Chúa Nhật III Thường Niên Năm B


CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN B

Ngày 21/01/2024

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Hòa Khánh

Giáo xứ Thạch Nham

GIÁO HUẤN SỐ 8

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

Phúc cho những ai thương xót

vì họ sẽ được xót thương

Trao hiến và tha thứ có nghĩa là tài sản xuất trong đời sống chúng ta một mức bé nhỏ của sự hoàn hảo nơi Thiên Chúa, Đấng trao hiến và thứ tha vô ngần vô lượng. Vì thế, trong Tin Mừng Luca chúng ta kgông nghe bảo : ‘Hãy nên hoàn thiện’ (Mt 5,48), nhưng là  : ‘Hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án , thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Hãy tha thứ, thì anh em sẽ được Thiên Chúa thứ tha; hãy cho thì anh em sẽ được Thiên Chúa cho lại (6,36-38). Rồi Luca thêm một điều mà chúng ta không thể bỏ qua : “Anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại bằng đấu ấy (6,38). Trong mức nào, sẽ nhận được mức đó. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 81).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

(Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20)

Bài Ðọc I: Gn 3, 1-5. 10

“Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay”.

Trích sách Tiên tri Giô-na.

Lời Chúa phán cùng Giô-na rằng: “Hãy chỗi dậy và đi đến Ni-ni-vê, một thành phố lớn, và rao giảng cho nó điều Ta sẽ nói cho ngươi”. Giô-na chỗi dậy và đi đến Ni-ni-vê theo lời Chúa dạy. Ni-ni-vê là một thành phố lớn, rộng bằng ba ngày đàng, Giô-na tiến vào thành phố đi một ngày đàng, rồi rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-vê sẽ bị phá huỷ”. Dân thành tin tưởng nơi Chúa: họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9.

Ðáp: Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài.

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Bài Ðọc II: 1 Cr 7, 29-31

“Bộ mặt thế gian này đang qua đi”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là: Thời giờ vắn vỏi; còn có cách là những ai có vợ, hãy ở như không có; những ai than khóc, hãy ăn ở như không than khóc; những kẻ hân hoan, hãy ăn ở như không hân hoan; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mc 1, 15

Alleluia, alleluia! – Nước Chúa đã gần đến, hãy tin tưởng vào Phúc Âm. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 1, 14-20

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Sau khi Gio-an bị bắt, Chúa Giê-su sang xứ Ga-li-lê-a, rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm”. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Ga-li-lê-a, Người thấy Si-mon và em là An-rê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giê-su bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức các ông bỏ lưới theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-cô-bê con ông Giê-bê-đê và em là Gio-an đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giê-bê-đê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Lu-y Đoan, linh mục Quảng Nam đầu tiên

Mối ưu tư lớn nhất của Đức cha Lambert là có được các linh mục bản xứ cho giáo phận. Một trong các nguyên nhân khó cho việc đào tạo các linh mục mới là vào các cuộc bắt đạo năm 1665, các quan đã kết án tử ‘36 hay 37 Kitô hữu cả nam lẫn nữ‘, trong số đó có tất cả những thầy giảng xuất sắc nhất’. Đức cha đã viết như vậy trong Ký Sự năm 1665 và 4 năm sau ngài còn nói lại rằng : ‘cuộc bắt hại tàn khốc mấy năm sau này tại Đàng Trong đã cất đi các thầy giảng kỳ cựu nhất khỏi mảnh đất này mà đem về trời’.

Niềm an ủi cho Đức cha và cho giáo phận là nhân dịp sang Đàng Trong. Trong lần này, Đức cha đã truyền chức linh mục cho  thầy Lu-y Đoan, 68 tuổi tại Hội An.

Nhật ký của Đức cha viết :‘Ngày 21-3-1676 ; chúng tôi đã ban chức linh mục cho thầy Lu-y Đoan với nhiều gương sáng’.

Cha Courtaulin thuật lại lễ mở tay của tân linh mục Lu-y như sau : ‘Ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, cha Lu-y dâng thánh lễ đầu tiên tại Ca Chàm trong nhà người em trai út của cha, trang hoàng rực rỡ với sự hiện diện của khoảng 500 giáo hữu là những người ưu tú của toàn tỉnh này. Trước mặt những người đó, sau phần biếu quà cáp, chúng tôi mở lá thư Đức Giáo hoàng Clêmentê X gửi các Kitô hữu vương quốc này và đọc thư bằng tiếng Đàng Trong.

Với tư cách linh mục cha Lu-y Đoan chỉ phục vụ giáo phận được hơn 2 năm thì từ trần vào tháng 6 năm 1678. Cha Courtautin phúc trình ngắn gọn rằng : ‘Vào tháng 6, cha Lu-y người Đàng Trong đã từ trần vì một cơn đau bụng’ (Đào Quang Toản, Lịch Sử Giáo Phận Đàng Trong, trang 62-64).

Ở Đàng Trong , linh mục Lu-y Đoan, một thầy giảng già đã được Đức giám mục Lambert phong chức năm 1676 đã biên soạn cuốn ‘Sấm Truyền Ca’ ở dạng bản thảo, bằng chữ Nôm, được ông Tạo ở Mặc Bắc ghi âm quốc ngữ và ông Nhân họ chợ Đũi sao chép lại một số đoạn (Trương Bá Cần, Lịch Sử Công Giáo Việt Nam, t.1, trang 557).

Sách ‘Sấm Truyền Ca’ giáo phận Qui Nhơn mới tái bản. Tiệm sách Nhà Thờ Đà Nẵng có bán.

Ơn gọi của cha Đoan cũng là ơn gọi ông Sa-mu-en trong bđ1, cũng là ơn gọi của hai anh em thánh Anrê và Phêrô, của hai anh em Giacôbêê và Gioan, của người thứ năm là ông Lêvi (Mátthêu),trong BTM, cuối cùng là ơn gọi tin hữu trong bđ2.

Bài đọc 1 (Gn 3,1-5.10) : Sách ‘Lời Chúa cho mọi người’ viết về bđ1 : Bài trình thuật này là một trong những trang viết rất có duyên trong Kinh Thánh và sức gợi cảm của nó vẫn chưa cạn. Thiên Chúa có trăm ngàn phương cách để kêu gọi chúng ta., khi kín đáo khi rõ ràng, ở một chiều sâu tâm hồn nào đó. Điều mà Người cho thần trí ta hiểu được  còn xác thực hơn nhiều so với những gì tai ta nghe được. Bức thư gửi tin hữu Do thái (12,18 tt) nhắc nhớ ta rằng không thể học đạo nếu không có mộ kinh nghiệm về Thiên Chúa. Tiếng Chúa gọi và lời xin vâng, đó là tất cả niềm vui trong biến cố Truyền Tin. Ai không được trao cho sứ mạng nào thì sớm muộn gì thì cũng sẽ tự hỏi đời mình có ích chi không. Vậy cậu Samuen đ4 có kinh nghiệm về ‘Lời Thiên Chúa, một ân huệ cho phép cậu sau này khi làm ngôn sư1 can thiệp vào đời sống của dân tộc mình (trang 393).

Bài Tin Mừng (Mc 1,14-20): Cũng sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viêt về BTM : ‘Thiên Chúa xuống thế làm người. Chúa Giêsu chia sẻ cuộc sốngcủa người dân cùng thời với Ngưới. Và cũng như các ngôn sứ, Người giảng dạy bằng lời nói và việc làm.

Simôn, Amrê, Giacôbê và Gioan : Chúa Giêsu đã biết các ông. Người đã gặp họ tại nơi ông Gioan Tẩy Giả rao giảng (gn 1,35). Nhóm môn đệ đầu tiên thuộc số những người đánh cá trên Biển Hồ và ông Phêrô hình như là người đứng đầu nhóm này. Chắc chắn họ là những con người trẻ trung, cởi mở, sẵn sàng, sinh sống ở một thời đại  và một nền văn hóa trong đó con ngưới ít bị ràng buộc hơn chúng ta bởi các đòi hỏi của công việc (trang 1675).

Bài đọc 2 (1Cr 7,29-31) : Cũng sách Lời Chúa Cho Mọi Người viết về bđ2 : Thời gian chẳng còn bao lâu : Câu trả lời này của thánh Phaolô đi xa hơn câu hỏi của người Côrintô. Đây không chỉ là trông đợi ngày Chúa Kitô sắp trở lại, như các Kitô hữu thời sơ khai vẫn trông đợi. Cuộc quang lâm của Chúa Giêsu đã rút ngắn thời gian, nói theo nghĩa bóng : chúng ta không còn có thể sống an nhàn trong thế giới hiện tại như trước kia, khi chúng ta không thấy xa hơn. Giờ đây chúng ta hoàn toàn hướng về cái đang đến. Người Kitô hữusống trong hiện tại, nhưng tất cả những gì họ tha thiết là ở cái đến sau. Vậy chúng ta đừng tranh luận với thánh Phaolô là như thể ngài suy luận về những giá trị của thế giới hiện tại : ngài không lý luận thần học, nhưng lên tiếng như một người đã được Chúa Kitô chiếm hữu (trang 1979).                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,

xin hướng dẫn chúng con

biết hành động theo thánh ý Chúa

để nhờ kết hợp với Con Một Chúa

là Đức Giêsu Kitô,

chúng con đem lại hoa quả dồi dào

là việc lành phúc đúc.

Chúng con cầu xin.

 

SUY NIỆM II

ƠN GỌI ĐI LƯỚI NGƯỜI

(Hội An 21/1/2024)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Đi qua hai anh em Simon và Anrê đang đánh cá, Chúa Giê-su bảo: “Hãy theo Ta”. Tiếp tục, đi qua hai anh em Giacôbê và Gioan đang ngồi vá lưới, Chúa Giê-su nói: “Hãy theo Ta.” Lời mời gọi “hãy theo Ta” của Chúa Giê-su thường trực trong đời sống Giáo Hội và đời mỗi Ki-tô hữu. Lời mời gọi đó xuất phát từ trái tim của Chúa gởi đến từng Ki-tô hữu và chờ đợi rơi vào mảnh đất tốt là lòng chân thành của tín hữu để sinh hoa trái.

  1. Ki-tô hữu biết Đấng kêu gọi mình

            Thoạt nghe Chúa Giê-su đi ngang qua kêu gọi, những người đánh cá bèn đi theo Chúa, chúng ta tưởng rằng Chúa Giê-su bấy giờ như một người hoàn toàn xa lạ đến tuyển chọn nhân viên cho một công việc. Thử hỏi, các người đánh cá đó có dễ dàng bỏ hết mọi sự, rời bỏ gia đình để đi theo một người xa lạ không? Các người đánh cá hôm ấy có phải là loại người ngây dại nghe theo một giáo thuyết hay một tôn giáo đang được người đời cổ võ, đến nỗi sẵn lòng rời bỏ tất cả tin theo? Điều đó không xảy ra nơi các môn đệ đầu tiên. Sự dấn thân của các môn đệ đầu tiên minh chứng họ không phải là những người bốc đồng hay ngây dại, mà là những người tin vào một Đấng, Đấng đó không xa lạ gì với họ và lời mời gọi của Ngài càng giúp họ khẳng định họ có chỗ trong chương trình của Thiên Chúa.

            Họ đã được biết Chúa Giê-su. Họ nghe những câu chuyện về Chúa Giê-su, rằng mẹ của Ngài đã được thiên sứ thăm viếng và báo tin mang thai Ngài, rằng Ngài là Thiên Chúa làm người và khi Ngài chào đời, ca đoàn thiên thần trên trời ngợi ca. Họ còn được biết thánh kinh nói về Ngài là Đấng Cứu Độ, là Đấng dân Israel ngóng trông theo lời Thiên Chúa hứa, là Đấng mà Gioan Tẩy Giả là sư phụ của họ giới thiệu họ đi theo. Ngài là Đấng đến gánh lấy tội trần gian, cứu thoát con người khỏi tội và ban bình an đích thực cho những ai thiện tâm đón nhận Ngài. Chúa Giê-su không xa lạ đối với những người đánh cá bên bờ hồ Galilê hôm ấy, vì thế, họ nhận biết qua lời mời gọi là một sáng kiến yêu thương của Chúa dành cho họ, qua đó, Chúa gặp gỡ họ và cho họ tham gia vào một công việc lớn lao, mở ra trước mắt một tương lai hứa hẹn như mẻ cá lạ lùng. Tóm lại, họ biết Đấng mời gọi họ và họ tin theo Ngài.

            Là Ki-tô hữu, chúng ta không thể nói không biết Chúa Giê-su. Chúng ta biết Chúa Giê-su là Thiên Chúa, là Đấng dùng bí tích Rửa Tội để tha thứ tội lỗi và cho chúng ta làm con Thiên Chúa, là Đấng thường xuyên ban lời của Ngài và Thân Mình của Ngài nuôi dưỡng chúng ta. Chúa Giê-su ban các bí tích cho chúng ta như ân sủng thường xuyên suốt đời Ki-tô hữu, để hằng ngày chúng ta sống trong ân sủng của Chúa và có mối tương quan thân thiết với Ngài qua đời sống thờ phượng và cầu nguyện. Chúa Giê-su không xa lạ với chúng ta, Ngài quen thuộc đến nỗi chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai” (2Tm 1,12). Vì thế, lời Chúa mời gọi “hãy theo Ta” không dành cho một người nào đó ngoài ngả ba đường, mà dành cho những người đã biết Ngài, tin vào Ngài và sống thân thiết với Ngài. Sám hối và tin vào Tin Mừng, từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa là dấu chỉ sống thân thiết với Chúa.

            Một câu hỏi cần thiết nảy sinh: Chúa gọi chúng ta đi theo Chúa để làm gì?

  1. Ki-tô hữu có ơn gọi đi lưới người

            Đi theo Chúa là đi sát Chúa, không phải tìm an nhàn cho mình hay tìm vinh quang cho Giáo Hội, nhưng là cùng với Chúa đi lưới người. Môn đệ Chúa không phải là người đi lưới cá, mà là người đi lưới người. Các môn đệ đang là người lưới cá, vì vậy không có hình ảnh nào giúp dễ hiểu và đánh động họ cho bằng hình ảnh người đi lưới người. Chúa Giê-su đã dùng lối giải thích cụ thể đó. Lời mời gọi của Chúa làm biến đổi cuộc đời các môn đệ, từ đây, họ không chỉ bỏ mọi sự đi theo Chúa, mà từ môi trường quen thuộc của họ hằng ngày, nay họ có tầm nhìn mới và chia sẻ sứ mạng của Đấng họ đi theo, đó là đi lưới người.  Đức Bênêđictô XVI giải thích, đi lưới người là sứ mạng đưa những người nam, người nữ ra khỏi vùng biển đời đã bị nhiễm mặn bởi nhiều lối sống và xu hướng sa đọa đang tàn phá đời sống đức tin trong các gia đình và nơi nhiều cá nhân, để đưa họ vào vùng đất sự sống, vào cuộc gặp gỡ Chúa. Như vậy, sứ mạng đưa người khác đi vào cuộc gặp gỡ và tin theo Chúa là sứ mạng của môn đệ Chúa, một sứ mạng không được phép khước từ hay lẩn tránh. Giôna không thể cho phép mình lẩn tránh khỏi Ninivê dân ngoại, vì điều đó không là cách sống của người tin theo Chúa. Các môn đệ cũng như thế, dù phải chịu thiệt thân. Nhưng, lưới người bằng cách nào?

            Thánh Phêrô đi lưới người bằng cách can đảm, tuyên xưng đức tin và rao giảng Chúa Giê-su Phục sinh. Lần đầu tiên, thánh Phê-rô can đảm rao giảng Chúa Giê-su đã sống lại giữa một xã hội khước từ Chúa Giê-su, kết quả đã lưới được 3.000 người tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh (x. Cv 2,41). Lần thứ hai, thánh Phêrô giúp hơn 5.000 người ra khỏi vùng tăm tối và được thấy sự sáng của Chúa (x. Cv 4,4). Trong năm 2023, đã có 23 nhà truyền giáo bị sát hại, chỉ vì các ngài thi hành bổn phận đi lưới người, các ngài nêu gương cho chúng ta.

            Phép lạ lưới người cũng sẽ xảy ra trong chính gia đình của bạn và giữa môi trường bạn sống, nếu bạn không chỉ từ bỏ tội lỗi, sám hối và sống thân thiết với Chúa, mà còn làm vang lời Chúa giữa gia đình và trong nhóm bạn bè. Bạn không tin lời Chúa có quyền năng làm biến đổi con người sao? Bạn không tin lời bạn nhắc nhở người thân trong gia đình hay trong nhóm bạn đi dự thánh lễ sẽ đem lại kết quả tốt đẹp sao? Chúa đã dùng bạn lưới người thì Chúa cũng sẽ cho phép lạ mẻ cá lạ lùng xảy ra hôm nay. Sợ rằng bạn không đi lưới người theo lời mời gọi của Chúa.

            Xin Chúa cho chúng con vui mừng vì được Chúa chọn gọi đi theo Chúa và được Thánh Thần của Chúa thôi thúc ra đi lưới người cho Chúa.

 

SUY NIỆM III

THEO CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Đoạn Tin Mừng kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên là Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan: “Các anh hãy đi theo tôi”. Bốn môn đệ đều là những người chài lưới và đang hành nghề trên biển hồ Galilê. Trước khi Chúa Giêsu kêu gọi các ông theo Ngài, các ông chưa bao giờ biết nghề gì khác ngoài cái nghề đánh cá hằng ngày của mình. Ấy thế, bây giờ Chúa Giêsu mời gọi các ông theo Chúa và chắc chắn các ông biết Chúa là ai rồi, Tin Mừng tuần trước chúng ta đã nghe. Nhưng cũng chắc một điều là các ông sẽ chưa biết theo Chúa được gì? Chỉ biết Chúa nói sẽ làm các ông thành những người đánh lưới người như lưới cá. Mà thế nào là lưới người như lưới cá, các ông cũng chưa hiểu hết. Nhưng với một niềm tin phó thác, các ông đáp lại ngay và sẵn sàng từ bỏ mọi sự, kể cả những gì thiết thân nhất trong đời sống như nghề nghiệp và phương tiện sinh sống cùng với những mối liên hệ ruột thịt tự nhiên để theo Chúa và thi hành những gì Chúa truyền dạy. Từ nay các ông sẽ có những bận tâm khác với những lo lắng trước đây. Các ông rời bỏ quê hương làng xóm, nơi chôn nhau cắt rốn, để đi đến những nơi Thầy sẽ sai đến. Quê hương các ông bây giờ là thế giới. Các ông từ bỏ gia đình ruột thịt quen thuộc, Thiên Chúa sẽ ban cho các ông một gia đình khác, gia đình các linh hồn mà các ông sắp cứu vớt. Các ông thoát ly hoàn toàn và dứt khoát. Thực vậy, các tông đồ đầu tiên thoát ly mọi sự trước kia đã ràng buộc các ông là để gắn bó với Chúa Giêsu. Các ông đi theo Ngài một cách tin tưởng mà không hỏi xem Ngài sẽ dẫn các ông đi đâu và tương lai sẽ thế nào. Qủa thế, cũng như đức tin của tổ phụ Abraham khi theo Chúa: “ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Các tông đồ của Chúa cũng ra đi mà không biết mình đi đâu! Đức tin không chỉ là dùng lý trí để chấp nhận một số chân lý hoặc mệnh đề đức tin, nhưng là vâng nghe tiếng Chúa và phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa đến nỗi ra đi mà không cần biết mình đi đâu, chỉ cần biết là đi với Chúa và đi theo Chúa, thế là đủ. Cho nên, các ông quyết đi theo Chúa để chia sẻ vui buồn và để đồng lao cộng khổ với Ngài. Các ông đã đi theo Chúa, sống bên Chúa, chứng kiến mọi việc Chúa làm, ghi nhớ những lời Chúa giảng dạy. Và khi Chúa về trời, các ông hăng say rao giảng về Chúa và giáo huấn của Chúa cho đến chết. Đó là đường lối mà các tông đồ đầu tiên và các tông đồ kế tiếp nhau đã làm đổi thay bộ mặt cũng như toàn bộ thế giới cho tới chúng ta ngày nay.

Nếu Chúa Giêsu đã quan tâm kêu gọi những người cộng sự trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng, thì điều đó có nghĩa là Ngài không muốn làm việc một mình mà muốn nước trời là một công trình có sự đóng góp của mọi người, nhất là qua ơn gọi thừa tác. Lời kêu gọi “Hãy đi theo tôi” hôm qua vang lên tai các tông đồ thì hôm nay vẫn còn vang lên trong nhịp sống Giáo hội và gửi đến chúng ta hằng ngày. Vấn đề là chúng ta có quan tâm lắng nghe và đáp ứng không? Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta đã được Chúa mời gọi theo Chúa, chúng ta đã thực sự là Kitô hữu rồi. Nhưng đời sống Kitô hữu không phải chỉ là tin những điều Giáo hội dạy, giữ những điều răn Chúa và Giáo hội truyền, và giữ như thế để được rỗi linh hồn mình. Cũng như các tông đồ xưa kia được kêu gọi không phải chỉ là để được “rỗi linh hồn mình”, nhưng còn là để cộng tác với Ngài để trở thành những kẻ lưới người. Người Kitô hữu cũng thế, được kêu gọi theo Chúa, không phải chúng ta chỉ lo cứu linh hồn mình, nghĩa là không phải chỉ là người giữ đạo, đọc kinh, đi lễ, nhưng phải là những tông đồ cho Chúa nữa. Dù ở bậc sống nào, dù ở trong một đoàn thể nào đó hay không vào đoàn thể nào, dù ở bất cứ chỗ nào, chúng ta cũng phải là những tông đồ của Chúa. Làm tông đồ trước tiên là bằng chính đời sống hiền lành thánh thiện của chúng ta.

Chẳng hạn, Cha Giuse Nguyễn Văn Thích, Ngài sinh năm 1891, là một trong những linh mục kiệt xuất của Giáo phận Huế vào thế kỷ 20. Ngài thuộc số nhà nho tiêu biểu của thế kỷ 20: tinh thông hán học và triết lý, đủ tài cầm kỳ thi họa (bút hiệu Sản Đình), chủ nhiệm tạp chí “Vì Chúa”, một thời rất nỗi tiếng, bạn thân của ngài là Phan Bội Châu, mấy thập niên 60-70 thì làm giáo sư đại học. Ngài xuất thân từ một gia đình Phật giáo, rất sùng đạo. Tuy nhiên, Chúa  đã chọn và mời gọi ngài trở thành môn đệ của Chúa. Để đáp trả lời mời gọi đó, ngài phải trải qua muôn vàng cay đắng, nhất là bị thân phụ ruồng bỏ. May thay, lần nọ khi cha ngài lâm bệnh nặng, các lương y tìm cách chữa trị nhưng không khỏi được. Cuối cùng, họ nghĩ ra phương cách bây giờ phải “nếm phân” để biết được vị của phân như thế nào mới có thể cho bài thuốc thích hợp. Trong lúc đó ai cũng do dự không dám “nếm phân” thì cha Thích là người đứng ra nếm phân của cha mình. Về sau cha ngài được chữa khỏi, ông cảm động trước việc làm của cha Thích và ngõ ý xin gia nhập đạo Công giáo.

Ngày nay Đức Giêsu cũng kêu gọi chúng ta theo Ngài, làm tông đồ của Người. Theo Đức Giêsu hôm nay chính là đến với anh em lương dân chưa nhận biết Chúa đang sống gần bên chúng ta bằng đời sống chứng nhân của chúng ta. Theo Đức Kitô hôm nay cũng không buộc ta phải bỏ nghề nghiệp của mình, phải từ bỏ mọi của cải vật chất, từ bỏ tình cảm đối với gia đình ruột thịt… nhưng đòi ta phải bỏ ý riêng, vác thập giá mình mà theo chân Chúa. Theo Đức Kitô hôm nay đòi ta phải dùng của cải như phương tiện để ta làm sáng Danh Chúa, chia cơm sẻ áo cho người nghèo ốm đau bệnh tật… Theo Đức Kitô hôm nay là chính đời sống gương sáng, tốt đời đẹp Đạo của chúng ta. Vì chưng, đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể thay đổi được vận mệnh của người khác, từ không biết Chúa đến nhận biết Chúa, tôn thờ, yêu mến Chúa. Đời sống tốt đẹp của chúng ta có thể làm cho mọi người từ tị hiềm ghen ghét đến yêu thương, xây dựng, đùm bọc, nâng đỡ nhau.

 Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa cho chúng ta biết bỏ đàng tội lỗi, sám hối ăn năn đồng thời quyết liệt và hăng hái theo Chúa cho đến hết hơi cho đến trọn đời, biết sống tốt đẹp, nêu gương sáng cho mọi người, trước tiên cho những người thân yêu trong gia đình ra ngoài xã hội, giáo phận  bằng đời sống hòa thuận yêu thương nhau, dấn thân phục vụ công bằng bác ái, xây dựng hạnh phúc trong tình yêu mến Chúa và yêu mến nhau. Amen.

Anh chị em thân mến, Theo Chúa là dâng hiến trọn vẹn cuộc đời cho Chúa và hăng hái ra đi làm chứng cho Tin Mừng của Ngài. Ý thức bổn phận trách nhiệm của chúng ta với Chúa, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin:

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương Chúa đã chọn chúng con làm môn đệ của Chúa. Xin cho tất cả chúng con hiểu được tình thương kỳ diệu của Chúa để dứt khoát với tội lỗi, sẵn sàng làm theo ý Chúa và tích cực cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen

 

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

(Lm Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm)

Nguồn: giaophanlongxuyen.org

1/ TỪ BỎ MỌI SỰ

“Tấm vải mộc của ẩn sĩ Baavani” là câu chuyện dân gian nổi tiếng của người Gujarati, kể về một vị ẩn sĩ đã đạt đạo (sadhu). Người này không sở hữu thứ gì ngoài một tấm vải để che thân, và sống một cuộc đời hoàn toàn phó thác cho Chúa. Lần kia, một con chuột nhấm một lỗ nhỏ trên miếng vải của anh, vì vậy anh ta tìm nuôi một con mèo để giữ tấm vải. Tuy nhiên, khi có mèo anh phải xin thêm thức ăn và sữa để nuôi mèo. Rồi anh nghĩ: “Ta sẽ nuôi một con bò để lấy sữa cho con mèo và cho cả ta nữa”. Thế là anh nuôi một con bò, nhưng có bò anh lại phải tìm thức ăn cho bò. “Tôi quá bận bịu!” Anh ta ngẫm nghĩ, và cưới một phụ nữ để lo kiếm cỏ cho con bò. Có vợ, có bò và con mèo để kiếm ăn, dần dần anh ta tậu được một khu đất và tìm người làm thuê. Chẳng bao lâu, anh trở thành người giàu nhất thị trấn. Khi được hỏi về lý do tại sao anh đã từ bỏ đời môn đệ, anh ấy giải thích: “Đây là cách duy nhất tôi có thể giữ được tấm vải của tôi!”

* Để trở thành ngư phủ lưới người, các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu đã từ bỏ mọi sự. Chúng ta đã sẵn sàng từ bỏ chưa? (Francis Gonsalves trong Sunday Seeds for Daily Deeds; trích dẫn bởi Cha Botelho).

2/ HÃY THEO TÔI

Ông Billy Graham sống trong một thị trấn nọ; ông muốn gửi một lá thư cho một người bạn, nhưng ông không biết Bưu điện ở đâu. Vì vậy, khi gặp một cậu bé đang đi bộ trên phố, ông dừng lại và hỏi cậu ta có thể chỉ cho ông đến Bưu điện gần nhất không. Cậu bé nói: “Vâng, ông đi đến đèn đỏ, rẽ phải, đi hai dãy nhà nữa đến đèn đỏ thứ hai, rẽ trái, đi thêm một đoạn, quay sang bên phải và ông sẽ đến ngay.” Tiến sĩ Graham cảm ơn cậu và nói: “Cháu trai, mời cháu đến Trung tâm Hội nghị vào tối nay, ở đó  cháu có thể nghe ông giảng cho mọi người biết cách lên Thiên đàng.” Cậu bé đáp: “Chà, thưa ông, cháu không nghĩ mình sẽ đến đó. Ông thậm chí còn không biết đường đến Bưu điện thì làm sao chỉ cho người ta đến Thiên đàng được!”

* Chúa Giêsu không chỉ biết đường lên Thiên đàng, Người còn chính là Con Đường đến Thiên đàng. Lời mời gọi đầu tiên mà Người trao cho bất kỳ ai là: “Hãy theo Thầy.” Đó là khởi điểm mà cũng là kết điểm của mỗi môn đệ khi theo Chúa Giêsu.

3/ CÁCH LOAN TRUYỀN TIN MỪNG

Một trong những ngành công nghiệp lớn nhất ở Hoa Kỳ ngày nay là thiết kế quảng cáo. Biển quảng cáo, biển báo trên ghế dài, tạp chí, nhật báo, biểu ngữ ở hai bên xe buýt, tin nhắn trong các chương trình thi đấu, thư “rác”, cuộc gọi điện thoại trên máy tính, radio và tất nhiên, truyền hình, tất cả đều tìm cách thương mại hóa chúng ta, để bán cho chúng ta một cái gì đó. Quảng cáo đưa ra một loạt các lời hứa. Chúng ta được hứa hẹn rằng nếu chỉ cần sử dụng những gì họ bán, chúng ta sẽ thu hút mọi người; chúng ta sẽ khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn, quyến rũ hơn; thơm tho hơn; trông có vẻ tốt hơn; cảm thấy tốt hơn; và nhận được mọi thứ chúng ta muốn… Tôi còn không muốn cộng thêm thời gian mỗi ngày bị quảng cáo phá hỏng. Đặc biệt là trẻ em, chúng bị mê hoặc và bị ảnh hưởng bởi những  hình ảnh quảng cáo (hầu hết là ảnh hưởng xấu). Khoảng bốn mươi năm trước, từng có một chiếc ô tô hiệu Packard. Packard là hãng sản xuất ô tô duy nhất không tham gia vào quảng cáo. Và điều đó không xảy ra nữa khi ông già Packard qua đời, bởi vì bất cứ khi nào người ta tiếp cận ông để chào hàng thực hiện một số quảng cáo cho ô tô của ông, ông luôn nói: “Không cần bất cứ thứ gì đâu; chỉ cần hỏi một người đã sở hữu một cái xe của tôi thôi.”

* Lời nói cùng với việc làm tốt là những phương thế hữu hiệu nhất để giới thiệu Chúa cho người khác.

4/ XE MỚI HAY LẤY VỢ?

Có một số vấn đề quá quan trọng trong cuộc sống đến nỗi không thể trì hoãn được. Mỗi quyết định phải được thực hiện đúng thời đúng lúc. Một lần nọ, qua chuyên mục tư vấn, Ann Landers kể về một tình huống khó xử mà một thanh niên kia gặp phải: “Ann thân mến, tôi phải quyết định giữa việc mua một chiếc xe mới và việc đính hôn. Tôi thực sự yêu cô gái trẻ tuyệt vời này, nhưng đồng thời đêm nào đi ngủ tôi cũng mơ đến cái xe đẹp mà tôi cần mua. Tôi không có khả năng lo hai chuyện này cùng một lúc. Phải làm sao đây?………”.

* Khi nghe tiếng Chúa gọi, chúng ta không chỉ thấy có hai con đường lựa chọn, mà rất nhiều hoàn cảnh khác phân tán mục tiêu của chúng ta. Hãy có thái độ dứt khoát như các môn đệ đầu tiên hôm nay.

5/ BIẾN ĐỔI HOÀN TOÀN

Cựu nghị sĩ Massachusetts, Tip O’Neill kể câu chuyện về sự thay đổi triệt để, hoặc metanoia – câu chuyện về một người đàn ông tên là “Honest Jake”. Honest Jake trở nên nổi tiếng ở khu vực Boston vì sự giúp đỡ anh dành cho các gia đình nhập cư ba thế hệ. Anh sở hữu một cửa hàng tạp hóa lớn và cấp tín dụng cho những người nhập cư nghèo để giúp họ bắt đầu đời sống ở vùng đất mới. Khi Honest Jake gần đến sinh nhật thứ sáu mươi của mình, một nhóm người mà anh đã giúp đỡ quyết định tổ chức cho anh một bữa tiệc lớn và tặng anh một món quà bằng tiền rất hậu hĩ. Jake nhận tiền một cách biết ơn và bắt đầu sử dụng nó để trang điểm cho mình. Trước hết anh ta làm lại bộ răng của mình. Rồi sửa lại mái tóc cho đẹp hơn. Anh bắt đầu đầu tư thời gian vào một chương trình ăn kiêng và tập thể dục và đã giảm được nhiều ký lô. Anh ấy đã mua một tủ quần áo hoàn toàn mới, sắm một chiếc xe mới. Sau đó anh ta lên máy bay và vài giờ sau, con người Honest Jake hoàn toàn đổi mới đó đáp bãi biển ở Miami. Anh gặp một phụ nữ trẻ đẹp và ngỏ lời hẹn với cô ta; và cô đã nhận lời. Nhưng trước khi họ có thể hẹn hò, một cơn bão lớn ập đến, và Honest Jake đã bị sét đánh chết ngay tức khắc. Trước cổng Thiên đàng, anh nói với Chúa: “Sau ngần ấy năm làm việc chăm chỉ phục vụ Ngài, con chỉ muốn tận hưởng bản thân một chút. Tại sao vậy? Tại sao lại là con? ” Và Chúa nói với anh ta: “Ồ, có phải là anh đó không, Jake? Ta xin lỗi, ta không nhận ra con nữa.”

* Các môn đệ đầu tiên hoàn toàn thay đổi đời sống để theo Chúa bằng cách từ bỏ của cải, gia đình, nghề nghiệp chứ không phải bằng việc đầu tư cho mình!

6/ BIẾN ÁC THÀNH THIỆN

Một phụ nữ từng đưa cho Ruskin xem một chiếc khăn tay đắt tiền trên đó bị lem một vết mực lớn. Bà ấy rên rỉ: “Thật mắc cở làm sao! Nó không còn có thể dùng vào việc gì nữa. Nó hoàn toàn vô dụng.” Ruskin không nói gì mà hỏi mượn chiếc khăn trong một ngày. Hôm sau, ông trao nó lại cho bà mà không nói một lời nào. Bỗng nhiên người phụ nữ vô cùng thích thú khi nhận thấy rằng, người nghệ sĩ vĩ đại đã sử dụng vết bẩn làm khởi điểm để thiết kế một hoa văn rất đẹp trên góc của chiếc khăn ấy. Bây giờ nó thực sự đáng giá hơn bao giờ hết, còn đẹp hơn cả trước khi vết bẩn làm biến dạng nó.

* Chỉ có Chúa mới có thể thay đổi con người ta hoàn toàn. Các môn đệ hôm nay được biến đổi để trở nên ngư phủ lưới người do tiếng Chúa kêu gọi.

7/ XÂY DỰNG NƯỚC CHÚA

Một ngày nọ, một người bạn của Abraham Lincoln muốn an ủi tổng thống về nhiều vấn đề mà ông phải đối phó bằng cách nói: “Tôi hy vọng rằng Chúa luôn đứng về phía chúng ta”. Lincoln trả lời một cách tử tế nhưng kiên quyết rằng đây không phải là hy vọng của ông. Mọi người đều ngạc nhiên! Sau đó ông nói tiếp: “Tôi không hề quan tâm đến điều đó, vì chúng ta biết rằng Chúa luôn đứng về phía lẽ phải. Nhưng tôi luôn lo lắng và cầu nguyện rằng tôi và quốc gia này phải đứng về phía Chúa.”

* Nếu chúng ta đứng về phía Chúa và vì Vương quốc của Ngài, chúng ta sẽ dùng biết bao hồng ân mà Ngài đã ban cho mỗi người chúng ta để phát triển Vương quốc của Ngài. (Vima Dasan in His Word Lives; được cha Botelho trích dẫn).

8/ VỀ PHÍA AI

Một thanh niên Nga đã trở thành người phản đối chiến tranh một cách tận tâm nhờ đọc văn hào Tolstoy và Tân Ước. Anh đã bị đưa ra trước một thẩm phán. Với sức mạnh của niềm tin, anh ta nói với quan tòa rằng anh ta tin vào một cuộc sống biết yêu thương kẻ thù, làm điều tốt cho mọi người, chiến thắng cái ác và từ chối chiến tranh. Thẩm phán nói:  “Phải, tôi hiểu. Nhưng anh phải thực tế. Những luật mà anh đang nói đến là luật của Nước Chúa, và nó vẫn chưa đến”. Chàng trai đứng thẳng lên và nói: “Thưa ngài, tôi nhận ra rằng nước đó chưa đến với ngài, cũng chưa đến với nước Nga hay thế giới. Nhưng Nước Thiên Chúa đã đến với tôi! Tôi không thể tiếp tục căm ghét và giết chóc như thể nó chưa hề đến.”

* Kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Vương quốc của Ngài sẽ được thực hiện trong bao lâu? Điều đó phụ thuộc nhiều vào việc chúng ta có nhiệt tình đứng về phía Chúa và cộng tác với Ngài hay không. (Cha Botelho)