Chúa Nhật Lễ Lá – Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa


CHÚA NHẬT LỄ LÁ

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

28-3-2021

 CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Trà Kiệu

GIÁO HUẤN SỐ 18

MỘT THÔNG ĐIỆP TUYỆT VỜI CHO MỌI NGƯỜI TRẺ

Đức Kitô cứu độ các con (tt)

Sự tha thứ và ơn cứu độ của Chúa không phải là điều chúng ta có thể mua được, ta cũng không thể đạt được bằng những việc làm hay những cố gắng của mình. Chúa tha thứ và giải thoát chúng ta mà không đòi trả giá nào. Sự hy sinh mạng sống của Người trên thập giá thì lớn lao đến nỗi chúng ta không bao giờ có thể đáp đền được, nhưng chỉ có thể đón nhận với lòng biết ơn vô hạn và với niềm vui vì mình được yêu thương quá đỗi nhiều hơn mình có thể tưởng; chính Chúa yêu thương trước (1Ga 4,19) (Tông huấn Đức Kitô hằng sống số 121)

—–

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

(Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15.47)

Tuần Thánh ở Hà Nội.

Lòng đạo đức của tín hữu thì khỏi nói, nhất là trong Tuần Thánh, mỗi khi họ ngắm nhìn tượng Chịu nạn là nước mắt tuôn trào. Để tham dự thánh lễ, bổn đạo ở cách kinh đô ba bốn dặm đi lễ từ sáng sớm; còn những người ở xa hơn nữa phải đi từ chiều hôm trước, đến nhà thờ đọc kinh nguyện ngắm trong hai giờ trước khi cử hành thánh lễ. Họ siêng năng xưng tội rước lễ, luôn đeo ảnh tượng, tràng hạt, nhất là ảnh “con chiên” làm bằng sáp ong, bọc vải do các cha đem đến từ Áo Môn. Vì nhiều bổn đạo muốn đeo ảnh “con chiên”, nên bà Catarina, người chị em với chúa Trịnh Tráng phải đích thân làm loại ảnh này, đẹp chẳng thua gì ảnh Áo Môn. Bà Catrina chẳng những đạo đức, lại còn thông thạo thơ ca, nên bà soạn một tập sách toàn bằng thơ ca, thuật lại từ thuở tạo dựng trời đất cho đến Chúa giáng sinh, truyền đạo, tử nạn phục sinh và thăng thiên. Ở phần cuối bà còn thuật lại từ lúc đặt chân lên Cửa Bạng (19-3-1627) đến khi truyền giáo tại Kẻ Chợ. Vì là thơ ca rất dễ học thuộc lòng, lại thuận tiện cho bổn đạo ngâm nga trong nhà, cũng như khi đi đường, đến cả người lương cũng thích thú, vì cụ thể sống động, văn vẻ nhẹ nhàng, rất dễ lọt tai (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Dại Việt, trang 147-148)

Tuần Thánh Ở Huế và Quảng Nam

Đầu năm 1644, linh mục Rhodes theo tầu Macao trở lại Đà Nẵng. Nhưng lần này, ông đi một mình, không có thừa sai nào cùng đi với. Ở Đà Nẵng 10 thầy giảng đã tề tựu từ nhiều ngày trước, để chờ đón giáo sĩ.

Linh mục Rhodes tường thuật rằng : “Sau khi chúng tôi cùng nhau cảm tạ Thiên Chúa về tất cả những on huệ của Người, tôi lên kinh đô với 10 thầy giảng của tôi, bề ngoài là để ra mắt và dâng lễ vật cho nhà vương, nhưng thực ra là để thăm viếng các giáo hữu, mới cũng như cũ.

“Tôi đã yết kiến nhà vương, ông vỗ về tôi và đã nhận các lễ vật của tôi, với nhiều dấu hiệu thiện cảm. Ngày hôm sau nhà vương còn đích thân tới thăm tôi. Cũng may là có mặt tôi ở trong thuyền, sợ rằng nếu không thấy tôi, nhà vương nghi ngờ là tôi đi lập bè lập đảng với các giáo hữu. Sự thật cũng may là sau khi ở suốt đêm trong nhà một viên quan muốn xin chịu phép rửa vùng với vợ, trong nhà đó có đông giáo hữu tập hợp để dự thánh lễ và chịu phép Cáo giải, tôi đã không làm vừa lòng tất cả trong một thời gian ngắn như vậy, tôi đã hẹn họ đêm hôm sau, vì người quá đông, nhà không chứa hết tất cả mọi người, mặc dầu dây là một trong những ngôi nhà đẹp nhất của thành phố, tôi phải xin các giáo cũ ra về để nhường cho những người mới xin chọn phép Rửa. Cả đêm là để giảng giải và làm phép Rửa cho 200 tín hữu mới : đa số trong những người đó làm nghề lính, đã chịu phép Rửa cùng với vợ con, trong số đó có một viên quan chịu phép Rửa với vợ mà tôi đặt tên thánh là Gioakim và Anna.

Họ muốn tôi ở lại với họ trong Tuần thánh, nhưng tôi sợ bị lộ và tôi thấy là nên về cảng Kean, (Cửa Hàn, Đà Nẵng) là nơi có các người Bồ Đào Nha và tôi cũng có thể có đông đảo giáo hữu mới từ xa tới dự lễ Phục sinh, vì trong cả Đàng Trong lúc ấy, chỉ có mình tôi là linh mục.

Linh mục Rhodes kể tiếp : “Vậy tôi về tới tỉnh Chàm (Quảng Nam) thứ tư Tuần thánh (23-3-1644), tôi thấy một số dông tín hữu tỉnh này đã tụ họp đế nao nức chờ đợi tôi. Nếu lúc đó tôi có nhiều thân xác hay nói đúng hơn có nhiều linh mục với tôi, chúng tôi mới đủ để lo cho tất cả trong những ngày trọng đại này.

Ngày Lễ Phục Sinh và sau đó các ngày Chúa nhật ,và lễ trọng, phải dâng nhiều thánh lễ, vì nhà tuy khá rộng, nhưng vẫn không chứa hết người từ khắp nơi tới. Những các giáo hữu từ các tỉnh xa không đủ kiên nhẫn để chờ tôi đến chỗ họ… đã đoàn lũ kéo đến… Tôi đã trở về nhà của chúng tôi tại Kean (Cửa Hàn) để phục vụ họ dễ dàng hơn. Chúng tôi ở lại đây 15 ngày , không làm gì khác hơn là ngày đêm làm phép Cáo gỉải cho họ. Sau khi được hài lòng với những việc đạo đức, các tân tòng đã trở về xứ sở của mình, thỏa mãn tựa hồ như đã tìm thấy một kho tàng qua cuộc hành trình của mình (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 81-83).

Qua hai câu chuyện về Tuần Thánh ở Hà Nội và Huế, Quảng Nam, chúng ta thấy lòng đạo đức của giáo dân, đồng thời cũng thấy sự khó khăn và vất vả của các vị thừa sai cũng như giáo dân. Lời Chúa lễ lá hôm nay cũng diễn tả nỗi khổ của chính Chúa Giêsu và các tôi tớ Chúa.

Bài đọc 1 : Bđ1 đọc bài ca thứ ba về “Người Tôi Tớ đau khổ” trong sách ngôn sứ I-sai-a. Nhóm CGKPV viết về bài ca này như sau : “Phần thứ hai của chương 50 đây là một bài ca độc đáo, là lời tuyên bố của vị ngôn sứ đang bị địch thủ chống đối kịch liệt. Thật ra, vụ án ở phần trên (cc. 1-3) cũng như ở phần này là một, vì Thiên Chúa và người được sai đi cũng là một (cc. 7.9. x. Ed 3,7)”.

Bài Thương Khó : Nhóm CGKPV viết về Bài Thương Khó như sau : “Trình thuật về cuộc Thương Khó của Đức Giê-su theo Mc chia làm ba phần : 1. Từ cuộc âm mưu hại Đức Giê-su cho đến lúc Người bị bắt (14,1-52) ; 2. Đức Giê-su ra trước Thượng Hội Đồng và trước toà tổng trấn Phi-la-tô (14,53 – 15,15) ; 3. Cuộc Thương Khó và thập giá (15,16-47). Trình thuật này bao trùm chương 14 và 15, trong khi trình thuật về sự Phục Sinh của Đức Giê-su chỉ gồm có 6 câu đầu của ch. 16 và phần phụ trương (16,9-20). Thân thế Đức Ki-tô nằm ở trung tâm trình thuật về cuộc Thương Khó trong Tin Mừng II. Theo Mc, Đức Ki-tô chịu đau khổ trước hết đó là Đấng hoàn toàn đảm nhiệm định mệnh đã trao cho Người (14,21.41) ; đó là Con Người sẽ đến cùng với mây trời (14,62) ; đó là người Con vâng phục Chúa Cha (14,36) ; đó là Con Thiên Chúa (15,39), theo lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng sau khi Đức Giê-su tắt thở” .

Bài đọc 2 : Bđ2 đọc thư thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Phi-líp-phê. Nhóm CGKPV viết : “Pl 2,6-11 là một đoạn văn phong phú về ý nghĩa giáo lý, mục đích ca ngợi Đức Ki-tô và mầu nhiệm Đức Ki-tô : từ một vị Thiên Chúa, Người đã chọn làm một con người ; trong loài người, Người đã chọn làm thân nô lệ ; trong giới nô lệ, Người lại chọn cái chết thập giá hổ nhục. Vì thế Người đã được tôn vinh, được cả vũ trụ tôn thờ và được một danh hiệu ngang hàng với Thiên Chúa. Đây có thể là một bài thánh thi của Hội Thánh sơ khai, được thánh Phao-lô sử dụng lại và sửa đổi đôi chút”.

Lạy Mẹ Trà Kiệu và Chân phước Anrê, xin giúp chúng con sốt sắng tham dự Tuần Thánh, hầu chúng con được nhận lãnh ơn cứu độ của Chúa phục sinh.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành