Chúa Nhật IV Thường Niên – Năm B


CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN – NĂM B

(Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28)

31-1-2021

 

Cha Đắc Lộ giảng đạo ở miền Bắc

Ngày 19-3-1627 tầu cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và cha Marques từ Áo Môn (Ma Cao) tới Cửa Bạng, Thanh Hóa. Ngày 2-7-1627 các cha tới Kẻ Chợ (Hà Nội). Cha Nguyễn Hồng kể: “Những người muốn học đạo, các cha chia ra từng lớp, độ hai ba chục, khi đông thì bốn năm chục. Thời gian học chia làm tám ngày, mỗi ngày một buổi… Số người đến học đạo rất đông, hết lớp này đến lớp khác, thành ra mỗi ngày các cha phải giảng bốn năm lần, có khi đến sáu lần. Mỗi tuần hai lần các cha làm phép rửa cho những người đã học đạo đầy đủ, mỗi lần ít nhất là hai chục, nhiều khi đến ba bốn chục hay hơn. Đến cuối năm 1627 hai cha rửa tội được 1200 người, năm 1628 hai ngàn, năm 1629 hơn ba ngàn rưỡi (Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 119).

Thiên Chúa còn ban nhiều ơn lạ để đức tin càng ngày càng ăn rễ sâu và lớn lên vững mạnh. Cha Đắc Lộ đã ví những ơn lạ đó như những gáo nước đem nguồn sinh lực, tưới cho cây Giáo Hội Việt Nam mới được vun trồng bén rễ sâu xuống đất và lớn mạnh lên để có thể đương đầu với những giông tố bách hại sẽ xảy đến. Cha đã áp dụng cho GHVN lời Đức Thánh Cha Grêgôriô Cả (590-604) nói về thời kỳ đầu  của các Thánh Tông Đồ: “Chúng ta trồng cây non, bao lâu cây chưa bén rễ chắc chắn, chúng ta còn phải lo vun tưới săn sóc, thì Chúa quan phòng cũng thế, để cho Giáo Hội mới chớm nở được thêm số người lành, để họ mỗi ngày bền vững trong đức tin, Người đã nuôi nấng bằng cỏ phép lạ và đã tưới bằng sữa ơn lạ” (Sđd trang 121).

Có một quan lớn trong triều, con rể nhà vua, đến tìm các cha. Ông không có đạo, nhưng đã được nghe nói đến nhiều ơn lạ Chúa bên đạo ‘đã làm nhờ lòng tin tưởng cầu khấn của họ với nước thánh và dấu thập giá’. Một trong những xã mà nhà vua ban cho ông để thưởng công, dân xã đang bị một thứ dịch tễ, chết hại rất nhiều. Ông xin hai cha ban cho ít nước thánh để đem về rẩy trong xã trừ tà ma đến quấy hại dân chúng.

Cha chọn 6 người có đạo, giao cho họ nước thánh và tượng ảnh đưa đến nơi đó. Đeo Thánh giá và tràng hạt trước ngực. Sáu chiến sĩ ra đi, đầy lòng tin tưởng ở lòng thương xót của Chúa trời đất. Đến nơi họ lập một bàn thờ ở ngôi nhà cổng làng; đặt ảnh tượng lên trên, rồi quì đọc kinh sốt sắng. Sau đó họ dựng ba Thánh giá lớn ở giữa làng và ở hai cổng, rồi chia từng bọn hai người một đi thăm các gia đình người ốm. Số người bị mắc dịch có tới 270 người. Đem theo nước thánh để rẩy, họ khuyên các gia dình cắm Thánh giá trên nóc nhà. Vì lòng tin tưởng cầu khẩn của 6 người chiến sĩ đó, Chúa đã dùng những vật liệu trần tục để làm phương tiện ban ơn. Trong có 8 ngày tất cả những người mắc bệnh dịch đều khỏi cả. Dân làng trở lại rất đông” (Sđd trang 122).

Nhìn cách tổ chức lớp giáo lý, cách đi thăm và cầu nguyện cho các nhà bệnh nhân thời tiên khởi của Giáo Hội Miền Bắc, chúng ta thấy cần có những vị mục tử chỉ huy. Lời Chúa trong thánh lễ cũng nói lên tầm quan trọng của các mục tử.

 

Bài đọc 1: Bđ1 đọc sách Đệ Nhị Luật. Bài đọc kể chuyện Thiên Chúa chọn người thay thế ông Môsê khi ông qua đời. Người Chúa chọn là: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng. Ta sẽ đặt Lời của Ta trong miệng của người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Những ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói. hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ ấy phải chết” (Đnl 18, 18-20).

Bài Tin Mừng: BTM đọc sách Tin Mừng thánh Mác-cô. Cha Nguyễn Công Đoan giải nghĩa đoạn sách này như sau: “Sau khi bố trí bốn môn đệ đầu tiên đi theo Đức Giê-su, Mc cho chúng ta chứng kiến ngày đầu tiên Người rao giảng trong hội đường Ca-phác-na-um (Người Này Là Con Thiên Chúa. Tĩnh Tâm với Sách Tin Mừng Mác-cô, trang 40).

 Như đã nói trên, Ca-phác-na-um là ngã tư quốc tế trên trục Đông Tây, Nam Bắc nên là nơi thuận tiện để Tin Mừng có thể lan đi khắp bốn phương. Đức Giê-su sẽ đi khắp vùng Ga-li-lê, lên tới Tia và Si-đôn, qua tới miền Thập Tỉnh ở bên kia Biển Hồ, nhưng Ngài đã chọn nơi này làm ‘trung tâm’, ‘nhà’ của Người ở đây (x. Mc 9,33, Sđd trang 41).

Ngày sa-bát là ngày lễ nghỉ hằng tuần, để tham dự vào sự nghỉ ngơi của Thiên Chúa sau khi tạo dựng (x. Xh 20,8-12) và hưởng sự nghỉ ngơi Thiên Chúa ban cho khi giải thoát dân Chúa khỏi ách nô lệ Ai Cập (x. Đnl 5,12-15). Ngày sa-bát là thời gian để nghe Lời Thiên Chúa và để cầu nguyện. Hội đường là nơi tụ họp để nghe Lời Thiên Chúa. “Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy”. Mác-cô đã không cho biết Chúa đã giảng điều gì, nhưng cho biết ngay phản ứng của người nghe.

“Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có quyền, chứ không như các kinh sư”. Các kinh sư là những người chuyên học hỏi Luật Mô-sê và dạy dỗ dân chúng, khi giảng luôn dựa vào lời các bậc thầy nổi tiếng, càng ngược lên tới gần Mô-sê thì càng có giá trị. Còn Đức Giê-su thì giảng dạy như Đấng có quyền. Tin Mừng Mát-thêu cho chúng ta thấy rõ điều này, đặc biệt trong Bài Giảng Trên Núi: các ngươi đã nghe…còn tôi, tôi bảo các ngươi ‘. (Sđd trang 41).

 Để thấy quyền của Đức Giê-su thế nào, Mác-cô kể phản ứng của thần ô uế: ‘Lập tức trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập la lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Xa-tan đã nghe được tiếng từ trời ở sông Gio-đan, đã bị Con Thiên Chúa đánh bại tận sào huyệt, lập tức tru tréo lên phản kháng và ‘phá đám’ bằng cách hô cho người ta biết rằng nó biết Đức Giê-su là ai. Đức Giê-su liền ‘quát mắng nó’: ‘Câm đi, hãy xuất khỏi người này’. Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng và xuất khỏi anh ta”. Chúa không cho thần ô uế nói vì mỗi người phải nghe, phải nhìn và nhận ra Ngài là ai để tin vào Tin Mừng. Thần ô uế tính phá đám bằng cách mách lẻo để người ta không chú ý nghe và nhìn nữa. Mác-cô lại cho thấy phản ứng của những người đã thấy, đã nghe: ‘Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Trong trình thuật tạo dựng ở đầu sách Sáng Thế, Lời Thiên Chúa hữu hiệu để phân cách ánh sáng và bóng tối, ngày và đêm, nước trên bầu trời và nước dưới bầu trời, đặt giới hạn giữa biển và đất. Lời Con Thiên Chúa cũng là lời tạo dựng làm nên các môn đệ và xua đuổi thần ô uế tối tăm ra khỏi con người (Sđd trang 42).

Bài đọc 2: Bđ2 đọc thư thứ nhất Cô-rin-tô của thánh Phao-lô. Sách Tân Ước năm 1994 của nhóm CGKPV giới thiệu như sau: “Giáo đoàn Cô-rin-tô được thánh Phao-lô thành lập trong chuyến đi truyền giáo lần thứ hai. Thánh nhân đã ở lại giảng đạo tại đó hơn 18 tháng (Cv 181-8), từ cuối năm 50 đến giữa năm 52…

 Thành phố này là trung tâm văn hóa Hy Lạp, là giao điểm của nhiều trào lưu tư tưởng và tôn giáo khác nhau, với một nhịp sống xô bồ ai cũng biết tiếng. Nơi đây còn có những vấn đề xã hội của mọi thành phố lớn: thiểu số dân cư là giầu, còn đa số là nghèo, gồm những nô lệ, người cùng đinh bị khinh chê, người thấp cổ bé họng. Điều này ảnh hưởng đến tinh thần giáo đoàn: các tín hữu thật sốt sắng, nhưng lại bị nhịp sống vô đạo vô luân bên ngoài đe dọa. Đức tin Kitô giáo còn non trẻ tiếp xúc với một thành phố như thế quả là một sự kiện đặt ra nhiều vấn đề tế nhị cho người đạo mới (trang 657).

Bđ2 hôm nay Chúa nói: “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa; họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời, họ tìm cách làm đẹp lòng vợ. Thế là họ bị chia đôi” (1Cr 7, 32-34)

Tác giả (vô danh) của tập sách “Trình Bày Lời Chúa Năm B” suy niệm vê đức trinh khiết như sau: “Thật ai cũng thấy thánh Tông đồ (Phaolô) đề cao tình trạng độc thân, đời trinh khiết là đáng quí hơn và khuyên một cách kín đáo những ai có thể thì nên sống như vậy. Ngài lưu ý rằng tiết dục tự nó là đáng quí, nhưng với điều kiện là phải khôn ngoan và thích hợp với hoàn cảnh từng người.

 Vị tông đồ không ngần ngại đồng hóa đức trinh khiết tự chọn với mầu nhiệm kết hợp của linh hồn cùng Chúa, vì nếu hôn nhân biểu tượng cho sự hợp nhất của Đức Kitô và của Hội thánh, thì đức trinh khiết tự hiến còn làm cho sự hợp nhất đó tốt hơn nữa. Ai từ chối kết hôn sẽ yêu mến Chúa và sẽ tìm làm đẹp lòng Chúa hơn, sẽ dấn thân lo việc Chúa hơn. Tất nhiên không phải chỉ những người đó mới lo đến việc Chúa, nhưng chỉ có họ dễ dàng dốc hết tâm lực vào việc ấy dễ dàng, vì không phải quan tâm đến những nhu cầu vật chất đời sống gia đình và xã hội. Họ sẵn sàng không bị chia sẻ, và có thể liên tục đối với việc cầu nguyện và tông đồ. Rõ ràng không vì tư tưởng ích kỷ mà nồng nhiêt đề cao đức trinh khiết, nhưng vì lý do thần bí này là ‘để làm đẹp lòng Chúa, để lo việc Chúa” (trang 248-249).

Lạy Mẹ Trà Kiệu và Chân phước Anrê-Phú Yên xin nâng đỡ các vị mục tử của Giáo phận chúng con.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành