Chúa Nhật IX Thường Niên Năm B – Lễ Mình máu Thánh Chúa
CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN NĂM B
LỄ MINH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
NGÀY 02/6/2024
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Gia Phước
GIÁO HUẤN SỐ 26
TIÊU CHUẨN LỚN
Các ý thức hệ đánh vào trái tim của Tin Mừng (tt)
Liên quan tới chủ nghĩa tương đối và những sai lầm của thế giới chúng ta hiện nay, chúng ta thường nghe nói rằng, chẳng hạn, hoàn cảnh của những người di dân là một vấn đề ít quan trọng. Một số người Công giáo xem đó là vấn đề thứ yếu so với những vấn đề đạo đức sinh học ‘hệ trọng’. Ví như một chính khách đang tranh thủ phiếu bầu mà ăn nói như vậy thì còn có thể hiểu được, nhưng với một Ki-tô hữu thì khác, vì đối với Ki-tô hữu thái độ duy nhất đứng đắn la đặt mình trong hoàn cảnh của các anh chị em phải liều sự sống mình để tìm kiếm một tương lai cho con cái họ. Chúng ta không nhận ra rằng đây chính xác là điều Chúa Giê-su yêu cầu, khi Người bảo rằng mỗi khi ta tiếp đón khách lạ là ta đang tiếp đón Người đó sao (Mt 25,35) ? Thánh Biển Đức đã sẵn sàng làm như thế, và mặc dù điều này có thể gây ‘phức tạp’ cho đời sống của các đan sĩ, ngài vẫn truyền rằng mọi khi gõ cửa đan viện cần phải được tiếp đón ‘như Đức Ki-tô’ , với thái độ tôn kính; phải cư xử với người và khách hành hương bằng tất cả sự ân cần quan tâm (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 102).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
Bài Ðọc I: Xh 24, 3-8
“Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi”.
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Môsê đến thuật lại cho dân chúng nghe tất cả những lời và lề luật của Chúa, và toàn dân đồng thanh thưa rằng: “Chúng tôi xin thi hành mọi lời Chúa đã phán”. Vậy Môsê ghi lại tất cả những lời của Chúa. Và sáng sớm, ông chỗi dậy, lập bàn thờ ở chân núi, dựng mười hai cột trụ, chỉ mười hai chi họ Israel, ông sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và hiến dâng lên Chúa những con bò tơ làm hy lễ giao hoà. Môsê lấy phân nửa máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra đọc cho dân nghe và họ thưa: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Vậy ông lấy máu rẩy lên dân chúng và nói: “Ðây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả những lời đó”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 15-16bc. 17-18
Ðáp: Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa
Hoặc đọc: Alleluia
Xướng: Tôi lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho tôi? Tôi sẽ lãnh chén cứu độ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa.
Xướng: Trước mặt Chúa thật là quý hoá, cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Tôi là tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài bẻ gãy xiềng xích cho tôi.
Xướng: Tôi sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và tôi sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài.
Bài Ðọc II: Dt 9, 11-15
“Máu Chúa Kitô tẩy sạch lương tâm chúng ta”.
Trích thư gởi tín hữu Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế cầu bầu mọi phúc lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê và tro bò mà người ta rảy trên kẻ ô uế còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống. Vì vậy Chúa Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc tội phạm dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã hứa cho họ.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 51-52
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.
Phúc Âm: Mc 14, 12-16. 22-26
“Này là Mình Ta. Này là Máu Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Mang Mình Thánh Chúa lên vũ trụ
Phi hành gia người Mỹ Mike Hopkins không muốn lỡ dịp rước lễ vào Chúa nhật, kể cả khi ông đang du hành trên vũ trụ!
Trong Trạm Không gian Quốc tế (ISS), có một địa điểm ngổn ngang các thiết bị máy móc. Tuy nhiên, các nhà phi hành vũ trụ đều thích quy tụ ở nơi mà họ gọi là Coupole (Đỉnh vòm), với bảy cửa sổ nhô ra bên ngoài giúp phi hành đoàn có thể thưởng lãm vẻ đẹp ngất ngây của Trái đất.
Trong chuyến bay vào không gian đầu tiên và duy nhất (từ tháng 9.2013-3.2014) của mình, ông Hopkins cũng đã đến Coupole. Những gì nhìn thấy tại đây khiến ông sững sờ và thán phục. Phi hành gia này bày tỏ: “Khi bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp diệu kỳ của Trái đất từ ISS, bạn sẽ tin rằng phải có một quyền năng tối thượng tạo nên tất cả những điều ấy”.
Tân tòng
Chính tại Coupole, ông Michael Hopkins đã cầu nguyện và rước lễ nhiều lần. Nhờ được phép đặc biệt của chủ chăn Tổng giáo phận Galveston-Houston và với sự trợ giúp của cha James H. Kuczynski, Chánh xứ nhà thờ Sainte-Marie-Reine ở Friendswood (bang Texas), giáo xứ của phi hành gia, ông đã mang theo mình một hộp gồm sáu Bánh Thánh đã được truyền phép. Mỗi bánh chia làm bốn phần, đủ để rước lễ mỗi tuần một lần trong thời gian 24 tuần ông phải ở trên trạm ISS. “Đối với tôi, điều này rất cực kỳ quan trọng”, ông khẳng định.
Phi hành gia 47 tuổi này sinh trưởng tại ngoại ô thành phố Richland (bang Missouri), trong một gia đình theo giáo phái Methodiste hợp nhất. Cách đây vài năm, ông theo học giáo lý, lớp khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn và trở thành tân tòng ngay trước chuyến du hành vũ trụ. Ông Hopkins giải thích lý do cải đạo không chỉ vì vợ và hai con gái lớn đã theo Công giáo, nhưng còn do “tôi đã cảm thấy còn thiếu điều gì trong đời sống của mình”.
Vào không gian với Chúa Giêsu
Phi hành gia Mike Hopkins đã thực hiện hai chuyến du hành đến trạm ISS cùng đồng nghiệp Rick Mastracchio để thay đổi một ống dẫn khí của môđun bị hỏng. Trước mỗi lần làm nhiệm vụ, ông đã rước lễ. Ông chia sẻ với trang tin Catholic News Service: “Việc sửa chữa ngoài không gian rất căng thẳng. Có Chúa Giêsu đồng hành khi bước ra khoảng không bao la của vũ trụ là điều cực kỳ quan trọng đối với tôi”.
Theo ông Hopskins, các phi hành gia, đặc biệt là những người Công giáo, vẫn sống đạo dù đang làm nhiệm vụ ngoài không gian, và điều này được tất cả mọi người tôn trọng: “Các bạn đồng hành với tôi ở ISS biết rõ tôi có mang theo Mình Thánh Chúa. Vị chỉ huy người Nga biết điều gì đang diễn ra. Mọi người đều biết, chẳng cần tôi phải nói ra. Họ tôn trọng đức tin và mong ước của tôi là được sống đức tin ấy khi còn ở trên quỹ đạo, trong không gian”.
XUÂN VĨNH (theo trang tin Aleteia)
Bài đọc 1(Xh 24,3-8) Sách ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết : ‘Các biến cố quan trọng nhất của Kinh Thánh đôi khi là những biến cố được trình bày cách vắn tắt hơn cả. Ở đây chúng ta thấy Giao Ước sẽ chi phối đời sống Ít-ra-en, được ký kết ở chân núi Xi-nai. Hai cảnh ký kết Giao Ước : trước nhất, ông Mô-sê và 70 kỳ mục Ít-ra-en thấy vinh quang Thiên Chúa trên núi Xi-nai. Sau đó, khi ông Mô-sê trở lại, dân ký kết bằng một hy lễ trọng thể.
Ông Mô-sê đi lên cùng với 70 kỳ mục. Giao Ước là một sự việc rất mới lạ và rất siêu việt đến nỗi sự cam kết của dân không thể dựa trên một mình kinh nghiệm thiêng liêng của ông Mô-sê. 70 chứng nhân có thể nói điều họ đã thấy. Trèo lên ngọn núi cao chót vót, sững sờ trước cảnh uy nghiêm hùng vĩ dưới bầu trời trong vắt và ánh sáng chói chang, họ được chuẩn bị để chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Đức Chúa hiện diện và họ được thấy Người cách mầu nhiệm, trong phạm vi người ta có thể thấy Thiên Chúa hằng sống chưa bao giờ có ai thấy cả (Ga 1,18) (trang 145).
Bài Tin Mừng(Mc 14,12-16.22-26): Cha Nguyễn Công Đoan viết : ‘Lễ Vượt Qua là bữa ăn có nghi thức, mừng kỷ niệm xưa bên Ai Cập dân Ít-ra-en được giải thoát, Nghi thức gồm phần mở đầu là ôn lại chuyện xưa, sau đó chủ tọa cầm bánh không men. dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra trao cho mọi người, và bắt đầu ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng, sau đó rửa tay và hát Thánh Vịnh. Đó là ba phần chính ; mỗi phần có một ly rượu kèm theo. Xong ba phần này là đã ‘ăn lễ Vượt Qua’ rồi (Tĩnh Tâm Với sách Tin Mừng Mác-cô, trang 2013).
Bài đọc 2(Dt 9,11-15) : Sách Tân Uớc 2011 viết : ‘Đức Ki-tô đã đổ máu ra làm lễ tế. Máu của Người cao quí và giá trị hơn mọi thứ máu của súc vật ở mức độ không thể so sánh được, vì bản thân Người là Đấng chí thánh thừa sức thanh tẩy lương tâm con người và kết hợp mọi người với Thiên Chúa’ (trang 2689).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã trối lại cho chúng con
bí tích Mình và Máu thánh Chúa
để chúng con đời đời tưởng nhớ
Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang.
Xin cho chúng con
biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ điệu này…
SUY NIỆM II
MÌNH MÁU CHÚA DẤU CHỈ YÊU THƯƠNG
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Hôm nay, toàn thể Hội Thánh long trọng mừng Lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu nhằm tuyên xưng niềm tin vào sự hiện diện đích thực và sống động của Chúa Giê-su Ki-tô trong Bí Tích Thánh Thể. Lịch sử lễ này là vào năm 1264, với Tông Sắc “Transiturus de hoc mundo“, Đức Thánh Cha Urban IV đã ra lệnh phải cử hành Đại Lễ này trên toàn Giáo hội. Nguyên nhân dẫn tới quyết định này chính là Phép Lạ Máu Thánh tại Bolsena vào năm 1263. Hồi ấy, một Linh mục tại Prag (Tiệp Khắc) có tên là Peter, đã nghi ngờ về sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong Bí Tích Thánh Thể. Trong lúc dâng Lễ, và sau khi đọc lời Truyền Phép, vị Linh mục này đã cầm lấy Mình Thánh và bẻ ra để trao cho các tín hữu. Khi Mình Thánh được bẻ ra như thế, vị Linh mục này đã thấy những giọt máu rỉ ra từ Mình Thánh. Và ngay trong năm 1263, sự kiện vừa kể đã được Đức Thánh Cha Urban IV công nhận là một phép lạ thực sự.
Trước hết, chúng ta tìm hiểu xem từ “máu” trong Cựu Ước có ý nghĩa gì? Thứ nhất, máu biểu trưng cho tính linh thánh của sự sống do Thiên Chúa ban cho như sách Lê-vi đã nói: “vì mạng sống của xác thịt thì ở trong máu, và Ta, Ta đã ban máu cho các ngươi” (Lv 17,11 ; x. St 9,4 ; Đnl 13, 23). Cho nên từ thời ông Nô-ê, luật của Ít-ra-en đã có những điều cấm liên quan đến máu như : không được ăn huyết/máu súc vật (x. St 9,4-6; Lv 17,10-16 ; Đnl 12,15-18), vì ăn hay uống máu là “phạm tội nghịch cùng Đức Chúa” (1 Sm 14,34). Kẻ nào làm đổ máu giết người thì sẽ bị đền mạng, vì máu của nạn nhân sẽ kêu đòi báo thù, như trong câu chuyện Ca-in giết A-ben, Đức Chúa hạch tội Ca-in: “Ngươi đã làm gì vậy ? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta!” (St 4,10). Vì thế, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26), nghĩa là thông phần sự sống của Thiên Chúa, nên máu lại càng cao quý. Điều đó làm nền tảng cho một giới luật trong Thập Giới là: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13). Ý nghĩa thứ 2 của máu là vì máu mang tính chất thần thiêng và là biểu tượng của sự sống, nên máu có một vai trò quan trọng trong phụng tự của Do-thái giáo, cụ thể là: Giao ước giữa dân Ít-ra-en và Thiên Chúa được đóng ấn bằng một nghi thức rảy máu trên bàn thờ và trên dân chúng hiện diện. Sách Xuất hành tường thuật Giao Ước Xi-nai được thiết lập giữa Đức Chúa và dân Ít-ra-en mà ông Mô-sê là trung gian (x. Xh 24,1-8 ; Xh 20,18-22). Ông nối kết dân với Đức Chúa bằng việc rảy máu của con vật hiến tế lên bàn thờ –tượng trưng cho Đức Chúa– rồi rảy lên dân chúng. Máu đó là dấu chỉ sự hiệp thông giữa Đức Chúa và dân Ít-ra-en. Như vậy, Giao Ước được lập bằng nghi thức đổ máu và ông Mô-sê đã giải thích như sau : “Đây là máu giao ước ĐỨC CHÚA đã lập với anh em” (Xh 24,8). Ý nghĩa thứ ba là máu để cứu sống, Sách Xuất Hành kể rằng để cứu dân Do Thái ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Chúa truyền cho người Do Thái giết một con chiên còn trong sạch, lấy máu bôi lên cửa. Đêm hôm ấy, thiên thần Chúa đến trừng phạt người Ai Cập, hể thấy nhà nào có máu chiên bôi trên cửa sẽ vượt qua. Để tưởng niệm việc được cứu sống và được giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, hằng năm vào đúng ngày ấy, người Do Thái giết chiên mừng lễ, và gọi là lễ Vượt Qua (cái chết). Con chiên bị giết gọi là con chiên Vượt qua (Xh 12,1-14). Ý nghĩ thứ 4, máu để tha tội, Sách Lê-vi kể rằng trong Ngày Xá Tội, thượng tế A-ha-ron sẽ đi vào Thánh Điện, rảy máu của con vật được hiến tế lên “Nắp xá tội” trên Hòm Bia và trên bàn thờ (x. Lv 16,14-19). Máu trong hy lễ xá tội được dâng lên để xin ơn tha tội, nói cách khác, máu của con vật hiến tế là một tặng phẩm Thiên Chúa ban cho con người để con người dùng nó như một phương thế đền tội. Như vậy, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa mà con người được ban cho một phương thế để có thể sám hối trở về với Chúa, và được Chúa thứ tha tội lỗi, đồng thời được xoá bỏ hình phạt tội lỗi. Một con vật phải bị giết chết thay cho họ. Con người nhận được sự tha thứ nhờ máu của con vật, điều đó có nghĩa là qua cái chết của con vật như của lễ xá tội thay cho mạng sống của con người (x. Lv 17,11).
Sang Tân ước, trước hết, máu Chúa Giêsu đổ ra để cứu sống cả phần hồn và phần xác. Khi hiến mình đúng vào dịp lễ Vượt Qua, Đức Giêsu trở thành Chiên Vượt Qua mới. Máu Người đổ ra cứu linh hồn ta khỏi nô lệ tội lỗi và khỏi chết. Các thánh Giáo phụ cắt nghĩa rằng: Miệng ta là cửa linh hồn. Người rước Mình Máu Thánh Chúa vào miệng cũng như bôi máu chiên lên cửa nhà, sẽ được cứu sống và được giải thoát khỏi nô lệ tội lỗi. Vì chưng, Chúa đã khẳng định: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,53-56). Vì vậy, khi cử hành bất cứ thánh lễ nào, Hội Thánh mời gọi và mong muốn mọi tín hữu cần rước Mình Máu Thánh Chúa là vậy. Và nếu ai không đến tham dự thánh lễ được thì thừa tác viên Thánh Thể đưa Mình Thánh Chúa cho bệnh nhân, ngược lại, bệnh nhân cần rước Mình Thánh Chúa như của Ăn Đàng, vì “Ai ăn thịt và uống máu Chúa, thì ở lại trong Chúa, và Chúa ở lại trong người ấy”, cần là vậy!
Thứ đến, máu Chúa Giêsu đổ ra để được giao hòa giữa chúng ta với Thiên Chúa và với nhau. Tại Việt Nam cũng như tại các nước Á Đông có tục “uống máu ăn thề”. Khi muốn giao kết với nhau, mỗi người lấy một chút máu của mình hòa chung vào một chén rượu. Sau đó mọi người chia nhau cạn chén. Việc uống máu ăn thề nói lên sự đồng tâm nhất trí. Những người cùng uống chung chén rượu pha máu trở nên ruột thịt với nhau, cùng sống cùng chết với nhau. Đức Giêsu đổ máu ra để lập một giao ước mới giữa loài người với Thiên Chúa. Máu Đức Giêsu giao hòa con người với Thiên Chúa và con người với nhau. Máu giao ước đó làm cho con người trở thành con cái Thiên Chúa và trở nên anh chị em với nhau. Cho nên, bài đọc 2, thư Do Thái quả quyết rằng: “Nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Ki-tô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống”.
Cuối cùng, ăn thịt và uống Máu Chúa Giêsu để tha tội được. Thời cựu ước, khi dâng lễ đền tội, người ta cũng xả thịt một con vật dâng cho Thiên Chúa. Thầy cả lấy máu con vật vảy lên tội nhân để ban ơn tha tội. Khi ta rước Mình Máu Thánh Chúa, ta cũng được tha tội vì chưng Máu Chúa không vảy lên thân xác, nhưng vảy vào linh hồn ta. Cho nên, Giáo lý Hội Thánh Công giáo dạy rằng rước lễ được những ơn ích này: Một là được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu hơn, và củng cố sự hiệp nhất trong Nhiệm Thể Người. * Hai là xoá bỏ tội nhẹ và giúp ta xa lánh tội trọng. * Ba là cảm mến và ước ao đạt tới hạnh phúc Thiên Đàng.
Nhân loại hôm nay đang xa lìa Thiên Chúa và bất hòa với nhau vì cuộc sống kinh tế, hưởng thụ. Cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình hay giáo xứ chúng ta cũng không thiếu những ích kỷ, genh ghét gây nhiều nỗi bất hòa và chia rẽ vì thiếu Lời Chúa và Mình Máu Thánh Ngài. Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta siêng năng tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa để được trở nên một với Chúa Giêsu Thánh Thể trong tư tưởng, lời nói và hành động đầy nhân ái đối với mọi người. Amen.
SUY NIỆM III
THÁNH THỂ LÀM NÊN NỀN VĂN MINH THÁNH THỂ
Lễ Mình Máu Thánh Chúa (Hội An 2/6/2024)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Cuộc đời của thánh Augustinô là cuộc đời tìm kiếm tình yêu. Không chỉ Augustinô. Con người trong thời đại nặng tính kỹ thuật này, thời đại biến con người như viên đá cuội bóng loáng, nhưng bên trong khô khốc, càng khao khát tình yêu. Nhưng tình yêu nào? Ban đầu, Augustinô tìm kiếm tình yêu trần tục, từ ảo tưởng tìm gặp tình yêu trong danh vọng cho đến khát khao lao vào các bè rối chống Giáo Hội, nhất là tìm tình yêu trong đam mê xác thịt, để cho những cơn sốt tình dục thống trị mà ngỡ gặp được tình yêu. Cho đến một ngày, chàng trai Augustinô nhận ra, những thứ trần gian vui thích tìm kiếm tưởng là tình yêu không lấp đầy cõi sâu thẳm tâm hồn. Augustinô lại lên đường tìm tình yêu và đã gặp Thiên Chúa, Tình Yêu tuyệt đối, Tình yêu đích thực, một tình yêu được Augustinô chia sẻ trong một đoản khúc tự thuật của mình và được phổ nhạc: “Ngài có đó khi con tưởng mình đang cô đơn. Ngài trong con, thế mà con vẫn tìm… Ngài thương con xoa dịu hồn vết thương đau, tha tội tình nhẹ gánh gian lao, con tin Chúa là tình yêu. Ôi con yêu Chúa quá muộn màng, con yêu Chúa quá muộn màng!” Tình yêu Chúa quá bất ngờ đối với Augustinô và với chúng ta.
- Thánh Thể là cách thế mới Thiên Chúa ở trong chúng ta
Con người quá bất ngờ trước sự hiện diện của Thiên Chúa, bởi con người tìm kiếm Ngài bên ngoài, mà Ngài lại ở trong con người. Dân Israel nghĩ rằng có đất, có nhà vua, có đền thờ là có Chúa ở với dân Chúa. Cho đến khi bị lưu đày, mất đất, mất vua, mất đền thờ, họ mới nhận biết Thiên Chúa ở cùng họ bên trong tâm hồn. Các môn đệ buồn sầu khi Chúa báo trước Ngài sẽ không còn hiện diện thể lý bên cạnh họ, nhưng Chúa bảo đảm: “Nỗi buồn các con sẽ trở thành niềm vui”, vì Chúa sẽ hiện diện với họ trong cách thế mới, cách thế con người không bao giờ ngờ tới.
Cách thế mới Chúa yêu chúng ta đó là Thiên Chúa không chỉ mặc lấy thân xác loài người, đến trong lịch sử con người để ở với con người, ở giữa thế giới, mà còn đến ở trong con người, hầu chúng ta được gặp gỡ Đấng là Tình Yêu.
Bí tích Thánh Thể là cách thế Thiên Chúa ở lại trong lịch sử, ở lại trong chúng ta và là cách thế chúng ta ở lại trong Chúa. Bí tích Thánh Thể không chỉ là niềm tin, mà là một cuộc gặp gỡ Thiên Chúa Tình Yêu. Như cuộc nhập thể làm người hiện diện giữa nhân loại, Thiên Chúa hiện diện ở giữa loài người và bên trong con người qua bí tích Thánh Thể. Vì thế, rước lấy Thánh Thể là rước lấy trọn vẹn Chúa Giê-su: Mình Ngài và Máu Ngài, linh hồn và thần tính của Ngài. Chúa Giê-su thực sự sống bên trong chúng ta khi chúng ta rước Ngài vào lòng. Bánh và rượu chúng ta rước lấy không phải biểu tượng về Chúa Giê-su, mà là chính Thịt Máu châu báu của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su không nói: đây là hình ảnh hay biểu tượng của Ta, nhưng Ngài quả quyết: “Đây là Mình Thầy.” “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56). Đáng tiếc, chúng ta yêu Chúa quá muộn màng, vì không nhận ra Chúa hiện diện thể lý gần chúng ta trong bí tích Thánh Thể như Ngài từng ở với các môn đệ trên trái đất, mà hơn nữa, Ngài ở lại bên trong chúng ta như đền thờ của Ngài giữa thế giới này. Chính Thánh Thể là Đấng mà chàng trai Augustinô bất ngờ nhận ra Ngài là Tình Yêu đang ở bên trong mà Augustinô cứ tìm kiếm bên ngoài. Thánh Thể là Đấng con người thời đại muốn tìm để nhận được tình yêu của Thiên Chúa. Thánh Thể là Đấng mà thánh nữ Catharina Siêna không thể thiếu trong đời, nên từng thưa với linh mục không dâng thánh lễ hôm ấy: “Thưa cha, con đói lắm!” hay như các vị tử đạo ở Abitene tuyên xưng: “Chúng tôi không thể sống mà không có ngày Chúa Nhật.”
- Thánh Thể làm nên nền văn minh Thánh Thể qua đời sống Ki-tô hữu
Về phần chúng ta, chúng ta vẫn bất ngờ trước tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta khi hôm nay và mọi ngày, mệnh lệnh của Chúa Giê-su “hãy làm việc này để nhớ đến Ta” phải được thực hiện để qua bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa vẫn cứ ở với chúng ta trong thánh lễ hằng ngày. Vì Chúa Giê-su không ban Mình Máu thánh Ngài cho chúng ta chỉ một giờ trong tuần, mà trong thánh lễ hằng ngày. Thiên Chúa muốn ở với chúng ta hằng ngày, muốn biến đổi đời sống chúng ta hằng ngày và muốn đức tin của chúng ta đi vào ngày sống của chúng ta, nghĩa là cho phép Chúa được ở trong lối sống của chúng ta, minh chứng lối sống của chúng ta là lối sống được Thánh Thể thấm nhuần bên trong. Thiên Chúa không hề có ý định đặt bí tích Thánh Thể tách rời khỏi cuộc sống con người, nhưng trở thành trung tâm đời sống Ki-tô hữu và luôn làm mới đời sống những ai rước lấy Ngài. Vì thế, Ki-tô hữu không thể thờ phượng Chúa chỉ vào ngày Chúa Nhật và sống những ngày còn lại trong tuần như thể Thiên Chúa không hiện diện; trái lại, như Đức hồng y Sarah khẳng định, đời sống văn hóa và văn minh của Ki-tô hữu phải được sinh ra từ bàn thờ và bàn thờ phải là trung tâm của mọi thành phố, mọi xóm làng và mọi đời sống. Chính vì mất định hướng vào Thánh Thể và thánh lễ mà mọi cuộc khủng hoảng phát sinh trong xã hội lẫn trong Giáo Hội ngày càng tàn khốc. Đó là lý do các Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđictô quả quyết rằng Giáo hội sống nhờ Thánh Thể, nhờ Mình Máu Thánh Chúa ở trong chúng ta, nên nét văn hóa Thánh Thể phải thể hiện trong toàn bộ đời sống chúng ta, từ đời sống cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ, đến đời sống truyền giáo, bác ái và huynh đệ hằng ngày, bởi Thiên Chúa không ban bí tích Thánh Thể chỉ cứu độ chúng ta, mà còn “để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Dẫu muộn màng nhận ra tình yêu của Thiên Chúa trong bí tích Thánh Thể, xin Chúa cho chúng ta vui mừng vì được biết Chúa yêu thương muốn ở trong chúng ta và muốn ở với chúng ta hằng ngày trong thánh lễ. Xin Chúa cho đời chúng ta thấm nhuần Mình Máu Thánh Chúa, để lối sống của chúng ta lấy Thánh Thể làm trung tâm và vui mừng loan báo cho mọi người niềm vui khám phá tình yêu Chúa trong Thánh Thể.