Chúa nhật IV Mùa Vọng năm B


CN.4.MV.B

(2Sm 7,1-5.8b-12.14a.16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38)

Ngày 2-7-1627 Cha Marquez và cha Đắc Lộ (Alexndre de Rhohes) tới Kẻ Chợ (Hà Nội). Chúa Trịnh Tráng mời hai cha tới triều đình dự buổi tấu nhạc. Ông hỏi các cha về các loại nhạc khí phương Tây. Thấy cha Đắc Lộ đeo tràng chuỗi trên cổ, ông tò mò hỏi đó là vật gì ? Cha giải thích về tràng chuỗi và lòng sùng kính của người có đạo đối với tràng chuỗi. Chúa Trịnh Tráng xin và đeo lên cổ (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, Q.I, trang 105).

Các quan tố cáo các cha đem đến một thứ đạo ngoại lai. Năm 1625 Chúa Sãi ra chỉ dụ tập trung các cha lại Hội An và cấm giáo dân mang ảnh tượng, tràng chuỗi. Giáo dân thường đeo ảnh tượng, chuỗi hạt trước ngực (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, T.I, tr.108).

Các cha giảng đạo cũng như người Việt Nam theo đạo đều có lòng yêu kính Đức Mẹ. Việt Nam như là mảnh đất của Đức Mẹ. Nơi nào cũng có đền, có đài, có nhà nguyện, có nhà thờ, đọc kinh lần hạt tôn kính Đức Mẹ.

Đức Mẹ thương yêu con cái Việt Nam, luôn đến để cứu giúp.

Thời Tây Sơn cấm đạo, Đức Mẹ hiện ra ở La Vang năm 1789.

Thời Nhà Nguyễn, Văn Thân bắt đạo, Đức Mẹ hiện ra ở Trà Kiệu năm 1885.

Thời chiến tranh Việt-Pháp, Đức Mẹ hiện ra ở La Mã, Bến Tre năm 1950.

Sau 1975, những tượng đài trong rừng, trên núi ngày trước hiên lộ ra, như : Tà Pao-Bình Tuy, Măng Đen-Kontum, Thác Mơ-Bình Long …

Giáo Hội luôn nhắc nhớ các con cái nhớ ơn Mẹ. Chúa nhật thứ IV Mùa Vọng cả ba năm ABC đều nhắc nhớ đến công ơn của Mẹ trong việc sinh ra Chúa Giêsu.

BTM : Trong BTM, thiên thần nói với Đức Mẹ : “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,50-52a).

Chúa Giê-su là Đấng cứu thế, là con vua Đa-vít : “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 152b-53).

Bđ1 : Lời thiên thần nói Chúa Giê-su là con vua Đa-vít là lời ngôn sứ Na-than nói với vua Đa-vít từ cả gần 1000 năm trước, được thuật lại trong bđ1.

Muốn xây cho Đức Chúa một ngôi đền thờ, vua Đa-vít hỏi ý ngôn sứ Na-than : “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải” (2Sm 7,2).

Nhưng ngay trong đêm ấy, Đức Chúa phán với ngôn sứ Na-than : “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít : Đức Chúa phán thế này : Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ?… Đức Chúa báo cho biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà … Trước mặt Ta, nhà của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của người sẽ được củng cố đến muôn đời” (2Sm 7,4-5.11.16).

Qua lời ngôn sứ Na-than, Chúa Giê-su là Con vua Đa-vít, là Đấng Mê-si-a, là Đấng muôn dân mong đợi.

Bđ2 : Lời thư thánh Phao-lô gửi các tín hữu Rô-ma trong bđ2 nói Chúa Giê-su là : “Mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh” (Rm 16,25b-26a). Chúa Giê-su là Đấng làm trọn lời Thiên Chúa hứa, là Đấng chia giao ước thành hai : Cựu Ước và Tân Ước.

Trong Kinh Cầu Đức Bà có những câu “Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế”, “Đức Bà như lâu đài Đa-vít vậy”,  Đức Bà như tháp ngà báu vậy, “Đức Bà như đền vàng vậy, Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy”.

Những câu đó nói lên vai trò rất quan trọng của Đức Mẹ trong biến cố Chúa sinh ra. Nên Chúa ban cho Đức Mẹ nhiều quyền năng để che chở an ủi các con cái của Mẹ.

          Cha Đỗ Mai Năm quê ở Thanh Hóa, tử đạo ngày 12-8-1838 thời vua Minh Mạng, thường khuyên giáo dân “mỗi khi có sự gì vui buồn trong gia đình, hãy đến cầu nguyện với Đức Mẹ” (21-12-2014).

————————————–

CN.4.MV.B

Nhà văn Pháp André Nepveu (1881-1959) viết một câu chuyện, gọi là “Ngụ Ngôn Luc Durtain”. Câu chuyện như sau :

Một ngày đẹp trời, thiên thần Gáprien, có nghĩa là “Cánh Tay Thiên Chúa”,  nhìn xuống trái đất. Ngài châu mày lại tự nói với mình “Ghê tởm qúa !”. Rồi  ngài đến xin Thiên Chúa : “Lạy Chúa, xin cho phép con mượn lưỡi gươm vàng của bạn đồng nghiệp Micae gọt vỏ địa cầu này đi, giống như người ta gọt vỏ khoai, phải gọt sâu đến 5,7 dặm. Có gọt sâu vậy thì mọi tởm gớm của nhân loại mới loại ra khỏi trước tôn nhan Chúa.

Thiên Chúa đồng ý, bảo thiên thần : “Được lắm, nhưng nhà ngươi nên nhớ : lưỡi gươm đã dùng trong vườn địa đàng ngày trước, để đuổi hai ông bà tổ phụ Ađam và Evà, bây giờ chỉ có quyền chém những cái  được quyền chém thôi.

Được phép của Thiên Chúa, thiên thần Gáprien vụt bay xuống trần gian. Thiên thần xăn tay áo lên, rồi ra tay gọt địa cầu. Thiên thần gọt từ bắc xuống nam, từ đông sang tây. Mọi sự đều gục ngã dưới lưỡi gươm : từ những tảng đá cứng rắn nhất, những ngọn núi hùng vĩ nhất, đến những lòai vật hung hăng nhất. Không ai, không vật gì có thể chống cự nổi.

Nhưng một hôm, khi tới một ngôi nhà nhỏ, nằm ẩn khuất bên sườn đồi, đột nhiên lưỡi gươm bị khựng lại, như có một vật gì cứng rắn kinh khủng, làm lưỡi gươm cong lại, không thể nào đâm xuống được.

Thiên thần Gáprien ngạc nhiên tự hỏi : “Có gì lạ vậy ?

Thiên thần sực nhớ lời Thiên Chúa đã dặn :  “Lưỡi gươm đã dùng trong vườn địa đàng ngày trước, bây giờ chỉ có quyền chém những cái được quyền chém.

Thiên thần hạ cánh tay xuống, xỏ gươm vào vỏ, rồi bước lần vào nhà, xem trong nhà có gì lạ. Thiên thần thấy một chiếc nôi, một trẻ thơ nằm trong đó, bên cạnh chiếc nôi là một bà mẹ đang cặm cụi gọt vỏ khoai, giống như thiên thần gọt vỏ địa cầu. Trẻ thơ và bà mẹ là hai nhân vật đã cản lưỡi gươm không cho thiên thần gọt vỏ địa cầu.

Thiên thần Gáprien mới nhớ lại : “Hồi xửa hồi xưa, đã có lần mình được Thiên Chúa sai xuống trần gian, truyền tin cho một thiếu nữ người Nadarét, trong căn nhà nhỏ giống như thế này.”

Rồi thiên thần hối lỗi, sấp mình xuống đất ăn năn: “Mình thật là đang làm một việc ngông cuồng.”

Thiên thần Gáprien đứng lên thì thấy thiên thần Micae đứng trước mặt. Thiên thần Gáprien nói với thiên thần Micae : “Hỡi đồng nghiệp Micae, tôi xin hòan trả lại lưỡi gươm cho ngài. Tôi đã khám phá ra rằng : ở trên qủa địa cầu này, ít nhất có hai tạo vật qúa mạnh, mạnh hơn lưỡi gươm của ngài. Đó là một trẻ thơ và một bà mẹ. Chính nhờ hai nhân vật này mà địa cầu đã đứng vững.

Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật Mùa Vọng cuối cùng hôm nay đã cho thấy vai trò quan trọng của Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Nhờ Chúa Giêsu và Đức Mẹ mà địa cầu còn tồn tại.

Bđ1 : Vua Đavít trong bđ1 thanh lễ muốn xây cho Chúa một đền thờ. Vua nói với ngôn sứ Na-than : “Tôi được ở trong nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải (2Sm 7,2). Hòm bia Thiên Chúa là hai bia đá khắc 10 giới răn, tượng trưng sự hiện diện của Thiên Chúa.

Nghe vua Đavít tỏ lòng tốt với Chúa quá như vậy, ai mà không bằng lòng. Ngôn sứ liền trả lời: “Xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài” (2Sm 7,3).

Nhưng đêm về, Chúa hiện ra nói với ngôn sứ Nathan: “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đavít : Đức Chúa phán thế này : Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ?… Đức Chúa lập cho ngươi một nhà… Nhà của ngươi sẽ muôn đời bền vững” (2Sm 7,11.16). Chúa chẳng những không cần vua Đavít xây nhà cho Chúa, mà Chúa còn cho vua Đavít nhà, tức là dòng dõi của vua, muôn đời tồn tại.

BTM : Chúa Giêsu sinh ra làm cho dòng dõi vua Đavít tồn tại, vì Chúa Giêsu thuộc dòng dõi vua Đavít, Song Chúa Giêsu sinh ra là nhờ Đức Mẹ. BTM  kể : “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en  đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria” (Lc 1,26-27).

Bđ2 : Chúa Giêsu sinh ra không những làm cho dòng dõi vua Đavít của người Do Thái tồn tại muôn đời, mà còn làm cho mọi dân, mọi nước tồn tại. Chúa sinh ra để cứu độ tòan thể nhân loại . Thánh Phaolô đã viết trong thư Rôma đọc  trong bđ2 hôm nay : “Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16,26).

Thánh Phaolô đã ca khen lòng thương vô biên của Thiên Chúa như sau : “Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời… Amen”.

           Đến viếng hang đá, chúng ta hãy dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời tạ ơn Đức Mẹ đã cứu vớt chúng ta, cứu vớt nhân loại (18-12-2011).

—————————————————

CN.4.MV.B

Bài đọc 1 : Sau khi lên ngôi vua vào năm 1000 trước Chúa giáng sinh, vua Đavít  chiếm thành Giêrusalem, để củng cố ngai vàng, đồng thời bảo vệ sự thống nhất và đòan kết đất nước, vua đã dời thủ đô từ Hép-ron về Giêrusalem. Giêrusalem ở giữa hai miền Nam Bắc, một yếu tố thuận lợi cho sự đòan kết thống nhất Nam Bắc.

Qua bđ1, vua Đavít muốn xây nhà, xây Đền Thờ cho Thiên Chúa. Trước khi nói đến việc vua Đavít xây Đền Thờ, chúng ta nhìn lại những cách Thiên Chúa hiện diện trong dân Do Thái.

1- Cách hiện diện thứ nhất là “Cột Mây và Cột Lửa” : Khi dân Do Thái ra khỏi Ai Cập thì Thiên Chúa hiện diện với họ bằng “cột mây và cột lửa”. Sách Xuất Hành kể : “Đức Chúa đi đàng trước họ: ban ngày thì ở trong cột mây để dẫn đường, ban đêm thì ở trong cột lửa để soi sáng, nên họ đi cả ban ngày lẫn ban đêm” (Xh 13,21).

2- Cách hiện diện thứ hai là “Lều Hội Ngộ” : Khi ở trong sa mạc ông Môsê cho dựng “Lều Hội Ngộ” để Thiên Chúa hiện diện . Sách Xuất hành kể : “Ông Môsê lấy một chiếc lều và đem dựng cho mình bên ngòai trại, cách một quãng xa. Ông gọi lều ấy là Lều Hội Ngộ. Ai thỉnh ý Đức Chúa thì ra Lều Hội Ngộ ở ngòai trại. Mỗi khi ông Môsê ra Lều, tòan dân đứng lên. Ai nấy đứng ở xa lều mình và nhìn theo ông Môsê cho đến khi ông vào trong Lều. Mỗi khi ông Môsê vào trong Lều, thì cột mây đáp xuống đứng ở cửa lều, và Đức Chúa đàm đạo với ông Môsê. Khi thấy cột mây đứng ở cửa lều, tòan dân đứng dậy, và ai nấy phủ phục ở cửa lều của mình” (Xh 33,7-10).

3- Cách hiện diện thứ ba là “Hòm Bia” và “Nhà Tạm” : Khi ở trên núi Xi-nai, ông Môsê nhận được hai “Bia Đá” ghi 10 giới răn, thì Thiên Chúa không còn hiện diện bằng “cột mây và cột lửa” nữa, mà hiện diện bằng hai “Bia Đá”. Ông Môsê cho làm “Hòm Bia” để đựng hai “Bia Đá” và “Nhà Tạm” để chứa “Hòm Bia”. “Hòm bia” và “Nhà Tạm” được để trong “Lều Hội Ngộ”. Sách Xuất Hành kể : “Đức Chúa phán với Môsê : ‘Vào ngày mồng một tháng giêng, ngươi sẽ dựng Nhà Tạm, dựng Lều Hội Ngộ. Ngươi sẽ đặt vào đó Hòm Bia Chứng Ước” (Xh 40,1-3)

4- Cách hiện diện thứ bốn là Đền Thờ : Bđ1 hôm nay, đoạn sách Sa-mu-en kể rằng : “Khi vua Đavít được yên cửa yên nhà, và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, thì vua nói với ngôn sứ Na-than : ‘Ông xem tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải” (Xh 7,2)

Nghe vậy, ngôn sứ Nathan làm sao không vui sướng. Ngôn sứ đáp lại vua : “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài’” (2Sm 7,3).

Thế nhưng, đâu ngờ rằng ước vọng vua Đavít xây Đền Thờ, Thiên Chúa chưa bằng lòng. Sách Samuen kể tiếp : “Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Nathan rằng : ‘Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đavít : Đức Chúa phán thế này : Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao ? Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngòai đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. Ngươi đi đâu Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi” (2Sm 7,8-9).

Lý do mà Thiên Chúa không muốn vua Đavít xây nhà cho Thiên Chúa, sách Sử Biên Niên kể : “Vua Đvít nói với Sa-lô-môn : ‘Con ơi, cha đã dự định xây một ngôi nhà kính danh Đức Chúa, Thiên Chúa của cha. Nhưng có lời Đức Chúa phán với cha rằng : Ngươi đã đổ máu qúa nhiều và đã nhiều phen giao chiến, nên sẽ không được xây nhà kính danh Ta. Trước mặt Ta, ngươi qủa đã làm cho đất thấm đầy những máu” (1Sbn 22,7-8).

Tuy nhiên, lý do sâu xa là Thiên Chúa hứa cho nhà, dòng dõi, ngai vàng của vua Đavít được tồn tại, bằng cách có người kế vị. Thiên Chúa phán : “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó xây một nhà để tôn vinh danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (Xh 7,12-13).

5- Cách hiện diện thứ năm bằng xác thân  : Lời Thiên Chúa hứa với vua Đavít nay được nên trọn nơi Chúa Giêsu, như lời thiên thần nói với Đức Mẹ trong BTM : “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu…Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,31-33).

Như vậy, với Chúa Giêsu, từ nay Thiên Chúa không còn hiện diện trên “cột mây, cột lửa”; không còn hiện diện trong “Lều Hội Ngộ” bằng vải; không còn hiện diện trong “Hòm Bia, Nhà Tạm” bằng đá, bằng gỗ; mà Thiên Chúa hiện diện với lòai người bằng xác thân, bằng thịt máu.

Ngày xưa bàn tay vua Đavít vấy máu không xứng đáng làm nhà cho Chúa ở. Còn ngày nay Chúa Giêsu xóa tội cho chúng ta, để chúng ta được ở với Người. Thiên Chúa trở thành nhà để lòai người ở với Thiên Chúa, chứ không đợi lòai người làm nhà cho Chúa ở.

Bài đọc 2 : Chúa Giêsu chính là Thiên Chúa ở với lòai người bằng xác thân, là Thiên Chúa trở thành máu thịt để ở với lòai người. Thánh Phaolô trong bđ2 coi đó là “mầu nhiệm vốn được giữ kín từ ngàn xưa, nhưng nay được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh” (Rm 16,25-26). Vì thế, cũng thánh Phaolô nói : “Thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần”.

Đền thờ bằng thịt, chứ không còn là Đền Thờ bằng gạch đá nữa. Khi rước Mình Thánh Chúa vào cõi lòng, đó là sự hiện diện tuyệt vời  của Thiên Chúa với mỗi người (18-12-2005).

 

Bài Đọc Thêm

 

TRỞ VỀ VỚI ĐỨC TIN CÔNG GIÁO NHỜ ĐỨC NỮ TRINH MARIA

Ngày 6-8-1968, nước Pháp mừng kỷ niệm 100 năm sinh nhật của ông Paul Claudel (1868-1955).

Dĩ nhiên nước Pháp tưởng niệm ông Paul Claudel dưới hình ảnh nhà ngoại giao và văn thi sĩ đại tài. Nhưng người ta cũng không quên nhắc đến ông như mẫu gương một tín hữu Công Giáo có Đức Tin chín mùi, vững chắc và nhất là, người con ngoan thảo của Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA.

Paul Claudel chào đời trong gia đình Công Giáo tại Villeneuve-sur-Fère, làng nhỏ nằm về phía bắc Paris, thủ đô nước Pháp. Cậu bé được rửa tội một tháng sau đó, nhằm ngày lễ Sinh Nhật Đức Trinh Nữ MARIA: 8-9-1868.

Từ nơi cha mẹ, Paul chỉ thừa hưởng bí tích rửa tội và gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Thế thôi. May mắn thay, trong tuổi thơ ấu, Paul được người vú già tên Victoire hết lòng thương yêu và thường kể cho cậu nghe những câu chuyện lành thánh. Nhờ thế mà khi bắt đầu biết đọc, Paul say mê đọc ”Sách truyện các Thánh”

Cuộc sống nơi tỉnh nhỏ giúp gia đình Paul Claudel còn khắng khít đôi chút với tôn giáo. Khi gia đình chuyển lên thủ đô Paris, thì coi như cuộc sống đạo hoàn toàn bị chấm dứt. Riêng đối với Paul, cậu cũng mất hẳn Đức Tin Kitô khi bước vào trường Trung Học. Từ nay chàng thiếu niên chỉ biết có thuyết vũ trụ cơ giới, thuyết nhất nguyên, nghĩa là những lý thuyết đương thời nghiêng về vũ trụ vật chất và chối bỏ sự hiện hữu của tinh thần và của THIÊN CHÚA.

Chính trong bầu khí vô thần ấy mà Paul Claudel đi vào thế giới văn chương, thơ phú và suy tư. Nhưng càng đâm đầu vào chủ nghĩa duy vật, Paul càng cảm thấy chán ngán và trống rỗng. Tâm hồn chàng luôn cảm thấy thiếu thốn và khao khát vô biên. Đi lối nào, hướng về đâu, chàng cũng như cảm thấy đụng phải bức tường thể xác của chính mình! Cuộc sống vô vị đến độ có lúc làm chàng thất vọng và ước muốn quyên sinh.

Cuộc tìm kiếm vô biên kéo dài mãi đến năm 18 tuổi. Paul Claudel bắt đầu đến nhà thờ, tham dự các nghi lễ phụng vụ. Và chính tại nơi đây, THIÊN CHÚA chờ đợi người con hoang đàng trở về với Ngài. Và cũng chính nơi đây, Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA làm phép lạ, lay động lòng chàng trai thời đại.

Lễ Giáng Sinh năm 1886 nhằm ngày thứ bảy. Paul Claudel tham dự Thánh Lễ ban sáng. Ban chiều, chàng muốn trở lại nhà thờ Đức Bà Paris để tham dự buổi hát Kinh Chiều trọng thể. Chàng vào và đứng nơi trụ có đặt bức tượng Đức Mẹ ẵm Đức Chúa GIÊSU Hài Đồng. Bức tượng là tác phẩm nghệ thuật thế kỷ 14.

Buổi hát Kinh Chiều diễn ra như thường lệ. Nhưng đến lúc Ca đoàn xướng kinh MAGNIFICAT, bỗng một biến cố phi thường xảy xa nơi nội tâm Paul Claudel. Chính chàng kể lại sau đó trong cuốn ”Hoán Cải”:

– Trong giây lát, lòng tôi bị xúc động, đôi mắt tinh thần tôi mở ra và tôi tin. Ôi những kẻ có Đức Tin có phúc biết chừng nào! Tất cả trở thành sự thật. THIÊN CHÚA hiện hữu. Ngài đang có mặt. Ngài là Đấng Hằng Sống. Ngài hiện hữu thật sự như chính tôi hiện hữu. Ngài yêu thương tôi và kêu mời tôi đến với Ngài.. Nước mắt tôi tuôn trào và tôi bật lên khóc nức nở!

Chính hình ảnh thơ bé của THIÊN CHÚA làm người nằm trong Máng Cỏ đã lay động lòng Paul Claudel. Nhưng một điểm khác cũng góp phần lay động lòng chàng, đó là sự kiện: THIÊN CHÚA làm người sinh ra từ một Trinh Nữ và Trinh Nữ có tên là MARIA. Từ sự kiện lạ thường này, Claudel hướng lòng về với Đức Trinh Nữ MARIA, nhận ra Trinh Nữ chính là Tác Giả cuộc trở về của chàng. Khi viết lại cuộc hoán cải của mình, Paul Claudel thân thưa với Đức Mẹ MARIA:

– Thật ra chính Mẹ mới là Người đánh động lòng con.. Giữa đám đông, con chỉ như bao người khác và còn hơn thế nữa, con chỉ là kẻ khốn cùng đáng thương. Vậy mà Mẹ đoái nhìn đến con. Và tất cả những gì xảy ra nơi con vào buổi hát Kinh Chiều ngày Lễ Giáng Sinh năm đó, là do chính Mẹ điều khiển. Chính Mẹ là người mang trách nhiệm về cuộc hoán cải của con!

Nhưng cuộc trở về của Paul Claudel không trơn tru dễ dàng. Chàng còn phải chiến đấu dữ dằn trong vòng 4 năm trời. Mãi đến Lễ Giáng Sinh năm 1890, Claudel mới thực sự lãnh nhận 2 Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, cũng tại Nhà Thờ Đức Bà Paris. Cùng năm đó, chàng cho xuất bản cuốn ”Tête d’or – Đầu Vàng”, ghi lại thảm trạng cuộc chiến nơi mỗi một người. Nơi nội tâm con người, không ngừng diễn ra cuộc tranh chấp giữa hai ước muốn trái nghịch nhau: thiện và ác – xác thịt và tinh thần. Cuộc tranh chấp chỉ có thể kết thúc khi nào con người biết vượt khỏi chính mình và biết nhận ra Tình Yêu cứu độ của THIÊN CHÚA.

Từ đó, nhà thờ Đức Bà Paris trở thành nơi hành hương thân yêu và lý tưởng của Paul Claudel. Ông thường đến viếng nhà thờ và tham dự các nghi lễ phụng vụ khi nào có thể. Ông cũng hay đi hành hương các đền thánh Đức Mẹ nổi tiếng như: Lộ-Đức, La Salette, Le Puy và Đức Bà Thắng Trận ở Paris.

Trong những ngày cuối đời, ông Paul Claudel lui về sống ở Brangues. Nơi đây, tại nhà thờ giáo xứ có bức tượng Đức Mẹ MARIA thật đẹp. Mỗi ngày, ông đến quỳ gối cầu nguyện thật lâu trước bức tượng Đức Mẹ.

… ”Nghe đây, hỡi nhà Đa-vít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả THIÊN CHÚA của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây Trinh Nữ mang thai, sinh hạ Con Trai và đặt tên là Emmanuel, nghĩa là THIÊN-CHÚA-ở-cùng-chúng-ta” (Isaia 7,13-14).

(Jean Barbier, ”CONVERTIS PAR MARIE”, Editions Saint Paul, 1993, trang 11-21), (Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt dịch thuật).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành