Chúa Nhật IV Mùa Vọng năm B


CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG

Ngày 24/12/2023

Thánh vịnh tuần IV.

 

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ An Ngãi Đông và Giáo xứ Hòa Minh 

 

GIÁO HUẤN SỐ 4

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ

“Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được ủi an” 

“Thế giới nói với chúng ta điều hoàn toàn ngược lại: giải trí, thú vui, tiêu khiển và thoát ly thực tế mới làm cho đời vui. Con người thế gian tránh né các vấn đề đau ốm hay buồn phiền nơi gia đình hay ở xung quanh mình. Thế giới không muốn than khóc; nó không quan tâm đến những hoàn cảnh đau thương, và tìm cách che giấu các hoàn cảnh ấy. Nhưng thập giá chẳng bao giờ vắng bóng.

Một người biết nhìn sự vật đúng như sự thật của chúng và biết cảm thông với những nỗi buồn đau, đó là người có thể chạm đến những chiều sâu của đời sống và tìm thấy hạnh phúc chân thực. Người ấy được ủi an, không phải bởi thế gian nhưng là bởi Chúa Giêsu. Những người như thế không ngại chia sẻ khổ đau của người khác; họ không trốn tránh các hoàn cảnh đau buồn. Họ khám phá ý nghĩa của đời sống qua việc đi đến giúp đỡ những ai đau khổ, cảm thông nỗi khốn khó của người ta và đem lại sự xoa dịu. Họ cảm nhận rằng tha nhân là thịt bởi thịt mình, họ không sợ đến gần, ngay cả chạm đến những vết thương nơi người ấy. Họ chạnh lòng thương cảm người khác đến nỗi mọi khoảng cách đều không còn. Bằng cách đó họ sống giáo huấn của Thánh Phaolô: “Hãy khóc với người khóc” (Rm 12,15). Biết cách khóc than với tha nhân: đó là thánh thiện”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 75&76).

 

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

2Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16, 25-27; Lc 1,26-38

Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 1-5. 8b-12. 14a. 16

“Nước Ðavít sẽ tồn tại muôn đời trước mặt Chúa”.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

Khi ấy vua Ða-vít ngự trong đền và khi Chúa cho ông được bằng yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung quanh, thì vua nói với tiên tri Na-than rằng: “Ông thấy không? Ta ở trong nhà làm bằng gỗ bá hương, còn hòm bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư?” Na-than trả lời với vua rằng: “Ðiều vua nghĩ trong lòng, vua hãy đi thực hiện, vì Chúa ở với vua”. Nhưng xảy ra là, đêm ấy, có lời Chúa phán cùng Na-than rằng: “Hãy nói với Ða-vít tôi tớ Ta rằng: “Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng?”

“Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ, lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Ít-ra-en dân Ta, và Ta ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta đã tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt chỉ một nơi cho Ít-ra-en dân ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị khuấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên Ít-ra-en dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù, và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 88, 2-3. 4-5. 27 và 29

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời (x. c. 2a).

Xướng: Con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng trung thành Chúa, vì Ngài đã phán: “Tình thương của Ta đứng vững muôn đời”; trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín.

Xướng: Ta đã ký minh ước cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ða-vít là tôi tớ của Ta rằng: “Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ”.

Xướng: Chính người sẽ thưa cùng Ta: “Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con”. Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì.

 

Bài Ðọc II: Rm 16, 25-27

“Mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nay được tỏ bày”.

Bài trích thơ Thánh Phao-lô Tông đồ gởi tín hữu Rô-ma.

Anh em thân mến, kính chúc Ðấng có quyền năng làm cho anh em được vững vàng theo Phúc Âm tôi loan truyền, và lời giảng dạy của Chúa Giê-su Ki-tô, theo mạc khải mầu nhiệm được giữ kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày, và nhờ các tiên tri ghi chép theo lệnh của Thiên Chúa hằng hữu, được thông tri cho các Dân Ngoại, để dẫn đưa họ về vâng phục đức tin.

Kính chúc Thiên Chúa, Ðấng khôn ngoan độc nhất, nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, kính chúc Người vinh quang muôn đời! Amen.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Lc 1, 38

Alleluia, alleluia! – Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Này Trinh Nữ sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, thiên thần Gáp-ri-en được Chúa sai đến một thành xứ Ga-li-lê-a, tên là Na-da-rét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giu-se, thuộc chi họ Ða-vít, trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.

Thiên thần liền thưa: “Ma-ri-a đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ða-vít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Gia-cóp, và triều đại Người sẽ vô tận”.

Nhưng Ma-ri-a thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?”

Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, I-sa-ve chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”.

Ma-ri-a liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

ĐỪNG SỢ ĐÓN CHÚA

(Hội An 24/12/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Lời của sứ thần Thiên Chúa nói: “Đừng sợ!” làm cho chúng ta nhớ đến nhận xét sâu sắc của Đức Bênêđictô XVI: “Trong dọc dài Thánh Kinh, mỗi khi con người khám phá ra mình ở gần Thiên Chúa là họ cảm thấy sợ hãi. Họ nhận ra sự bé bỏng của mình và giật mình trước vinh quang Thiên Chúa, trước vẻ thánh thiêng kỳ vỹ của Thiên Chúa, bởi họ thấy mình không thể nào sánh nổi”[1]. Cách riêng trong các cuộc truyền tin, các chứng nhân đã sợ hãi sự xuất hiện thiên sứ của Thiên Chúa, bởi người ta tin rằng cái chết chắc chắn sẽ đến đối với những ai thấy sứ thần Thiên Chúa. Cha của Samson đã nói với vợ: “Chúng ta chết mất, vì đã thấy Thiên Chúa” (Tl 13,22); Giđêon đã thốt với Thiên Chúa: “Chết tôi rồi, vì tôi đã thấy thần sứ của Đức Chúa nhãn tiền” (Tl 6,22); Giacaria hốt hoảng khi gặp sứ thần ở bên hương án (Lc 1,12). Trong các trường hợp ấy, mọi người được sứ thần bảo đảm họ không phải chết vì gặp Thiên Chúa. Và trong Tin Mừng hôm nay, Mẹ Maria sợ hãi khi gặp sứ thần và nghe sứ thần truyền tin Thiên Chúa đến làm người trong lòng Mẹ.

  1. Nỗi sợ hãi của Mẹ và của chúng ta

            Như những nhân vật khác trong thánh kinh, Mẹ Maria sợ hãi trước kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng phút chốc đặt Mẹ vào kế hoạch thần linh của Ngài, làm Mẹ càng bối rối vì sự bé mọn tạo vật của mình. Thiên sứ của Thiên Chúa biết rõ sự sợ hãi trong Mẹ, nên đã trấn an: “Maria, đừng sợ, vì bà đã được ân nghĩa với Chúa” (Lc 1,30). Bởi Thiên Chúa không đến gây nỗi sợ hãi nơi Mẹ, nhưng Ngài trở nên bé mọn trong sự cao cả của mình để cởi bỏ nỗi sợ hãi của Mẹ, đến ở với Mẹ, ban ơn cứu độ cho Mẹ và cho nhân loại. Vì thế, nỗi sợ hãi nơi Mẹ biến thành niềm vui, khích lệ Mẹ đón nhận Thiên Chúa, tin cậy Ngài là Thiên Chúa nhân lành và ngợi ca Thiên Chúa ban ơn trọng đại đến ở với Mẹ.

            Còn chúng ta, đang có nỗi sợ hãi nào? Cứ gọi đúng tên nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi nào khiến tôi không dám để Chúa đến với tôi? Nỗi sợ hãi thất nghiệp; nỗi sợ nợ nần đến hạn phải trả; nỗi sợ con cái hư hỏng; nỗi sợ không tìm được người bạn đời Công Giáo; nỗi sợ tội lỗi; nỗi sợ phải chọn sống theo lời Chúa, lời đòi hỏi người nghe phải sửa đổi; nỗi sợ đi dự thánh lễ; nỗi sợ sống thánh thiện; nỗi sợ sống khác thế gian v.v. Nhiều nỗi sợ ngập đầy trong tâm hồn, làm chúng khép kín trong bản thân, ngay cả khép kín với Thiên Chúa, sợ hãi đón lấy Thiên Chúa, sợ Chúa đến sẽ làm phiền chúng ta.

            Vậy, làm thế nào vượt thoát nỗi sợ hãi để đón Chúa đến?

  1. Đừng sợ đón Chúa

            Phụng vụ Mùa Vọng giới thiệu cho chúng ta phương cách của Mẹ Maria, đó là Mẹ luôn nhớ lời thiên sứ “đừng sợ” và luôn sống trong ân nghĩa với Chúa.

Mẹ có nhiều nỗi sợ hãi như chúng ta, nhưng khi nghe lời Chúa qua miệng thiên sứ Gabriel: “Maria, đừng sợ, vì bà đã được ân nghĩa với Chúa”, thì Mẹ để lời “đừng sợ” thấm nhập trong tâm hồn Mẹ mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ lúc được truyền tin, mà còn khi đưa Hài Nhi Giê-su đến đền thờ và nghe lời Simêon tiên báo Chúa Giê-su sẽ là dấu hiệu cho nhiều người chống đối và một mũi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ; không chỉ khi người đời ghen ghét Chúa Giê-su, mà ngay cả khi đứng dưới chân thánh giá, Mẹ để cho lời “đừng sợ” vang lên trong tâm hồn của Mẹ. Sở dĩ được như thế, vì Mẹ luôn để Thiên Chúa hoạt động trong cuộc đời Mẹ và qua Mẹ. Mẹ không sợ đón Chúa vào lòng mình, cũng không sợ Thiên Chúa can dự vào cuộc đời mình, bởi Mẹ luôn sống tình thân với Chúa. Đối với Mẹ, Thiên Chúa luôn mới mẻ trong mỗi ngày sống của Mẹ, nhưng là Đấng rất gần gũi mà Mẹ chạm đến được, thậm chí cảm nghiệm được sự sống của Thiên Chúa làm người trong từng thớ thịt của Mẹ.

            Vì vậy, thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II kêu gọi: “Anh chị em đừng sợ Chúa Ki-tô”. Còn Đức Bênêđíctô XVI diễn tả nỗi lòng như sau: “Tôi muốn nói rằng mọi Ki-tô hữu nên để cho lời đó (“đừng sợ”) luôn thấm nhập vào mình. Chúng ta không cần phải sợ Chúa, không sợ Ngài sẽ lấy mất gì của chúng ta hay đe dọa chúng ta, nhưng Ngài đến đem che chở, giúp ta thắng vượt cả sự chết”. Trong thánh kinh, cụm từ “đừng sợ” được nói đến 365 lần trong nhiều cách, như thể nhắn nhủ rằng Thiên Chúa muốn chúng ta mỗi  ngày trong suốt năm vượt qua nỗi sợ hãi đón Chúa. Đừng sợ Chúa đến xáo trộn đời sống ta, đòi hỏi ta phải thay đổi cho phù hợp lời Chúa. Đừng sợ đón Chúa vào trong hoàn cảnh gia đình tăm tối mịt mùng của hiện tại, vì Ngài là Cha nhân từ của chúng ta. Đừng sợ dành thời giờ thờ phượng Chúa, vì lúc nào ta mời Chúa, Chúa sẽ vào nhà ta. Đừng sợ nên thánh và sống thân quen với các bí tích, đặc biệt bí tích Thánh Thể. Đừng sợ khiêm tốn quỳ gối trong tòa Giải Tội, vì Chúa đang chờ ta để tha thứ cho ta. Đừng sợ nói Chúa cho mọi người, vì Ngài đã sai chúng ta đi làm sứ mạng đó.

            Xin Chúa cho chúng ta theo gương Mẹ Maria luôn nhớ lời nhắn nhủ “đừng sợ”, để nỗi sợ hãi tự nhiên biến thành niềm vui vô bờ vì được đón Chúa vào tâm hồn và gia đình của chúng ta. Chúa đã gọi “Maria, đừng sợ”, xin Chúa cứ gọi tên mỗi chúng con hằng ngày, để chúng con có niềm vui được Chúa ở với.

[1] Joseph Ratzinger (Benedict XVI), Thiên Chúa và Trần Thế: Tin và Sống Trong Thời Đại Ngày Nay (Tp HCM: Nxb Tôn Giáo, 2011), 297.

 

SUY NIỆM II

THAM VÀO XÂY  DỰNG NƯỚC CHÚA VÀ HỘI THÁNH NHƯ MẸ MARIA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

 Chúng ta đang đến gần ngày kỷ niệm một mầu nhiệm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, khởi đầu một công trình hết sức lớn lao của Thiên Chúa: Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người. Công cuộc vĩ đại này bắt đầu một cách rất âm thầm, nhỏ bé tại một làng quê, với một thôn nữ yếu đuối chẳng mấy người biết, đó là Trinh Nữ Maria. Điều này làm ta nhớ tới dụ ngôn hạt cải của Đức Giêsu: “Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng” (Mc 4,31-32). Qua kinh nghiệm tâm linh của nhiều vị thánh, chúng ta thấy Thiên Chúa thường khởi sự những việc hết sức lớn lao bằng những việc hết sức bé nhỏ, với những con người cũng hết sức nhỏ bé như Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu hay Mẹ thánh Têrêxa Calcutta… Có như thế người ta mới thấy quyền năng của Thiên Chúa vĩ đại: “Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1Cr 1,27).

Thật vậy, nếu xét theo tiêu chuẩn thông thường của người đời về tài năng, thông minh, học vấn, sức khỏe, sắc đẹp, v.v… chắc hẳn Maria không có gì đặc biệt hơn những thiếu nữ khác cùng trang lứa với mình. Trên đời chắc chắn còn những thiếu nữ đặc biệt hơn Maria rất nhiều. Nhưng Maria đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế để cộng tác với Ngài trong công trình vĩ đại này. Ngài chọn Maria vì Ngài muốn chọn, theo sự tự do của Ngài (x. Rm 9,12.16), và cũng “vì bà đẹp lòng Thiên Chúa”.

Qủa thế, Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa trước hết, Maria đã xóa bỏ bản ngã mình trước Thiên Chúa. Theo lưu truyền, khi được thiên sứ báo tin, Maria đang dự định sống trọn đời đồng trinh để phụng sự Thiên Chúa. Việc đính hôn với Giu-se chỉ là để che mắt thị phi của thiên hạ, vì người đương thời quan niệm sai lầm rằng một phụ nữ sống độc thân là một hình thức bị chúc dữ. Nhưng khi biết thánh ý Thiên Chúa muốn chọn mình làm Mẹ sinh ra Đấng Cứu Thế, thì lập tức Mẹ đã từ bỏ tất cả mọi ý muốn hay dự định riêng của mình để vâng theo ý muốn của Thiên Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Mẹ đẹp lòng Thiên Chúa thứ đến Mẹ đã toàn tâm toàn ý thực hiện Thánh ý Chúa và cho chương trình của Ngài. Qủa thế, từ lúc Mẹ nói lời xin vâng, Mẹ đã cộng tác với ơn sủng của Thiên Chúa và với thái độ vâng phục hoàn toàn Thánh ý của Chúa đồng thời Mẹ đã đóng góp phần của mình để cho chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa được thực hiện hoàn toàn viên mãn. Vì vậy, cuộc đời của Mẹ là mẫu gương cho mọi tín hữu, mọi kẻ tin vào Thiên Chúa. Cùng với thiên sứ Gabriel, trong biến cố Truyền Tin, chúng ta hãy chào Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà” (Lc 1:28). Trong biến cố viếng thăm với bà Elizabeth, chúng ta chào Mẹ: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ” (Lc 1:42).

Một trong những yếu tố quan trọng nhất để đẹp lòng Thiên Chúa đó là chúng ta biết xóa bỏ bản ngã mình trước Thiên Chúa, xóa bỏ ý riêng mình trước thánh ý Ngài, xóa bỏ dự định hay kế hoạch của mình trước dự định hay kế hoạch của Ngài. Đó chính là tinh thần tự hủy mà Đức Giêsu là gương mẫu hoàn hảo nhất, và kế đó là Đức Maria. Vì vậy, nếu Thiên Chúa chọn làm chức vụ này chức việc kia, là để chúng ta thực hiện công việc của Ngài chứ không phải việc của ta, để ta làm theo ý Ngài chứ không phải ý ta. Nên nếu ta được chọn, ta hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ công việc của Ngài mà trong đó ta chỉ là một công cụ Ngài dùng mà thôi. Vậy, ta hãy toàn tâm toàn ý cho công việc và mục đích của Ngài, đừng nghĩ gì đến công việc hay mục đích của ta. Nếu công việc hay mục đích của Ngài thành tựu, thì công việc hay mục đích của ta cũng sẽ tự động thành tựu tốt đẹp như Lời Chúa Giêsu có nói: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33). Vì thế, việc của ta, hãy hoàn toàn phó thác cho Ngài.

Chúng ta đã bước vào năm phụng vụ mới và theo tinh thần thư chung năm nay, các Đức Giám Mục mời gọi chúng ta thực hiện chương trình đã đề ra cho năm 2024 là Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội, nhất nhiệt tình và chủ động tham gia xây dựng Giáo hội ngay chính nơi mình đang sống và làm việc vì chưng “Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các phần tử của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người vào sứ vụ và qua việc xây dựng cộng đoàn Giáo hội tùy theo đặc sủng của mỗi người” (Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới lần thứ XVI, số 20). Cho nên, Các Đức Giám Mục mời gọi từng thành phần dân Chúa rằng: (1)Anh chị em tu sĩ là những người đang sống theo ba lời khuyên Phúc âm, như dấu chỉ sự hiện diện của Nước Trời giữa trần gian, đồng thời dấn thân vào mọi môi trường của xã hội, như muối và ánh sáng giữa đời. Anh chị em hãy sống đúng và phát huy đặc sủng của mình, đồng thời cộng tác với các linh mục giáo phận, củng cố đời sống đức tin nơi các tín hữu và tích cực dấn thân trong những hoạt động bác ái và xã hội như chúng ta đang làm, góp phần làm toả sáng hình ảnh Đức Kitô trong xã hội hôm nay. (2) Anh chị em giáo dân hãy ý thức về sứ mạng và vai trò của mình trong Giáo hội. Nhờ phẩm giá chung do phép Rửa tội, anh chị em là những người đồng trách nhiệm với tất cả các linh mục và tu sĩ nam nữ, đối với sứ mệnh của Giáo hội. Anh chị em không những thuộc về Giáo hội mà là Giáo hội (x. Christifideles laici, số 9). Do đó, hãy nhiệt thành tham gia và cộng tác chặt chẽ với các linh mục để xây dựng Giáo hội và thực thi sứ mạng làm chứng cho Chúa ở giữa đời. Cách riêng, các thành viên Hội đồng Mục vụ giáo xứ, giáo lý viên, thừa tác viên ngoại thường của Bí tích Thánh Thể, những người đặc trách Phụng vụ, thành viên của các hiệp hội và hội đoàn, cần có đời sống nội tâm và học hỏi giáo huấn của Giáo hội để tham gia các sinh hoạt với tinh thần siêu nhiên, tích cực nhiệt thành mà vẫn luôn hiệp thông hài hòa với các linh mục, tu sĩ và cộng đoàn.

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, noi gương Đức Mẹ, mỗi người với chức vụ của mình, hãy sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa, với toàn tâm toàn ý quyết tâm sống và làm tất cả mọi phận vụ sự theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa và Hội Thánh ngõ hầu cùng nhau tích cực tham gia xây dựng Nước Chúa và Hội Thánh địa phương được vững bền, hiệp nhất yêu thương và loan báo Tin Mừng. Amen.