Chúa Nhật IV TN Năm A – Lễ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thờ


CN 4 TN A

2-2-2020

CHẦU THÁNH THÊ

Giáo xứ Hòa Khánh

GIÁO HUẤN SỐ 10

Lời Thiên Chúa Nói Gì Về Người Trẻ (tt)

Mặt khác, trong Tin Mừng Mátthêu chúng ta gặp một chàng trai trẻ (x. M 19,20-22) đến gặp Đức Giêsu và hỏi xem mình còn có thể làm gì nữa (c.20), ở đây,anh cho thấy tinh thần cởi mở của chất trẻ, muốn kiếm tìm những chân trời mới và những thách đố lớn lao. Nhưng thực sự tinh thần của anh không được trẻ trung như thế, vì anh đã bị cột chặt vào của cải và những tiện nghi. Anh nói rằng anh muốn điều gì đó, nhưng khi Đức Giêsu đề nghị anh quảng đại chia sẻ tài sản của mình, thì anh nhận ra anh không thể buông bỏ mọi thứ mà mình đang có. Cuối cùng, “nghe những lời ấy, người thanh niên buồn rầu bỏ đi” (c.22). Anh đã đánh mất sự trẻ trung của mình (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống số 18).

—————————————————

CN 4 TN A

(Ngày Cầu Nguyện Cho Đời Sống Thánh Hiến)

(Ml 3,1-4; Dt 2,14-18; Lc 2,22-40)

“Chú Thiện” sinh năm 1820 trong một gia đình đạo hạnh làng Trung Quán, tỉnh Quảng Bình.

Nữ tu Mađalêna Yến, một nhân chứng sống cùng thời thuật lại rằng : “Chú Thiện có một người dì, gọi là dì Nghị, làm bà nhất nhà phước Trung Quán. Chú thường lui tới thăm dì và tỏ ra rất ngoan ngoãn, nhu mì, lễ phép. Khi linh mục đến dâng lễ ở họ nhà, chú quỳ dự lễ nghiêm trang. Lên tám, lên chín tuổi, chú bắt đầu học chữ Nho, tỏ ra thông minh bền chí và tiến bộ rất nhanh.

Có lần chú theo dì Nghị đi lễ ở họ Mỹ Lương, sau lễ vào chào các linh mục. Các cha thấy cậu bé khôi ngô, hiền lành đều hỏi : “Con có muốn ở chú (đi tu) với cha không” ? Chú Tôma Thiện không thưa gì. Nhưng, chỉ ít lâu sau, người ta thấy chú thường xuyên ở nhà cha Chính, họ Kẻ Sen. Vị linh mục này đã dạy tiếng Latinh cho chú nhiều năm…

Nhờ tính tình tốt lành và trí thông minh, năm 18 tuổi (1838), chú Thiện được cha giám đốc Candalh Kim gọi về chủng viện Di Loan, Quảng Trị. Nhận được tin, chú Thiện cùng với người chị tên Sao hăng hái lên đường. Dọc đường hai chị em gặp nữ tu Yến từ Di Loan về cho biết cha bề trên Candalh Kim đã trốn và quân lính đang lùng bắt, rồi khuyên hai chị em đừng đi nữa, nhưng chú Thiện tỏ ra cương quyết : “Dầu không gặp cha Bề Trên, con cũng phải đến tận nơi để biết rõ sự thể. Cha đã gọi, không lẽ chưa đến nơi đã bỏ về”.

Tới chủng viện, hai chị em trình diện với cha Tự. Ngài nói : “Chúng tôi lo trốn chưa xong mà chị còn dẫn em đến, chỉ làm khó khăn thêm cho chúng tôi”. Chị Sao đáp: “Thưa cha, em con nhờ con dẫn đi, vì có giấy cha Bề trên gọi. Chúng con không biết cuộc bắt đạo lại xảy ra bất ngờ như thế”.

Hai ngày sau, quân lính bao vây làng Di Loan, lục soát từng nhà. Không tìm thấy cha Kim, nên truyền tra hỏi cặn kẽ để biết cha Bề trên trốn ở đâu. Quan khuyên chú chối đạo, nếu không sẽ bị chết. Chú Thiện thành thật trả lời: “Tôi quê ở Trung Quán, Quảng Bình, đến tìm thày học đạo. Đạo dạy tôi thờ Thiên Chúa là đạo thật, tôi sẵn sàng chịu chết chứ không bỏ đạo”.

Quan tỏ ra khoan nhượng khuyên dụ chú Thiện nhiều lần : nào là tuổi còn nhỏ, tương lai nhiều triển vọng, nào là sẽ thăng quan tiến chức nếu bỏ đạo. Hơn thế nũa, quan còn muốn nhận chú làm con rể mình, và sẽ đứng ra lo liệu cưới xin. Nhưng chú Thiện đã từ chối: “Tôi chỉ mong chức quyền trên trời, chứ không màng đến quyền chức trần thế

Sau khi bất lực trước ý chí sắt đá của Tôma Thiện, quan truyền giam chú chung với cha Jaccard Phan. Hai cha con gặp nhau vui mừng hết sức. Chú Thiện được cha an ủi, khích lệ. Riêng cha Phan thì sung sướng hãnh diện có một người con tinh thần dũng cảm trong đức tin. Hai cha con cùng nhau cầu nguyện, nâng đỡ trợ gíup lẫn nhau và quyết chí trung thành với đạo đến cùng.

Sáng ngày 21.9.1838, hai cha con chứng nhân Chúa Kitô cùng được dẫn ra pháp trường ở làng Nhan Biều gần Quảng trị. Khi đi qua một quán ăn, viên đội chỉ huy cho hai vị dừng chân, ăn uống theo thói quen dành cho tử tội. Cha Phan không dùng gì cả, chú Thiện thưa với cha: “Con cũng không ăn, để về dự tiệc Thiên Đường vĩnh phúc”. Tới nơi xử, chú Tôma Thiện quỳ xuống, lính tháo gông, tròng dây vào cổ. Lệnh xử ban hành, họ kéo hai đầu dây thật mạnh, dầu vị tử đạo 18 xuân gục xuống. Sau đó, đến lượt cha Phan cũng bị xử như vậy (Uống Nước Nhớ Nguồn, mạng Giáo xứ Đaminh Ba Chuông).

Cuộc đời đi tu và tử đạo của chủng sinh Tôma Thiện là hình ảnh ngày lễ hiến dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ hôm nay.

Bài đọc 1 : Đa số các nhà chú giải Kinh Thánh đều đồng ý rằng sách Ma-la-khi trong bđ1 là của  một tác giả vô danh. Ma-la-khi không phải là tên riêng của một tác giả cho bằng một tên chỉ chức vụ; trong tiếng Híp-ri, Ma-la-khi có nghĩa là thần sứ của Ta. Có lẽ vì thế mà người ta không biết gì nhiều về con người của ông. Theo Ml 3,1 người ta chỉ biết ông là vị sứ giả, vị tiền hô đi trước để dọn đường cho Ngày Đức Chúa ngự đến. Và có thể ông cũng được đồng hoá với ngôn sứ Ê-li-a sẽ trở lại (x. 3,23-24) (Mạng KTCGKPV).

Bài Tin Mừng : Luca muốn ghi lại sự kiện này để cho thấy nhiệt tâm của cha mẹ Đức Giê-su ; và đặc biệt để lưu ý đây là lần đầu tiên Đức Giê-su thi hành việc phụng tự, ngay tại thánh đô Giê-ru-sa-lem. Điểm này quan trọng, vì đối với Lu-ca, Giê-ru-sa-lem sẽ là trung tâm điểm của biến cố Phục Sinh và khởi điểm của công cuộc truyền bá Ki-tô giáo” (Mạng KTCGKPV).

Bài đọc 2 : Đạo lý của bức thư Hip-ri (Do Thái) là khi bị thử thách phải tin tưởng và kiên trì (6,12 ; 10,36 ; 12,1-13). Nếu Đức Ki-tô đã chịu khổ, chịu chết và biến những thứ đó thành con đường đưa Người tới vinh quang (2,9) và đem lại ơn cứu độ cho chúng ta (5,8-9) thì không phải để miễn chết cho chúng ta, mà chính là để giúp chúng ta đem tất cả lòng tin tưởng ra mà đương đầu với những thứ đó (12,2-3). Dù nhấn mạnh rất nhiều đến hiệu năng tuyệt đối của hy lễ độc nhất vô nhị của Đức Ki-tô, tác giả vẫn không ngần ngại trình bày đời sống Ki-tô hữu như là một cuộc dâng hiến các hy lễ. Người khuyên các tín hữu dâng lên Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, một hy lễ ngợi khen không ngừng (13,15), cũng như xác quyết giá trị hy tế của đức ái và công việc phục vụ tha nhân (13,16). Theo gương hy tế của Đức Ki-tô và sống kết hợp với Người, tín hữu không đặt công việc thờ phượng ở bên lề cuộc sống, nhưng kết hợp với Thiên Chúa bằng đời sống thực của mình. Như thế không có nghĩa là hoàn toàn đắm mình trong thế gian (x. 13,12-14), cũng không phải là làm cho cộng đồng Ki-tô hữu hoà tan trong đó. Ngược lại, tác giả nhắc cho các tín hữu nhớ rằng họ cần phải sống gắn bó với nhau, người này săn sóc đến người kia (3,12 ; 4,1.11 ; 20,24 ; 12,15) ; phải siêng năng tham dự các buổi kinh lễ (10,25), tuân phục các vị lãnh đạo (13,7) ; và phụng vụ (6,4 ; 10,19-22.29 ; 13,10) cũng nhiều lần được nhắc tới.

Thật là ảo tưởng nếu ai nghĩ rằng có thể đến cùng Thiên Chúa mà không kết hợp với Đức Ki-tô và anh em mình. Như vậy, đọc thư gửi tín hữu Híp-ri, người ta có được một hình ảnh rất rõ và đặc biệt quân bình về Ki-tô hữu  (Mạng KTCGKPV).

Cuộc đời kitô hữu lá một của lễ, là sự hiến dâng cho Thiên Chúa, đòi hỏi hy sinh và vâng theo thánh ý Chúa, noi gương chủng sinh Tôma Thiện.

Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, Mẹ đầy ơn phước và quyền năng, Mẹ là Mẹ các giáo hữu. Mẹ luôn cầm phủ việt mà Chúa Cha đã trao cho Mẹ, để bênh vực Chúa Giêsu Hài Đồng đang sợ hãi nép mình vào Mẹ trong cơn cuồng phong bách hại. Chúng con xin Mẹ thương đến chúng con, cho mọi tín hữu biết can đảm tuyên xưng đức tin, biết cải thiện đời sống, để trở thành một công đoàn hiệp nhất chia sẻ và yêu thương.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành