Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm C


CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY – NĂM C

17-3-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Ngãi

GIÁO HUẤN SỐ 18

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

Đừng để mình bị bật rễ (tt)

 Bên cạnh những mưu chước của một sự sùng bái nét trẻ và ngoại hình có tính lừa mị, chúng ta cũng đang thấy những cố gắng quảng bá một linh đạo mà không có Thiên Chúa, một sự nhạy cảm mà không có cộng đoàn hay không có mối quan tâm đối với những người đau khổ, một nỗi sợ người nghèo vì xem người nghèo là mối nguy hiểm, và rất nhiều hứa hẹn về một thiên đàng tương lai nhưng thiên đàng ấy hóa ra ngày càng xa vời. Cha không muốn mời chào các con những điều như thế, và với cả tấm lòng, cha xin các con đừng để mình bị tác động bởi ý thức hệ ấy. Nó không làm các con trẻ trung hơn chút nào, nhưng thay vào đó, nó biến các con thành nô lệ. Cha đề nghị một con đường khác, con đường của tự do, hăng hái, sáng tạo và những chân trời mới, trong khi đồng thời chăm sóc những gốc rễ nuôi dưỡng và nâng đỡ mình (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 184).

—————-

CN 4 MC NĂM C

(Gs 5,9a.10-12, 2Cr 5,17-21; Lc 15,1.26-38)

Thánh Giu-se ở phố Ô-tơi

Chúng ta đang sống trong tháng thánh Giu-se. Thánh Giu-se noi gương Thiên Chúa thương xót người tội lỗi. Người ta kể rằng: Ở phố Auteuil (Ô-tơi), ngoại ô thủ đô Paris, có hai người hốt rác. Một ngày kia đang xúc rác đổ vào xe, một anh đã xúc được một tượng thánh Giu-se. Anh định vất lên xe đem đi đổ, thì anh kia xin: “Tao cũng như mày bỏ đạo từ lâu, nhưng thấy mặt ông này dễ thương, tao muốn đem về nhà“.

Nhà anh chẳng có bàn thờ. Anh đặt tượng thánh Giu-se trên mặt lò sưởi. Cháu gái ông kiếm được hai cây đèn đặt hai bên. Đến tháng thánh Giu-se đứa cháu mua hai cây nến và hái mấy nhánh hoa dại trong vườn cắm vào bình dâng kính thánh Giu-se. Về già, anh hốt rác mắc nhiều thứ bệnh, nằm chờ chết trên giường. Đứa cháu nói : “Nội ơi, cháu đi mời ông cha xức dầu cho nội nhé !

Ông nói: “Ông bỏ Chúa lâu rồi. Chúa không còn nhớ đến ông đâu, mà Chúa có nhớ, Chúa cũng không còn thương đâu“.

Mấy hôm sau, ông gọi cháu đến bên giường và kể: “Mấy đêm nay, ông mơ có một ông già nào đó gọi ông về trời“.

Cháu hỏi: “Hình dáng ông già đó như thế nào ?“.

Ông tả: “Tóc bạc, tay cầm gậy“.

Đứa cháu reo lên: “Ông thánh Giu-se đó. Ông ở trên lò sưởi đó kìa. Ngài nhớ ơn ông đem Ngài về nhà mình. Ngài về bảo ông mời cha đến giải tội xức dầu cho ông đó“.

Sau khi xưng tội xức dầu, ông già nhắm mắt chết trong bàn tay thánh Giu-se.

“Hãy đến cùng Giu-se”! Xin thánh Giu-se giúp chúng ta trở về với Chúa, trở về với người cha nhân hậu.

Bài Tin Mừng (Lc 15,1.26-38): Cha Nguyễn Công Đoan viết về dụ ngôn này như sau (hơi dài, nhưng… !) : “Dụ ngôn này có cái tên quen thuộc ‘đứa con hoang đàng’. Cái tên quen thuộc đó che lấp ý nghĩa của dụ ngôn, vì quá chú ý đứa con hoang đàng mà quên người con cả, là cái mũi nhọn chĩa vào đám người đang xầm xì bên ngoài. Vai chính là người cha. Hai người con trai thì ‘mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười’, không phải trong cái tố chất đẹp mà trong sự bội bạc đối với cha và làm nổi bật lòng nhân lành của người cha không muốn mất đứa con nào, đứa con ra đi phung phí cũng như đứa con ở nhà hỗn xược.

Đứa con hoang đàng

 Xin cho con phần gia tài”. Trong phong tục dân của Chúa Giê-su thì gia tài chỉ được chia sau khi cha chết, vì thế mới có chuyện một người đến xin Chúa Giê-su. bảo người anh chia gia tài (x.Lc 12,13). Đòi lấy phần gia tài lúc cha còn đang sống tức là anh ta coi cha đã chết. Người cha cũng chấp nhận chết trong lòng người con để chờ ngày sống lại.

Ít ngày sau…” Anh ta hí hửng ôm phần gia tài lên đường đi xa, không phải để làm ăn xây dựng tương lai, nhưng để ‘sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình’. Ăn chơi phung phí như anh ta thì núi cũng phải lở! Tài sản  nào cũng có lúc cạn kiệt.

Họa vô đơn chí. Bản thân hết tiền, cả vùng lại gặp nạn đói. Đã coi như cha chết rồi thì đâu còn nơi nương tựa. Anh ta đành tìm chỗ nương thân bằng cách đi ở đợ cho một người trong vùng (tất nhiên là dân ngoại), được giao việc chăn heo ngoài đồng mà đối với người Do Thái thì con heo là con vật ô uế (giống như người chăn heo  trong chuyện người bị một đạo binh quỉ ám (x. Lc 8,26-39). Anh ta lại phải ở ngoài đồng chứ không được ở trong nhà. Như vậy thì tình trạng của anh quá là bị hạ ‘xuống tới đất đen’ ! Anh ta đói tới nước thèm ăn những đồ heo ăn. Nhưng đây không phải là ‘cám heo’ để có thể ‘ăn ké’. Đói tới mức ấy mà chẳng có ai cho ăn.

Bấy giờ anh ta hồi tâm”…Từ khi coi như cha đã chết anh ta chỉ hướng ra bên ngoài, hưởng thụ cho phỉ chí. Cái đói cào cấu trong dạ dầy làm cho anh ta hồi tâm. Người cha bắt đầu sống lại trong lòng anh, tuy mới chỉ dưới hình ảnh một ông chủ tốt bụng, cho tôi tớ được no nê. Khác với một người chủ anh đang phục vụ. Hình ảnh ấy đủ cho anh ta không những nghĩ đến việc trở về, mà còn soạn sẵn lời lẽ để xin được thành người làm công trong nhà, và đứng ngay dậy lên đường trở về.

Người cha

 Anh còn ở đàng xa, thì người cha đã trông thấy”… Làm sao người cha trông thấy anh khi anh còn ở đàng xa, nếu ông không trông chờ anh từng ngày, như cha mẹ của Tô-bi-a : ông Tô-bít mù, ngồi bấm ngón tay đếm từng ngày chờ con và lo buồn, còn bà mẹ thì “mỗi ngày chạy ra ngoài, ngó tới ngó lui con đường con bà đã ra đi” (x. Tb 10,1-7). Rồi một hôm “bà thấy cậu đang đến…” Bà hô lên cho chồng biết, rồi “chạy đến ôm choàng lấy cổ con”. Ông Tô-bít một mình với cây gậy quờ quạng đi ra. Tô-bi-a chạy lại lấy mật cá chữa mắt cho cha. Ông Tô-bi-a nhìn thấy mặt con. “Ông ôm choàng lấy cổ cậu…” (x.Tb 11,6-13).

Người cha trong dụ ngôn mang cả nỗi lòng thao thức của người cha và đôi mắt của người mẹ. Họa sĩ Rembrandt đã khắc họa thực tại phong phú ấy qua nét mặt và hai bàn tay của người cha . “Đôi mắt đã nhòa vì quá đợi chờ”, một bàn tay mạnh mẽ của người cha đặt trên vai và một bàn tay âu yếm của người mẹ vuốt ve trên lưng của người con. Hai cánh tay nối thành hình dáng của lòng mẹ và người con gục trong lòng cha như đang được sinh ra một lần nữa. “Con ta đây đã chết mà nay được sống”, và người cha cũng sống lại  trong lòng người con: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng được gọi là con cha…” Những lời anh đã soạn để xin việc làm giờ đây đã trở thành lời chân thành nhận tội. Người cha đã cho anh sống lại.

Để đáp lại lời nhận tội của anh, người cha ra lệnh cho đầy tớ. Ông đã chạy ra ôm lấy con, đến phiên tôi tớ phải chạy ngay ra hầu hạ con ông ngay tức khắc, tại nơi người con vừa tái sinh: “Mau đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!

Chúng ta có thể tự hỏi khi ra đi anh ta đã thu vén hết, thì áo đẹp, nhẫn và dép ở đâu ra? Áo đẹp nhất có nghĩa là tôi tớ phải chọn trong tủ quần áo … và như thế ta chợt nhận ra là người cha đã chuẩn bị tất cả chờ ngày con về. Ông còn cho vỗ béo một con bê để ăn mừng nữa. Khi Áp-ra-ham đón tiếp ba vị khách đến bất ngờ thì “ông  chạy lại đàn vật, bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ, và anh này vội vã làm thịt (St 18,7). Người cha không chờ đợi suông, ông chắc chắn con ông sẽ quay về và chuẩn bị tất cả cho ngày này. Ông Tô-bít được sáng mắt ngay tại nơi ông đã ôm con vào lòng trước khi cùng với con trở vào nhà để chuẩn bị đón con dâu (Tb 11,1-15). Người cha trong dụ ngôn cũng lại cho người con sự sống, phẩm giá và quyền thừa kế ngay tại nơi ông đã ôm con vào lòng, trước khi đưa con vào nhà để bắt đầu ăn mừng.

Chúng ta hãy im lặng chiêm ngắm người con đang gục đầu vào lòng cha, nghe cuộc đối thoại giữa hai cha con, nghe lời người cha ra lệnh cho tôi tớ, nhìn tôi tớ mặc áo, xỏ dép, xỏ nhẫn cho người con, nhìn người cha dắt con vào nhà … và để cho lòng chúng ta ngụp chìm trong sự ngọt ngào của lòng thương xót.

Người con cả

 Người con cả xuất hiện trước mắt chúng ta như một người nông dân cần cù, dãi dầu mưa nắng, trong lòng anh chẳng có gì khác ngoài nỗi lo toan giữ lấy và tăng thêm gia tài mà anh sẽ được hưởng. Người em đã chết trong lòng anh.

Cái chuyện cho thêm một yếu tố mới của tiệc mừng ở trong nhà: “Khi về gần đến nhà, anh nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa”. Phản ứng đầu tiên của người anh là “gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì”. Câu trả lời của người đầy tớ cho thấy tôi tớ trong nhà hòa nhịp niềm vui với ông chủ. Nhưng “người anh cả nổi giận và không chịu vào nhà”.

Người cha ngồi ở bàn tiệc vẫn chờ anh về nên không cần ai trình báo, ông thấy ngay chuyện gì đang xảy ra ngoài cổng. Ông lập tức đứng dậy ra năn nỉ. Đức con hoang đàng trở về thì ông thấy từ đàng xa  và chạy ra ôm lấy con. Đứa con ở nhà bỗng hờn giận, đứng ngoài cổng không chịu vào dự tiệc mừng thì ông ra năn nỉ. Nhưng ông đụng phải một trái tim đã thành gỗ thành đá.. Đứa con hoàng đàng trở về tự nhận “không đáng được gọi là con cha nữa”. Đứa con ở nhà thì quân mình là con  và cư xử như một người tôi tớ. Đứa con hoang đàng nhớ về cha như một ông chủ tốt bụng. Đứa con ở nhà lại coi cha như một ông chủ khắc nghiệt, không biết thưởng công : “Cha coi, đã bao năm trời con hầu hạ cha, và chẳng bao giờ trái lệnh, thế mà chẳng bao giờ cha cho con một con dê nhỏ để ăn mừng với bạn bè”. Cha và em không làm cho anh ta hạnh phúc. Anh sống trong nhà nhưng lòng anh ở xa. Anh chỉ mơ ước “ăn mừng với bạn bè”. Không biết anh muốn ăn mừng  cái gì với bạn bè và cũng không biết anh có ai là bạn bè không ? Ngay ở nhà, anh đã có thể vào thẳng trong nhà nói với cha, nhưng anh đứng ngoài cổng và gọi một tên đầy tớ ra hỏi xem có chuyện gì trong nhà. Anh muốn đầy tớ trong nhà làm ‘tình báo’ cho anh !

Sau khi trách cha là ông chủ khắc nghiệt, anh xỉa xói đứa em : “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt tài sản của cha  với bọn điiếm nay trở về thì cha lại giết bê béo mừng nó”. Chúa kể chuyện thì nói nhẹ nhàng : “Ở đó anh sống phóng đăng, phung phí tài sản của mình”. Người anh dùng những lời lẽ mà ta khó có thể nghĩ ra những lời thậm tệ hơn. Xỉa xói với người em như thế anh ta cũng xỉa xói cả với người cha, coi như người cha đồng lõa “thằng con của của cha đó”.

Sự thô lỗ của người con cả không làm người cha nổi giận. Ông vẫn ôn tồn và âu yếm nhắc cho anh thấy hạnh phúc của anh là vẫn ở nhà với cha và mọi sự của cha vẫn là của anh.Anh mơ ước ăn mừng với bạn bè không cần lý do, nhưng anh đang có lý do để ăn mừng với cha : “Nhưng chúng ta phải ăn mừng vì đứa em của con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Anh không mất gì cả, như chính anh nói : “nuốt hết của cải của cha”… Anh chỉ mất đứa em, bây giờ được lại đứa em  sao anh lại không ăn mừng với cha, vì cha được lại đứa con và anh được lại đứa em. “Thằng con của cha đó cũng là “đứa em của con đây!” Anh vẫn mở miệng gọi ông là cha, sao anh không nhận “thằng con của cha đó” là “em của aon đây”.

Dụ ngôn kết thúc mở : kết thúc tùy người con cả.

Chúng ta thường chú ý tới người cha và đứa con hoang đàng mà quên người con cả. Trong bố cục của dụ ngôn , người con cả là ‘phản diện’ của người cha. Họa sĩ Rembrandt đặt bên cạnh người cha đang âu yếm ôm lấy đứa con hoàng đàng hình ảnh người anh đứng bất động, vô cảm, nét mặt chai đá. Lời người cha ôn tồn âu yếm nhưng dứt khoát : muốn tiếp tục gọi ông là cha thì phải nhận “thắng con của cha đó là em và bước vào aa8n mừng vì đã được lại đứa em. Cha sẽ không đuổi nó ra để cho anh vàoHình ảnh người anh mời gọi chúng ta suy xét về thái độ của mình đối với anh chị em trong gia đình, trong cộng đoàn… Ta thường đem hết cái ngon cái ngọt cho người ngoài, dành ‘cơm thừa canh cặn’ cho anh chị em trong nhà. Muốn hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng không muốn “thương xót như cha trên trời là Đấng hay thương xót” (Lc 6,36-38).

Để cảm nghiệm sâu xa hơn lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thể theo đề nghị của thánh I-nhã trong sách Linh Thao : “Tưởng tượng đang ở mặt Chúa Giê-su nằm trên thập giá và tâm sự cùng Ngài : vì đâu Chúa là Đấng Tạo Hóa, Chúa đã xuống thế làm người, vì đâu Chúa là Đấng hằng sống, Chúa đã chịu chết và chết như thế này vì tội lỗi tôi. Cũng nhìn vào chính tôi và tự hỏi : tôi đã làm gì cho Đức Ki-tô ? Tôi đang làm gì cho Đưc Ki-tô ? Cuối cùng nhìn Chúa treo trên thập giá như thế và cân nhắc theo nhưng điều hiện đến trong trí óc (Linh hao,s. 53) (Tĩnh Tâm Với Sách Tin Mừng Lu-ca, trang 41-48)

Bài đọc 2 (2Cr 5,17-21) : Bđ2 đọc thư thứ hai của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Cô-rin-tô. Trong đoạn thư này, từ ‘hòa giải’ được nhắc đến 5 lần : “Thiên Chúa là Đấng nhờ Đức Ki-tô mà cho chúng ta được hòa giải (c.18) với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải (c.18) Thật vậy trong Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải (c. 19) với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải (c.19)… Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa (c.20) với Thiên Chúa.

Ông William Barclay viết : “Chúng ta phải chú ý đến thông điệp của Phao-lô : ‘hãy làm hòa với Thiên Chúa’. Tân Ước không hề đề cập việc Thiên Chúa làm hòa với loài người, mà luôn luôn nói việc loài người được hòa giải với Thiên Chúa đang giận dữ. Cả tiến trình cứu rỗi đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, chính vì Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi sai Con Ngai đến. Không phải Chúa làm mặt lạ với loài ngoài, nhưng chính loài người đã làm mặt lạ với Ngài. Không phải Chúa, nhưng là loài người đã làm mặt lạ với Ngài. Không phải Chúa, nhưng là loài người đã tạo ra các chướng ngại vật, những hàng rào ngăn cách. Thông điệp của Chúa mà thánh Phao-lô mang đến là một lời kêu gọi từ một người cha yêu thương về những đứa con đang lạc đường, đang phiêu lưu, những đứa con đã làm mặt lạ, hãy trở về nhà, nơi tình thương đang chờ đợi chúng (cha Dương Đình Tảo chuyển ngữ, Thư gủi tín hữu Cô-rin-tô, trang 196-197).

Lời cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một giáng trần

để thực hiện công trình kỳ diệu

là làm cho loài người được hòa giải với Chúa.

Xin ban cho toàn thể dân Chúa khắp hoàn cầu

được lòng tin sống động

để ham hở đón mừng lễ Vượt Qua sắp tới.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành