Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm B – Chúa Chiên Lành
CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH NĂM B
CHÚA CHIÊN LÀNH
Cầu cho ơn thiên triệu linh mục tu sĩ
Ngày 21/4/2024
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Cẩm Lệ
GIÁO HUẤN SỐ 21
TIÊU CHUẨN LỚN
Trung tín với Tôn sư
Thánh thiện, vì thế, không phải là chuyện ngất đi trong trạng thái mê ly thần bí.Như thánh Gio-an Phao-lô II đã nói : ‘Nếu chúng ta bắt đầu lại từ việc chiêm ngắm Đức Ki-tô, chúng ta phải học biết nhìn thấyNgười cách đặc biệt nơi khuôn mặt của những kẻ mà chính Người muốn đồng hóa với họ’. Bản văn Mát-thêu 25,35-36 ‘không chỉ là một lời mời gọi sống đức ái : nó là một trang Ki-tô học rọi sáng trên mầu nhiệm Đức Ki-tô’, Trong tiếng gọi mời nhận ra Người nơi những người nghèo và người đau khổ, chúng ta thấy mở ra chính trái tim của Đức Ki-tô những cảm nghĩ và chọn lựa thâm sâu nhất của Người, mà vị thánh nào cũng tìm cácg bắt chước (Tông huấn Vui Mừng Hoan Hỉ, số 96).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
(Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18)
Bài Ðọc I: Cv 4, 8-12
“Ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phê-rô được đầy Thánh Thần, đã nói: “Thưa chư vị Thủ lãnh toàn dân và Kỳ lão, xin hãy nghe, nhân vì hôm nay chúng tôi bị đem ra xét hỏi về việc thiện đã làm cho một người tàn tật, về cách thức mà con người đó đã được chữa khỏi, xin chư vị và toàn dân Ít-ra-en biết cho rằng: Chính nhờ danh Ðức Giê-su Ki-tô Na-da-rét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Ðá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác. Bởi chưng, không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1 và 8-9. 21-23. 26 và 28cd và 29
Ðáp: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường (c. 22).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa ở loài người. Tìm đến nương tựa Chúa, thì tốt hơn nương tựa những bậc quân vương. – Ðáp.
Xướng: Con cảm tạ Chúa vì Chúa đã nghe con, và đã trở nên Ðấng cứu độ con. Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Ðáp.
Xướng: Phúc đức cho Ðấng nhân danh Chúa mà đến, từ nhà Chúa, chúng tôi cầu phúc cho chư vị. Chúa là Thiên Chúa của con và con cảm tạ Chúa, lạy Chúa con, con hoan hô chúc tụng Ngài. Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Ngài muôn thuở. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 1-2
“Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gio-an Tông đồ.
Các con thân mến, các con hãy coi: tình yêu của Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con cái Thiên Chúa, và sự thật là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con cái Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 10, 14
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 10, 11-18
“Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên”.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an.
Khi ấy, Chúa Giê-su phán: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên. Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên. Vì lẽ này mà Cha yêu mến Ta, là Ta thí mạng sống để rồi lấy lại. Không ai cất mạng sống khỏi Ta, nhưng tự Ta, Ta thí mạng sống. Ta có quyền thí mạng sống và cũng có quyền lấy lại. Ðó là mệnh lệnh Ta đã nhận nơi Cha Ta”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Đức cha Lambert de la Motte bệnh tật
Cơn bệnh càng kéo dài và tàn bạo, thì đức kiên nhẫn bền vững của ngài càng khiến người chung quanh thán phục. Ngài thường dạy và hay nhắc lại là chính trên cây Thánh Giá người Công giáo mới trao phó linh hồn trong tay Chúa.
Ngài không bao giờ nói về mình, mà chỉ tỏ lòng quí mến những người khác. Cho dầu trí óc ngài cao vời, ngài vẫn hạ nó xuống theo đa số ý kiến trong những cuộc hội họp, cho dầu ý kiến ngài phản đối điều đó.
Ngài yêu thương các thừa sai như yêu thương con một mình. Nếu ai đó mắc những lỗi nhẹ, ngài biết cách khôn khéo xóa lỗi cho họ đến nỗi không ai nhận ra điều đó.
Ngài ăn uống cực kỳ thanh đạm, ăn rất ít, và không bao giờ uống rượu. Tuy ghét ăn thịt, đức vâng lời mau mắn đối với Tòa Thánh, cũng như với lời trách cứ của các bạn bè ở Paris khiến ngài vừa được tin tối nay thì ngay sáng hôm sau ngài cho dọn thịt lên bàn ăn, và là người đầu tiên ăn nó. Khi thấy các vị thừa sai nhìn nhau, không dám đụng đến, ngài trấn an họ bằng cách nói cho họ biết đó là ý của Rôma và Paris.
Lòng bác ái của ngài dành cho người nghèo khổ và các bệnh nhân thật không biên giới. Tuần 3 lần ngài cử người đi thăm các tù nhân, phân phát những món tiền cho họ. Khi người ta trêu chọc ngài chi tiêu hơi phung phí, ngài trả lời : ‘Các ông lầm rồi, tôi bắt chước người nông phu đi gieo một ít lúa để rồi gặt một mùa bội thu đấy’.
Cuối cùng có nhân đức nào nơi vị giám mục cao quí này mà không đạt đỉnh cao, có những chương trình bác ái phần đạo lẫn phần đời nào mà ngài đã không thực hiện ? Tôi không bàn đến những hãm mình phạt xác kín đáo của ngài, vì tôi biết rất rõ là ngài đối xử với thân xác ngài như với kẻ thù số một, và ngài không dung thứ cho mình cả đến những sai lỗi nhẹ nhàng nhất. (Benigne Vachet, Cao Kỳ Hương chuyển dịch, Chuyện Đức cha Lambert, trang 86-87).
Cuộc đời Đức cha Lambert là hình ảnh ‘Chúa chiên nhân lành’ hôm nay.
Bài đọc 1 (Cv 4,8-12) Cha Nguyễn Công Đoan viết về bđ1 như sau : ‘Việc lành (chữa người què bẩm sinh) thánh Phêrô làm hôm nay ‘chính là nhân danh Đức Giêsu Nadarét, Đấng mà quí vị đã đóng đinh vào thập giá và Thiên Chúa đã làm cho chỗi dậy từ cõi chết (Cv 4,12).
Bài Tin Mừng (Ga 10,11-18) : BTM hôm nay thánh Gioan kể 2 đức tính của chủ chăn Giêsu: 1/ hy sinh mạng sống cho đoàn chiên (Ga 10, 11), không như kẻ làm thuê ‘thấy sói đến, bỏ chiên chạy’ (Ga 10, 12); 2/ đem cả chiên không thuộc đàn, về xum họp với đàn (Ga 10, 16).
Bài dọc 2 (1Ga 3,1-2) : Bđ2 thánh Gioan cũng nêu ra 2 điều của tình yêu Chúa Cha : 1/ nhận chúng ta là con của Ngài : ‘Người yêu đến nỗi cho chúng ta được là con Thiên Chúa’ (1 Ga 3,1); 2/ nhờ Đức Kitô, chúng ta biết giá trị làm con Thiên Chúa : ‘Hiên giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ thế nào điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người’ (1 Ga 3,2).
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu,
Đức Kitô vị mục tử oai hủng của chúng con
đã khải hoàn tiến vào Thiên Quốc;
xin cho chúng con là đoàn chiên hèn mọn
cũng được theo gót Người
vào chung hưởng hạnh phúc vô biên.
Chúng con cầu xin.
SUY NIỆM II
NGƯỜI MỤC TỬ VÀ CÁC CON CHIÊN
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, OP
Thứ quyền hành đúng nghĩa
Vào thời lưu đày, ngôn sứ Êdêkien đã tố giác các mục tử Israel là những Người “chỉ biết lo cho mình” mà không để ý chăn dắt đoàn chiên của Thiên Chúa Khi tố giác như thế, ngôn sứ lập lại lời ông Samuen cảnh giác dân Israel về quyền hành của ông vua mà họ đang yêu cầu
Quyền hành là một vấn đề gai góc của lịch sử thế giới Tại sao con người lại luôn tìm cách áp đặt, buộc người khác phải phục vụ mình? Tại sao vẫn có những người hăng say bảo vệ những nguyên tắc cao đẹp nhất, khi lên nắm quyền, lại mau chóng trở thành những nhà độc tài, những kẻ bóc lột người khác? Câu trả lời đơn giản nhất là con người chỉ là kẻ làm thuê, họ coi quyền hành chỉ là một thứ lợi lộc họ phải thu về bằng bất cứ giá nào, khi nào có thể
Vấn đề quyền hành cũng là một đề tài thường được nêu lên trong Thánh Kinh, và câu trả lời của mạc khải là tố cáo “tội nguyên tổ” này, thứ tội làm mục ruỗng tất cả Đó là ý muốn coi mình là những vị thần có thể bảo đảm cuộc sống của chính mình Và tai hại thay, chính cuộc sống này lại mau chóng bị xuống cấp, trở thành một thứ xung đột: “con người trở thành chó sói đối với nhau”, triết gia Thomas Hobbes đã nói như thế
Ngược lại, Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa”, nhưng không bao giờ Người nhận “là” Thiên Chúa Người không ngừng quy chiếu về Chúa Cha, và Người dạy cho nhân loại biết rằng Thiên Chúa không là gì khác hơn ngoài trao đổi, tặng ban và chia sẻ
Chính vì vậy, Người có thể đặt mình là “Mục Tử Nhân Lành”. Chỉ có Người có khả năng dẫn dắt đoàn chiên vì lợi ích của đoàn chiên, bởi vì Người không tìm một chút lợi lộc cho chính mình Người quy tụ nhân loại vào chính Người, nhưng nơi Người không có gì khác hơn việc phục vụ Do đó, chỉ từ nơi Người mới có thể thành hình một nhân loại đích thực, trong đó sự sống phát triển luôn mãi, không bao giờ cùng Nơi Đức Giêsu là mục tử nhân lành, quyền bính chỉ trao tặng, là yêu thương, là phục vụ Nơi Đức Giêsu là mục tử nhân lành, cả đàn chiên luôn sống mãi trong bình an và tin tưởng, không chút sợ hãi bởi vì Người biết chiên của Người và yêu mến chúng, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ chúng
Người chăn chiên và các con chiên
Thoạt nhìn, hình ảnh Người mục tử nhân lành gợi lên một khung cảnh êm đềm: một cộng đồng cổ điển, quê mùa và đơn giản, có vẻ an nhàn vì chó sói đã bị xua đuổi, và cũng có vẻ hợp nhất vì các chiên lạc đã được đưa trở về đoàn
Trong cộng đoàn này, Vị Mục Tử nhân lành lên tiếng nói mời gọi mỗi con chiên hãy trao tặng chính mình, hãy tiếp xúc và gặp gỡ nhau
Điều đáng để ý nhất trong cộng đồng này là mối liên hệ cá nhân giữa Vị Mục Tử nhân lành với từng con chiên Chắc chắn là Người mục tử có trách nhiệm coi sóc cả bầy chiên, nhưng đồng thời vẫn quan tâm tới tình trạng của mỗi con chiên mà không làm sút giảm mối liên đới với cả bầy “Tôi biết chiên của Tôi và chiên của Tôi biết Tôi, như Chúa Cha biết Tôi và Tôi biết Chúa Cha”.
“Ôi Thiên Chúa, Chúa săn sóc mỗi Người chúng con cách riêng, như thể Chúa chỉ bận tâm tới một Người, và Chúa cũng săn sóc tất cả như mỗi một Người”. Câu nói trên đây của thánh Âutinh giải thích lời ngôn sứ Isaia: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta” (Is 43,1) Bằng chính tên ngươi: điều này làm người ta liên tưởng tới thói quen của những người mục đồng xứ Paléttin là đặt tên cho những con vật đầu đàn Ở đây, đặc ân được mở rộng cho hết mọi người.
Như thế, mỗi một người đều có giá trị trước mặt Thiên Chúa Mỗi người đều có nét độc đáo của riêng mình dù họ bé nhỏ, tầm thường, yếu đuối Mỗi người đều được Thiên Chúa yêu mến và không ai bị bỏ quên Mỗi người đều được Thiên Chúa gọi đích danh dù họ sợ hãi, không bao giờ dám mơ ước Và có lẽ phải nói thêm rằng, càng những người khốn khổ, bệnh tật, lầm lạc lại càng được Thiên Chúa để ý cách đặc biệt, vì “Cha của anh em, Đấng ngự trên ông muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”. (Mt 18,14)
Và hơn thế nữa, Đức Giêsu mục tử còn là trung gian giữa các con chiên và Chúa Cha Do đó, câu chuyện được chia thành hai: Người Kitô hữu phải thay đổi mức độ sống và họ được cuốn hút hướng lên cao, trong Vương Quốc của Thiên Chúa
Mức độ thứ nhất: người mục tử biết rõ các con chiên của mình, biết từng con một Anh nói với chúng, tìm kiếm chúng Anh bảo vệ các con chiên, đánh đuổi chó sói để đàn chiên được an toàn Anh luôn nỗ lực thu tập cả bầy chiên, nhưng không dùng đến sức mạnh Anh yêu mến và tin tưởng bầy chiên, ngược lại bầy chiên cũng yêu mến và tin tưởng hoàn toàn vào anh Như thế, sự quy tụ này là “dấu chỉ của bình an”. Người mục tử có quyền làm như thế
Mức độ thứ hai: Chúa Cha đã sai Chúa Con đến trần gian, Chúa Cha biết Chúa Con và Chúa Con biết Chúa Cha, không hề có đối nghịch nào, bởi vì đó là mối liên lạc trong tình yêu, hoàn toàn trao tặng Do đó, đời sống của Vị Mục Tử có được ý nghĩa hy sinh để rồi lấy lại: Vị Mục Tử chính là “hữu thể hoàn thành”. Nhờ thái độ tự do rất đặc biệt, Người có thể hiện diện và hành động, đồng thời có thể đón nhận và nối kết sự chết với sự sống
Sống trong đoàn chiên
Đức Giêsu là Mục Tử nhân lành, Mục Tử duy nhất Đó không phải là một lối nói văn hóa, nhưng là một thực tại Chính Người thực hiện điều ông Đavít thưa với vua Saun: “Tôi tớ ngài là người chăn chiên dê cho cha. Khi sư tử hay gấu đến tha đi một con chiên trong bầy gia súc, thì con ra đuổi theo nó, đánh nó và giật con chiên khỏi mõm nó” (1Sm 17, 34-35) Đó là cách thức hành động của Thiên Chúa, và cũng là của Đức Kitô, Đấng Phục Sinh Người đã hy sinh mạng sống để chuộc lấy những Người Chúa Cha đã trao phó cho Người
Hình ảnh đoàn chiên cũng gợi lên tình trạng của chúng ta là không thể tự mình chống lại cuộc tấn công của chó sói, và rất dễ đi lạc bầy Chỉ có Đức Giêsu phục sinh, Vị Mục Tử đích thực mới có thể bảo vệ chúng ta, đưa chúng ta trở lại đoàn, cho chúng ta hưởng tự do và tình yêu chân thực
Đàng khác, trong bầy chiên này, mỗi chúng ta không phải là một đơn vị vô danh mất hút trong đám đông, cũng không phải là kẻ tách rời khỏi bầy, với những sở thích riêng của mình Trái lại, mỗi chúng ta đều được Đức Kitô quan tâm và yêu thương, đồng thời tất cả đều họp nhau quanh Vị Mục Tử chân thật và duy nhất
Và cũng trong bầy chiên này, mỗi người đều cảm thấy an toàn, thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi, vì Vị Mục Tử của chúng ta luôn có mặt Chính Người hướng dẫn bầy chiên tới “đồng cỏ xanh tươi”, chính Người lên tiếng gọi từng con chiên Người hy sinh mạng sống vì đàn chiên Đó là niềm an ủi và niềm vui của chúng ta
Sau cùng, sống trong bầy chiên của Đức Giêsu, mỗi Người cũng phải noi theo gương Vị Mục Tử duy nhất: yêu thương và đón nhận những con chiên khác, bởi vì sứ mệnh của Vị Mục Tử còn dài: “Tôi còn có những con chiên khác không thuộc ràn này, Tôi phải đưa chúng về”. Mỗi Người chúng ta cũng là một mục tử trong Đức Giêsu
SUY NIỆM III
ĐÀN CHIÊN CHÚA ĐANG THIẾU NGƯỜI CHĂN DẮT TỐT LÀNH
(Hội An 21/4/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Suốt hơn 60 năm, kể từ ngày thánh giáo hoàng Phaolô VI thiết lập ngày Thế Giới Cầu Nguyện cho Ơn Gọi (1963), cứ đến Chúa Nhật 4 Phục Sinh, Giáo Hội đặc biệt cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ và đời thánh hiến. Dĩ nhiên, trong đời sống Giáo Hội vẫn thường có lời cầu nguyện cho ơn gọi tu trì, nhưng Chúa nhật 4 Phục Sinh là cao điểm toàn thể Giáo Hội công khai thực hiện điều Chúa Giê-su mong mỏi: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ gặt đến” (Lc 10,2). Lời cầu nguyện của Giáo Hội còn thể hiện đức tin của tín hữu về những ân phúc Thiên Chúa ban cho Giáo Hội và nhân loại trong các ơn gọi linh mục, tu sĩ và đời thánh hiến. Vả lại, trong hoàn cảnh khủng hoảng ơn gọi thời nay, việc cầu nguyện cho ơn gọi càng khẩn thiết hơn.
- Cuộc khủng hoảng ơn gọi hiện nay
Theo số thống kê của Văn Phòng Thống Kê Tòa Thánh năm 2023, số linh mục trên thế giới giảm 2.347 vị, số nam tu sĩ giảm 495 người, số nữ tu sĩ giảm 10.588 người, số đại chủng sinh giảm 1.960 người. Những con số ấy đang tố cáo sự hững hờ của chúng ta về lòng sốt sắng cầu nguyện cho ơn gọi, đồng thời phơi bày sự hẹp hòi, ích kỷ của cha mẹ lẫn người trẻ trong sự dâng hiến đời mình cách đặc biệt cho việc phục vụ truyền giáo. Như vậy, nguyên nhân khủng hoảng truyền giáo không đâu xa, mà ở ngay trong trách nhiệm của chúng ta. Vì vậy, Chúa kêu gọi chúng ta bận tâm đến số linh mục, tu sĩ cần thiết cho cánh đồng truyền giáo và ý thức trách nhiệm của chúng ta trong với việc cầu nguyện cho ơn gọi trong hoàn cảnh khủng hoảng này, bởi vì đại họa sẽ ập đến trên đàn chiên không có chủ chăn.
Khi đàn chiên không có chủ chăn, đàn chiên sẽ không được chăm sóc, nuôi ăn và sẽ đi rong vào những nơi nguy hiểm, làm mồi ngon cho sói dữ. Vị lãnh tụ Ấn Độ, ông Gandhi từng nói: “Trên thế giới có nhiều người quá đói, đến nỗi Thiên Chúa không thể đến với con người mà không dưới hình thức bánh ăn.” Nhưng Chúa là mục tử chăm sóc con người không chỉ cơm bánh. Một người cha mẹ hằng ngày chỉ lo cho con cái ăn uống thừa mứa, đầy đủ tiện nghi, vậy đã chu toàn bổn phận chăm sóc con cái chưa? Con cái đang cần gì hơn để trưởng thành? Chúa chăm sóc và nuôi sống đoàn chiên Chúa bằng Thánh Thần của Ngài, bằng lời Chúa và Thánh Thể, lương thực thần linh mà không một ai ở thế gian này có thể cung cấp cho những người thuộc về họ. Chúa đã thí mạng mình để nuôi sống đàn chiên và đó cũng là dấu phân biệt người làm thuê và mục tử nhân lành. Người chăn thuê chỉ biết tận thu từ đàn chiên và bỏ mặc đàn chiên. Người chăn chiên thuê sẽ dẫn dắt đàn chiên đi lạc vì những giáo lý sai lạc hay không màng đến bổn phận mục tử nuôi sống đàn chiên, nghĩa là bấy giờ dù có người chăn cũng kể như không có, đôi khi còn tệ hơn! Còn người thợ gặt cho cánh đồng truyền giáo hay người chăn dắt đàn chiên là người như lòng Chúa mong ước theo gương mục tử nhân lành của Chúa: “Ta chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành thí mạng sống cho đàn chiên” (Ga 10,11) và như thánh Phaolô nhắn nhủ: “Hãy ân cần lo cho chính mình và toàn thể đoàn chiên mà Thánh Thần đã đặt anh em làm người coi sóc, hãy chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa, Hội Thánh Người đã mua bằng máu của chính mình” (Cv 20,28).
- Giải pháp khẩn thiết cho cuộc khủng hoảng ơn gọi
Trước cuộc khủng hoảng ơn gọi hiện nay, Chúa bảo chúng ta cầu nguyện cho có nhiều ơn gọi, nhưng Chúa không dạy chúng ta chỉ quỳ đó cầu nguyện, khoán trắng cho Chúa, rồi Chúa sẽ làm thay. Không, Ngài ban ơn cho chúng ta và muốn chúng ta hành động để diễn tả lòng mong mỏi chúng ta cầu nguyện. Vậy, nguyên nhân nào gây nên cuộc khủng hoảng ơn gọi và làm thế nào để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng ơn gọi hiện nay để có được nhiều mục tử tốt lành?
Thưa, nếu ơn gọi bắt đầu từ gia đình, thì cuộc khủng hoảng ơn gọi cũng bắt đầu từ gia đình. Đức hồng y Taglee, bộ trưởng bộ Truyền giáo đã chỉ rõ như thế. “Khi cha mẹ không thi hành bổn phận truyền giáo của mình bằng cách truyền đạt đức tin và hướng dẫn con cái họ đến với Chúa Giê-su, thì cuộc khủng hoảng ơn gọi sẽ xảy ra.” Như vậy, vấn nạn khủng hoảng ơn gọi được giải quyết từ gia đình.
Trước hết cha mẹ cùng gia đình cầu nguyện cho ơn gọi. Ơn gọi xuất phát từ lòng yêu thương của Thiên Chúa, Ngài còn là Tác Nhân khơi dậy lòng tận hiến nơi con cái. Vì vậy, gia đình cần cầu nguyện cho người trẻ trong nhà mở lòng ra với lời mời gọi của Thiên Chúa, cầu nguyện cho con cái trở thành linh mục, tu sĩ. Đức tin và đời sống đạo đức của cha mẹ như nền tảng cho sự khởi đầu ơn gọi nơi con cái.
Thứ đến, cha mẹ giúp con cái yêu mến và theo gương thánh thiện của các thánh. Chọn thánh linh mục, tu sĩ đặt tên cho con cái khi rửa tội hay có hình ảnh các ngài trong nhà, cũng như kể chuyện về các ngài sẽ khích lệ con cái thánh thiện và đáp lại ơn gọi tu trì.
Tiếp đến, hãy khích lệ con cái có cơ hội tiếp xúc với người tu trì. Hãy bắt đầu với cha xứ của gia đình. Một buổi đọc sinh tối mời các cha và tu sĩ hiện diện sẽ là cơ hội cho con cái biết đến ơn gọi.
Thêm nữa, khuyến khích con cái phục vụ bàn thờ và phục vụ giáo xứ. Thánh Gioan Phaolô II nhắc nhở: “Điều quan trọng hơn cả không phải những gì chúng con làm mà là chính con người tận hiến cho Thiên Chúa.” Tận hiến cho Chúa trong việc phục vụ với tư cách lễ sinh, tư cách người đọc lời Chúa, người trang hoàng bàn thờ, người phục vụ ca đoàn v.v. Con cái anh chị em sẽ trở nên người dễ dàng tận hiến cho Thiên Chúa trong các ơn gọi.
Cuối cùng, hãy chuyện trò giúp con cái khám phá ơn Chúa gọi chúng. Đừng thất vọng khi con cái không muốn sống đời tu trì, nhưng sẽ mang lấy trách nhiệm nặng nề nếu cha mẹ không giúp con cái tiếp xúc với lời Chúa và biết cầu nguyện, ý thức về các linh hồn để chúng nghe Chúa nói và mở lòng với Chúa, khát khao tận hiến cho lời mòi gọi của Chúa trong các.
Vì thế, chúng ta cầu nguyện cho có nhiều người trẻ đáp lại tiếng Chúa gọi làm linh mục, tu sĩ để có người phục vụ Chúa và các linh hồn. Xin Chúa cho mọi người, các riêng các gia đình nhiệt thành hơn trong việc giúp con cái mở lòng tận hiến cho Chúa và hạnh phúc vì khám phá ơn gọi và được Chúa chọn.
SUY NIỆM IV
MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Có người hỏi tôi rằngmục tử là gì? Mục là gì? Tử là gì? Mục tiếng hán có nghĩa là việc chăn giữ gia súc. Con tử là người. Như vậy mục tử là người chăn nuôi, chăn giữ hay chăn dắt đàn gia súc? Nghĩa ẩn dụ mục tử là chỉ người hướng dẫn các linh hồn, người coi sóc việc thiêng liêng hay chăm sóc phần hồn, La tinh gọi là pastor. Riêng những Do thái, khi nói nói mục tử là người chăn cừu, chiên vì họ là dân du mục. Nhiệm vụ của mục tử là: (1) Canh giữ đàn cừu không để kẻ thù hãm hại; (2) Bảo vệ đàn cừu khỏi những kẻ thù tấn công; (3) Tìm kiếm và giải cứu những cừu lạc mất hay bị nạn; (4) Chữa lành những con cừu bị thương hay bị bệnh; (5) Yêu thương, chia sẻ cuộc sống với đàn cừu và như vậy người ấy được đàn cừu tin tưởng. Cho nên, mục tử, người chăn chiên, là hình ảnh rất quen thuộc đối với dân Do Thái du mục ngày xưa nói riêng, và cả xã hội Do Thái cho tới thời Chúa Giêsu nói chung. Vì vậy, suốt thời Cựu ước, hình ảnh người chăn chiên trở thành một trong những biểu tượng phong phú và sống động nhất, được dùng để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Họ như một đoàn chiên riêng của Thiên Chúa, được Người nuôi nấng, chăn dắt, săn sóc đặc biệt. Vì vậy, Thánh vịnh 23 ca rằng: CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm (côn trượng là một loại gậy được sử dụng làm binh khí phổ thông trong các hệ phái võ thuật cổ truyền nhiều nơi trên thế giới). Và bây giờ đến thời Tân ước, Chúa Giêsu áp dụng hình ảnh đó cho chính Ngài và đoàn chiên của Ngài là chúng ta. Chúng ta thấy Chúa dùng hai hình ảnh: người chăn chiên thuê và người chăn chiên tốt lành để so sánh và diễn tả cho mọi người biết Ngài là Người chăn chiên thật, là mục tử nhân lành. Vậy, thế nào là một mục tử nhân lành? Chúng ta có thể tóm tắt trong hai điều: biết các con chiên của mình và ân cần săn sóc, gìn giữ, bảo vệ và che chở chúng. Chúa Giêsu là mục tử nhân lành vì Ngài có đầy đủ hai yếu tố đó.
Thứ nhất Chúa Giêsu biết chúng ta mọi đàng. Một người chăn chiên chuyên nghiệp biết số chiên trong bầy có bao nhiêu con. Họ biết từng con một, về ngày sinh tháng đẻ, để có thể xén lông hay gầy giống. Họ đặt tên gọi cho từng con, biết bệnh tật từng con để cứu chữa: con nào hay bị lạnh, con nào cận thị, con nào hay bỏ bầy ăn rong, con nào khuyết tật, con nào hay bệnh, con nào chướng hay đánh nhau, con nào ham ăn, con nào hiền, con nào mập con nào ốm…. Vâng, đối với Chúa Giêsu cũng vậy, Ngài “biết chiên của Ngài”, và Ngài còn quả quyết sự hiểu biết của Ngài đối với mỗi người cũng như sự hiểu biết giữa Ngài với Cha Ngài: “Tôi biết chiên tôi như Cha tôi biết tôi và tôi biết Cha tôi”. Thực vậy, Ngài biết từng con chiên, Ngài biết chúng ta là những nhân vị, là những tín hữu, là những người có tính tình thế nào, dòng máu huyết thống ra sao, biết chúng ta đến nỗi “tóc trên đầu chúng ta đã được đếm cả rồi” (Mt 10,30). Ngài biết chúng ta hơn chúng ta biết mình. Ngài thấu suốt tư tưởng, ước mơ, lời nói, việc làm, dự định, khuynh hướng tốt xấu của chúng ta. Ngài biết rõ từng người: ai là con chiên tốt, trung thành, ngoan đạo; lười biếng, khô khan, ốm đau bệnh tật, tội lỗi phản bội. Cho nên, Thánh Vịnh 139 ca rằng: “Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết. Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước, bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con. Kỳ diệu thay, tri thức siêu phàm, quá cao vời, con chẳng sao vươn tới! Đi mãi đâu cho thoát thần trí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan? Con có lên trời, Chúa đang ngự đó, nằm dưới âm ty, vẫn gặp thấy Ngài. Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
đến ở nơi chân trời góc biển phương tây, tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn, cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 139,1-10).Tóm lại, không ai có thể lẩn trốn khỏi mắt Chúa, bất cứ sự gì, dù thầm kín hay bí mật đến đâu, Chúa cũng biết hết. Ngài biết như thế không phải để quở trách, soi mói, khinh chê hay ghét bỏ mà để quan phòng, ân cần, chăm sóc, dạy bảo, giúp đỡ, tha thứ, hy sinh và cứu chúng ta thoát khỏi mọi sự dữ…
Như chúng ta biết vụ khủng bố nhà hát Crocus ở Nga ngày 22-3-2024 vừa qua làm 139 người thiệt mạng và 180 người bị thương nặng, trong vụ đó có em Khalilov, 15 tuổi, chỉ đường sơ tán cho hơn 100 người khi nhà hát Crocus bị tấn. Khalilov cho biết khi tiếng súng rộ lên, mọi người trong nhà hát đều hoảng loạn, không ai biết phải làm gì và nên đi đâu, nên đã xảy ra cảnh tượng xô đẩy, giẫm đạp ở cửa thoát hiểm. Nhưng đối với em, em biết mọi người đang nguy hiểm tính mạng, và biết lối chỉ cho mọi người tới nơi an toàn, và đặc biệt em còn chạy xuống cuối hàng để đảm bảo không bỏ sót ai. Đó một em thiếu niên, không phải là con Chúa, không phải bà con họ hàng gì với 100 kia nhưng em xứng đáng là anh hùng cứu người, nói như Lời Chúa hôm nay là mục tử nhân lành, có cái tâm tốt lành thánh thiện. Chúa Giêsu, mục tử nhân lành của chúng ta còn hơn thế nữa. Ngài đến cứu chúng ta phần hồn và phần xác, Ngài yêu thương và hy sinh vì chúng ta và để chúng ta được sống dồi dào ngay đời này và đời sau nữa. Quả thực, cả một đời Chúa Giêsu mục tử nhân lành luôn tận tụy, hy sinh, giảng dạy và ban ơn. Không những thế, Chúa còn muốn thực hiện đặc tính sau cùng của một mục tử nhân lành là chết vì con chiên và cho con chiên, để minh chứng lời Ngài đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn, cao quý hơn là chết cho người mình yêu”.
Chúa Giêsu tốt lành với chúng ta như thế. Vậy bổn phận của chúng ta là gì với Ngài? Chúng ta phải suy tôn thần phục Chúa là chủ chăn chúng ta bằng lòng tin tưởng và yêu mến. Nhưng suy tôn thần phục không phải chỉ ngoài miệng mà phải suy tôn thần phục Chúa trong đời sống, trong lời ăn tiếng nói, trong công ăn việc làm, trong sự đối xử với người chung quanh, và làm chứng nhân cho Chúa. Thứ đến, chúng ta phải tín nhiệm phó thác đời ta cho Ngài. Sau cùng, chúng ta phải biết nghe lời và sống Lời và ý Chúa trong mọi hoàn cảnh. Một con chiên ngoan bao giờ cũng biết tuân theo ý chủ. Chúng ta cũng vậy khi nào chúng ta vâng theo ý Chúa và sống theo lời Chúa thì được Ba Ngôi Thiên Chúa yêu mến như Lời Chúa dạy: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy. Và Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,21.16).
Lạy Đức Giêsu, Mục Tử nhân lành, xin hãy ban cho chúng con nhiều mục tử tốt lành theo gương Chúa. Xin biến chúng con thành những mục tử tốt lành như Chúa trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo phận, trong giáo hội và xã hội chúng con đang sống. Amen.
Gia Vị Cho Bài Giảng Lễ Chúa Nhật 4 Phục Sinh
Nguồn: giaophancantho.org
- MỤC TỬ VÀ BỔN PHẬN
Gió, Cát và Các Vì Sao là tên một cuốn sách rất hay của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry, người Pháp. Một biến cố đặc biệt đã giúp ông ghi lại câu chuyện. Tác giả và người đồng đội của ông, Guillaumet phải bay qua dãy núi Andes để trao thư cho chính phủ Chilê. Một buổi sáng, người bạn của ông phải cất cánh bay trong điều kiện khí hậu tồi tệ: các cơn bão tuyết dữ dội thổi xiết. Băng phủ kín trên cánh máy bay, tuyết dày và gió lớn đã ngăn anh ta bay trên những ngọn núi cao, và buộc phải hạ cánh xuống một hồ nước đóng băng. Guillaumet tìm một nơi trú ẩn dưới buồng lái và xếp gọn quanh mình các túi đựng thư. Ở đó anh ta co ro trú ẩn hai ngày hai đêm. Khi cơn bão lắng xuống, anh phải mất năm ngày bốn đêm nữa để tìm đường trở lại nơi có người ở; anh bò trên hai tay và đầu gối trong nhiệt độ âm hai mươi độ. Làm thế nào anh ta có thể thắng vượt được ý nghĩ đầu hàng số phận để nằm xuống và an nghỉ mãi mãi? – Anh nghĩ về vợ và các con của anh, họ cần anh như thế nào. Anh nghĩ về trách nhiệm của mình phải đưa thư đến các địa chỉ. Những ý nghĩ ấy giúp anh nỗ lực để sống sót mặc dù bàn tay và bàn chân của anh bị đông cứng đến mức sau đó phải cắt cụt. Khi Saint-Exupéry mô tả trải nghiệm khủng khiếp của đồng đội và cuộc đấu tranh siêu phàm để tồn tại, ông chỉ tóm gọn tất cả trong một câu: “Chính xác là trở thành một người đàn ông phải có trách nhiệm!”
* Đây là điều mà Chúa Giêsu nói đến hôm nay: tình yêu và trách nhiệm của người Mục Tử Nhân Lành đối với đàn chiên.
- BIẾT VỊ MỤC TỬ TỐT
Ở London, một đám đông đã tụ tập để nghe một diễn viên nổi tiếng của Shakespeare diễn lại một số phân đoạn kịch độc đáo của Shakespeare. Đám đông rất say mê và thích thú về khả năng diễn xuất của nam diễn viên, họ liên tục dành cho anh những lời hoan nghênh nhiệt liệt. Bất ngờ một nhà giảng thuyết đáng kính trong đám khán giả muốn yêu cầu diễn viên ngâm đọc và diễn lại Thánh vịnh 23 (Thánh vịnh về Mục tử Nhân hậu), bằng cách sử dụng phong cách Shakespeare của anh. Nam diễn viên đồng ý với một điều kiện rằng vị giảng thuyết cũng phải làm như vậy khi anh ta diễn xong. Diễn viên bắt đầu, anh sử dụng rất nhiều biểu cảm và sự chuyển đổi giọng nói cũng như tất cả khả năng diễn xuất của mình; và khi anh kết thúc, đám đông vỗ tay vang dội kéo dài nhiều phút đồng hồ. Rồi sau đó, nhà giảng thuyết già bắt đầu đọc cùng Thánh vịnh ấy. Khi bắt đầu, giọng ông run lên từng đoạn như thể ông cảm nhận từng ý nghĩa sâu xa mà ông đã trải nghiệm về Lời Chúa. Khi ông đọc xong, không có ai vỗ tay cổ vũ. Tuy nhiên không ai cầm được nước mắt, tất cả đều vội lấy khăn lau nước mắt của mình. Diễn viên Shakespeare chậm rãi đứng dậy, anh ta nói: “Thưa quý vị, rõ ràng là có sự khác biệt giữa vị giảng thuyết đây và tôi. Tôi chỉ thoại diễn Thánh vịnh về người Mục Tử, còn vị giảng thuyết biết Mục Tử tốt lành qua bài Thánh vịnh.
- BIẾT TÊN
Một cha bạn của tôi thích thú kể câu chuyện về một nhân viên điều tra dân số đến nhà một gia đình nọ khá nghèo ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam để thu thập số liệu hộ khẩu. Anh hỏi một bà mẹ có bao nhiêu người con trong gia đình. Bà ấy bắt đầu: “Chà! Có Dũng, Côi, Na, Mai, Biu… và có Bôn, Xíu, Len…cả con cún của chúng tôi Lu Lu nữa!” Lập tức nhân viên điều tra cắt ngang lời bà ấy: “Không, thưa bà, điều đó không cần thiết. Tôi chỉ cần số người chứ không cần con chó của bà!” Bà ấy lặp lại: “Chà! Có Dũng, Côi, Na, Mai, Biu, Bôn, Xíu, Len, và…và…” Nhưng một lần nữa, nhân viên điều tra vội ngắt lời bà. Tỏ rõ sự khó chịu, anh ta nói: “Không, thưa bà, bà có vẻ không hiểu tôi. Ý của tôi là không cần tên của họ, chỉ cần con số là được.” Bà lão trả lời: “Nhưng tôi không biết chúng bằng con số. Tôi chỉ biết chúng bằng tên gọi!”.
* Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành nói rằng Người biết tên từng con chiên của mình.
- CHUYỆN ALEXANDER ĐẠI ĐẾ
Khi đại đế Alexander băng qua sa mạc Makran trên đường xâm chiếm Ba Tư, quân đội của ông đã cạn kiệt nước uống. Những người lính sắp phải chết khát khi họ tiến quân dưới cái nắng như thiêu như đốt của vùng sa mạc. Một vị trung úy của Alexander đã đoạt chiếm được một ít nước từ một đoàn lữ hành đi ngang qua đó. Họ mang đến cho ông trong một chiếc mũ sắt. Hoàng đế hỏi: “Có đủ nước cho tôi và cả người của tôi không?” Họ trả lời: “Thưa, chỉ có ngài thôi”. Alexander sau đó nâng mũ sắt lên để cho những người lính thấy, và thay vì uống, ông lật nghiêng rồi đổ nước xuống đất. Những người lính kêu lên một cách kinh ngạc đầy ngưỡng mộ. Họ biết vị tướng của họ sẽ không cho phép họ phải chịu đựng bất cứ điều gì mà chính ông muốn thoái thác.
- MỘT VỊ MỤC TỬ ĐÍCH THỰC
Chuyện xảy ra trong một trận chiến ác liệt tại biên giới Hàn Quốc, một người lính bị thương nặng đang hấp hối xin được gặp một linh mục. Bác sĩ quân y không biết tìm đâu ra. Ngay lúc đó một người bị thương khác nằm gần đó nghe thấy lời yêu cầu lên tiếng: “Tôi là một linh mục.” Bác sĩ quân y quay sang người vừa nói và thấy tình trạng của anh này cũng tồi tệ không kém người kia. Ông ta cảnh báo: “Anh không được di chuyển, nếu không anh sẽ chết”. Nhưng vị linh mục tuyên úy bị thương đáp lại: “Linh hồn của người kia đáng giá hơn một vài giờ của cuộc đời tôi.” Sau đó, ngài bò đến chỗ người lính đang hấp hối, nghe lời thú tội của anh ta, ban ơn giải tội và cả hai cùng chết, tay trong tay.
* Một hình ảnh vô cùng sống động về một mục tử.
- ĐỨC CHA ÓSCAR ROMERO
Tại thánh đường tổng giáo phận San Salvador ngày 24 tháng 3 năm 1980, một sát thủ đã giết Đức Tổng Giám mục Óscar Romero bằng một phát đạn vào tim khi ngài đang cử hành Thánh Lễ, kết thúc cuộc đời 62 năm của ngài ở trần gian. Chỉ vài phút trước đó, Đức Tổng Romero đã kết thúc bài giảng mang đầy niềm hy vọng cho người dân, trong đó ngài kêu gọi đất nước thực hiện công lý và mọi người phục vụ yêu thương nhau. Vì Đức Tổng Giám mục Romero đòi hỏi quyền lợi cho người dân nghèo khổ, những người bị loại trừ, và những người bị áp bức, nên ngài biết rằng mạng sống của mình bị đe dọa nặng nề. Tuy nhiên, ngài vẫn kiên trì lên tiếng chống lại chế độ chuyên chế và đòi tự do cho người dân El Salvador. Ngài từng nói với các nhà báo rằng ngay cả khi bị kẻ thù giết, ngài vẫn sống trong lòng người dân của mình. Đức cha Óscar Romero đã được Đức Giáo hoàng Phanxicô phong hiển thánh ngày 14 tháng mười, năm 2018. Ngài cũng đang được đệ đạt để tôn phong lên bậc Tiến sĩ Hội Thánh. Ngài được cả giáo hội Anh giáo và Lutherô tôn kính trong lịch phụng vụ. Ngài là một trong mười vị tử đạo của thế kỷ 20 được tạc tượng đặt trên Cửa Lớn phía Tây của tu viện Westninster ở London.
* Mục tử hi sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Theo một nhà viết tiểu sử về Đức cha Óscar Romero, một trong mười đặc điểm đời sống thiêng liêng của ngài là sống khổ chế và thực hành việc đền tội qua các bổn phận hằng ngày của đời sống mục tử.
- TẢNG ĐÁ BỊ LOẠI BỎ
Michelangelo có lẽ là nhà điêu khắc vĩ đại nhất mà thế giới từng biết đến. Ông ta có kiến thức thuần thục về đá cẩm thạch, và dường như sở hữu “đôi mắt tia X” để biết trước hình ảnh từ khối đá mà ông sẽ tạo ra qua đôi tay của mình. Một ngày nọ, một nhà điêu khắc đồng nghiệp bắt đầu chạm một khối đá cẩm thạch Carrara trắng để tạo hình một bức tượng. Là một nghệ sĩ hạng ba, ông đã mau chóng làm hỏng tác phẩm của mình và cuối cùng phải bỏ dở. Tệ hơn nữa, ông ta lại khoét một rãnh sâu vào khối đá, khiến nó bị hỏng và không còn sử dụng được. Michelangelo không chịu đầu hàng, ông muốn cứu tác phẩm. Với con mắt tinh tường, nhà điêu khắc thiên tài biết rằng phiến đá đồ sộ này có thể được tái tạo. Từ đó, ông đã bắt tay chạm khắc một trong những kiệt tác của mình, đó là bức tượng khổng lồ về Đavít trẻ tuổi, sẵn sàng với chiếc dây phóng đá của mình để tấn công Gôliath. Chỉ ở mặt sau của bức tượng còn một số dấu vết để lại từ vết đục sai lầm của nhà điêu khắc đầu tiên.
* Thánh vịnh 118 nói một cách tiên tri: “Viên đá mà những người thợ xây loại bỏ lại trở nên tảng đá góc tường”, Chúa Giêsu đã áp dụng lời tiên tri này cho chính Người.
- MỤC TỬ CỦA TÔI
Cái Tivi là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì,
Tôi không còn tơ tưởng thứ gì
Nó đặt tôi nằm dài êm ái trên võng
Nó khiến tôi rời xa đức tin
Nó hủy diệt tâm hồn tôi
Nó dẫn tôi đến con đường tình dục và bạo lực vì lợi ích của nhà quảng cáo
Dù bước đi trong bóng tối của các bổn phận Kitô hữu
Tôi không mệt mỏi vì có Tivi luôn ở với tôi
Hình cáp và điều khiển từ xa làm cho tôi an ủi
Nó chuẩn bị cho tôi một bữa tiệc hình ảnh tươi mát và tưng bừng náo nhiệt
Nó xức lên đầu tôi những khao khát cháy bỏng của thế giới tiêu thụ
Sự thèm muốn của tôi không bao giờ vơi cạn
Chắc chắn sự ngu dốt và lười biếng sẽ theo tôi suốt cả cuộc đời
Và tôi sẽ ở trong căn nhà khốn khó để xem Tivi mãi mãi!
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm