Chúa Nhật Lời Chúa: Hoán Cải Là Để Cho Chúa Giêsu Dẫn Ta Đi Trên Con Đường Của Ngài


WHĐ (22.1.2021) – Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý rằng chúng ta nên biến Chúa nhật này thành “Chúa nhật Lời Chúa”. Lời Chúa phải được công bố khi thuận lợi cũng như khi không thuận lợi, “Phải rao giảng Lời, lúc thuận cũng như lúc nghịch” (2Tm 4,1-2). Chúa muốn mọi người được hoán cải và được cứu độ. Tất cả chúng ta đều được sai đi làm sứ giả của tin mừng này, “Làm sao kêu lên với Đấng mà người ta không tin ? Làm sao tin Đấng mà người ta không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có người rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu người ta không được sai đi.” (Rm 10,14-15). “Hãy đến với muôn dân” (Mt 28,19). Nhiệm vụ của chúng ta không phải là làm cho mọi người tin tưởng mà là nói và làm chứng. Nhưng chúng ta không được quên rằng Chúa ở đó, “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Chính Ngài là người hành động trong lòng những ai nghe Lời Ngài.

Công đồng Vaticanô trong Hiến chế tín lý về mạc khải nói thêm: “Lời Chúa có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo hội” (MK 21).

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Ngàn năm thứ ba đang đến, đã nói: “Đặc biệt, việc lắng nghe lời Chúa phải trở thành một cuộc gặp gỡ sống động, một hành động cho phép kín múc trong bản văn Kinh thánh lời sống động chất vấn, định hướng, tạo thành cuộc sống của ta” (số 39).

Đức Bênêđictô XVI đã nói trong bài Diễn từ trong Đại hội Quốc tế về Kinh thánh, ngày 16/9/2005 “Việc miệt mài đọc Kinh thánh có cầu nguyện đi kèm, thực hiện cuộc đối thoại thân mật, trong đó, khi đọc như vậy, người ta lắng nghe Thiên Chúa nói, và khi cầu nguyện, người ta đáp lại Ngài với lòng tín thác mở rộng”.

Trong thư Thánh Giacôbê chúng ta đọc được những lời này về lời Chúa: “Người đã tự ý dùng Lời chân lý mà sinh ra chúng ta, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các thọ tạo của Người… Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Thật vậy, ai lắng nghe Lời Chúa mà không thực hành, thì giống như người soi gương thấy khuôn mặt tự nhiên của mình. Người ấy soi gương rồi đi, và quên ngay không nhớ mặt mình thế nào. Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo – luật mang lại tự do -, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm.” (Giacôbê 1,18.21-25).

Đây là những gì xảy ra với Giôna (3: 1-5, 10). Ông được gửi đến Ninivê, thành phố lớn của thế giới ngoại giáo cứng đầu cứng cổ nhất và xa cách Thiên Chúa nhất. Lời ông công bố là một sứ điệp hủy diệt: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Giôna 3: 4). Giôna nghĩ rằng mình sẽ chứng kiến sự tàn phá của thành phố này, “Ông Giôna ra ngoài thành và ngồi ở phía đông thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái gì sẽ xảy ra trong thành” (Giôna 4: 5).  Nhưng dân chúng đã hối cải; họ đã quay lưng lại với hành vi xấu xa của họ, “Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Tin báo đến cho vua Ninivê ; vua rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, và ngồi trên tro” (Giôna 3: 5-6). Đó là cách Thiên Chúa hành động trong lòng những người nghe lời Giôna, “Thiên Chúa thấy việc họ làm, thấy họ bỏ đường gian ác mà trở lại, Người hối tiếc về tai họa mà Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống nữa.” (Giôna 3: 10).

Giống như Giôna, chúng ta đang sống trong một thế giới mà nhiều người đã quay lưng lại với Thiên Chúa. Chúng ta được kêu gọi như những sứ giả, không phải để thông báo về sự hủy diệt của họ nhưng để làm chứng cho tình yêu có nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa không muốn chúng ta bắt chước và làm theo Giôna, dù Giôna có lý và tỏ ra có lý, dám “cãi lý” với Thiên Chúa, “Ông Giôna bực mình, bực lắm, và ông nổi giận. Ông cầu nguyện với Đức Chúa và nói : “Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tácsít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ. Giờ đây, lạy Đức Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống !” (Giôna 4: 2-3). Thiên Chúa muốn chúng ta sống ngay thẳng, nói những lời thẳng thắn xuất phát từ lòng dạ chân thành của chúng ta, như Giôna, “Thiên Chúa hỏi ông Giôna : “Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không ?” Ông trả lời: “Con có lý để nổi giận đến chết được!” (Giôna 4: 9). Nhưng biết buông bỏ cái “lý do lý trấu” của “cái tôi riêng mình” lại là điều kiện tiên quyết để có thể “ngộ ra” ý nghĩa đích thực và lòng thương xót của Thiên Chúa trong Lời Chúa dạy bảo, điều mà Giôna ngày xưa và phần lớn chúng ta ngày nay phải vất vả chiến đấu với chính mình mới dần dần hiểu được: Ồ! Hóa ra là thế! “Đức Chúa phán: “Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ninivê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?” (Giôna 4: 10).

Lý lẽ nguyên khởi chính là Lời của Thiên Chúa, là Ngôi Lời, là Logos – λόγος, “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Gioan 1:1và đồng thời cũng là Lời mặc khải Tình yêu, là Agape – αγάπη , “Thiên Chúa là tình yêu” (1Gioan 4, 16).

Giôna dù đã biết “rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng hoạ” nhưng ông không thể ngờ rằng Thiên Chúa lại hành động trái ngược với những “lời tuyên cáo Ta sẽ truyền cho ngươi” (Giôna 3: 2) và xem ra như phủi sạch công sức ông đã bỏ ra làm theo Lời Chúa, “Ninivê là một thành phố cực kỳ rộng lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ” (Giôna 3: 3-4). Hôm nay, tôi cũng vậy, tôi cứ nghĩ rằng Thiên Chúa phải thực hiện những gì Ngài sai tôi đi rao truyền và công sức tôi bỏ ra cần phải mang lại hoa trái như Chúa đã nói. Tôi làm việc của Chúa nhưng nhiều khi tôi nghĩ đến “cái tôi” nhiều hơn là nghĩ đến tinh thần cốt tủy của Lời Chúa: Yêu thương cứu độ. Tôi đã quên rằng “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể.” (1 Cr 3: 6-7). Tôi cũng quên rằng Giáo Hội luôn dạy tôi: Veritas in Caritate –Sự thật trong yêu thương, “Sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu.” (Êphêsô 4: 15).

Thiên Chúa là Thiên Chúa của vũ trụ trời đất trong đó có cả những người xa lạ với tôi. Sự hiện diện của Ngài không giới hạn chỉ ở một địa điểm, một quốc gia hay một tôn giáo. Những người mà chúng ta nghĩ là người ngoại giáo đôi khi sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa hơn chúng ta. Những người xa cách Hội Thánh vẫn có thể, một lúc nào đó, quyết định hối cải theo Chúa Giêsu Kitô. Đây là cách Thiên Chúa hoạt động trong lòng những ai nghe Lời Ngài.

Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa. Tất cả bắt đầu ở Galilê, một khu vực được cho là không có gì tốt đẹp xuất hiện ở đó, một khu vực đã trở thành ngã tư cho những người ngoại giáo, một vùng đất của bóng tối và đồi trụy. Giống như Giôna, Chúa Giêsu đi đến nơi diệt vong này. Nhưng thay vì thông báo về thảm họa, Ngài lại kêu gọi khẩn cấp: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến, hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1: 15). Trong Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa đến gặp chúng ta để cứu chúng ta. Ngài “chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống.” (Êdêkien 33: 11). Thiên Chúa, qua Chúa Kitô, muốn truyền đạt tình yêu của Ngài cho chúng ta; Ngài yêu cầu chúng ta loại bỏ tất cả những chướng ngại vật làm chúng ta chệch hướng khỏi Ngài.

Để đốt lên ngọn lửa soi sáng và sưởi ấm thế giới, Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ. Ngài không chọn họ trong số những người có chức quyền địa vị nơi đền thánh Giêrusalem nhưng trong số những ngư dân chất phác mộc mạc. Những người ngư phủ này được kêu gọi ngay khi họ đang làm công việc mưu sinh của họ, đang khi họ kiếm ăn bằng cái nghề được gầy dựng qua bao đời, bởi tổ tiên cha ông của họ, mà bây giờ họ tiếp nhận theo phương thức “tổ nghề”, cha truyền con nối, phải sống chết với “gia sản truyền đời” đó…, thế mà họ buông bỏ mọi thứ… và bắt đầu theo Chúa Giêsu, một con người có lẽ trước đó họ đã nghe nói tới, nhưng có lẽ không đủ nhiều để có thể gọi là thân quen để dứt khoát và hăng hái đi theo như vậy. “Ông làm nghề gì ? Ông từ đâu đến, quê ở nước nào, và thuộc dân nào ?” (Giôna 1: 8), những câu hỏi mà thủy thủ trên con tàu chở Giôna ngày xưa hẳn cũng là những câu hỏi nảy sinh trước tiên trong đầu những người làm nghề đánh cá này. Và “Lo mà làm ăn đi! Đừng để ý đến những chuyện bao đồng ngoài kia!” có lẽ là lời cảnh báo mà cha của Anrê, Simon, Giacôbê và Gioan đã nói với cac ông lúc đó. Thế nhưng các ông đã bỏ hết mọi sự mà theo Chúa Giêsu. “Hãy theo tôi” (Mc 1, 14-20).  Điều gì đã làm cho các ông quyết tâm đến thế, quyết ra đi, bỏ lại tất cả những người thân yêu, những sinh hoạt đã thành thói quen, một đời sống bình lặng và an toàn?

Đây không phải  đoạn Tin Mừng chỉ nói về ơn gọi của các linh mục tu sĩ. Đây là đoạn Tin Mừng nói về ơn gọi của tất cả mọi Kitô hữu. Chúa Giêsu vẫn luôn luôn bước đi dọc theo cuộc đời của mỗi người chúng ta như xưa Ngài đã đi dọc theo biển hồ Galilê. Ngài nhận ra ta và muốn gặp ta trước khi ta nhận ra Ngài như Ngài đã nhận ra bốn môn đệ xưa, nhận ra và chấp nhận trọn vẹn con người của các ngài và của ta, với những yếu đuối, tội lỗi và cả những tiềm năng mà chỉ tình yêu sâu sắc và quyền năng vô biên của Ngài mới có thể biến ta thành một con người được thấu hiểu trọn vẹn, được thương yêu đích thực, được nâng dậy mạnh mẽ, đến độ ta sẽ không còn tiếc xót gì nhưng, trái lại, vui mừng cương quyết theo Ngài. Đây cũng là điềm báo cho những ai theo Chúa Kitô sẽ vui mừng được thấy Chúa đích thực sau này “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa” (Gioan 20:20). Thật ra mỗi người chúng ta đã được Thiên Chúa thấy trước rồi, “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi” (Giêrêmia1: 4). Lúc Ngài thấy ta thì ta vẫn không hay biết. Ta vẫn loay hoay với cuộc đời kiếm sống, quăng chài hay vá lưới, nhưng liệu trong đáy lòng, ta vẫn âm thầm khát khao Thiên Chúa không?

Vẫn “đi tìm Thiên Chúa… đi tìm đường đi trong thế giới hữu hình… và qua thế giới hữu hình, con người đi tìm cái vô hình trong cuộc hành trình thiêng liêng của mình. Mỗi người trong chúng ta có thể nói lại những lời sau đây của thánh vịnh 27: “Lạy Chúa, con đi tìm nhan thánh Chúa; xin đừng ẩn mặt xa con” (TV 27/26,8-9). Mỗi người trong chúng ta có một lịch sử cá nhân riêng và có mang trong mình ước vọng muốn thấy nhan Thiên Chúa, một ước vọng mà người ta cảm thấy cùng đồng thời với việc khám phá thế giới tạo vật. Thế giới nầy đầy những điều kỳ diệu và phong phú. Nó mở ra trước nhân loại những sự phong phú vô số kể của nó, nó thu hút, lôi kéo lý trí cũng như ý chí. Nhưng cuối cùng, nó không thể nào thỏa mãn tinh thần con người được. Con người ý thức rằng, thế giới nầy, với những phong phú khác biệt của nó, mang tính cách hời hợt và mỏng dòn; theo một nghĩa nào đó, thế giới nầy hướng đến sự chết.”[1]

Có thể trong tâm thế khắc khoải kiếm tìm “lẽ sống” như thế, lời kêu gọi của Chúa Giêsu, cùng buổi gặp gỡ với Ngài, đã đánh động sâu xa đến Anrê, Simon, Giacôbê và Gioan khiến các ông quyết định bắt đầu một cuộc hành trình lớn lao, hành trình trong tình yêu của Thiên Chúa qua con người Giêsu. Các ông đón nhận Tin Mừng của Chúa Giêsu và rồi cả cuộc đời của các ông nhờ Tin Mừng đó mà được biến đổi.

Giống như Giôna, như các tông đồ Anrê, Simon, Giacôbê và Gioan, tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa kêu gọi. Mọi Kitô hữu đều được mời gọi đi theo Chúa Giêsu, không phải đi theo một lý tưởng, một ý thức hệ nhưng theo chính con người của Ngài, gắn bó với Ngài, nhận Ngài là nền tảng và chóp đỉnh của cuộc sống. Là những Kitô hữu đã nhận lãnh bí tích thánh tẩy và thêm sức, chúng ta được sai đi để mạnh mẽ và dứt khoát trở thành chứng nhân loan báo Tin Mừng, loan báo Lời Chúa, là Lời phát sinh niềm vui, an bình và hy vọng, cho bất cứ ai ta gặp gỡ trên đường đời.

Chúa Kitô không dạy chúng ta hủy hoại kiếp người, nhưng Ngài ước mong chúng ta quyết tâm phó thác đời mình cho Ngài một cách xác tín để “gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình”, bước theo con đường Ngài đã và còn đang đi nơi trần thế này “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Gioan 10: 16).

Ðức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II viết cho giới trẻ: “Hỡi các bạn trẻ, bạn của Cha, ước chi sự hiện diện của chúng con nơi đây là một sự gắn bó thật thực sự với Chúa trong đức tin. Vì đây Chúa Kitô trả lời cho câu hỏi của chúng con, vừa đồng thời trả lời cho những câu hỏi khác của tất cả mọi người đang đi tìm Thiên Chúa hằng sống. Ngài trả lời với lời mời gọi: Ðây là Mình Ta, hãy cầm lấy mà ăn. Ngài trao phó cho Thiên Chúa Cha ước nguyện tối cao của Ngài dành cho tất cả những ai mà Ngài yêu mến, đó là được hiệp nhất với nhau trong cùng một sự hiệp thông.[2]

Chúng ta được sai đi cùng nhau, hiệp thông với nhau và với Chúa Kitô. Lời mời gọi này được nhắc nhở ngay giữa tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu. Sự hiệp nhất này là hoàn toàn cần thiết cho chứng từ mà chúng ta phải trao ban. Nếu chúng ta chia rẽ, chứng từ đó không thể thực hiện được. Chính khi các Kitô hữu tập họp chung quanh Chúa Giêsu, được giúp đỡ để gặp gỡ, cầu nguyện cùng nhau và đến gần với Chúa Kitô hơn, mà sự hiệp nhất của các môn đệ được xây dựng.

Xin Chúa giúp chúng con biết đến tập họp trong nhà Chúa và cùng nhau kín múc nguồn mạch Tình yêu, một Tình Yêu chỉ có nơi Thiên Chúa, để chúng con được nuôi dưỡng bằng Lời và Thánh Thể của Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để thực hiện sứ mệnh mà Chúa đã giao phó cho chúng con. Lạy Chúa là Tình Yêu Vĩnh Cửu, xin hãy đặt Thánh Thần Tình Yêu của Chúa, là Ánh sáng thế gian, vào trong bóng tối chia rẽ của chúng con. Amen.

Phêrô Phạm Văn Trung

[1] Bài Giảng của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong thánh lễ Bế Mạc Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, sáng chúa nhật 24/8/97, tại thủ đô Paris

[2] Bài Giảng của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã dẫn trên