Chúa Nhật IV Mùa Chay – Năm A


CN.4.MC.A

(1Sm 16,1b.6-7.13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41)

Năm 1630, sau 3 năm rao giảng ở Hà Nội, cha Đắc Lộ bị trục xuất. Cha về Ma-cao, trụ sở của Dòng Tên, dạy học. 10 năm sau, tháng 12-1640 cha trở lại Hội An, Đà Nẵng lần II, nhưng chưa đầy hai tháng, ngày 9-1-1640, cha bị trục xuất.

12 tháng sau, ngày 24-12-1640, cha trở lại Hội An lần III. Lần này cha cũng chỉ ở lại được gần 1 năm, tháng 7-1641 cha bị trục xuất. Đến Hội An lần thứ III này, cha đi thăm các họ đạo ở Quãng Ngãi, Qui Nhơn  và Phú Yên.

Cha tới họ đạo Chợ Mới, Quãng Ngãi, cha gặp ông cụ Pao-lô và bà Mô-ni-ca. Ông cụ Pao-lô bị lòa cả đôi mắt, nhưng ông cụ rất nhiệt thành truyền giáo. Cha Đắc Lộ kể : “Cụ thật là linh hồn sống động của họ đạo đó. Các ngày chủ nhật và lễ trọng, cụ hội họp giáo dân trong nhà nguyện làm trong nhà cụ. Cụ giảng dạy khuyên răn họ. Cụ còn giúp cho họ tất cả mọi phương tiện cần thiết để bảo vệ đức tin mà họ đã lãnh nhận. Lòng nhiệt thành của cụ lan rộng ra với tất cả những người ngoại đạo và giáo huấn được nhiều người sẵn sàng chịu phép rửa. Thiên Chúa lại cho cụ có quyền trên cả ma quỉ. Những người bị quỉ ám vùng đó đều được cụ giải phóng” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 150).

Mặc dầu ông cụ Pao-lô ở xứ Chợ Mới, Quãng Ngãi không được Chúa Giê-su chữa cho sáng mắt, như Chúa đã chữa cho anh mù từ khi mới sinh trong BTM; song ông cụ đã được Chúa chữa cho lòng ông được sáng. Ông cụ Pao-lô được làm con Chúa, như Chúa Giê-su nói : “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9,39).

Biết đâu có những người mắt sáng, mà lòng thì mù, như Chúa Giê-su nói với những người Pha-ri-sêu : “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: ‘Chúng tôi thấy, nên tội các ông vẫn còn’” (Ga 9,41).

Gia đình chúng ta nhiều khi không vượt qua được những khó khăn, những vất vả, vì đức tin yêu đuối, tin vào sự bói toán, tin vào tiền bạc. Nên gia đình thiếu ánh sáng của Chúa soi dẫn (30-3-2014)

————————————————————-.

CN.4.MC.A

 

Trong tập sách “200 Tích Lạ Về Thánh Giuse”, tích lạ I thứ nhất kể rằng : Hai vợ chồng anh Giuse Vũ Văn Tình và chị Maria Phạm thị Thanh Lan ở kênh 5, Cái Sắn, có một đứa con trai tên là Giuse Vũ Bảo Kiếm. Được 10 tháng thì cháu bị đau mắt, rồi mù luôn. Hai anh chị đem con lên Sài gòn, xin bác sĩ Nguyễn Đình Cát chữa. Bác sĩ là bác sĩ về mắt  nổi tiếng. Bác sĩ nói : hai con ngươi của cháu đã bị lủng, không thể chữa được. Hai anh chị đem con đến Đền Công Chính ở Bẩy Hiền xin khấn thánh Giuse. Ngay tối đó, cháu Kiếm mở mắt và trông thấy được. Ngày 20-3-1994, 10 năm sau, chị Lan đến Đền Công Chính tạ ơn thánh Giuse lần nữa. Chị cho biết đôi mắt cháu Kiếm vẫn bình thường. Cháu ngoan ngoãn  và học hành thông minh (Phạm Châu Diên, tập I, trang 5-6).

BTM : BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu cũng chữa cho một anh mù từ khi mới sinh. Thánh Gioan kể : “Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta : Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. (Si-lô-ác có nghĩa là: người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ và khi về thì nhìn thấy được” (Ga 9,6-7).

Bà Marie Noelle phân tích phép lạ Chúa Giêsu làm gồm hai việc :

– Một là lấy bùn xức vào mắt để chữa phần xác, giống như Thiên Chúa lấy bùn dựng nên thân xác ông A-đam.

– Hai là Chúa Giêsu bảo anh đi rửa mắt ở hồ Si-lô-ác để chữa phần hồn, là cho anh lòng tin vào Ngài, giống như Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi dựng nên linh hồn ông A-đam (L’Intelligence des Ecritures, 1, trang 180).

Cuộc sống đức tin của anh mù rất là gian nan vất vả, ít là ba chướng ngại :

1- Bị hàng xóm láng giềng ngờ vực : “Có người nói: chính hắn đó! Kẻ khác lại rằng: Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi” (9,9).

2- Ngay cha mẹ cũng sợ hãi, chối không dám nhận: “Nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh. Còn bây giờ làm sao nó thấy được, chúng tôi không biết, hoặc có ai đã mở mắt cho nó, chúng tôi cũng chẳng hay. Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi” (9,20-21).

3- Những người Pha-ri-sêu, những nhà lãnh đạo tôn giáo kết án trục xuất: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư? Rồi họ trục xuất anh” (9,34).

Nhưng nhờ chính những gian nan vất vả, những chướng ngại, đức tin của anh được trưởng thành:

1- Lúc đầu anh mù chỉ tin Chúa Giêsu là một người. Anh nói: “Người tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi và bảo: Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (9,11).

2- Sau đó anh mù tin Chúa Giêsu là một ngôn sứ, một vị được Thiên Chúa sai đến như tên Si-lô-ác, tên của hồ: “Họ lại hỏi người mù: Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh? Anh đáp: Người là một vị ngôn sứ” (9,17).

3- Cuối cùng anh mù tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa: “Chúa Giêsu hỏi: Anh có tin vào Con Người không?… Anh đáp: Tôi tin! Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người“ (9,35.38).

Anh mù được thấy, nhờ đến rửa mắt ở suối Si-lô-ác, suối “người được sai phái”. Người tân tòng được ánh sáng đức tin là nhờ Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa sai xuống trần gian. Đức tin là ơn Thiên Chúa ban.

Bđ1 : Trong bđ1 kể chuyện ông Sa-mu-en xức dầu phong vương cho vua Đavít. Ông Gie-sê có 8 người con trai. Ông Sa-mu-en định xức dầu cho 7 người anh;  song Chúa bảo ông xức dầu cho Đavít vừa là con út, vừa là em. Thiên Chúa bảo : “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy; còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1Sm 16,7).

Đavít  được làm vua là do Chúa chọn, chứ không phải do tài ba của ông, hay do sự đề bạt của người nào khác. Người tân tòng được đức tin cũng là do Chúa ban.

Bđ2 : Được làm vua, được biết Chúa là nhờ ơn Chúa, thì phải sống biết ơn Chúa. Đức cha Bùi Tuần đã dùng cái vẩy đuôi của con chó để diễn tả lòng biết ơn. Con chó không bao giờ quên ơn chủ. Gặp lại chủ, con chó luôn vẩy đuôi để tỏ lòng biết ơn. Đức cha cũng bảo : trong một ngày người nước ngoài nói hai từ “cám ơn” nhiều hơn là những từ khác.

Hachiko – Chú chó Nhật Bản trung thành nhất. Năm 1924, một giáo sư đại học Tokyo là Hidesaburo Ueno đã mua chú chó Hachico thuộc giống chó Akita. Ông đã đưa nó đến Tokyo và cả 2 trở thành bạn thân thiết. Sáng sáng Hachiko đưa ông tới tận nhà ga Shibuya nơi ông làm việc và đón ông về vào cuối ngày. Đến tháng 5 năm 1925, ông bị nhồi máu cơ tim đột ngột và mất tại nơi làm việc và vĩnh viễn không còn trở về nhà. Nhưng như thường lệ ngày nào Hachiko cũng tới ga để đón ông chủ của mình nhưng đợi mãi vẫn không thấy ông đâu. Hành động của nó cứ lặp đi lặp lại đều đặn trong suốt 10 năm.

Trong bđ2, thánh Phaolô bảo chúng ta hãy sống tốt để đáp lại ơn đức tin, ơn làm con cái Chúa. Ngài viết cho các tín hữu Ê-phê-sô : “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5,8) (3-4-2011)

————————————–

CN.4.MC.A

 

CN.3.MC vừa qua, bài TM thánh lễ kể lại câu chuyện Chúa Giêsu ngồi bên giếng Giacóp, nói về đề tài “nước” với người phụ nữ Samari. Nước chính là ơn Chúa. Chúa là đấng làm cho người ta khỏi khát.

BTM: CN.4.MC hôm nay, bài TM thánh lễ kể phép lạ Chúa chữa anh mù được sáng mắt, tức là qua phép rửa tội Chúa làm cho người ta khỏi mù, khỏi tội lỗi, được sống trong ánh sáng, sống trong sự sáng của Chúa.

Chúa đến Đền Thờ Giêrusalem, Chúa gặp anh mù từ bẩm sinh. Chúa đã lấy nước miếng trộn với bùn xức vào mắt anh, rồi Chúa bảo anh tới rửa ở hồ Silôac. Anh tới hồ rửa và anh đã khỏi. Hồ Silôac có nghĩa là “người được sai đi”. Chúa Giêsu là người được Chúa Cha sai đi, sai đến trần gian. Anh mù tới rửa ở hồ Silôac, tức là rửa trong nước của Chúa, rửa trong nước giếng rửa tội.

Chúa Giêsu xuống thế để xóa tội cho người ta, nhưng người ta đã không tin. Có nhiều người vì lý do này lý do kia không tin:

– Trước hết là những người láng giềng. Họ đã từng thấy “anh ngồi ăn xin” (Ga 9,8). Nay anh được sáng mắt, họ lại bảo không phải anh, một người giống anh thôi (Ga 9,9).

– Cả cha mẹ anh nữa. Cha mẹ anh sợ bị các nhà lãnh đạo Do Thái phạt, trục xuất, nên đã nói lảng đi là “nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó” (Ga 9,23).

– Sau cùng là những nhà lãnh đạo Do Thái. Họ  không tin Chúa Giêsu. Chẳng những không tin Chúa, mà còn tìm cách ngăn cản người ta tin Chúa. Người ta tin Chúa thì họ trục xuất  ra khỏi cộng đoàn.

Nhưng anh mù không sợ. Anh đã dám tuyên xưng đức tin trước mặt mọi người:

– Với hàng xóm láng giềng, anh tuyên xưng: “Người tên Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi” (Ga 9,10).

–  Với các nhà lãnh đạo, anh còn mạnh bạo tuyên xưng: “Người là một ngôn sứ” (Ga 9,17), cũng còn là một người, nhưng người này cao trọng hơn vì đã được Thiên Chúa sai đi nói những lời của Người.

–  Lần thứ hai anh tuyên xưng mạnh bạo hơn nữa  : “ Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến” (Ga 9,33). Lần thứ hai này anh vẫn  tuyên xưng Chúa là một người, song bởi Thiên Chúa gửi đến.

Nghe anh cương quyết tuyên xưng như vậy, các nhà lãnh đạo đã trục xuất anh ra khỏi công đoàn. Từ nay anh không còn được sinh hoạt và chung sống với cộng đoàn nữa.

Loài người không đón nhận anh, trục xuất anh; còn Chúa, Chúa đón nhận anh. Chúa đến gặp anh. Chúa hỏi anh : “Anh có tin vào Con Người không ?” (Ga 9,35). Anh thưa : “Thưa Ngài, tôi tin” (Ga 9,38).

Như vậy, theo sự suy nghĩ của anh, Chúa Giêsu, dù có quyền năng, song vẫn là một người. Nhưng khi được Chúa Giêsu cho biết Chúa là “Con Người”, tức là Thiên Chúa, Đấng từ mây trời xuống, anh đã tin. Trong kinh Tin Kính chúng ta đọc trong thánh lễ, chúng ta cũng như anh mù tin Chúa Giêsu vừa là người vừa là Thiên Chúa.

Anh mù khi được Chúa chữa, tức là khi được rửa tội. Anh phải sống một đức tin đầy cam go, khốn khổ.

Còn chúng ta cũng đã được rửa tội như anh mù. Chúng ta có sẵn sàng chịu sống cam go, khốn khổ như anh mù không ? (2-3-2008)

—————————————

CN.4.MC.A

Vì để giúp cho các tân tòng cảm nhận được ý nghĩa của phép rửa tội họ sẽ lãnh nhận trong Đêm vọng Phục sinh, các chúa nhật III và IV Mùa Chay, Giáo hội cho đọc các bài Sách Thánh liên quan đến phép rửa tội. Tuần trước là đề tài “nước” trong câu chuyện Chúa Giêsu gặp gỡ chị phụ nữ Samari, tuần này là “ánh sáng” trong câu chuyện Chúa chữa cho anh mù.

Ngày xưa, phép RT được gọi là “sự chiếu sáng”, người RT được gọi là “người được chiếu sáng”, giếng rửa tội mang một cái tên thật ý nghĩa “nơi người ta nhận ánh sáng”. Ánh sáng là đề tài của phép RT.

Chúa Giêsu làm phép lạ cho anh mù vào dịp lễ Lều của người Do thái. Lễ này vào ngày thứ 15 của tháng thứ bảy theo lịch Do thái, còn theo dương lịch thì vào ngày 15-10. Lễ Lều với lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần là 3 lễ trọng nhất của người Do thái, trọng đến nỗi con trai đến tuổi khôn mà ở cách xa thủ đô Giêrusalem có 15 dặm thì buộc phải về Giêrusalem để dự lễ.

– Trước hết người ta cắm lều trong sân Đền thờ Giêrusalem, trên đường phố, trên mái nhà hay sân nhà, để nhớ lại những ngày họ lang thang trong sa mạc, sống trong những túp lều.

– Thứ hai mang ý nghĩa nông nghiệp, lễ cũng được gọi là lễ Tạ ơn, lễ Gặt hái. Lúc này mọi sự đã gặt hái xong. Lúa mì, lúa mạch và trái nho đã được đưa về kho lẫm. Lễ kéo dài 7 ngày, thời Chúa Giêsu thêm 1 ngày là 8 ngày. Mỗi ngày dân chúng đem những cành lá vạn tuế và dương liễu tới Đền thờ. Họ đi vòng chung quanh bàn thờ. Đồng thời vị tư tế cầm một bình vàng đi tới hồ Si-lô-ác, xuống múc đầy nước, rồi rước về Đền thờ và đổ nước xuống bàn thờ. Trong khi đó cùng với đàn sáo thổi của các thầy Lêvi, dân chúng hát Thánh vịnh. Mỗi lần hát đến câu “Ôi tạ ơn Chúa”, thì dân chúng reo hò và vẫy các cành lá về phía bàn thờ. Họ nhớ lại biến cố nước vọt ra từ tảng đá và cám ơn Chúa đã cho nước.

Buổi chiều ngày thứ nhất có một nghi lễ gọi là lễ “Chiếu sáng Đền thờ”. Lễ tổ chức tại sân Phụ nữ. Sân được trang trí bao quanh bằng những gian triễn lãm. Giữa sân dựng 4 trụ đèn lớn. Màn đêm buông  xuống, đèn được thắp sáng. Hòa với ánh sáng trong những túp lều dựng khắp nơi, ánh sáng chiếu sáng khắp thành Giêrusalem. Các bậc vị vọng nhảy múa ca hát mừng ánh sáng, còn dân chúng đứng nhìn. Đèn được thắp sáng suốt đêm cho tới khi gà gáy sáng.

Chúa Giêsu đã đi dự lễ Lều này. Chúa đã tuyên bố : “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Và anh mù đã nhận được “ánh sáng đem lại sự sống”.

 Bài đọc 1 : Chúng ta bắt đầu bđ1 với sách Sa-mu-en kể chuyện Thiên Chúa chọn ông Đavít làm vua. Vua Sa-un làm mất lòng Thiên Chúa. Người muốn chọn Đavít để thay thế. Người sai ông Samuen đem dầu đầy sừng, đi Belem. Ông Samuen sợ vua Saun biết, Chúa bảo : “Ngươi hãy đem theo một con bò cái tơ và hãy nói : Tôi tới đây là để dâng hy lễ cho Đức Chúa”. Ông đến nhà ông Gie-sê. Ông mời họ tới dự lễ.

Khi thấy Ê-li-áp, ông nghĩ : “Người Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ở trước mặt Đức Chúa đây !”. Nhưng Chúa bảo ông : “Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm : người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thấy tận đáy lòng”. Ông Giesê cho 7 người con trai đi qua trước mặt ông Samuen, nhưng ông Samuen đều nói : “Đức Chúa không chọn những người này”.

Ông Giesê còn có Đavít, đứa con út đang chăn chiên ngòai đồng. Ông Samuen bảo đem về. Khi cậu út về, Chúa bảo ông Samuen : “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi ! Chính nó đó !”. Đavít người nhỏ bé nhất; Belem, quê hương ông, cũng nhỏ bé nhất. Thế mà Chúa chọn. Cũng vậy, chúng ta là người nhỏ bé nhất, bất xứng nhất, song Chúa đã chọn chúng ta làm con cái Chúa, là người Công giáo của Giáo hội Chúa.

Bài Tin Mừng :  Làm con Chúa như anh mù vất vả lắm, khổ sở lắm. Vất vả trong sự hiểu biết Chúa. Đầu tiên, anh chỉ biết Chúa Giêsu đó là một người như mọi người, như khi anh trả lời cho láng giềng về việc mắt anh được khỏi : “Người có tên là Giêsu đã trộn một chút bùn, xức vào mắt tôi, rồi bảo : Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa. Tôi đã đi, đã rửa và tôi nhìn thấy”. Thậm chí khi họ hỏi : “Ông ấy ở đâu ?”. Anh mù trả lời : “Tôi không biết”.

Họ đưa anh đến với các người Pharisêu, những nhà lãnh đạo của anh, anh trả lời họ : “Người là một vị ngôn sứ”. Anh đã hiểu biết hơn : Chúa Giêsu không chỉ là một người, mà là một người được Thiên Chúa sai đến, đúng như ý nghĩa Silôac, tên của cái hồ mà anh đến rửa mắt : “Siloac có nghĩa là người được sai phái”. Mắt anh không chỉ được rửa trong nước của một cái hồ, mà còn được rửa trong nước của Chúa Giêsu, người được sai phái.

Thật là lạ lùng, sự hiểu biết, đức tin của anh được tiến triển trong vất vả, trong đau thương. Trước hết những người láng giềng thường thấy anh ăn xin ở Đền thờ nghi ngờ anh. Họ đưa anh ra tòa án. Các nhà lãnh đạo chất vấn anh, điều tra anh. Ngay cả cha mẹ anh cũng sợ không dám làm chứng cho anh. Cha mẹ anh tránh né trả lời : “Nó đã khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó”. Chỉ còn một mình anh, lẻ loi, cô đơn đối phó. Dù vậy, anh vẫn hiên ngang tuyên xưng : “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì”. Họ tức giận mắng anh : “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư ?”. Rồi họ trục xuất anh.

Một hình phạt nặng nhất. Thế là từ nay, anh không được lai vãng nơi Đền thờ mà anh yêu mến nữa, anh không được ở trong làng với cha mẹ, bà con láng giềng của anh nữa. Anh bị lọai ra khỏi cộng đồng. Anh bị dứt phép thông công. Nhưng thánh Gioan kể tiếp : “Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi : Anh có tin vào Con Người không ?. Anh đáp : “Thưa Ngài, tôi tin”.

Anh bị đe dọa, anh bị lên án. Chúa đến với anh. Anh không trách Chúa để anh đau khổ, trái lại anh còn yêu mến Chúa. Anh sấp mình thờ lạy Chúa. Anh tin Chúa là “Con Người”, một hình ảnh của ngôn sứ Đanien, diễn tả Đấng sẽ đến xét xử công minh. Ngày đó, người ta bảo anh mù, nhưng anh lại sáng; còn người ta cho mình sáng thì lại hóa mù. Ai phân xử được như thế ? Chính Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu nói : “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử : cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù”.

Các môn đệ hỏi : “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta ?”.

Trong Cựu Ước, sách Gióp đã đặt vấn đề đau khổ của người lành, người vô tội, song không có câu trả lời thỏa đáng, chỉ cho biết lòng Chúa không thể dò thấu.

Ông Tôbia bị mù mắt thì thiên thần Chúa bảo : “Vì ông đẹp lòng Thiên Chúa, nên Thiên Chúa thử thách ông”.

Câu trả lời của Chúa Giêsu tích cực hơn : “Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh”. Đau khổ không do tội, cũng không phải là sự thử thách của Thiên Chúa, mà là “để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh”.

Qủa thật, qua đau khổ mù lòa, anh đã nhận biết Chúa, anh đã thấy lòng Chúa thương anh, anh đã có đức tin. Đó là công trình của Thiên Chúa tỏ hiện nơi anh. Một công trình sáng tạo thứ hai. Chúa Giêsu trộn nước miếng vào bùn, khác nào ngày tạo thiên lập địa Thiên Chúa đã lấy bùn đất mà nặn nên con người.

 Bài đọc 2 : Công trình của Thiên Chúa cũng tỏ hiện nơi tội lỗi, nơi yếu đuối, nơi đau khổ của mỗi người chúng ta. Nói như thánh Phaolô trong bđ2 : “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em là ánh sáng”.

Tội lỗi, yếu đuối, đau khổ của chúng ta khiến Chúa đã biến chúng ta trở thành ánh sáng, trở thành con cái Chúa, trở thành người Công giáo.

Để biết ơn Chúa, thánh Phaolô khuyên dạy : “Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng… Anh em hãy làm những gì đẹp lòng Chúa” (6-3-2005)                                                                

Linh mục Nguyễn Trung Thành