Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Năm A
CN 10 TN
LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
11/6/2023
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Gia Phước
GIÁO HUẤN SỐ 29
HAI KẺ THÙ TINH VI CỦA SỰ THÁNH THIỆN
Ngộ đạo thuyết hiện đại (tt)
Ngộ đạo thuyết là một trong những ý thức hệ tai hại nhất, bởi vì trong khi đề cao quá đáng sự hiểu biết hay một kinh nghiệm chuyên biệt nào đó, thì nó coi cái nhìn của nó về thực tại là hòn hảo. Vì thế, có lẽ thậm chí chính nó không ngờ, ý thứ hệ này dựa trên chính nó và trở thành cận thị hơn. Nó có thể trở thành ảo tưởng hơn nữa khi nó mang cái mặt nạ của một linh đạo thuần thiêng. Vì ngộ đạo thuyết ‘tự bản chất nó tìm cách làm chủ mầu nhiệm’, dù đó là mầu nhiệm Thiên Chúa và ân sủng Ngài hay đó là mầu nhiệm đời sống của người khác’ (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 40).
LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Ðnl 8, 2-3. 14b-16a
“Người sẽ ban cho các ngươi của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy nhớ tất cả đoạn đường mà Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã dẫn đưa các ngươi qua sa mạc suốt bốn mươi năm, để rèn luyện và thử thách các ngươi, để biết các điều bí ẩn trong lòng các ngươi và xem các ngươi có tuân giữ lề luật của Người hay không? Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
“Các ngươi hãy nhớ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, Ðấng đã dẫn đưa các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Và Người là Ðấng đã dẫn các ngươi vào nơi hoang địa mênh mông và kinh khủng có nhiều rắn hổ lửa, bò cạp, rắn lục, và không có một giọt nước nào; Người đã khiến nước từ tảng đá cứng rắn vọt ra. Trong hoang địa, Người đã nuôi các ngươi bằng manna mà cha ông các ngươi chưa từng biết tới”.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 14-15. 19-20.
Ðáp: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa
Xướng: Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các then cửa ngươi, Người chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội. – Ðáp.
Xướng: Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng. – Ðáp.
Xướng: Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người. – Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 10, 16-17
“Có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều, cũng chỉ là một thân thể”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, chén chúc tụng mà chúng ta cầm lên chúc tụng Chúa chẳng phải là thông hiệp với máu Chúa Kitô sao? Tấm bánh mà chúng ta bẻ ra chẳng phải là thông phần vào Mình Chúa đó sao? Vì có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Ga 6, 51-52
Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời”. – Alleluia.
Phúc Âm: Ga 6, 51-59
“Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
Ðó là lời Chúa.
SUY NIỆM I
Lm. Giuse Nguyễn Trung Thành
Linh mục Louis Đoan
Năm 1675 “Đức giám mục Lambert de La Motte đã đi thăm các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi trong bốn tháng. Cuối tháng 12-1675, Đức giám mục về Hội An và phong chức linh mục cho thầy giảng cao tuổi và thông nho là Louis Đoan” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Phát Triển Công Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 224).
Linh mục Đoan là văn sĩ, và là tác giả cuốn sách “Sấm Truyền ca”.
Sách “Sấm Truyền Ca” của cha được ca ngợi như sau : “Có thể nói thế kỷ XVIII văn thơ Nôm Công giáo nổi bật nhất với thi phẩm Sấm Truyền Ca của Linh mục Louis Đoan. Sấm Truyền Ca là đỉnh cao của văn thơ Nôm, văn chương trác tuyệt, một tác phẩm lớn về giá trị văn chương. Cha Louis diễn đạt 5 sách đầu của Kinh Thánh : Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật,.. thành thể thơ lục bát, gồm 3596 câu, vào năm 1670” (Cao Thế Dung, Việt Nam Công Giáo Sử Tân Biên 1553-2000, Quyên II, trang 1353).
“Hổ phụ sinh hổ tử” người Việt thường nói vậy, để ca ngợi công ơn cha mẹ. Quả thật, cha Louis được ơn Chúa gọi là nhờ lòng đạo đúc của ông cố bà cố. Cha Đắc Lộ, vị thừa sai, khen ngợi cha mẹ cha như sau : ‘Cụ thuộc vào sổ những người theo đạo trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam, quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa, cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần, mà lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu. Cụ là người đầu tiên được mang huy chương danh dự mà chúng tôi vẫn mệnh danh là thập giá của xứ Nam (chiếc gông). Tuy không được phúc tử đạo, nhưng cụ không bao giờ trốn tử đạo.
Phu nhân của cụ sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis, thật là hai bức họa mô phỏng hoàn toàn hình ảnh nhân đức của bà.
Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người đã được lãnh Phép Rửa ở đó, được giáo huấn và được lĩnh nhận ơn sức mạnh của các bí tích. Là một vị quan liêu có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn là lợi lộc thế gian.
Theo những thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ, luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, tập I, trang 168-169).
Như chúng tôi đã viết, đầu tháng 4-1641, ông Nghè Bộ Quảng Nam dinh cho lính đi lục sóat các gia đình có đạo Hoa Lang, sau khi khám xét nhà ông Anrê, bắt ông cùng với hai con là Louis, Emmanuel và một số ngưới khác, tịch thu các ảnh tượng đem về nộp cho ông Nghè Bộ. Ngày 9-4-1641, ông Nghè Bộ đích thân dẫn quân đến nơi các cha đang có mặt, buộc 4 cha phải ra nơi công cộng chứng kiến cuộc thiêu hủy ảnh tượng tìm trong nhà các giáo hữu. Sau cảnh tượng này, Rubinô viết thư ngày 10-4-1641 cho Rhodes lúc đó đang ở Phú Yên như sau : ‘Viên quan ra lệnh thiêu hủy tượng Chịu Nạn và các ảnh tượng khác tìm thấy trong nhà các ông Anrê, Antong, tất cả diễn ra công khai trước mắt chúng tôi, mà chúng tôi chẳng có cách nào ngăn cản được sự phạm thánh đó. Thiêu đốt ảnh tương Chúa chưa đã, người ta còn đánh đòn ông Anrê và hai người con là Louis và Emmanuel, bà mẹ và vợ ông Antong. Thưa cha, xin thú thực với cha là, chỉ nguyên nhớ lại việc ấy làm tôi rất đau buồn, nước mắt tràn trề, mà tôi chẳng sao tả ra mọi chi tiết được, Sự việc buồn thảm này xảy ra ngày hôm qua, mồng 9 tháng này, 4-1641 (Đỗ Quang Chính, Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773, trang 88).
Cha Fermandez nhờ một người Việt tên thánh là Anrê tập cho phát âm mỗi ngày 2 lần, xem ra cha cũng khó mà phân biệt các dấu thanh trong tiếng Việt…Bổn đạo ở Kẻ Chàm (Thanh Chiêm) lấy làm bỡ ngỡ, vì cha Fermandez học 1 năm mà chẳng biết gì hơn (Đỗ Quang Chính, sđd, trang 37).
xxx
Cha Đoan là linh mục đầu tiên của Quảng Nam. Thứ sáu ngày 16-6 này, giáo phận Đà Nẵng có thêm 3 linh mục. Sách Giáo lý Youcat viết về Bí tích truyền chưc linh mục như sau : ‘Khi truyền chức linh mục, Đức Giám mục xin sức mạnh của Thiên Chúa xuống trên người lãnh chức. Sức mạnh ấy in vào linh hồn một ấn tích còn mãi không bao giờ mất. Linh mục là người cộng tác của Đức Giám mục, linh mục công bố Lời Chúa, ban các bí tích, nhất là dâng thánh lễ” (số 254).
Thánh Gioan Vianney nói : ‘Linh mục tiếp tục công việc cứu rỗi của Chúa Kitô trên thế giới’. ‘Nếu người ta muốn phá Hội Thánh họ bắt đầu tấn công linh mục; vì không còn linh mục, sẽ không còn thánh lễ, không còn thánh lễ thì sẽ không còn đạo Công giáo nữa’ (Youcat trang 199).
Cha Hồ Thông viết về Lời Chúa thánh lễ hôm nay:
Bđ1 (Đnl 8,2-3.14b-16) : Sách Đệ nhị luật nhắc lại ân ban bánh Manna kỳ diệu từ trời xuống mà Giavê Thiên Chúa ban cho dân Do thái để nâng đỡ họ trong suốt cuộc hành trình qua sa mạc.
BTM(Ga 6,51-58) : Tin mừng Gioan được trích từ diễn từ của Đức Giêsu về bánh hằng sống mà Ngài đã công bố sau phép lạ bánh hóa nhiều. Đức Giêsu công bố rằng chính Ngài là ‘bánh hằng sống’, bánh ban sự sống đời đời.
Bđ2(1Cr 10,16-17) : Trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô, thánh nhân gọi lên Bí tích Thánh Thể hiệp nhất mọi Kitôhữu bằng cách cho họ dự phần vào chỉ một bánh là Thân thể Đức Giêsu (Phụng Vụ Lời Chúa Năm A, trang 382)
Quan hỏi cha Du :
-Khi làm yến tiệc ở nhà thờ, bay làm những sự quái gở lắm phải không ?
-Không, chẳng hề có điều gì quái gở.
-Vậy tại sao có thứ bánh làm bùa mê thuốc lú, để phát cho những đứa xưng tội và làm chúng mê đạo đến thế ? (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở VN, t.II, tr.64).
Cha Phước bị lăng trì: chặt chân tay, rồi chẻ thân mình làm 4.
Quan hỏi :
-Giảng đạo là cái gì?
-Là cầu nguyện dâng thánh lễ và giảng dạy bổn đạo.
-Thầy có biết làm thuốc mê dụ dỗ lòng người theo không ?
-Tôi chỉ biết có một việc giảng đạo (BĐS, sđd, tr.60)
Các thừa sai dùng một thứ bánh để mê hoặc dân chúng giữ đạo tới cùng. Người Công giáo móc mắt người gần chết trộn với nhang để làm thuốc trị bệnh. Trong lễ nghi hôn nhân, có những hành dộng ám muội (BĐS,sđd,tr.68).
Thánh lm Giuse Đỗ Quang Hiển là một cha xứ của một giáo xứ lớn. Cha hết lòng lo lắng cho con chiên bổn đạo, nhất là cổ động cho mọi người yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể và siêng năng lần hạt mân côi sáng tối (Nguyễn Đức Việt Châu, Hạnh Các Thánh Tử Đạo VN, tr.119)
Sáng sớm hôm sau anh Anrê Trần Văn Trông tới địa điểm gặp cha Ngôn để lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Cha Ngôn cầu nguyện : Ước gì Mình Thánh Chúa Kitô gìn giữ con đến cuộc sống muôn đời”. Thánh Trông thưa : “Amen”, rồi lãnh nhận Mình Thánh Chúa (NĐVC, sđd, tr.501)
Cha Triệu giả làm thường dân đem Mình Thánh Chúa đến nhà tù, thày Phêrô Trương Văn Đường viết thư cho cha Marette : “Hôm nay là ngày trọng đại, chúng con được rước Mình Thánh Chúa. Xin tạ ơn Chúa đã viếng thăm và làm vơi nhẹ những xiềng xích của chúng con…Cửa thiên đàng đã mở sẵn, nghĩ đến hạnh phúc đang chờ đợi, chúng con chẳng còn ước ao sự gì ở thế gian này nữa” (BĐS, sđd, tr.148).
Đức Giáo hoàng 16 viết :
Ngày lễ Copus Domini (Mình Thánh Chúa) không thể nào tách rời được với Thứ Năm Tuần thánh, với lễ In Cena Domini (Tiệc ly của Chúa), mà qua đó chúng ta cử hành một cách trọng thể việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Trong buổi chiều Thứ Năm Tuần thánh, chúng ta sống lại mầu nhiệm Đức Kitô tự hiến cho chúng ta trong tấm bánh được bẻ ra và trong chén rượu được đổ ra; còn ngày hôm nay, trong lễ Corpus Domini Giáo hội đề nghị cũng chính mầu nhiệm này cho dân Chúa thờ lạy và chiêm ngưỡng, và Bí tích Thánh thể cực thánh được rước đi trong các phố phường và làng mạc, để chứng tỏ rằng Đức Kitô phục sinh đang bước đi giữa chúng ta và dẫn đưa chúng ta về Nước Trời. Điều Đức Giêsu cho chúng ta trong bầu khí thân mật của phòng Tiệc ly, thì hôm nay chúng ta biểu lộ cách công khai, bởi vì tình yêu của Đức Kitô không những chỉ dành riêng cho một số người, nhưng cho tất cả mọi người. Trong thánh lễ In Cena Domini thứ năm Tuần thánh vừa qua , tôi đã nhấn mạnh rằng chính trong Thánh Thể mà hoa mầu ruộng đất, là bánh miiến và rượu nho chúng ta dâng lên, đã được biến đổi với mục đích biến đổi cuộc đời chúng ta, và như thế khai mạc việc biến đổi thế giới. Chiều nay tôi muốn nhấn mạnh đến viễn cảnh này.
Ta có thể nói được rằng tất cả đều bắt đầu từ trái tim Đức Kitô, Đấng mà trong bữa Tiệc ly, trước khi chịu khổ hình, đã tạ ơn Thiên Chúa và dâng lời chúc tụng, và khi làm thế, với sức mạnh tình yêu của mình, Người đã biến đổi ý nghĩa của cái chết mà Người đang trên đường hướng đến. Sự kiện bí tích trên bàn thờ được gọi là ‘Thánh Thể’, ‘Tạ Ơn’ diễn tả chính điều đó, việc biến đổi bánh miến và rượu nho thành Mình và Máu Đức Kitô là kết quả của việc Dức Kitô dâng hiến chính bản thân mình, dâng hiến một tình yêu mạnh hơn cái chết, một tình yêu thần linh đã làm cho Người trỗi dậy từ trong kẻ chết. Chính vì thế, Thánh Thể là lương thực mang lại sự sống vĩnh cửu, là bánh sự sống. Từ quả tim của Đức Kitô, từ ‘kinh nguyện Thánh Thê’ của hôm trước ngày chịu khổ nạn đã phát sinh động lực biến đổi thực tại trong những chiều kích vũ trụ, nhân văn và lịch sử của nó. Tất cả đều phát xuất từ Thiên Chúa, từ tình yêu toàn năng của Chúa Ba Ngôi nhập thể trong Đức Giêsu. Quả tim của Đức Kitô ngụp lặn trong tình yêu này; chính vì thế, Ngài có thể tạ ơn Thiên Chúa và dâng lời chúc tụng cả khi phải đối diện với sự phản bội và bạo lực, và như thế, Người biến đổi sự vật, con người và thế giới (GB.Lưu Văn Lộc chuyển ngữ, Huấn Từ của ĐGH Bênêđictô XVI, trang 428-429).
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã trối lại cho chúng con
bí tích Mình và Máu thánh Chúa
để chúng con đời đời tưởng nhớ
Chúa đã chịu khổ hình và sống lại vinh quang.
Xin cho chúng con
biết một niềm sùng kính mến yêu bí tích kỳ diệu này
để luôn được nghiệm thấy ơn Chúa cứu chuộc chúng con.
Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha
hiệp nhất với Chúa Thánh Thần
đến muôn thuở muôn đời.
SUY NIỆM II
MÌNH MÁU THÁNH CHÚA LÀM CHO TA SỐNG
Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang
Khi Tôi dạy khoá sư phạm Giáo lý cho một số giảng viên giáo lý, một Giáo lý viên nọ chia sẻ phương pháp dạy bài Giáo lý về Bí Tích Thánh Thể để giúp các em dễ hiểu và nhớ sâu về Bí Tích Thánh Thể như sau: thưa cha con làm hai tấm bánh hình tròn một tấm bánh bằng xốp và một tấm có hình Chúa Giêsu cười thật tươi đang giơ tay muốn ôm các em vào lòng. Khi đọc lời truyền phép, thì con kéo tấm bánh bằng xốp ra phía sau kéo và thế là hình Chúa Giêsu hiện ra. Các em thích lắm, vui lắm! Con nghĩ như vậy các em mới hiểu về Bí Tích Thánh Thể. Tôi nói các em thích là chuyện nhỏ nhưng sai tín lý, sai đức tin là chuyện lớn rồi đó anh nhé! Vì sao? Bởi vì Sách giáo lý Hội Thánh dạy rằng: “Nhờ đọc lời truyền phép, đã có sự biến đổi bản thể bánh và rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa. Trong hình bánh rượu đã được truyền phép, chính Đức Kitô, hằng sống và vinh hiển, hiện diện cách đích thực, thật sự và theo bản thể, với trọn mình, máu, linh hồn và thần tính của Người” (Số 1413). Cho nên, đức tin của chúng ta vào Bí Tích Thánh Thể rằng khi linh mục đọc lời truyền phép thì Chúa Kitô đến không phải để thay thế cho tấm bánh mà tấm bánh biến đổi thành Chúa Kitô. Cụ thể, khi chúng ta rước lễ chúng ta thấy tuỳ thể của tấm bánh vẫn là hình tròn, màu trắng, thơm ngon như thường, ấy nhưng bản thể của tấm bánh chính con người Chúa Giêsu, Mình Máu Chúa. Qủa thế, Thánh Phaolô trong bài đọc 1 đã khẳng định: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1Cr 10,16). Còn Chúa Giêsu quả quyết trong Tin Mừng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51)
Cho nên, Anh dạy như thế anh muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện thể lý, vật lý của Chúa Giêsu Thánh Thể mà quên nội dung sâu xa đó là Thánh Thể Chúa Giêsu là sự hiện diện biến đổi chứ không thay thế. Ví dụ thuở ta còn là một học sinh, sinh viên… chúng ta gặp ông thầy không chỉ dạy cho mình trí thức mà còn yêu mình, chia sẻ, đỡ nâng và đồng hành với mình trên con đường học vấn, lúc ấy mình quý mến, phục lắm vì tri thức, cách đối nhân xử thế của thầy. Thầy đó hiện diện trong cuộc đời chúng ta khác hẳn những người khác và sự hiện diện của thầy âm thầm kiến tạo trong tâm hồn chúng ta một ước muốn sau này tôi cũng được như thầy về nhân cách cao quý, tri thứ rộng rãi… ước muốn đó thúc đẩy tâm hồn chúng ta học tập, tập luyện để được như thầy. Rồi trong tình yêu giữa người nam nữ, khi người ta yêu nhau, người ta hiện hiện trong nhau rất sâu, không chỉ hiện diện thể lý nhưng còn sự hiện diện sâu xa trong chính cõi lòng đến nỗi nó biến đổi từ một người con gái bình thường trở nên người yêu đẹp từ bên ngoài lẫn bên trong: nhân cách, lối sống để xứng với tình yêu. Cho nên, vợ chồng khi xưng hô với nhau, thường gọi “mình”. Chữ « mình » trong “mình ơi” chỉ một phần đời của mình bị tách rời, nay đã tìm lại được. Mình chỉ cơ thể, thân xác của mình. Mình với ta tuy hai mà một. Ta với mình tuy một mà hai, diễn tả vợ chồng là một thực thể, một tình yêu, một lý tưởng, một cuộc sống và sống chết có nhau cho nên ca dạo có câu: “đi đâu cho thiếp theo cùng, đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”.
Có lần tôi hỏi một em bé chín tuổi mới được rước lễ lần đầu rằng con nói cho cha biết: “Chúa Giêsu trên cây thánh giá và Chúa Giêsu Thánh Thể có khác nhau không con?”. Em bé ấy đã trả lời rất hay và rất đúng rằng: “Trên cây thánh giá, người ta thấy Chúa Giêsu. Nhưng Ngài không có ở đó. Còn trong bánh Thánh, người ta không thấy Ngài, nhưng Ngài ở trong đó”. Đúng vậy, nhờ quyền năng của Lời Ngài và của Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu hiện diện trong Giáo Hội bằng nhiều cách: trong việc cầu nguyện của Giáo Hội, trong bí tích của Ngài, và nơi mọi người. Đặc biệt nhất là Ngài hiện diện dưới Hình Bánh và Hình Rượu. Vâng, trước khi trao cho Tông đồ sứ mạng tiếp tục mầu nhiệm tình yêu Thánh Thể: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Chúa Giêsu thông ban tình yêu của Chúa cho các ngài, đến độ tình yêu của Chúa trở thành thức ăn thức uống nuôi dưỡng các ngài. Hôm nay Chúa cũng nói với chúng ta: “Đây là Mình Thầy, các con hãy nhận lấy mà ăn. Đây là chén Máu Thầy, các con hãy nhận lấy mà uống”, điều chúng ta cần phải chú ý là Chúa không chỉ trao chính mình cho chúng ta mà còn truyền cho chúng ta phải ăn Thịt phải uống Máu Ngài. Vì ăn thịt và uống máu Chúa là một động thái thể lý đồng thời diễn tả một hành động tinh thần thấm nhuần tâm tư của Chúa, sống trong tình nghĩa thân mật với Chúa, nên giống Ngài trong tư tưởng, lời nói và cuộc sống vì chưng, Chúa Giêsu nói: “Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở lại trong người ấy”. Từ đó, Thánh Phaolô dám khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Như vậy, Chúa Giêsu Thánh Thể là nguồn sinh lực, nguồn bình an và sức sống sung mãn nhất cho cuộc đời chúng ta, khi chúng ta kết hiệp với Ngài bằng việc rước Ngài vào lòng, lúc đó tình yêu của Chúa không chỉ là phản ánh tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể tỏa sáng trong con người chúng ta mà còn tuôn trào và thấm nhuần vào lòng chúng ta sự bình an và thánh thiện, yêu thương và phục vụ, tha thứ và hy sinh để qua chúng ta, mọi người nhận ra được tình yêu vô biên của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Bên cạnh đó, việc ăn Thịt và uống Máu Chúa Kitô là lãnh nhận một động lực mạnh mẽ nhất để dẹp bỏ và xua tan những tội lỗi sâu xa nhất để chỉ còn trở nên một với Chúa Kitô một thân xác và một linh hồn và trong thánh thiện.
Trước khi rước lễ, linh mục đưa Mình Máu Chúa lên cao và đọc: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, xin cho chúng ta biết rằng mỗi lần đến dự tiệc Thánh Thể và rước Ngài thật là hạnh phúc cho chúng ta. Vì chỉ có Mình Thánh Chúa mới là của ăn của uống đích thực nuôi sống linh hồn ta, vì chỉ có Thánh Thể chúng ta mới kết hiệp mật thiết với Chúa hơn, chỉ có Thánh Thể mới xoá bỏ tội nhẹ và giúp ta xa lánh tội trọng và chỉ có Thánh Thể làm cho ta cảm nếm và ước ao đạt tới hạnh phúc thiên đàng. Và một khi chúng ta được nuôi dưỡng cùng một Bánh Thánh – là Thịt Máu Chúa Giêsu- chúng ta được mời gọi chia sẻ chén cơm hằng ngày cho anh em khốn khổ nghèo hèn và dấn thân hoạt động tông đồ cho Chúa làm cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yêu thương và bình an trong cuộc sống chúng ta hôm nay. Amen.
SUY NIỆM III
THÁNH THỂ – LƯƠNG THỰC THẦN LINH
(Hội An 11/6/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú.
Một trong những hình ảnh Công Đồng Vatican II diễn tả Giáo Hội là hình ảnh một dân tộc trên đường lữ hành. Giáo Hội là dân Chúa trên đường lữ hành. Cuộc lữ hành này được hiểu là cuộc hành trình thánh thiện tiến về Nước Trời. Như dân Israel xưa trên đường tiến về miền đất Chúa hứa, họ cần lương thực đi đường, không chỉ cơm bánh nuôi thân xác là bánh mana, mà còn cần lời Chúa và niềm hy vọng vào lời Chúa hứa, thì Giáo Hội hôm nay đang cùng tiến về Nước Chúa, rất cần lương thực thánh cho hành trình, đó là cần đến Thánh Thể của Chúa.
- Thánh Thể, lương thực sống còn cho dân Chúa
Suốt thời gian dân Israel xuất hành đi trong sa mạc, Thiên Chúa đi giữa dân trong dấu chỉ Hòm Bia Giao Ước, đi trước dân trong dấu chỉ đám mây và cột lửa hướng dẫn, đi cùng dân trong dấu chỉ mana nuôi sống dân. Sự hiện diện đó của Thiên Chúa báo trước sự hiện diện thực sự của Thiên Chúa giữa Hội Thánh của Ngài hôm nay. Ngài dùng Thánh Thần của Ngài đi trước chúng ta để hướng dẫn chúng ta như cột mây lửa đi trước dẫn đường dân Israel cả ngày lẫn đêm. Thiên Chúa đi giữa chúng ta bằng lời của Ngài và Ngài dùng Thánh Thể Con Yêu Dấu Ngài là Chúa Giê-su đi vào trong chúng ta. Trước tình yêu của Thiên Chúa trao ban Thánh Thể Chúa Giê-su cho chúng ta, Đức cha Fulton Sheen đã thốt lên: “Câu chuyện tình vĩ đại nhất mọi thời được chứa trong tấm bánh trắng nhỏ.”
Tấm Bánh Thánh Thể không là dấu chỉ hay biểu tượng về sự hiện diện của Chúa Giê-su, mà là chính Chúa Giê-su, chính Mình và Máu Ngài, nghĩa là chính toàn thể Đức Giê-su hằng sống. Toàn thể Hội Thánh tuyên xưng mầu nhiệm này sau khi chủ tế xướng lên “Đây là mầu nhiệm đức tin”, “Lạy Chúa chúng con loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.” Và mỗi tín hữu khi nhận lấy Tấm Bánh Thánh Thể được nghe lời tuyên xưng: “Mình Thánh Chúa Ki-tô” đã đáp lại “Amen”, “Vâng, đúng vậy, tôi tin như thế.”
Thánh Thể ở giữa Hội Thánh không chỉ là sự hiện diện của Chúa Giê-su dưới hình bánh và rượu. Chúa Giê-su không chỉ ở đó. Ngài ở đó còn để trao ban chính Thân Mình Ngài làm lương thực thánh để nuôi sống tín hữu và chúng ta được trở nên một trong chính Thân Thể của Ngài. Vì thế, Mình Thánh Chúa không phải để chúng ta sưu tầm, mà là để ăn, nhờ đó chúng ta được sự sống của Thiên Chúa. Thánh Thể Chúa là sự hiện diện trao tặng, chờ đợi được những người tin vào Ngài nhận lấy và sống mối hiệp thông cá vị với Ngài, để Ngài ở trong cuộc sống của người lãnh nhận và hướng dẫn mọi chọn lựa của họ. Nhờ nhận lấy Thánh Thể bằng đức tin và tình yêu, bằng lòng ngưỡng mộ tha thiết trước mầu nhiệm Thiên Chúa làm người trong tấm bánh Thánh Thể, sự sống thần linh Ki-tô hữu được thừa hưởng bởi bí tích Rửa Tội được phát triển và sinh hoa trái. Không rước lấy Thánh Thể, chúng ta không thể sống. Chính Chúa đã quả quyết: “Bánh Ta ban tặng chính là Thịt Ta đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Vì thế, rước lấy Thánh Thể là sự sống còn của chúng ta, là nhu cầu số một của đời Ki-tô hữu. Không rước Chúa vào lòng, Ki-tô hữu chẳng khác gì bộ xương khô! Khi các vị tử đạo Abitene (Tunisia ngày nay) bị bắt, thống đốc Anulinus đã hỏi một vị trong họ là Saturnius tại sao tụ họp cử hành thánh lễ, Saturnius trả lời: “Chúng tôi cử hành Bữa Tiệc của Chúa mà không sợ hãi gì, vì chúng tôi không thể không cử hành.” Khi bị tra vấn tại sao cho những người này tụ tập trong nhà, chủ nhà Emeritus trả lời: “Tôi không thể cấm họ, vì không có Bữa Tiệc của Chúa, chúng tôi không thể sống.”[1] Vâng, Ki-tô hữu không thể sống mà không lãnh nhận Thánh Thể.
- Thánh Thể, lương thực sống còn cho mọi thời
Tuy nhiên, Mình Thánh Chúa chỉ trở nên nguồn sống cho những ai tin sự hiện diện thực sự và trọn vẹn của Chúa trong bí tích Thánh Thể, cho những ai sạch tội trọng và có ý ngay lành khi rước Chúa, cho những ai dọn lòng xứng đáng rước Chúa. Thánh Phaolô đã cảnh báo: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì xúc phạm đến Mình và Máu Chúa… Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11,27-29).
Vậy, chúng ta tự hỏi, tại sao con người thời đại này xa rời Thiên Chúa? Tại sao nhiều Ki-tô hữu không tha thiết rước lễ? Tại sao nhiều cha mẹ không còn quan tâm lo cho con cái được rước Chúa hay chẳng nhắc nhở con cái xưng tội để được rước Chúa xứng đáng khi thấy con cái không rước Chúa?
Đức hồng y Sarah nhận định, sự sa sút đức tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giê-su trong bí tích Thánh Thể là nguyên nhân chính yếu của cuộc khủng hoảng trong Giáo Hội hiện nay. Chúng ta, các giám mục, linh mục và giáo dân chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng này, về sự xa tránh đời sống đức tin của thế giới. Vì sao? Theo nhà văn Georges Bernanos, vì Ki-tô hữu chúng ta đã bài bác Chúa Giê-su Thánh Thể khiến Ngài không có chỗ trong tâm hồn chúng ta.
Nhân lời Chúa hôm nay, mỗi chúng ta tự chất vấn chính mình: chúng ta có để lời Chúa làm hồi sinh lòng kính thờ và khao khát rước Chúa Giê-su Thánh Thể vào lòng không? Mỗi khi rước Chúa, chúng ta có dọn tâm hồn xứng đáng và siêng năng lãnh bí tích Giải Tội để được rước Chúa thường xuyên không?
Ước gì chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho chúng ta đến nỗi ban Con Một Ngài là Chúa Giê-su Thánh Thể lúc này nuôi sống chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta thật lòng như thánh Anselmô thưa với Chúa Thánh Thể: xin để con tìm kiếm Chúa bằng sự khao khát của con, khao khát Chúa bằng sự tìm kiếm của con và tìm thấy Chúa bằng tình con yêu Chúa ngay bây giờ.
[1] Robert Cardinal Sarah, Catechism of the Spiritual Life (Irondale, Alabama: EWTN, Inc, 2022), 59.