Chúa Nhật Lễ Hiển Linh Năm C
CHÚA NHẬT. CHÚA HIỂN LINH.
Lễ trọng. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).
Giáo xứ Phú Hương Chầu Thánh Thể
GIÁO HUẤN SỐ 6
Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ
TRONG CẦU NGUYỆN LIÊN LỈ (tiếp theo)
“Thánh Gioan Thánh Giá bảo chúng ta: “Hãy cố gắng ở lại thường xuyên trong sự hiện diện của Thiên Chúa – dù là hiện diện thực tế, hay tưởng tượng, hay kết hợp – trong mức độ mà các công việc của bạn cho phép”. [109] Cuối cùng, niềm khát khao Thiên Chúa nơi chúng ta chắc chắn sẽ được diễn tả trong đời sống hằng ngày: “Hãy cố gắng cầu nguyện liên lỉ, ngay khi tập thể dục cũng đừng bỏ cầu nguyện. Dù anh em ăn, uống, chuyện trò, hay làm bất cứ gì, hãy luôn luôn đến với Thiên Chúa và đặt trái tim mình nơi Ngài”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 148).
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12Ðọc I: Is 60, 1-6
“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.
Trích sách Tiên tri I-sai-a.
Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giê-ru-sa-lem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi.
Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi.
Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông.
Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Ma-đi-an và Ê-pha; tất cả những ai từ Sa-ba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13
Ðáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa
Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.
Xướng: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.
Xướng: Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ.
Xướng: Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người.
Bài Ðọc II: Ep 3, 2-3a. 5-6
“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.
Trích thư Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.
Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giê-su Ki-tô.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Mt 2, 2
Alleluia, alleluia! – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – Alleluia.
Phúc Âm: Mt 2, 1-12
“Chúng tôi từ phương Ðông đến thờ lạy Ðức Vua“.
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mát-thêu.
Khi Chúa Giê-su sinh hạ tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, trong đời vua Hê-rô-đê, có mấy nhà đạo sĩ từ Ðông phương tìm đến Giê-ru-sa-lem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Ðông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hê-rô-đê bối rối, và tất cả Giê-ru-sa-lem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Ðức Ki-tô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bê-lem thuộc xứ Giu-đa, vì đó là lời do Ðấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bê-lem, đất Giu-đa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giu-đa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hê-rô-đê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bê-lem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Ðông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Ma-ri-a Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và một dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hê-rô-đê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
NHỮNG NGƯỜI HÀNH HƯƠNG TÌM GẶP CHÚA
Lễ Hiển Linh (6/1/2025)
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Hiển Linh. Đây là một trong những lễ được Giáo Hội cử hành lâu đời nhất. Lễ Hiển Linh không chỉ mừng các nhà đạo sĩ thông thái đến viếng thăm Chúa Hài Đồng, mà quan trọng hơn, đó là lễ mừng Thiên Chúa tỏ mình ra cho tất cả mọi người, mọi dân tộc. Nói cách khác, đây là lễ mừng Thiên Chúa tỏ mình ra cho mọi dân tộc, được biểu lộ rõ rệt trong cuộc hành hương tìm kiếm Thiên Chúa của các nhà đạo sĩ. Đó cũng phải là hành hương đức tin của chúng ta.
- Cuộc hành hương của các nhà đạo sĩ
Thỉnh thoảng những nhà đạo sĩ thông thái này được gọi là vua. Chúng ta không biết nhiều về họ. Điều cần biết, đó là họ không phải người Do Thái. Sau khi Ngôi Lời giáng sinh làm người, những nhà đạo sĩ này thực hiện một cuộc hành hương tìm kiếm Thiên Chúa. Họ thực hiện cuộc hành hương, chứ không phải một chuyến du lịch, dù là “du lịch tâm linh,” bởi chuyến lên đường của họ đi theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa, nhằm mục tiêu được gặp Thiên Chúa và được Thiên Chúa biến đổi, chứ không để ngắm xem. Triết gia người Mỹ, Mark Nepo giải thích: “Đi mà không thay đổi, đó là kẻ du mục. Thay đổi mà không đi, đó là kẻ hoạt đầu. Đi và được biến đổi, đó mới là người hành hương.” Chuyến đi của họ mang mục đích thiêng liêng, vì lòng khao khát được biết Chúa trong họ quá lớn, đến nỗi họ rời bỏ mọi sự, cơ ngơi và quê hương ra đi cho thỏa cơn khát tâm hồn. Cuộc hành hương của họ không ngừng nghỉ cho đến khi được gặp Đấng Cứu Thế, được thờ phượng Ngài và được Ngài biến đổi tâm hồn.
Cuộc hành hương của họ được Thiên Chúa dẫn dắt. Theo thánh Phaolô, họ là những người “không được hưởng quyền công dân Ít-ra-en, xa lạ với các giao ước dựa trên lời hứa của Thiên Chúa” (Ep 2,12), nhưng họ không phải là không hay biết gì về hứa đó. Bằng chứng, các thượng tế và kinh sư trong cung vua Hêrôđê hiểu rõ các nhà đạo sĩ không đi tìm vị vua trần gian nào, nên đã trích từ sách ngôn sứ Mi-ca trả lời: tại Bê-lem đất Giu-đa, Đấng Mêssia sẽ chào đời. Chính Thiên Chúa đã cho một ngôi sao, hiện tượng trong vũ trụ, soi sáng và thôi thúc họ tìm kiếm Thiên Chúa. Cách thức mạc khải qua vũ trụ này được Thiên Chúa dùng để tỏ mình cho hết mọi dân tộc và mọi nền văn hóa mọi thời. Ngôi sao chỉ dẫn các nhà đạo sĩ con đường gặp Thiên Chúa. Danh họa Van Gogh cũng có kinh nghiệm tương tự, nhu cầu tìm kiếm Thiên Chúa đã thúc giục ông lao vào đêm tối để vẽ những vì sao trên trời như các nhà đạo sĩ được điều lạ trong ngôi sao. Thiên Chúa còn mạc khải cho họ cách đặc biệt qua lời các ngôn sứ được lưu giữ trong thánh kinh. Mặc dù họ không biết lời ngôn sứ, nhưng họ chứng minh cho toàn dân Israel thấy rõ sự ứng nghiệm lời của các ngôn sứ khi họ vì tin vào lời Chúa trong thánh kinh mà lên đường đến Bê-lem và gặp được Ngôi Lời làm người. Vì tin Hài Nhi Giê-su là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, họ sụp lạy, thờ phượng và dâng lên Thiên Chúa vàng, nhũ hương và mộc dược. Theo thánh Lê-ô cả, họ dâng vàng vì nhận biết quyền năng Thiên Chúa nơi Ngài; dâng nhũ hương để xưng tụng bản tính Thiên Chúa nơi Ngài; dâng mộc dược để bày tỏ niềm xác tín Hài Nhi Giê-su là Thiên Chúa làm người cứu độ chúng ta. Và cuối cùng, họ được Thiên Chúa biến đổi, trở về bằng con đường khác và trở thành người loan báo Tin Mừng Chúa giáng sinh.
Nói tóm lại, các nhà đạo sĩ là những người hành hương đích thực, luôn nuôi hy vọng và lòng dũng cảm của đức tin trong suốt chặng đường đi theo sự soi sáng vì sao, của lời Chúa, cho đến khi đạt mục tiêu cuộc hành hương là gặp gỡ Thiên Chúa và biến đổi cuộc đời mình và có thể quỳ xuống thờ phượng Hài Nhi, dâng của lễ quý giá cho Ngài. Thiên Chúa muốn mọi người, mọi dân tộc đi vào cuộc hành hương ấy, để được gặp Chúa, được thờ phượng Chúa và được biến đổi.
- Cuộc hành hương của chúng ta phải có
Chúng ta đang sống năm thánh với hướng đi: “Những người hành hương trong hy vọng” như chuyến đi tìm kiếm Thiên Chúa của các nhà đạo sĩ, chúng ta học được gì từ chuyến hành hương đúng nghĩa của các đạo sĩ?
Thứ nhất, hãy luôn ngước mắt nhìn lên cao và chờ đợi ánh sáng Thiên Chúa soi sáng ý nghĩa cuộc đời. Hãy bắt chước các đạo sĩ không cúi nhìn chằm chằm vào chân mình, vào hoàn cảnh của mình để than van, trách móc hay tự mãn, nếu thế, chúng ta sẽ chôn vùi đời mình trong những sự dưới đất ấy. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, mắt hướng nhìn lên Chúa và tự hỏi: “Hài Nhi mới sinh ra hiện đang ở đâu?” Nơi nào tôi có thể đến và gặp Chúa?
Thứ hai, hãy để Chúa Giê-su hấp dẫn chúng ta. Các nhà đạo sĩ ngước mắt nhìn trời không như một kẻ mộng du giữa cuộc đời hay hoàn cảnh mình sống, nhưng họ để cho lời Chúa thôi thúc tiến đến gặp Hài Nhi Giê-su nằm trong máng cỏ. Nhờ ngước mắt lên khỏi những tầm thường và bận tâm thế gian, họ gặp Thiên Chúa làm người bằng xương bằng thịt ở giữa nhân loại. Cũng vậy, nhờ đưa đôi mắt và tâm hồn thoát khỏi những bận rộn và đam mê trần thế, chúng ta sẽ gặp thấy trời đến với đất, tương lai đi xuống với hiện tại trong bí tích Thánh Thể. Gặp Thánh Thể là gặp Thiên Chúa làm người hôm nay.
Cuối cùng, như các nhà đạo sĩ, chúng ta quỳ trước nhan Chúa và cúi đầu thờ lạy Ngài. Quỳ xuống thờ lạy Chúa là thái độ bày tỏ lòng kính thờ Chúa trong sự khiêm tốn. Thánh Phaolô hướng dẫn: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1), nghĩa là thờ phượng Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực và của lễ dâng Chúa còn hơn vàng, nhũ hương, mộc dược là chính con người và cuộc đời chúng ta cho Chúa. Lòng thờ phượng đó đòi hỏi chúng ta hoán cải đời mình và sống cho Chúa mà thôi.
Đó là cuộc hành hương trong đức tin và hy vọng đúng nghĩa.
Xin Chúa cho mắt chúng con thoát nhẹ khỏi những vướng bận của trần thế, hướng nhìn lên Chúa và nhận ra Chúa ở với chúng con trong bí tích Thánh Thể. Chúng con đến thờ lạy Chúa và dâng cuộc đời con cho Chúa và thuộc trọn về Chúa.
SUY NIỆM II
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG NHƯ CHÚA GIÊSU HÀI ĐỒNG
Các bài Lời Chúa trong ngày lễ Hiển Linh hôm nay cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu giáng trần không riêng cho một ai, một dân tộc nào, nhưng là cho hết mọi người, mọi dân tộc: da trắng, da đen, da đỏ, da vàng. Cụ thể bài đọc 1, Tiên tri Isaia tiên báo: “Giêrusalem hỡi, ĐỨC CHÚA như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước”. Đến Bài Tin Mừng, Mátthêu viết Tin Mừng cho người dân Do Thái, mà Dân Chúa thời Cựu ước luôn trong đợi Đấng Mêsia, Ngài kể lại câu chuyện hôm nay như muốn nói với Dân Chúa rằng hôm nay Chúa Giêsu giáng sinh làm người để ứng nghiệm lời Tiên tri Isaia chúng ta vừa nghe. Trong Tin Mừng Mátthêu kể có ba đạo sĩ đến hang đá Belêm. Ngài không nói chính xác họ đến từ đâu mà chỉ nói từ phương Đông, nhưng phương Đông lớn lắm! Rồi một trong ba đạo sĩ ta cũng thấy có một vị da màu. Và thánh Mátthêu còn mô tả các Ngài đến Belem nhờ Ngôi sao dẫn đường. Nó hướng dẫn các vị hiền sĩ của chúng ta (có lẽ là những nhà chiêm tinh và chúng ta đã gọi họ là vua) và nó đã dừng đúng chỗ, đúng lúc: Trên ngôi nhà có Đức Maria và Hài Nhi Giêsu! Đúng như lời Thánh Phaolô trong bài đọc 2 khẳng định: “trong Đức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”.
Như vậy rõ ràng rằng Chúa Giêsu không đến trong thế gian vì một số người mà thôi (những người thân cận với Ngài), mà Ngài không nhập thế duy chỉ vì một dân tộc (dân tộc Do Thái), nhưng vì tất cả các dân tộc trên trần thế và vì tất cả mọi người sống trên trái đất này. Không ai, thực sự không người nào bị loại trừ khỏi những bận tâm của Chúa Giêsu. Ngài sinh ra cho hết thảy mọi người. Tất cả mọi người, đàn ông đàn bà, lớn bé, giàu nghèo, người bệnh tật… ở khắp mọi nơi chốn và mọi thời đại đều được mời gọi đến lãnh ơn cứu độ. Chúa Giêsu đến để soi sáng và cứu vớt toàn thể nhân loại. Qủa thật, Chúa Giêsu nhà truyền giáo đầu tiên và vĩ đại nhất. Vâng, Là Thiên Chúa Ngôi Hai, Đức Giê-su đã vâng lời Chúa Cha để xuống thế làm người nhằm cứu độ loài người. Là Thiên Chúa thật, Đức Giê-su đã trở nên người thật, người trọn vẹn với ý nghĩa đầy đủ. Ngài làm người giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi. (Dt 4,15). Ngài đã được sinh ra tại làng Belem trong hang nghèo hèn được sưởi ấm bởi hơi bò lừa. Sự ra đời của Ngài đã được ánh sao lạ dẫn đường cho 3 vua dân ngoại đến bái thờ. Vì từ nay, muôn dân đang nằm trong bóng tối tử thần đã được nhìn thấy ánh sáng huy hoàng rực rỡ, đó là Đức Giê-su Ki-tô, Người là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ngài là vị truyền giáo đầu tiên và vĩ đại khi dám chấp nhận bỏ mình, bỏ địa vị Thiên Chúa để hạ mình làm người để cứu loài người khỏi tay thần chết và đưa con người từ bóng đêm tội lỗi đến ánh sáng rạng ngời. Ngài là vị truyền giáo đầu tiên và vĩ đại khi công khai giảng dạy và làm nhiều phép lạ để người câm nói được, người điếc nghe được, người mù được nhìn thấy, người què đi được, người bệnh tật được chữa lành, người chết được sống lại. Ở đâu Ngài hiện diện là ở đó được thi ân giáng phúc. Ở đâu Ngài hiện diện là ở đó đầy tràn Thần Khí và niềm vui hạnh phúc. Ở đâu Ngài hiện diện là ở đó được chữa lành và được cứu sống. Ở đâu Ngài hiện diện là ở đó có sự gặp gỡ và quy tụ. Ngài là vị truyền giáo vĩ đại khi tim Ngài luôn thổn thức, chạnh lòng thương và quan tâm đến tất cả mọi người, nhất là những hoàn cảnh éo le bệnh hoạn tật nguyền. Ngài là vị truyền giáo đầu tiên và vĩ đại khi Ngài làm việc liên lỉ vì các linh hồn, “Cha Ta làm việc Ta cũng làm việc…” (Ga 5,17). Ngài là vị truyền giáo vĩ đại khi Ngài chịu thương chịu khó, hăng say dấn thân trong mọi ngõ ngách miễn sao Tin Mừng được loan báo và Lòng thương xót của Thiên Chúa được tỏ hiện.
Giáo Hội hoàn vũ đã chính thức bước vào Năm Thánh Cứu Chuộc, còn giáo Hội Việt Nam, theo Thư Chung của Hội đồng Giám Mục Việt Nam mời gọi chúng ta sống định hướng Năm nay là: Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng. Vì vậy, Các Ngài kêu gọi: “Mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy nhiệt thành sống và làm chứng cho Tin Mừng, với những gợi ý như sau:
– Trong gia đình, các thành viên sống yêu thương, quan tâm và liên đới với nhau hơn, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục đức tin cho người trẻ.
– Gia đình sống thân thiện, bác ái với anh chị em thuộc các tín ngưỡng, tôn giáo khác.
– Giữa các gia đình và cộng đoàn, cần nỗ lực giao hòa, tha thứ, tha “nợ” cho nhau, vì dấu chỉ hy vọng đầu tiên của Năm Thánh toàn xá là bầu khí hài hòa, bình an”.
Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, xin Chúa Giêsu hài đồng muôn ơn cho mỗi người chúng ta sẵn sàng và hăng hái ra đi loan báo và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ của Chúa cho mọi người. Chính lúc ấy, mỗi người chúng ta là những ngôi sao dẫn đường cho mọi người chưa biết Chúa đến gặp chính Thiên Chúa và Lời của Ngài là nguồn hy vọng bình an và hạnh phúc muôn đời. Amen.
SUY NIỆM III
Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.
TIẾP NỐI NHỮNG BƯỚC CHÂN ANH HÙNG
Chuyện xưa kể lại: ngày ấy, có một người tên là Ápram, cùng với vợ là Xarai và người cháu tên là Lot, sinh sống trong một nông trại ở một miền đất gọi là Kharan. Ông ao ước có một đứa con để nối dõi tông đường, nhưng chẳng được. Súc vật, đồng cỏ, mọi thứ có đầy đủ, thế mà ông Ápram vẫn cảm thấy thiếu thốn. Đời sống cứ thế qua đi, cho đến một hôm, ông Ápram nghe được một tiếng nói lạ lùng: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi mà đi tới miền đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi. Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12,1-3).
Bảy mươi lăm tuổi đầu rồi đâu còn trẻ gì nữa, làm sao có thể chịu đựng những nỗi vất vả, những hành trình; của cải cũng đầy đủ quá rồi, còn mong ước gì hơn nữa. Lại còn chuyện sẽ được cai quản một dân lớn, làm tổ phụ cả một đoàn dân đông đảo; ôi những chuyện xa vời quá, làm sao chấp nhận nổi?
Ápram phân vân, đắn đo suy nghĩ, ông cảm thấy tiếng nói lạ lùng ấy đầy uy lực, thôi thúc ông phải thi hành. Và ông đã chấp nhận lên đường, bỏ lại quê cha, bỏ lại mồ mả tổ tiên, bỏ lại mảnh đất thân yêu, bỏ cả sự an toàn đang có; ông chỉ mang theo những gì có thể, và dấn mình vào trong cuộc phiêu lưu liều lĩnh với muôn ngàn bất trắc, chưa xác định nơi nào sẽ định cư. Tất cả chỉ dựa trên một lời hứa, một lời hứa linh thiêng và bí nhiệm.
Abram đã không lầm. Những chi tiết của lời hứa đã được thực hiện. Ông đã được dẫn tới một miền đất phì nhiêu, ông đã có được nhiều của cải, chiên bò, gia súc, v.v… và có nhiều đầy tớ giúp việc. Đời sống của ông bây giờ sung túc hơn xưa nhiều. Điều vui mừng hơn hết là Abram có được một cậu con trai, người con bấy lâu ông hằng mơ ước. Cuộc đời ông tưởng như không còn ước mong gì hơn nữa … (x. St 21,1-7).
Câu chuyện lại không chấm dứt ở chỗ này. Một lần nữa, tiếng nói lạ lùng năm xưa lại đến với ông, cũng đầy uy dũng và thúc bách: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Moria mà dâng nó làm lễ tòan thiêu” (x. St 22,1-2).
Sao? Lệnh truyền gì mà lạ lùng thế! Lần trước tiếng nói ấy đã cho ông biết: ông sẽ là tổ phụ của một dân lớn, con cháu ông sẽ đông như sao trên trời, như cát dưới biển. Thế mà giờ đây lại được lệnh đem sát tế, đem giết đi đứa con độc nhất, đứa con nối dõi.
Abram đã được đổi tên thành Abraham. Ông cảm thấy như có một sức mạnh linh diệu thôi thúc; và dựa trên những kết quả từ lời hứa lần trước, ông quyết định thi hành.
Kết cuộc câu chuyện ra sao, chúng ta đã biết rồi, vào lúc Abraham sửa soạn thi hành lệnh truyền, thì đứa con đã được cứu thoát do một sự can thiệp lạ lùng …
Với những hành động can đảm và liều lĩnh ấy, kèm theo một lòng tín trung phó thác mãnh liệt, Abraham trở thành cha của tất cả những ai có niềm tin, trở thành con người khai mở cả một chặng đường, một hành trình nhiều đột biến nhưng thật phấn khởi, trở thành gương mẫu điển hình cho lòng vâng phục, cho hy vọng …
Một câu chuyện khác
Cách đây 2000 năm, hay có khi trước đó nữa, đã có những nhà chiêm tinh, căn cứ vào những điềm xảy ra trong vũ trụ để nghiên cứu những biến cố. Đó là công việc của những nhà giàu có, sẵn tiền của và thời giờ. Ở vùng đất xa xôi nọ, theo truyền thuyết, có ba nhà đạo sĩ cùng làm công việc ấy. Ngày nọ, ba người thấy xuất hiện trên bầu trời một vì sao lạ, một vì sao chưa thấy xuất hiện lần nào. Ba ông ngạc nhiên và bàn tính với nhau: Hẳn đây là một điềm báo trước một biến cố trọng đại. Nghiên cứu tìm tòi, ba ông được biết vì sao ấy ám chỉ một ông vua mới sinh. Vì vua ấy chắc là cao sang lắm, nên mới có ngôi sao lạ. Ba ông đều muốn lên đường đến chiêm bái vị vua mới sinh. Ba ông quyết định từ bỏ cả của cải, đem theo những báu vật để dâng cúng vị vua mới sinh.
Và ba ông đi mãi, đi mãi, dưới sự hướng dẫn của ba sao lạ … Và đến đây chúng ta đã biết được phần cuối của câu chuyện rồi. Đó là ba nhà đạo sĩ đến kính bái Chúa Giêsu mới giáng sinh ở Bêlem (Mt 2,1-12).
Abraham, ba nhà đạo sĩ đã đi trên một con đường: con đường của tìm kiếm, con đường của đức tin, con đường dẫn tới tương lai, dẫn tới sự sống. Các vị đã chọn đi trên con đường đó với bao quả cảm, với bao nỗ lực và phấn đấu. Con đường ấy dẫn đưa các vị đến những thành đạt kỳ ảo nhất và cũng dễ hiểu nhất. Con đường ấy là con đường duy nhất, vì kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng, chẳng còn con đường nào khác. Con đường ấy thật nhiều đột biến, thật nhiều thử thách và gian nan, đôi khi rất tăm tối, nhưng cũng đầy hứng thú và kỳ diệu …
Con đường đức tin hay hành trình chinh phục chân lý. Con đường dẫn con người đến những đỉnh cao, những thực tại siêu vời của cuộc sống …
Đó cũng là con đường của chúng ta, của mọi người. Mỗi người đều được mời gọi hướng về sự thật, hướng về vô biên. Con đường ấy cho cả hôm nay, hôm qua và ngày mai, không thể có một con đường nào khác. Chỉ có đức tin mới dẫn đến sự thật, chỉ có tín trung mới dẫn đến sự sống. Đó là chấp nhận phiêu lưu, chấp nhận mạo hiểm, như nhà leo núi chấp nhận những khó khăn để đạt được danh hiệu cao quý nhất của nhà chinh phục.
Chân lý – sự sống. Đó là nguyên lý cao nhất. “Phải sẵn sàng hy sinh những gì yêu quí nhất để theo đuổi cuộc tìm kiếm ấy, dù có phải hy sinh cả cuộc sống” (Gandhi).
Mãi mãi đi trên hành trình của Abraham, của ba nhà đạo sĩ, hành trình của lòng tin và hy vọng.
SUY NIỆM IV
Ánh Sáng Dẫn Lối – Hành Trình Của Đức Tin và Hy Vọng
Jn.nvh
Hôm nay, trong niềm hân hoan mừng lễ Chúa Hiển Linh, chúng ta cùng nhau chiêm ngắm một hình ảnh đầy ấn tượng: những nhà chiêm tinh từ phương Đông, vượt qua bao gian khó, đã để ánh sáng ngôi sao dẫn đường, tìm đến gặp Hài Nhi Giêsu – Đấng Cứu Độ, là ánh sáng cho muôn dân.
Câu chuyện của các nhà chiêm tinh, kết hợp với lời ngôn sứ Isaia và lời khẳng định của thánh Phaolô, mở ra cho chúng ta một chân trời mới. Ánh sáng của Thiên Chúa không chỉ dành riêng cho một dân tộc, mà là của mọi người, bất kể màu da, ngôn ngữ hay hoàn cảnh. Tuy nhiên, để nhận ra và bước đi trong ánh sáng ấy, mỗi chúng ta cần có một tâm hồn khao khát và sẵn sàng theo sự dẫn dắt của Thiên Chúa.
Ngôn sứ Isaia trong bài đọc I đã dùng hình ảnh ánh sáng để miêu tả ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho dân Ngài. Ánh sáng ấy không chỉ chiếu soi cho dân Israel, mà còn thu hút mọi dân tộc từ những phương xa tìm về, để chia sẻ niềm vui và hy vọng. Hình ảnh này là một lời mời gọi, một lời kêu gọi hướng về Thiên Chúa – Đấng là nguồn sáng và niềm hy vọng cho tất cả nhân loại.
Tiếp theo, trong bài đọc II, thánh Phaolô nhấn mạnh rằng các dân ngoại, những người không thuộc dân tộc Israel, cũng được mời gọi chia sẻ gia nghiệp của Thiên Chúa. Đây là một lời khẳng định mạnh mẽ về tình yêu vô bờ của Thiên Chúa, không phân biệt bất kỳ ai, mà chỉ có một điều kiện duy nhất: lòng tin và sự sẵn sàng mở lòng đón nhận ơn cứu độ.
Đỉnh cao của ánh sáng ấy là hình ảnh các nhà chiêm tinh trong Tin Mừng hôm nay. Họ, dù là những người ngoại giáo, nhưng nhờ khao khát tìm kiếm chân lý, đã để ánh sao dẫn dắt và đến gặp Chúa Giêsu. Ngược lại, những người gần ánh sáng như vua Hêrôđê và các nhà lãnh đạo Do Thái lại từ chối ánh sáng ấy vì lòng ích kỷ và sự sợ hãi. Câu chuyện này như một lời nhắc nhở, rằng không phải tất cả những ai có ánh sáng trước mắt đều chọn bước theo ánh sáng.
Ánh sáng của Thiên Chúa không chỉ chiếu soi trong Kinh Thánh mà còn đang hiện diện trong chính giáo xứ của chúng ta. Giáo xứ chúng ta, với bề dày truyền thống đức tin, chính là minh chứng sống động cho ánh sáng ấy. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể làm ngơ trước những bóng tối vẫn hiện diện trong đời sống chúng ta.
Trong đời sống gia đình, sự chung thủy, nền tảng của hạnh phúc gia đình, đang bị lung lay bởi lối sống ích kỷ, thực dụng. Nhiều gia đình chịu tổn thương sâu sắc bởi những mối quan hệ không lành mạnh, làm rạn nứt tình yêu và niềm tin trong cộng đoàn. Trong giới trẻ, tương lai của giáo xứ, các bạn đang phải đối diện với những cạm bẫy nguy hiểm. Tệ nạn như cờ bạc, ma túy không chỉ len lỏi mà còn lôi kéo nhiều thanh thiếu niên. Đau lòng hơn, một bộ phận thanh thiếu niên và trẻ em đã dần lơ là việc thực hành đạo, xa rời Thánh lễ và những bài học giáo lý. Những thực trạng này là lời mời gọi để chúng ta phải hành động, để thắp sáng lại ngọn lửa đức tin trong từng gia đình, từng người trẻ, và trong cộng đoàn của giáo xứ.
Hành trình của các nhà chiêm tinh không chỉ là câu chuyện của quá khứ, mà còn là bài học sống động cho chúng ta hôm nay. Những người này, dù là ngoại giáo, đã không ngừng khao khát tìm kiếm ánh sáng của Chúa, bất chấp mọi khó khăn, và ánh sáng ấy đã dẫn họ đến với Hài Nhi Giêsu. Đây là một hình ảnh mạnh mẽ về một hành trình đầy thử thách nhưng đầy hy vọng. Ánh sáng của Chúa, dù phải vượt qua bóng tối, vẫn luôn hiện diện và dẫn lối.
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chia sẻ trong buổi gặp gỡ giới trẻ tại Rio de Janeiro trong Ngày Giới trẻ Thế giới 2013 rằng:
“Chúa Giêsu là ánh sáng của thế giới. Nhưng ánh sáng ấy không thể dập tắt bởi bóng tối. Thật vậy, chúng ta có thể có những lúc tối tăm trong đời sống, những thử thách và đau khổ, nhưng ánh sáng của tình yêu Thiên Chúa luôn soi sáng con đường của chúng ta.”
Đây là một lời mời gọi mạnh mẽ cho mỗi tín hữu, rằng dù cuộc sống có lúc gặp phải bóng tối của thử thách và khổ đau, nhưng ánh sáng tình yêu Thiên Chúa luôn soi đường. Ánh sáng ấy, như ngôi sao dẫn dắt các nhà chiêm tinh, không bao giờ tắt. Chính trong những khoảnh khắc đen tối nhất, ánh sáng ấy lại càng trở nên rõ ràng, soi sáng những con đường đầy gian nan của chúng ta, và cho phép chúng ta vượt qua mọi thử thách. Hãy tự hỏi mình: chúng ta có khao khát tìm gặp Chúa không?
Cuối cùng, nhìn vào hành trình của các nhà chiêm tinh, mỗi chúng ta được mời gọi trở thành ánh sao dẫn lối cho những người khác. Hãy tự hỏi mình: trong gia đình, nơi làm việc, và trong xã hội, chúng ta đã sống đời chứng nhân chưa? Mỗi người chúng ta đều có thể là ngọn đuốc soi sáng, dẫn đường cho những người đang tìm kiếm sự thật.
Để vượt qua bóng tối và làm lan tỏa ánh sáng Tin Mừng, giáo xứ cần chú trọng đến một số hướng đi quan trọng:
Mục vụ gia đình cần được nâng cao, thông qua các buổi hội thảo, giờ cầu nguyện chung, và những chương trình củng cố tình yêu gia đình. Mục vụ giới trẻ cũng cần được chú trọng, với các hoạt động bổ ích để giúp các bạn trẻ sống đức tin mạnh mẽ và ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đoàn. Giáo dục đức tin phải đổi mới, khuyến khích các em nhỏ yêu mến Thánh lễ và lời Chúa, vì đó là nền tảng để xây dựng tương lai cho giáo xứ.
Lễ Chúa Hiển Linh là lời nhắc nhở: Thiên Chúa là ánh sáng cho mọi người. Ngài mời gọi chúng ta bước ra khỏi bóng tối của tội lỗi và thờ ơ, để sống trong ánh sáng tin yêu và hy vọng. Xin Chúa ban cho chúng ta lòng khao khát tìm gặp Ngài, lòng tin mạnh mẽ để nhận ra Ngài trong mọi hoàn cảnh, và ơn can đảm để làm chứng cho ánh sáng của Ngài giữa thế gian này. Amen.
GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG
Nguồn: giaophancantho.org
1/ NHÀ CHIÊM TINH THỨ TƯ
Năm 1895, Henry van Dyke viết câu chuyện, “The Other Wise Man,” kể về một nhà chiêm tinh thứ tư tên là Artaban. Vị anh hùng của chúng ta không được nhắc đến trong Tin Mừng vì ông đã bỏ lỡ đoàn chiêm tinh. Ông đến Bêlem quá muộn không gặp được Chúa Hài Đồng. Nhưng sớm hay muộn cuối cùng Artaban sẽ gặp Chúa, ông dùng một trong những lễ vật của mình dành cho vị Vua mới sinh để cứu một vị thánh Anh Hài bằng cách hối lộ một người lính. Trong 33 năm Artaban đã tìm kiếm Chúa Giêsu. Ông không tìm thấy Người, nhưng ông đã dùng những lễ vật quý giá mà ông mang theo cho nhà vua để nuôi người đói khổ và giúp đỡ người nghèo. Rồi một ngày kia ở Giêrusalem, Artaban nhìn thấy “Vua người Do Thái” bị đóng đinh. Ông muốn dâng món quà cuối cùng của mình cho Đức Vua, một viên ngọc trai lớn, ông đưa cho những người lính để chuộc Người. Nhưng rồi ông nhìn thấy một cô gái bị bán làm nô lệ để trả nợ cho gia đình. Artaban đã dùng viên ngọc trai của mình để mua tự do cho cô gái. Thình lình trái đất rung chuyển khi Chúa Giêsu chết trên thập giá và một tảng đá rơi trúng Artaban. Khi sắp chết, ông nghe thấy một tiếng nói: “Khi con giúp đỡ những người bé nhỏ nhất của Ta, con đã giúp Ta. Hãy gặp Ta trên thiên đàng!”
* Artaban, nhà chiêm tinh thứ tư, đã khiến Chúa hiện diện trong cộng đoàn của mình bằng cách giúp đỡ người khác. Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở thành một nhà chiêm tinh thứ tư bằng cách làm cho Ngài hiện diện trong thế giới xung quanh chúng ta bằng những hành động yêu thương và bác ái.
2/ CÁC NHÀ CHIÊM TINH
Có một truyền thống cổ xưa rất hay về ngôi sao ở phương Đông. Câu chuyện kể rằng khi ngôi sao đã hoàn thành nhiệm vụ chỉ đường cho các nhà chiêm tinh đến với Hài Nhi, nó từ trên trời rơi xuống cái giếng của thành phố Bêlem. Theo một số truyền thuyết, ngôi sao đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay và đôi khi vẫn có thể được những người có tâm hồn trong sáng nhìn thấy. Đó là một câu chuyện hay. Nó làm cho bạn cảm thấy ấm áp trong lòng. Có những truyền thuyết khác về câu chuyện của các nhà chiêm tinh từ phương đông. Ví dụ, có bao nhiêu nhà chiêm tinh tất cả? Ngày xưa ở phương đông, họ tin rằng có 12 người đàn ông thực hiện cuộc hành trình, nhưng bây giờ hầu hết mọi người đều đồng ý rằng chỉ có ba người. Một truyền thuyết cổ xưa thậm chí còn cho chúng ta biết tên của ba người. Melchior là người lớn tuổi nhất trong nhóm, với bộ râu đầy đặn. Ông tặng Hài Nhi món quà là vàng. Balthazar cũng để râu, nhưng không già bằng Melchior. Ông đã tặng món quà là mộc dược. Người trẻ nhất trong ba là Casper, chưa có râu, nhưng đã tặng món quà nhũ hương cho em bé. Tuy nhiên, một truyền thuyết khác tiếp tục kể cho chúng ta rằng, sau khi chiêm bái đứa bé, cả ba tiếp tục đi đến tận Tây Ban Nha, để nói cho thế giới tin tốt lành về những gì họ đã thấy.
* Những câu chuyện này mang lại cho các nhà chiêm tinh một chút sức sống và thêm một số màu sắc cho ý nghĩa của lễ Giáng Sinh. Vấn đề với truyền thuyết là đôi khi chúng thêm màu sắc vào những câu chuyện mà không cần thêm bất kỳ thứ nào.
3/ HIỂN LINH NƠI NGƯỜI ĐAU KHỔ
Mẹ Têrêsa thành Calcutta (được Đức Thánh Cha Phanxicô phong thánh ngày 19 tháng 10 năm 2016 là thánh Têrêsa thành Calcutta) qua đời vì một cơn đau tim. Bà đã được ca ngợi là “Thánh của những người ở dưới đáy xã hội”, là một trong những “người phụ nữ vĩ đại nhất của thế kỷ XX”, và là “người đã dành trọn cuộc đời mình để chăm sóc những người nghèo nhất trong số những người nghèo khổ”. Bà không bao giờ sẻn so phục vụ Chúa Kitô, đặc biệt là đối với “Chúa Kitô trong lớp cải trang đau khổ nhất của Người” (ví dụ như người bệnh, người hấp hối, người bị ruồng bỏ, người bệnh phong, người mắc bệnh AIDS, v.v.), Mẹ Têrêsa tự mô tả mình là “một cây bút chì trong tay Chúa. “Miễn là Chúa tiếp tục đổ mực, tôi sẽ tiếp tục để Chúa viết với tôi và thông qua tôi.” Qua con người lớn lao về tinh thần, nhưng nhỏ bé về vóc dáng này, Thiên Chúa đã thực sự tỏ lộ sức mạnh to lớn của Ngài. Qua bà, Thiên Chúa tiếp tục bày tỏ giữa chúng ta về mầu nhiệm hoặc kế hoạch cứu rỗi bí ẩn mà tác giả Êphêsô viết trong bài đọc thứ hai hôm nay. Thánh nữ Têrêsa thành Calcutta hiểu rằng không có công dân hạng hai trong dân Chúa. Cũng không ai là người ở sân sau kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Người nữ tu nhỏ bé đã phục vụ người nghèo trên thế giới cũng để lại cho thế giới một di sản và một điều thách thức.
4/ SỰ HIỂN LINH ĐÍCH THẬT
Một giáo sĩ Do Thái đã đặt câu hỏi sau cho các môn đệ của mình: “Làm thế nào chúng ta có thể xác định lúc nào là bình minh, khi đêm kết thúc và ngày bắt đầu?” Một học sinh trả lời: “Khi từ xa, bạn có thể phân biệt được đâu là cừu và đâu là chó.” “Không,” giáo sĩ Do Thái nói. Một học sinh khác nhanh chóng đề nghị: “Khi nào bạn có thể phân biệt một cây vả từ một cây nho.” “Không,” giáo sĩ Do Thái lặp lại. “Vậy thì hãy cho chúng tôi biết,” các sinh viên hỏi. Vị giáo sĩ Do Thái trả lời: “Bóng tối kết thúc và một ngày bắt đầu khi bạn có thể nhìn vào khuôn mặt của những người khác, và bạn có đủ Ánh sáng trong bạn để nhận ra họ là anh chị em của mình.”
5/ MỘT CÂU CHUYỆN MỚI VỀ CÁC NHÀ CHIÊM TINH
Trong câu chuyện này, ba nhà chiêm tinh, Gaspar, Balthassar và Melchior, ở ba độ tuổi khác nhau. Gaspar là một chàng trai trẻ, Balthassar một người đàn ông trung niên và Melchior một người đàn ông lớn tuổi. Họ tìm thấy một hang động nơi Đức Thánh Linh ở, và lần lượt bước vào để làm lễ tôn kính Ngài. Ông già Melchior bước vào trước. Ông ta tìm thấy một ông già giống mình trong hang động. Họ chia sẻ những câu chuyện và nói về kí ức và lòng biết ơn. Balthassar trung niên bước vào tiếp theo. Ông đã tìm thấy ở đó một người đàn ông bằng tuổi mình. Họ say sưa nói về khả năng lãnh đạo và trách nhiệm. Gaspar trẻ là người cuối cùng vào hang. Anh tìm thấy một nhà tiên tri trẻ đang đợi anh. Họ nói về sự cải cách và lời hứa. Sau đó, khi ba vị chiêm tinh nói chuyện với nhau về cuộc gặp gỡ của họ với Chúa, họ đã bị sốc về những câu chuyện của nhau. Vì vậy, họ đã cùng nhau lấy những món quà gồm vàng, nhũ hương và mộc dược và cả ba người đi vào hang. Họ tìm thấy một Hài Nhi ở đó, đứa trẻ sơ sinh Giêsu chỉ mới mười hai ngày tuổi.
* Có một thông điệp sâu sắc ở đây. Chúa Giêsu tỏ mình ra cho tất cả mọi người, trong mọi giai đoạn của cuộc đời họ, dù họ là người Do Thái hay dân ngoại. (Cha Pellegrino).
6/ MÓN QUÀ HIỂN LINH
Văn hào Tolstoy từng kể câu chuyện về một ông già bán rượu, Martin, ông mơ thấy Chúa Giêsu sẽ đến thăm mình. Cả ngày ông ta chờ đợi và theo dõi nhưng dường như không có gì bất thường xảy ra. Trong khi chờ đợi, ông đã tiếp đãi một người lạnh lùng, một người khác cần hòa giải, và một người khác cần quần áo. Vào cuối ngày, ông thất vọng vì Chúa đã không đến. Đêm đó ông mơ một giấc mơ khác, và tất cả những người mà ông đã tiếp đãi đều quay trở lại và một giọng nói cất lên: “Martin, ông không biết tôi sao? Tôi là Giêsu. Những gì ông đã làm cho những người nhỏ bé nhất trong số này ông đã làm cho tôi.” (Cha Kayala).
7/ HIỂN LINH DƯỚI NƯỚC
Xưa có một tu sĩ rất thánh thiện sống ở Ai Cập. Một ngày nọ, một thanh niên đến thăm ông. Người thanh niên hỏi: “Ôi, thánh nhân, tôi muốn biết làm thế nào để tìm thấy Chúa.” Vị tu sĩ hoạt bát, nói: “Bạn có thực sự muốn tìm Chúa không?” Người thanh niên trả lời: “Ồ, vâng tôi thực sự muốn.” Vì vậy, tu sĩ đã đưa người thanh niên xuống sông. Bất ngờ, ông tóm cổ người thanh niên và dúi đầu xuống nước. Lúc đầu, chàng thanh niên nghĩ rằng tu sĩ ban cho mình một phép rửa đặc biệt. Nhưng sau một phút tu sĩ không chịu buông tha, chàng trai trẻ bắt đầu vật lộn. Tuy nhiên, tu sĩ vẫn không thả anh ra. Từng giây phút, chàng trai trẻ càng lúc càng chiến đấu hết mình. Sau gần hai phút, vị tu sĩ kéo người thanh niên lên khỏi mặt nước và nói: “Khi bạn khao khát Chúa nhiều như bạn muốn không khí, bạn sẽ thấy Chúa hiển linh.”
8/ HÊRÔĐÊ & STALIN
Tại sao Hêrôđê cố gắng tiêu diệt Chúa Giêsu, còn các nhà chiêm tinh lại tôn thờ Người? Sự khác biệt có thể được tóm gọn trong một từ: khiêm tốn. Các nhà chiêm tinh có sự khiêm nhường, còn Hêrôđê thiếu điều đó. Và lịch sử cho chúng ta biết sự thiếu khiêm tốn đó đã đặt ông ta ở đâu. Hêrôđê đã dành cả cuộc đời mình để cố gắng giữ mọi thứ trong tầm kiểm soát của mình. Ông trở nên nghi ngờ một cách bệnh hoạn. Cuối cùng, ông ta đã giết vợ và ba người con trai của mình, vì ông nghĩ rằng họ đang âm mưu chống lại ông. Quả thật, cả cuộc đời ông là một chuỗi những tội ác và bạo lực khủng khiếp. Cuối cùng, nỗi sợ mất kiểm soát của ông đã khiến ông bị mọi người căm ghét, ngay cả với những người cộng tác thân cận nhất. Khi hấp hối, ông đã ra lệnh dẫn một nghìn người hầu và tướng tá tốt nhất của mình vào một sân vận động và giết họ, vì ông muốn chắc chắn rằng vương quốc của ông sẽ mặc lấy tang thương và đau buồn khi ông qua đời. Còn Joseph Stalin, bạo chúa đẫm máu không kém của nước Nga Xô Viết thời mở đầu, cũng đi theo con đường tương tự. Ông ta leo lên nấc thang thành công bằng sự dối trá, phản bội và giết người. Và một khi đã lên đến đỉnh cao, ông đã loại bỏ tất cả các đối thủ có khả năng một cách có hệ thống. Nhưng ngay sau đó ông ta bắt đầu nghĩ rằng mọi người đều là đối thủ tiềm năng. Ông đã lùa những người bạn thân nhất của mình đến các trại tập trung ở Siberia. Ông ta trở nên nghi ngờ về những âm mưu chống lại mình đến nỗi mỗi đêm ông ngủ ở một nơi khác trong nhà của mình. Ông cũng đã chết vì sợ hãi, đau khổ và một phần điên loạn. – Những ví dụ mạnh mẽ này minh họa sự thật quan trọng rằng chúng ta không phải là Chúa. Chúa là Thiên Chúa. Chúng ta không thể kiểm soát mọi thứ; chúng ta cần có thái độ khiêm nhường bước theo Chúa Kitô, tin cậy Người, quỳ gối trước mặt Người, giống như các Đạo sĩ, và thưa với Người: “Xin cho ý Cha được thực hiện, không phải của con; Xin cho Vương quốc của Ngài hiển trị; không phải của con.” Hêrôđê không thể nói điều đó; Stalin không thể nói điều đó – chỉ các đạo sĩ mới có thể. Họ đã giao mọi thứ cho Chúa. Và họ ra về đầy vui sướng. (E-Priest).
9/ HÃY THAY ĐỔI
Alexander Đại đế, một trong những nhà lãnh đạo quân sự nổi tiếng nhất từng sống, đã chinh phục gần như toàn bộ thế giới với một đội quân tương đối nhỏ. Một đêm nọ trong một chiến dịch, ông không thể ngủ được và rời lều của mình để đi bộ xung quanh trại. Ông tình cờ gặp một người lính đang ngủ quên trong nhiệm vụ canh gác – một tội phạm nghiêm trọng. Hình phạt cho tội ngủ gật khi làm nhiệm vụ canh gác, trong một số trường hợp là bỏ mạng ngay lập tức: sĩ quan chỉ huy sẽ đổ dầu hỏa lên người lính đang ngủ và châm lửa. Người lính bắt đầu thức dậy khi Alexander Đại đế đến gần anh ta. Nhận ra người đang đứng trước mặt mình, người thanh niên sợ hãi cho tính mạng của mình. Alexander Đại đế hỏi người lính: “Bạn có biết hình phạt cho tội ngủ gật khi làm nhiệm vụ canh gác là gì không?” Người lính đáp với giọng run rẩy: “Vâng, thưa ngài”. Alexander Đại đế hỏi: “Người lính, tên của bạn là gì?”. “Alexander, thưa ngài.” Alexander Đại đế lặp lại câu hỏi: “Tên của bạn là gì?” Người lính lặp lại: “Thưa ngài, tên tôi là Alexander”. Lần thứ ba và lớn hơn nữa, Alexander Đại đế hỏi: “Tên bạn là gì?” Lần thứ ba, người lính hiền lành nói: “Tên tôi là Alexander, thưa ngài.” Alexander Đại đế sau đó nhìn thẳng vào mắt người lính trẻ. “Người lính,” ông ta nói một cách mạnh mẽ, “hãy thay đổi tên của bạn hoặc thay đổi cách canh gác của bạn!”
* Chúng ta là những Kitô hữu mang danh Chúa Kitô không được sợ hãi khi theo Chúa. Chúng ta nên vui mừng sống đúng với danh nghĩa của mình, theo Chúa bất cứ nơi nào Ngài dẫn chúng ta đi- như các Đạo sĩ. (E-Priest).
10/ THẮP SÁNG NGỌN ĐÈN CUỘC ĐỜI
Mẹ Têrêsa đã từng đến thăm một người đàn ông nghèo ở Melbourne, Australia. Ông ta đang sống trong một căn phòng dưới tầng hầm, trong tình trạng bị bỏ rơi. Không có ánh sáng trong phòng. Ông dường như không có một người bạn nào trên thế giới này. Mẹ bắt đầu dọn dẹp và sắp đặt căn phòng ngăn nắp. Lúc đầu, ông ấy phản đối: “Hãy để mặc nó. Mọi chuyện vẫn ổn như vậy mà.” Nhưng dù sao thì mẹ cũng vẫn tiếp tục. Khi dọn dẹp, mẹ cố trò chuyện với ông. Dưới đống rác, bà tìm thấy một ngọn đèn dầu bám đầy bụi. Bà lau sạch nó và phát hiện ra rằng nó rất đẹp. Và bà nói với ông ta: “Ông có một cái đèn đẹp ở đây. Sao ông không bao giờ thắp sáng?” Ông trả lời: “Tại sao tôi phải thắp nó? Không ai đến gặp tôi bao giờ.” “Ông có hứa sẽ thắp sáng nó nếu một trong những người chị em của tôi đến gặp ông không?” Ông ta trả lời: “Vâng, nếu tôi nghe thấy tiếng người, tôi sẽ thắp đèn.” Hai trong số các nữ tu của Mẹ Têrêsa bắt đầu đến thăm ông thường xuyên. Mọi thứ dần dần được cải thiện đối với ông ấy. Mỗi lần các sơ đến thăm ông, ông đều thắp đèn. Rồi một ngày ông nói với họ: “Các chị em ơi, từ nay tôi tự xoay sở được rồi. Làm ơn nói với người chị đầu tiên đến gặp tôi rằng ngọn đèn chị thắp trong cuộc đời tôi vẫn còn cháy sáng”.
* Ánh sáng Thiên Chúa thắp sáng để báo tin con Ngài sắp đến vẫn còn cháy sáng. Các đạo sĩ đã đi theo con đường của ánh sáng vĩ đại và đến được cái nôi của Chúa Giêsu. Trong hai mươi thế kỷ qua, nhiều người đã theo dấu chân của các đạo sĩ. Hôm nay, Chúa Giêsu đứng trước chúng ta tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12). (MK Paul; do Cha Bobby trích dẫn).
11/ QUA DẤU HIỆU NÀY
Trận chiến ở Milvian Bridge đã diễn ra giữa các Hoàng đế La Mã Constantine I và Maxentius vào năm 312 sau Công nguyên. Vào chiều tối ngày 27 tháng 10, khi quân đội chuẩn bị cho trận chiến, Constantine đã có một thị kiến. Một dấu hiệu kỳ diệu nhất đã xuất hiện với ông từ trời, một cây thánh giá sáng rực, với dòng chữ: “Với dấu hiệu này, bạn sẽ chiến thắng” (In hoc signmum vinces). Trước cảnh tượng này, Constantine cũng như toàn bộ quân đội của ông vô cùng kinh ngạc chứng kiến dấu lạ. Constantine đã khắc dấu hiệu trên lá chắn của những người lính của mình như ông đã được hướng dẫn làm trong một giấc mơ và tiến hành trận chiến; và quân của ông sẵn sàng chiến đấu. Maxentius bị đánh bại trong trận chiến, Constantine được viện nguyên lão và người dân Rôma công nhận là hoàng đế. Chiến thắng của Constantine đã mang lại sự tự do cho những người theo Kitô giáo bằng cách chấm dứt cuộc đàn áp.
* Hơn 300 năm trước Constantine, dấu hiệu của Chúa xuất hiện trên bầu trời Bêlem là một ngôi sao sáng. Nó loan báo Tin Mừng về một Đấng Cứu Thế đã được sinh ra để giải thoát nhân loại khỏi nanh vuốt của ma quỷ. Dấu hiệu này đã được các nhà chiêm tinh nhận ra để dẫn họ đến với Chúa. (Cha Bobby).
Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm