Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm A
CN 4 MÙA CHAY
19-3-2023
1Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ An Ngãi
GIÁO HUẤN SỐ 17
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Sứ Mạng Của Bạn Trong Đức Kitô (tt)
Đây là một lời hiệu triệu mạnh mẽ dành cho tất cả chúng ta. Cả bạn nữa, bạn cũng cần nhận thấy toàn thể đời sống mình như một sứ mạng. Hãy gắng thi hành sứ mạng đó bằng cách lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra những dấu hiệu mà Ngài trao cho bạn. Hãy luôn hỏi Chúa Thánh Thần để biết Chúa Giê-su mong muốn gì nơi bạn vào mọi lúc trong cuộc đời và trong mọi quyết điịnh mà bạn phải đưa ra, để phân định vai trò của nó trong sứ mạng mà bạn đã lãnh nhận. Hãy cho phép Chúa Thánh Thần rèn đúc nơi bạn một mầu nhiệm riêng có thể phản chiếu Đức Giê-su Ki-tô trong thế giới hôm nay. Ước mong bạn tiến tới nhận ra lời đó là gì, tức thông điệp của Đức Giê-su mà Thiên Chúa muốn ngỏ với thế giới qua đời sống của bạn. Bạn hãy cho phép mình được biến đổi. Hãy để cho mình được đổi mới nhờ Chúa Thánh Thần, nhờ đó điều tốt đẹp này sẽ diễn ra, và bạn không thất bại trong sứ mạng cao quí của mình. Chúa sẽ mang sứ mạng ấy đến hoàn thành, bất chấp những lầm lạc của bạn, miễn là bạn không bỏ nẻo đường yêu thương, nhưng luốn mở lòng ra với ân sủng siêu nhiên của Chúa, là ân sủng có sức thanh tẩy và chiếu sáng (Tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ, số 23&24).
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Thánh Giu-se Việt Nam
Bổn mạng của Hội Thánh hoàn cầu : Đó là nhân dịp công đồng Vatican I nhóm họp (1869-1878), Đức Chân phước giáo hoàng Piô IX (1792-1878) nhận được hai thỉnh nguyện thư liên hệ đến Thánh Giuse : một mang chữ ký của 153 giám mục thỉnh cầu cho việc tôn sùng thánh Giu-se được nâng lên địa vị cao hơn trong phụng vụ. Thỉnh nguyện khác của 43 bề trên tổng quyền các dòng tu nêu nguyện vọng thánh Giu-se được long trọng tôn phong là Đấng bảo trợ Hội Thánh hoàn cầu. Bổn mạng Giáo hội hoàn cầu và đồng thời nâng lễ kính Người ngày 19-3 lên bậc hạng nhất (lễ trọng) (Phạm Đình Khiêm, Thánh Giuse Trong Dân Chúa, trang 219-220).
Còn Hội thánh Việt Nam ?
– Sách ‘Cuộc đời Đức cha Lambert de La Motte, Giám mục hiệu tòa Béryte’ viết : ‘Lần đầu tiên ngài có sự thúc đây bên trong muốn nhận chức thánh để có thể giúp đỡ các linh hồn ở đất nước mà ngài nghĩ là đang kêu gọi mình đến. Ngài cảm thấy cần phải sùng kính Đức Mẹ và thánh Giu-se cách chân thành và tha thiết mỗi ngày mỗi hơn, để tiến xa hơn trên con đường hoàn thiện. Ngài buồn phiền vì nhận thấy cho đến lúc này ngài chưa tôn kính các vị ấy đúng mức. Để đền bù khiếm khuyết đó, ngài hành hương đến Notre Dame de la Délivrance. Từ đó ngài hết lòng van xin ơn tha tội, ngài đã mù quáng và vô ơn với người Bạn đường vô cùng chính trực của Mẹ. Với lòng sốt sắng và phó thác hoàn toàn mới, ngài tự đặt mình dưới sự che chở của các ngài (Jacques-Charles, Cao Kỳ Hương chuyển ngữ, trang 25-26).
-Cửa khẩu Thánh Giuse : “Năm 1627, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), tông đồ xứ Bắc đến Cửa Bạng (Thanh Hóa) đúng ngày lễ Thánh Cả Giuse 19 tháng 3, sau khi nhờ cầu khẩn Thánh Giuse mà được thoát nguy trên biển cả. Chính Ngài ghi lại sự kiện đó trong cuốn Hành trình và Truyền giáo của ngài : “Ngày 12-3-1627 tôi rời Ma-cao và sau 8 ngày lênh đênh trên biển với một cơn phong ba tưởng nguy đến tính mạng, chúng tôi may mắn cập bến Cửa Bạng ở tỉnh Thanh Hóa, ngày 19-3 lễ thánh Giuse, Đấng tôi nhận là quan thầy trong công trình lớn lao này. Chúng tôi liền đặt tên cho cửa biển này và từ đó gọi là Cửa Thánh Giuse” (Phạm Đình Khiêm, sđd, trang 365).
-Ngày nay nơi đó là giáo xứ Thánh Giuse Ba Làng, một giáo xứ đông đúc thịnh vượng, bắt nguồn từ người giáo hữu tiên khởi mang tên thánh là Giuse và “Xóm thánh Giuse” thời cha Đắc Lộ” (Phạm Đình Khiêm, sđd, trang 367).
-Trong các nhà thờ đầu tiên lập tại kinh đô xứ Bắc, lịch sử còn ghi những danh hiệu như Nhà thờ Giáng sinh, Nhà thờ Phục sinh v.v… và cả nhà thờ Thánh Giuse, do chính người con tinh thần của cha Đắc Lộ là ông Raphaen Đắc Lộ (Raphael de Rhodes) một nhân sĩ xứ Bắc thời đó, xây dụng trong khuôn viên nhà mình. Chính đây là tiền thân của Nhà Thờ Chính Tòa Thánh Giuse Hà Nội ngày nay (PĐK,sđd, trang 368).
-Ngày 14-2-1670, Giáo phận Đàng Ngoài họp công nghị lần I tại Dinh Hiến tức Phố Hiến (Hưng Yên) dưới quyền chủ tọa của Đức cha Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa Đàng Trong, kiêm nhiệm Đàng Ngoài, với sự hiện diện của cha chính Deydier, hai giáo sĩ thừa sai và 9 linh mục bản quốc đầu tiên, chưa kể một số thầy giảng. Sau khi thảo luận các vấn đề về việc điều hành Địa phận, Công nghị đã chấp nhận 34 quyết định , mà quyết nghị kết thúc (số 34) là tôn vinh thánh cả Giuse, cũng giống như sau này Công đồng Vatican II dành chương kết thúc hiến chế tín lý về Giáo hội (Lumen gentium) để tôn vinh Trinh Nữ Diễm Phúc Maria (PĐK, sđd, trang 368).
-Văn bản công nghị đệ trình về Tòa Thánh được Đức giáo hoàng Clêmentê X phê chuẩn ngày 23-12-1673 bằng tông hiến ‘Thánh vụ Tông đồ’ : “Chiếu theo những quyết định từ trước tại Ajuthia, Thánh Giuse vinh hiển, Phu quân rất mực xứng đáng của Đức Trinh nữ rất thánh, được nhận làm Quan thầy nước này. Vậy phàm ai làm công việc gì hệ trọng trong Đạo đều phải cầu xin Người phù trợ”.
Hồi đó là thời kỳ Nam Bắc phân tranh hai miền Đàng Trong và Đàng Ngoài biệt lập như hai quốc gia, tông hiến đã không đến. (PĐK, sđd, trang 369).
-Sau khi chủ tọa công nghị Đàng Ngoài, Đc Lambert thành lập và ban hiến chương cho Dòng Mến Thánh Giá với Thánh Giuse làm quan thầy (PĐK, sđd, trang 369).
-Lịch Giáo phận viết : “ Bổn Mạng Hội Thánh Việt Nam. Bổn mạng Đức cha Giuse , Giám mục giáo phận và Đức cha Giuse, nguyên Giám mục Giáo phận (trang 55).
xxx
Thiên Chúa chọn Thánh Giuse cho Hội thánh Việt Nam chẳng khác gì Thiên Chúa và Đức Giêsu chọn dân Do thái trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay : Bđ1 Thiên Chúa chọn vua Đa-vít, BTM Chúa Giêsu chữa anh mù, Bđ2 thánh Phao-lô khuyên sống kết hiệp với Đức Ki-tô và hiệp nhất với nhau.
Bài đọc 1 (1Sm 16,1b.6-7.10-13a) : Sách Sa-mu-en trong bđ1 kể chuyện Thiên Chúa chọn Đa-vít làm vua thay vua Sa-un cho dân Do thái. Sách kể : “Ông Gie-sê cho 7 người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với ông Gie-sê : ‘Đức Chúa không chọn những người này’. Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê : ‘Các con ông có mặt đầy đủ chưa ?’ Ông Gie-sê trả lời : ‘Còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên’. Ông Sa-mu-en liền nói với ông Gie-sê : ‘Xin ông cho người đi tìm nó về, chúng ta sẽ không nhập tiệc trước khi nó tới đây’. Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về… Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en : ‘Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!’ Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu ở giữa các anh của cậu. Thần khí Đức Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi” (1Sm 16,10-13a).
Trước khi chọn Đa-vít, ‘Ông Sa-mu-en thấy Ê-li-áp, ông nghĩ : ‘Đúng rồi ! Người Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ở trước mặt Đức Chúa đây !’ Nhưng Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en : ‘Đừng xét đoán theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng’ (1Sm 16,6-7).
Bài Tin Mừng (Ga 9,1-41) :Trong sách ‘Con Chiên Của Đấng Xóa Tội Trần Gian’, cha Nguyễn Công Đoan viết : “Họ lại dùng chiêu thức cuối cùng : mạ lỵ và xua đuổi, như họ đã làm với Chúa Giê-su ở cuối chương 8. Họ cũng dùng một sự tin tưởng bình dân mà các môn đệ đã nêu lên cho Chúa Giê-su như một thắc mắc “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?” Rồi họ tống anh ta ra ngoài. Với Chúa Giê-su, bị đưa vào thế bí thì họ toan ném đá Người (Ga 8,59), còn với kẻ tuyên xưng lòng tin vào Chúa Giê-su, làm chứng về Chúa thì họ tống ra ngoài. Nguồn ánh sáng hay tia sáng đều làm chói mắt họ. Anh mù được sáng đã được chung phận với Chúa Giê-su. Anh được gì bù lại ?
“Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi : ‘Anh có tin vào Con Người không ?’ Anh đáp : ‘Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin ?’ Đức Giê-su trả lời : ‘Anh đã thấy Người, chính Người đang nói với anh đây.’ Anh đáp : ‘Thưa Ngài, tôi tin. Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người (Ga 8,35-38).
Chúa Giê-su se phát biểu một qui luật ‘Ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy’ . Anh mù được sáng đã thành tiêu biểu cho qui luật ấy. Anh đã tin Chúa, đã liều mạng làm chứng cho Chúa thì Chúa tỏ mình ra cho anh. Chúa Giê-su nhắc lại quyền xét xử mà Chúa khẳng định ở chương 5,22-24 : ‘Tôi đến thế gian này chính là để xét xử cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù’.
“Có tật giật mình: ‘Những người Pha-ri-sêu đang ở đó với Đức Giê-su nghe vậy liền lên tiếng : ‘Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao ?’ Đức Giê-su bồi thêm : ‘Nếu
các ông đui mù thì các ông chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng : chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn đó’.
“Họ rủa người mù đã được sáng : ‘Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu’. Chúa Giê-su vạch cho họ thấy, họ mới là những người mù vì tội lỗi. Họ không tin vào Chúa Giê-su thì chẳng có ai giải thoát họ, nên tội của họ vẫn còn đó. Họ mới là những kẻ sinh ra tội lỗi ngập đầu, nhưng lại không muốn được sáng. Anh mù đã được sáng là bằng chứng ‘để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh’” (Nguyễn Công Đoan, sđd, trang 175-176).
Bài đọc 2 (Ep 5,8-14) : Ê-phê-sô nay là một thành phố của nước Thổ Nhĩ Kỳ, nơi thánh Phao-lô đến rao giảng (Cv 19,1-4) và là 1 trong 7 giáo hội thánh Gioan viết thư giáo huấn (Kh 1,11). Tương truyền khi Chúa Giêsu về trời, Đức Mẹ đã ở với thánh Gioan tại đây.
Sách ‘Kinh Thánh 2011’ của Nhóm CGKPV viết về lá thư này như sau : “Nội dung chính của Ê-phê-sô là trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ mà Ngươi đã sắp đặt từ bao đời trước. Mầu nhiệm đó là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô (1,10). Nội dung này được khai triên thành 2 phần :
– Phần một (1,3-3,21) : chiêm ngưỡng công trình Thiên Chúa thực hiện trong Đức Ki-tô (1,3-2,10); cho thấy Thiên Chúa đã kết hợp những người không phải là Do thái (độc giả thư) với dân Do Thái, để làm thành một dân mới của Người như thế nào (2,11-3,21).
– Phần hai (4,1-6,20) : khuyên độc giả sống hiệp nhất, xứng với đời sống mới, đời sống kết hiệp với Đức Ki-tô qua những tương quan cụ thể trong đời sống hằng ngày, giữa cộng đoàn Ki-tô hữu, trong gia đình, trong xã hội (trang 2592),
Cầu nguyện
Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần
để thực hiện công trình kỳ diệu
là cho loài người được hòa gỉai với Chúa
Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu
được lòng tin sống động
mà hăm hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới.
Chúng con cầu xin
SUY NIỆM II
Lm. Đaminh Phạm Văn Tụ (SSS)
Người ta bảo rằng: “Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Vì ánh mắt là phương tiện trao đổi ngôn ngữ khi giao tiếp, là nơi khởi đầu tiếp nhận sự vật và bộc lộ cảm xúc cũng như biểu đạt của tâm hồn con người. Khi nhìn vào ánh mắt của một người, chúng ta thường dành thiện cảm cho “những ánh mắt trong”. Vì cảm xúc trong trẻo, tốt đẹp thường gây được ấn tượng tốt đẹp ban đầu cho người đối diện; điển hình như đôi mắt của những trẻ thơ trong trắng, có thể khiến bất cứ ai khi nhìn vào cũng đều trở nên dịu dàng và mỉm cười ngay lúc ấy. Tính cách của một người cũng được biểu hiện nhiều qua ánh mắt, một người cởi mở, vui vẻ và tích cực thường mang một đôi mắt “biết cười” linh động, toát ra từ chính tâm hồn họ, hay một người mang nhiều tâm sự, sẽ mang một đôi “mắt buồn”. Nên bắt nhịp được cảm xúc của một người qua ánh mắt, chính là cách giao tiếp chạm sâu vào cõi lòng mà không một ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được.
Ánh mắt của người mù thường là ánh mắt không biết cười, không tiếp cận được ánh sáng, nên khả năng tiếp thu kiến thức của họ mất 80% so với một người sáng mắt. Như vậy con mắt thật quan trọng biết bao, nên người ta sợ bị mù lòa; vì trong nhân gian vẫn có câu: “ Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”. Mất con mắt thể lý, con người ta đau khổ biết chừng nào vì cả cuộc đời phải sống trong tăm tối với tương lai mịt mù. Cuộc sống luôn phải đối diện với những khó khăn thử thách, mặc cảm và đói nghèo.
Anh mù trong Tin Mừng hôm nay là một thí dụ điển hình, anh bị mù từ lúc mới sinh; mở mắt chào đời trong tăm tối và lớn lên trong tăm tối. Anh phải đối diện với những nghiệt ngã và khổ đau, con mắt thể lý không thể là cửa sổ của tâm hồn, cũng không thể là đèn soi cho anh trên những bước đường mưu sinh, sự nghiệp, nên anh phải cặm cụi bên những đầu đường xó chợ để xin ăn. Cuộc sống không có ngày mai và còn phải gánh chịu bệnh tật và những cái nhìn đố kỵ, khinh miệt và loại trừ của những giới chức tôn giáo cũng như của những người đồng quê hương xứ sở với mình; khiến cuộc đời anh ta càng rơi vào hố sâu tuyệt vọng ê chề cả thân xác lẫn tinh thần. Nhiều người đã kết án anh ta cho việc anh bị mù lòa là hậu quả của tội anh ta đã phạm, hoặc cha mẹ anh ta đã phạm. Ngay cả các môn đệ cũng có cái nhìn về anh ta như thế khi họ hỏi Chúa Giêsu: “ Thưa thầy, ai đã phạm tội, anh này, hay cha mẹ, khiến anh mù từ khi mới sinh?”. Chúa Giêsu lại có một cái nhìn khác, Ngài chẳng đổ lỗi cho anh hay cha mẹ anh ta phạm tội mà Ngài chỉ muốn công việc của Thiên Chúa được tỏ ra nơi anh. Bởi chính Ngài là sự sáng thế gian, nên Ngài không thể để cho anh mù từ thuở mới sinh phải chịu cảnh tăm tối và đau khổ thêm nữa. Ngài đã nhìn anh ta bằng ánh mắt của tình thương, Ngài đã thấy được sự tuyệt vọng nơi anh, và nỗi khát khao của anh được nhìn thấy ánh sáng. Ngài muốn nâng dậy một con người đang sống trong cảnh tuyệt vọng ê chề và kéo anh ra khỏi sự tăm tối của quyền lực sự dữ, cho anh một khung trời của tự do trong ánh sáng. Nhưng khi Ngài kéo anh ra khỏi sự tăm tối và giải thoát anh ra khỏi sự miệt thị của con người, thì Ngài lại phải chấp nhận bị những người Pharisiêu và những người Do- thái kết án là kẻ tội lỗi. Ngài đã chấp nhận trở thành tội nhân, để gánh lấy tội lỗi của muôn người.
Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta sáng con mắt thể lý, nhưng vẫn tối tăm về con mắt tâm hồn. Vì thế, mà chúng ta vẫn sống vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ đau, trước những đói nghèo, bị bỏ rơi, và bị loại trừ của anh em đồng loại. Chúng ta cũng giống như những người Pharisiêu và phần đông những người Do-thái chỉ biết tôn thờ chủ nghĩa luật mà không dám bước ra khỏi sự lệ luật, để rồi đánh mất lòng trắc ẩn đối với anh chị em đồng loại. Biến Thiên Chúa trở thành một ông chủ hà khắc, vô cảm trước nỗi khổ đau của con người.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin Chúa cho chúng con có được ánh mắt của Chúa, để chúng con biết nhìn anh em chị em mình không chỉ qua những diện mạo bên ngoài, mà còn cả bên trong tâm hồn nữa. Để chúng con biết cảm thông, nâng đỡ và ủi an những người thiếu may mắn hơn chúng con. Xin cho chúng con có được trái tim dịu hiền của Chúa, để chúng con cũng biết rung động, biết thương cảm trước đau khổ của anh chị em mình. Xin cho chúng con có đôi tay của Chúa, biết đưa ra trợ giúp và vực dạy những ai lầm lỗi yếu đuối, gục ngã trên đường đời. Cũng xin cho chúng con biết thấm nhuần Lời Chúa, để Lời chữa lành, an ủi chúng con và anh chị em chúng con trong những lúc gặp thử thách và chông gai trong cuộc sống hằng ngày. Amen
SUY NIỆM III
CẶP MẮT MỚI ĐỂ THẤY CHÚA
(Hội An 19/3/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Hãy nhớ lại thời dịch Co-vid thập tử nhất sinh, nếu bấy giờ có ai trong chúng ta mắc Co-vid mà có người gọi điện thoại đến và hỏi: “Anh/chị bị mắc Co-vid như thế là do tội của anh/chị hay tội của cha mẹ anh chị?” Có lẽ đó là câu hỏi nhẫn tâm nhất! Vì điều chúng ta cần bấy giờ là được chữa lành, chứ không phải cần người đến luận tội. Những môn đệ của Chúa Giê-su từng có những câu hỏi vô tâm như thế trước một người mù từ thuở mới sinh. Họ hỏi Chúa: anh ta mù là do tội ai? Tội của anh ta hay tội của cha mẹ anh ta?” Thay vì trả lời thỏa mãn các môn đệ, Chúa Giê-su cho các ông hiểu sứ mạng của Ngài là cấp bách cho người mù được thấy và được thấy Thiên Chúa và thúc giục các ông vội vàng cho sứ mạng: “Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng sai Ta. Đêm đến, không ai có thể làm việc được nữa” (Ga 9,4).
- Chúa ban cho cặp mắt mới
Đối với người mù từ thuở mới sinh, điều ông cần nhất là con mắt của ông được thấy. Chúa Giê-su từng nói: “Con mắt là đèn của thân thể” (Mt 6,22). Nay vì mù, anh mù không nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên và khuôn mặt mọi người chung quanh, nên không chiêm ngưỡng được vẻ thần thiêng các công trình của Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giê-su đến chữa cho anh được sáng mắt, Chúa cấp bách chữa lành. Việc Chúa lấy bùn xức lên mắt anh mù làm chúng ta nhớ đến trình thuật của sách Sáng Thế kể Thiên Chúa lấy bùn tạo dựng nên con người. Nay, việc xức bùn muốn nói đến cuộc tạo dựng con người mới, con người được cặp mắt mới nhìn thấy bao việc Thiên Chúa làm. Chỉ Chúa Giê-su mới có quyền năng ban lại cho anh cặp mắt mới.
Nói đến đây, nhiều người trong chúng ta phải giật mình, bởi con mắt ta tuy có đó mà vẫn không chút ngạc nhiên trước cảnh đẹp của thiên nhiên, không nhạy cảm trước vẻ đẹp của ánh trăng, không sửng sờ trước vẻ huy hoàng của mặt trời như thánh Phanxicô đã ca tụng. Ban ngày cắm cúi chạy đôn chạy đáo, thì thấy vẻ huy hoàng của mặt trời sao được? Ban đêm thích đến nơi đèn mờ, thì làm sao chiêm ngưỡng được sự dịu dàng của ánh trăng? Lắm khi con mắt chúng ta có đó mà lại không thấy Chúa Giê-su trên thánh giá trên bàn thờ trong nhà mỗi khi trở về nhà hay mỗi khi vào nhà thờ. Nhiều khi con mắt thể lý sáng rực, chúng ta vẫn không thấy người mẹ, người cha, người thân bên cạnh, nên không lời chào hỏi. Chúng ta đang rơi vào cảnh mù của anh mù bẩm sinh. Cần được Chúa ban cho cặp mắt mới.
- Cặp mắt mới để thấy Chúa
Có cặp mắt mới, anh mù có thể rơi vào tình trạng mù lòa như những người Pharisêu. Người Pharisêu có mắt thể lý, nhưng họ mù con mắt đức tin. Họ tiếp xúc với Chúa Giê-su mà không nhận ra Chúa. Không phải chỉ người Pharisêu, có lần Chúa Giê-su đã quở trách các môn đệ: “Sao các con có mắt mà lại không thấy?” (Mc 8,18). Vì vậy, Chúa cho anh mù có cặp mắt mới để anh thấy: thấy những việc Chúa làm, nhất là thấy những thực tại chỉ thấy được bằng con mắt đức tin.
Chúa Giê-su không chỉ mở con mắt thể lý của anh mù, mà Ngài còn liên kết việc chữa lành cặp mắt thể lý của anh với việc chữa trị cơn mù lòa cặp của mắt đức tin nơi anh. Chúa ban cho anh được thấy mọi sự bằng con mắt thể lý, nhưng quan trọng hơn, Chúa cấp bách ban cho anh được thấy Chúa. Mong được thấy Chúa Giê-su là khát khao từ tâm khảm con người. Những người Hy Lạp đã đến nói với Philipphê: “Chúng tôi muốn thấy Chúa” (Ga 12,21). Có nhiều người khát khao như thế, cho đến hôm nay. Bao nhiêu anh chị em dự tòng khát khao thấy Chúa và thuộc về Chúa. Không biết trong chúng ta còn niềm khao khát thấy Chúa Giê-su không? Không biết chúng ta có nóng lòng như Chúa Giê-su cấp bách cho người khác thấy Chúa không?
Tại sao chúng ta khao khát được thấy Chúa Giê-su? Có phải chỉ là vấn đề lịch sử, chúng ta muốn biết thêm một nhân vật quan trọng trong quá khứ? Chắc chắn nhiều hơn thế. Chúa Giê-su không muốn đưa chúng ta về quá khứ để bỏ mặc chúng ta ở đó. Ích gì khi chúng ta biết nhiều điều về Chúa Giê-su mà những điều đó không thôi thúc chúng ta sống với Ngài ngay bây giờ? Vì thế, chúng ta cần xin Chúa cho chúng ta thấy những gì người mù thấy.
Anh mù thấy Chúa Giê-su và biết Ngài là Đấng chữa lành, tái tạo con người anh và cho anh cặp mắt mới. Anh loan báo: Người tên là Giê-su chữa lành cho anh. Anh tiếp tục tuyên xưng công khai Chúa Giê-su là người thuộc về Thiên Chúa. Thấy Chúa Giê-su, anh không chỉ thấy một Giê-su Nazarét, mà còn nhận ra Ngài là Thiên Chúa, nên khi Chúa Giê-su hỏi: Anh có tin vào Đấng đang nói với anh không? Anh mạnh mẽ đáp, “Thưa, tôi tin,” rồi sấp mình thờ lạy Chúa Giê-su. Thấy Chúa thì đến với Chúa và thờ lạy Chúa. Thấy Chúa sẽ được thúc bách tuyên xưng đức tin vào Chúa như những người phụ nữ từ mộ Chúa vội vã chạy về loan báo: “Tôi đã thấy Chúa!”
Xin Chúa mau ban cho chúng con cặp mắt mới, một cặp mắt đức tin, để nhìn vào thiên nhiên, chúng con biết ca ngợi Chúa; để nhìn vào Thánh Thể, chúng con nhận ra Thiên Chúa làm người đang ở giữa chúng con; để nhìn vào tòa Giải Tội, chúng con thấy Chúa đang chờ đợi tha thứ tội lỗi chúng con, và xin cho cặp mắt mới được Chúa ban, thôi thúc chúng con đến thờ lạy Chúa nhiều hơn, nhìn thấy anh chị em chúng con rõ hơn.
SUY NIỆM IV
XÓA BỎ ĐỊNH KIẾN
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Trong cuộc sống văn mình hiện đại hôm nay vẫn còn đó nhưng thái độ coi thường phân biệt đối xử với nhau bởi óc định kiến từ ngàn xưa “quen quá hóa nhàm” hay “Người giàu nói gì cũng đúng, người nghèo nói đúng cũng không ai nghe” hay nữa “người tàn tật làm được gì cho xã hội”… Vì có thái độ định kiến này, mà chúng ta không phám phá điều mới mẻ tốt đẹp và tích cực của nhau. Vì thái độ định kiến này, chúng ta coi thường người khác, quen quá biết rõ nhau quá mà, chẳng xa lạ gì cho nên dể dàng vui mừng trước thất bại của người khác, khó chịu khi người khác thành công. Vì vậy, chẳng lạ gì, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một trong rất nhiều những bằng chứng tố giác định kiến hẹp hòi, bất nhân này. Cụ thể, người Do thái, đúng hơn, những người lãnh đạo tôn giáo và chính quyền Do thái luôn luôn có sẵn một định kiến không hay về Chúa Giêsu. Từ đó họ luôn một cái nhìn, một lối nghĩ, một não trạng đi từ thù ghét đến chống đối, và sau cùng là kết án Chúa Giêsu, và những ai có liên quan với Người, bất chấp tất cả mọi người, dù đó là ai, có lời nói hay, hành vi tốt, điều có lợi cho sự sống, họ cũng cho là quân tội lỗi… Chẳng hạn, một người bị khiếm thị từ khi mới sinh, được Chúa Giêsu chữa cho sáng mắt, lại bị đuổi ra khỏi hội đường vì lý do: “Mày sinh ra trong tội”. Thực ra anh ta chẳng làm gì nên tội vì anh khiếm thị bẩm sinh chứ anh có tội gì, và hôm nay anh được Chúa chữa lành vậy anh chỉ là người được chữa lành bệnh trong ngày Sabat, ngày lễ nghỉ của người Do thái. Thế mà Chúa Giêsu và anh bị kết tội vi phạm ngày lễ nghỉ.
Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, anh khiếm thị đã phải chịu cảnh tối tăm, chắc chắn đã làm cho cha mẹ anh rất đau buồn. Lớn lên ý thức thân phận khiếm khuyết của mình, chắc anh cũng mặc cảm, và ước mơ được nhìn thấy. Lẽ ra dấu lạ được sáng mắt ấy, phải là một tin mừng, một niềm vui trọng đại cho tất cả những ai biết anh, những ai đã từng thấy anh phải đi lang thang khắp đó đây … Lẽ ra dấu lạ sáng mắt kỳ diệu ấy phải được mọi người ca tụng và truyền cho nhau như một huyền nhiệm mà người bình thường không ai làm được nỗi. Bằng chứng là từ thuở anh mới sinh cho đến bây giờ, chưa có ai, dù một mảy may, có thể giúp anh thấy được, dẫu chỉ là một cái nháy mắt. Lẽ ra sau dấu lạ được sáng mắt này, anh phải được mọi người chúc mừng mới đúng. Nhưng hoàn toàn ngược lại, dấu lạ mà mọi người thời đó không ai dám nghĩ tới, lại bị coi là một hành động tội lỗi, kết quả được sáng mắt lại bị coi là kết quả của tội. Còn Đấng đã chữa anh khỏi khiếm thị, Đức Giêsu, hơn cả những thầy thuốc lúc bấy giờ (đã chữa được cho anh), lại bị coi là một kẻ tội lỗi. Họ còn nói Chúa Giêsu thế này: “Người đó không phải bởi Thiên Chúa. Chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi“.
Đáng thương cho những người Do thái thời Chúa Giêsu. Thay vì Chúa Giêsu trở nên chốn nương tựa cho niềm tin của họ vào Thiên Chúa, nhưng bởi đã nuôi sẵn trong tim, trong óc mình một định kiến ganh tỵ, thù ghét và chống đối, một định kiến ảo tưởng chỉ có bản thân mình mới có quyền vượt lên trên người khác, đã làm cho họ hoàn toàn khiếm thị nhân cách, lương tâm và con tim. Cái khiếm thị dù là một nỗi bất hạnh, nhưng không đáng sợ bằng cái khiếm thị tâm hồn bởi vì khiếm thị tâm hồn làm cho người ta chỉ biết dừng lại trên chính mình và loại trừ người khác, đưa người ta đến chỗ kết án mà quên kiểm tra mình, làm cho mình không nhìn thấy gì hết mà chỉ sống ảo tưởng: Mình là trên, là tốt nhất, thiện nhất và vô tội còn mọi người xung quanh không làm được gì, chẳng tốt gì mà có tốt chỉ là một việc nào đó, còn toàn là tội thôi…
Nhưng cũng đáng thương và đáng sợ vô cùng cho tất cả chúng ta, chúng ta cũng có sẵn một định kiến nào đó không hay cho anh chị em mình: Một người đã từng vướng vào tội ăn trộm, suốt đời anh ta chỉ là một tên ăn trộm dù đã thi hành án xong hoàn lương, một cô gái lỡ lầm ngã vào con đường buôn son, bán phấn, suốt đời cô trở thành nạn nhân của những lời dè pha không dứt dù đã cải tạo tốt; một người vừa ra khỏi tù, gõ hết cửa nghề nghiệp này, đến cửa nghề nghiệp khác, không ai dám đón nhận; một người bị khuyết tật thay vì được thông cảm, chúng ta nhìn người ấy bằng ánh mắt khi dễ, vui thì giúp đỡ buồn thì buông bỏ loại trừ… Bởi đó, thay vì anh chị em của ta có thể nên tốt thì do định kiến của mọi người, đẩy họ rơi vào những hoàn cảnh còn bi đát hơn.
Chúa Giêsu không bao giờ có sẵn một định kiến như thế. Chúa sẵn sàng quên hết lỗi của chị phụ nữ có sáu đời chồng mà Người gặp bên bờ giếng Giacop, và cũng y như thế đối với người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang. Giọt nước mắt sám hối của cô Maria đổ trên chân Chúa Giêsu, đã làm cho Chúa ngay lập tức không còn nhớ đến tội của cô. Mãi mãi không ai nghe thấy Chúa nhắc tới sự tranh giành quyền lực của hai anh em Giacôbê và Gioan. Chúa cũng không bao giờ truất quyền làm giáo hoàng của Phêrô, vì nông nổi mà chối Thầy đến ba lần chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Chúa cũng không bao giờ mở lời trách móc Giuda nặng nề: “Mày sinh ra trong tội”, như người Do thái lên án anh khiếm thị hôm nay, dẫu Chúa Giêsu có quyền làm điều đó, vì Chúa là Chúa và Giuda phạm tội tày trời: đan tâm bán đứng Thầy mình. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ nhẫn tâm giết mình: “Xin Cha tha cho họ…”. Và hôm nay, Chúa cũng không bao giờ có sẵn một định kiến hẹp hòi nào đối với chính chúng ta dù có bao nhiêu lần đi xưng tội, là bấy nhiêu lần Chúa quên tội ta, quên tất! còn chúng ta thì cứ tái phạm…
Mùa chay là mùa ăn năn sám hối. Hãy bắt đầu ăn năn sám hối bằng sự nhìn nhận và tin tưởng, tôn trọng anh chị em quanh mình. Hãy gở bỏ cái mặt nạ xấu xa vô hình mà ta đã dán lên cuộc đời của một ai đó. Hãy xóa đi những định kiến xấu trong lòng ta để mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn. Amen.