Chúa Nhật III Thường Niên – Năm C
CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN – NĂM C
23-1-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hòa Khánh
GIÁO HUẤN SỐ 9
NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CỦA TUỔI TRẺ
Tuổi trẻ và dấn thân (tt)
Nhiều người trẻ tham gia các chương trình xã hội xây dựng nhà cho người vô gia cư, hay cải tạo các ku vực bị ô nhiễm, hoặc cung ứng những loại trợ giúp khác nhau cho những người cần trợ giúp. Sẽ rất có ích nếu sự góp sức này có thể được tổ chức và vận hành một cách ổn định hơn và với những mục tiêu rõ ràng, để càng có hiệu quả hơn nữa. Các sinh viên đại học có thể áp dụng kiến thức của mình một cách liên ngành, cùng với các bạn trẻ của các Giáo hội hay các tôn giáo khác, để đề ra những giải pháp cho các vấn đề xã hội (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 172).
—————————-
CN 3 TN NĂM C
(Nkm 8,2-4a.5-6.8-10; 1Cr 12,12-30; Lc 1,1-4; 4,14-21)
Tập thơ của công chúa Catarina, soạn vào những năm đầu cha Đắc Lộ giảng đạo ở Hà Nội (1627-1630) (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 112). Đó là tập giáo lý; còn tập “Sấm Truyền Ca” của cha Lu-i Đoan mới là tập ‘kinh thánh’. Ông Cao Thế Dung viết về ‘Sấm Truyền Ca’ của cha Lu-I như sau: “Cha Lữ Y Đoan phỏng dịch từ 5 sách đầu của Kinh Thánh: Sáng thế ký, Xuất hành, Giáo sĩ (Lê-vi), Dân số ký và Nhị luật, gọi chúng là Tạo Đoan kinh, viết bằng chữ Nôm vào khoảng năm 1670, theo thể lục bát, gồm 3596 câu” (Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên, tập II, trang 1353). Cha Đoan là con ông Anrê, người Thanh Chiêm Phước Kiều.
Qua câu chuyện cha Lu-i Đoan viết “Sấm Truyền Ca”, chúng ta thấy từ thuở đầu, giáo dân Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của Kinh Thánh. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng cho biết Kinh Thánh là quan trọng.
Bài đọc 1 (Nkm 8,2-4a.5-6.8-10): Cha Kevin O’Sullivan viết: “Dân Do Thái từ Ba-by-lon, nơi lưu đày trở về quê, phần lớn làm nghề xây dựng, tái thiết Đền Thờ, nhà cửa. Ét-ra là tư tế, con cháu ông A-ra-on, chịu trách nhiệm phục hồi đời sống tôn giáo tại Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Một trong những việc đầu tiên là giúp dân chúng làm sống lại Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân chúng trên núi Xi-nai từ 7 thế kỷ trước. Dân chúng vui vẻ thực hiện hy vọng vào Thiên Chúa. Trước khi đọc sách Luật, ông Ét-ra tạ ơn Thiên Chúa vì những gì Người đã thực hiện cho họ. Dân chúng đồng ý giơ cao tay kêu “Amen’, tiếng Hip-ri có nghĩa là ”chắc chắn” hay “đúng thế”. Dân chúng lặp đi lặp lại tỏ bày sự ưng thuận”
Bđ1 viết: “Kinh sư Ét-ra đứng trên bục gỗ đã đóng sẵn để dùng vào việc này. Ông Ét-ta mở sách ra trước mặt toàn dân, vì ông đứng cao hơn mọi người. Khi ông mở sách ra thì mọi người đứng dậy. Bấy giờ ông Ét-ra chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ cao tay đáp rằng: Amen! Amen! Rồi họ sấp mặt xuống đất mà thờ lạy Đức Chúa” (Nkm 8,4-7).
Bài Tin Mừng (Lc 1,1-4; 4,14-21): BTM hôm nay kể chuyện Chúa Giê-su giảng dạy ở Na-da-rét. Thánh Lu-ca kể: “ Khi ấy được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh” (Lc 4,16).
Ông William Barclay viết : “Ngài bắt đầu tại Ga-li-lê, là một vùng đất phía Bắc xứ Palestine, rộng chừng 80 km từ Bắc xuống Nam và 40 km từ Đông sang Tây. Ga-li-lê có nghĩa là vòng tròn, phát xuất từ chữ Ga-gil trong chữ Do Thái… Sử gia Josephus, người đã có lần làm thống đốc vùng này cho biết rằng miền đó có 204 làng hoặc thành, làng nào cũng có số dân không dưới 15.000… Đó là vùng đất phì nhiêu. Một tục ngữ phản ánh vùng này: “Nuôi một vạn cây ô-liu ở Ga-li-lê còn dễ hơn nuôi 1 đứa con ở xứ Giu-đê”. Khí hậu tốt và nước uống dư dật khiến Ga-li-lê trở thành một vườn cây…Chính người Ga-li-lê là những người ‘chuộng những gì mới mẻ, bản tính họ thích đổi thay và thích nổi loạn… Người Ga-li-lê không bao giờ thiếu can đảm.
Ngài đã bắt đầu trong một hội đường. Hội đường là trung tâm đời sống tôn giáo. Trong nước chỉ có 1 Đền thờ, luật qui định rằng hễ ở đâu có 10 gia đình Do Thái thì ở đó có 1 hội đường… Đền thờ là nơi để dâng của lễ, hội đường chỉ để giảng dạy.
Phần thờ phượng bằng cầu nguyện. Phần đọc Kinh Thánh, có 7 người trong cộng đoàn đứng lên đọc. Vì họ đọc bằng tiếng Do Thái cổ là ngôn ngữ đa số dân chúng không còn hiểu nữa, nên phải có các thầy Targum giúp dịch sang tiếng Aram hay Hy Lạp. Khi đọc luật thì mỗi lần 1 câu; còn đọc sách ngôn sứ mỗi lần 3 câu.
Phần giảng dạy tại hội đường không có chức vụ chuyên nghiệp, cũng không có người chuyên biệt. Vị chủ tịch hội đường sẽ mời một nhân vật đặc biệt nào đó có mặt trong giờ họp nói mấy lời, sau đó tới giờ thảo luận…
Đoạn Kinh Thánh cho biết mọi người đều khen ngợi Ngài. Giai đoạn Chúa Giê-su đang thi hành sứ vụ đây được gọi là Mùa Xuân xứ Ga-li-lê. Ngài đã đến đó như một luồng gió từ Thiên Chúa. Phe đối lập chưa xuất đầu lộ diện, lòng người đang khát lời hằng sống (cha Tảo chuyển ngữ, Tin Mừng Theo Thánh Luca, trang 42-43).
Bài đọc 2 (1Cr 12,12-30): Chúa nhật 2 tuần trước, cha Sullivan đã viết: sau khi giảng đạo ở Cô-rin-tô 2 năm, năm 52 sCN thánh Phao-lô đi Ê-phê-sô. Tại đây, nghe tin cộng đoàn Cô-rin-tô chia rẽ, thánh Phao-lô đã viết thư sửa dạy họ. Trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phao-lô ví một cộng đoàn giống như một thân thể. Ngài viết : “Thân thể gồm nhiều bộ phận, chứ không phải chỉ có một mà thôi” (2Cr 12,13), “Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Giả như tất cả chỉ là một thứ bộ phận, thì làm sao mà thành thân thể được? Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy mắt không có thể bảo tay ‘tao không cần đến mày’; đầu cũng không thể bảo hai chân ‘tao không cần chúng mày’ (2Cr 12,18-21).
Điều răn mới
Các con là những người nhà
Thày cho nghe lại lời ca nhiệm mầu
Cách nhau trời thẳm vực sâu
Muốn theo không nẻo bắt cầu mà theo
Ra đi Thầy trối một điều
Đây là giới luật tình yêu Thầy truyền
Cùng nhau một hội một thuyền
Thương nhau như cắt máu truyền cho nhau
Gương Thầy rạng tỏ làu làu
Tình Thầy là bức tranh mầu đầy hoa
Tương thân tương ái đậm đà
Cho đời nhận biết đâu là căn duyên
Họ là đệ tử đích truyền
Là con một Chúa, là chiên một ràn
(Nguyễn Xuân Văn, Sứ Diệp Tình Thương, câu 6887-6900)
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành