Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên – Năm C
CN.4.C
(Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30)
————–
3-2-2013
Chúa nhật 4 thường niên hôm nay, ngày 23 tháng chạp, ngày ông Táo về trời, để báo cáo những chuyện dưới đất cho ông Trời.
Ông Táo là ai ?
Dân gian kể rằng :
Trọng Cao có vợ là Thị Nhi, ăn ở với nhau mà không có con, nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ. Một hôm Trọng Cao giận quá đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó gặp Phạm Lang và bằng lòng lấy chàng làm chồng. Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình có lỗi, thì đi tìm vợ. Tiền bạc đem theo tiêu xài hết, Trọng Cao đành phải đi ăn xin.
Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà. Hai người kể chuyện cho nhau và Thị Nhi tỏ lòng ân hận. Sợ Phạm Lang vể bắt gặp, Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trốn trong đống rơm ngoài vườn.
Phạm Lang, ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra, nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết liền nhảy vào đống rơm đang cháy theo chồng. Phạm Lang thấy vợ chết cũng nhảy vào đống rơm đang cháy chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa nên phong làm Táo Quân. Táo là bếp. Táo Quân là Ông Bếp.
Ngày nay bếp đun bằng ga, bằng điện. Còn ngày xưa đun bằng rơm, bằng củi. Bếp được xếp đặt bằng ba hòn đất, bằng cái kiềng ba chân. Ngày xưa mọi sinh hoạt trong gia đình đều ở trong bếp. Bếp tượng trưng cho tình cảm gia đình. Ngày Tết cả gia đình ngồi quây quẩn, nấu bánh chưng, bánh tét. Ngọn lửa sửa ấm cho cả gia đình.
BTM : Chẳng có tình cảm nào bằng tình cảm gia đình. Có đi xa mới cảm nhận được. Nhưng gìn giữ cho trọn vẹn thât là gian truân. Trọng Cao và Thị Nhi giận dỗi bỏ nhau.
Người đồng hương Nadarét trong BTM đã giận dỗi với Chúa Giêsu. Chúa trách lòng tin của họ không bằng dân ngoại. Chúa nói : “Vào thời ông Êlia khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở nước Ítraen, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xarépta miền Xiđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn xứ Êlisa, thiếu gì người phong cùi ở trong nước Ítraen, nhưng người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyri thôi” (Lc 4,25-27).
Bđ2 : Trong bđ2 thánh lễ tuần trước, các tín hữu Côrintô cũng ghen tị và chia rẽ nhau. Tháh Phaolô đã kuyên họ nhớ đến phép rửa mà đoàn kết. Thánh nhân viết : “Tất cả chúng ta dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí, để trở nên một thân thể” (1Cr 12,13).
Còn Bđ2 thánh lễ hôm nay, thánh Phaolô viết Bài Ca Đức Mến, để kêu gọi sự hiệp nhất.
Bđ1 : Bđ1 kể câu chuyện Chúa gọi ông Giêrêmia làm ngôn sứ. Ông sợ dân Do Thái chống lại ông, nhưng Thiên Chúa bảo đảm rằng : “Chúng sẽ giao chiến với ngươi, nhưng sẽ không làm gì được, vì có Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi” (Gr 1,19).
Mặc dầu Trọng Cao và Thị Nhi có lỗi với nhau, nhưng đã nhận lỗi. Ông Trời biết tình nghĩa của ba người, phong ba người làm Ông Táo:
– Phạm Lang làm Thổ Công trông coi việc bếp
– Trọng Cao làm Thổ Địa trông coi việc nhà cửa
– Thị Nhi làm Thổ Kỳ trong coi việc chợ búa.
Hằng năm cứ ngày 23 tháng chạp, ông Táo cỡi cá chép bay lên trời bá cáo mọi sinh hoạt của gia đình, việc tốt cũng như việc xấu.
Chúng ta là người Công giáo chắc chắn gia đình chúng ta làm nhiều viêc lành hơn việc dữ. Ông Táo về trời báo cáo, Thiên Chúa mến yêu ban nhiều ơn lành cho chúng ta.
——————
CN.4.C
31-1-2010
Thứ năm tuần này, ngày 4-2, là lễ tấn phong Đức cha Mátthêu Nguyễn Văn Khôi phó giám mục Qui Nhơn. Đức cha sinh tại Gò Thị.
Giáo xứ Gò Thị là nơi cha Buzomi sáng lập. Năm 1617 các sư đổ vạ tại cha thần phật đã phạt hạn hán, quan Vĩnh Điện khuyên cha tạm lánh khỏi Hội An. Cha xuống thuyền về Macao. Thuyền cha bị dạt vào bờ. Giáo dân muốn đem cha về nhà chăm sóc, nhưng người lương dọa giết, cha phải trốn trong rừng và bị bệnh. Ông quan Qui Nhơn ra Vĩnh Điện có việc, gặp cha, đem cha về Gò Thị chữa bệnh và xây nhà thờ cho cha.
Gò Thị là nơi đầu tiên ở Qui Nhơn đón nhận hạt giồng Tin Mừng. Gò Thị là Tòa Giam Mục của Đức cha Cuenot Thể. Đặc biệt Gò Thị là quê hương của thánh tử đạo Anrê Nguyễn Kim Thông.
Thánh Anrê Kim Thông là ông câu, người Bắc gọi là ông chánh trương, của Đức cha Cuenot Thể. Thánh nhân có lòng mến, lòng thương người. Bất luận là giáo hay lương, ai thiếu thốn đều được thánh nhân sẵn sàng giúp đỡ.
Người cháu tên là Út, rượu chè cờ bạc, bị thánh nhân quở mắng, đã viết thư tố cáo. Thánh nhân bị bắt và bị lưu đày vào Vĩnh Long. Tới Mỹ Tho thì kiệt sức và qua đời ngày 15-7-1855 được 65 tuổi. Thi hài được chôn tại nhà thờ Cái Nhum. Sau được cải táng đem về Gò Thị.
Bđ2 : Bđ2 hôm nay là “Bài Ca Đức Mến”. Thánh Phaolô viết bài ca này gửi cho cộng đoàn Côrintô, một thành phố cảng của người Hy Lạp. Trong cuộc hành trình truyền giáo lần II, thánh Phaolô đem hạt giống Tin Mừng gieo vãi ở đây vào năm 30 và ngài ở lại đây 18 tháng.
Thánh Phaolô kể 4 sự trổi vượt của Đức Mến :
1- Đức mến trổi vượt hơn ơn nói các thứ tiếng
2- Đức mến trổi vượt hơn ơn hiểu biết mọi bí nhiệm cao siêu,
3- Đức mến trổi vượt hơn đức tin chuyển núi dời non,
4- Đức mến trổi vượt hơn việc đem hết gia tài bố thí hay thiêu đốt thân xác.
Rồi thánh Phaolô kể 15 đặc điểm của Đức Mến :
1- Đức mến nhẫn nhục,
2- Đức mến hiền hậu,
3- Đức mến không ghen tương,
4- Đức mến không vênh vang,
5- Đức mến không tự đắc,
6- Đức mến không làm điều bất chính,
7- Đức mến không tìm tư lợi,
8- Đức mến không nóng giận,
9- Đức mến không nuôi hận thù,
10- Đức mến không mừng khi thấy sự gian ác,
11- Đức mến vui khi thấy điều chân thật,
12- Đức mến tha thứ tất cả,
13- Đức mến tin tưởng tất cả
14- Đức mến hy vọng tất cả
15- Đức mến chịu đựng tất cả.
Cuối cùng thanh Phaolô so sánh với đức tin, đức cậy, thì chỉ có đức mến tồn tại sau khi chết.
Xin thánh Anrê Kim Thông cầu cho chúng ta được lòng mến, lòng thương yêu.
———————
CN.4.TN.C
28-1-2007
Báo “Tuổi Trẻ Cuối Tuần” hôm nay, ngày 28-1-2007, đã dành ngay trang bìa đăng hình “Cha Pierre” cùng với cái tít lớn : “Linh mục Pierre, một cuộc đời vì người nghèo”, và dành những trang đầu của tờ báo để viết về cuộc đời cha Pierre. Một tờ báo đời viết về một ông cố đạo. Thật là đặc biệt hiếm có !
Trong khi đó theo báo CG&DT số chúa nhật 28-1 này, thì báo “Người Lao Động” cũng số chúa nhật, song khác ngày, ngày 7-1-2007, trước “Tuổi Trẻ Cuối Tuần” 21 ngày, đã phỉ báng cha Đắc Lộ, người biến chữ nho thành chữ quốc ngữ mà cả dân tộc đang dùng. Không những có công với Giáo Hội Công Giáo VN, mà cha còn có công với nước VN. Vì thế, người ta đã đắp tượng ngài để ở Văn Miếu Hà Nội và lấy tên ngài đặt tên cho một con đường sau dinh Thống Nhất bây giờ.
Cha Pierre sinh năm 1912 tại Pháp. Ngài đã làm việc từ thiện ngay từ nhỏ. Đầu tiên ngài cùng với cha mẹ và phong trào “Thăm Viếng Bệnh Nhân” đến các bệnh viện. Rồi ngài tham gia vào hội “Hớt Tóc” cho người nghèo. Ngài muốn đi tu để dành cuộc đời cho người nghèo. Đến năm 16 tuổi ngài mới được dòng Phanxicô đón nhận. Ngài được khấn lần đầu năm 19 tuổi. Được thừa hưởng một phần tài sản do cha mẹ để lại, ngài đã biếu cho các hội từ thiện. Năm 26 tuổi ngài thụ phong linh mục. Năm sau ngài bị gọi đi quân dịch để đánh lại quân Đức xâm lăng nước Pháp. Nước Pháp thất thủ, ngài tham gia kháng chiến, lấy bí danh là “Cha Pierre”. Từ đó ngài mãi mang tên này. Năm 1942, ngài tổ chức cho vợ chồng người em trai út của tướng De Gaulle vượt biên sang Thụy Sĩ. Năm 1944 ngài bị quân Đức bắt và bị giam trong tù. Ngài trốn tù chạy sang Tây Ban Nha, rồi sang Argentina gia nhập lực lượng kháng chiến của tướng De Gaulle.
Thế chiến thứ II chấm dứt, nước Pháp được giải phóng. Ngài lập hội “Emmaus” qui tụ những người nhặt “ve chai” thành những thợ hồ xây dựng nhà cho những người vô gia cư, không có nhà ở. Sau này hội thành hội từ thiện giúp những người nghèo. Hội gây qũi bằng cách đi bới các thùng rác, lượm nhặt bất cứ thứ gì có thể bán được.
Các cộng đồng Emmaus cho tới nay được thiết lập trên 41 nước. Tiếng tăm ngài được biết khắp thế giới. Tổng thống Mỹ Eisenhower mời ngài sang Mỹ. Quốc vương Marốc mời ngài sang để tư vấn cho việc xây nhà cho những người nghèo ở nông thôn. Năm 1956 thủ tướng Nehru Ấn Độ mời ngài sang giúp ý kiến trong việc cải cách nông thôn. Năm 1958 ngài giúp nước Pêru trong việc giáo dục người nghèo. Từ Peru ngài sang Côlômbia hỗ trợ cho phong trào “linh mục thợ”. Năm 1959 cha sang Ecuquador để yêu cầu Giáo hội đừng xây dựng những ngôi nhà thờ đồ sộ trong vùng đồng bào nghèo. Năm 1985 ngài tổ chức những “quán cơm tình thương”. Năm 1988 ngài xin Qũi Tiền Tệ Quốc Tế tha nợ cho các nước nghèo.
Tổng thống Pháp Chirac đã gọi cha Pierre là “Linh hồn quảng đại của nước Pháp” và năm 1988 khi cha 70 tuổi, tổng thống trao tặng huân chương cao qúi nhất của nước Pháp là “Bảo Quốc Huân Chương”. Nhưng vì chính phủ Pháp chậm trễ trong việc giải quyết nhà cho người nghèo, năm 1992 cha Pierre đã trả lại huân chương cho tổng thống. Và sau này tổng thống trao tặng lại huân chương cho ngài.
Năm 1989 Đức Cố Giáo hòang Gioan-Phaolô II sang Pháp đã mời cha ngồi bên phải.
Suốt đời cha Pierre sống chung với người nghèo, khi thì ngủ trên đường phố, khi thì ngủ ở dưới hầm cầu, các bến xe. Bất cử ở đâu có người nghèo là có sự hiện diện của cha.
Nước Pháp đã 17 lần bầu cha là người “nước Pháp yêu mến nhất”.
Năm 1988 được 70 tuổi, cha về nhà dòng để chuẩn bị chết. Cha qua đời ngày 22-1-2007, mới cách đây một tuần, thọ 95 tuổi.
Thánh lễ an táng của cha là lễ quốc táng ở nhà thờ chính tòa Pari. Tổng thống Pháp đã phát biểu : “ Sự ra đi vĩnh viễn của cha Pierre làm cho tòan thể nước Pháp xúc động tận đáy con tim. Nước Pháp mất đi một khuôn mặt vĩ đại, một lương tâm ngay chính, một tấm lòng nhân ái cao cả.”
Cuộc đời cha Pierre phản ảnh tinh thần “bài ca đức mến” của thánh Phaolô trong bđ2 thánh lễ hôm nay. Còn bài ca nào ca ngợi lòng mến bằng bài ca của thánh Phaolô. Chúng ta hãy nghe những lời ca ngợi của thánh Phaolô : “Gỉa như tôi có nói được các thứ tiếng của lòai người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chụm chọe xoang xỏang. Gỉa như tôi được ơn nói tiên tri…hay có được đức tin chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Gỉa như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cr 13,1-3).
Tiếp theo thánh Phaolô đưa ra 15 yếu tố làm nên đức mến : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.”
Cuối cùng thánh Phaolô nói lên tầm quan trọng của đức mến : “Đức mến không bao giờ mất được…Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr, 13,8.13).
Cám ơn Chúa đã cho chúng ta những con người sống đức mến như cha Pierre, hay như những con heo đất nhỏ bé của nhà thờ chúng ta.
————————-
CN.4.C
1-2-2004
Câu chuyện Chúa Giêsu về Nadarét, quê quán của mình, được tường thuật trong cả ba sách Tin Mừng thánh Matthêu, thánh Maccô và thánh Luca, nhưng sách thánh Luca dài hơn. Bà Monique Piettre cho rằng : Chúa Giêsu về quê hương không chỉ một lần, mà là hai lần. Bài tường thuật của thánh Luca đã gộp cả hai lần làm một (Comprendre La Parole. C, p.192). Vì thế Giáo hội đã chia đọc 2 Chúa nhật : Chúa nhật trước là lần về thứ nhất, lần “vinh qui bái tổ”, dân làng ca tụng, ngợi khen. Chúa nhật này là lần về thứ hai, lần về thứ hai này bị dân làng ghen ghét, chống đối. Bị ghen ghét, chống đối, đó chính là thân phận của những người làm việc cho Chúa trong mọi thời, thời ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng như thời Chúa Giêsu, thời các thừa sai Việt Nam, và cả thời nay.
Bài đọc 1 : Bđ1 đã mô tả thân phận khổ đau của ngôn sứ Giêrêmia. Ngôn sứ chào đời quãng năm 650 TCGS tại A-na-thốt, cách Giêrusalem độ 5 cây số. Gia đình ông là tư tế. Năm 24 tuổi, ông được Thiên Chúa gọi làm ngôn sứ. Ông thi hành sứ vụ suốt bốn đời vua liên tiếp, mãi sau biến cố đau thương năm 587 tCGS, thành Giêrusalem bị tàn phá. Cuối cùng ông bị một nhóm qúa khích lôi sang Ai Cập và chết tại đó. Sách “Các Ngôn Sứ” của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ viết như sau : “Tính tình ông dịu dàng và nhạy cảm, vậy mà ông được gọi để nhổ, để lật, để hủy, để phá (1,10). Thích yên hàn mà cứ phải đấu tranh, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gỗ với mình (15,10). Yêu quê hương, yêu đất nước, mà không được cầu nguyện cho đồng bào (14,11), cứ phải cổ vũ sự thần phục ngoại bang, để bị lên án là kẻ phản quốc (20,8; 38,4)…Ông phải sống như một kẻ đơn chiếc nhất trên đời, luôn phải ngồi riêng một mình (15,17). Đúng là một thảm kịch !…Ông phàn nàn với Chúa : Tại sao con cứ phải khổ hoài ? (15,18)… Nhưng tất cả chỉ đơn giản để nói rằng : cuộc đời ông bị xâu xé bởi một sứ mệnh mà ông không thoái thác được” (1996, trang 224).
Bài Tin Mừng : Và nay đến lượt Chúa Giêsu. Họ chống đối Chúa. Thánh Luca kể ở cuối bài TM : “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi – Họ kéo người lên tận đỉnh núi, để xô người xuống vực” (4,28-29).
Trong khi thánh Mátthêu và thánh Luca ghi lại lời Chúa Giêsu : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình (4,24), thì thánh Máccô lại ghi : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Đối với thánh Máccô, không chỉ người đồng hương, mà cả gia đình bà con thân thuộc cũng chống đối, khinh rẻ.
Tại sao người đồng hương Nadarét và bà con Chúa Giêsu đi ngược lại với câu người ta thường nói “một người làm quan cả họ được nhờ” ?
Cha Brown, nhà Thánh Kinh nổi tiếng của Mỹ, viết : “Đế cắt nghĩa tại sao Chúa Giêsu Nadarét trải qua phần lớn cuộc đời rao giảng tại Caphácnaum, thánh Luca bắt đầu kể câu chuyện “Người Nadarét từ khước Chúa Giêsu”. Vì thế câu chuyện đã được kể đầu đời họat động; còn ở sách thánh Máccô và thánh Mátthêu được kể muộn hơn” (An Introduction To The New Testament, p.237).
Cha Karris thì cho rằng : “Đề tài ‘Ngôn sứ bị từ khước’ làm nổi bật lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa là Người vẫn tiếp tục gửi các ngôn sứ đến với dân phản loạn” (The New Jerome Biblical Caommentary, p.690).
Lý do của ông Samuel Abogunrin là : “Một vài người nghe Chúa Giêsu giảng thì thán phục, còn phần đông thì tự hỏi : ‘Ông ta nghĩ ông ta là ai, là Đấng Mesia phải không ?’. Họ không thể chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mesia, nhất là Ngài không làm phép lạ nào. Chúa Giêsu là con thánh Giuse thợ mộc, Mẹ Ngài và anh em Ngài cũng có mặt ở hội đường đây, làm sao Chúa Giêsu có thể là Đấng Mêsia được ?” (The International Bible Commentary,p.1382).
Cha Hoàng Đắc Ánh cũng đồng quan điểm : “Họ lại thắc mắc, vì Đức Giêsu cùng quê với họ là Nadarét, mà làng Nadarét có gì đáng nói đâu ? Thứ đến Đức Giêsu lại thuộc giới lao động tay chân” (Tin Mừng theo Thánh Luca, tr.98).
Còn cha Noel Quesson cũng cho là vì lý lịch tầm thường : “Cảm tưởng đầu tiên là người lấy làm hài lòng về giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng rồi người ta không chấp nhận, vì Người tầm thường, chả là gì, chỉ là “con ông Giuse thợ mộc” (Parole De Dieu, p.161)
Ông William Barclay, nhà Kinh Thánh Anh giáo, thì cho là : “Điều làm cho dân làng giận dữ là lời khen ngợi dân ngoại của Chúa Giêsu. Người Do Thái vẫn coi mình là dân Thiên Chúa và họ kinh dể các dân tộc khác. Họ nghĩ rằng : “Thiên Chúa dựng nên dân ngoại để làm dầu đốt hỏa ngục”. Thế mà ở đây chàng thanh niên trẻ tuổi Giêsu lại cả gan giảng: dân ngoại được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt. Từ đầu đến cuối bài giảng là những gì họ chưa bao giờ nghe” (The Gospel of Luke, p.48).
Từ ngôn sứ Giêrêmia đến Chúa Giêsu và rồi đến các nhà truyền giáo đầu tiên của Giáo hội Việt Nam, tất cả đều gặp chống đối, loại bỏ.
Từ Macao, sau 12 ngày vượt biển, hai cha Buzomi, người Ý và cha Cavalho, người Bồ, cùng hai thầy trợ sĩ José và Paolo, người Nhật, dòng Tên, đến Đà Nẵng ngày 18-1-1615. Lễ phục sinh năm đó, các cha đã rửa tội được 10 người, 10 bông qua đầu mùa. Năm 1616 cha Cavalho trở về để sang Nhật và cha đã được phúc tử đạo tại đó ngày 24-2-1624. Thay cha Cavalho là cha Fernandes, người Bồ. Cánh đồng truyền giáo ngày càng chín vàng, năm sau, năm 1617, bề trên dòng Tên ở Macao gửi thêm hai cha Francisco de Pina và Francisco Barreto và một thầy trợ sĩ Dias. Đước mấy tháng hai cha Fernandes và Barreto được sai sang Campuchia, chỉ còn hai cha Buzomi và Pina cùng các thầy trợ sĩ.
Mùa thu năm 1617, sau hai năm tới Đà Nẵng, trời hạn hán. Các sư tổ chức lễ cầu mưa, nhưng trời vẫn không mưa. Các sư cho rằng trời hạn hán là vì các thần nổi giận, thấy dân chúng theo đạo mới mà bỏ không đi chùa chiền, nên phải đuổi các cha các thầy đi, thì các thần mới hết giận mà cho mưa xuống. Dân chúng tin theo, kéo đến đòi chúa Sãi phải đuổi các cha các thầy đi. Chúa Sãi mời các ngài tới và nói rằng : ông vẫn qúi mến các ngài, nhưng để xoa dịu lòng giận dữ của dân chúng, xin các ngài ra đi khỏi nước. Các ngài xuống thuyền về Macao. Thuyền ra khơi chẳng may gặp bão dạt vào bờ. Các ngài không dám ra mặt phải trốn vào rừng, sống lén lút khổ sở. Cha Buzomi bị đau nặng gần chết. Giáo dân muốn đem về nhà chữa chạy, nhưng người ngoại dọa giết. Chinh lúc tưởng như bó tay tuyệt vọng, thì Chúa đến cứu. Quan Qui Nhơn đi ra Huế có việc, khi về đã đem cha Buzomi và thầy Dias về Qui Nhơn; còn cha Pina và hai thầy Jose, Paolo được người Nhật đem về nhà của họ ở Hội An.
Trong cái rủi có cái may. Cha Buzomi được quan trấn Qui Nhơn rất thương. Tháng 7-1618 quan trấn làm cho cha và thầy một ngôi nhà gỗ rộng rãi tại Nước Mặn, tức Gò Thị ngày nay. Rồi ông dùng voi đưa các ngài đến ở. Cha được tự do giảng đạo. Thỉnh thoảng quan trấn còn sai người đem thực phẩm đến cho các ngài, không để các ngài thiếu thốn. Hơn nữa ông sai 1000 thợ khiêng cột kèo đã làm sẵn dựng cho các ngài một nhà thờ. Chỉ trong một ngày đã dựng xong ngôi thánh đường đầu tiên ở Qui Nhơn.
Sau một năm quan trấn bị bệnh qua đời. Trước khi qua đời, quan đã được cha Buzomi rửa tội. Quan qua đời, cha Buzomi và thầy sợ các sư sẽ phao tin rằng : vì quan thương các ngài, nên Trời Phật đã phạt quan chết. Thật là may, Ông Đề là con cả của quan vẫn thương cha và thầy. Thấy con của quan thương, các sư không dám phao tin đồn. Trong đám tang, các ngài đã tới nhà quan phúng điếu. Ông Đề còn cho voi chở các ngài về.
Qua ba bài đọc của thánh lễ hôm nay, người tông đồ, người làm việc cho Chúa, cho nhà Chúa luôn luôn gặp đau khổ. Chính Chúa Giêsu cũng đã lặp lại lời thánh vịnh : “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây phải thiệt vào thân” (Ga 2,17). Qủa thật vì Chúa, vì đồng loại mà người tông đồ phải thiệt thân.
Tóm lại vì yêu, như thánh Phaolô viết trong bài đọc 2 : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả” (1Cr 13,4-6).
Linh mục Nguyễn Trung Thành