Chúa Nhật Lễ Lá Năm A


CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27.66

2-4-2023

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Xuân Thạnh

GIÁO HUẤN SỐ 19

LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH

Hoạt Động Có Năng Lực Thánh Hóa (tt)

Thật là không lành mạnh việc yêu sự thinh lặng mà tránh né tương tác với người khác, việc muốn ân tình theo nghĩa không hoạt động, việc tìm kiếm cầu nguyện trong khi không quan tâm  đến phục vụ. Mọi sự đều có thể được chấp nhận và hội nhập vào đời sống của bạn trong thế giới này, và trở thành một phần của nẻo đường nên thánh. Chúng ta được mời gọi làm những người chiêm niệm ngay giữa hoạt động, và nên thánh bằng việc thi hành sứ mạng riêng mình một cách quảng đại và có trách nhiệm (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 26).

SUY NIỆM I 

Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành

Tuần Thánh Việt Nam

“Đầu năm 1644 linh mục Rhodes một lần nữa theo tầu Macao trở lại Đà Nẵng. Nhưng lần này, ông lại đi một mình không có thừa sai nào đi với ông. Ở Đà Nẵng 10 thầy giảng đã tề tựu từ nhiều ngày trước, để chờ đợi giáo sĩ. Nhưng giáo sĩ không ở lại lâu và đã đi Huế ngay để ra mắt nhà vương.

“Linh mục Rhodes tường thuật rằng : “Sau khi chúng tôi cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những ân huệ của Người, tôi lên Kinh đô với 10 thầy giảng của tôi, bề ngoài là để ra mắt và dâng lễ vật lên nhà vương, nhưng thực ra là để thăm các giáo hữu mới cũng như cũ, cùng với Inhaxiô, mà từ đây tôi cho gọi là Thầy (maitre), để ông có uy tín và cho ông mặc áo các phép đẹp, khi ông xuất hiện nơi công chúng, để người ta thêm kính trọng hơn.

“Tôi đã yết kiến nhà vương, ông đã vỗ về tôi và đã nhận các lễ vật với nhiều dấu hiệu thiện cảm. Ngày hôm sau nhà vương đích thân thăm tôi. Cũng may là có mặt tôi ở trong thuyền, sợ rằng nếu không thấy tôi trong thuyền, nhà vương nghi tôi lập bè lập đảng với các giáo hữu. Sự thực cũng may là sau khi ở một đêm trong nhà một viên quan (tên viên quan là Huiduê-Huy Duệ) muốn xin chịu phép rửa cùng vợ, trong nhà  đó có đông giáo hữu tập hợp để dự thánh lễ và chịu phép cáo giải, tôi đã không làm vừa lòng tất cả trong một thời gian ngắn như vậy, tôi đã hẹn họ đêm hôm sau, vì người quá đông, nhà không chứa hết tất cả mọi người, mặc dầu đây là một trong những ngôi nhà đẹp nhất thành phố, tôi phải xin các giáo hữu cũ ra về để nhường cho những người mới xin chịu phép rửa. Cả đêm là để giảng giải và làm phép rửa  cho 200 tín hữu mới, đa số trong những người đó làm nghề lính, đã chịu phép rửa với vợ con, trong đó có một viên quan chịu phép rửa với vợ mà tôi đặt tên thánh là Gioakim và Anna.

“Lần này lm Rhodes cũng hơi dè dặt, không muốn đến nhà bà Maria (Minh Đức). Bởi vì nhà vương nghi ngờ các giáo sĩ Tây phương thạo toán học có thể tìm chỗ chôn cất cho bà Maria, nhờ đó con cháu của bà sẽ phát đạt, rồi chiếm được ngôi vương… Nhưng do bà Maria cho người đến nài nỉ, cuối cùng giáo sĩ đã âm thầm đến nhà bà ban đêm. Linh mục Rhodes kể : ‘Bà cho tất cả gia đình  khá đông đảo của bà lãnh nhận bí tích, bà đã chịu phép cáo giải và rước lễ trước tiên. Tất cả các giáo hữu đã kéo đến để tham dự nghi lễ, tôi ở lại hai ngày với họ. Vì nhiều người chưa bao giờ thấy làm phép lá, tôi đã tập hợp họ đêm chúa nhật và tôi đã cử hành các nghi thức của Giáo hội cho họ tham dự. Họ muốn tôi ở lại với họ trong Tuần Thánh, nhưng tôi sợ bị lộ và tôi thấy là nên về cảng Kean (Cửa Hàn, Đà Nẵng) là nơi có các giáo hữu Bồ Đào Nha và tôi cũng có thể có những giáo hữu mới từ xa tới dự lễ Phục Sinh hơn, vì trong cả Đàng Trong lúc ấy, chỉ có mình tôi là linh mục.

“Lm Rhodes kể tiếp : Vậy tôi tới tỉnh Cham (Quảng Nam) thứ tư Tuần Thánh (23-3-1644); tôi thấy một số đông giáo hữu của tỉnh này đã tụ họp để nao nức chờ đợi tôi. Nếu lúc đó tôi có nhiều thân xác hay nói đúng hơn có nhiều linh mục với tôi, chúng tôi mới đủ để lo cho tất cả trong những ngày trọng đại này (…) Ngày lễ Phục sinh và sau đó các ngày Chúa nhật và lễ trọng, phải dâng nhiều thánh lễ, vì nhà thờ tuy khá rộng, nhưng cũng không chứa hết người  từ khắp nơi tới. Những giáo dân ở các tỉnh xa không đủ kiên nhẫn để chờ tôi đến  chỗ họ… đã đòan lũ kéo đến… Tôi đã trở về nhà của chúng tôi tại Kean (Cửa Hàn) để phục vụ họ dễ dàng hơn. Chúng tôi ở lại đây 15 ngày, không làm gì khác hơn là ngày đêm  làm phép cáo giải cho họ. Sau khi được hài lòng với các việc đạo đức, các tân tòng đã trở về xứ sở của mình, thỏa mãn tựa hồ như đã tìm thấy một kho tàng qua cuộc hành trình của mình (Trương Bá Cần, Lịch Sử Công Giáo Việt Nam, tập I, trang 81-83).

Lá dừa

Cha Bùi Đức Sinh viết : “Lễ Nến, ngày Đức Mẹ dâng Con vào đền thờ, cũng như Lể Lá, ngày Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem, là hai ngày giáo dân nô nức đến nhà thờ, xin làm phép nến và xin lá phép đưa về nhà, để nhờ Ơn Trên che chở phù hộ cho mỗi khi gặp giông tố sấm sét, hoặc đốt nến cầu khẩn khi gặp tai nạn ốm đau bệnh tật. Tục dùng lá dừa thay ngành oliva (vạn tuế) được các cha dòng Tên khởi xướng ngay từ ban đầu” (Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 135).

Rửa chân, Ngắm 15 Sự Thương Khó

Cha Bùi Đức Sinh viết : “Luật giữ chay 40 ngày đối với giáo dân Việt Nam không có gì khó khăn, Trong Tuần Thánh thay vào những giờ hát kinh cha Đắc Lộ đã lập ra ‘Ngắm 15 Sự Thương Khó Chúa Giêsu’ mà giáo dân vẫn còn giữ cho đến ngày nay. Cũng như nghi lễ Rửa Chân, mà cha Đắc Lộ đã làm nhằm nêu cao ý nghĩa bác ái Công giáo trong một xã hội phong kiến giai cấp. Việc ngắm 15 Sự Thương Khó đã đem lại rất nhiều lợi ích cho giáo dân. Họ rất cảm động và có khi khóc to tiếng. Cha phải dạy họ cần dè dặt thận trọng để tránh những dị nghị và chỉ trích của người bên lương” (BĐS, sđd, tập I, trang 136).

xxx

Lời Chúa trong ba bài đọc thánh lễ Chúa nhật lễ Lá hôm nay qui tụ vào sự hiến dâng cứu độ nhân loại.

Bài đọc 1 (Is 50,4-7) : Bđ1 đọc sách ngôn sứ I-sai-a. Ngôn sứ nói về sự hiến dâng cứu độ của ‘người tôi trung’. Sách ‘Kinh Thánh Cho Mọi Người’ viết : “Các ngôn sứ trước ông I-sai-a đã gặp phải một thái độ chống đối. Ông Mô-sê đã phải chịu đựng một dân phản loạn; ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã bị bách hại và ở tù; qua các ông chúng ta thấy dung mạo và sứ mạng người tôi trung hoàn hảo của Đức Chúa. Người tôi trung này sẽ là Đức Giê-su… Người tôi trung có thể truyền đạt lời và khích lệ nhân danh Thiên Chúa , vì sáng sáng ông lắng nghe Thiên Chúa và được Ngài mở tai cho. Chúng ta cần được Thiên Chúa dạy cho biết những gì giúp kẻ mệt mỏi phục hồi sức lực. Ngôn sứ là người năng cầu nguyện và mở rộng tâm hồn cho tác động của Thần Khí Thiên Chúa. Không ai biết được những gì  nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa (trang 1260).

Bài Thương Khó (Mt 26,14-27.66) : Đức cha Nguyễn Sơn Lâm viết về BTK như sau : “Hôm nay chúng ta theo thánh Matthêô. Người mở đầu bài tường thuật  bằng việc Giuđa đến mặc cả với Hội đồng Do thái về số tiền thưởng y muốn được để nộp Đức Ki-tô cho họ. Tác giả rõ ràng đã hàm ý vụ án sắp diễn ra là một chuyện mua bán, tội lỗi và bẩn thỉu. Và bẩn thỉu thật, cái hôn nộp thầy của tên môn đệ phản phúc!

“Còn thái độ của những người khác thế nào ? Các tông  đồ muốn chống cự, lấy sức mạnh chống lại sức mạnh. Nhưng Đức Giê-su gạt bỏ lập trường ấy vì là đường lối lẩn quẩn không có lối thoát : kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm. Người cũng phủ nhận ý kiến của những kẻ muốn xin Thiên Chúa một sự can thiệp lạ lùng, vì là đường lối không cứu được kẻ có tội và do đó không cứu thế. Người nhấn mạnh nhiều lần : hãy để cho lời Kinh Thánh nên trọn, hãy chấp nhận kế hoạch của Thiên Chúa, vì chết chưa phải là hết…

“Hai chủ đề trên (mua bán và Kinh Thánh) tiếp tục được Matthêô khai triển trong suốt bài tường thuật. Tội lỗi bẩn thỉu của Yuđa và Do thái lại được phơi ra trong câu chuyện Yuđa đem trả 30 đồng bạc. Người Do thái không muốn nhận nhưng rồi củng phải lấy và đem mua thuở ruộng máu. Rõ ràng bọn chúng đã nhận lỗi và một lần nữa rõ ràng việc Đức Yêsu chịu chết đã được viết trong Kinh Thánh, mà Người chấp nhận làm cho nên trọn.

“Nhưng như trên đã nói, Matthêô luôn suy nghĩ về Giáo Hội trong khi viết Tin Mừng. Ở đây cũng vậy, trong bài tường thuật việc Chúa chịu nạn, tác giả đã có nhiều đoạn ám chỉ Giáo hội đặc biệt khi viết lại vụ án trước tòa Philatô. Ông quan ngoại đạo này muốn tha Đức Yêsu. Vợ ông cũng can ông đừng nhúng tay vào vụ người công chính này. Đang khi đó các tư tế lại xúi dân Do thái xin đóng đinh Người và xin tha bổng cho Banaba, một tên tử tội. Đó là hình ảnh về Giáo Hội gồm đa số dân ngoại và về cộng đồng Do thái tội lỗi. Hình ảnh ấy còn được Matthêô vẽ lại một lần nữa khi kể chuyện  ở dưới chân Thánh giá, các thượng tế cùng ký lục và hàng niên trưởng chế diễu Chúa (27,41), trong khi viên bách quản và tùy viên của ông là dân ngoại lại kinh hãi mà nói : ‘Đích thực ông này là Con Thiên Chúa’ (27,54)

“Tuy nhiên nói cho đúng, dân ngoại chỉ được ơn đức tin sau khi Chúa đã chịu chết. Lúc ấy màn nơi cực thánh xé ra  cho phép mọi người kể cả lương dân được vào. Người Do thái không còn được quyền và độc quyền Lời Hứa nữa. Chức tư tế của đạo cũ cũng bị hủy luôn. Thế giới cũ đổ vỡ  khi đất động và đá vỡ tung. Đức Yêsu  đã cứu thế rồi khi nhiều mộ mở ra và nhiều xác thánh sống lại. Sự chết của Người đã ban đức tin cho viên bách quản, đã tập họp môn đệ và các phụ nữ đạo đức lại, hướng họ về niềm tin Phục sinh, đang khi khiến người Do thái lúng túng đặt lính canh mồ một cách vô ích.

“Như vậy, Matthêô đã có cả một lối suy nghĩ độc đáo về việc Chúa chết.  Như mọi người đã đến Yêrusalem vào dịp lễ Vượt qua năm đó, ông đã thấy các sự kiện diễn ra. Chính lúc ấy ông chỉ biết suy luận . Nhưng khi Đức Yêsu đã phục sinh và tập họp các môn đệ lại, đức tin của ông được củng cố đến đâu thì các việc đã ghi nhận kia cũng tập hợp lại đến đó và dính vào nhau làm thành một bài tường thuật dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh. Việc Chúa chịu chết không phải là chuyện tình cờ. Bề ngoài nó có do việc mua bán bẩn thỉu và tính toán gian dối cũng như sai lầm của kỳ mục Do thái. Nhưng bên trong nó là diễn tiến của kế hoạch cứu độ đã được viết trước trong Kinh Thánh để đưa dân ngoại vào Lời Hứa và người Do thái phải trở lại; và để như lời Đức Yêsu nói trước tòa Do thái, từ nay các ngươi sẽ thấy Con Người, ngự bên hữu Quyền Năng và đến trên mây trời, tức là từ lúc Đức Kitô bị xét xử, người ta sẽ thấy Quyền Năng Thiên Chúa ở với Người và Người cứu độ chúng ta trong vinh quang Thập Giá. Chính tội lỗi của loài người làm nổi bật sự vô tội của Ngưới, và chính cái chết trong sự vô tội có giá trị cứu chuộc chúng ta. Do đó sự sống công chính của chúng ta không những đã chảy ra từ các thương tích của Người, mà còn phải được minh chứng và tăng lên qua mọi thử thách đớn đau”  (Giải Nghĩa Lời Chúa, Phụng Vụ năm A, trang 93-95).

Bài đọc 2 (Pl 2,6-11). Đức cha Batôlômêô cũng viết về bđ2 như sau : “Thánh Phaolô không bao giờ viết một bài tường thuật về việc Chúa chết. Nhưng bài thư Philíp hôm nay có thể thay thế. Thể văn của bài thư cho phép chúng ta có thể nghĩ đây là ca vãn dùng trong phụng vụ thời thánh Phaolô, nói về mầu nhiệm Chúa Kitô, Và như vậy đây là bản tuyên xưng đức tin của Giáo hội.  Nó không thể khác với bài tường thuật của thánh Matthêô vì chúng ta đã nói, các bài tường thuật về việc Chúa chịu chết trong 4 sách Tin Mừng khá giống nhau, nên cũng chỉ diễn tả giáo lý chung của Hội thánh mà thôi. Đọc các bài tường thuật này, chúng ta phải chia sẻ đức tin của Giáo hội. Thánh Giá Đức Kitô nói lên  sự vô tội thánh thiện của Người ở giữa những người mà Người đã gọi là anh em nhưng lại thật là độc dữ. Chính cái chết thánh thiện của Ngưới khiến chúng ta nhận ra Người là người tôi tớ Thiên Chúa gánh tội thiên hạ để cứu chuộc chúng ta. Chúng ta chỉ tuyên xưng Người chân thật như thế  khi tham dự vào mầu nhiệm Thập giá của Người, để chấp nhận cuộc đời phấn đấu như là đường lối nên thánh và cứu thế (Đc Lâm, sđd, trang (95).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu

Chúa đã muốn cho Đấng Cứu Thế

mang thân phận người phàm

và chịu khổ hình thập giá

để nêu gương khiêm nhường

cho thiên hạ noi theo.

Xin cho chúng con biết đón nhận

bài học Người để lại trong Cuộc Thương Khó

và thông phần vinh quang phục sinh với Người.

Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa

hiệp nhất với Chúa Thánh Thần

đến muôn thuở muôn đời.

 

SUY NIỆM II

NÊN THÁNH TỪ TUẦN THÁNH

 (Hội An 2/4/2023)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú

            Hôm nay, toàn thể Hội Thánh bắt đầu bước vào tuần Thánh. Gọi là “thánh”, vì tuần này Hội Thánh sống ký ức và cử hành tình yêu của Chúa Cha được Chúa Giê-su diễn tả trong chính cuộc đời của Ngài, từ ngày vào thành thánh Giêrusalem, tại bữa Tiệc Ly vào ngày thứ Năm, buổi cầu nguyện trong vườn Cây Dầu, bị lên án chết, bắt vác thánh giá và chết trên thánh giá vào ngày thứ Sáu và sống lại vinh quang vào ngày Chúa Nhật. Và đối với chúng ta, gọi là “thánh” vì tuần này mời gọi chúng ta sau khi được lãnh ơn tha thứ của Chúa trong những ngày qua, nay sống thánh bằng cách đi sâu vào mầu nhiệm thương khó và phục sinh của Chúa Giê-su, qua việc tham dự các nghi thức và thánh lễ trong tuần này với lòng mến yêu Chúa chân thật và đời sống cầu nguyện bền bĩ.

  1. Cần lòng yêu mến Chúa chân thật

            Có một nhân vật thường bị lên án trong biến cố thương khó của Chúa Giê-su, đó là Giu-đa. Giu-đa là ai? Giu-đa là một trong 12 tông đồ. Ông là người cùng với các tông đồ được ngồi chỗ ưu tiên xem Chúa làm phép lạ, có vị trí tốt nghe rõ Chúa giảng dạy, được Chúa sai đi loan báo ơn cứu độ với quyền năng trên các thần ô uế. Ông được ngồi đồng bàn với Chúa Giê-su, được các tông đồ tín nhiệm chọn làm người giữ tiền, tín nhiệm đến nỗi khi Chúa báo cho biết có một người trong các tông đồ phản bội Chúa, không ai nghĩ đó là Giu-đa.

Nhưng chính Giu-đa đã bán Chúa. Ông nói với các thượng tế: “Tôi nộp ông Giê-su cho các ông, các ông trả tôi bao nhiêu?” Giu-đa có đủ điều kiện để thuộc về Chúa, nhưng Giu-đa biến mình thành kẻ cơ hội. Ông sống với Chúa Giê-su và các tông đồ khi đó là cơ hội cho ông tìm lợi ích trần gian. Thánh sử Gioan cho biết, Giu-đa là tên ăn cắp. Vì vậy, khi biết người ta tìm bắt thầy mình, Giu-đa xem đây là cơ hội cuối cùng để trục lợi, bán Chúa Giê-su 30 đồng. Giu-đa theo Chúa nhưng không có lòng mến Chúa chân thật.

Trái với Giu-đa, cô Maria của nhà Mát-ta dám đổ bình dầu thơm hơn 300 đồng tiền để xức chân Chúa bày tỏ niềm vui và lòng mến được Chúa viếng thăm, khiến Giu-đa tiếc ngẩn ngơ số tiền mà cô Maria chẳng tiếc. Giu-đa trách Maria lãng phí tiền của! Chúa Giê-su giải thích: Maria làm thế vì lòng yêu mến chân thành và tỏ dấu tham dự vào việc táng xác Chúa, vì thế khi Tin Mừng được kể ở đâu, việc cô làm đều được nhắc đến (x. Mc 14,8-9).

Vậy, chúng ta tự hỏi: để tham dự vào tuần thánh, chúng ta có sợ “lãng phí” thời giờ, “lãng phí” công ăn việc làm, “lãng phí” mọi sở thích của chúng ta như Giu-đa từng sợ lãng phí? hay chúng ta hào phóng như Maria dành thì giờ, hào phóng dàn xếp mọi lịch trình đã được tính toán, để tham dự tuần thánh vì lòng yêu mến Chúa và như một sự tham dự sâu xa vào cuộc thương khó của Chúa?

  1. Cần đời sống cầu nguyện bền bĩ

            Không ai nghĩ Giu-đa sa sút đến mức như thế. Đâu phải chỉ Giu-đa! Phê-rô cũng rơi vào tình trạng thê thảm của đức tin, ông chối Chúa. Các tông đồ khác cũng không tìm thấy mặt trong cuộc thương khó của Chúa. Tại sao các tông đồ lại sa sút đến mức như thế? Chúa Giê-su giải thích lý do cho các tông đồ và cho chúng ta.

            Ngài dẫn các tông đồ Phê-rô, Giacôbê và Gioan vào vườn Giết-si-ma-ni còn gọi là vườn Cây Dầu. Đức Bênêđíctô chia sẻ, Chúa muốn ít nhất có 3 tông đồ gần với Ngài lúc này để chia sẻ cuộc thương khó của Ngài. Đoạn, Chúa Giê-su đi cầu nguyện chuẩn bị cho giai đoạn quyết liệt của sứ mạng cứu độ. Các tông đồ làm gì lúc bấy giờ? Các ông vô tâm vô tình nằm ngủ, không tha thiết tham dự cuộc thương khó của Chúa. Chúa Giê-su ngạc nhiên hỏi: “Các con không thể thức được một giờ với Thầy sao?” Và Chúa cảnh báo: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, kẻo sa vào cơn cám dỗ.” Đối với Chúa, cầu nguyện là cách thức gần gũi diễn tả sự liên kết với Chúa. Đáng tiếc là các tông đồ này không thể tỉnh thức với Chúa, không chia sẻ được giờ cầu nguyện với Chúa và cùng Ngài hướng về Chúa Cha. Họ đã để con người tông đồ của mình chìm trong giấc ngủ và kết quả là không tìm thấy mặt họ trong cuộc thương khó của Chúa, họ không đi theo Chúa.

            Vậy, chúng ta xin Chúa cho chúng ta đi vào tuần thánh này với lòng đầy ước muốn nên thánh, bằng cách tham dự thánh lễ và các cuộc tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa trong tâm tình yêu mến Chúa sâu xa, trong đời sống cầu nguyện và vâng theo thánh ý Chúa mọi ngày, kể cả trong hoàn cảnh không hiểu nỗi thánh ý Chúa.

            Lạy Chúa, xin cho chúng con như Mẹ Maria luôn hiện diện bên Chúa trong mọi biến cố cuộc thương khó của Chúa.

 

SUY NIỆM III

Hoan hô – Đả đão

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Hôm nay toàn thể Giáo Hội tưởng niệm Chúa Kitô vào thành Giêrusalem để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài bằng Chúa nhật Lễ Lá. Vì thế ngày lễ hôm nay gồm có hai phần: phần đầu kính nhớ việc Chúa vào thành thánh bằng cuộc rước kiệu lá, phần hai là thánh lễ tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Cho nên, trong ngày Lễ Lá chúng ta thấy cảm giác vui buồn lẫn lộn: một khởi khởi đầu vui nhưng lại có một kết cục buồn. Khởi đầu Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêsusalem. Kết cục, Chúa Giêsu chịu kết án, chịu khổ hình và chết trên thập giá. Con đường vào thành của Người là con đường vinh quang vương giả. Còn con đường lên Núi Sọ lại là con đường của Đấng chịu nạn chịu chết như một kẻ có tội.

 Ngày Chúa nhật trước khi đi chịu nạn chịu chết, Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem lần cuối cùng. Dân chúng lũ lượt kéo nhau lên thành thánh Giêrusalem, trên đường vào thành thánh, họ trải áo choàng trên đường và chặt những nhánh lá cây rải trên đường để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như cho một vị vua của họ. Họ vừa đi vừa tung hô: “Hoan hô con vua Đavit”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Người người nồng nhiệt hò la, Chúa Giêsu im lặng chấp nhận để họ đón rước và tung hô như thế cốt để người ta hiểu rằng Ngài là một vị vua vinh quang nhưng khiêm hạ, Ngài không phải là vị vua như dân Do Thái mong đợi, nghĩa là vua phần xác, đến để giải phóng dân tộc họ khỏi ách đô hộ của đế quốc Rôma. Nhưng Ngài là vua trong lòng của họ, đem đến tình thương và bình an trong cuộc sống này đồng thời đem lại sự sống đời đời cho con người.

Đàng khác, cũng trong ngày lễ hôm nay, chúng ta nghe đọc bài tường thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Cuộc khổ nạn diễn ra vào ngày thứ sáu sau Chúa nhật lễ lá, nghĩa là chỉ sau ít ngày nhiệt liệt tung hô Chúa Giêsu, dân Do Thái lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò la đòi giết Chúa, “đóng đinh nó vào thập giá, đóng đinh nó vào thập giá”. Và Chúa Giêsu đã bị bắt, bị trói và bị dẫn đến trước mặt thượng tế Caipha, rồi đến trước tổng trấn Philatô, bị xét hỏi, bị đánh đập, bị kết án và cuối cùng bị đóng đinh vào thập giá trên núi Sọ như một tên phạm tội của xã hội.

Rõ ràng, trong một ngày hai phần Lời Chúa đã cho chúng ta thấy hai thái độ trái ngược nhau của dân Do Thái: hoan hô Chúa và đả đảo Chúa, đưa Chúa lên ngai vua và hạ bệ Chúa trên thập giá. Chắc chúng ta khó chịu, bực tức và lên án thái độ đổi thay, lòng dạ tráo trở của những người đó phải không? Nhưng suy đi nghĩ lại thì chúng ta đôi lúc chúng ta cũng như người dân Do Thái xưa: hôm nay chúng ta hoan hô, chúc tụng Chúa: vạn tuế, vạn tuế, ngày mai chúng ta có thể sẽ gào thét: đả đảo, đóng đinh Chúa qua việc hôm nay chúng ta đạo đức thờ Chúa, yêu Chúa, giữ các điều răn của Chúa và Hội Thánh hết sức chân tình, nhưng ngày mai bỏ Chúa, không giữ các giới răn của Người vì tính kiêu ngạo của chúng ta, vì sự thất vọng của chúng ta khi xin Chúa cái này cái kia Chúa không cho. Rồi hôm nay chúng ta yêu thương mọi người lắm, nhưng ngày mai chúng ta oán ghét, hận thù. Hôm nay chúng ta hiền hòa, ngày mai chúng ta hung dữ. Hôm nay chúng ta tin tưởng, phó thác cho Chúa tất cả ngày mai chúng ta hoài nghi, ngờ vực và sa ngã bỏ Chúa. Và hôm nay chúng ta làm điều thiện ngày mai chúng ta làm điều ác.

Mỗi người giờ nay trên tay ai cũng đang cầm một cành cá phải không? Đã là cành lá thì có cành và có cá. Khi cành cá còn nguyên vẹn thì chúng ta dùng nó vẩy tung hoan hô, chúc tụng, yêu thương, hân hoan, hiền hòa, tin tưởng trong nhà thờ. Ra khỏi nhà thờ hay giờ này chính ngay trong nhà thờ này có nhiều người tuốt trụi lá còn chỉ cành không, hay cộng dừa không, chính những lúc như vậy được ví như chúng ta khước từ Chúa, không tin Chúa hiện hữu, oán ghét anh em, buồn phiền chính mình, hung dữ và hoài nghi. Chính lúc này cành lá xanh tươi đã biến thành một chiếc đinh có thể dùng để đóng đính Chúa và hành hạ nhau trong gia đình và cuộc sống, biến thiên đàng trần gian đầy yêu thương thành địa ngục tội ác mà chúng ta xảy ra đầy dẫy trong gia đình hôm nay: bạo lực gia đình, cha mẹ hành hạ con cái, con cái chém giết cha mẹ, rồi trong xã hội nào là bạo lực học đường, tệ nạn xã hội lan tràn… dẫn đến một xã hội bất an nhiều hơn bình an.

Cuộc sống của chúng ta có nhiều tiêu cực hơn tích cực, chúng ta làm khổ nhau nhiều hơn làm đẹp lòng nhau, chúng ta xích mích, gây chia rẽ bất hòa nhiều hơn là xây dựng, yêu thương, đoàn kết là vì sao? Bời vì, chúng ta tôn vinh Chúa ở trong nhà thờ nhưng trong cuộc sống chúng ta ít tôn vinh Ngài bằng cách chưa giữ Lời Ngài một cách triệt để. Vì vậy, mỗi khi chúng ta không tôn trọng bất cứ người anh em nào là chúng ta không tôn vinh Chúa. Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta luôn trung thành với lời chúng ta hoan hô “vạn tuế Con Vua Đavít, Chúc Tụng Đức Chúa” trong cuộc đời người Kitô hữu bằng cách chúng ta quyết đem ra thực hành Lời Chúa trong cuộc sống để xây dựng bình an và tình thương của Chúa trong gia đình, giáo xứ và xã hội chúng ta đang sống. Amen.