Chúa Nhật Lễ Thánh Gia Thất – Năm B


 LỄ THÁNH GIA B

(St 15,1-6; 21,1-3; Dt 11,8.11-12.17-19; Lc 2,22-40)

Bài đọc thêm :

BÀI TIN MỪNG: Lễ Thánh Gia năm A là câu chuyện thánh gia lánh nạn sang Ai Cập (Mt 2,13-15.19-23). Bài Tin Mừng lễ năm B là câu chuyện thánh gia lên Đền thờ Giê-ru-sa-lem dâng Chúa Giê-su cho Thiên Chúa (Lc 2,22-40). Bài Tin Mừng lễ năm C là câu chuyện tìm Chúa Giê-su thất lạc trong Đền thờ (Lc 2,41-52).

BTM năm B được Đức giáo hoàng Bê-nê-đic-tô dẫn nghĩa trong tập sách “Tuổi Thơ Ấu Của Đức Giê-su Na-da-rét”. theo bản dịch của Phạm Đình Phước, nxb Hồng Đức 2012, từ trang 79 đến 86.

Biến cố dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ diễn ra vào ngày thứ 40, gồm 3 việc :

1-Thanh tẩy Mẹ Maria : Theo sách Lê-vi, khi một người đàn bà có thai và sinh con trai, sẽ ra ô uế trong vòng 7 ngày (nghĩa là không được vào thánh điện cửa hành phụng vụ). Đến ngày thứ 8 đứa trẻ sẽ được cắt bì. Rồi người đàn bà phải đợi 33 ngày cho máu đươc thanh tẩy (Lv 12,1-4). Khi mãn thời gian thanh tẩy, người phụ nữ phải cử hành lễ thanh tẩy, dâng của lễ toàn thiêu với một con chiên một tuổi, hoặc một bồ câu non, hay một chim gáy, làm lễ tạ tội. Những người nghèo chỉ dâng một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con; một con để làm lễ toàn thiêu, một con để lam lễ tạ tội.

Maria dâng của lễ dành cho những người nghèo theo luật truyền là “một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2,24). Trong toàn bộ Tin Mừng, thánh Lu-ca đã nêu bật lên thần học về người nghèo và thần học về sự nghèo khó. Ở đây thánh nhân cũng cho chúng ta biết rằng gia đình của Chúa Giê-su là gia đình nghèo của Ít-ra-en và lời hứa sẽ đươc thực hiện qua những người nghèo (Sđd trang 80-81).

2- Chuộc lại con trai đầu lòng : Con trai đầu lòng là đứa con hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Gia đình có thể chuộc lại với bất cứ một tư tế nào trong nước. Lu-ca trích dẫn  điều đã được ghi trong Luật Thiên Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lo2ngpha3i được gọi là  của thánh dành cho Thiên Chúa “ (Lc 2,23; Xh 13,2; 13,12.15), (Sđd trang 81).

Thánh Lu-ca không nhắc đến sự kiện “chuộc lại” Chúa Giê-su, nhưng tường thuật của Lu-ca đặt trọng tâm vào sự kiện thứ ba, là việc ‘dâng hiến” Chúa Giê-su vào Đền Thờ. Điều này muốn nói lên rằng : Hài Nhi không cần đươc chuộc lại và không thuộc sở hữu của cha mẹ trần gian, nhưng được thánh hiến cho Thiên Chúa (Sđd trang 81-82).

3- Dâng hiến Chúa Giê-su vào Đền thờ : Thánh Lu-ca không nói một lời nào về việc “chuộc lại” như Lề Luật đã định. Thay vào đó là hành động dâng hiến Hài Nhi cho Thiên Chúa để hoàn toàn thuộc về Ngài. Theo thánh Lu-ca hành động dâng Chúa Giê-su vào Đền Thờ là nền tảng. Tại đây diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người; còn hành động chuộc lại con trai đầu lòng chính là của lễ Chúa Giê-su dâng hiến cho Thiên Chúa Cha.

Cùng với hành động dâng hiến thì một cảnh tượng tiên tri diễn ra tiếp theo. Ông già Si-mê-ôn và nữ ngôn sứ An-na được Thánh Thần thúc đẩy; cả hai lên Đền Thờ và như là đại diện cho dân Ít-ra-en. Cả hai chúc tụng “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa (Lc 2,26).

Ông già Si-mê-ôn : Ẵm Hài Nhi trên tay, ông hát bài ca “An Bình Ra Đi” :

  Muôn lạy Chúa giờ đây

  Theo lời Ngài đã hứa

  Xin để tôi tớ này

  Được an bình ra đi

  Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ

  Chúa đã dành sẵn cho muôn dân

  Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,

  Là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài (Lc 2,29-32)

Từ thời sơ khai, Giáo Hội đã dùng bài ca này trong giờ kinh tối. Bài ca khẳng định : Chúa Giê-su là ánh sáng cho dân ngoạii và  là vinh quang của Ít-ra-en dân Ngài.

Sau khi ẵm Hài Nhi trên tay và chúa tụng Thiên Chúa, ông Si-mê-ôn nói với Đức Mẹ : “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này la2mm duyên cớ cho hiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Chúa còn là dấu hiệu cho người đời chống báng. Còn chính Bà một lưỡi gươm đâm thâu qua” (Lc 2,34-35).

Chúng ta biết rằng : Chúa Giê-su hiện nay vẫn là dấu chỉ  cho những mâu thuẫn, những chống đối.

Trong thời các giáo phụ, việc thờ ơ và vô cảm đối với nhữn đau khổ của người khác được xem như dặc điểm của dân goại. Đức tin Ki-tô giáo nêu lên rằng  Thiên Chúa chịu đau khổ với con người và như muốn nói với chúng ta, ngài “cùng chịu đau khổ’. Đức ma-ri-a sầu bi, người mẹ với lưỡi gươm, chính al2 hình ảnh của cảm thức và niềm tin này của Ki-tô giáo (Sđd trang 80-86).

Bà An-na : Từ khi xuất giá và sống với chồng được 7 năm, rồi bà ở góa cho đến 84 tuổi. “Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2,37). Đây là hình ảnh của một con người đạo đức. Đền Thờ cũng là nhà của Bà. Bà sống và hướng đến Thiên Chúa, dành cho Thiên Chúa cả thân xác lẫn tâm hồn (Sđd trang 86).

GIA ĐÌNH : LỚP HỌC ĐẦU TIÊN

…Nếu một ai đó hỏi bạn : « Những khoảnh khắc nào của tuổi thơ ấn tượng nhất đối với bạn ? », bạn sẽ trả lời thế nào ? Còn tôi : đó là những buổi tối xum họp gia đình….

Ngày tựu trường đã đến, năm học mới đã bắt đầu. Học sinh ước mơ điều gì ? Thầy cô đợi chờ điều gì ? Cha mẹ mong muốn điều gì ? Chẳng phải « con ngoan trò giỏi » là nguyện vọng chung của mọi người sao ? Vậy phải làm thế nào để có được những người con ngoan trò giỏi ?

Từ thời xưa, người Việt chúng ta đã kinh nghiệm sâu sắc rằng : « Tiên học lễ, hậu học văn ». Làm người trước hết phải học lễ nghĩa. Một em bé vừa lọt lòng mẹ đã bắt đầu được học từ người mẹ, từ người cha về đạo làm con. Làm con cho trọn , đó là điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Chính vì tầm quan trọng của đạo làm con mà điều răn Thứ Tư trong Mười Điều Răn của Thiên Chúa đã dạy : « Thảo kính cha mẹ ». Tôi không có ý phân tích « đạo làm con » hay ngữ nghĩa của chữ « lễ » và chữ « văn » ; nhưng tôi muốn nói đến vai trò quan trọng của cha mẹ trong cuộc đời mỗi con người. Người học trò ý thức được rằng : « Không thầy đố mày làm nên », nhưng người học trò có nhận biết : Người thầy đầu tiên của mình chính là người cha, người mẹ ? Và lớp học đầu tiên chính là gia đình ?

Là một người Công Giáo hướng về Đại Hội Gia Đình Thế Giới sắp tới, tôi chợt nhớ về tuổi thơ của mình, một tuổi thơ êm đềm, thanh bình và hạnh phúc. Nếu một ai đó hỏi bạn : « Những khoảnh khắc nào của tuổi thơ ấn tượng nhất đối với bạn ? », bạn sẽ trả lời thế nào ? Còn tôi : đó là những buổi tối xum họp gia đình. Gia đình nhỏ bé của chúng tôi có một thói quen là : Đoàn tụ và cùng nhau ăn tối. Bữa cơm tối như một « bữa tiệc » mà mọi thành viên trong gia đình dù ở đâu hay làm gì cũng luôn cố gắng về đúng giờ. Cả nhà sẽ đợi chờ người về trễ, có khi đến nửa giờ, chỉ vì một mộng ước nhỏ : cả nhà cùng nhau ăn tối. Đó là bầu khí ấm áp và thân thương. Bữa tối được nối tiếp bằng giờ sinh hoạt gia đình và chia sẻ chung, rồi kết thúc bằng giờ kinh tối.

Tôi không bao giờ quên được tâm trạng có khi rất vui, có khi lo âu nơi tôi. Vui : vì tôi được chia sẻ với ba mẹ và anh chị em của tôi những thành tích tôi gặt hái được trong ngày, ở nhà, ở trường, với bạn bè…Lo âu : vì có những ngày tôi phạm lỗi lớn hay nhỏ. Giây phút xum họp gia đình cũng chính là lúc để mỗi thành viên nhận lỗi và sửa lỗi. Ba tôi rất hiếm khi la mắng hay sửa phạt chúng tôi ngay khi chúng tôi vừa phạm lỗi và tuyệt đối không nhắc đến lỗi lầm của chúng tôi trong bữa ăn, cho dù đó là một lỗi phạm lớn. Giờ sinh hoạt mỗi buổi tối của gia đình chính là « giờ ». Trước hết, đó là những phút « xét mình ». Tôi gọi như vậy, vì có những ngày chúng tôi phạm lỗi. Ba mẹ của chúng tôi không hỏi tội của chúng tôi, mặc dù ba mẹ đã biết, và cũng có khi không biết, nhưng trước hết để chúng tôi tự nhìn nhận về bản thân mình và can đảm tự thú. Tự biết lỗi và rồi tự ra hình phạt cho chính mình, đó là mục đích huấn luyện của ba tôi. Mọi thành viên trong gia đình đều có quyền lên tiếng và góp ý kiến cho người khác. Và con cái được phép góp ý với ba mẹ. Chính sự bình đẳng này và lòng tự trọng giúp anh chị em chúng tôi biết xấu hổ trước lỗi lầm của mình và trước cả nhà. Vì thế, chúng tôi tự nhủ : tránh phạm sai lầm hết mức có thể. Sau đó, để thay đổi bầu khí, ba mẹ kể cho chúng tôi nghe những hoạt động và công việc của ba mẹ trong ngày, rồi lần lượt anh chị em chúng tôi sôi nổi kể chuyện của mình. Buổi tối, đó là những buổi « đại hội bình đẳng» đối với anh chị em chúng tôi. Riêng tôi, đó là những giây phút quý báu và linh thiêng của gia đình. Niềm vui, nỗi buồn, lỗi lầm hay thành công đều được cả nhà dâng lên Thiên Chúa và xin Chúa thánh hoá trong giờ kinh tối.

Bước vào năm học mới, tôi ước mong sao : gia đình luôn là mái ấm và là mái trường cao quý cho tất cả mọi người. Cha mẹ không chỉ là cha mẹ theo nghĩa sinh thành, nuôi dưỡng, nhưng còn là người thầy, người cô thân thiết và đáng tin tưởng nhất của người con. Người con không chỉ là người con theo nghĩa thảo hiếu, mà còn là những học trò quý giá nhất của cha mẹ. Từ muôn thuở, gia đình vẫn luôn là mái trường đầu tiên và là lớp học đầu tiên của mỗi con người.

06/09/2015

Giọt Mực

——————————————

LỄ THÁNH GIA B2

Nhìn lại lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, số chị em phụ nữ góp phần xương máu làm chứng cho đức tin không phải là ít. Tuy nhiên, tinh thần kiên cường bất khuất vì đức tin của thánh nữ Anê Lê Thị Thanh là một mẫu gương hiếm có. Chính quan tổng đốc Nam Định Trịnh Quang Khanh, được mệnh danh là “con hùm xám”, cũng đành phải bất lực trong việc thuyết phục thánh nữ chối đạo.

Thánh nữ Anê Lê Thị Thành sinh năm 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ đã theo mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, Phát Diệm. Năm 17 uổi, thánh nữ kết hôn với anh Nguyễn Văn Nhất, người cùng xứ.

Hai ông bà sống đạo đức, thuận hòa, sinh được hai trai là Đê và Trân, cùng bốn cô con gái là Thu, Năm, Nhiên và Nụ. Hai ông bà rất quan tâm giáo dục con cái.

Cô gái út, Luxia Nụ, khai với giáo quyền, khi điều tra để phong chân phước cho thánh nữ : “Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục con cái. Chính người dạy chúng tôi đọc chữ và học giáo lý, sau lại dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tôi rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc giục chúng tôi cho bằng được. Người cho chúng tôi gia nhập hội Con Đức Mẹ, vào ban Thiếu Nữ Thưa Kinh ở nhà thờ”.

Cô Anna Năm khai rằng : “Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn, thân mẫu tôi thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những lời tốt lành. Có lần người dạy tôi : ‘Tuân theo ý Chúa, con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lại cha mẹ chồng. Hãy vui lòng nhận thánh  gía Chúa gửi cho”. Người cũng thường khuyên vợ chồng tôi : “Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ”.

Hai ông bà có lòng bác ái, thương giúp người, nhất là trọng kính và giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Ông bà dành một khu nhà đặc biệt để các linh mục trú ẩn. Chính đức bác ái đó đã đưa thánh nữ đến phúc tử đạo.

Tháng 3-1841, đời vua Thiệu Trị, có bốn linh mục trú ẩn tại làng Phúc Nhạc. Cha Berneux Nhân trú ở nhà ông Phaolô Thức, cha Galy Lý trú ở nhà ông trùm Cơ, cha Thành ở nhà ông bà, và cha Ngân trú ở một nhà khác.

Một người tên Đễ theo giúp cha Thành tham tiền đã tố cáo. Quan tổng đốc chỉ huy 500 lính bao vây làng Phúc Nhạc vào đúng sáng lễ Phục Sinh ngày 14-4-1841. Quan cho lính lục soát từng nhà.

Cha Thành và cha Ngân chạy thoát. Cha Nhân vừa dâng lễ xong, vội chạy trốn trên gác nhà phước Mến Thánh Giá, nhưng vô tình để gấu áo ra ngoài kẽ ván, nên bị bắt. Còn cha Lý được ông trùm Cơ đưa sang nhà thánh nữ. Thánh nữ chỉ cái mương ở ngoài vườn cho cha trốn. Lính trông thấy, cha bị bắt.

Cuộc bao vây lục soát thành công, bắt được cha Galy Lý và thánh nữ, cha Nhân và hai nữ tu Mến Thánh Giá, ông trùm Cơ, bốn hương chức trong làng. Tất cả bị trói, mang gông điệu ra đình làng. Sau đó bị áp giải về tỉnh Nam Định. Thánh nữ bị giam chung với hai nữ tu.

Sau sáu ngày bị đem ra trước tòa án, quan tòa bắt bỏ đạo, thánh nữ nói : “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời.

Quan tòa truyền đánh đòn. Lúc đầu đánh bằng roi, sau dùng củi lớn đánh vào người và bàn chân. Thánh nữ không nản lòng, khi chồng đến thăm, thánh nữ kể : “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đàn ông không chịu nổi, nhưng tôi được Đức Mẹ giúp sức, nên có sức chịu đựng”.

Bị thảm vấn hai lần nữa, thấy thánh nữ vẫn một lòng trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi qua Thánh Giá. Thánh nữ sấp mình xuống đất kêu lớn tiếng : “Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa. Con là đàn bà yếu đuối, họ dùng sức mạnh để cưỡng bách con đạp lên Thánh Giá”.

Có lần thánh nữ bị bỏ rắn vào trong áo, Chúa đã gìn giữ. Thấy y phục mẹ máu me đầm đìa, cô Luxia Nụ thương khóc. Thánh nữ nói : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa, sao con khóc ?

Thánh nữ còn khuyên : “Con hãy về chuyển lời mẹ bảo anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng, sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá Chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước thiên đàng”.

Ngoài những cực hình tra tấn dã man, ăn uống kham khổ, thánh nữ còn chịu thêm nỗi đau bị bệnh kiết lỵ. Được hai nữ tu tận tâm săn sóc, các linh mục gửi thuốc chữa chạy, giải tội và xức dầu, thánh nữ cũng không qua khỏi. Trong giờ hấp hối, thánh nữ cầu nguyện : “Lạy Chúa, Chúa đã chịu chết vì con, con hết lòng tuân theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con”.

Cuối cùng thánh nữ phó dâng hồn xác cho Ba Đấng : “Giêsu, Maria, Giuse, con xin phó dâng linh hồn và thân xác con trong tay Ba Đấng”.

Thánh nữ Anê nhắm mắt lìa trần trong vòng tay hai nữ tu. Thánh nữ về  Nhà Chúa ngày 12-9-1841, sau ba tháng bị giam cầm, thọ 60 tuổi.

Theo tục lệ, lính đốt ngón chân để biết tù nhân còn sống hay không. Họ tần liệm vào quan tài do Nhà Chung đem tới, rồi an táng tại pháp trường Năm Mẫu, Nam Định. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng đem về Phúc Nhạc.

Năm nay Hội Đồng Giám Mục Việt Nam kêu gọi “Phúc Âm Hóa Giáo xứ và Cộng Đoàn Thánh Hiến”. Gia đình là phần tử làm nên giáo xứ và cộng đoàn. Gia đình tốt, giáo xứ và cộng đoàn sẽ tốt”.

        Xin thánh nữ Lê Thị Thành cầu cho giáo xứ và cộng đoàn (28-12-2014).

————————————————

LỄ THÁNH GIA.B

Hôm nay lễ gia đình thánh, gia đình của Chúa Giêsu, của Đức Mẹ và thánh Giuse. Lời Chúa cả ba bài đọc đều nói lên lý tưởng gia đình. Gia đình nào cũng phải có một lý tưởng. Ai lập gia đình cũng có một mục đích, một lý tưởng.

Ông Vương Dương Minh, nhà đạo học của Trung Hoa đã ví lý tưởng của cuộc đời như cái bánh lái của con thuyền, như chiếc dây cương của con ngựa. Ông nói : “Người không có lý tưởng như thuyền không bánh  lái, như ngựa không có dây cương

Thuyền mà không có bánh lái, ngựa mà không có dây cương, tai họa như thê nào ai cũng biết. Vậy, một người, một gia đình, một xã hội đều phải có một lý tưởng, một bánh lái, một dây cương, để hướng dẫn, để điều khiển bản thân, và gia đình.

Bđ1 : Đoạn sách Sáng Thế bđ1 nói đến lý tưởng của gia đình tổ phụ Áp-ra-ham. Đó là đức tin. Khi ông 70 tuổi, Chúa phán với ông : “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng, và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lừng lẫy, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2). Ông vâng lời Chúa lên đường, tới Pa-lét-tin.

Thế nhưng, đâu thấy con cái Chúa ban. Ông thưa với Chúa : “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng” (St 15,3). Chúa đưa ông ra ngoài trời và bảo : “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không…Dòng dõi ngươi sẽ đông như thế đó” (St 15,5).

Dù vậy, ông vẫn không có con. Bà Sara, vợ ông, bảo ông ăn ở với đứa tớ gái của bà và sinh ra Ít-ma-en. Mãi khi ông 100 tuổi, bà 90 tuổi, Chúa mới cho ông bà có con, ông I-sa-ác.

Bđ2 : Khi nhin tình cảnh gia đình ông Áp-ra-ham, tác giả thư Do Thái, trong bđ2, phải ca ngợi : “Ông Apraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp. Ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, cả bà Sara vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là đấng trung tín” (Dt 11,8.11).

BTM : BTM thánh lễ hôm nay cũng cho chúng ta thấy lý tưởng mà gia đình Nadarét theo đuổi, dù phải gặp muôn vàn chông gai thử thách.

Trong buổi lễ dâng Chúa, ông Simêon tiên báo cuộc đời của Chúa : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34). Đức Mẹ cũng gặp nhiều nỗi gian nan : “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2,35).

Cuộc đời Thánh Gia đầy thánh giá, nhưng các Ngài vẫn theo đuổi lý tưởng cho đến cùng, nhờ đức tin, tin vào Chúa.

Trong chuyến sang thăm Giáo Hội Pháp. Ngày 5-10-1986, Đức cố giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã tới Lyon để làm lễ phong chân phước cho cha Chevrier, đấng sáng lập tu hội Prado. Cha chinh là lý tưởng mà cha mẹ cha đã cưu mang bao năm tháng và bao vất vả.

Khi cha mẹ cha lấy nhau, cha mẹ cha đã mong những đứa con mình sinh ra là linh mục. là nữ tu, là những người sống làm việc cho Chúa. Nên khi mang thai cha, dầu không biết là trai hay gái, thứ bẩy nào, mẹ cha cũng leo lên đồi cao, nơi đặt tượng Đức Mẹ, để cầu nguyện cho đứa con bà đang mang trong bụng.

Sốt sẳng và chuẩn mực đến nỗi bà soạn sẵn lời cầu nguyện, để mỗi thứ bẩy leo lên đồi, bà cũng đọc : “Lạy Đức nữ đồng trinh Maria, Mẹ rất là thánh thiện. Con của con cũng là con của Mẹ. Con trao phó con con cho Mẹ. Nếu sau này nó không làm tôi Mẹ hết lòng, xin Mẹ đưa con con về với Mẹ ngay sau khi nó được rửa tội”.

Bà mẹ cha Chevrier chẳng những câu nguyện khi mang thai cha, mà còn cầu nguyện cho cha suốt đời.

Nhà văn Pháp, ông Réné Bazin có một câu nói rất hay : “Có những người mẹ có tâm hồn linh mục. Và các bà thông truyền tâm hồn ấy cho con cái”.

Ai lập gia đình mà chẳng có mục đích, có lý tưởng. Ai sinh con mà chẳng mong con mình sau này lớn lên thành người con hiếu thảo, thành người hữu ích. Mơ ước từ khi chưa lấy nhau, từ khi lấy nhau, từ khi mang thai, từ khi sinh con, cả từ khi con lớn lên. Nhưng để mơ ước trổ bông kết trái thì không chỉ mơ ước, mà còn phải vun trồng, chăm bón, dù vất vả, dù khổ đau…

        Xin Gia Đình thánh soi dẫn mỗi gia dình chúng con (30-12-2005).

—————————————

LỄ THÁNH GIA.B

Trong một hội nghị các gia đình Công Giáo ở nước Pháp. Ông Comolet kể cho hội nghị về một Bà Mẹ Gương mẫu.

Chồng chết sớm. Bà thủ tiết thờ chồng nuôi con. Các con của bà đều thành công trên đời.

Ông Comolet hỏi bà :

– Bà đã dạy dỗ cách nào ? Bà làm gì ? Mà các con bà đều công thành danh toại ?

Bà đáp :

– Tôi là một người đàn bà ít học, một người đàn bà tầm thường, làm sao biết cách dạy dỗ con cái, cùng lắm thì cũng như mọi người thôi.

Ông đáp lại :

– Bà khiêm nhường không muốn nói ra thôi.

Bà mỉm cười nói :

– Ông có nghĩ đó là việc Chúa làm không ?

Ông trả lời :

– Chắc chắn Thiên Chúa cai trị sóng gió. Nhưng nếu bà không tiên liệu trước giông tố bão táp thì thuyền cũng chìm.

Bà nói :

– Muốn tiên liệu được sóng gió thì phải cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều.

Ông Comolet trả lời :

Thưa bà, không đủ. Tôi nghĩ không phải lúc nào bà cũng chắp tay, quì gối, ngồi miết trong nhà thờ.

Bà tâm sự :

– Ngày chồng tôi chết, để tôi một mình với 10 đứa con. Đứa lớn nhất chưa đầy 15 tuổi. Tiền của thì eo hẹp. Làm gì bây giờ ? Trước hết tôi xét lại bản thân. Khi xét mình, tôi thấy cần phải tu chỉnh, cải đổi đơi mình nên tốt hơn, có  nhiều nhân đức hơn. Tôi bắt tay làm ngay. Rồi cứ thế mỗi ngày một tốt thêm.

Ông Comolet hỏi :

– Chỉ có thế thôi sao ?

Bà đáp :

  • Đúng vậy, chỉ có thế thôi, không có gì khác. Tôi tự sửa mình. Rồi để Chúa huấn luyện con cái tôi.

Khi hai người nam nữ mới quen nhau thì không thấy khuyết điểm, nết xấu của nhau. Giả như có thấy thì cũng bỏ qua. Giận dỗi một tí, rồi cũng bỏ qua. Khi về ở với nhau thành vợ thành chồng, nhất là khi đã chung sống lâu ngày, cái tốt thì không thấy, chỉ thấy cái xấu của nhau. Lúc này không còn bỏ qua cho nhau nữa, mà đổ tội cho nhau, đay nghiến nhau. Và từ đó xảy ra mọi chuyện bất hòa, cãi cọ chửi mắng.

Vậy, yếu tố để kiến tạo một gia đình hạnh phúc, chính là mỗi người phải nhận ra lỗi của mình, biết sửa lỗi của mình, và sửa lỗi cho nhau. Cha nhận lỗi của cha, mẹ nhận lỗi của mẹ, con nhận lỗi của con. Tất cả đều nhận ra lỗi của mình, cùng sửa lỗi của mình, và sửa lỗi của nhau.

Không nhận ra lỗi của mình, không sửa được lỗi của mình, và không còn sửa lỗi cho nhau được nữa, đó là điều rất nguy hiểm. Tội lỗi và nết xấu là nguyên nhân chính làm mất hạnh phúc gia đình.

Vừa thấy Chúa đem bà Evà tới, ông Ađam sung sướng kêu lên : “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi”.  Khi ăn trái cấm, phạm tội rồi, thì ông Ađam đổ lỗi cho vợ. Ông nói với Chúa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con ăn trái cây ấy, nên con ăn”.

Vợ chồng khi chưa có tội, sống đạo đức thánh thiện, thì khi ấy thân mật, là một của nhau. Khi phạm tội, thì vợ chồng là kẻ thù của nhau, là kẻ cám dỗ nhau. Trong Kinh Thánh, ma quỉ là kẻ cám dỗ. Khi có tội, vợ chồng là ma quỉ của nhau. Nên không lây làm lạ, vợ chồng giận dỗi thường rủa nhau : “Đồ quỉ” !

Gia đình Nadarét Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse hạnh phúc, vì đó là gia đình đạo đức, thánh thiện. Mọi người trong nhà đạo đức thánh thiện.

        Xin Thánh Gia thương cầu cho gia đình chúng con (2004).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành