Chúa Nhật IV TN – Năm C


CN 4 C

3-2-2019

Giáo xứ Thạch Nham

Chầu Thánh Thể

Giáo Huấn số 10

Thực Trạng của Gia Đình (tt)

Tôi muốn nhấn mạnh đến hoàn cảnh các gia đình đang bị chìm ngập trong sự khốn khổ thiệt thòi về mọi mặt, họ sống trong điều kiện rất hạn hẹp tơi tả đến đau lòng. Nếu như ai cũng có những khó khăn, thì những khó khăn đó trở thành khắc nghiệt hơn trong một gia đình nghèo cơ cực. Ví dụ như, nếu một phụ nữ phải nuôi con một mình, vì li thân hay vì những lý do khác, và chị phải đi làm mà không thể giao con mình cho một ai khác, đứa trẻ sẽ lớn lên trong tình trạng bị bỏ rơi, phó mặc cho mọi loại nguy cơ, và sự trưởng thành nhân bản của nó bị tổn hại. Đối với những người túng cực đang sống trong hoàn cảnh khó khăn ngặt như thế. Hội thánh phải đặc biệt quan tâm để thông cảm, an ủi, đón nhận họ, tránh áp đặt lên họ đủ thứ luật lệ, như những tảng đá đè bẹp, chỉ khiến người ta cảm thấy bị xét đoán và bị bỏ rơi bởi chính người mẹ vốn được mời gọi bày tỏ cho họ thấy lòng thương xót của Thiên Chúa. Làm như thế, thay vì cống hiến năng lực của ân sủng và ánh sáng của Tin Mừng, thì một số người lại muốn biến sứ điệp Tin Mừng ấy thành một thứ “giáo điều”, biến nó thành “những viên đá giết người để ném vào người khác (Niềm Vui của Tình Yêu số 49)

————————————

CN 4 C

(Gr 1,4-5.17-19; 1Cr 12,31-13,13; Lc 4,21-30)

Từ Macao, sau 12 ngày vượt biển, hai cha Buzomi, người Ý, và cha Cavalho, người Bồ, cùng hai thầy trợ sĩ José và Paolo, người Nhật, dòng Tên, đến Đà Nẵng ngày 18-1-1615. Lễ phục sinh năm đó, các cha đã rửa tội được 10 người, 10 bông lúa đầu mùa. Năm 1616 cha Cavalho trở về để sang Nhật và cha đã được phúc tử đạo tại đó ngày 24-2-1624. Thay cha Cavalho là cha Fernandes, người Bồ. Cánh đồng truyền giáo ngày càng chín vàng, năm sau, năm 1617, bề  trên dòng Tên ở Macao gửi thêm hai cha Francisco de Pina và Francisco Barreto và một thầy trợ sĩ Dias. Được mấy tháng hai cha Fernandes và Barreto được sai sang Campuchia, chỉ còn hai cha Buzomi và Pina cùng các thầy trợ sĩ.

Mùa thu năm 1617, sau hai năm tới Đà Nẵng, trời hạn hán. Các người ghét đạo tổ chức lễ cầu mưa, nhưng trời vẫn không mưa. Họ cho rằng trời hạn hán là vì các thần nổi giận, thấy dân chúng theo đạo mới mà bỏ đạo cũ, nên phải đuổi các cha các thầy đi, thì các thần mới hết giận mà cho mưa xuống. Dân chúng tin theo, kéo đến đòi chúa Sãi phải đuổi các cha các thầy đi. Chúa Sãi mời các ngài tới và nói rằng : ông vẫn qúi mến các ngài, nhưng để xoa dịu lòng giận dữ của dân chúng, xin các ngài ra đi khỏi nước. Các ngài xuống thuyền về Macao. Thuyền ra khơi chẳng may gặp bão dạt vào bờ. Các ngài không dám ra mặt phải trốn vào rừng, sống lén lút khổ sở. Cha Buzomi bị đau nặng gần chết. Giáo dân muốn đem về  nhà chữa chạy, nhưng người lương dọa giết. Chinh lúc tưởng như  bó tay tuyệt vọng, thì Chúa cứu. Quan Qui Nhơn đi ra Huế có việc, khi về đã đem cha Buzomi và thầy Dias về Qui Nhơn; còn cha Pina và hai thầy Jose, Paolo được người Nhật đem về nhà của họ ở Hội An.

Trong cái rủi có cái may. Cha Buzomi được quan trấn Qui Nhơn rất thương. Tháng 7-1618 quan trấn làm cho cha và thầy một ngôi nhà gỗ rộng rãi tại Nước Mặn, tức Gò Thị ngày nay. Rồi ông dùng voi đưa các ngài đến ở. Cha được tự do giảng đạo. Thỉnh thoảng quan trấn còn sai người đem thực phẩm đến cho các ngài, không để các ngài thiếu thốn. Hơn nữa ông sai 1000 thợ khiêng cột kèo đã làm sẵn dựng cho các ngài một nhà thờ. Chỉ trong một ngày đã dựng xong ngôi thánh đường đầu tiên ở Qui Nhơn.

Sau một năm quan trấn bị bệnh qua đời. Trước khi qua đời, quan đã được cha Buzomi rửa tội. Quan qua đời, cha Buzomi và thầy sợ các người chống đối sẽ phao tin rằng : vì quan thương các ngài, nên Trời Phật đã phạt quan chết. Thật là may, Ông Đề là con cả của quan vẫn thương cha và thầy. Thấy con của quan thương, các người chống đối không dám phao tin đồn. Trong đám tang, các ngài đã tới nhà quan phúng điếu. Ông Đề còn cho voi chở các ngài về.

Ba bài đọc trong thánh lễ hôm nay cũng nói lên nỗi khổ của những người làm tông đồ cho Chúa như ngôn sứ Giê-rê-mi-a (bđ1), cả Chúa Giê-su (bTM), và thánh Phao-lô (bđ2).

Bài đọc 1 : Mạng Nhóm CGKPV viết về nỗi khổ của ngôn sứ Giê-rê-mi-a như sau : “Tên của ông thường được hiểu theo tiếng Híp-ri, là Đức Chúa nâng lên Không ngôn sứ nào công bố và sống lời Chúa khít khao như Giê-rê-mi-a. Tính tình ông dịu dàng và nhạy cảm, vậy mà ông được gọi để nhổ, để lật, để huỷ, để phá (1,10). Thích yên hàn, mà cứ phải đấu tranh, để cho người ta chống đối, cho cả nước gây gỗ với mình (15,10). Yêu quê hương yêu đất nước, mà không được cầu nguyện cho đồng bào (14,11), cứ phải cổ vũ sự thần phục ngoại bang, để bị lên án là kẻ phản quốc (20,8 ; 38,4). Ông không thể tin ai, ngay cả những người thân thích của ông (12,6) ; không thể hội nhập với người ta, dù là trong tang chế hay trong lễ hội (16,5-9) ; ngay cả niềm vui của một tổ ấm riêng cũng không được hưởng (16,1-4). Tóm lại, ông phải sống như một kẻ đơn chiếc nhất trên đời, luôn luôn phải ngồi riêng một mình (15,17). Đúng là một thảm kịch.

 

Bài Tin Mừng : Câu chuyện Chúa Giê-su về Na-da-rét, quê quán của mình, được tường thuật trong cả ba sách Tin Mừng thánh Mat-thêu, thánh Mac-cô và thánh Lu-ca, nhưng sách thánh Lu-ca dài hơn. Bà Monique Piettre cho rằng : Chúa Giê-su về quê hương không chỉ một lần, mà là hai lần. Bài tường thuật của thánh Lu-ca đã gộp cả hai lần làm một (Comprendre La Parole. C, p.192). Vì thế Giáo hội đã chia đọc trong hai Chúa nhật : Chúa nhật III là lần về thứ nhất, lần “vinh qui bái tổ”, dân làng ca tụng, ngợi khen. Chúa nhật IV hôm nay là lần về thứ hai, lần về thứ hai này bị dân làng  ghét bỏ, chống đối.

Bị ghét bỏ, bị chống đối, đó chính là thân phận của những người làm việc cho Chúa trong mọi thời, thời ngôn sứ  Giê-rê-mi-a, thời Chúa Giê-su, thời các thừa sai Việt Nam, và cả thời nay.

Tại sao Chúa Giê-su bị chống đối ?

   Thánh Lu-ca kể ở cuối bài Tin Mừng : “Mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi – Họ kéo người lên tận đỉnh núi, để xô người xuống vực” (4,28-29).

   Trong khi thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca ghi lại lời Chúa Giê-su : “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình (4,24), thì thánh Mác-cô lại ghi : “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi” (Mc 6,4). Đối với thánh Mác-cô, không chỉ người đồng hương, mà cả gia đình bà con thân thuộc cũng chống đối, khinh rẻ. Tại sao người đồng hương Na-da-rét và bà con Chúa Giê-su đi ngược lại với câu người ta thường nói “một người làm quan cả họ được nhờ” ?

   Cha Brown, nhà Thánh Kinh nổi tiếng của Mỹ, viết : “Đế cắt nghĩa tại sao Chúa Giêsu Nadarét trải qua phần lớn cuộc đời rao giảng tại Caphácnaum, thánh Luca bắt đầu kể câu chuyện “Người Nadarét từ khước Chúa Giêsu”. Vì thế câu chuyện đã được kể đầu đời họat động; còn ở sách thánh Máccô và thánh Mátthêu được kể muộn hơn” (An Introduction To The New Testament, p.237).

 Cha Karris thì cho rằng : “Đề tài ‘Ngôn sứ bị từ khước’ làm nổi bật lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa là Người vẫn tiếp tục gửi các ngôn sứ đến với dân phản loạn” (The New Jerome Biblical Caommentary, p.690).

    Lý do của ông Samuel Abogunrin là : “Một vài người nghe Chúa Giêsu giảng thì thán phục, còn phần đông thì tự hỏi : ‘Ông ta nghĩ ông ta là ai, là Đấng Mê-sia phải không ?’. Họ không thể chấp nhận Chúa Giêsu là Đấng Mê-sia, nhất là Ngài không làm phép lạ nào. Chúa Giêsu là con thánh Giuse thợ mộc, Mẹ Ngài và anh em Ngài cũng có mặt ở hội đường đây, làm sao Chúa Giêsu có thể là Đấng Mêsia được ?” (The International Bible Commentary,p.1382).

      Cha Hoàng Đắc Anh cũng đồng quan điểm : “Họ lại thắc mắc, vì Đức Giêsu cùng quê với họ là Nadarét, mà làng Nadarét có gì đáng nói đâu ? Thứ đến Đức Giêsu lại thuộc giới lao động tay  chân” (Tin Mừng theo Thánh Luca,p.98).

   Còn cha Noel Quesson cũng cho là vì lý lịch tầm thường : “Cảm tưởng đầu tiên là người ta lấy làm hài lòng về giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng rồi người ta không chấp nhận, vì Người tầm thường, chả là gì, chỉ  là “con ông Giuse thợ mộc” (Parole De Dieu, p.161)

      Ông William Barclay, nhà Kinh Thánh Anh giáo, thì cho là : “Điều làm cho dân làng giận dữ là lời khen ngợi dân ngoại của Chúa Giê-su. Người Do Thái vẫn coi  mình là dân Thiên Chúa và họ kinh dể các dân tộc khác. Họ nghĩ rằng : “Thiên Chúa dựng nên dân ngoại để làm dầu đốt hỏa ngục”. Thế mà ở đây chàng thanh niên trẻ tuổi Giê-su lại cả gan giảng: dân ngoại được Thiên Chúa yêu thương đặc biệt. Từ đầu đến cuối bài giảng là những gì họ chưa bao giờ nghe” (The Gospel of Luke, p.48).

Bài đọc 2 : Mạng của nhóm CGKPV viết : “Bài ca đức mến là phần thứ hai của đoạn dài ba chương 12-14 nói về việc sử dụng cho tốt các đặc sủng. Chính phần này cũng chia ra làm ba phần :

  • Tính ưu việt của đức mến (cc. 1-3),
  • Những công việc của đức mến (cc. 4-7)
  • Tính trường tồn của đức mến (cc. 8-13).

Trong toàn bộ chương này, đức mến chỉ tình yêu huynh đệ; còn tình yêu đối với Thiên Chúa thì không được nói đến đích danh, nhưng luôn luôn bàng bạc dưới mỗi câu, nhứt là ở câu 13, đi chung với đức tin và đức cậy. Đây là một đoạn văn tuyệt vời, không phải ứng khẩu, nhưng đã được nghiền ngẫm, cân nhắc. Bút pháp và cảm hứng, hai mặt song toàn.

Trong phần hai “Những công việc của đức mến”, thánh Phao-lô viết : “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù. Không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (13,4-7)

Bài huấn từ của Đức Cha Giu-se trong ngày nam nữ tu sĩ các dòng mừng tuổi ngài nên đọc lại : “Trong bài huấn từ với quý linh mục tu sĩ các hội dòng. Đức Cha Giuse đã chia sẻ những trao đổi về vấn đề đời sống thánh hiến của Đức Thánh Cha với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong chuyến Ad Limina năm 2018. Lời chia sẻ của vị Cha Chung có thể tóm gọn ở ba chữ P (theo tiếng Pháp): Prier (Cầu nguyện); Pauvre (Khó nghèo); Patience (Nhẫn nhịn). Đây cũng là 3 trụ cột duy trì đời sống thánh hiến.

Prier (Cầu Nguyện) là quay trở về với ơn gọi đầu tiên của Thiên Chúa. Với những người đang sống đời sống thánh hiến thì cầu nguyện không thể chỉ dừng lại ở việc “xin ơn” mà là phải quay về với Đấng đang nhìn và đã nói với bản thân mỗi người: “hãy đến với Ta”. Trong lời diễn giải tiếp theo, Đức Cha Giuse cho rằng khi đến với Chúa thì phải từ bỏ chứ không phải “lấy lại những gì đã từ bỏ”. Đi tu không phải là tìm kiếm cho mình một nghề nghiệp trong ơn gọi. Và như vậy lời cầu nguyện là để “tôi làm việc cho Thiên Chúa” chứ không phải làm việc vì “sở thích” hay đơn giản chỉ vì “Hội dòng”. Lời cầu nguyện là “đi tìm lại tình thương của Thiên Chúa ở thưở ban đầu”.

Pauvre (Khó nghèo): Được xem như “người mẹ” bao bọc đời sống thánh hiến. Không có đức nghèo khó đời sống thánh hiến không đơm hoa kết trái. Nhân đức Nghèo Khó là tường lũy, là sự che chắn giúp đời sống thánh hiến không bị lây nhiễm tinh thần thế tục. Đức Cha Giuse đã nhắc lại câu chuyện của vị tông đồ sa ngã Giuđa Iscariot: sự dữ đã đi vào lòng người ngang qua túi tiền! Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhìn nhận rằng: trong một xã hội tục hóa như hiện nay, nhiều tu sĩ nam nữ đã sống đời sống thánh hiến mang tinh thần thế gian và dễ nhận thấy qua ba biểu hiện: Tiền bạc – Khoe khoang – Kiêu ngạo / Tự phụ

Patience (Nhẫn nhịn) theo gương Chúa Giê-su chính là khả năng làm cho Thầy Chí Thánh Giê-su đi đến tận cùng của sự hiến dâng. Cuộc sống của Chúa Giê-su là chuỗi nhẫn nhịn từ những điều nhỏ nhất, với những biểu hiện của lòng bao dung trong mọi cử chỉ, lời nói và nụ cười. Thánh Phaolô cũng đã từng nói “nhẫn nhịn là mang người khác trên vai”. Nếu không có sự nhẫn nhịn, chúng ta không có khả năng mang lấy khổ đau, và cuộc sống thánh hiến sẽ nửa vời.

Kết thúc bài huấn từ, Đức Cha Giuse chúc các tu sĩ nam nữ một năm mới luôn luôn tràn đầy niềm vui trong đời thánh hiến, và mong sao niềm vui đó lan tỏa trong các cộng đoàn và từ niềm vui đó các tu sĩ luôn luôn có những nụ cười thánh thiện trên môi (Trương Văn Ân & Nguyễn Toàn, Mạng Giáo Phận Đà Nẵng ngày 30-1-2019)

Chúa Giê-su đã căn dặn : “Ai không vác thập giá mình đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14,27) hay như câu Thánh Vịnh : “Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa, mà tôi đây phải thiệt thân” (Tv 69,10; Ga 2,17).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành