Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm B


CN.1. MC.B

(St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15)

Giáo huấn số 13 (lịch GP trang 47)

Các giáo xứ , các phong trào, trường học và các tổ chức khác của Hội thánh có thể có nhiều trợ giúp khác nhau để chăm sóc và phục hồi các gia đình. Chẳng hạn như các cuộc họp mặt của các đôi vợ chồng sống gần nhau hay bạn bè chung với nhau, những cuộc tĩnh tâm ngắn cho các vợ chồng, thuyết trình chuyên đề về những vấn đề cụ thể của đời sống gia đình, trung tâm tham vấn hôn nhân, các tác viên truyền giáo được chuẩn bị để nói chuyện với các đôi bạn về những khó khăn và nguyện vọng của họ, tham vấn cho những hoàn cảnh gia đình khác nhau (như nghiện ngập, ngoại tình, bạo hành trong gia đình), các chương trình phát triển đời sống thiêng liêng, lớp tập huấn cho cha mẹ và con cái có vấn đề, các cuộc hội ngộ gia đình. Các văn phòng giáo xứ là nơi cần có khả năng đón tiếp trong thân tình và quan tâm đến những trường hợp cứu giúp gia đình khẩn cấp, hoặc chỉ dẫn cách dễ dàng đến những địa chỉ có thể trợ giúp chuyên môn. Cũng có một sự hỗ trợ mục vụ trong các nhóm các đôi vợ chồng, xét như họ dấn thân phục vụ, cầu nguyện, đào tạo hoặc nâng đỡ nhau. Các nhóm này là cơ hội để trao ban, để sống sự cởi mở hướng đến các gia đình khác, để chia sẻ đức tin, nhưng đồng thời những nhóm này cũng là một pương tiện để củng cố các đôi vợ chồng và giúp họ tăng trưởng” (NVGĐ số 229).

CN.1. MC.B

Ngày 12-2-1825, ngày Tết Nguyên Đán, vua Minh Mạng, ban hành sắc lệnh cấm đạo. Sắc lệnh viết : “Tà đạo Tây phương làm hư hỏng lòng người. Đã lâu nay nhiều chiếc tàu của châu Âu sang đây buôn bán, thường để lại những giáo sĩ. Bọn người này làm mê hoặc lòng dân và phá hoại phong tục. Như thế, chẳng phải là cái họa lớn cho nước ta sao ? Ấy vậy, ta nên ngăn cấm điều bậy bạ ấy để dân ta quay về chính đạo”.

Ở Miền Bắc, phần đông các quan không thi hành sắc lệnh này; trái lại các quan tôn trọng đạo và kính nể người Công giáo.

Mừng ngày sinh nhật của mình, quan Hưng Yên mở đại tiệc “thịt béo và rượu ngon”, khoản đãi các người nhà và các quan khách, trong đó có cha Bombin (Bôm-bin), bề trên dòng Đaminh, và 7 người Công giáo. Hôm đó là ngày thứ  sáu kiêng thịt. Cha và 7 người Công giáo kiêng thịt, không ăn. Thay vì tức giận, quan Hưng Yên khen ngợi : “Nếu các ngươi không trung thành với Đấng các ngươi thờ, thì các ngươi trung thành với ta làm sao được”. Ông nói tiếp : “Các ngươi thật là tôi trung và xứng đáng làm gia nhân của ta” (Bùi Đức Sinh, Giáo Hội Công Giáo Ở Việt Nam, Tập II, trang 19-20).

Những thử thách trong Lời Chúa thánh lễ hôm nay nói lên lòng trung thành hay bất tuân của các con cái Chúa, nhất là lòng nhân từ xót thương của Thiên Chúa.

Bđ1 : Bđ1 nói đến lụt Đại Hồng Thủy và sự tha thứ của Đức Chúa. Sách Sáng Thế kể : “Đức Chúa thấy sự gian ác của loài người quả là nhiều trên mặt đất, và lòng nó chỉ toan tính những ý định xấu suốt ngày… Đức Chúa phán : Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo, từ con người cho đến gia súc, loài bò sát và chim trời. Nhưng ông Nô-ê được đẹp lòng Chúa” (St 6,5.7-9).

Sau 40 ngày nước cạn, ông Nô-ê ra khỏi tàu. Ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa. Đức Chúa phán với ông : “Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy hủy diệt nữa, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa” (St 9,11). Thiên Chúa phán tiếp : “Đây là dấu hiệu giao ước… Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó là dấu hiệu giữa Ta và cõi đất” (St 9,12).

Sách Cựu Ước của nhóm CGKPV cắt nghĩa : “Dấu hiệu của giáo ước đó là cây cung gác lên mây, tức là cầu vồng… Gác cây cung lên mây là không dùng cung nỏ nữa, là treo khí giới, tức là không có chiến tranh nữa, tựa cầu vồng xuất hiện trên không trung chỉ cơn mưa đã tạnh” (trang 81-82).

BTM : Thiên Chúa đã gác cây cung, thiên Chúa không dùng vũ khí, hình phạt, để phạt loài người. Trái lại Thiên Chúa sai Đức Giê-su, Con của Người, xuống thế dùng cây Thánh Giá để chuộc tội loài người.

Trước hết, Đức Giêsu sống như loài người, để làm gương cho loài người : Người đã chịu Xa-tan cám dỗ. Thánh Mác-cô kể trong BTM  : “Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ” (Mc 1,13).

Sách Tân Ước của nhóm CGKPV cắt nghĩa : “Trình thuật về Đức Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa cho thấy : Người xuất hiện ở đây với tư cách Đấng thắng Xa-tan, thắng cơn thử thách và cám dỗ. Dấu chỉ cụ thể của cuộc chiến thắng đó là Chúa Giê-su sống giữa loài dã thú và được các thiên sứ phục vụ. Được các thiên sứ phục vụ có nghĩa là được Thiên Chúa cứu giúp. Đức Giê-su sống giữa loài dã thú: cảnh đó diễn tả sự phù trì che chở của Thiên Chúa (x.Tv 91,11-13). Được Thiên Chúa cứu giúp và che chở, Đức Giê-su,Vua Mê-si-a, thắng Xa-tan và khai mạc một thời mới, thời thái bình đầy tình huynh đệ, trong đó mọi nỗi hận thù đều biến tan” (trang 194).

Bđ2 : Thư thánh Phê-rô trong bđ2 đã viết : “Chính Đức Ki-tô đã chịu khổ hình một lần vì tội lỗi. Đấng công chính chết thay cho kẻ bất lương, hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa” (1Pr 3,18).

Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay hôm nay muốn dạy chúng ta rằng: thay vì Thiên Chúa phạt bằng lụt đại hồng thủy trong thời ông Nô-ê, thì Thiên Chúa đã sai Chúa Giê-su, Con của Người, xuống thế sống như loài người, chịu Xa-tan cám dỗ và chịu chết chuộc tội cho thiên hạ.

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su chiến thắng cám dỗ, và cảm nhận lòng nhân hậu xót thương của Thiên Chúa.

Và chúng ta hãy noi gương những người Công giáo tỉnh Hưng Yên ăn chay sửa mình để đón nhận ơn cứu rỗi của Chúa (22-2-2015)

.

————————————————

CN.1. MC.B

Thánh Antôn là một trong những những người đầu tiên tu trong rừng trong núi. Ngài sinh năm 251 tại Ai Cập. Khoảng 20 tuổi, ngài mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sáu tháng sau, trong bài Tin Mừng thánh lễ chúa nhật, ngài được nghe lời Chúa Giêsu dạy người thanh niên giầu có : “Nếu anh muốn nên hòan thiện, thì hãy về bán tài sản của anh mà bố thí cho người nghèo” (Mt 19,21). Chúa nhật kế tiếp, ngài nghe Chúa dạy thêm : “Anh em đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày nấy” (Mt 6,33). Thánh Antôn về bán của cải phân phát cho người nghèo, rồi lên núi, sống trong một ngôi mộ đục trên sườn núi.

Một ngày kia, ngài nghe trong hang mộ có tiếng nói : “Ngươi làm gì ở đây trong thế giới của người chết ? Sao ngươi cả gan làm  điều mà không ai trên đời dám làm ?”. Biết là quỉ, thánh Antôn kêu lên : “Lạy Chúa của con, xin nâng đỡ và soi sáng cho con”. Thánh Antôn thấy quanh mình hàng ngàn tia sáng. Cứ mỗi tia sáng cất tiếng nói. : “Antôn ơi, chúng ta đến soi sáng cho ngươi đây !”. Quỉ  cười, quỉ vỗ tay. Để đối phó với những trò cám dỗ của ma quỉ, thánh Antôn nhịn ăn nhịn uống nhiều ngày, nhiều đêm thức trắng cầu nguyện.

Ma quỉ bày kế khác. Chúng đội lốt những con thú hung dữ. Từng bầy chó sói, sư tử, báo, gấu, bò mộng gào thét, gầm gừ định nuốt sống ăn tươi. Rắn độc bò lúc nhúc quanh chân. Vẫn không thắng, quỉ tức giận tấn công thẳng vào thân thể ốm yếu của thánh Antôn. Chúng la ó, mắng nhiếc, đánh đập cho tới khi ngài nằm sõng sòai như chết trên đất.

Người thanh niên thường vẫn đem bánh mì và nước uống cho ngài, tưởng ngài chết. Anh vác ngài về nhà thờ. Dân chúng xếp hàng viếng xác vị thánh. Nửa đêm ngài tỉnh dậy âm thầm đi về ngôi mộ. Một luồng sáng chiếu sáng. Thánh Antôn biết đó là ánh sáng của Chúa. Ngài thưa Chúa : “Lạy Chúa, Chúa ở đâu? Sao Chúa không đến cứu con ?”. Từ trong ánh sáng, một giọng nói vang lên : “Antôn, Cha ở bên con trong mọi lúc. Cha ở ngay bên cạnh con và nhìn con chiến đấu. Bởi vì con dũng cảm chống lại quân thù, Cha sẽ luôn luôn bảo vệ con”.

Thánh Antôn còn bị cám dỗ, huông hồ chúng ta.

Bđ1 : Thời ông Nô-ê, khi dân chúng sa ngã phạm tội, thì Thiên Chúa phạt : cho nước lụt giết chết. Sách Sáng Thế kể : “Đức Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất và Người buồn rầu trong lòng. Đức Chúa phán : Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất con người mà Ta đã sáng tạo” (St 6,5-7). Sau khi làm nước lụt phạt loài người, Thiên Chúa hối tiếc. Thiên Chúa hứa từ nay không phạt loài người nữa. Trong bđ1, Thiên Chúa phán :  “Ta gác cây cung của Ta lên mây, đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. ..Nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa” (St 9,13-15).

BTM : Càng được Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, con người càng phạm tội. Cuối cùng Thiên Chúa phải sai Con của Ngài là Chúa Giêsu xuống thế, để cứu loài người. Chúa Giêsu cũng không dùng hình phạt. Trái lại, như thư Do Thái viết : “Chúa cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,14…15).

Như dân Do Thái ngày xưa, sau khi vượt qua Biển Đỏ, tiến vào sa mạc và  bị cám dỗ. Nay Chúa Giêsu cũng thế, sau khi lãnh nhận phép rửa của thánh Gioan, Chúa Giêsu vào sa mạc và bị cám dỗ. BTM thánh lễ hôm nay kể : “Người ở trong hoang địa 40 ngày, chịu Xa-tan cám dỗ” (Mc 1,12-13a). Dân Do Thái  sa ngã trước những cơn cám dỗ; còn Chúa Giêsu đã chiến thắng. Nên Ngài giống như ông Ađam và bà Evà khi  chưa phạm tội, sống trong địa đàng, ở chung với “những dã thú, và có các thiên thần hầu hạ” (Mc 1, 13b).

Bđ2 : Chúa Giêsu gác cây cung lên mây trời, không dùng nước làm vũ khí, làm lụt hồng thủy phạt loài người; trái lại Chúa dùng nước để tha tội loài người. Đó là phép rửa tội. Thánh Phêrô nói trong bđ2 hôm nay : “Ông Nô-ê đóng tầu. Trong con tầu ấy, một số ít, cả thảy là 8 người, được cứu thoát nhờ nước. Nước đó là hình bóng phép rửa cứu thoát anh em” (1Pr 3,20-21).

Thấy lòng Chúa thương vô bờ như vậy, đáng lý ra chúng ta phải tạ ơn Chúa, không sa ngã phạm tội. Trái lại, chúng ta cứ sa ngã, cứ phạm tội. Thật ra, chẳng có ai muốn phạm tội, muốn sa ngã. Chúng ta sa ngã, phạm tội vì yếu đuối. Chính vì yếu đuối, chúng ta mới cần ơn Chúa, cần sự trợ giúp của Chúa. Thánh Antôn đã ăn chay và cầu nguyện để có ơn Chúa giúp, và ngài đã chiến thắng cám dỗ.

Mùa Chay là mùa chúng ta làm những việc lành, để được nhiiều ơn Chúa. Nhờ những việc lành đạo đức, chúng ta đuổi được ma quỉ, không để ma quỉ chiếm chỗ của Chúa trong lòng chúng ta. Nhờ ăn chay cầu nguyện, Chúa vẫn  ở bên chúng ta, như Chúa nói với thánh Antôn : “Antôn, Cha ở bên con trong mọi lúc. Cha ở ngay bên cạnh con và nhìn con chiến đấu. Bởi vì con dũng cảm chống lại quân thù, Cha sẽ luôn luôn bảo vệ con” (26-2-2012).

———————————————-

CN.1.MC.B

Các bài Tin Mừng (Phúc Âm) trong 5 chúa nhật Mùa Chay theo chu kỳ năm B là :

CN 1 :  Chúa Giêsu bị cám dỗ,

CN 2 :  Chúa Giêsu biến hình,

CN 3 :  Chúa Giêsu đuổi quân buôn bán ra khỏi  Đền thờ,

CN 4:   Cuộc đàm thoại giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô

CN 5 :  Cái chết của Chúa qua hình ảnh hạt lúa gieo vào lòng đất chết đi.

Theo sự sắp xếp như thế, chúng ta có thể nhìn ra ý hướng của Giáo hội trong Mùa Chay.

Trước hết là câu chuyện Chúa Giêsu bị cám dỗ của chúa nhật I hôm nay. Qua câu chuyện cám dỗ này, Giáo hội muốn nhắc nhớ chúng ta, như lời kinh Tiền Tụng là : “Người đã phá tan mưu chước của con rắn xưa mà dạy chúng con lướt thắng men gian tà”.

Bài Tin Mừng : Câu chuyện cám dỗ của Chúa Giêsu mà chúng ta đọc hôm nay được thánh Máccô kể lại. Hai sách Tin mừng Matthêu và Luca đã kể lại ba cuộc cám dỗ của Chúa :

  • Một là về miếng ăn thức uống,
  • Hai là thử thách Thiên Chúa,
  • Ba là vinh hoa lợi lộc thế gian.

Còn thánh Máccô không kể lại ba cơn cám dỗ đó. Thánh sử kể vắn tắt vỏn vẹn có  một câu : “Người ở trong hoang địa  40 ngày, chịu Xatan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ”. Tuy vắn, nhưng bản văn của thánh Máccô rất sâu sắc.

Trước hết, thánh nhân diễn lại con đường thiêng liêng của dân Do Thái, dân Thiên Chúa, đã đi trong sa mạc 40 năm, và nay Chúa Giêsu đi lại con đường thiêng liêng đó. Người chịu phép rửa trong dòng sông Gióc-đan giống như xưa dân Do Thái vượt qua Biển Đỏ. Người bị Xatan cám dỗ như dân Do Thái bị cám dỗ trong sa mạc. Như vậy, Chúa Giêsu là một Môsê mới. Người hòan thành một cuộc Vượt Qua mới. Với tư cách là một con người trung thành, Chúa Giêsu thiết lập một dân mới cho Thiên Chúa, Cha của Người.

Thứ đến là Chúa Giêsu “sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ“. Hai sách Tin mừng Matthêu và Luca không  đề cập đến việc Chúa Giêsu sống với dã thú.

Vậy, thánh Máccô đã đưa độc giả trở lại cảnh vườn Địa đàng thuở tạo thiên lập địa. Lúc chưa phạm tội, ông Ađam và bà Evà cũng đã sống thân mật với Thiên Chúa và với thú vật, nghĩa là sống trong cảnh thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Khi phạm tội :

– Con người phải xa Trời : “Thiên Chúa đi dạo trong vườn…, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Thiên Chúa” (St 3,8);

– Xa đất : “Đất sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi” (St 3,18);

– Xa người : người với người cũng xa nhau, như khi Thiên Chúa ra án phạt cho Evà : “Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi” (St 3,16).

Tổ tông loài người cũng như dân Do Thái đã đầu hàng trước những cơn cám dỗ; còn Chúa Giêsu đã chiến thắng. Chúa Giêsu là mục tử mới dẫn đòan chiên chiến thắng Xatan cám dỗ. Và thánh Máccô mô tả việc Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ ấy bằng hai câu : “Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê, rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói : ‘Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng’”

Galilê, trong tiếng Do Thái, có nghĩa là “Vùng đất của dân ngoại” (Is 8,23). Từ lâu, người Do Thái coi Galilê là nơi giao thương của các dân nước, là mảnh đất người Do Thái và dân ngoại sống lẫn lộn với nhau. Biên giới không rõ ràng, khiến người Do Thái có thể liên lạc với những đất nước dân ngoại chung quanh : phía bắc là miền Tia và Xi-đôn.

 Galilê, mảnh đất của dân ngoại, vậy mà Chúa Giêsu đã chọn làm trung tâm truyền giáo. Như thế, Chúa Giêsu đã thực hiện lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo : “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hòang; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bùng lên chiếu rọi” (9,1).

Chúa Giêsu “rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa”. Tin Mùng là từ không chỉ được dùng trong tôn giáo, mà cả trong chính trị. Trong đế quốc Rôma ngày xưa, ngày sinh hay ngày lên ngôi của hòang đế là một tin mừng. Thánh Máccô lấy lại từ của ngôn sứ Isaia nói đến tin mừng dân Do Thái được giải thóat khỏi cảnh lưu đày Babylon, trở về lại quê hương xứ sở (40,9), và đàn chiên được Thiên Chúa săn sóc (52,7).

Từ Babylon trở về, dân Do Thái luôn hy vọng ngày Thiên Chúa đến thiết lập triều đại của Người trên các nước. Vậy, Chúa Giêsu nói : “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần”, tức là Chúa Giêsu đến là để thiết lập Nước Thiên Chúa, đưa loài người khỏi nanh vuốt Xatan, về với Thiên Chúa.

Bài đọc 1  : Bđ1 kể chuyện Thiên Chúa lập cầu vồng. Sau lụt đại hồng thủy, Thiên Chúa nói với ông Nô-ê : “Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giữa Ta với cõi đất”. Người Hy Lạp coi cầu vồng là chiếc khăn quàng của nữ thần Iris, sứ giả của các thần. Còn người Do Thái coi đó là dấu hiệu liên lạc giữa Thiên Chúa và loài người, vì đầu cầu vồng này chạm đất, đầu kia chạm chân trời. Chúa Giêsu là sứ giả của Thiên Chúa gửi đến loài người, là cầu vồng để nối kết loài người với Thiên Chúa.

Bài đọc 2 : Bđ2 là thư thứ nhất của thánh Phêrô. Từ Rôma, vào quãng năm 60 đến 64, Ngài viết thư này gửi cho các tín hữu sống rải rác trong các miền Tiểu Á. Có thể coi lá thư này là Tông thư đầu tiên của Đức Giáo hòang.

Qua lá thư này của thánh Phêrô, Chúa Giêsu không những đưa những người còn sống trở về với Thiên Chúa, mà cả những người đã chết nữa : “Người đã đến rao giảng cho các vong linh còn giam cầm”.

Thánh Phêrô còn coi nước của Đại hồng thủy thời ông Nôê là hình bóng phép rửa tội. Ngài viết “Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thóat anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng”.

 Con người chúng ta yếu đuối làm sao cam kết giữ lương tâm trong trắng được ? Ở đời biết bao là cám dỗ ! Chính thánh Phêrô, trong thư thứ nhất, đã viết : “ Ma qủi, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (5,8).  Chúa Giêsu còn bị cám dỗ, huống hồ là chúng ta. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã chiến thắng, để nêu gương cho chúng ta. Chẳng những nêu gương, Người còn trợ giúp chúng ta. Khi lập bí tích Thánh Thể, Người có ý ở với chúng ta, để cùng chiến đấu với chúng ta.

Thánh Catarina Siêna sống chay tịnh, ép xác rất nhiệm nhặt; song vẫn bị ma qủi tấn công dữ dằn. Thậm chí có lần ngài đã thầm trách Chúa : “Lạy Chúa, Chúa ở đâu để con một mình chiến đấu với những dày vò của lòng con” ? Bỗng có tiếng Chúa nói : “Cha vẫn ở với con”. Thánh Catarina hỏi : “Chúa ở giữa những tư tưởng xấu xa của lòng con sao” ? Chúa trả lời : “Nhưng những thử thách ấy đâu có làm cho con phiền khổ qúa sức đâu” ! Thánh nữ kêu lên : “Ôi, con kinh sợ và đau khổ qúa” !  Chúa bảo : “Các tư tưởng xấu ấy không làm nhơ uế hồn con, bởi vì con đã tởm gớm chúng. Chính Cha ngự trong con và đã giúp con biết tởm gớm chúng”.

Đấy, Chúa ở với chúng ta, để cùng chúng ta chiến đấu. Khi bị cám dỗ, hãy chạy đến Chúa. Cảm tạ lòng thương của Chúa (9-3-2003)

.

 ——————————————

CN.1.MC.B

BTM hôm nay kể câu chuyện Chúa Giêsu bị ma quỉ cám dỗ trong sa mạc.

Câu chuyện cám dỗ không được sách TM thánh Mc ghi lại đầy đủ chi tiết. Thánh Mc chỉ ghi lại vắn tắt rằng : “Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần liền thúc đẩy Người vào hoang địa. Người ở đó 40 ngày, chịu Satan cám dỗ” (mc 1,12).

Chỉ có sách TM thánh Mt và Lc mới kể lại ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu :

  • Cám dỗ về miếng cơm manh áo
  • Cám dỗ về sự ý lại vào Chúa
  • Cám dỗ về việc đi theo vinh hoa trần thế mà bỏ Chúa.

Có một câu chuyện kể Chúa Giêsu bị cám dỗ như sau : Để cứu rỗi nhân loại, để thiết lập Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu nghĩ rằng : phải mạnh tay để cai trị, dùng quyền hành để dẫn dắt. Song Thiên Chúa bảo Chúa Giêsu : “Hãy đem tình yêu của Ta cho loài người, yêu họ đến nỗi chết cho họ, lấy tình yêu mà chinh phục họ, dẫu có phải vác thánh giá”.

Satan cũng cám dỗ Chúa Giêsu : “Hãy dùng quyền hành mà đè bẹp loài người, hãy tiêu diệt kẻ thù, hãy dùng sức mạnh, quyền hành và sắt máu mà chinh phục thế gian”. Thế nhưng Thiên Chúa lại bào : “Hãy thiết lập vương quốc tình yêu”.

Cuối cùng Chúa Giêsu chọn dường lối của Thiên Chúa, không theo đường lối của mình, của Satan.

Qua câu chuyện cám dỗ, chúng ta mới hiểu : Tại sao Chúa Giêsu bị cám dỗ ?  Tại sao Chúa Thánh Thần đẩy Người vào hoang địa để bị cám dỗ ?

Bởi vì dân Do Thái đã được Thiên Chúa đưa vào sa mạc 40 năm đã đầu hàng trước những cơn cám dỗ về miếng ăn, về sự giầu sang vinh hoa, về quyền hành danh vọng, về niềm tin vào Thiên Chúa. Dân Do Thái đã hòan tòan sa ngã.

Chúa Giêsu cũng như dân Do Thái được đưa vào sa mạc để bị cám dỗ, song Chúa Giêsu tòan thắng. Chỉ vì Người đi theo ý Thiên Chúa. Đời của Chúa Giêsu dầu có vác thánh giá, có chết, cũng hòan tòan vâng phục ý Thiên Chúa (12-3-2000)

 ———————————–

CN.1.MC.B

Bài TM của thánh Mc hôm nay không nói rõ Chúa Giêsu đã chiến thắng những cơn cám dỗ của ma quỉ. Song đọc TM của thánh Mt và của thánh Lc, thì Chúa Giêsu đã chiến thắng.

Chúa Giêsu đã chiến thắng cám dỗ, còn chúng ta đã thua, đã sa ngã.

Vì biết con người chúng ta yếu đuối sa ngã như thế, nên Thiên Chúa đã không còn trừng phạt như thời ông Nô-ê nữa.

 Bđ1 sách Sáng Thế đã viết : “Ta gác cây cung của Ta lên mây làm cầu vồng… Nước sẽ không còn trở thành đại hồng thủy để tiêu diệt muôn lồi nữa” (St 9,13-15).

Để cứu loài người sa ngã, Chúa Giêsu đã xuống thế, đã chết, như bđ2, thánh Phêrô viết : “Đấng công chính đã chết cho kẻ bất chính” (1Pr 3,18).

Cục diện hòan tòan bị đảo ngược. Thời ông Noê, người công chính như ông Noe mới được cứu vớt, còn người bất chính thì bị án phạt. Thời Chúa Giêsu, Đấng Công Chính bị chết, kẻ bất chính được sống..

Tha thứ, tha tội, chúng ta nghe nhàm tai, nhưng chúng ta còn thấy hành vi tha tội tha thứ là những chữ lớn của đạo, là hành vi yêu thương của Thiên Chúa đối với chúng ta không ?

Người Hồi giáo có câu chuyện dụ ngôn sau đây : Một hôm, Đấng Allah, Đấng Khôn Ngoan, truyền cho sứ thần xuống trần gian, để tìm cho được điều tốt đẹp nhất mà mang về thiên quốc. Vị sứ thần đáp xuống ngay một trận chiến, nơi máu những vị anh hùng đang chảy lai láng. Vị sứ thần thu nhặt một ít máu đem về cho Đấng Allah.

Đấng Allah xem, không hài lòng nói : “Máu đổ ra cho tổ quốc, cho tôn giáo là điều quí giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất dưới trần gian

Vị sứ thần lại bay xuống trần gian, thấy một đám tang của nhà giầu, theo sau quan tài là hàng ngàn, hàng vạn  người nghèo khổ than khóc vị ân nhân giầu lòng bác ái. Trên mộ vị ân nhân ngập tràn những bông hồng tỏ lòng biết ơn thương tiếc của người nghèo. Còn gì đẹp bằng những bông hồng này. Vị sứ thần lượm một bông đem về trời trình với Đấng Allah. Đấng Allah nghe kể cảm động, nhưng nói : “Lòng biết ơn là điều tốt đẹp và cũng hiếm có trên trần gian, nhưng chưa phải là điều tốt đẹp nhất đối với ta”.

Vị sứ thần lại phải bay xuống trần gian, để tìm cho được cái đẹp nhất. Ngày sắp hết, trời đã về chiều, vị sứ thần cũng chưa kiếm ra. Bỗng sứ thần gặp một người đàn ông ngồi ôm mặt khóc sướt mướt. Người đàn ông giải thích cho sứ thần : “Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ phạm tội, giờ đây nước mắt đã trở thành cơm bữa tùng ngày của tôi”.

Sứ thần vội hấng giọt nước mắt của ông bay về trời kẻo tối. Đấng Allah nhìn nói : “Thế là ngươi đã hòan thành nhiệm vụ ta giao. Quả thật, ở dưới trần gian không có gì quí, đẹp cho bằng lòng sám hối, bởi vì đó là sức mạnh để canh tân cuộc sống con người”.

Thiên Chúa không dùng hình phạt nữa. Thiên Chúa cứu sống con người. Nên Thiên Chúa sai Chúa Giêsu xuống thế để kêu gọi : “Thời kỳ đã mãn, và Triều đại Thiên Chúa dã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15) (15-2-1991).

——————————–

CN.1.MC.B

Chúa nhật I Mùa Chay hôm nay, Giáo Hội đề nghị chúng ta suy niệm về việc Satan cám dỗ Chúa Giêsu.

Nói đến cám dỗ thử thách, chúng ta thường cho là Satan chủ động. Nhưng đọc kỹ BTM hôm nay, thì do chính Thiên Chúa. Chúng ta cùng đọc lại : “Sau khi Đức Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần liền thúc đẩy Người vào hoang địa. Người ở đó 40 ngày, chịu Satan cám dỗ” (Mc 1,12-13).

Thánh Thần thúc đẩy Người vào hoang địa. Chính Chúa Cha đưa Chúa Giêsu vào hoang địa để Satan cám dỗ.

Dân Ít-ra-en cũng vậy. Thiên Chúa đã đưa dân  Chúa lang thang trong hoang địa 40 năm, bị cám dỗ, bị thử thách, rồi mới được vào Đất Hứa.

Còn một chi tiết nữa là “Sau khi chịu phép rửa”, Thánh Thần mới thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa. Dân Ít-ra-en cũng vậy, chỉ sau khi vượt qua Biển Đỏ, thì mới vào hoang địa.

Chúng ta đã biết tất cả những biến cố phép rửa, Biển Đỏ đều ám chỉ đến phép rửa tội mà mỗi người chúng ta lãnh nhận, như lời thánh Phêrô trong bđ2 : “Nước là hình bóng phép rửa cứu thóat anh em. Nhờ phép rửa này anh em không chỉ được sạch vết nhơ thể xác, nhưng còn xin Thiên Chúa ban cho mình một tâm hồn trong trắng” (1Pr 3,21).

Do đó, sau khi chịu phép rửa của thánh Gioan, Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy vào hoang địa để bị cám dỗ, bị thử thách, rồi mới đi rao giảng Tin Mừng, thì cũng muốn nói với mỗi người chúng ta rằng : khi chúng ta lãnh phép rửa tội, làm người con Chúa, người Công giáo là chúng ta đi vào trần thế, là chúng ta đi vào cuộc chiến, cuộc thử lửa.

Cuộc đời là một chiến trường. Kiếm được miếng ăn, đoạt được mảnh bằng đã phải trải qua bao gian nan thử thách. Huống hồ là đi tìm Thiên Chúa, đi tìm cuộc sống đạo đức, tốt đời đẹp đạo… thì phải trải qua biết bao là gian khó.

Ông Gandhi, người Ân Độ nói : “Con người luôn luôn ngã quị trước cám dỗ. Nhưng chúng ta cũng biết Thượng Đế thường can thiệp và cứu giúp” (Tự Truyện, trang 44).

Vậy, trước những cơn cám dỗ, những tính hư tật xấu, tôi có chạy đến kêu xin Chúa giúp tôi không ? “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ” là lời kêu xin luôn trên môi miệng chúng ta (21-2-1988).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành