Chúa Nhật IV Mùa Vọng – Năm A
CN.4.MV.A
(Is 7,10-16; Rm 1,1-7; Mt 1,18-24)
Các loài vật Chúa dựng nên hầu hết đều cúi mặt, đều cúi đầu xuống đất. Khi ăn, chúng mới ngửa mặt lên, mới ngẩng đầu lên. Còn loài người không những đứng thẳng, còn được ngửa mặt ngẩng đầu, Nhờ đó, con người biết ngẩng đầu, biết nhìn lên, biết suy nghĩ, biết tìm kiếm Chúa, biết hướng lòng về Chúa, biết chiêm ngắm Chúa. Thánh Au-gút-ti-nô thưa với Chúa : “Chúa dựng nên con cho Chúa, và lòng con không yên nghỉ, cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”
Và tác giả Thánh vịnh 16 kêu lên : “Ngài là Chúa con thờ. Ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc” (16,2).
Ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc, có thật như thế không, hay chỉ là giả dối ?
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay, thánh lễ Chúa nhật IV Mùa Vọng, thánh lễ cuối cùng của Mùa Vọng, trả lời cho chúng ta câu hỏi này : “Ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc”.
Bđ1 : Nước Do Thái thời ngôn sứ I-sai-a chia làm hai : miền Bắc là Ít-ra-en và miền Nam là Giu-đa. Đã nội chiến, lại còn bị ngoại xâm. Đế quốc As-sua ở phía Bắc, tức là nước I-ran và I-rak ngày nay, luôn đe dọa xâm chiếm các tiểu quốc chung quanh.
Nước Sy-ri và Ít-ra-en miền Bắc muốn nước Giu-đa liên kết ba nước với nhau, để chống lại đế quốc As-sua. Nước Giu-đa không liên kết với hai nước Sy-ri và Ít-ra-en, nhưng liên minh với đế quốc As-sua.
Trong bđ1, ngôn sứ I-sai-a can ngăn. Vua A-khát của nước Giu-đa không nghe, còn liên minh với đế quốc As-sua. Vua “cậy vào thần thế vua quan” (Tv 117,9). Làm thế, tưởng là khôn, hóa ra là dại. Trước mắt, nước Giu-đa không bị đế quốc As-sua xâm chiếm về đất đai, song tôn giáo bị xâm chiếm. Niềm tin bị mất. Vua A-khát đã đem tượng thần Giu-pi-te của đế quốc As-sua vào Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Thay vì thờ Thiên Chúa thì thờ thần Giu-pi-te. Thậm chí vua còn giết con trai mình làm của lễ, để tế thần Giu-pi-te (2Sk 16,3)
Vua A-khát bỏ Chúa, mà chạy theo thờ lạy các thần của đế quốc As-sua. Cuối cùng, như sách Sử Biên Niên đã ghi lại : “Các thần ấy là duyên cớ khiến cho nhà vua và toàn thể Ít-ra-en phải suy vong” (2 Sbn 28,23). Bản thân vua, chết không được chôn với các tổ tiên (2Sbn 28,27).
Mặc dầu vua bị Chúa bỏ, nhưng Chúa vẫn thương triều đại Đa-vít. Chúa vẫn cho triều đại Đa-vít được tồn tại, như ngôn sứ I-sai-a tiên báo : “Chúa sẽ cho các ngươi một dấu : Này đây người trinh nữ sẽ mang thai và sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14).
BTM : Đấng Em-ma-nu-en do người trinh nữ sinh ra chính là Chúa Giê-su. Chúa Giê-su là Đấng tiếp nối triều đại vua Đa-vít, như thiên thần nói với thánh Giu-se trong BTM : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20).
Sứ thần Chúa không hiện ra trước mặt thánh Giu-se, để thánh Giu-se vâng lời vì sợ. Sứ thần hiện ra trong mộng. Thế mà thánh Giu-se vẫn vâng lời. Thánh Mt kết thúc câu chuyện bằng câu : “Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy, và đón vợ về nhà. Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giê-su” (Mt 1,24-25).
Trái với vua A-khát làm theo ý mình, không vâng lời; còn thánh Giu-se không làm theo ý mình, ông làm theo ý Chúa. Thánh Giu-se giống như tác giả thánh vịnh 117 : “Ẩn thân bên cạnh Chúa Trời, thì hơn tin cậy ở người trần gian. Cậy vào thần thế vua quan, chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời” (117, 8-9).
Nhờ vâng theo ý Chúa, thánh Giu-se được diễm phúc “đặt tên cho con trẻ là Giê-su” (Mt 1,25), nghĩa là được phúc làm cha Chúa Giê-su theo pháp lý.
Cũng nhờ thánh Giu-se vâng lời, nhân loại có Chúa Giê-su, để “cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21).
Bđ2 : Trong bđ2, thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Rô-ma : “Nhờ Người, chúng tôi đã nhận được đặc ân và chức vụ tông đồ” (Rm 1,5). Thánh Phaolô-lô viết tiếp : “Tất cả anh em ở Rô-ma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm dân thánh” (Rm 1,7).
Với ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay, đi theo Chúa, vâng theo Chúa, thì hạnh phúc, thì được yên nghỉ, như thánh Giu-se, như thánh Phao-lô và như các tín hữu Rô-ma. Trái lại không theo Chúa, không vâng theo ý Chúa, sẽ phải đau khổ như vua A-khát (22-12-2013)
.———————————
CN.4.MV.A
Để công việc truyền giáo ở Đàng Ngoài (tức là Miền Bắc), được kết quả như ở Đàng Trong (tức là Miền Nam), cần có một linh mục biết nói tiếng Việt. Cha bề trên dòng Tên ở đảo Macao, Trung Quốc đã chọn cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ. Ở Đàng Trong, Miền Nam mới được 18 tháng, Cha Đắc Lộ đã nói tiếng Việt khá lưu lóat.
Từ đảo Macao, ngày 12-3-1627 cha Đắc Lộ xuống thuyền buôn của người Bồ Đào Nha. Được 6,7 ngày thuận buồm xuôi gió, thuyền vượt qua đảo Hải Nam đi vào Biển Đông, thì bão táp nổi lên, thuyền có nguy cơ bị đắm. Nhờ thánh Giuse che chở thuyền trôi vào Cửa Bạng, Thanh Hóa bình an, đúng vào ngày lễ thánh Giuse 19-3-1627. Để tạ ơn thánh Giuse, cha Đắc Lộ đã gọi Cửa Bạng là cửa thánh Giuse, và nhận thánh Giuse làm quan thày Giáo Hội Miền Bắc.
Cha Đắc Lộ coi bão táp là mưu chước ma quỉ quấy phá công việc rao giảng Tin Mừng. Cha kể lại như sau : “Sau 6,7 ngày gió thuận, khi chúng tôi vào gần cửa khẩu trời đổi mây như đe dọa ập lên trên chúng tôi, đêm đến con tàu của chúng tôi bị một cơn cuồng phong lay chuyển với một nguy cơ lớn, đồng thời trên không chớp lòe, làm thành những cảnh tượng hãi hùng do ma quỉ, làm cho các thủy thủ hoảng sợ, cho tới buổi sáng ngày dâng kính thánh Giuse vinh hiển, trời sáng, chớp tan, sóng hạ xuống, chúng tôi khám phá ra cửa khẩu mà người Đàng Ngoài gọi là Cửa Bạng, chúng tôi gọi đó là cửa Thánh Giuse, vì đã được vào đây may mắn ngày lễ kính Ngài” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển CGVN, Tập I, trang 113).
43 năm sau, Đức cha Lambert de la Motte từ Thái Lan sang thăm Đàng Ngoài. Ngài đã tổ chức Công đồng Phố Hiến ở Hưng Yên. Ngày 14-2-1670 Công dồng đã chấp nhận 34 nghị quyết. Nghị quyết số 34, nghị quyết cuối cùng, là nhận thánh Giuse làm bổn mạng GHVN.
Chẳng những thánh Giuse là bổn mạng của GHVN, mà còn là bổn mạng của Chủng viện thánh Giuse, chủng viện tiên khởi của VN tại Thái Lan. Thánh Giuse cũng là bổn mạng của dòng Mến Thánh Giá, dòng cũng được thành lập năm 1670.
BTM : BTM.CN IV, CN cuối cùng của Mùa Vọng hôm nay cũng nói đến vai trò quan trọng của thánh Giuse đối với Chúa Giêsu giáng sinh. Thấy Đức Mẹ có thai, thánh Giuse trù tính bỏ trốn, thiên thần đã hiện ra nói : “Này ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi” (Mt 1,20-21).
Thiên thần xin thánh Giuse chấp nhận Đức Mẹ, để Chúa Giêsu được gia nhập vào dòng tộc vua Đavít, dòng tộc xuất phát Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế.
Bđ1 : Bđ1 cho biết : Đấng Thiên Sai chẳng những xuất phát từ dòng tộc Đavít, mà còn làm cho dòng tộc Đavít được tồn tại mãi mãi. Vào thế kỷ 8 trước CN, trước sự đe dọa xâm chiếm của nước Át-sua, nước I-rak ngày nay, vua A-khát chẳng những đầu hàng, lại còn rước tượng thần Ba-an của nước At-sua về thờ. Vua giết cả đứa con trai độc nhất của mình, để làm của lễ dâng hiến thần Ba-an. Vua A-khát không những bỏ Thiên Chúa, mà còn giết con, không còn con để nối dõi dòng tộc Đa-vít. Tuy vua A-khát bất trung, Thiên Chúa cũng không bỏ. Thiên Chúa sai ngôn sứ I-sai-a đến nói cho vua biết là dòng tộc Đa-vít của vua sẽ có người nối dõi. Ngôn sứ tiên báo : “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-en” (Is 7,14). Đấng Emmanuen đó, chính là Chúa Giêsu.
Bđ2 : Đọan thư Rôma của thánh Phaolô trong bđ2 xác nhận hai bản tính của Chúa Giêsu là bản tính Thiên Chúa và bản tính con người. Thánh Phaolô viết : “Xét như một người phàm, Đức Giêsu Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Đavít. Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1,3-4).
Với bản tính con người, Chúa Giêsu được sinh ra do thánh Giuse thuộc dòng dõi vua Đavít; nhưng với bản tính Thiên Chúa, Chúa Giêsu được sinh ra bởi Đức Maria chịu thai do Chúa Thánh Thần,
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay bảo chúng ta : Chúa Giêsu Hài Đồng nằm trong máng cỏ là con người thuộc dòng dõi Đavít của thánh Giuse, đồng thời là Thiên Chúa vì Đức Mẹ chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần.
Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi trở thành một người để ở với loài người. Người không chỉ sinh ở Be-lem trong nước Do Thái cách nay hơn 2000 năm, mà hằng ngày còn sinh trong lòng mỗi người chúng ta qua bí tích Thánh Thể. Lòng chúng ta có trở nên chiếc hang đá ấm cúng cho Chúa sinh ra không ? (19-12-2010)
—————————————-
CN.4.MV.A
Nhà văn Pháp André Nepveu (1881-1959) có một câu chuyện gọi là “Ngụ Ngôn Luc Durtain”. Câu chuyện như sau :
Một ngày đẹp trời, thiên thần Gáp-ri-en, có nghĩa là “Cánh Tay Thiên Chúa”, nhìn xuống trái đất. Ngài châu mày lại tự nói với mình “Ghê tởm quá!”. Rồi ngài đến xin Thiên Chúa :
– Lạy Chúa, xin cho phép con mượn lưỡi gươm vàng của bạn đồng nghiệp Mi-ca-e gọt vỏ địa cầu này đi, giống như người ta gọt vỏ khoai, phải gọt sâu đến 5,7 dặm. Có gọt sâu vậy thì mọi nhờm gớm của nhân loại mới loại ra khỏi trước tôn nhan Chúa.
Thiên Chúa đồng ý, bảo thiên thần :
– Được lắm, nhưng nhà ngươi nên nhớ : lưỡi gươm đã dùng trong vườn địa đàng ngày trước để đuổi hai ông bà tổ phụ Ađam và Evà, bây giờ chỉ có quyền chém những cái được quyền chém thôi.
Được phép của Thiên Chúa, thiên thần Gáp-ri-en vụt bay xuống trần gian. Thiên thần xăn tay áo lên, rồi ra tay gọt địa cầu. Thiên thần gọt từ bắc tới nam. Mọi sự đều gục ngã dưới lưỡi gươm : từ những tảng đá cứng rắn nhất, những ngọn núi hùng vĩ nhất, đến những loài vật hung hăng nhất, không ai, không vật gì có thể chống cự nổi.
Nhưng một hôm, khi tới một ngôi nhà nhỏ, nằm ẩn khuất bên sườn đồi, đột nhiên lưỡi gươm bị khựng lại, như có một vật gì cứng rắn kinh khủng làm lưỡi gươm cong lại, không thể xuống sâu được.
Thiên thần Gáp-ri-en ngạc nhiên tự hỏi : – Có gì lạ vậy ?
Thiên thần sực nhớ lời Thiên Chúa đã dặn : “Lưỡi gươm đã dùng trong vườn địa đàng ngày trước, bây giờ chỉ có quyền chém những cái được quyền chém thôi.” Thiên thần hạ cánh tay xuống, xỏ gươm vào bao, rồi bước lần vào nhà, xem trong nhà có gì lạ. Thiên thần thấy một chiếc nôi, một trẻ thơ nằm trong đó, bên cạnh chiếc nôi là một bà mẹ đang cặm cụi gọt vỏ khoai, giống như thiên thần gọt vỏ địa cầu. Trẻ thơ và bà mẹ là hai nhân vật đã cản lưỡi gươm không cho thiên thần gọt vỏ địa cầu.
Thiên thần Gáp-ri-en mới nhớ lại : “Hồi xửa hồi xưa, đã có lần mình được Thiên Chúa sai xuống trần gian, truyền tin cho một thiếu nữ người Na-da-rét, trong căn nhà nhỏ giống như thế này”. Rồi thiên thần hối lỗi, qùi xuống, sấp mình xuống đất ăn năn: “Mình thật là đang làm một việc ngông cuồng.”
Thiên thần Gáp-ri-en đứng lên thì thấy thiên thần Mi-ca-e đứng trước mặt. Thiên thần Gáp-ri-en nói với thiên thần Mi-ca-e :
– Hỡi đồng nghiệp Mi-ca-e, tôi xin hoàn trả lại lưỡi gươm cho ngài. Tôi đã khám phá ra rằng : ở trên quả địa cầu này, ít nhất có hai tạo vật quá mạnh, mạnh hơn lưỡi gươm của ngài. Đó là một trẻ thơ và một bà mẹ. Chính nhờ hai nhân vật này mà địa cầu đã đứng vững.
Lời Chúa trong thánh lễ chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng hôm nay đã cho thấy vai trò quan trọng của Chúa Giêsu và Mẹ Maria.
Bài đọc 1 : Bđ 1 thánh lễ hôm nay là lời ngôn sứ I-sai-a nói với vua A-kháp, vua xứ Giu-đa. Ông lên ngôi mới 20 tuổi. Thời đại của ông là một thời đại nhiễu nhương, loạn lạc : Is-ra-el và Giu-đa, hai miền Bắc Nam phân tranh, đế quốc As-sy-ri phía bắc đem quân xâm chiếm các lân bang, xứ Pa-les-tin trong vòng 35 năm bị As-sy-ri xâm chiếm 6 lần.
Nước Sy-ri và Is-ra-el, miền bắc, liên minh với nhau chống lại đế quốc As-sy-ri và cũng muốn nước Giu-đa, miền Nam, liên minh với họ; nhưng nước Giu-đa không liên minh. Hai nước Sy-ri và Is-ra-el đem quân đánh, vua A-kháp cầu cứu đế quốc As-sy-ri. Đế quốc As-sy-ri đem quân đánh và chiếm nước Sy-ri. Vua A-kháp sang Sy-ri để gặp vua As-sy-ri. Vua đã thấy một bàn thờ thần ngoại của vua As-sy-ri. Vua bắt chước làm một bàn thờ giống như thế và đặt vào Đền thờ Giêrusalem. Vua đã dâng cúng các lễ phẩm, kể cả giết đứa con trai độc nhất làm của lễ.
Thấy vua bỏ Chúa, chạy theo các thần ngoại và cậy dựa vào sức mạnh của As-sy-ri ngoại bang, Chúa sai ngôn sứ I-sai-a đến nói với vua : “Ngươi cứ xin Đức Chúa là TC của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh” (Is 7,11). Vua A-kháp đáp lại : “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa” (Is 7,12). Vua A-kháp giả dối. Vua nói là “không dám thử thách Đức Chúa”, song thật ra vua đã bỏ Chúa, đã không tin vào sức mạnh và quyền năng Chúa. Ngôn sứ bảo : “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi một dấu : Này đây một trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel” (7,14). Nghĩa là vua đã bỏ Chúa, nhưng Chúa không bỏ vua, bỏ nhà Đa-vít của vua, Chúa cho vợ vua sinh con, dù vua đã không còn giống má, vì vua đã giết con trai để tế lễ cho thần ngoại. Đứa con vợ vua sinh sau này là để tiếp nối dòng dõi vua Đa-vít. Đứa con đó là dấu TC ở mãi với dân Chúa : Em-ma-nu-el.
Bài Tin Mừng : Đấng Em-ma-nu-el mà ngôn sứ I-sai-a tiên báo cả hàng 700 năm trước đó chính là Chúa Giê-su, như thiên thần nói với thánh Giu-se trong bài TM thánh lễ hôm nay : “Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : ‘Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,22-23).
Bài đọc 2 : Gần 60 năm sau Chúa Giê-su giáng sinh, khi ở Cô-rin-tô, một thành phố của nước Hy Lạp bây giờ, thánh Phao-lô đã viết thư cho các tín hữu Rô-ma cũng xác định Chúa Giê-su chính là Đấng các ngôn sứ đã tiên báo : “Tôi là Phao-lô, tôi tớ của Đức Ki-tô Giê-su; tôi được gọi làm tông đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Tin Mừng ấy, xưa Người đã dùng các ngôn sứ của Người mà hứa trước trong Kinh Thánh. Đó là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô” (Rm 1,1-3).
Chúa Giê-su không những là Đấng Em-ma-nu-el mà ngôn sứ I-sai-a loan báo trước hàng 700 năm, Chúa Giê-su còn là Con Thiên Chúa và là Tin Mừng của Thiên Chúa.
Nhờ Mẹ Ma-ri-a, Thiên Chúa đã cho Chúa Giê-su xuống thế để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và ma quỉ.
Trẻ thơ và người nữ trong dụ ngôn “Luc Durtain” chính là Chúa Giê-su và Đức Mẹ. Hai Ngài đã làm cho lưỡi gươm phạt tội nhân loại bị dừng lại. Đến Hang đá, chúng ta hãy nhớ ơn Chúa Giê-su và Đức Mẹ (23-12-2007).
————————————-
CN.4.MV.A
Hôm nay là chúa nhật thứ tư, chúa nhật cuối cùng của Mùa Vọng. Trong 4 chúa nhật Mùa Vọng, qua các bài đọc sách thánh trong thánh lễ, Giáo hội cho chúng ta những hình ảnh, những khuôn mặt của Đấng Cứu Thế sinh xuống trần gian.
Bài đọc 1 : Bđ 1 thánh lễ hôm nay là lời ngôn sứ I-sai-a nói với vua A-kháp, vua xứ Giu-đa. Ông lên ngôi mới 20 tuổi. Thời đại của ông là một thời đại nhiễu nhương, loạn lạc : Is-ra-el và Giu-đa, hai miền Bắc Nam phân tranh, đế quốc As-sy-ri phía bắc đem quân xâm chiếm các lân bang, xứ Pa-les-tin trong vòng 35 năm bị As-syri xâm chiếm 6 lần.
Nước Sy-ri và Is-ra-el, miền bắc, liên minh với nhau chống lại đế quốc As-sy-ri và cũng muốn nước Giu-đa, miền Nam, liên minh với họ, nhưng nước Giu-đa không liên minh. Hai nước Sy-ri và Is-ra-el đem quân đánh, vua A-kháp cầu cứu đế quốc As-sy-ri. Đế quốc As-sy-ri đem quân đánh và chiếm nước Sy-ri. Vua A-khát sang Sy-ri để gặp vua As-sy-ri. Vua đã thấy một bàn thờ thần ngoại của vua As-sy-ri. Vua bắt chước làm một bàn thờ giống như thế và đặt vào Đền thờ Giêrusalem. Vua đã dâng cúng các lễ phẩm, kể cả giết đứa con trai độc nhất làm của lễ.
Thấy vua bỏ Chúa, chạy theo các thần ngoại và cậy dựa vào sức mạnh của Assyri ngoại bang, Chúa sai ngôn sứ I-sai-a đến nói với vua : “Ngươi cứ xin Đức Chúa là TC của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh” (Is 7,11). Vua A-khát đáp lại : “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa” (Is 7,12). Vua A-khát giả dối. Vua nói là “không dám thử thách Đức Chúa”, song thật ra vua đã bỏ Chúa, đã không tin vào sức mạnh và quyền năng Chúa. Ngôn sứ bảo : “Chính Chúa Thượng sẽ ban cho ngươi một dấu : Này đây một trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là Em-ma-nu-el” (7,14). Nghĩa là vua đã bỏ Chúa, nhưng Chúa không bỏ vua, bỏ nhà Đavít của vua, Chúa cho vợ vua sinh con, dù vua đã không còn giống má, vì vua đã giết con trai để tế lễ cho thần ngoại. Đứa con vợ vua sinh sau này là để tiếp nối dòng dõi vua Đa-vít. Đứa con đó là dấu TC ở mãi với dân Chúa : Em-ma-nu-el.
Bài đọc 2 : Qua lời ngôn sứ I-sai-a trong bđ1, Chúa Giê-su là Đấng được Đức trinh nữ Ma-ri-a sinh ra và là TC ở cùng nhân loại. Bđ2 thư gửi các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô đã cho thấy Chúa Giê-su có hai bản tính : 1/ bản tính nhân loại : “Xét như một người phàm, Đức Giê-su Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít” (Rm 1,3); 2/ bản tính Thiên Chúa : “Nhưng xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (1,4). Thánh Phaolô không diễn tả như thánh Mt trong bài TM hôm nay : “Bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18), song lại diễn tả : “Xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần” (Rm 1,4). Lý do là vì thánh Phaolô nhấn mạnh đến biến cố sống lại của Chúa Giêsu hơn là biến cố nhập thể.
Bài Tin Mừng : Còn thánh Mt trong bài TM thì viết : “Sau đây là gốc tích Đức Giêsu Kitô : Bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18). Qua câu này, thánh Mt nhấn mạnh đến hai điều : 1/ Chúa Giê-su nhập thể do quyền năng Chúa Thánh Thần và 2/ Đức Ma-ri-a sinh con mà vẫn còn đồng trinh. Khi thánh Giu-se trù tính trốn đi thì thiên thần hiện đến bảo : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Câu thiên thần nói cũng giống như câu thánh Mt tường thuật.
Hai tên của Chúa là Giê-su và Em-ma-nu-el cũng nói lên nguồn gốc Thiên Chúa của Chúa Giê-su.
1/ Giêsu do động từ “cứu”. Theo cái nhìn của thánh Mt và đức tin của các Ki-tô hữu thời đó thì Chúa Giê-su cứu dân khỏi tội, đúng như lời thiên thần nói với thánh Giu-se : “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1,21).
2/ Em-ma-nu-el : Thiên thần còn bảo thánh Giu-se : “Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : ‘Này đây trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-el, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1,22-23). Lời thiên thần nói với thánh Giu-se cũng là lời ngôn sứ Isaia nói với vua Akhát ngày xưa. Như thế, Chúa Giêsu chính là đấng Em-ma-nu-el, là Thiên Chúa ở cùng với nhân loại, mà ngôn sứ I-sai-a đã báo trước.
Tóm lại, qua ba bài đọc thánh lễ hôm nay, ngôn sứ I-sai-a, thánh Phao-lô và thiên thần đã trình bày Đức Giê-su sinh xuống gian trần vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Đức Giê-su, với hai tên Giê-su và Em-ma-nu-el , chính là Thiên Chúa ở với loài người, cứu chữa loài người.
Bí tích Thánh Thể, Mình Máu Thánh Chúa là dấu hiệu “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta” là Em-ma-nu-el. Có một thời khi muốn đi vào bầu khí thờ lạy trước BT Thánh Thể, thì người ta phải hát một thánh thi của nhà huyền bí Đức Gerhard Tersteegen ở thế kỷ 17. Ngày nay còn hát trong các nhà thờ Tin Lành và Công giáo tại Đức :
“Chúa hiện diện ở đây, chúng ta hãy đến thờ lạy Người !
Với sự tôn sùng thánh, chúng ta hãy vào trước Nhan Người.
Chúa ở đây giữa chúng ta : mọi sự đều yên lặng trong chúng ta
Và hữu thể thâm sâu nhất của chúng ta sấp mình trước sự hiện diện của Người”.
Giáng sinh chính là Thiên Chúa đến ở với chúng ta, Em-ma-nu-el, Thiên Chúa đến giúp chúng ta, đến yêu thương nâng đỡ chúng ta. Vậy chúng ta có cần Chúa không ? (PH.19-12.2004).
Linh mục Nguyễn Trung Thành