Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C
31 – 3 – 2019
CHÀU THÁNH THỂ
Giáo xứ Nội Hà
GIÁO HUẤN SỐ 18
Những Vết Thương Cũ
Lịch Giáo Phận trang 54
Thật dễ hiểu gia đình thường gặp nhiều khó khăn khi có một thành viên nào đó không trưởng thành trong cách sống tương quan, bởi vì người ấy chưa được chữa lành những vết thương thuộc một giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Trải qua thời thơ ấu hoặc thời niên thiếu trong bất hạnh rất có thể là nguyên nhân cho các cuộc khủng hoảng cá nhân, và cuối cùng làm tổn thương đến hôn nhân của đương sự. Nếu tất cả mọi người trưởng thành một cách bình thường, thì có lẽ khủng hoảng ít xảy ra hơn và ít gây ra đau đớn hơn. Nhưng thực tế cho thấy, đôi khi, một số người phải cần tới tuổi ngoài 40 mới có được mức trưởng thành mà lẽ ra họ đã phải đạt được ở cuối giai đoạn vị thành niên. Đôi khi người ta yêu bằng một thứ tình yêu ích kỷ đúng của trẻ con, vốn gắn với một giai đoạn mà thực tại bị nhìn méo mó và cư xử thất thường cho rằng tất cả mọi thứ phải xoay quanh bản thân mình. Đó là một tình yêu vô độ, rên la và khóc lóc khi không đạt được điều mình muốn. Có khi người ta yêu bằng một tình yêu của giai đoạn vị thành niên, đặc biệt biểu lộ qua sự đối đầu, những phế phán gay gắt, những thói quen kết tội người khác, lý luận theo cảm tính và trí tưởng tượng, những người như thế chờ đợi người khác phải lấp vào chỗ trống rỗng của mình hoặc phải chịu đựng tính hay thay đổi bất chợt của mình (Niềm Vui của Tình Yêu số 239).
——————————————-
Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C
(Gs 5,9a.10-12; 2Cr 5,17-21; Lc 15,1-3.11-32)
Chúng ta đang sống trong cuối tháng thánh Giu-se. Thánh Giu-se đã cầu bầu Thiên Chúa thương xót và tha thứ cho người tội lỗi. Người ta kể rằng : Ở phố Auteuil (Ô-tơi), ngoại ô thủ đô Paris, có hai người hốt rác. Một anh kia, đang xúc rác đổ vào xe, anh đã xúc được một tượng thánh Giu-se. Anh định vất lên xe đem đi đổ, thì anh khác xin : “Tao cũng như mày bỏ đạo từ lâu, nhưng thấy mặt ông này dễ thương, tao muốn đem về nhà“.
Nhà anh chẳng có bàn thờ. Anh đặt tượng thánh Giu-se trên mặt lò sưởi. Đến tháng thánh Giu-se đứa cháu ông mua hai cây nến và hái mấy nhánh hoa dại trong vườn dâng kính thánh Giu-se.
Về già, ông hốt rác mắc nhiều thứ bệnh. Ông nằm chờ chết trên giường. Đứa cháu nói : “Nội ơi, cháu đi mời ông cha đến xức dầu cho nội nhé !“
Ông nói : “Ông bỏ Chúa lâu rồi. Chúa không còn nhớ ông đâu, mà có nhớ, thì Chúa cũng không còn thương ông nữa“.
Mấy hôm sau, ông gọi cháu đến bên giường và kể : “Mấy đêm nay, ông mơ có một ông già nào đó gọi ông về trời“.
Cháu hỏi : “Hình dáng ông già đó như thế nào ?“.
Ông tả : “Tóc bạc, tay cầm gậy“.
Đứa cháu reo lên : “Ông thánh Giu-se đó. Ông ở trên lò sưởi kia kìa. Ngài nhớ ơn ông đem Ngài về nhà mình. Ngài về bảo ông mời cha đến giải tội xức dầu cho ông đó“.
Sau khi xưng tội xức dầu, ông già nhắm mắt chết trong bàn tay thánh Giu-se.
“Hãy đến cùng Giu-se” !
Xin thánh Giu-se giúp chúng ta trở vể với Chúa, trở về với người cha nhân hậu.
Dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” trong BTM, chúng ta thấy Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi biết bao. Trong Mùa Chay chúng ta nghe hoài lời Chúa sau đây : “Ta lấy mạng sống Ta mà thề : Ta đâu muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống“, hay lời đáp ca thánh lễ hôm nay “hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy !”
Người cha nhân hậu, tức là Thiên Chúa, hằng ngày vẫn trông chờ “đứa con hoang” trở về : “Anh ta còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta, và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Lại còn bảo đầy tớ : “Mau đem áo đẹp ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi bắt bê béo mở tiệc ăn mừng” (Lc 15,22-23).
Áo tượng trưng địa vị làm con. Nhẫn tượng trưng quyền hành. Giầy tượng trưng người tự do, người nô lệ không được đi giầy.
Thiên Chúa yêu thương như vậy, còn loài người thì không. Loài người là người anh cả. Khi ở ngoài đồng về đến nhà “nghe tiếng đàn ca nhảy múa” (Lc 15,25), được người đầy tớ chạy ra cho biết : “em cậu đã về và cha cậu làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khỏe” (Lc 15,27), anh liền “nổi giận và không chịu vào nhà” (Lc 15,28).
Mùa Chay và Mùa Thương Khó, hầu hết các cộng đoàn chiếu lại cuốn phim “Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu”. Năm 2008, khi ra mắt, cuốn phim “Cuộc Thương khó của Chúa Giêsu” là cuốn phim tốn tiền nhất, 30 triệu đôla, cũng là cuốn phim ăn khách nhất.
Đạo diễn là ông Mel Gibson. Ông đẹp trai. Ông mong là một tài tử nổi tiếng. Ông bị bọn cướp đánh. Mặt mũi ông trở nên xấu xí. Ông buồn. Ông muốn tự tử. Ông vào nhà thờ. Ông gặp được một linh mục. Linh mục an ủi, và khích lệ ông sửa lại khuôn mặt. Ông trở thành một tài tử nổi tiếng làng màn bạc của nước Mỹ. Tiền nhiều và tiếng tăm cũng nhiều, làm ông sa đọa. Ông nghiện rượu, ông cờ bạc, ông chơi bời. Tình cờ ông đọc một cuốn sách do một nữ tu viết vào thế kỷ 18. nói về những vết thương của Chúa. Ông chiêm ngắm. Ông suy gẫm. Ông trở về với Chúa. Ông làm lại cuộc đời. Ông hứa sẽ làm một cuốn phim, để biểu lộ đức tin, và để diễn tả cuộc thương khó của Chúa, đã chịu vì tội lỗi của ông và vì tội lỗi của loài người.
Xin thánh Giuse giúp chúng ta trong Mùa Chay này, cảm nhận được những khổ đau mà Chúa đã chịu vì tội lỗi chúng ta.
Xin thánh Giuse cũng giúp chúng ta : biết thương xót và tha thứ cho những người làm mất lòng chúng ta, như Chúa đã thương xót và tha thứ cho chúng ta đã làm cho Chúa đau khổ.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành