Chúa Nhật IV TN Năm B


CN.4.TN.B

(Đnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28)

Giáo Huấn số 46 (Lịch GP trang 113) :

Một trái tim lớn : Ngoài tổ ấm nhỏ của đôi vợ chồng và con cái, còn có gia đình mở rộng mà ta không thể bỏ qua. Thật vậy, “tình yêu giữa người nam và người nữ trong hôn nhân, từ đó mở rộng ra hơn, tình yêu thương giữa các thành viên trong cùng một gia đình – giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em, giữa bà con họ hàng thân thuộc – nhận được hồn sống và sự nâng đỡ bởi một sức năng động nội tại đưa dẫn gia đình đến một tình hiệp thông mỗi lúc một sâu xa và đậm đà hơn, làm nền tảng và nguyên lý cho cộng đoàn hôn nhân và gia đình”. Trong khung cảnh ấy còn có các bạn hữu và các gia đình thân hữu, và cả những cộng đoàn gia đình hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, trong những dấn thân xã hội và trong đức tin (NVCTY số 196).

Giáo phận chẳng khác gì một gia đình cũng gồm nhiều thành viên. Những ngày kỷ niệm thành lập Giáo Phận là dịp để chúng ta nhớ ơn các bậc tiền nhân và những thành viên của Giáo Phận.

——————————————- 

CN.4.TN.B

Lễ Bế mạc Đại Lễ Kim Khánh Thành Lập Giáo Phận (18.1.1963-18.1.2013) và kỷ niệm 400 năm Ngày Đón Nhận Tin Mừng (18.1.1615-18.1.2015), chúng ta được diễm phúc đón mừng Đức Hồng y Filoni, Bộ Trưởng Loan Báo Tin Mừng, đến Đà Nẵng chủ tọa Đại lễ.

Ngày 18-1 năm nay, 55 năm thành lập Giáo phận, sáng tại nhà thờ Hội An Đức cha Giuse phong chức phó tế cho ba thầy, chiều Đức cha làm phép nhà thờ An Hải.

Nhớ ngày thành lập Giáo Phận, làm sao quên được Đức Giám mục tiên khởi

 PHÊRÔ MARIA PHẠM NGỌC CHI.

Thứ bảy ngày 20-1-2018, nhớ 30 năm Đức cha Phêrô-Maria tạ thế,

Đức cha Giuse  và Giáo phận đã dâng lễ cầu nguyện cho ngài.

Ngài sinh ngày 14-5-1909, tại giáo xứ Tôn Đạo, giáo phận Phát Diệm.

Năm 1920 vào tiểu chủng viện

Năm 1927-1933 : du học trường Truyền Giáo Rôma, tiến sĩ Triết,

và cử nhân Thần Học.

Ngày 23-12-1933 : chịu chức linh mục tại Rôma

Năm 1934-1936 : học Học Viện Công Giáo Paris, cử nhân Giáo Luật và Dân Luật.

Năm 1936- 1950 : Giáo sư và Giám đốc Đại Chủng Viện Thượng Kiệm

Năm 1946 : Trúng cử Quốc Hội nước Việt Nam Dân Chủ, nhưng không nhận.

Ngày 3-2-1950 : Giám mục Giáo phận Bùi Chu.

Khẩu hiệu “Vâng Lời Thày, Con Xin Thả Lưới”. Gửi hơn 50 linh mục, chủng sinh, nam nữ tu sĩ đi du học : 18 đi Pháp, 13 đi Mỹ, 9 đi Bỉ, 5 Rôma, 5 Canađa.

Năm 1954 : Chủ tịch Ủy Ban Hỗ Trợ Định Cư Miền Nam

Năm 1957 : Giám đốc Trung Tâm Công Giáo Tiến Hành

Ngày 5-7-1957 : Giám mục Qui Nhơn

Ngày 18-1-1963 : Giám mục Đà Nẵng.

Ngày 23-12-1983 : kỷ niệm 50 năm linh mục (1933-1983) và 33 năm giám mục (1950-1983), Giáo phận không tổ chức công khai rầm rộ như lòng mong ước. Các xứ đạo âm thầm rủ nhau đến Tòa Giám Mục mừng ngài. Có xứ làm văn nghệ.

Thấy bình an, nhưng cũng nghĩ ngài chẳng còn ở TGM bao lâu nữa. Lệ Sơn ước mong được chính bàn tay ngài trao Mình Thánh Chúa cho các em rước lễ lần đầu. Nhà Chầu TGM không đủ Mình Thánh, cha Tống Kiên Hùng sang nhà nguyện Sao Biền của các nữ tu Phaolô lấy thêm. Chúng tôi đã làm tuần 7 ngày cầu nguyện cho ngài. Cả tuần đã hát và hôm nay cũng hát cho ngài nghe :

Đk. Lệ Sơn ơi,

Hãy hướng về ngày vui Cha chung

Năm mươi năm linh mục

Ba mươi ba năm giám mục.

Hãy vui lên, hãy dâng lên

Bài ca tán tụng Thiên Chúa,

Bao hồng ân, bao tình yêu

Thiên Chúa đổ trên đôi tay Ngài.

  1. Này anh Phêrô,

Thày bảo thật cho anh biết,

Lúc còn trẻ anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý,

Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải giang tay ra

Cho người khác thắt lưng

Và lôi anh đến nơi anh chẳng muốn,

Nhưng hãy theo Thày, anh Phêrô ơi.

Ngài như rưng rưng nước mắt. Ngày 19-7-1984 : ngài đi an trí tại Trà Kiệu

Trong thời gian này, một phía đồi Bửu Châu bị sập mà chẳng ai để ý. Đêm Chúa hiện ra bảo ngài : “Hãy sửa sang lại đồi Mẹ”.  Ngay sau khi nghe Chúa nói, Đức cha gọi cha Antôn Nguyễn Trường Thăng, cha sở Trà Kiệu, xuống ngay phòng ngài. Ngài kể lại câu chuyện Chúa hiện ra bảo đồi Mẹ bị sập. Ngài tâm sự : Ngài đâu dám nghĩ được diễm phúc Chúa hiện ra nói, nhưng ngài không kể lại thì vẫn khắc khoải, không yên tâm. Quả thật, người ta đào tìm vàng, tìm vật quí, một bên đồi Đức Mẹ đã sụp. Cha Thăng đã ghi lại câu chuyện này bằng bút giấy. Nay ngài về với Chúa. Ngài có để lại không ?

Việc xây dựng thật khó. Chính Đức cha cũng than thở với Chúa. Và Chúa bảo : “Con cứ sửa Đồi Mẹ cho cha”. Nhiều gia đình rất rộng lòng. Từ già đến trẻ vui vẻ vác gạch, trộn xi măng… Việc nặng việc nhẹ chẳng nề hà. Đồi Mẹ Bứu Châu đã được tu sửa. Phép lạ !

Trong những tháng ngày cuối đời, ngài như mất trí. Chẳng còn nhớ ai. Ai đến cũng khóc. Ngày 10-1-1988 cha Dũng được thụ phong linh mục. Ngài cũng biết. Ngài nói với cha Long (nhỏ) và chị nữ tu giúp ngài : “Hãy cầu nguyện cho cha Dũng”.

Ngày 21-1-1988 ngài qua đời, đúng như ước mơ khi còn sống ở Tòa Giám Mục. Ngài vẫn ước mong được chết và an táng tại Đất Mẹ Trà Kiệu.

Khi ngài còn sống, lác đác vài người mới dám đến Trà Kiệu viếng thăm. Ngày an táng ngài, chẳng ai bảo ai, lũ lượt kéo nhau về, như ngày đại hội, đông đúc không kể xiết. Đồng bào bên lương trao đổi với nhau rằng : “Người có đạo mừng lễ Ông”. Họ gọi lễ an táng của ngài là “Lễ Ông”, vì so với “Lễ Mẹ” ngày 31-5.

Một giáo phận, Chúa còn sai một chủ chăn đến chăm sóc, phương chi cả một dân tộc, một dân Chúa, một nhân loại?

Bđ1 : Dừng chân bên này bờ sông Gio-dan, biết mình sắp qua đời, ông Mô-sê nhắc nhủ dân Ít-ra-en : “Bấy giờ Đức Chúa phán với tôi : Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện  một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng. Ta sẽ đặt những lời của Ta  trong miệng người ấy. Kẻ nào không nghe lời của Ta, nhưng lời người ấy nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó” (Đnl 18,17-19).

Sách Cựu Ước của nhóm CGKPV giải nghĩa : “Vì dựa trên câu này và câu 18 mà dân Do Thái mong chờ một ngôn sứ sẽ xuất hiện như ông Mô-sê. Có khi họ đồng hóa vị ngôn sứ này với Đức Mê-si-a” (trang 533).

BTM :  Trong BTM hôm nay, dân Do Thái chưa biết rõ Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a, nhưng ma quỉ thì biết : “Ông Giê-su Na-da-ret, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24).

Sách Tân Ước của nhóm CGKPV giải nghĩa : “Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Tất cả những ai, những gì thuộc về Người hoặc thánh hiến cho Người đều mang tính cách thánh : Đức Giê-su là Đấng Thánh của Thiên Chúa, vì là Đấng Ki-tô, nghĩa là Đấng được xức dầu, được thánh hiến, và là Con Thiên Chúa. Quỉ sợ Đức Giê-su đến tiêu diệt mình; quỉ được gọi là thần ô uế (1,23.26.27) (trang 196).

Bđ2 : Bđ2 thánh Phao-lô viết cho giáo đoàn Cô-rin-tô : “Người không có vợ thì chuyên lo việc Chúa, sao cho đẹp lòng Chúa. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời, sao cho đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi” (1Cr,7,32-34).

Sách Tân Ước của nhóm CGKPV giải nghĩa : “Đó không phải là sự thánh thiện luân lý, nhưng là sự thánh hiến, tức là hiến dâng cho Thiên Chúa toàn diện con người mình, cả hồn lẫn xác phụng sự Người” (trang 645).

Nhớ lại ngày 29-3-1975, ngày giải phóng Đà Nẵng. Trước đó, trung tướng Ngô Quang Trưởng mời các tướng lãnh, nhân sĩ cho ý kiến về thành phố Đà Nẵng : tử thủ hay buông súng ? Cả hội trường im lặng. Không ai có ý kiến. Một mình Đức cha phát biểu : “Buông súng !”. Tướng Thi, phó tư lệnh đứng lên kết án Đức cha đầu hàng.

Rồi buổi tối sau đó, tướng Trưởng gọi điện thoại cho Đức cha : “Tôi bỏ ngỏ Đà Nẵng. Đức cha có đi, tôi cho máy bay trực thăng đón ngài”. Đức cha trả lời : “Tôi không đi. Tôi ở lại với con chiên bổn đạo của tôi !”.

Thiên Chúa yêu thương nhân loại, yêu thương từng đoàn thể. Sai những người đứng đầu phục vụ cả hồn lẫn xác cho các cộng đoàn. Giả như gia đình, giáo xứ, giáo phận không có người chỉ huy, hướng dẫn, phục vụ hết mình, thì gia đình, giáo xứ, giáo phận  đó sẽ như thế nào ?

Chính Chúa Giê-su đã có lần xúc động than thở. Thánh Mát-thêu ghi lại : “Đức Gê-su thấy đám đông dân chúng thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ Người nói với các môn đệ rằng : ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,36-37),(28-1-2018)

 

——————————————–

CN.4.TN.B

 

Đọc lại cuộc đời của cha Alexandre de Rhodes, tên Việt Nam là Đắc Lộ, để thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Thiên Chúa và của những người Thiên Chúa sai đến.

Cha sinh ngày 15-3-1593 tại Avignon, nước Pháp ngày nay. Năm 18 tuổi cha đi tu dòng Tên. Năm 25t cha chịu chức linh mục. Năm sau, 26t, cha được sai sang Nhật truyền giáo. Cha  đến  Goa, Ấn Độ và chờ ngày vào nước Nhật. Vì Nhật Bản bắt đạo gay gắt, bề trên sai cha vào Trung Quốc truyền giáo. Cuối cùng bề trên sai cha tới Đàng Trong Việt Nam.

Ngày 7-12-1624 cha đặt chân lên đất Hội An. Lúc đó đã có cha Buzomi và cha Pina. Cha Pina nói sỏi tiếng Việt. Khi nghe người Việt nói như chim hót, cha thất vọng. Cha nghĩ là không thể tập nói được. Cha học tiếng Việt với cha Pina và với một cậu bé độ 10,12 tuổi.

Về cậu bé, cha Đắc Lộ kể lại như sau : “Chỉ trong 3 tuần lễ, cậu bé đã dạy tôi biết tất cả những cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Âu châu, thế mà cũng trong 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời cậu học đọc, học viết tiếng Latinh và có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu. Sau đó cậu trở thành Thày Giảng giúp việc các cha truyền giáo, và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của Thày và nơi Vương quốc Lào láng giềng” (trong Internet Yahoo “Cha Đắc Lộ”).

Cậu bé dạy tiếng Việt cho cha Đắc Lộ sinh năm 1612 tại Cây Trâm, giáo xứ Tam Kỳ, Quảng Nam ngày nay. Trên đường từ Tam Kỳ vô Chu Lai có một địa điểm tên là “Cây Trâm”. Có phải “Cây Trâm” này không ? Tên Việt Nam của cậu bé có thể là Trang. Nhưng cậu nhớ ơn cha, lấy tên Rhodes của cha đặt tên cho mình, còn tên thánh là Raphael. Ông Raphael Rhodes xuất tu, làm thông dịch viên cho các thương gia Hòa Lan, Bồ tại Thăng Long và Phố Hiến. Ông có nhà tại Thăng Long và Phố Hiến. Năm 1670 đi thăm giáo phận Đàng Ngoài lần đầu tiên, Đức cha Lambert de La Motte lúc ở trên tầu, lúc ở trong nhà của ông. Ông có công xây dựng Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội. Ông  giúp đỡ các thừa sai về tinh thần và vật chất. Sau 7 năm bệnh tật liệt giường, ông qua đời ngày 29-6-1687, thọ 75 tuổi. Đức cha Bourges hiện diện trong giờ chết của ông (Đỗ Quang Chính, Dòng Mến Thánh Giá, trang 7-8).

Ở Hội An được 3 năm, năm 1627, vì biết nói tiếng Việt, cha Đắc Lộ  được sai ra Đàng Ngoài, Miền Bắc, truyền giáo với cha Marquez. Ngày lễ thánh Giuse 19-3-1627 thuyền của hai cha tới Cửa Bạng, Thanh Hóa. Ngày 2-7-1627 hai cha tới Thăng Long. Trịnh Tráng xây nhà xứ, nhà thờ cho hai cha. Địa điểm đó sát đền Bà Kiệu cạnh hồ Hoàn Kiếm (Đỗ Quang Chính, Tản Mạn LSGHVN, trang 279).  Cha Đắc Lộ dạy giáo lý một ngày 4 đến 6 lớp. Mỗi lớp 3 đến 5 chục người. Cuối năm hai cha rửa tội được 1200 người. Đặc biệt có công chúa Catarina. Công chúa làm thơ về công trình cứu độ của Thiên Chúa từ tạo thiên lập địa cho đến Chúa Giêsu ra đời.

Các quan và nhà giầu thời đó có nhiều vợ. Thấy đạo dạy một vợ một chồng, lại không thắp hương cúng vái tổ tiên, các quan đề nghị Trịnh Tráng cấm đạo và trục xuất hai cha ra khỏi xứ Bắc Năm 1629 hai cha ra đi, giã từ hơn 7000 giáo dân mà hai cha đã rửa tội trong hai năm.

Cha Bùi Đức Sinh viết về ngày hai cha chia tay với giáo đoàn như sau : “Ngày lên đường đã đến, Trịnh Tráng sai quan đem đến cho hai cha 20 tiền vàng và một tấm vải quí. Các cha xin cho gặp nhà vương, viện cớ để tạ ơn những ơn huệ trong hai năm qua, hy vọng có thể xin rút lại lệnh trục xuất, nhưng quan từ chối không cho, mời hai cha xuống thuyền đã đợi sẵn ở bến. Giáo dân đứng chật hai bên bờ, khóc lóc buồn bã. Cụ nghè Gioakim đã quá 70 tuổi, là một vị quan đại thần, cũng có mặt. Cụ mặc áo thụng xanh, tiễn các cha ra tận bến. Trước khi chia tay, cụ phục lạy các cha 4 lạy, dù các cha hết sức can ngăn. Sau mấy lời khuyên răn từ giã cuối cùng, con thuyền xa bến, giữa tiếng khóc của giáo dân. Lúc đó vào cuối tháng 3-1629. Cùng đi với các cha có thày Inhaxu và người giúp việc tên Antôn. Cha Đắc Lộ ủy thác cho hai thầy Phanxinh và Anrê trông coi giáo đoàn” (Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 145).

Cha về Macao dạy học 10 năm. Đầu tháng 2 năm 1640 bề trên sai cha trở lại Đàng Trong. Cha không dám công khai, phải ẩn lánh nhà ông trưởng khu phố Nhật Bản ở Hội An. Nhờ ông, cha đem lễ vật ra Huế dâng cho chúa Nguyễn Phúc Lan. Cha ở nhà bà Minh Đức giảng đạo được 35 ngày, rửa tội được 92 người. Trở lại Hội An, cha bị quan trấn Vĩnh Điện, Quảng Nam phát giác. Ngày 20-9-1640 ông đuổi cha ra khỏi nước.

Chỉ ba tháng sau, lễ Giáng sinh năm 1640, cha Đắc Lộ trở lại  Hội An lần II. Lợi dụng tầu buôn người Bồ trao đổi hàng hóa, cha lén lút đi giảng đạo xuống phía nam là Quảng Ngãi, Qui Nhơn và Phú Yên. Sáu tháng cha rửa tội được 1305 người, trong đó có thày Anrê-Phú Yên. Tầu nhỏ neo, cha theo tầu về lại Macao ngày 2-7-1641.

Đến cuối tháng 1-1642 cha Đắc Lộ trở lại Hội An lần III. Cha dâng cho quan trấn Quảng Nam những lễ vật quí, trong đó có chiếc đồng hồ. Quan làm ngơ cho cha ở lại. Cha chọn được 10 thày giảng. Ngày 31-7-1642 cha tổ chức lễ khấn cho 10 thày tại nhà thờ Hội An.

Đầu năm 1644 cha Đắc Lộ trở lại Hội An lần IV. Cha ra Huế dâng lễ vật cho chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn làm ngơ cho cha ở lại. Ban đêm cha gặp giáo dân ở nhà bà Minh Đức, ban ngày cha trốn xuống thuyền. Cha vào Hội An tổ chức Tuần Thánh. Rồi cha ra Quảng Bình thăm giáo dân. Cha trở lại Hội An. Quan Quảng Nam ra lệnh bắt thày Anrê. Ngày 26-7-1644, thày bị chém đầu. Cha tắm rửa và ướp muối thi hài thày. Gần một năm sau, ngày 3-7-1645, cha bị trục xuất. Cha rời VN đem theo thi hài thày Anrê về Macao.

Vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại, nhưng trong lòng cha Đắc Lộ không bao giờ quên 300.000 giáo dân và hàng trăm thày giảng Việt Nam. Ngày 20-12-1645 cha xuống tàu về Rôma, để xin Đức giáo hoàng sai 12 giám mục cho GHVN. Cha đem theo sọ thày Anrê. Ngày 30-7-1652 Đức giáo hoàng đề nghị cha làm giám mục. Cha khiêm nhường từ chối. Cha về Pháp vận động. Đức giáo hoàng Alexandre VII chọn hai cha Francois Pallu và Lambert de la Motte làm giám mục đầu tiên cho hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong được thiết lập ngày 9-9-1659.

Năm 1654 cha Đắc Lộ được sai đi giảng đạo ở nước Iran. Cha qua đời ngày 5-11-1660, thọ 67 tuổi. Cha qua đời sau 1 năm thiết lập hai giáo phận Đàng Ngoài và Đàng Trong. Song đường xá xa xôi, có lẽ cha không biết tin vui này. Cha giảng đạo ở Iran 5 năm; ở VN 11 năm.

Tinh tình cha dịu dàng. Cha luôn cư xử như con chiên giữa bày sói. Đức khiêm nhường và vâng lời của cha tuyệt vời. Cha hạ mình làm những công việc thấp hèn nhất, những việc càng khó, cha càng tin tưởng vào Chúa. Đức trong sạch của cha không thể chê được. Cha thận trọng trong việc nhìn xem. Cha yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và Đức Mẹ. Cha viếng Chúa và lần chuỗi hằng ngày. Người ta coi cha là thánh. Nhiều người viếng mộ cha. Vì tin thân xác cha vẫn tươi xinh như khi còn sống, người ta đề nghị mở mộ cha. Đề nghị thôi, không mở.

Xin Cha nhớ đến GHVN mà cha đã dầy công vun xới (2012).

———————————————– 

CN.4.TN.B

Ngày 30-1-1860, cha Tôma Khuông tử đạo. Cha sinh năm 1780 tại làng Nam Hòa, xứ Tiên Chu, Hưng Yên. Thân phụ của cha là tuần phủ ở Hưng Yên. Gia đình cha thuộc dòng dõi nhà quan và giầu có. Thế mà cha đi tu.

 

Bđ2 : Cha đã sống theo lời thánh Phao-lô gửi cho các tín hữu Cô-rin-tô trong bđ2 : “Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa : họ tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời : họ tìm cách làm đẹp lòng vợ” (1Cr 7,32-33).

Cha Tôma Khuông đi tu để tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Không những đi tu làm linh mục, cha còn gia nhập dòng Đa-minh để giúp cha sống đời linh mục tốt hơn.

Năm 1850 thấy một số giáo dân xứ Cao Xá mua súng ông để tự vệ, chống lại nhà vua bắt đạo, cha không bằng lòng. Cha bỏ trốn đi Hải Phòng. Đến đầu cầu làng Ngô Xá, thấy quân lính đặt Thánh Giá bắt mọi người qua cầu phải bước qua. Ai bỏ đạo chối Chúa thì bước qua; còn ai giữ đạo theo Chúa, thì quay đầu trở lại và bị bắt. Cha Tôma Khuông dầu đã 80 tuổi, già nhất trong số 118 vị thánh tử đạo, đã quay đầu trở lại, không chịu bước qua Thánh Giá. Cha đã bị bắt.

Trước tòa án, quan khuyên cha bỏ đạo, chối Chúa, còn bảo cha khuyên các tín hữu bỏ đạo, nhưng cha trả lời : “Tôi nay đã 80 tuổi, lại là linh mục Công giáo, tôi luôn nhắc nhở các tín hữu trung thành giữ đạo thánh Chúa. Giờ đây tôi khuyên họ bỏ đạo chối Chúa thì tôi thật bất xứng, chẳng đáng là linh mục. Tôi và các bạn tôi không mong ước gì hơn là được hy sinh mạng sống vì đạo thánh Chúa”.

Ngày 30-1-1860 cha chống gậy tiến ra pháp trường Hưng Yên. Cha quì gối vui vẻ giơ đầu cho người ta chém.

BTM : BTM kể những hoạt động Chúa Giê-su làm ở hội đường Ca-phác-na-um. Chúa Giê-su giảng dạy và đuổi quỉ để chữa cho một người bị quỉ ám. Nghe Chúa giảng và chứng kiến phép lạ Chúa làm, dân chúng “sững sờ bàn tán với nhau : Thế nghĩa là gì ? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1,27).

Thánh Mác-cô viết lại những hoạt động của Chúa Giê-su, để khích lệ các tín hữu ở Rô-ma đang bị bắt bớ. Các tín hữu Rô-ma cũng như cha Tôma Khuông và các tín hữu ở Hưng Yên. Các ngài băn khoăn lo lắng tự hỏi lòng mình : theo Chúa hay bỏ Chúa ? Theo Chúa thì bị giết chết, bỏ Chúa thì sống. Nhưng Chúa là ai để hy sinh mạng sống và dám chết cho Chúa ?

Thánh Mác-cô đã trả lời giúp chúng ta : vì lời Chúa giảng thì mới “lời giảng mới mẻ”, và vì Chúa “có uy quyền”.

Các tín hữu Rô-ma, cha Tôma Khuông và các tín hữu Hưng Yên đã nhận lời giảng của Chúa mới mẻ, nhận ra Chúa uy quyền, nên các ngài sẵn sàng chết, chứ không bỏ đạo, chối Chúa.

Bđ1 : Dân Ít-ra-en thấy ông Mô-sê sắp qua đời thì lo lắng : ai sẽ là người kế vị lãnh đạo họ ? Bđ1 kể lại những lời ông Mô-sê an ủi : “Thiên Chúa của anh em sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi, để giúp anh em, anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15).

Cuộc đời chúng ta gặp nhiều đau khổ, nhiều thử thách như dân Ít-ra-en, như các tín hữu Rô-ma thời thánh Mác-cô, như cha thánh Tôma Khuông và các tín hữu Hưng Yên thời bắt đạo, chúng ta cũng băn khoăn tự hỏi : đi theo Chúa hay là bỏ Chúa ?

Lời đáp ca hôm nay là câu trả lời : “Ngày hôm nay ước gì anh em nghe tiếng Chúa ! Người phán các ngươi chớ cứng lòng !” Chúa dạy dỗ chúng ta qua Sách Thánh, qua các biến cố. Chúng ta hãy lắng nghe (1-2-2009).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành