Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A
CN 4 MV A
18-12-2022
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ An Ngãi Đông
Giáo xứ Hòa Minh
GIÁO HUẤN SỐ 4
Lời mời gọi nên thánh
Các thánh ở kề bên (tt)
Tôi thích chiêm ngắm nét thánh thiện nơi sự kiên nhẫn của dân Thiên Chúa, nơi những người cha người mẹ nuôi con với tình yêu bao la, nơi những người nam nữ làm việc vất vả và để lo cho gia đình, nơi những tu sĩ già yếu không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung của họ, tôi nhìn thấy tính thánh thiện của Giáo hội chiến đấu. Rất thường, đó là một sự thánh thiện được gặp thấy nơi những con người ngay bên chúng ta, những người sống giữa chúng ta và phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi họ là ‘tầng lớp bậc trung của sự thánh thiện (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan hỉ, số 7).
SUY NIỆM I
Is 7,10-14; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Các tín hữu Quảng Nam, bà Gio-an-na (Lệ Sơn)
Những tuần Mùa Vọng trước, chúng ta ngắm nhìn gương sống của ông bà An-rê, công chúa Ngọc Liên, bà Gio-an-na. Hôm nay, Chúa nhật thứ 4, Chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng, chúng ta ngắm nhìn gương sống của các tín hữu Quảng Nam, đặc biệt một bà người Quảng Nam. Đó là bà Mônica Sum, người An Trạch. An Trạch nằm sát bên giáo xứ Lệ Sơn. Để thấy rằng tổ tiên cha ông chúng ta đón nhận và sống “ơn cứu độ” tuyệt vời. Đúc cha Labbé nói : “Các tín hữu Quảng Nam rất là can trường”.
Đức cha khen về những người : Ông Benoit (Bơ-noa) và bà Anna Ven, ông Ba-tô-lô-mê-ô Miêu người làng Bát Nhị; ông bà Phê-rô và Maria Thanh, người làng Kỳ Lam; ông Tôma Vinh, người làng Phước Lộc (La-Nang); bà Mônica Sum, người làng An Trạch (Lệ Sơn); và 3 người khác không rõ tên.
Sau khi bị bắt, tất cả bị nhốt trong tù, rồi bị điệu ra tòa. Riêng bà Mônica Sum Đức cha khen : “Bà là một người can đảm đã làm vững lòng nhiều người”. Bà đi đầu, bị tra hỏi đầu tiên.
Quan dọa bà phải chết, nếu không bỏ đạo như lệnh vua ra, bà hiên ngang đáp :
– – Các quan vâng lệnh vua như ý các quan muốn; nhưng phần tôi, tôi không bao giờ bỏ đạo Chúa trời đất.
Quan giận ra lệnh :
– Ngươi hãy dẫm chân đạp lên ảnh tượng.
Quan nói tới nói lui hai ba lần, bà vẫn không sợ hãi, còn thưa lại :
– Đạp ảnh tượng là chối đạo và xúc phạm đến Chúa Giêsu, tôi nhất định không làm.
Quan tra hỏi :
– Tại sao không làm ?
Bà đáp :
– Nếu làm như vậy, tôi sẽ phạm đến Chúa toàn năng đã dựng nên tôi, và tôi sẽ phải phạt đời đời .
Quan dụ dỗ :
– Ngươi cứ đạp đi ! Nếu Chúa có phạt thì ta sẽ chịu thay cho ngươi.
Bà đáp :
– Sự xét sử của Thiên Chúa không như người thế gian, mỗi người phải chịu trách nhệm cho chính mình. Hình phạt quan chịu không thay thế được tội ác tôi chà đạp ảnh được đâu.
Quan ra lệnh đánh bà dữ tợn. Dù đang bị đánh, bà vẫn nói to lên :
– Tôi chẳng bao giờ làm điều đó, tôi chẳng chối đạo.
Quan ra lệnh giam bà và bắt nhịn đói ba ngày. Nhờ gương can đảm của bà Mônica Sum, nên chỉ có một người đạp ảnh chối đạo; còn tất cả anh dũng xưng đạo và chịu đánh đòn. Thấy còn dông giáo dân can đảm đứng trước mặt, các quan nói với nhau :
– Chúng ta làm gì với cái đám đông này bây giờ, không lẽ giết họ chết cả sao? Tôi biết chắc họ không chối đạo. Nếu mình theo lệnh vua lên án chém hoặc bỏ đói họ cho chết thì chỉ gây thêm rối loạn cho tỉnh nhà thôi.
Một tháng sau quan cho giải các tù nhân về Kinh đô… Vừa trông thấy họ, Minh Vương hỏi ngay họ là những người nào. Quan trấn Quảng Nam thưa :
– Thưa chúa thượng vạn tuế, đây là những người Da-tô Quảng Nam đã khẳng khái không chịu bỏ đạo. Các quan cố vấn đã có kinh nghiệm về những người này, họ không bao giờ sợ chết hay cực hình. Các quan chúng tôi không biết phải làm gì để bắt họ vâng lệnh chúa thượng, nên đã quyết định áp giải để xin mệnh lệnh chúa thượng.
Minh Vương đã từng thấy quả báo Thiên Chúa phạt những người ra tay đổ máu các tín hữu. Nên muốn trốn tránh, nói :
– Việc này đã lâu rồi, ngươi cho đến trễ quá. Những người này thuộc trấn Quảng Nam, vậy ngươi hãy đem về làm theo ý ngươi.
Vì không có lệnh rõ ràng, nên quan Quảng Nam không dám tha họ, mà cũng không dám xử tử. Tất cả 5 người đàn ông, 3 bà đàn bà, lần lượt bị chết đói trong tù vào năm 1700 đến năm 1713. (Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, tập I, trang 80-85).
Tất cả những người Công giáo Quảng Nam, nhất là bà Mônica Sum, người An Trạch (Lệ Sơn), là hình ảnh ngôn sứ I-sai-a (bđ1) và thánh Phao-lô (bđ2) trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay: đón nhận và sống ơn cứu độ Chúa giáng sinh mang đến. Bđ1và BTM kể việc Chúa Ki-tô sinh ra đem ơn cứu rỗi, đem Tin Mừng. Bđ2 kể thánh Phao-lô viết thư cho người Rô-ma biết dự định Ngài tới Rô-ma rao giảng Tin Mừng.
Bài đọc 1 (Is 7,10-14) : Bđ1 nói về tình cảnh vua A-khát. Vua A-khát cai trị nước Giu-đa từ năm 736-716. Vua bị liên quân Ít-ra-en và Sy-ri đánh. Vua muốn cầu viện. Ngôn sứ I-sai-a khuyên vua đừng xin nước A-sua giúp đỡ, nhưng hãy tin cậy vào Thiên Chúa. Vua không nghe vẫn cầu viện. Dù vua bất tín, Thiên Chúa vẫn che chở, ngôn sứ I-sai-a cho một dấu hiệu: ‘Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). Kinh Thánh 2011 của nhóm CGKPV viết : “Tân Ước đã hiểu lời này loan báo việc Chúa Ki-tô sinh ra” (trang 1860).
Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm viết về bđ1 như sau : Thật ra bài tiên tri (ngôn sứ) Isaia không trực tiếp nói về Đức Mẹ và Chúa Cứu Thế. Các học giả bàn nhiều về đoạn văn vắn tắt này. Đại khái bối cảnh đoạn văn này như sau : Akhaz bấy giờ là vua xứ Yuđa. Mấy vua xứ Bắc lâm le xâm lăng xứ sở của ông. Ông sợ hãi. Thay vì trông cậy vào Chúa, ông lại chỉ nghĩ đến việc xin viện trợ nước ngoài. Isaia đến can gián ông, khuyên ông tin tưởng vào Chúa. Ông không nghe và sai sứ ra ngoại quốc xin viện binh. Đồng thời ông tiếp tục đường lối tội lỗi, lập các đền thờ quấy, đến nỗi thiêu sinh cả con mình để làm lễ tế. Isaia đến can thiệp lần nữa. Và để bảo đảm lời khuyên của mình, nhà tiên tri giục vua cứ xin một dấu chỉ, dù ở trên trời hay dưới đất: tức là nhà vua xin dấu chỉ nào, Chúa cũng sẽ cho để làm chứng rằng lời tiên tri nói là thật. Nhưng nhà vua vốn không tin Chúa. Vua lại sợ xin được dấu chỉ sẽ phải tin lời tiên tri và phải từ bỏ tà thần để sống trung thành với Chúa. Ông giở giọng đạo đức, loài người không nên thử thách Thiên Chúa, cốt ý để ông khỏi phải nghe Lời Chúa dạy. Isaia bực mình, coi nhà vua như dân ngoại. Ông nói ; làm loài người khó chịu chưa đủ sao mà còn làm cực lòng Chúa tôi ? Chúa tôi, chứ không phải Chúa của các ông nữa, Isaia muốn nói như thế. Tuy nhiên chắng ai cưỡng lại được lệnh Chúa : Này, Chúa sẽ cho nhà Đavít một dấu chỉ: cô nương sẽ sinh con trai và danh Ngài là Chúa-ở-cùng-chúng-ta’ (Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm Phụng Vụ A, trang 22-23).
Bài Tin Mừng (Mt 1,18-24): Cha Hồ Thông viết : ‘Về đức công chính của thánh Giu-se, cách giải thích truyền thống nhấn mạnh rằng: thánh Giu-se không hề hay biết câu chuyện truyền tin cho Đức Mẹ, vì thế thánh nhân nghi ngờ đức hạnh của vị hôn thê, nhưng vì lòng nhân hậu, thánh nhân không muốn tố giác công khai bà, vì thế định tâm lìa bỏ bà một cách kín đáo. Lối giải thích không chỉ nêu bật phẩm chất của thánh Giu-se, nhưng còn của Đức Ma-ri-a nữa. Sự im lặng của Đức Ma-ri-a thật đáng thán phục. Đối mặt với sự kiện không thể nào giải thích bằng những ngôn từ con người. Đức Ma-ri-a hoàn toàn tín thác vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Chắc chắn Thiên Chúa đặt để hai vị thánh này vào một sự thử thách nghiêm trọng. Từ đó rút ra một linh đạo tuyệt vời: chúng ta đừng ngạc nhiên nếu phải chịu những thử thách khó khăn trong cuộc đời. Chúng ta phải tin tưởng vào Chúa và trung thành với Ngài bất cứ giá nào, noi gương thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a.
Tuy nhiên cách giải thích truyền thống này gặp phải khó khăn: đức công chính theo lề luật đòi buộc thánh Giu-se phải tố cáo vị hôn thê của mình như thánh Giê-rôm đã nêu lên: “Thánh Giu-se ém nhẹm trọng tội của vợ mình mà cho là công chính ư ?
Theo cách giải thích hiện đại, thánh Giu-se biết câu chuyện truyền tin cho Đức Mẹ, vì thế thánh nhân không một chút nghi ngờ về đức hạnh của vị hôn thê của mình. Điều làm cho thánh nhân trăn trở chính là trong hoàn cảnh này, không biết xử lý như thế nào cho phải lẽ. Một đàng trên bình diện công bình pháp lý, với tư cách là chồng hợp pháp của Đức Ma-ri-a, ông có quyền đón nhận vị hôn thê là vợ của mình và đứa con mà nàng cưu mang là con của mình. Nhưng mặt khác, trên bình diện công bình tôn giáo, ông bị đòi buộc phải kính trọng công việc của Thiên Chúa ở nơi Đức Ma-ri-a mà thánh nhân không được mời gọi dự phần vào. Lúc đó thánh nhân quyết định âm thầm rút lui, nhường bước trước kế hoạch của Thiên Chúa, chấp nhận dâng hiến điều đắt giá nhất của cuộc đời mình: tình yêu đối với Đức Ma-ri-a. Chính trong tâm trạng tiến thối lưỡng nan này mà thánh nhân không thể nào thổ lộ với người bạn đời của mình. Động từ Hy ngữ này không có nghĩa tiêu cực “tố cáo” hay “tố giác” như cách giải thích của truyền thống đã hiểu, nhưng mang ý nghĩa tích cực: “thổ lộ” hay “giải bày”. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính, vì thế không muốn thổ lộ ý định của mình cho Đức Ma-ri-a.
Vì thế, để xua tan những nghi ngại của thánh nhân, sứ thần khẳng định thai nhi mà Đức Ma-ri-a cưu mang là công việc của Chúa Thánh Thần, đồng thời mời gọi thánh nhân tham dự vào công việc này trong vai trò người chồng của Đức Ma-ri-a, và trong vai trò người cha của thai nhi qua việc đặt tên cho con trẻ, nhờ đó con trẻ được tháp nhập hợp pháp vào hoàng tộc Đa-vít, để ứng nghiệm sấm ngôn của ngôn sứ Na-than về Đấng Mê-si-a (2Sm 7,12). Như vậy, đức công chính của thánh Giu-se không dính dáng gì đến việc tuân giữ Lề Luật (phải nói là việc tuân giữ Lề Luật quá chi li nghiêm nhặt sẽ dẫn đến việc giết chết Đức Ma-ri-a và thai nhi Giê-su), nhưng thành tâm thiện chí lắng nghe để khám phá ý muốn của Thiên Chúa trong mọi biến cố đời thường của mình và mau mắn tìm cách đáp trả một cách tích cực : “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà mình” (Mt 1,24) (Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 60-62).
Bài đọc 2 (Rm 1,1-7) Nhóm CGKPV viết : “Khoảng cuối hành trình truyền giáo thứ ba (53-58), thánh Phao-lô bấy giờ đang ở Cô-rin-tô. ngài cảm thấy trách nhiệm tông đồ của mình ở Đông Phương sắp kết thúc. Chỉ còn một việc phải làm, đó là mang những gì đã lạc quyên trao cho giáo đoàn Giê-ru-sa-lem. Người dự định sau khi hoàn thành công tác đó, người sẽ đi Tây Ban Nha, và trên đường đi sẽ ghé qua Rôma (KT 2011, trang 2479).
Cầu nguyện
Tv 23,3-5
Ai được lên núi Chúa ?
ai được ở trong Đền thánh của Người ?
Đó là kẻ tay sạch lòng thanh,
chẳng mê theo ngẫu tượng
Người ấy sẽ được Chúa ban phúc lành
được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng
Đây là dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người
tìm thánh nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp.
SUY NIỆM II
DÁM MƠ VỀ THIÊN CHÚA
Tuần 4 mùa Vọng (Hội An 18/12/2022)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
“Tôi có một giấc mơ” là tiêu đề bài diễn văn hùng hồn của Martin Luther King và bài diễn văn này đưa ông vào hàng danh nhân Hoa Kỳ. Không chỉ Luther King, mọi người đều có giấc mơ, đều có quyền mơ ước cho cuộc đời mình hay cho thế giới. Ai cũng muốn có giấc mơ đẹp, ở giấc mơ đó, họ thỏa thích thêu dệt cuộc đời mình đẹp như tranh.
1. Thánh Giuse dám mơ về Thiên Chúa
Như mọi người, thánh Giuse cũng có giấc mơ cho cuộc đời mình. Có thể ngài mơ về một gia đình êm ấm, có công việc gặt hái được nhiều thành đạt dù là nghề mộc. Ngài cũng có thể có một giấc mơ về một cuộc sống êm ả trong vùng đất lành Nazareth. Những giấc mơ của thánh Giuse thanh cao xứng với danh phận “người công chính” được Tin Mừng ban tặng. Thế mà mọi ước mơ của thánh Giuse phải nhường bước cho một giấc mơ thánh thiện được Tin Mừng thuật lại hôm nay.
Sứ thần đến với thánh Giuse trong một giấc mơ và bảo thánh nhân: “Hỡi Giuse, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Theo lẽ thường, giấc mơ này không là giấc mơ đẹp đối với thánh Giuse, bởi nó làm đảo lộn mọi mơ ước bấy lâu, làm xáo trộn đời sống gia đình của Giuse xây đắp. Tưởng cần nhắc lại, trước giấc ngủ hôm nay, trước khi giấc mơ xảy đến, thánh Giuse đã quyết định không tố cáo bạn Maria của mình, người đang mang thai mà Giuse không rõ bởi đâu. Quyết định không tố cáo để Maria khỏi phải bị ném đá chết theo Luật dành cho những ai ngoại tình đã là một quyết định xuất phát từ lòng yêu thương. Giuse còn dự định lìa bỏ Maria để ra đi, chịu thiệt thòi về phần mình, một dự định cũng từ sự công chính nơi thánh Giuse. Nay trong giấc ngủ, Thiên Chúa đến can thiệp vào cuộc đời của Giuse qua một giấc mơ, đòi hỏi thánh Giuse gạt bỏ những dự định dù là công chính của mình, để đón nhận thánh ý Chúa: đón nhận Maria và Hài Nhi Giê-su Thiên-Chúa-làm-người trong lòng Maria.
Thánh Giuse là người có giấc mơ như Tin Mừng thánh Matthêu tường thuật bốn giấc mơ của thánh Giuse, nhưng Ngài không phải là người đàn ông mơ màng. Ngài không phải là người sống với những ảo tưởng hay mơ mộng trên mây, mà là người luôn thao thức tìm thánh ý Thiên Chúa. Nếu không có những thao thức, thì không thể có giấc mơ về điều thao thức. Trong hoàn cảnh của mình, thánh Giuse mặc dù đã có những dự định, nhưng Ngài vẫn thao thức tìm thánh ý của Thiên Chúa. Ngài là người dám mơ. Thánh Giuse dám mơ về Thiên Chúa, mơ Thiên Chúa nói với mình những việc phải làm để đẹp lòng Thiên Chúa, mơ những điều cao cả hơn những dự tính của mình, dám mơ Thiên Chúa có thể thay đổi cuộc đời mình và tương lai của mình. Thánh Giuse dám mơ và dám tín thác cuộc đời mình cho chương trình của Thiên Chúa. Vì thế, “khi tỉnh giấc, Giuse thực hiện như lời sứ thần truyền, đón Maria về nhà mình” (Mt 1,24). Sau giấc mơ thánh thiện, sau khi nghe lời Thiên Chúa, Giuse trở nên người mới, một người dám hành động theo lời Chúa dạy: từ một người lo âu, nay trở nên người bình an; từ một người do dự, nay trở nên người vững tin, vì được gặp gỡ và nghe lời Chúa.
2. Ki-tô hữu được mời gọi dám mơ về Thiên Chúa
Mỗi chúng ta đều có ước mơ, có chương trình trong hiện tại và dự tính cho tương lai, cho cá nhân cũng như cho gia đình. Nhưng, khi kêu gọi mọi tín hữu noi theo gương thánh Giuse, Đức Phanxicô nài xin cho mỗi chúng ta hãy dám mơ: dám mơ về những điều cao đẹp, dám mơ về Thiên Chúa và dám chấp nhận sự xáo trộn cuộc đời từ giấc mơ về Thiên Chúa. Trong giấc mơ, thánh Giuse đã nghe biết ý muốn của Thiên Chúa; trong niềm dám mơ của chúng ta, chúng ta cũng sẽ nghe biết được thánh ý Thiên Chúa.
Điều cần thiết là phải có đức tin. Thánh Giuse tin thánh ý Thiên Chúa qua lời sứ thần và với đức tin, thánh nhân đã làm theo lời Chúa dạy. Nếu không có đức tin, thánh Giuse không thể có giấc mơ thánh thiện ấy. Nếu không có đức tin, chúng ta cũng không dám mơ về Thiên Chúa, vì sợ Thiên Chúa làm xáo trộn gia đình mình, đòi hỏi ta phải thay đổi đời sống mình cho xứng là con cái Chúa. Vua A-khát vì không có đức tin, nên không dám mơ Thiên Chúa là Đấng Emmanuel đến ở với dân mình. Đôi khi như loài gián rất sợ ánh sáng, chúng ta rất sợ tin vào Chúa, rất sợ Chúa có chỗ trong tâm trí ta, trong lịch sinh hoạt hằng ngày của ta. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống lại đức tin của mình, một đức tin đủ mạnh để dám mơ về Thiên Chúa và dám để Chúa thay đổi đời sống quá thực dụng, một cuộc sống mà những thứ lợi lộc trần gian ám ảnh trong tâm trí của đứa trẻ đến người lớn, đến nỗi Thiên Chúa không có chỗ trong đời chúng ta, dù chỉ một lời cầu nguyện với Ngài.
Và trong thinh lặng của giấc mơ, thánh Giuse mới nghe được sứ điệp từ Thiên Chúa. Cũng vậy, cần có sự thinh lặng cần thiết nơi chúng ta. Thánh Cyrpianô chia sẻ: “Khi ta cầu nguyện, ta nói Chúa nghe; khi ta thinh lặng, Chúa nói ta nghe.” Và triết gia Soren Kierkegaard từng viết: “Nếu có một lời khuyên cho thế giới hôm nay, tôi sẽ không ngừng lặp đi lặp lại: “Hãy tạo nên sự thinh lặng, mang mọi người về với thinh lặng, vì lời Chúa không thể được nghe trong thế giới náo nhiệt này.”
Xin cho mỗi chúng ta dám mơ về Thiên Chúa, dám xin Chúa đến trong đời chúng ta và gia đình chúng ta, dẫu sự hiện diện của Chúa làm xáo trộn đời sống chúng ta. Xin cho chúng ta có đức tin vững mạnh và sự thinh lặng cần thiết như thánh Giuse, để nghe tiếng Chúa trong niềm mơ ước thánh thiện của chúng ta.
SUY NIỆM III
Lời Chúa: Is 7,10-14; Rm 1,1-17; Mt 1,18-24
SỐNG MÙA VỌNG THEO GƯƠNG THÁNH GIUSE
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa Nhật hôm nay trình bày cho chúng ta mẫu gương Thánh Giuse, người công chính đón Chúa đến trong cuộc đời. Theo tập tục Do Thái, mỗi cuộc hôn nhân thường trải qua ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất là đính hôn. Việc đính hôn này thường do cha mẹ hay người mai mối thực hiện, còn đôi bạn trẻ chẳng hề biết trước về cuộc đính hôn này. Giai đoạn thứ hai là hứa hôn. Giai đoạn này thường kéo dài một năm để đôi bạn có dịp quen biết nhau… Khi đã hứa hôn, thì mọi người đều xem đôi bạn như là vợ chồng, mặc dù họ chưa thực sự chung sống với nhau. Lễ hứa hôn này được tổ chức rất long trọng. Bài Tin Mừng hôm nay nói hôn nhân của Thánh Giuse và Đức Mẹ trong giai đoạn này. Còn Giai đoạn thứ ba là kết hôn theo đúng nghĩa, tức là đôi bạn chung sống thật sự với nhau.
Tin Mừng kể trước khi kết hôn, Thánh Giuse hay tin Mẹ Maria có thai. Và cũng theo Luật hôn nhân Do thái, trong thời gian hứa hôn, nếu người vợ hay người chồng ngoại tình và bị tố cáo, sẽ bị xử tội “ném đá”. Sự kiện Maria có thai làm cho thánh Giuse phải đau khổ, bối rối, nghi ngờ và khó xử nên định tâm bỏ Đức Mẹ thật kín đáo. Nhưng, Thánh Giuse là người công chính nên với tình yêu, sự khoan dung và lòng nhân từ Giuse “không muốn tố giác Đức Mẹ”. Đang khi định tâm như vậy, thì sứ thần Chúa đến báo trong giấc mơ rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Khi tỉnh giấc, Thánh Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà và Thánh Giuse đã không ăn ở với Mẹ Maria.
Qủa thật, Thánh Giuse là người công chính nên mới làm những việc trọng đại như thế. Nhưng, thế nào là công chính? Trước tiên sự công chính phải là một sự thành thực với chính mình, lắng nghe tiếng lương tâm và can đảm thi hành những gì lương tâm nói cũng là tiếng Chúa cho biết là đó là điều chính đáng, là Thánh ý Thiên Chúa. Hành động thánh Giuse không muốn tố giác…nên định tâm lìa bỏ cách kín đáo… cho thấy thánh Giuse không hành động theo thói quen, ứng ích kỷ của con người ngược lại, Thánh Giuse với sự suy nghĩ sâu xa và thành thực, Ngài đã tìm cách giải quyết đúng đắn nhất theo tiếng nói lương tâm. Thứ đến sự công chính đích thực là sự tôn trọng người khác. Thánh Giuse thực sự đã tôn trọng Đức Maria, chỉ nhờ sự tôn trọng đó mà Thánh Giuse mới có thể tin sự thụ thai của Đức Maria là huyền nhiệm nên Ngài đã không kết án Đức Maria cách võ đoán. Sau cùng chính nhờ thái độ thành thực với chính mình, tôn trọng Đức Maria như vậy, nên thánh Giuse mới nghe theo lời của Sứ thần và tin vào chương trình Thiên Chúa muốn thực hiện nơi người Bạn đời của mình và nơi cuộc đời mình.
Trong cuộc đời, mỗi người chúng ta ai cũng có những chương trình riêng: học hành, công ăn việc làm, chuyện lấy chồng lấy vợ, gia đình và con cái, tu trì, sức khỏe, của cải tương lai, chuyện Đạo hạnh bản thân và gia đình… những công việc ấy vẫn xảy ra từng giây phút trong đời của mỗi người chúng ta, làm cho chúng ta phải lựa chọn giữa chương trình của mình và kế hoạch của Thiên Chúa hay thánh ý của Chúa. Có những lúc thánh ý của Chúa làm đảo lộn dự tính tốt đẹp của chúng ta, buộc chúng phải suy nghĩ, phải lựa chọn. Có những lúc thánh ý của Chúa làm chúng ta phải bối rối vì không biết phải làm gì, vâng theo ý Chúa hay làm theo ý mình. Có những lúc thánh ý Chúa cần chúng ta phải có thái độ mở rộng trước những điều lạ lùng, những điều kỳ diệu của Thiên Chúa được thực hiện nơi chúng ta. Thánh ý Thiên Chúa không phải lúc nào cũng hợp với ý thích của chúng ta. Nhờ sự công chính, thánh Giuse đã hiểu được điều đó, Người luôn sẵn sàng, mau mắn thi hành ý Chúa. Noi gương Thánh Giuse, chúng ta hãy sẵn sàng lắng nghe ý Chúa, làm theo ý Chúa như thế chúng ta mới nên công chính và giúp ta khám phá ra những điều huyền nhiệm của cuộc đời con người.
Hãy để Thiên Chúa dẫn dắt cuộc đời ta qua những nẻo đường bất ngờ, từ đó ta mới có thể cảm nhận được tình yêu bao la của Chúa dành cho ta. Cho nên, Khi gặp hạnh phúc hay sung sướng, chúng ta tạ ơn Chúa đồng thời phải gắn bó với Chúa hơn nữa. Khi thành công và giàu có, chúng ta tạ ơn Chúa đồng thời biết chia sẻ với tha nhân vì chưng Chúa Giêsu dạy “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35). Khi lâm cảnh túng thiếu nghèo khổ, đừng buồn bã, đừng oán trách trái lại, chúng ta cần phải cậy dựa và tìm đến Đấng phù trợ ta nhờ đó đức tin ta được mạnh mẽ và vững vàn hầu luôn được Chúa ủi an làm cho ta được bình an mà vui sống với Chúa, trong Chúa và bên Chúa. Khi gặp đau khổ tinh thân thần cũng như thân xác, đừng tuyệt vọng, đừng đánh mất đức tin! Nhưng, trước hết phải sống Lời Chúa hằng ngày, nghĩa là xin vâng và thi hành Lời Chúa ở bất cứ hoàn cảnh nào hay dù đau khổ mấy đi chăng nữa. Vì chính lúc ấy, Lời Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng đau khổ đồng thời kiên trì giữ vững đức tin để rồi đến một lúc nào đó chắc chắn chúng ta sẽ nhìn thấy những điều kỳ diệu và những điều lớn lao mà chúng ta không tưởng tượng được! Đúng như Lời Chúa trong thư Do thái quả quyết: “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1).
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết noi gương Thánh Giuse, bước đi theo đường lối của Chúa và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống hầu để Chúa luôn giáng sinh trong cuộc đời chúng con. Amen.