Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm B


CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM B

14-3-2921

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Nội Hà

GIÁO HUẤN SỐ 16

MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ

Đức Kitô cứu độ các con (tt)

Nếu Đức Kitô đã dùng thập giá mà cứu chúng ta khỏi tội lỗi, thì chính Người hôm nay tiếp tục cứu chuộc chúng ta bằng sức mạnh của qui phục  hoàn toàn. Các con hãy hướng nhìn thập giá, bám chặt lấy Người, cho phép Người cứu các con, vì những ai đón nhận ơn cứu độ của Người sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Và nếu các con phạm tội và lạc xa Người, Người sẽ đến nâng các con dậy bằng sức mạnh của thập giá Người. Đừng bao giờ quên rằng: Người tha thứ cho chúng ta bảy mươi lần bảy. Hết lần này đến lần khác. Người vác chúng ta trên vai của Người. Không ai có thể tước đi phẩm giá được ban cho chúng ta bởi tình yêu vô hạn chắc chắn này. Với một lòng trìu mến không bao giờ làm ta thất vọng nhưng luôn luôn có sức phục hồi niềm vui của chúng ta. Người giúp chúng ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu lại (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 119).

—————

CN 4 MC B

(2Sb 36,14-16.19-23; Ep 2,4-10; Ga 3,14-21)

Nhà thờ Chánh tòa Hà Nội, nhà thờ thánh Giuse

1.Đức cha Giuse – Giám mục giáo phận Đà Nẵng, tâm sự : “Riêng cá nhân tôi, Thánh Giuse không chỉ là Ðấng Bổn mạng, nhưng ngay từ nhỏ, vì sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Chánh tòa Hà Nội, nơi mà các Ðấng tiền nhân đã chọn Thánh Giuse, Bổn mạng Giáo hội tại Việt Nam làm Bổn mạng Tổng Giáo phận Hà Nội, và cũng làm Thánh Quan Thầy của nhà thờ Lớn Hà Nội, nên tôi rất tôn kính Ngài. Trong tâm trí, tôi khắc nhớ những lời tâm huyết được ghi trong phần kết của Thư Chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 1997: “Nguyện xin ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em, và xin Thánh Cả Giuse là Quan Thầy Giáo hội tại Việt Nam luôn phù hộ chúng ta”. Như thế, các vị Chủ chăn của Hội Thánh tại Việt Nam đã một lần nữa xác nhận Thánh Giuse là Quan Thầy của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Lòng tôn kính và tri ân Thánh Giuse của tôi cũng rất âm thầm nhưng thật đặc biệt, như Ngài luôn đồng hướng với tôi trong hành trình sống Ðức tin và cuộc đời: từ ơn gọi theo Chúa, làm linh mục của Chúa (1987); được chọn là giám mục, làm người kế vị các Tông đồ (2007) cho tới hôm nay đã tròn 33 năm linh mục và 13 năm giám mục; đã từng ở hai giáo phận là Lạng Sơn – Cao Bằng (8 năm 5 tháng) và hiện tại là giám mục giáo phận Ðà Nẵng (từ  tháng 3 năm 2016). Thêm nữa, nhìn lại cuộc hành trình đức tin và ơn gọi, đã có biết bao biến cố trong cuộc đời luôn ghi đậm dấu ấn của Ơn Thánh Chúa qua sự chuyển cầu của Ðức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Khi biết rằng Ðức Thánh Cha Phanxicô có lòng tôn kính đặc biệt Thánh Giuse với bức tượng “Thánh Giuse ngủ”; tôi cũng tìm một bức tượng như thế để học với vị Cha Chung của Hội Thánh cầu nguyện với Thánh Giuse, và xin Thánh Bổn Mạng cầu bầu đặc biệt cho ơn gọi và cho sứ vụ của mình để có thể làm vinh danh Thiên Chúa, khẩn nguyện cho Giáo hội, cho giáo phận và những người đã xin tôi giúp nguyện cầu. Mỗi ngày trong giờ đọc kinh tối riêng, tôi luôn đọc Kinh kính Thánh Giuse trong sách Kinh của Tổng Giáo phận Hà Nội, dâng niềm tâm cảm tư riêng với Thánh Cả. Tôi rất thích và ghi nhớ những tâm tình của Ðức Thánh Cha Phanxicô được bày tỏ trong Tông thư : “…Thánh Giuse là người cha luôn che chở. Thánh nhân gìn giữ, bảo vệ, không rời Chúa Giêsu, đảm nhận trách nhiệm trong cuộc sống của Chúa. Thánh Giuse được gọi là Ðấng rất thanh khiết, nghĩa là “đối nghịch với sự chiếm hữu”: Ngài biết yêu thương cách tự do, không chiếm hữu, biết từ bỏ mình để đặt Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở trung tâm của đời mình. Hạnh phúc của Ngài là “trao tặng chính mình”: không bao giờ thất vọng nhưng luôn tin tưởng, luôn thinh lặng, không than van, nhưng có những cử chỉ cụ thể tín thác” (x.Tông thư “Với Trái tim người Cha”).

2.Nhà thờ lớn Hà Nội là tên gọi tắt, thực chất nó có tên chính thức là Nhà thờ chính tòa thánh Giuse, tọa tại số 40, ngay ngã ba giao giữa ba con phố: Nhà Chung, phố Nhà thờ và phố Lý Quốc Sư, thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Nơi đây được biết đến là một trong những công trình kiến trúc phương Tây đầu tiên và là Nhà thờ Thiên chúa giáo lâu đời nhất Hà Thành. Ngày nay, địa điểm này vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, là điểm vui chơi quen thuộc của người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận. 

Ban đầu chỉ làm tạm bằng gỗ. Đến cuối thế kỷ XIX (năm 1884), nhà thờ được thi công khang trang hơn bằng gạch nung, do Giám mục Puginier thiết kế và giám sát thi công. Đến năm 1887 nhà thờ hoàn thành và lễ khánh thành được tổ chức vào đúng dịp Giáng sinh năm đó. Nhà thờ lớn Hà Nội được xây dựng từ năm 1884. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm lịch sử, Nhà thờ lớn Hà Nội được xem là “nhân chứng” chứng kiến sự thay đổi và đi lên của Hà Thành sau gần 3 thế kỷ. Mặc dù, ngay nay có không ít các công trình hiện đaị mọc lên nhưng đây vẫn là công trình để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong lòng người dân và du khách gần xa mỗi khi đến du lịch Hà Nội (Nhà thờ lớn Hà Nội, Mạng Google).

Nhà thì có bàn thờ: bàn thờ Chúa, bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên. Làng thì có đình. Giáo xứ thì có nhà thờ. Lời Chúa trong sách Sử Biên, trong Bài Tin Mừng, và trong thư Ê-phê-sô của thánh lễ hôm nay cũng nhắc nhớ chúng ta: Thiên Chúa ban Đức Giêsu, Con của Người, xuống thế cứu chúng ta. Mùa Chay giúp chúng ta đừng quên ơn trọng đó.

Bài đọc 1 :  Bđ1 đọc sách Sử Biên. Cha I-nha-xi-ô Hồ Thông viết : “Hai sách Sử Biên vạch lại lịch sử của dân Ítraen từ những giai đoạn ban đầu cho đến khi vương quốc Giuđa sụp đổ (587 trước Công Nguyên). Bài đọc 1 là phần cuối của sách Sử Biên quyển hai. Đoạn trích này nhắc nhớ cho chúng ta những nguyên nhân sâu xa của tai họa và tấm thảm kịch mà Giêrusalem đã sống vào năm 587 khủng khiếp trước Công Nguyên. Đền thờ và kinh thành bị phá hủy, dân thánh bị thảm sát hay bị lưu đày, lãnh thổ bị tàn phá” (Phụng Vụ Lời Chúa Năm B, Mùa Chay và Phục Sinh, trang 152-153).

Đọc lại Lời Chúa trong bài đọc 1, chúng ta thấy những hậu quả tai hại người Ítraen phải chịu là do họ đã bỏ Chúa: “Khi ấy các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế. Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế diễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa” (2Sb 36,14-16).

Vậy, phải chăng nhiều tai họa chúng ta phải chịu là vì chúng ta bỏ bê việc thờ phượng Chúa, là vì chúng ta ngồi ngoài nhà thờ nói chuyện, là vì chúng ta không nghe lời giảng dạy của các sứ giả của Chúa ?

Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng là cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su với ông Ni-cô-đê-mô. Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Sau một ngày căng thẳng tại khuôn viên Đền Thờ, chúng ta lại được một buổi tối thanh thản nghe Đức Giê-su đàm thoại với một bậc thầy trong dân Ít-ra-en tại nhà. Bậc thầy ấy là ông Ni-cô-đê-mô. Tuy là bậc thầy trong dân và tỏ ra kính phục Đức Giê-su, nhưng ông lại không muốn đến ban ngày. Cách ông xưng hô ‘chúng tôi’ cho thấy ông không đơn độc, nhưng thay mặt cho một số người ngay thẳng, thành tâm thiện chí thì Đức Giê-su như cùng lập trường với ông. Ông là bậc thầy nhưng khiêm tốn học hỏi.

Vừa nghe ông bày tỏ lòng thán phục thì Đức Giê-su như tỏ cho ông thấy ông nói đúng (tương tự như cách Người đón tiếp Na-tha-na-en). Gặp bậc thầy thì Người nêu ngay một điều mầu nhiệm mà ông thầy chưa bao giờ nghe: ‘Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên’. Bậc thầy kia trả lời bằng một câu hỏi có vẻ khôi hài và châm biếm. ‘Thầy nói lạ thật đấy nhỉ, ‘sinh lại’ ! Một người đã già {như tôi đây} lại có thể vào lòng mẹ rồi sinh ra một lần nữa hay sao ?’…

Ông Ni-cô-đê-mô thành tâm học hỏi thì Chúa ôn tồn giảng giải thêm về quyền năng Thánh Thần thực hiện việc sinh lại này. Ông vẫn không hiểu nên hỏi lại : ‘Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được ?’ Lần này thì Người nhẹ nhàng chọc ông : ‘Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy !’… Người cho ông biết nguồn gốc của Người và của giáo lý Người giảng dạy, đồng thời cho ông biết ’làm thế nào’ : Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời…

Ông đang đến với Người ban đêm, nhưng ông đã nhận được ánh sáng của Người . Ông nên đi tới cùng, để ánh sáng của Người soi rọi đời ông cho trọn vẹn. Ánh sáng của Người là ánh sáng phán xét thế gian, bởi vì Người là sự biểu lộ tột cùng của Tình Yêu Thiên Chúa” (Tĩnh Tâm Với Tin Mừng Gio-an, tập I, trang 83-84).

Bài đọc 2 : Bđ2 đọc thư thánh Phao-lô gửi cộng đoàn tín hữu Ê-phê-sô. Cha I-nha-xi-ô Hồ Thông viết : “Thánh Phaolô viết bức thư này từ Rôma trong hoàn cảnh bị giam cầm vào những năm 61-63. Thật ra thánh nhân viết thư này không chỉ cho giáo đoàn Êphêsô, nhưng nhất là muốn bức thư này được luân lưu đến các Giáo đoàn miền Tiểu Á (Sđd, trang 155).

Về nội dung, nhóm CGKPV viết : “Không kể phần mở đầu và phần kết, nội dung chính của Ê-phê-sô là trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ mà Người đã sắp đặt từ bao đời trước. Mầu nhiệm đó là qui tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Ki-tô” (Kinh Thánh 2011, trang 2591).

Chúng ta đọc vài câu để thấy lòng thương xót của Thiên Chúa : “Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô (Ep 2,4).

Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô , để biểu lộ  cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người” (Ep 2, 7).

Như thế, cuộc đời chúng ta bất hạnh vì chúng ta đã bỏ Chúa, đã quên Chúa, đã xao lãng việc đi nhà thờ ? Còn Chúa đâu có bỏ chúng ta ? Đức cha Giuse tâm sự : “Nhìn lại cuộc hành trình đức tin và ơn gọi, đã có biết bao biến cố trong cuộc đời luôn ghi đậm dấu ấn của Ơn Thánh Chúa qua sự chuyển cầu của Ðức Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse.

Nhờ thánh Giuse cầu bầu, xin Mẹ Trà Kiệu và Chân phước Anrê giúp chúng con  sốt sắng đi nhà thờ trong mùa Chay này, để chúng con được lãnh ơn Phục sinh cứu độ. 

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành