Chúa Nhật Lễ Lá – Năm A


CHÚA NHẬT LỄ LÁ

5-9-2020

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Trà Kiệu

GIÁO HUẤN SỐ 18

CHÚNG TA HỌC TỪ TUỔI TRẺ CHÚA GIÊSU (tt)

Lịch Giáo phận trang 60

Các bạn trẻ thân mến, Đức Giêsu không dạy các con từ xa hay từ bên ngoài, nhưng chính từ trong tuổi trẻ của các con, một tuổi trẻ mà Người cũng kinh nghiệm với các con. Thật quan trọng việc các con chiêm ngắm chàng trai Giêsu như được giới thiệu trong các sách Tin Mừng, vì Người thực sự là một giữa các con, và Người chia sẻ nhiều nét trong tâm hồn trẻ trung của các con. Chẳng hạn chúng ta thấy điều này trong nhận định sau đây : Đức Giêsu tin tưởng vào Cha một cách vô điều kiện; Người giữ tình thân hữu với các môn đệ, và ngay cả trong những thời khắc khủng hoảng Người vẫn trung thành với họ, Người tỏ lòng thương cảm sâu xa đối với những người yếu đuối nhất đặc biệt những người nghèo, người đau ốm, người tội lỗi và những kẻ bị loại trừ. Người có can đảm để đương đầu với các quyền bính chính trị và tôn giáo thời ấy, Người hiểu thế nào là bị hiểu lầm và bị tẩy chay; Người kinh nghiệm nỗi sợ trước đau khổ và Người biết sự chênh vênh trong cuộc khổ nạn. Người hướng nhìn tương lai, phó thác chính mình trong vòng tay che chở của Cha và trong sức mạnh Thánh Thàn. Nơi Đức Giêsu, mọi người trẻ có thể nhìn thấy chính mình.

(Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống số 31)

————————————————————

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14-27,66)

CHÚA GIÊSU, CON VUA ĐAVÍT,

VÀO THÀNH GIÊRUSALEM

Lên tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu, chỉ còn cách Giê-ru-sa-lem hai cây số, Chúa sai hai môn đệ đi mượn một con lừa mẹ và một con lừa con:

“Các anh đi vào trong làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng. Người sẽ gửi lại ngay.

Mát-thêu không giải thích cho chúng ta biết sao Chúa biết là có hai mẹ con nhà lừa cột sẵn đó, tại sao người ta để cho hai môn đệ dắt hai mẹ con nhà lừa đi ? Nhưng Mát-thêu trích Sách Thánh để giải thích tại sao Chúa lại cần cả hai mẹ con nhà lừa:

Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ : Hãy bảo thiếu nữ Xi-on : “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của con vật chở đồ” (Dcr 9,9). Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền. Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên”.

Mát-thêu cho ta cảm tưởng Chúa ngồi trên lưng hai con lừa, nhưng theo lời ngôn sứ vừa trích dẫn ở trên thì ta hiểu là Chúa ngồi trên lưng lừa con, mẹ nó đi bên cạnh.

Một đám rước bỗng hình thành nhanh chóng : “Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành, chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước kẻ theo sau, reo hò vang dậy : “Hoan hô Con Vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Hoan hô trên các tầng trời !” (Tv 118/117,25-26).

Quang cảnh này gợi lên đám rước dịp Lễ Lều. Lời tung hô của đám đông là lời Thánh vịnh dùng trong đám rước dịp Lễ Lều được biến chế một chút cho hợp hoàn cảnh.

Cả thành náo động” gợi lại cảnh khi các nhà chiêm tinh phương đông đến hỏi thăm : “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện ở đâu ? “Nghe tin ấy vua Hê-rô-đê bối rối và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao”. Ngày ấy Hê-rô-đê đã phải “triệu tập các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu” (Mt 2,1-6). Hôm nay “Thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?Dân chúng trả lời: Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét xứ Ga-li-lê đấy !”

(Nguyễn Công Đoan, Tự Đáy Lòng, Tĩnh Tâm với sách Tin Mừng Mát-thêu, trang 176-177)

 

TUẦN THÁNH 1644 Ở QUẢNG NAM

Cha Đắc Lộ  (Alexandre de Rhodes) kể Tuần Thánh năm 1644 ở Quảng Nam trong tác phẩm Voyages et Missions (Hành Trình và Truyền Giáo) của mình như sau : “Chúa Đàng Trong (Nguyễn Phước Lan) nghĩ rằng chúng tôi là những thầy địa lý rất thông thái nên ngài sợ chúng tôi cũng tìm cho bà dì của ngài là bà Maria (Minh Đức Vương Thái Phi) một mộ phần thuận lợi để vương miện được truyền cho con cháu bà, phương hại tới toàn thể con cháu nhà chúa. Ý tưởng đó làm cho chúa ghen tuông, khi thấy tôi ra vào tư dinh của bà ở Huế và đàm luận bàn bạc với bà như thể dự định của chúng tôi là tìm đất chôn cất khi bà qua đời, chứ không phải tìm cho linh hồn bà một ngai báu trên thiên quốc.

“Vương phi đạo đức này có những tâm tư rất khác xa với nhà chúa, nhiều lần bà sai người vời tôi vào tư dinh để giảng cho bà hiểu cách sống đạo, chứ không phải cách truyền ngôi cho hậu thế. Tôi phải đi lén lút ban đêm, để khỏi làm cho chúa nghi ngờ giận dữ. Tôi gặp một bà có hết các nhân đức trong đạo, bà tiếp tôi như tiếp một thiên thần, bà bắt tất cả đại gia đình, rất đông, chịu các phép bí tích, chính bà cũng xưng tội rước lễ trước hết. Hết các giáo dân đều tới dự, trong hai giờ, nên tôi cho hội họp tất cả vào đêm chủ nhật, làm Lễ Lá long trọng. Mọi người dự lễ rất sốt sắng, cho tôi tưởng như dân thành Giêrusalem hoan hỉ cầm cành lá đi đón rước Chúa Kitô.

“Họ rất mong cho tôi ở lại với họ suốt Tuần Thánh, nhưng tôi sợ bị lộ, nên tôi quyết định đến Đà Nẵng có người Bồ, nơi rất đông tân tòng từ xa tuôn đến để mừng lễ Phục sinh, vì trong tất cả xứ Đàng Trong này chỉ có một mình tôi là linh mục.

“Tôi tới tỉnh Quảng Nam ngày thứ tư Tuần Thánh. Hết các giáo dân trong tỉnh đã hội họp nhau ở đây (Phước Kiều ?) và nóng lòng sốt ruột chờ tôi. Nếu tôi có nhiều chân nhiều tay và nếu tôi có thêm mấy linh mục thì chúng tôi cũng có đủ việc làm trong những ngày tháng này. Người Bồ cũng không quên góp lòng sốt sắng với tất cả giáo dân : họ cũng đến mừng lễ Thương khó và lễ Phục sinh với chúng tôi.

“Tất cả những gì tôi thấy ở Âu châu đều không cho tôi những tâm tình đạo đức tôi thấy ở giáo đoàn này. Thật phải khen ngợi Thiên Chúa, khi thấy giáo dân kiên trì, thức khuya để dự lễ và khóc lóc rất thảm thương; phải cứng như đá mới không mủi lòng trong dịp này được. Ngày thứ năm tuần thánh tôi đặt Mình Thánh Chúa, nhiều người suốt ngày không rời bỏ nhà thờ. Về khuya thấy tôi rửa chân cho mấy người nghèo thì họ chảy nước mắt. Hôm sau (thứ sáu) tôi trưng bày Thánh Giá để họ tới kính thờ và hôn, cùng lúc đó họ ngắm những bài ca rất sầu thảm bằng ngôn ngữ của họ về sự thương khó Chúa. Họ khóc nức nở, đổ dòng nước mắt rửa tội họ và dâng cho các thiên thần. Tới ngày Lễ Phục sinh và luôn luôn từ ngày đó, các ngày lễ trọng và chủ nhật, tôi phải dâng hai ba thánh lễ, vì nhà thờ tuy rộng nhưng không chứa hết, phải ngồi cả ngoài hiên.

“Những người ở các tỉnh xa không chờ tôi đến. Họ không thể chịu lâu hơn cơn khát khao các bí tích và thánh lễ : từ những miền xa, nghĩa là chừng tám mươi dặm, họ kéo từng đoàn lũ đến. Tôi đành lui về nhà chúng tôi ở Hội An để họ được toại nguyện. Tôi ở lại 15 ngày, đêm ngày không làm gì ngoài việc giải tội cho giáo dân tân tòng. Những người này sau khi làm các việc đạo đức rất sót sắng thì về xứ sở mình, thỏa thuê như thể trong cuộc hành binh đã tìm được kho vàng kho bạc.

(Hồng Nhuệ chuyển ngữ, Hành Trình và Truyền Giáo, trang 127-128)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành