Chúa Nhật Lễ Lá – Năm B
Lễ Lá.B
(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15.47)
Giáo huấn
Tình Yêu Hằng Ngày Của Chúng Ta
“Trong một bản văn tuyệt đẹp của Thánh Phao-lô, chúng ta gặp thấy một số nét của tình yêu đích thực :
Yêu thì nhẫn nhục,
nhân hậu,
yêu thì không ghen tương,
không vênh vang,
không tự đắc hay thô lỗ.
Yêu thì không cố chấp theo cách của mình,
không nóng giận,
không nuôi hận thù,
yêu thì không mừng khi thấy sự gian ác
nhưng vui khi thấy điều chân thật.
Tình yêu bao dung tất cả
tin tưởng tất cả,
hy vọng tất cả,
chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7),
(NVYT, số 90, Lê Công Đức chuyển ngữ)
Lễ Lá.B
Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem là giai đoạn cuối đời của Chúa. Người đến để dự lễ Vượt Qua, và sẽ là lễ Vượt Qua của Người. Sau cuộc hành trình dài, từ Galilê, miền bắc, dọc theo thung lũng sông Gióc-đan, Người nghỉ chân một lúc tại một nơi không xa Giê-ri-khô. Đó là làng Bết-pha-ghê, có nghĩa là “nhà của những cây vả ”, ở phiá đông núi Cây Dầu, cách Giêrusalem không đầy 3 cây số. Từ đây Người lên Thành thánh. Chính Chúa Giêsu tổ chức cuộc khởi hành vào Giêrusalem.
Dấu hiệu của “người sai đi” : Chúa Giêsu đã “sai hai môn đệ đi trước”; vài ngày sau, Chúa cũng làm như thế, sai hai môn đệ đi sửa soạn bữa ăn lễ Vượt Qua.
Trong Cựu Ước, chính Thiên Chúa sai các ngôn sứ và sứ giả của Người; trong Tân Ước, Chúa Giêsu là người sai. Cử chỉ đầy mầu sắc thiên sai. Người loan báo một biến cố có tính cách thánh thiêng. “Hãy đi vào làng…Các anh sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ”(Mc 11,2).
Dấu hiệu của lừa con : ngôn sứ đã loan báo vua-thiên-sai cỡi lừa con. Ngôn sứ Da-ca-ri-a (sách Tin Mừng thánh Gioan có trích dẫn) đã loan báo vua-thiên-sai đến với nhiều tính cách của một con người khiêm hạ và hòa bình, nổi bật nhất là cỡi lừa con. Ngoài hình ảnh là một tôi tớ, thì đó còn là hình ảnh của một Mêsia khiêm hạ mà ngôn sứ đã tiên báo.
Lừa là con vật của những người bình dân cỡi. Nhà giầu và nhất là các vị chỉ huy quân sự dùng ngựa. Vì vậy, Chúa Giêsu là một vị vua hòa bình. Vương quốc của Người không phải ở dưới trần và Người cũng chẳng có tham vọng thống trị.
Lừa con chưa ai cỡi. Chúa Giêsu đã dùng đầu tiên. Mọi hoa qủa đầu mùa được hiến dâng cho Thiên Chúa. Sự chọn lựa này cũng mang một ý nghĩa. Con vật này chưa chở ai. Các môn đệ trải áo trên lưng lừa, để Chúa Giêsu ngồi. Dân chúng cũng bắt chước và trải áo trên đường (vào tháng 3-4, chắc chắn trời chưa nóng). Đó là cử chỉ trong ngày lễ lên ngôi vua ngày xưa. Sách Các Vua ghi lại : “Họ vội vàng lấy áo choàng trải lên đầu thềm cấp, dưới chân ông. Họ thổi tù và, rồi hô lên : ‘Giê-hu làm vua’” (2V 9,13).
Dấu hiệu của Chúa : “Nếu có ai hỏi : ‘Tại sao các anh làm như vậy’, thì cứ nói là Chúa cần đến nó” (3). Đây là lần đầu tiên và duy nhất thánh Máccô gọi Đức Giêsu là Chúa. Cử chỉ bất thường này bộc lộ ý định của Chúa Giêsu : Người chiều theo lòng nhiệt thành của dân chúng, chấp nhận là vua, là thiên sai, là một ngôn sứ lớn. Người muốn được công nhận như vậy. Giờ của sự thật đã điểm. Người là Chúa. Người chẳng còn gì để mất nữa. Từ biến cố Ladarô sống lại, các kẻ thù đã quyết định giết Người.
Dân chúng đã tung hô Chúa bằng những lời trong thánh vịnh 118, thánh vịnh được hát trong lễ Lều. Người ta đi kiệu trong Đền thờ, tay cầm cành lá vạn tuế, khẩn nài Thiên Chúa, Đấng cứu độ ( ý nghĩa đầu tiên của từ Hosannah là “xin ban ơn cứu độ, xin giải thoát”), cùng nhắc lại những lời Đấng Thiên sai hứa xuống cắm lều ở với dân của Người (nơi thánh Matthêu : “Hosannah Con vua Đavít”, thánh Luca : “Chúc tụng vua, đấng nhân danh Chúa mà đến”, thánh Gioan : Chúc tụng vua Israel”.
Dấu hiệu của cành vạn tuế : Cuộc rước từ sườn núi Cây Dầu vào Thành thánh (theo thánh Luca, Chúa Giêsu vào trong Đền thờ, để nói lên rằng sứ mạng của Người có tính cách tôn giáo). Dân chúng hoan hô với nhũng cành lá được hái nơi cánh đồng. Bầu khí thiên sai. Sách Tin Mừng thánh Gioan cho chúng ta biết nguyên nhân của lòng nhiệt thành này : “Họ là những người đã có mặt, khi Đức Giêsu gọi anh Ladarô ra khỏi mồ và làm cho anh trỗi dậy từ cõi chết. Sở dĩ dân chúng đi đón Người, là vì họ nghe biết Người đã làm dấu lạ đó” (12,17-18). Đấng họ tung hô chính là Đấng đã chiến thắng thần chết.
Giáo hội đã không quên ghi chú này của thánh Gioan mỗi khi kỷ niệm cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem của Chúa. Giáo hội không cử hành một cách đơn giản. Những cành lá vạn tuế mang hai ý nghĩa : chúng biểu lộ niềm tin vào vương quyền của Chúa Kitô và niềm tin vào sự sống lại.
Nếu mọi dân tộc và mọi tôn giáo nhận ra ý nghĩa của sự sống và đổi mới nơi cành vạn tuế xanh tươi, thì Giáo hội cũng nhận ra ý nghĩa của sự sống vượt qua biên giới của sự chết. Ý nghĩa này được cảm nhận trong nhiều tôn giáo. Các tín hữu, trong ngày lễ Lá này, đã đặt những cành lá làm phép trên mộ của những người qua đời (Monique Piettre, Comprendre La Parole, Année B, O.E.I.L 1985)
Bài giảng của Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II
Ngày 13-4-2003
“Này đây, vua ngươi đến với ngươi, khiêm tốn, cỡi trên lưng lừa, một con lừa con, con của lừa mẹ” (Mt 21,5; Is 62,11).
“Vạn phúc Đấng ngự đến nhân danh Chúa” (Mc 11,9).
Phụng vụ Chúa nhật Lễ Lá kết hợp hai khoảnh khắc trái ngược nhau cuộc chào đón Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và thảm kịch Thương Khó; lễ hội “Hôsana” và những tiếng la ó lặp đi lặp lại “đóng đinh nó vào thập giá”’; cuộc khải hoàn và sự thất bại bề ngoài qua cái chết trên thập giá”. Như thế là phụng vụ thực hiện trước “giờ” mà Đấng Thiên sai phải chịu đau khổ nặng nề, phải chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy (x.Mt 16,21), đồng thời chuẩn bị chúng ta sống mầu nhiệm vượt qua một cách trọn vẹn.
“Mừng vui lên, hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem ! Này đây vua ngươi đến với ngươi” (Dc 9,9). Khi đón chào Đức Giê-su, thành phố vui mừng nhớ lại ký ức về vua Đa-vít, thành phố của các ngôn sứ, nhiều vị đã phải tử đạo vì chân lý; thành phố của hòa bình, qua các thế hệ đã biết đến bạo lực, chiến tranh và lưu đày.
Giê-ru-sa-lem được coi là thành phố biểu tượng của nhân loại, nhất là vào khởi điểm bi thảm vào thiên niên kỷ thứ ba mà chúng ta đang sống. Như vậy, các nghi lễ Chúa nhật Lễ Lá tự nó cất tiếng lên một cách hùng hồn. Hôm nay chúng ta hân hoan vì hôm nay Đức Giê-su, Vua hòa bình, tiến vào Giê-ru-sa-lem.
Với đức tin và niềm vui, hôm nay chúng ta tuyên xưng Chúa Ki-tô, “Vua của chúng ta” : Người là vua sự thật, tự do, công bình và yêu thương. Đây là bốn “trụ cột” để có thể xây dựng bình an thực sự… Bình an là hồng ân của Chúa Ki-tô, mà Người thủ đắc cho chúng ta nhờ sự hy sinh trên thập giá. Để thực hiện hồng ân ấy một cách hiệu quả,cần thiết phải cùng với Thầy chí thánh trèo lên đỉnh Can-va-ri-ô.
Và ai có thể hướng dẫn chúng ta trong hành trình này tốt hơn Đức Maria. Dưới chân thập giá, Mẹ đã được ban cho chúng ta qua vị Tông đồ trung tín là Thánh Gio-an. Chấp nhận giao ước tình yêu này, Gioan đã đón rước Mẹ về nhà mình (x.Ga 19,27), tức là đón tiếp Mẹ vào cuộc đời mình, chia sẻ với Mẹ một sự thân cận thiêng liêng mới mẻ hoàn toàn. Mối giây thân thiết với Mẹ Chúa Trời sẽ dẫn đưa “người môn đệ được yêu mến” trở thành người tông đồ của Tình yêu, tình yêu kín múc được từ trái tim Chúa Ki-tô qua trái tim vô nhiễm của Đức Maria.
Các bạn thân mến, “Đây là Mẹ con”, Chúa Giê-su nói những lời này với mỗi người trong các bạn. Người cũng mời gọi các bạn hãy dón nhận Thân mẫu Người “vào nhà của bạn”, đón nhận Mẹ “như một người trong các bạn”, vì Mẹ chỉ thi hành tác vụ của Mẹ như là người mẹ và sẽ huấn luyện các bạn và khuôn đúc các bạn cho tới khi Chúa Ki-tô thành hình hoàn toàn trong các bạn (Sứ điệp ngày Giới Trẻ Thế Giới, số 3 ngày 19-3-2003).
Xin Đức Maria thự hiện điều ấy, nhờ đó các bạn có thể quảng đại đáp trả lời mời gọi, và kiên trì trong niềm vui và lòng trung thành với sứ mạng Ki-tô hữu.
Ôi Maria, Mẹ sầu bi, Mẹ là nhân chứng thầm lặng của những giây phút quyết định trong lịch sử cứu độ. Xin ban cho chúng con đội mắt của Mẹ, nhờ đó trên khuôn mặt của Đấng chịu đóng đinh, đã biến dạng vì đau khổ, chúng con có thể nhận ra khuôn mặt của Đấng phục sinh vinh hiển. Xin giúp chúng con theo Người và tin tưởng vào Người. Nhờ đó, chúng con được xứng đáng với lời Người đã hứa. Xin giúp chúng con biết trung thành hôm nay và suốt đời chúng con.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành