Chúa Nhật IV Phục Sinh – Năm C
CN.4.PS.C
(Cv 13,14.43-52; Kh 7,9.14-17; Ga 10,27-30)
21-4-2013
Tôi vừa đi Đà Nẵng dự lễ an táng của một linh mục, một mục tử.
Vị linh mục vừa mới qua đời đã noi gương Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành. Ngài biết những tiếng kêu than đau khổ của con chiên, và ra sức bảo vệ đàn chiên khỏi bị những bàn tay độc ác cướp giật.
Một linh mục đạo đức và khôn ngoan. Biêt bao đời Đức cha muốn đặt ngài làm cha sở Nhà Thờ Chính Tòa, làm cha Tổng Đại Diện. Ngài đều từ chối, để được ở với những giáo xứ nhà quê, những giáo xứ nghèo.
Cả một khu vực rộng lớn chỉ có một mình ngài. Ngài chịu khó sắp xếp để hằng tuần các nơi đều có thánh lễ. Đoàn chiên có Lời Chúa và Bánh hằng sống.
Không những để doàn chiên có Lời Chúa và có Bánh hắng sống, mà còn có niềm vui để vượt qua những đau thương thử thách. Vì như chúng ta biết sau năm 1975, khu vực Miền Trung gặp nhiều thử thách. Nhiều giáo dân đã phải vào Nam để sinh sống, để giũ đức tin. Giáo phận Xuân Lộc đông đúc giáo dân, thêm nhiều giáo xứ là nhờ giáo dân Miền Trung trốn vào lánh nạn.
Nhiều nhà thờ không còn những giáo dân có máu mặt, không còn những thanh niên nam nữ trẻ tuổi. Ca đoàn không còn người, hội đoàn không còn hội viên.
Ngày Tết hay ngày lễ, nhìn đoàn người đón xe về ăn Tết, về mừng lễ, chúng ta mới thấy được giáo hội Miền Trung giầu thử thách, nhưng nghèo tiền của, nghèo nhân sự.
Sau năm 1975, biết bao nhà thờ ở nhiều nơi bị trưng thu làm nhà kho, làm trường học. Khu vực của vị linh mục mới qua đời cũng chịu tình trạng đó, song ngài cũng cố gắng để sửa sang lại 13 nhà thờ.
Ngài còn biết chia sẻ. Sau năm 1975, tôi được sai về một xứ đạo bị bỏ hoang cả 11 năm, từ 1964 đến 1975. Nhà thờ và nhà xứ là đống gạch vụn, một đám cỏ hoang. Ngài đã giúp tôi xây dựng lại.
Từ năm 1972, mùa hè đỏ lửa, đến mãi năm 2009, 37 năm sống chết với đoàn chiên. Năm 2009, 75 tuổi, tuổi về hưu, Đức cha cũng chưa cho về. Ngài xin về ở một nhà thờ nhỏ ở tận cùng ranh giới của giáo phận. Ngài sửa lại nhà thờ, sửa lại nhà xứ.
Sau 4 năm sửa sang tạm xong, năm 2013, ngài làm đơn xin về hưu, thì Chúa gọi ngài về.
Khi ngài nằm xuống, nhìn những người giáo dân từ trên núi xuống, từ dưới biển lên, từ đồng bằng đến, vây quanh thi thể ngài; không chỉ khóc mà còn gào khóc, như những đứa con mất cha mất mẹ. Thế mới hiểu được thế nào là người mục tử nhân lành, và người giáo dân cần những mục tử nhân lành biết bao !
BTM : BTM thánh lễ hôm nay đã diển tả cuộc đời mục tử của Chúa Giêsu : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng nghe tiếng tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 7-28).
Bđ1 : Bđ1 hôm nay, sách Công Vụ Tông Đồ, đã kể cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên của thánh Phaolô. Thánh Phaolô cùng với thánh Banaba từ Antiokhia ở nước Syri vượt đại dương tới đảo Chypre, tức là quê hương của thánh Banaba. Rồi từ đảo Chypre, hai ngài lấy tầu tới Pec-ghê, từ Pecghê tới Antiôkhia của miền Tiểu Á, nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Tại Antiôkhia hai ngài bị người Do thái chống đối và bị trục xuất. Nhưng hai ngài không nản chí, vẫn đi tiếp tới Icôniô, tới Đéc-bê. Cuối cùng quay trở lại Antiôkhia của Syri. Dầu vất vả và chống đối, bđ1 kết thúc : “Các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13,52).
Bđ2 : Có lẽ Chúa đã thấy ngài chu toàn nhiệm vụ mục tử, Chúa gọi ngài về để hưởng phúc, như thánh Gioan trong bđ2, sách Khải Huyền, hôm nay mô tả : “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm lá thiên tuế. Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo của mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,9.14).
Hôm nay là ngày cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, ơn gọi tu sĩ, ơn gọi thợ làm vườn nho cho Chúa. Chúng ta biết vườn nho của Chúa càng ngày càng ít thợ. Chúng ta xin Chúa thổi Thánh Thần Chúa vào từng gia đình, từng tâm hồn, để có người, có gia đình đáp lại tiếng Chúa gọi, và có nhiều người nhiệt thành làm việc cho vườn nho của Chúa.
———————————-
CN.4.PS.C
29-4-2007
Hôm nay là chúa nhật 4 phục sinh. Bài Phúc âm là dụ ngôn “Người Mục Tử Nhân Lành”. Chúa Giêsu là người mục tử nhân lành, yêu thương đàn chiên. Chính ý nghĩa ấy, mà Giáo hội lấy chúa nhật hôm nay làm ngày cầu nguyện cho ơn gọi, cho ơn gọi linh mục và tu sĩ, để Giáo hội có hiều linh mục và tu sĩ coi sóc các đàn chiên.
Thánh giáo hòang Piô X, khi được làm giám mục, ngài về quê thăm mẹ. Ngài đưa bàn tay ra như khoe chiếc nhẫn giám mục. Ngài nói : “Mẹ coi chiếc nhẫn giám mục của con đẹp không ?”. Bà mẹ đưa mắt nhìn chiếc nhẫn giám mục của con, sau đó bà đưa bàn tay nhăn nheo của tuổi già của bà ra và bà nói : “Chiếc nhẫn giám mục của con đẹp lắm. Nhưng con sẽ không có chiếc nhẫn đẹp đó, nếu không có chiếc nhẫn cưới của mẹ đây !”
Câu chuyện rất đon sơ, nhưng chứa đựng một chân lý rất sâu sắc. Chân lý đó được nhà văn Pháp Réné Bazin diễn tả vắn tắt như sau : “Có những người mẹ có tâm hồn linh mục và các bà thường truyền tâm hồn linh mục ấy cho con cái.” Đúng vậy, không thể có linh mục tu sĩ, nếu cha mẹ không có tâm hồn linh mục tu sĩ.
Ai trong chúng ta cũng biết thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Cha mẹ ngài là ông Louis Martin và bà Marie Gúerin. Ông muốn đi tu. Ông trèo lên núi gõ cửa tu viện Bernard. Ở được ít ngày cha bề trên cho về, vì cha thấy ông Louis kém tiếng Latinh. Bà Marie Gúerin cũng đến gõ cửa nữ tu viện Vinh sơn Phaolô. Bà chẳng được ở một ngày. Bà bề trên vừa thấy bà đã nói bà không có ơn gọi, vì bà bệnh tật ốm yếu Bà ra về, lòng thầm ước nguyện : “Lạy Chúa, con không đáng làm bạn trăm năm với Chúa. Con xin vui lòng làm bạn với người trần mà Chúa muốn. Xin Chúa ban cho con sinh được nhiều con. Con sẽ hiến dâng cho Chúa hết trong đời tu.”
Hai ông bà làm lễ cưới tại nhà thờ Đức Bà Alecon, vào ngày 13-8-1858, gần ngày lể Đức Mẹ lên trời. Đêm đó, ông Louis thỏ thẻ bên tai bà Marie : “Này em, con chúng mình sinh ra sẽ thể hiện ước mơ mà hai chúng mình ngày trước đã mơ ước mà không thành.” Bà vui sướng rưng rưng nước mắt, không ngờ cả hai cùng một nguyện ước. Hai ông bà sinh được 9 người con : 7 gái và 2 trai, nhưng chết 4 còn 5. Cả 5 cô gái đều đi tu.
Trong chuyến viếng thăm nước Pháp. Ngày 5-10-1986 Đức giáo hòang Gioan-Phaolô II đã tới Lyon để phong chân phước cho cha Chevrier. Khi mang thai cha, mẹ cha luôn luôn cầu nguyện cho cha trở thành linh mục. Cứ mỗi ngày thứ bảy, bà đều leo lên núi, đến Đền Đức Mẹ, dâng đúa con trong bụng cho Đức Mẹ. Bà cẩn thận đến nỗi sọan một lời nguyện để mỗi thứ bảy lên Đền cầu khẩn Đức Mẹ :
Lạy Đức nữ đồng trinh Maria
Mẹ rất là thánh thiện
Con của con cũng là con của Mẹ
Con trao phó con con cho Mẹ
Nếu sau này nó khohg làm tôi Mẹ hết lòng
Xin Mẹ thương đưa con con về với Mẹ
Ngay sau khi nó được rủa tội.”
—————————
CNPS.IV.C
2-5-2004
Trong lịch Công giáo, Chúa nhật IV Phục sinh hôm nay gọi là “Chúa nhật Chúa chiên lành”. Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay sẽ cho chúng ta biết Chúa thật là vị mục tử nhân lành.
Bài Tin Mừng : Bài TM của thánh lễ là dụ ngôn “Vị mục tử nhân lành”. Trước khi kể dụ ngôn này, thánh Gioan đã kể phép lạ Chúa Giêsu chữa anh mù từ thuở mới sinh. Các nhà lãnh đạo Do thái đã không tin là Chúa Giêsu chữa lành. Thậm chí đã tra vấn anh và cả cha mẹ anh, vậy mà họ vẫn không tin. Khi nghe anh mù tin nhận Chúa thì họ trục xuất anh khỏi cộng đoàn Do thái, khỏi đàn chiên của họ. Nghe nói những nhà lãnh đạo Do thái trục xuất anh, Chúa Giêsu đã đến gặp anh, và nhận anh vào đàn chiên của Người (Ga 9,1-40).
Khi kể dụ ngôn “Người chăn chiên nhân lành”, sau phép lạ chữa anh mù, thánh Gioan muốn nói rằng : các nhà lãnh đạo Do thái không phải là người chăn chiên thật. Họ chỉ là kẻ trộm : “Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá hủy” (10,10, chỉ là kẻ làm thuê : “Người làm thuê, không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê và không thiết gì đến chiên” (10,12-13).
Còn Chúa Giêsu mới là mục tử nhân lành đích thực. Người biết chiên của Người : “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (10,14), Người chăm lo và hy sinh cho chiên : “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,15), Người còn đem các chiên khác về đàn : “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (10,16).
Thánh Gioan còn cho biết : Chúa Giêsu chữa anh mù và nói dụ ngôn “Người chăn chiên nhân lành” vào dịp lễ Cung Hiến Đền Thờ Giêrusalem. Lễ này được mừng vào giữa tháng 12, mùa đông. Lễ kéo dài 9 ngày. Gốc tích ngày lễ là năm 164 trước Chúa giáng sinh, sau khi đánh đuổi được quân xâm lược của vua An-ti-ô-cô nước Sy-ri ra khỏi nước, anh em ông Giuđa Mác-ca-bê đã thanh tẩy Đền Thờ Giêrusalem. Sách Máccabê kể : “Bấy giờ ông Giuđa và các anh em nói : ‘Này kẻ thù của chúng ta đã bị đập tan, chúng ta hãy lên thanh tẩy và cung hiến Nơi Thánh” (1Mcb 4,36).
Trong lễ này người ta đọc đoạn sách ngôn sứ Êdêkien, đoạn sách hạch tội các mục tử nhà It-ra-en : “Khốn cho các mục tử Ítraen, những kẻ chỉ biết lo cho mình…Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt” (Eâd 34,2-3). Rồi Chúa nói : “Ta chống lại các mục tử. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta. Ta sẽ không để chúng chăn dắt chiên…Chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta…Con nào bị mất Ta sẽ đi tìm, con nào đi lạc Ta sẽ đưa về, con nào bị thương Ta sẽ băng bó, con nào bệnh tật Ta sẽ làm cho mạnh…Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử chăn dắt chúng” (Ed 34,10.16.23).
Chúa Giêsu chính là vị mục tử Thiên Chúa cho xuất hiện. Chúa Giêsu nói : “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi” (10,29). Chẳng những Chúa Giêsu là Đấng Thiên Chúa sai đến, mà còn là Thiên Chúa : “Tôi và Chúa Cha là một” (10,30). Chính vì vậy, tình liên đới giữa Chúa Giêsu và các con chiên không chỉ ở trên bình diện con người với con người, mà còn ở trên bình diện Thiên Chúa với con người : “Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha” (10,14-15).
Bài đoc 2 : Nhờ lòng nhân lành của Chúa chiên Giêsu, hy sinh mạng sống cho đoàn chiên, mà nhân loại nhận được ơn cứu độ. Bđ 2 trong sách Khải huyền viết : “Tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên (Kh 7,9). Biết bao con chiên đã được : “Giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (7,14). “Họ đứng trước ngai”, tức là họ được chỗi dậy, được phục sinh. “Họ mặc áo trắng” tức là họ được sạch tội. “Tay cầm nhành lá thiên tuế”, tức là họ đã chiến thắng “khi trải qua cơn thử thách lớn lao”.
Bài đọc 1 : Ơn cứu độ của Chúa chiên Giêsu thể hiện rõ ràng trong cuộc đời thánh Phaolô. Từ một người bắt đạo trở thành người giảng đạo, từ một con chiên xa đàn trở thành chủ đàn chiên. Thật đúng như Thiên Chúa đã nói : “Con nào bị mất Ta sẽ đi tìm, con nào đi lạc Ta sẽ đưa về, con nào bị thương Ta sẽ băng bó, con nào bệnh tật Ta sẽ làm cho mạnh…Ta sẽ cho xuất hiện một mục tử chăn dắt chúng”.
Bđ1 hôm nay, sách Công Vụ Tông Đồ đã kể cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên của thánh Phaolô. Thánh Phaolô cùng với thánh Banaba từ Antiokhia ở nước Syri vượt đại dương tới đảo Chypre, tức là quê hương của thánh Banaba. Rồi từ đảo Chypre, hai ngài lấy tầu tới Pec-ghê, từ Pecghê tới Antiôkhia của miền Tiểu Á, ở nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Tại Antiôkhia hai ngài bị người Do thái chống đối và bị trục xuất. Nhưng hai ngài không nản chí, vẫn đi tiếp tới Icôniô, tới Đéc-bê. Cuối cùng quay trở lại Antiôkhia của Syri. Dầu vất vả và bị chống đối, bđ1 kết thúc : “Các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần” (Cv 13,52).
Thánh Phaolô, thánh Banaba cũng như các thánh tông đồ khác, đã noi gương Chúa, là những vị mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống cho đoàn chiên.
Các vị mục tử Việt Nam thời Giáo hội khai sinh cũng thế. Các ngài vừa nhiệt tâm vì Nhà Chúa, vừa hy sinh cho đoàn chiên, như thánh linh mục Philipphê Phan Văn Minh, quê Cái Mơn, Vĩnh Long. Sau khi được Đức cha Cuenot Thể phong chức linh mục tại Gia Hựu, Qui Nhơn, cha về Miền Nam coi sóc các họ đạo ở Tiền Giang và Hậu Giang. Ngày 26-2-1853, đang trú ẩn ở nhà ông trùm Lựu tại họ đạo Mặc Bắc, cha bị bắt. Lúc đầu họ mới bắt được ông trùm Lựu, chưa bắt được cha. Nhưng vì sợ có hại cho gia đình ông trùm, cha đã ra đầu thú. Họ trói và bắt cha đeo gông giải về Vĩnh Long. Sau 4 tháng tù đày, ngày 3-7-1853 cha bị chém đầu tại Cái Sơn Bé, bên giòng sông Long Hồ.
Hôm nay, Giáo hội cũng muốn mọi người cầu nguyện cho chúng tôi, những linh mục. Chúng tôi cần lời cầu nguyện của anh chị em, chỉ vì chúng tôi cũng yếu đuối và có nhiều nết xấu, làm buồn lòng Chúa và làm khổ đàn chiên. Mỗi ngày thứ năm, vào cuối lễ, nghe anh chị em hát cầu cho các linh mục, tôi xúc động về lòng qúi mến linh mục của anh chị em, đồng thời cũng hổ thẹn vì đời sống linh mục bất xứng của mình.
Hôm nay, chúng ta cũng cầu nguyện cho có nhiều thanh thiếu niên, quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa, để coi sóc đoàn chiên Chúa. Hãy tưởng tượng một đàn chiên không có người chăn dắt. Biết bao là tai hại. Lúa chín đầy đồng. Xin Chúa sai nhiều thợ đến gặt lúa.
Linh mục Nguyễn Trung Thành