

Chúng ta đang bước vào năm mới Qúy Mão, năm Con mèo. Trong nét văn hóa và tâm linh của một số dân tộc Á Đông, Mèo là linh vật thứ 4 trong lịch Can Chi 12 con giáp ở Việt Nam. Loài mèo là động vật thân thiết gắn bó từ rất lâu đời với người chủ nói riêng và con người nói chung. Những đức tính của mèo được tôn vinh là lòng tốt, sự kiên trì, nhẫn nại, biết suy trước tính sau rồi mới bắt đầu làm một việc gì đó. Mèo được coi là linh vật đem lại sự cát tường, thịnh vượng, có thể nhờ linh lực để hóa giải sát khí. Mèo cũng có tác dụng tăng cường vận đào hoa..

                Vậy, ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa Mùa Xuân ban cho mỗi người chúng ta luôn sống trung thành và quan tâm đến Chúa và với nhau trong cuộc sống ngõ hầu nhờ ơn Chúa, mỗi ngày chúng ta nên hoàn thiện như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện nhờ những đức tính như kiên trì trong đức tin khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, ốm đau hay mạnh khỏe, đặc biệt có lòng nhân ái bao dung phục vụ Chúa va tha nhân chân tình. Amen.

 

 

SUY NIỆM III

BÌNH AN ĐÍCH THỰC Ở NƠI THIÊN CHÚA

Lễ Minh Niên Quý Mão (Hội An 22/1/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Đầu năm, người già, người trẻ với gương mặt tươi cười, chân tình chúc cho nhau có một cuộc sống tràn đầy phúc lành, bình an, không có bệnh tật ốm đau, không có gian nan thử thách, tiền bạc không phải tìm kiếm vất vả, nợ nần không còn đeo đẳng và những may mắn khác. Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ: “Vào nhà nào, các con hãy chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12). Vì thế, ngày Tết là cơ hội chúng ta ước mơ và cầu chúc bình an cho nhau như Chúa dạy. Nhưng sự bình an Chúa muốn chúng ta chúc cho nhau là loại bình an nào?

  1. Bình an không như thế gian ban tặng

Chúng ta chúc cho nhau thịnh vượng, an lành, có tiền của vẫn tốt hơn thiếu thốn.  Thánh Kinh cho biết giàu có, thịnh vượng là ân phúc Thiên Chúa ban. Ngài đã ban cho dân Do Thái những vùng đất màu mỡ, “chảy sữa và mật,” ban cho triều đại Đa-vít và Salomon thịnh vượng, an ninh. Mọi sự phú túc, giàu sang đều do Thiên Chúa ban. Lời Thánh Vịnh 65 đã nói: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang.”

Nhưng Chúa Giê-su từng cảnh báo giàu sang cũng có thể làm người ta mất linh hồn: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?” (Lc 9,25). Mô-sê đã thấy trước nguy cơ khi hưởng sự giàu có từ vùng đất “chảy sữa và mật,” dân Do Thái có thể sẽ quên mất Thiên Chúa, quên mất nguồn cội dân thánh của mình, quên mất sống đức tin, nên Mô-sê khuyên nhủ dân Chúa hãy dâng lễ thờ phượng và tạ ơn Thiên Chúa.

Chúng ta chúc cho nhau yên hàn nhờ có mọi thứ bảo đảm như có có nghề nghiệp, có sức khỏe, có trí thông minh… Trong Thánh Kinh, sức khỏe như Samson, giàu có, cao lớn, đẹp và lanh lợi như Sao-lê đều do Thiên Chúa ban cho. Nhưng, Thiên Chúa cảnh báo những thứ đó không bảo đảm cho đời sống của con người! Cứ nhìn gương của ông Gióp thì rõ, chỉ sau một đêm, tài sản, nhà cửa, công việc làm ăn tàn lụi, gia đình tan tác và cả thân thể ông tệ hại. Gióp không ngờ mọi thứ thiên hạ tưởng bảo đảm hạnh phúc suốt cuộc đời, thì nay trắng tay. Ông đã thốt lên: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi chào đời”, “sao tôi không chết khi vừa mới chào đời? Sao tôi không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ?” (G 3,2.11). Không phải chỉ mấy anh cá độ hay mấy chị số đề mới có kinh nghiệm của Gióp, mà nhiều người trải qua trận dịch hay mọi nghịch cảnh khác đã thấy phảng phất số phận của Gióp trong cuộc đời mình.

Vì vậy, nếu chúng ta cứ quanh quẩn cầu xin cho năm mới này hay chỉ chúc cho nhau được hạnh phúc, bình an như người đời mong muốn, dù đó vẫn là phúc Chúa ban, thì chúng ta đáng nghe lời Chúa nói: “Ngay cả người ngoại giáo cũng chẳng làm như thế sao?”, bởi đó chỉ là thứ hạnh phúc chóng qua, chứ không phải bình an đích thực, vì hạnh phúc hay sự bình an Chúa ban cho chúng ta “không như thế gian ban tặng.”

  1. Bình an đích thực ở nơi Thiên Chúa

“Shalom – bình an” mà các môn đệ được Chúa khuyên chúc cho nhau không chỉ không có chiến tranh hay được thành công, thịnh vượng, mà theo Thánh Kinh, “Shalom – bình an” là ân phúc của người sống trong mối tương quan thân thiết với Thiên Chúa. Đó là lý do tác giả thánh vịnh 104 đã kinh nghiệm: “Đối với tôi, niềm vui là chính Chúa.” Thánh Phaolô cũng đã viết cho tín hữu Philipphê như sau: “Thiên Chúa của tôi sẽ làm thỏa mãn nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Ngài trong Đức Ki-tô Giê-su” (Pl 4,19). Bình an và hạnh phúc con người mong đợi chỉ tìm được nơi Chúa Giê-su. Thánh Phaolô xác tín như thế. Vì chúng ta là dân Chúa, là dân của lời hứa phúc lành, là dân có tương lai trong Thiên Chúa, Đấng đầy tràn ân phúc, nên chúng ta mạnh dạn nói với nhau rằng từ thánh lễ minh niên này, chúng ta trở về nhà như là dân được chúc phúc.

Ai ban phúc bình an đích thực cho chúng ta? Thánh Phaolô khẳng định: “Thiên Chúa của tôi.” Thiên Chúa của thánh Phaolô tôn thờ không phải thần tài này hay thần lộc nọ, cũng chẳng phải kẻ có quyền thế này, giàu sang kia hay thần minh nào khác, mà là Đấng rất thân thiết với thánh Phaolô và ngài đã gọi là “Thiên Chúa của tôi,” là Thiên Chúa làm chủ vũ trụ, là Thiên Chúa Cha của Đức Giê-su Ki-tô. Chính Thiên Chúa ban mọi ơn. Đừng quên điều đó! Nói như Đức Bênêđictô, chúng ta là những con người của thời đại hay mất trí nhớ, dễ quên lãng Thiên Chúa là Đấng hằng ngày và hằng lúc ban ơn lành đích thực cho mọi gia đình. Bởi dễ quên, nên nhiều gia đình và nhiều người không hề cảm tạ ơn Chúa và thờ phượng Ngài. Dân Do Thái ngày xưa cũng vậy, quên lãng Đấng thi ân cho họ hằng ngày, nên Mô-sê đã nhắc nhở: “Anh em đừng tự bảo chính năng lực của tôi và sức mạnh bàn tay tôi đã tạo ra cho tôi sự giàu có. Anh em hãy nhớ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, vì Ngài ban cho anh em năng lực tạo ra sự giàu có, để Ngài giữ vững giao ước đã thề với cha ông anh em, như anh em đã thấy hôm nay. Nhưng nếu anh em quên lãng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà theo các thần khác, phụng thờ và sụp xuống lạy chúng, thì hôm nay tôi cảnh báo anh em: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong” (Đnl 8,17-19).

Vậy, hôm nay là một ngày mới, ngày đầu tiên của phần còn lại cuộc đời mỗi chúng ta, chúng ta nài xin Chúa ban cho chúng ta sự bình an thịnh vượng đích thực trong năm mới này, không phải sự thịnh vượng hay bình an theo kiểu thế gian, nhưng sự bình an nơi Chúa và cho chúng ta thờ phượng Chúa hằng ngày để chúng ta có được sự bình an Chúa ban. Xin cho chúng ta đừng quên lãng Chúa, Đấng hằng ban ơn lành cho chúng ta.

Lạy Chúa, niềm vui và sự bình an của chúng con trong năm mới này là chính Chúa.