Chúa Nhật Kính Mình Và Máu Thánh Chúa KiTô – Năm A
CHÚA NHẬT 11 MTN
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
14-6-2020
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Ngọc Quang
GIÁO HUẤN SỐ 28
MỘT GIÁO HỘI CHÚ Ý ĐẾN CÁC DẤU CHỈ THỜI ĐẠI (tt)
Chẳng hạn, một Giáo hội quá lo sợ và quá trói buộc mình vào các cơ cấu có thể khư khư dị ứng với các nỗ lực bảo vệ quyền phụ nữ, và lúc nào cũng chỉ ra những nguy hiểm và những sai lầm tiềm ẩn trong các yêu cầu đó. Trái lại, một Giáo hội sống động có thể phản ứng bằng việc lưu tâm đến các yêu cầu của những phụ nữ muốn tìm kiếm sự công bằng và bình đẳng nhiều hơn. Một Giáo hội sống động có thể nhìn ngược về lịch sử và nhận ra phần trách nhiệm của mình trong chủ nghĩa nam giới chuyên quyền thống trị, trong những hình thức khác nhau của nô lệ hóa, lạm dụng và bạo lực giới tính. Với cái nhìn này, Giáo hội có thể ủng hộ lời kêu gọi tôn trọng nữ quyền, và mạnh mẽ hỗ trợ cho sự tương nhượng nhiều hơn nữa giữa nam và nữ, trong khi vẫn không nhắm mắt đồng thuận với mọi điều mà một số nhóm nữ quyền nêu ra. Trong tinh thần này, Thượnh hội đồng muốn xác nhận lại rằng Giáo hội cam kết “chống lại mọi sự kỳ thị và bạo lực liên quan đến giới tính (17). Đó là lời đáp trả của một Giáo hội vẫn tiếp tục trẻ trung, chấp nhận bị thách thức và được thúc đẩy bởi các cảm xúc của người trẻ (Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 42).
—————————————————-
CHÚA NHẬT 11 MTN
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
(Đnl 8,2-3.14b-16a; 1Cr 10,16-17; Ga 6,51-58)
Quan tòa hỏi cha Marchand, người Pháp, tên Việt Nam là Du:
-Khi làm yến tiệc ở nhà thờ, bay làm những sự quái gở lắm phải không ?
-Không, chẳng hề có điều gì quái gở.
-Vậy tại sao có thứ bánh làm bùa mê thuốc lú, để phát cho những đứa xưng tội và làm chúng mê đạo đến thế ? (Bùi Đức Sinh, Thiên Hùng Sử, trang 424).
Theo chiếu chỉ ngày 25-1-1836 của vua Minh Mạng, thì một trong số tội ác của đạo Datô (Công Giáo) là : “Các thừa sai dùng một thứ bánh để mê hoặc dân chúng giữ đạo tới cùng.” (Vũ Thành, Dòng Máu Anh Hùng, tập II, trang 86).
Trái lại, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam coi Mình Thánh Chúa là quà tặng vô giá Chúa ban.
Lễ Các Thánh năm 1839, linh mục Trân đem Mình Thánh Chúa vào ngục. Vừa thấy người, cha Dũng Lạc ra đón nói : “Kính chào bác, tôi đợi bác đã lâu, vì hết lương thực rồi”. Sau đó cha cung kính rước Chúa và trao Mình Thánh cho cha già Thi (BĐS,sđd,174).
Cha Lê Bảo Tịnh vào nhà tù giải tội và đem Mình Thánh Chúa. Cha Bonard Hương nói : “Đã lâu chưa bao giờ tôi vui đến thế này được mang trong mình Vua Các Thiên Thần” (BĐS,sđd,309).
Anh Lê Văn Giáp vào nhà tù đưa Mình Thánh cho thày Đoàn Văn Vân. Được rước Chúa, Thày được an ủi quên mọi hình khổ (BĐS,sđd,323).
Đức cha Xuyên cầu nguyện trước Thánh Thể lâu giờ (BĐS,sđd,366).
Chúa nhật 10 tuần trước là lễ Thiên Chúa Ba Ngôi nói lên tình yêu hiệp nhất của Thiên Chúa. Chúa nhật 11 hôm nay là lễ Mình Máu Thánh Chúa nói lên tình yêu hy sinh, hiến thân của Thiên Chúa.
Sách Youcat (sách Giáo Lý Cho Người Trẻ) số 208 viết : “Sau khi lãnh bí tích Rửa tội và Thêm sức, bí tích Thánh Thể là bí tích thứ ba giúp khai tâm vào Kitô giáo. Bí tích Thánh Thể là trung tâm mầu nhiệm của toàn bộ các bí tích, vì hiến tế trong lich sử của Chúa Giêsu trên thập giá được thể hiện một cách ẩn giấu và không đổ máu trong lúc truyền phép. Vì thế bí tch Thánh Thể là “nguồn suối và đỉnh cao của tất cả đời sống Kitô hữu” (Hiến chế về Hội Thánh 11). Tất cả đều qui hướng về Thánh Thể không có gì tốt lành hơn mà ta có được. Khi ta ăn bánh được bẻ ra, ta được hiệp nhất với Đấng đã trao hiến thân mình cho ta trên thập giá. Khi ta uống chén, ta hiệp nhất với Đấng đổ máu mình ra vì ta, trong hiến tế của Người. Ta không sáng kiến ra nghi lễ này. Chính Chúa Kitô củ hành bữa tiệc ly sau cùng với các môn đệ, trước khi người chịu chết. Người tự hiến cho các môn đệ dưới hình bánh rượu và khuyên họ cử hành bí tích Thánh Thể từ giờ phút đó và sau này khi Người đã chết. Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy ! (1Cr 11,24).
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng diễn tả sự hiến thân, hy sinh của Thiên Chúa.
Bài đọc 1 : Bài đọc 1 hôm nay ở trong sách Đệ Nhị Luật đoạn 8. Đoạn sách nói lên lòng Thiên Chúa thương dân Ít-ra-en dường nào khi cho họ ăn manna. Ông Môsê nhắn nhủ : “Người đã dẫn anh em đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra nước cho anh em uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh em ăn manna, thức ăn mà cha ông anh em chưa từng biết” (Đnl 8,15-16).
Đồng thời đoạn sách cũng là những tâm tình lo lắng của ông Môsê khi dân Do Thái được ăn no nê mà quên ơn Chúa : “Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn manna là của ăn anh em chưa từng biết, và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng ‘người ta không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra’ (Đnl 8,3).
“Anh em hãy ý tứ đừng quên Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà không giữ các mệnh lệnh, quyết định, và thánh chỉ của Người mà tôi truyền cho anh em. Khi anh em được ăn, được no nê, khi anh em xây nhà đẹp để ở, khi anh em có nhiều bò và chiên dê, nhiều vàng bạc, và nhiều mọi thứ của cải, thì lòng anh em đừng kiêu ngạo mà quên Đức Chúa” (Đnl 8,11-13).
Bài Tin Mừng : Lòng thương của Đức Giêsu, Người Con, cao cả đến nỗi, như Ngưới phán : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Thế nhưng, người Do Thái ngày xưa, thánh Gioan ghi lại : “Người Do Thái liền tranh luận sối nổi với nhau. Họ nói : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được” (Ga 6,52).
Cha Nguyễn Công Đoan viết trong tập “Con Chiên Thiên Chúa Của Đấng Xóa Tội Trần Gian” : “Lập tức chúng ta gặp cảnh tương tự như tổ tiên họ đã phản đối ông Môsê trong hoang địa. Họ “biết” quê quán của Người, biết gia cảnh của Người, ở làng Nadarét, nên họ xầm xì phản đối” (trang 134).
Cha viết tiếp (sđd, trang 135) : “Người không lùi bước trước những tiếng xầm xì đầy nghi ngờ của họ. Họ nhắc quê quán và gia cảnh trần gian của Ngưới mà thắc mắc, thì Người nói rõ về thân thế, nguồn gốc và sứ mạng của Người là Đấng Chúa Cha sai đến dạy dỗ họ và ban cho họ sự sống đời đời. Người còn tỏ mình tới cùng : “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51).
Cha Đoan còn viết : “Lời cuối cùng này như bom nổ bên tai, làm họ ù tai nhức óc. Lời ấy vượt xa tầm của họ. Đáng lẽ họ phải hỏi Đức Giêsu xem lời ấy có nghĩa gì. Nhưng họ quay ra tranh luận sôi nổi với nhau : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được” (Ga 6,52). Họ như những người mù xem voi tranh luận sôi nổi với nhau.
Họ đã ù tai nhức óc thì Đức Giêsu mở hết công suất các đèn chiếu, cho họ lóa mắt luôn. Đức Giêsu đẩy họ vào chân tường của ngu dốt mong họ tỉnh ngộ : “Thật tôi bảo thật các ông : nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,53-54).
Bài đọc 2 : Bài đọc 2 đọc một đoạn bài tường thuật về Thánh Thể của thánh Phaolô : “Thưa anh em, khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư ? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17)
Sách Kinh Thánh năm 2011 của nhóm CGKPV viết : “Bài tường thuật của thánh Phaolô gần với bài của thánh Luca nhất, và chỉ có bài của thánh Luca dẫn câu cuối : “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm” (Lc 22,19-20). Xét về mặt lịch sử, bài tường thuật trong 1Côrintô này rất quan trọng, vì là văn kiện Tân Ước tiên khởi còn lưu lại (Các sách Tin Mừng viết muộn hơn). Đó là năm 57, vậy mà thánh nhân đã nhận và truyền lại như một truyền thống rồi” (trang 2540-2541).
Nhóm CGKPV viết về đoạn sách trong bài đọc 2 như sau : “Người Kitô hữu lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô là được kết hợp với Người và với nhau. Như vậy, bí tích Thánh Thể thể hiện sự hiệp nhất của Giáo Hội : các Kitô hữu nên một trong Đức Kitô” (trang 2538).
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ giúp chúng con sốt sắng dâng thánh lễ và dọn lòng xứng đáng rước Mình Máu thánh Chúa Giêsu, Con của Mẹ.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành