Chúa Nhật Lễ Gia Thất Năm B


CN THÁNH GIA

Chúa Nhật, 31/12/2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Anh Ngãi Đông

Gíáo xứ Hòa Minh

GIÁO HUẤN SỐ 5

TRONG ÁNH SÁNG CỦA TÔN SƯ (tt)

Phúc cho những ai đói khát công lý,

vì họ sẽ được thỏa lòng

Đói và khát là những kinh nghiệm nhức nhối, vì chúng liên can đến các nhu cầu căn bản và bản năng sống còn của chúng ta. Có những người mong mỏi công lý và khao khát sự chính trực với cùng cường độ như vậy. Chúa Giêsu nói rằng họ sẽ được thỏa lòng, vì sớm hay muộn công lý sẽ đến. Chúng ta có thể cộng tác để làm cho điều đó thành hiện thực, cho dù có thể chúng ta không luôn luôn nhìn thấy kết quả những cố gắng của mình.

Chúa Giêsu đem lại một nền công lý khác với thứ công lý của thế gian, là thứ vốn thường bị phá hỏng bởi những lợi ích tấm thường và bị làm méo mó bằng nhiều cách. Kinh nghiệm cho thấy người ta dễ vướng vào tham nhũng, dễ bị mắc bẫy vào thứ chính trị đổi chác hằng ngày, trong đó mọi sự trở thành việc mua bán. Biết bao người phải chịu sự bất công, đành bất lực đứng bên lề khi những kẻ khác thu tóm hết những béo bở của cuộc sống này. Một số bỏ cuộc không đấu tranh cho công lý đích thực nữa và chọn thỏa hiệp với những kẻ nắm ưu thế. Điều này không liên can gì tới nỗi đói khát công lý mà Chúa Giêsu biểu dương (Tông huấn  Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 77 4 78).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

St 15,1-6;21,1-3; Dt 11,8.11-12.17-19; Lc 2,22-40)

Bài Ðọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a

“Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ”.

Trích sách Huấn Ca.

Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.

Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5

Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người

Xướng: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may.

Xướng: Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa..

Xướng: Nguyện xin Thiên Chúa từ Si-on chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giê-ru-sa-lem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con!

 

Bài Ðọc II: Cl 3, 12-21

“Về đời sống gia đình trong Chúa”.

Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hòa, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Ki-tô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Ki-tô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giê-su Ki-tô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.

Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Cl 3, 15a. 16a

Alleluia, alleluia! – Nguyện cho bình an của Chúa Ki-tô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Ki-tô cư ngụ dồi dào trong anh em. – Alleluia.

 

Phúc Âm: Lc 2, 22-40 (bài dài)

“Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Mô-sê, cha mẹ Chúa Giê-su liền đem Người lên Giê-ru-sa-lem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.

Và đây ở Giê-ru-sa-lem có một người tên là Si-mê-on, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Ki-tô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giê-su đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:

“Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Ít-ra-en dân Chúa”.

Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Si-mê-on chúc lành cho hai ông bà và nói với Ma-ri-a mẹ Người rằng: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Ít-ra-en phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!”

Lúc ấy, cũng có bà tiên tri An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi họ A-sê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giê-su cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Ít-ra-en.

Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a, về thành mình là Na-da-rét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Lc 2, 22. 39-40

“Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Mô-sê, cha mẹ Chúa Giê-su liền đem Người lên Giê-ru-sa-lem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Ga-li-lê-a, về thành mình là Na-da-rét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

Gia đình Kitô hữu là Hội Thánh tại gia

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Tại sao chúng ta thấy bàn thờ của những gia đình Công Giáo thường thờ Ba Đấng: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse. Bởi vì, gia đình Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu là Thánh gia, mà các gia đình Kitô hữu là HỘI thánh gia. Khi tôn thờ các Ngài, họ luôn cầu mong cho mọi thành phần trong gia đình mỗi ngày nên thánh thiện như các thành viên của gia đình Thánh Gia Thất. Tại sao gia đình chúng ta gọi là thánh gia? Bởi vì, thứ nhất, bất cứ ai đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy đều đã được thánh hiến, được trở nên thánh. Họ là thánh vì bí tích thánh tẩy làm cho họ trở nên chi thể của Đấng rất thánh là Chúa Giêsu. Thánh Phao-lô ngày xưa chẳng gọi các kitô hữu tại Cô-rinh-tô, Rô-ma, Ga-lát… là thánh đó sao? Thứ hai, Chúa Giêsu đã lập bí tích hôn phối để thánh hiến đời sống gia đình, nâng gia đình kitô hữu lên một tầm cao mới. Thứ ba, Công Đồng Vatican II gọi gia đình là Hội Thánh thu nhỏ (Hội Thánh tại gia) (xem LG 11, giáo lý công giáo 1656) và Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II cũng thường gọi gia đình là Hội Thánh tại gia. Gọi như thế có khác gì gọi gia đình kitô hữu là thánh gia? Thứ tư, theo giáo lý công giáo số 1657, dạy rằng: “Gia đình là nơi thể hiện đặc biệt chức tư tế cộng đồng của người cha, người mẹ, con cái và mọi phần tử trong gia đình, nhờ lãnh nhận các bí tích, nhờ kinh nguyện, tạ ơn và chứng từ đời sống thánh thiện, hy sinh và đức ái hữu hiệu. Gia đình là trường học đầu tiên về đời sống Kitô giáo, và là một trường học phát triển nhân tính. Chính trong gia đình, người ta học biết làm việc với sự nhẫn nại và vui thích, học biết tình bác ái huynh đệ, sự quảng đại tha thứ, nhất là sự phụng thờ Thiên Chúa qua kinh nguyện và hy lễ đời sống“. Vì thế, cũng như Hội Thánh, gia đình Kitô hữu được mời gọi: Sống mầu nhiệm hiệp thông của Chúa Ba Ngôi, đón nhận và thông truyền ơn cứu rỗi và tham dự vào sứ mạng của Hội Thánh.

Hôm nay, nhân lễ kính thánh gia thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse, Thiên Chúa muốn chúng ta nhìn ngắm lại một kiệt tác gia thất của Người, do chính Người xây dựng với sự hợp tác của Chúa Giêsu, thánh Giuse và Mẹ Maria và mời gọi chúng ta hãy xây dựng gia đình Hội Thánh tại gia của chúng mình theo mô hình lý tưởng Thánh gia thất xưa.

          Xây dựng gia đình mình theo mô hình thánh gia Nadarét là mọi người trong gia đình phải cư xử với nhau như Ba Đấng trong thánh gia nầy. Cụ thể là người chồng phải yêu thương và phục vụ vợ con như thánh Giuse đã yêu mến và phục vụ Mẹ Maria. Rõ ràng, thánh Giuse, một vị hôn phu không những là người đã giữ đức công bình mà còn trung thành chu toàn mọi bổn phận của một người chồng, người chủ gia đình. Thánh Giuse đã sống ơn gọi làm chồng của Đức Maria trong thinh lặng, kiên trì và trung tín hoàn toàn, cả khi ngài không hiểu. Ngài biết lắng nghe Thiên Chúa, để cho thánh ý Chúa hướng dẫn, và chính vì thế thánh nhân trở thành người chồng mẫu mực của Đức Maria và người cha tận tụy đối với Chúa Giêsu, như thánh Gioan Phaolô II, Giáo hoàng đã nhấn mạnh: “Thánh Giuse, vì yêu thương chăm sóc Mẹ Maria và vui mừng tận tụy giáo dục Ðức Giêsu Kitô, như thế Ngài cũng giữ gìn và bảo vệ nhiệm thể của Ngài là Giáo Hội, mà Ðức Thánh Trinh Nữ là hình ảnh và gương mẫu” (Trích Tông Huấn Redemptoris Custos, 1).

          Thứ đến noi gương Đức Mẹ trong Thánh gia thất, người vợ phải yêu thương và săn sóc chồng con như Mẹ Maria đã yêu mến và phục vụ thánh Giuse và Chúa Giêsu. Đức Maria càng nổi bật hơn về lòng tín thác và chăm sóc con. Mẹ đã chấp nhận gian khó trong tình yêu mến. Mẹ luôn luôn hiện lên một dung nhan dịu hiền, âm thầm, kín đáo. Mẹ tin tưởng ở sự chở che của thánh cả Giuse. Mẹ theo con mình trên từng bước con đi. Mẹ cảm nhận và tỏ ra thấu hiểu con mình. Maria đã thực sự trở nên một người phụ nữ gương mẫu trong đời sống gia đình, luôn tín thác nơi Thiên Chúa và hết mình lo lắng cho con. Và cuối cùng, với Hài Nhi Giêsu thì chúng ta phải thốt lên sự ngạc nhiên về lòng vâng phục của Ngài. Vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng Giêsu đã chấp nhận hạ mình xuống làm con một người nữ. Và dưới mái nhà nơi miền Nazareth, Giêsu đã luôn vâng phục Giuse và Maria. Ngài đã luôn vâng phục trong tình yêu mến hầu chương trình cứu chuộc nhân loại được thực thi.

          Đời sống gia đình trong xã hội ngày hôm nay đang bị khủng hoảng trầm trọng. Tỷ lệ các cặp hôn nhân đổ vỡ có nguy cơ cao hơn các cặp chung thuỷ. Những trẻ nhỏ được sinh ra đang chịu ảnh hưởng của một nền giáo dục hay ít dở nhiều, gian dối hơn là thành thật. Vợ chồng coi trọng hưởng thụ thân xác hơn là những đứa con. Nhiều người sẵn sàng giết con khi còn trong bụng để đỡ phiền hà. Các thành viên trong một gia đình ít có cơ hội để ngồi xuống cùng chung một bàn ăn. Tất cả đang làm cho định chế đời sống gia đình trở nên gánh nặng trong cuộc sống. Vậy, chúng ta là các gia đình Kitô giáo, Hội thánh tại gia, chúng ta sẽ đứng vững trong sự bình an khi biết rập khuôn theo mẫu gương Gia đình Thánh. Người chồng biết lắng nghe và sống tinh thần trách nhiệm. Anh biết noi gương Thánh Giuse, luôn trở nên cột trụ trong gia đình; sẵn sàng đương đầu với những khó khăn để nâng đỡ vợ con; luôn biết cảm thông với vợ trong những lúc vợ yếu đau, mệt mỏi. Đặc biệt, anh biết chạy đến với Thiên Chúa khi phải đối mặt với những thực tại phũ phàng mà đôi khi chỉ vì vợ chồng không hiểu nhau. Biết lắng nghe Thiên Chúa và quan tâm đến vợ con hết mình là bổn phận của người chồng. Còn người vợ luôn sống dịu hiền, yêu thương chồng, chăm sóc cho con. Hình ảnh Đức Maria luôn là lời mời gọi cho chị biết đi vào đời sống cầu nguyện để nhận biết con đường thật mà dẫn dắt con cái; biết dõi bước theo con của mình để uốn nắn dạy dỗ chúng nên người. Chị biết lo cho chúng không chỉ học thức nhưng còn biết dẫn con mình tới bàn thờ Thiên Chúa để chúng được gặp gỡ nguồn cội của mình. Thái độ thương yêu của chị dành cho chồng luôn là những làn gió mát làm xua tan những cơn nóng giận của anh. Một người vợ luôn biết yêu thương và hết mình chăm sóc con cái là chiếc nôi bảo đám cho gia đình yên vui hạnh phúc. Và cuối cùng những người con trong gia đình chỉ có thể trưởng thành đầy đủ khi biết tôn trọng và tùng phục cha mẹ trong tình yêu mến. Chính trong gia đình mà người con mới học được thế nào là yêu thương; thế nào là bề trên, thế nào là dưới. Sự vâng phục cha mẹ luôn đảm bảo cho người con có những bước đi vững chắc bước vào đời. Bạn hãy yêu mến cha mẹ mình, đừng bao giờ để cho người đã sinh ra mình, nuôi mình lớn lên phải buồn phiền vì mình. Có được như vậy, đời sống gia đình chúng ta sẽ đẹp biết bao. Gia đình sẽ là chiếc nôi để ươm trồng sự sống, là không gian cho tình yêu triển nở, là đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Lạy thánh cả Giuse, Đức Trinh nữ Maria và Chúa Giêsu Hài Đồng, xin Ba Đấng chi dẫn và nâng đỡ gia đình chúng con. Amen.

SUY NIỆM II

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Cha Charles de Foucauld

Cũng chính những kỷ niệm của một thời thơ ấu tưng bừng trải qua trong bầu khí vui tươi và đạo đức, đã lôi cha Charles khỏi sự thống trị của các đam mê và dạy lại cho ngài con đường tới đến tột đỉnh. Ngài than thở : “Ôi, lạy Chúa, chúng con phải ca ngợi lòng thương xót của Chúa… nhưng nều mọi người phải làm thế thì con phải làm thế nào, con ngay từ thơ ấu, đã được bao bọc trong muôn ân huệ : là con của một người mẹ thánh thiện, con đã học nơi người để biết Chúa, yêu Chúa và cầu nguyện với Chúa, vừa khi con có thể hiểu được một lời nói !… Nền giáo dục đạo đức này  !… Những lần viếng nhà thờ … những bó hoa đặt dưới chân Thánh Giá, một máng cỏ Noel, một tháng Đức Mẹ, một bàn thờ nhỏ trong phòng riêng, những lần xưng tội đầu tiên được ông nội đạo đức hướng dẫn…, những gương mẫu đạo hạnh được chứng kiến trong gia đình con… và việc rước lễ lần đầu, sau những ngày chuẩn bị lâu dài và sốt sắng, được cả gia đình cầu chúc và khích lệ, dưới con mắt của những trẻ con  yêu quí nhất trên đời, để tất cả mọi sự được dồn lại trong một ngày, hầu cho con được cảm nếm tất cả mọi sự ngọt ngào (Ủy Ban Đoàn Kết, Tp. HCM, Cẩm Nang Giáo Dục Kitôgiáo, trang 169-170).

Lòng đạo đức già đình thời thơ ấu của cha Charles de Foucauld đã làm cho cha bỏ đường tội lỗi thời thanh niên mà trở về với Chúa. Lòng đạo đức của ông Áp-ra-ham trong bài đọc 1, sách Sáng Thế, đã khiến Chúa ban cho ông đứa con là I-sa-ác. Lòng đạo đức của gia đình Đức Mẹ và thánh Giuse trong BTM dẫn Chúa Giêsu 12 tuổi lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem. Bài đọc 2, thư Do Thái, đã nói các kết quả tốt đẹp của lòng đạo đức, lòng tin, của ông Áp-ra-ham và bà Xa-ra.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                               Bài đọc 1(St 15,1-6;21,1-3): Sách ‘Ngũ Thư’ của nhóm CGKPV viết : ‘Theo St 15,6  (Ông tin Đức Chúa và điều ấy Người kể cho ông là sự công chính) ông Áp-ra-ham hoàn tòan đặt niềm tin tưởng vào Đức Chúa và phó thác cho Người. Tin ở đây cùng

gốc với ‘Amen’ theo nguyên nghĩa ‘mn’ là vững chắc. Đó là thái độ gắn bỏ vững chắc với Đức Chúa là Đấng che chở ông, ban cho ông một người con thừa kế và một dòng dõi đông đảo như các vì sao (cc 4-5)- Điều ấy Đức Chúa kể cho ông là công chính. Đức Chúa ghi nhận thái độ của ông Áp-ram tuyệt đối vâng phục ý của người, Thái độ ấy được coi như thái độ công chính, thái độ của con người sống ngay thẳng, đẹp lòng Thiên Chúa (trang 94).

Bài Tin Mừng (Lc 2,22-40) : Cha nguyễn Công Đoan viết về BTM ; ‘Luca kể dài về việc Gio-an Tiền Hô chịu cắt bì, đặt tên với bài ca ‘chúc tụng’ rồi vào hoang địa, lớn lên ở đó, nhưng kể vắn tắt về việc cắt bì và đặt tên cho Chúa Giê-su, rồi kể dài về việc  dâng vào Đền thờ, với sự xuất hiện và làm chứng của ông Si-mê-on và bà An-na, một ông già và bà già suốt đời trông đợi ơn cứu độ. Cách bố cục này cho thấy sự ứng nghiệm của lời ngôn sứ Ma-la-khi ‘Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm đi vào thánh điện của Người’ (Ml 3,1). Gio-an là sứ giả đến trước dọn đường… Ông già Si-mê-on và bà già An-na tiêu biểu cho sự tìm kiếm, chờ đợi. Thánh Thần soi sáng cho hai vị này  biết để vào Đền thờ đón nhận và công bố cho mọi người. Bài ca của ông Si-mê-on và lời kể của bà An-na nói lên ý nghĩa này.

Ông Si-mê-on được Thánh Thần sai nói về tương lai của Hài Nhi. Là ơn cứu độ của Thiên Chúa nên Hài Nhi sẽ là ‘cớ cho nhiều người ngã xuống hay đứng lên, là dấu hiệu cho người đời chống báng’, tùy người ta muốn đón nhận ơn cứu độ hay từ chối, Lời bí ẩn về nỗi đau của người Mẹ gọi là lời hứa cứu độ Giê-ru-sa-lem trong sách Da-ca-ri-a : ‘Ta sẽ đổ ơn xuống cho nhà Đa-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu như người ta thương tiếc đứa con đấu lòng như người ta khóc than đứa con ruột. Chúng sẽ thương tiếc như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng (Dcr 12,10). Chúa Giê-su đứa con đầu lòng của Mẹ sẽ bị đinh sắt đâm thâu bởi những đau khổ của Con. Sách Tin Mừng Gio-an trích câu này giải thích việc người lính lấy lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn Chúa Giê-su đã chết trong khi Đức Mẹ đứng bên thập giá. Thê là thập giá đã in bóng ở cuối chân trời (Tĩnh Tâm với sách Tin Mừng Lu-ca, trang 76-77).

Bài đọc 2(Dt 11,8.11-12.17-19) : Sách Tân Ước của nhóm CGKPV viết về bđ2 : ‘Đức tin gương mẫu của các tổ phụ : ‘Câu này ( Đức tin bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng choo những điều ta không thấy) đã trở thành câu định nghĩa  thần học về đức tin : tin là chiếm lãnh được trước, một cách chắc chắn, những thực tại trên trời (Rm 5,2; Ep 1,13) là những điều ta không  xem thấy. Đức tin xem ra nghịch lý  ở chỗ này, có mà không nắm giữ trong tay, biết mà không nhìn thấy. Các gương tích trưng dẫn ở đây cho thấy sức sống mãnh liệt chất chứa trong đức tin (trang 659). ‘Đức tin nhắm hai điều : một là tin có một Chúa duy nhất, tự bản tính là vô hình; hai là tin Chúa quan phòng thưởng người lành, phạt kẻ dữ (trang 660).

Cầu nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã đề cao Thánh Gia

như tấm gương sáng lạn để mọi người bắt chước.

Xin làm cho chúng con cũng biết học đòi

mà ăn ở đúng lễ nghĩa gia phong,

sống đùm bọc lẫn nhau trong tình yêu mến,

hầu được chung hưởng niềm an vui vĩnh cửu

trong nhà Chúa trên trời.

SUY NIỆM III

HÃY YÊU LẤY GIA ĐÌNH THÁNH CỦA BẠN

(Hội An 31/12/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

          Nơi con người chào đời được nhiều người vui mừng đón nhận là gia đình và nơi con người trong những giờ phút cuối cuộc đời mong được ở trong là gia đình. Đối với mỗi người, gia đình là tổ ấm, là nền tảng hình thành nhân cách, nơi con người lần đầu được gieo mầm tương quan thân thiết với người chung quanh, với ông bà, cha mẹ, với anh chị em, là mảnh đất màu mỡ giúp con người hưởng lấy những giá trị cao đẹp, nhất là nhận lấy đức tin, hiểu biết Thiên Chúa yêu thương qua lời dạy và gương yêu thương của cha mẹ và mọi người trong gia đình.

          Gia đình là tế bào cốt yếu của xã hội và Giáo Hội. Xã hội và Giáo Hội chỉ được phát triển mạnh mẽ, tốt lành khi dựa trên nền tảng các gia đình thực sự là tổ ấm, bởi điều tốt đẹp nhất Thiên Chúa làm là gia đình. Ngài đã tạo nên người nam và người nữ, kết hợp họ thành một gia đình và ban cho họ mọi sự, cho họ cả thế giới. Mọi tình yêu Ngài có, mọi vẻ đẹp nơi Ngài, toàn bộ sự thật của Ngài, Thiên Chúa ban cho gia đình, để gia đình trở nên nhân chứng tình yêu. Vì thế, mẹ Têrêxa Calcutta quả quyết: “Bạn có thể làm gì để thúc đẩy hòa bình trên thế giới? Bạn hãy trở về yêu gia đình bạn”.

           Nhưng, trong não trạng con người hôm nay, vai trò của gia đình còn quan trọng như vậy nữa không? Làm sao phục hồi sự thánh thiện và tốt lành trong gia đình để thế giới là thế giới tốt đẹp như ý Thiên Chúa khi tạo dựng?

  1. Gia đình đang chịu các cuộc tấn công bên ngoài lẫn bên trong

          Soeur Lucia Fatima đã viết thư cảnh báo: “Trận chiến cuối cùng giữa Thiên Chúa và vương quốc Satan sẽ liên quan đến hôn nhân và gia đình.” Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng cảnh báo tương tự, cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Giáo Hội đối mặt không phải vũ khí hạt nhân hay khủng bố, cũng không phải biến đổi khí hậu toàn cầu hay thiếu ơn gọi linh mục, tu sĩ, mà chính là cuộc khủng hoảng gia đình. Ngài còn thêm, vì gia đình đang phải chịu nhiều làn sóng tấn công không chỉ bên ngoài, mà còn cả bên trong.

          Từ bên ngoài, lý thuyết về phái tính trở thành luật xâm hại gia đình được Liên Hiệp Quốc và nhiều quốc gia phương tây ủng hộ đang tàn phá hôn nhân và gia đình tàn khốc. Lý thuyết về phái tính này phủ nhận sự khác biệt giới tính, không có tính hỗ tương giữa nam và nữ, con người tự định đoạt giới tính của mình, vì thế, người nam có thể trở thành người nữ và ngược lại. Hậu quả là hôn nhân không phải chỉ giữa người nam và người nữ, mà còn giữa hai người nam hay hai người nữ. Thêm nữa, khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa cực đoan tiêu hủy mối liên kết trong gia đình. Đề cao sự tự do và tính độc lập của cá nhân là một điều đáng khuyến khích; tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân cực đoan đề cao tự do cá nhân quá đáng đến mức nghĩ rằng cá nhân phán quyết thế nào tùy ý, như thể ngoài cá nhân không còn chân lý hay các giá trị nào, nên tùy hứng quyết định theo sở thích bất thường, đến mức khinh bỉ sự chung thủy trong hôn nhân, chế giễu sự dấn thân trọn vẹn và bền vững trong hôn nhân, thậm chí tự cho mình có quyền giết chết con mình. Khuynh hướng này biến mỗi thành viên trong gia đình thành ốc đảo riêng biệt, nếu cần đến nhau thì để chỉ đòi hỏi quyền lợi chứ không xem trọng quan hệ trong gia đình. Những làn sóng độc hại trên đang được các phương tiện truyền thông cổ xúy, như một thứ chủ nghĩa thực dân mới từ tây phương len lỏi tận bên trong đời sống gia đình.

Đáng sợ hơn nữa là sự hủy hoại gia đình bắt nguồn từ bên trong, từ các bậc ông bà cha mẹ hững hờ đời sống đức tin và luân lý, không truyền dạy đức tin cho con cái, lại thêm phần kém hiểu biết giáo lý đã làm cho cuộc tục hóa gia đình nhanh hơn, sự giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái được khoắn trắng cho xã hội thế tục.

          Trước cuộc khủng hoảng gia đình ngày nay, Ki-tô hữu phải làm gì để khôi phục sự thánh thiện và tốt lành của gia đình?

  1. Gia đình sống chứng nhân theo gương thánh gia thất

          Ngày lễ Thánh Gia Thất trả lời bằng cách mời gọi mọi gia đình theo gương gia đình thánh Giuse, Maria và Giê-su. Các ngài làm gì để gia đình nên thánh, thì chúng ta cũng được mời gọi làm như thế để gia đình mình nên thánh như ơn gọi của gia đình.

          – Trước hết mọi sự, gia đình vây quanh Chúa Giê-su, hướng lòng về Thiên Chúa. Mẹ Maria và thánh Giuse qui về Chúa Giê-su và tin nhận Ngài là Thiên Chúa làm người. Mẹ và thánh Giuse dâng con trai mình cho Thiên Chúa, đưa con mình lên đền thờ chu toàn bổn phận với Chúa Cha và Chúa Giê-su có cơ hội truyền giảng giáo lý. Vì vậy, mọi gia đình được kêu gọi đặt Chúa Giê-su làm trung tâm của đời sống gia đình, cha mẹ cùng đưa con cái đến nhà thờ thờ phượng Thiên Chúa và học hỏi giáo lý, cho con cái biết tạ ơn Chúa vì được làm người nam hay người nữ theo thánh ý Chúa.

          – Thánh Giuse và Mẹ Maria tập cho trẻ Giê-su biết sống thân thiết với Thiên Chúa Cha và gia đình, nhờ đó Chúa Giê-su biết gọi thánh Giuse là “abba” và Ngài đã thưa với Cha trên trời “Abba.” Cha mẹ có đời sống cầu nguyện mới có thể dạy con cái biết thưa với Chúa: “Lạy Cha chúng con”, lễ phép tôn kính ông bà, cha mẹ.

          – Thánh Giuse là người công chính quý trọng Mẹ Maria, dù không hiểu mầu nhiệm làm mẹ của Mẹ Maria. Các ngài nêu gương cho người chồng, người vợ biết tôn trọng nhau trong mọi hoàn cảnh.

          – Bầu khí thân thiết trong gia đình là bầu khí cho hài nhi Giê-su lớn lên và cảm nếm tình yêu Thiên Chúa, biết bổn phận đối với Thiên Chúa và sống tìm đẹp lòng Thiên Chúa.

          Các gia đình Ki-tô hữu thời tiên khởi đã sống như thế theo gương thánh Gia Thất và đã cứu thế giới thời bấy giờ. Xin cho mọi gia đình Ki-tô hữu hôm nay ý thức và làm cho gia đình mình xứng đáng là gia đình thánh, để cứu thế giới thời nay.