Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A
22-3-2020
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Nội Hà
GIÁO HUẤN SỐ 16
Tuổi Trẻ của Chúa Giêsu (tt)
Lịch Giáo phận trang 55
Thật vậy, “Giê-su đã không lớn lên trong một mối tương quan khép kín ngột ngạt với Maria và Giuse, nhưng sẵn sàng tương tác với gia đình rộng lớn hơn, với những người thân và bạn hữu của cha mẹ mình”.{8} Chính vì thế mà ta có thể hiểu tại sao khi trở về từ chuyến hành hương Giê-ru-sa-lem, cha mẹ Người cứ đinh ninh rằng đứa con 12 tuổi của mình (x.Lc 2,42), đang lang thang đâu đó giữa đám đông, ngay cả dù hai vị đã không nhìn thấy con mình suốt cả ngày hôm ấy – “nghĩ rằng con mình đi với nhóm khách hành hương, các ngài đã đi một ngày đường” (x.Lc 2,44). Chắc hẳn, các ngài hình dung rằng Giê-su đang ở đâu đó, đang lẩn giữa những người khác, đang chơi đùa với những đứa trẻ khác, đang nghe những người lớn kể chuyện, đang chia sẻ những chuyện vui buồn của những người đồng hành. Quả thực, từ Hy lạp “synodia” mà Luca dùng để mô tả nhóm người ở đây rõ ràng gợi nghĩ đến một “cộng đoàn hành hương” lớn hơn mà Thánh Gia là một thành phần trong đó. Chính nhờ sự tin tưởng của cha mẹ mà Giêsu có thể đi đứng tự do và học biết cùng bước đi với những người khác
(Tông huấn Đức Ki-tô đang sống, số 29).
———————————————
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A
(1Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41)
Ở Chaimi (Chợ Mới), tỉnh Quảng Nghĩa, cha Đắc Lộ gặp gia đình ông cụ Paolô và bà Monica. Tuy bị mù cả hai mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành truyền giáo : “Cụ thật là linh hồn sống động” của họ đạo. Các ngày Chúa nhật và lễ trọng, cụ hội họp giáo dân trong nhà nguyện làm trong khu nhà cụ và cụ giảng dạy khuyên răn họ. Cụ còn giúp cho họ tất cả mọi phương tiện cần thiết để bảo vệ đức tin mà họ đã lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ lan rộng ra với tất cả những lương dân và giáo huấn được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ có quyền trên ma quỉ, những người bị quỉ ám vùng đó đều được cụ giải phóng cho cả (cha Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 150).
Cụ Pao-lô tuy mắt mù, nhưng tâm hồn vẫn sáng, đúng như lời Chúa Giêsu nói trong Bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39).
Bài Tin Mừng: Thánh Gio-an trong bài Tin Mừng kể 4 hạng người “sáng mắt” và “không sáng mắt”:
-Thứ nhất là “những người láng giềng”. Bài Tin Mừng kể: “Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: ‘Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao? Có người nói: Chính hắn đó. Kẻ khác lại rằng: ‘Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!’ (Ga 9,8-9).
Thành kiến làm mù con mắt.
-Thứ hai là “những người Pha-ri-sêu”. Bài Tin Mừng kể: “Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pha-ri-sêu. Nhưng ngày Đức Giê-su trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày Sa-bát. Vậy các người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: ‘Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy’. Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói: ‘Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát’; kẻ thì bảo : ‘Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy ?’” (Ga 9,13-16).
Duy luật làm mù con mắt.
-Thứ ba là “cha mẹ anh mù”. Bài Tin Mừng kể: ‘Người Do Thái không tin là trước đây anh bị mù, mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi: ‘Anh này có phải là con ông bà không? Ông bà nói là anh bị mù từ khi mới sinh, vậy sao bây giờ anh lại nhìn thấy được? Cha mẹ anh đáp: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được. Cha mẹ anh ta nói thế, vì sợ người Do thái. Thật vậy, người Do thái đã đồng lòng trục xuất khỏi hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô. Vì thế, cha mẹ anh mói nói: Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó” (Ga 9,18-23).
Sợ hãi làm mù con mắt.
-Thứ tư là “chính anh mù”. Bài Tin Mừng kể: “Người ta liền hỏi anh: ‘Vậy làm sao mắt anh lại mở ra như thế?’. Anh ta trả lời: ‘Người tên là Giê-su đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo: ‘Hãy đến hồ ‘Si-lô-ác mà rửa’ (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy’” (Ga 9,10-11).
Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?”. Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ !” (Ga 9, 17).
Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi”. Anh ta đáp: ‘Ông ấy có phải là người tội lỗi hay không, tôi không biết. Tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi bị mù nay tôi nhìn thấy được!’ Họ mới nói với anh: ‘Ông đã làm gì cho anh? Ông ấy đã mở mắt cho anh thế nào?’ Anh trả lời: ‘Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông vẫn không chịu nghe. Tại sao các ông còn muốn nghe lại chuyện đó nữa? Hay các ông cũng muốn làm môn đệ ông ấy chăng?’Họ liền mắng nhiếc anh: ‘Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giê-su ấy bởi đâu mà đến’. Anh đáp: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ khi mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì. Họ đối lại: ‘Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?’ Rồi họ trục xuất anh.
Đức Giê-su nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh. Người hỏi: ‘Anh có tin vào Con Người không?’ Anh đáp : ‘Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin.’ Đức Giê-su trả lời: ‘Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.’ Anh nói: ‘Thưa Ngài, tôi tin.’ Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người. Đức Giê-su nói: ‘Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho những người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9, 24-39).
Ánh sáng Chúa làm sáng con mắt.
Bài đọc 1: Bài đọc 1 trong sách Sa-mu-en tập 1 kể chuyện ngôn sứ Sa-mu-en đi xức dầu cho ông Đa-vít làm vua. Nhà ông Gie-sê có 7 người con trai. Chúa bảo ông Sa-mu-en xức dầu cho Đa-vít. Đứa em út, chứ không xức cho 6 người anh. Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en: “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó… Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16,7).
Qua câu chuyện này, Chúa không “nhìn theo vóc dáng, nhưng nhìn thấy tận đáy lòng”. Trong phép lạ chữa anh mù, Chúa cũng thấy tận đáy lòng. Chúa nói: ‘Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho những người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9,39).
Bài đọc 2: Ê-phê-sô ngày nay là mảnh đất khảo cổ. Thời thánh Phao-lô là một thành phố và cửa biển sầm uất. Thánh Phao-lô đã rao giảng Tin Mừng ở đây trong hành trình truyền giáo thứ hai (Cv 18,19-21). Trong hành trình thứ ba, ngài ở đây gần 3 năm (Cv 19,1-20,1). Thư Ê-phê-sô là thư chung gửi cho các cộng đoàn ở miền Tiểu Á. Thánh Phao-lô đã viết khi ngài bị tù ở Rô-ma.
Qua lá thư, thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta đã được ánh sáng Chúa, tức là được ơn phép rửa tội, thì chúng ta hãy ăn ở như con cái ánh sáng. Ngài viết: “Thưa anh em, xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả gì là lương thiện, công chính và chân thật. Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối” (Ep 5,8-10).
Những lời trong bđ2 rất hữu ích cho chúng ta trong Mùa Chay. Chúng ta được một hồng ân đặc biệt là ánh sáng đức tin. Chúng ta đã chết với Chúa Ki-tô trong phép rửa và chúng ta đang trên đường tiến về cuộc sống đời đời.
Xin Đức Mẹ Trà Kiệu giúp chúng ta sống Mùa Chay này trong ánh sáng của Chúa, theo gương ông Pao-lô ở Chợ Mới Quảng Ngãi, anh mù ở hồ Si-lô-ác, chứ đừng theo những người láng giềng, những người Pha-ri-sêu và ngay cả cha mẹ của anh mù.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành