Chúa Nhật I Mùa Chay – Năm A


CN.1.MC.A

 Quan tỉnh Nam Định Trịnh Quang Khanh bày ra nhiều mưu chước cám dỗ người ta bỏ đạo. Ông dọn một bữa tiệc đãi 500 binh sĩ Công giáo. Ăn xong, ông mời vào dinh ông. Ông đặt dưới đất những dụng cụ tra tấn như gông cùm, xiềng xích, kìm kẹp, roi mây…và cây Thánh Giá.  Ai bước qua Thánh Giá được tha về; còn ai không bước qua, thì bị giam cầm, chịu các hình phạt. 500 người chỉ còn 15 người không bước qua.

15 người bị nọc ra giữa công trường và bị đánh đòn. 15 người chỉ còn 9 người.

9 người bị nọc ra đánh tàn nhẫn, nhất là khi bị đánh trên đầu ngón tay, thêm 6 người nữa không chịu nổi bước qua Thánh Giá; còn lại 3 người.

3 người bị đánh một trận nên thân. Có lần bị đánh tới 150 roi. Roi vọt cũng không làm đức tin ba ông lay chuyển.

Quan thay đổi mưu kế : bắt vợ con, thân nhân, bạn bè dụ dỗ ba ông. Ba ông vẫn vững đức tin. Quan bắt các bô lão trong làng đem ra đánh trước mặt ba ông. Thấy các cụ bị đòn, ba ông không cầm được nước mắt, đành bước qua Thánh Giá bỏ đạo.

Về nhà, chứng kiến cảnh gia đình, dân làng đã liên lỉ cầu nguyện cho các ông; nay buồn bã, tiếc xót cho ba người anh hùng bại trận, bước qua Thánh Giá, ba ông hối hận, đi xưng tội. Ông Huy và ông Thể vào Huế tuyên xưng đạo với chính vua, không thèm tuyên xưng với quan đầu tỉnh. Hai ông bị đem lên thuyền và chèo ra giữa biển Thuận An. Đầu hai ông bị chém, phần thân bị chặt làm ba, và bị vất xuống biển. Hôm đó là ngày 13-6-1839.

Còn ông Đạt vì bận công việc đi sau. Ông tuyên xưng đạo với quan tỉnh. Ông bị điệu ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Ông bị thắt cổ chết ngày 18-3-1839, sau hai ông Huy và Thể 5 ngày.

Ba thánh tử đạo Au-gút-ti-nô Phan Viết Huy, Ni-cô-la Bùi Đức Thể, và Đa-minh Đinh Đạt đã trở lại tuyên xưng đức tin, là nhờ biết khiêm nhường nhìn nhận tội lỗi.

Bđ1: Sách Sáng thế trong bđ1 kể chuyện hai nguyên tổ A-đam và E-và bị ma quỉ cám dỗ và sa ngã. Có nhiều lý do nguyên tổ bị sa ngã. Song lý do quan trọng nhất là ông bà không hạ mình khiêm nhường, mà kiêu ngạo, đòi làm ông thần bà thần. Sách kể : “Rắn nói với người đàn bà : ‘Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5).

BTM: BTM cũng cho chúng ta thấy lòng khiêm nhường của Chúa Giêsu. Khi Chúa Cha sai xuống thế làm người, Chúa Giê-su biết mình là một phàm nhân, thì cũng yếu đuối và bị cám dỗ như mọi người. Vì thế, trước khi bắt đầu cuộc đời công khai, rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê-su vào sa mạc, cầu nguyện, ăn chay 40 ngày. Nhờ đó, Chúa Giê-su đã thắng được những cơn cám dỗ của ma quỉ.

Không những Chúa Giê-su khiêm nhường ăn chay, cầu nguyện, mà Người còn khiêm nhường không dùng lời của mình, mà dùng Lời của Chúa Cha mà chống cự : “Đã có lời chép rằng…”. Ba cơn cám dỗ là ba lần lấy Lời Chúa mà chống cự.

Bđ2: Qua thư Rôma, trong bđ2, thánh Phao-lô còn xác quyết : vì nguyên tổ A-đam E-và kiêu ngạo, không vâng lời, phạm tội, mà loài người bị phạt, thì nhờ Chúa Giê-su khiêm nhường vâng lời, mà nhân loại được cứu : “Cũng vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời TC, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,19).

Thánh Huy, thánh Thể, thánh Đạt khiêm nhường nhận tội, mà được phúc tử đạo. Chúa Giê-su cũng khiêm nhường ăn chay cầu nguyện mà thắng những cơn cám dỗ, và đem lại ơn cứu rỗi cho loài người.

Còn chúng ta thì sao ? Nhiều khi những bất hòa trong gia đình cũng tại vì mỗi người không khiêm nhường nhận lỗi mình, mà kiêu ngạo đổ lỗi cho người khác (9-3-2014)

————————

CN.1.MC.A

Chúng ta bắt đầu vào Mùa Chay, cũng là bắt đầu tháng thánh Giu-se. Chúa nhật đầu Mùa Chay hôm nay nói về những cơn cám dỗ. Chúng ta kể chuyện thánh Giu-se và Đức Mẹ bị cám dỗ.

Ma quỉ nhắc nhủ nhau : “Một khi đức yêu thương giữa thánh Giu-se và Đức Mẹ đảo điên, thì ta sẽ dễ dàng đạt được ý đồ của ta”.

Quỉ xúi xiểm hàng xóm láng giềng kích động thánh Giu-se và Đức Mẹ bất hòa với nhau. Họ xúi thánh Giu-se chê Đức Mẹ là sống quá kín đáo, việc nhà thì chểnh mảng, cơm nước khi khê khi nhão, chồng con cũng chẳng quan tâm.

Gặp Đức Mẹ thì họ xúi Đức Mẹ chê thánh Giu-se là anh thợ mộc bất tài, đần độn, mồm miệng không có, khiến gia đình nghèo nàn túng thiếu…(Maria Cecilia Baij, OSB, Cuộc đời Thánh Cả Giu-se, trang 183-186).

Ma quỉ dùng hàng xóm láng giềng cám dỗ hai Đấng Thánh, nhưng đã bị lòng đạo đức và thánh thiện của hai Đấng đánh bại.

Bđ1: Sách Sáng Thế trong bđ1 kể lại cuộc cám dỗ của hai ông bà nguyên tổ. Ma quỉ đã đánh trúng ba tham muốn của hai ông bà :

– Tham muốn I là miếng ăn của cải. Ma quỉ dụ dỗ bà E-và :”Trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt” (St 3,6).

–  Tham muốn II là vinh quang trần thế. Ma quỉ dụ dỗ bà E-và : “ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3,5).

–  Tham muốn III là kiêu ngạo, hoài nghi quyền năng Thiên Chúa. Quỉ nói với bà : “Có thật TC bảo các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không ?” (St 3,1).

BTM : Trong BTM, ma quỉ cũng cám dỗ Chúa Giê-su về ba tham muốn đó :

–  Tham muốn I là miếng ăn. Quỉ cám dỗ Chúa : “Nếu ông là Con TC, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3).

–  Tham muốn II là vinh quang trần thế : “Quỉ đem Chúa Giê-su lên một ngọn núi cao, và chỉ cho thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy và bảo : ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi’” (Mt 4,8-9).

–  Tham muốn III là kiêu ngạo, hoài nghi TC : “Quỉ đem Chúa Giê-su đến thành thánh, và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người : ‘Nếu ông là Con TC, thì gieo mình xuống đi ! Vì có lời chép rằng ; TC sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn , và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá’” (Mt 4,5-6).

Từ ông bà nguyên tổ, đến Chúa Giê-su và cả chúng ta đều bị ma quỉ cám dỗ.

Bđ2 : Vì thỏa mãn những tham muốn, ông bà nguyên tổ đã đầu hàng ma quỉ. Còn Chúa Giê-su, chỉ muốn làm theo lời Chúa Cha dạy, nên đã chiến thắng ma quỉ. Trước ba cơn cám dỗ, Chúa Giê-su đều trả lời ma quỉ bằng ba Lời Chúa : “Vì đã có lời chép rằng…” (Mt 4,4.6.10).

Ông bà đã sa ngã vì theo ý mình. Còn Chúa Giê-su chiến thắng vì theo lời  Chúa Cha. Thánh Phao-lô viết cho các tín hữu Rô-ma : “Vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân’ thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng se thành người công chính” (Rm 5,19).

Thánh Ca-ta-ri-na Giáo Hội mừng kính vào ngày 29-4. Thánh nữ sống một cuộc đời chay tịnh rất nhiệm mhặt, song vẫn bị ma quỉ cám dỗ. Sau cơn cám dỗ Chúa Giê-su hiện ra.Thánh nữ nói như trách Chúa

– “Lạy Chúa, Chúa ở đâu, để con một mình chiến đấu với những tư tưởng xấu xa dày vò con ?

Chúa trả lời :

– “Cha vẫn ở với con”

Thánh Ca-ta-ri-na ngỡ ngàng hỏi :

– Chúa ở giữa những tư tưởng xấu xa trong lòng con sao ?

Chúa bảo thánh nữ :

– Những tư tưởng đó đâu có làm cho con phiền khổ quá sức con đâu.

Thánh nữ thưa :

– Nhưng con kinh sợ và đau khổ quá.

Chúa bảo :

– Các tư tưởng xấu ấy không làm nhơ bẩn hồn con, bởi vì con đã tởm gớm chúng. Chính Cha ngự trong con và đã làm cho con biết tởm gớm.

Để tưởng thưởng cuộc chiến đấu dũng cảm của thánh nữ, Chúa Giê-su đã xỏ chiếc nhẫn vàng vào ngón tay thánh nữ (13-3-2011)

————————–

CN.1.MC.A

Ngày xưa thánh Phêrô đã viết thư khuyên dạy các tín hữu như sau : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ thù địch của anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9).

Bđ1 : Ma quỉ không tha ông A-dam và bà E-và, thủy tổ của loài người. Sách Sáng Thế, bđ1 hôm nay kể cuộc cám dỗ mà ma quỉ cám dỗ hai ông bà : “Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi loài hoang dã, mà TC đã làm ra… Nó đã khôn khéo dụ dỗ người đàn bà bất tuân lệnh Chúa ăn trái cây giữa vườn. Nó dụ : “Chẳng chết chóc  gì đâu. Nhưng TC biết ngày nào mà ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ nên như những vị thần biết thiện ác” (St 3,4-5).

BTM : Ma quỉ không ngừng cám dỗ con người chúng ta, mà còn cám dỗ cả Chúa Giêsu-su nữa. Sách TM thánh Mt đã thuật lại 3 cuộc cám dỗ của Chúa Giê-su : cám dỗ I là miếng ăn, cám dỗ II là nghi ngờ Thiên Chúa, cám dỗ III là ham mê vinh hoa thế gian, chối bỏ Thiên Chúa.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu-su cũng là ba cơn cám dỗ của dân Ít-ra-en trong hoang địa trên đường về Đất Hứa.

– Cám dỗ miếng ăn xảy ra ở sa mạc Sin. Sách Xuất Hành kể : “Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron. Con cái Ít-ra-en nói với các ông : phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thỏa thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi khỏi đó mà vào sa mạc này, dể bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây” (Xh 16,2-3).

– Cám dỗ thứ hai là nghi ngờ Thiên Chúa : Sách Xuất Hành kể : “Ở Ri-phi-dim không có nước cho dân uống. Dân chúng gây sự với ông Mô-sê và nói : ‘cho chúng tôi nước uống đi’. Ông Mô-sê nói : ‘tại sao anh em lại gây sự với tôi ? Tại sao lại thử thách Thiên Chúa ?’” (Xh 17,1-2).

– Cám dỗ thứ ba là ham mê vinh hoa thế gian, mà chối bỏ Chúa; Dưới núi Si-nai, dân Ít-ra-en đã bỏ Chúa, đúc một con bò vàng và thờ lạy con bò vàng (Xh 32).

Dân Ít-ra-en đã sa ngã trước ba cơn cám dỗ đó của ma quỉ, còn Chúa Giê-su đã chiến thắng.

Với cơn cám dỗ về miếng ăn, Chúa Giêsu-su nói với ma quỉ : “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, hưng còn nhờ mọi lời TC phán ra”.

Với cơn cám dỗ thử thách nghi ngờ TC, Chúa Giêsu-su nói với ma quỉ : “ngươi chớ thử thách TC là TC của ngươi”.

Với cơn cám dỗ ham mê vinh hoa trần thế, mà bỏ Chúa, CG nói với ma quỉ : “Ngươi phải thờ lạy TC là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”.

Bđ2 : Trước những cơn cám dỗ chúng ta sa ngã, vì chúng ta yếu đuối. Hạnh phúc thay nhờ cái chết của Chúa Giêsu-su, chúng ta trở nên mạnh mẽ, để chống lại những cơn cám dỗ.

Vì thế, thánh Phaolô-lô, trong bđ2, đã viết cho các tín hữu Rô-ma : “Nếu vì một người duy nhất đã sa ngã mà muôn người phải chết, thì ân sủng của TC ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,15).

Để được ơn Chúa, chúng ta cần ăn chay, như Chúa Giê-su đã vào sa mạc ăn chay 40 ngày.

Đức cha Lambert de la Motte (Lăm-be đờ la Mốt-tơ), giám mục đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam. Tòa Thánh phong chức cho ngài ngày 17-8-1658. Ngài đã sống ăn chay đánh tội hằng ngày kể cả ngày chúa nhật, không nằm giường nệm, kiêng thịt, không uống rượu suốt đời (10-2-2008).

———————————–

CN.1.MC.A

Ba bài đọc thánh lễ chúa nhật Mùa Chay đầu tiên cho biết :

Bđ1 : loài người đã thất bại trước những cám dỗ của ma quỉ

BTM : Chúa Giê-su đã chiến thắng những cơn cám dỗ.

Bđ2 : Ơn tha thứ của Chúa rất lớn lao.

Bđ1 : Câu chuyện loài người sa ngã ai cũng biết. Bà E-và đã nghe theo lời dụ dỗ ma quỉ qua hình ảnh con rắn. Bà đã ăn trái cấm và đưa cả cho chồng ăn. Hậu quả của tội là đánh mất mọi mối giao hảo và liên lạc :

1- Với chính mình : mình không còn làm chủ được mình nữa. Thân xác không còn là của mình, mà là của người khác, nên thấy mình trần truồng. Trần truồng có nghĩa là trống rỗng, tay không. Phạm tội là đánh mất chính mình.

2- Với Thiên Chúa : hai ông bà không dám giáp mặt với Thiên Chúa, khi nghe Chúa gọi. Hai ông bà đi trốn và thưa với Chúa : “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” (St 3,10).

3- Với vợ chồng : khi chưa phạm tội, Chúa dẫn bà E-và đến, ông A-đam sung sướng kêu lên : “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St2,23). Còn khi phạm tội, Chúa hỏi : “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng ? Có phải là ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không ?” (St 3,11). Ông A-đam thưa : “Người đàn bà Ngài cho ở với con đã cho con trái cây ấy, nên con đã ăn” (St 3,12).

Hậu quả của tội là mối liên lạc vợ chồng không còn. Vợ trở nên kẻ cám dỗ chồng ăn trái cấm. Trong Kinh Thánh, kẻ cám dỗ là ma quỉ. Vợ chồng trở nên ma quỉ với nhau.

4- Với trái đất : khi chưa phạm tội, thì con người “cày cấy canh giữ đất đai”. Phạm tội rồi thì đất đai trở nên gai góc. Chúa phán : “đất đai bị nguyền rủa vì ngươi, ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngòai đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn (St 3,18-19).

5- Với con cái : Khi chưa phạm tội, con cái là hoa quả Thiên Chúa ban : “Thiên Chúa phán : Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”. Còn khi phạm tội thì Chúa phán : “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén. Ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con” (St 3,16).

6- Chết : Chúa phàn : “cho đến khi trở về với đất, vì từ đất ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St,319).

Ít ra đó là 6 mối dây bị đứt, không còn được liên lạc với nhau nữa.

BTM : Lòai người sa ngã, đầu hàng trước những cơn cám dỗ. Cả dân Ít-ra-en, dân Chúa chọn, cũng phạm tội, cũng phản bội Chúa. Chính trong sa mạc trên đường về đất hứa, dân Ít-ra-en đã đầu hàng trước ba cơn cám dỗ; nhưng Chúa Giê-su đã chiến thắng.

1- Miếng ăn : Quỉ cám dỗ : “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi”. Chúa Giêsu-su chống lại : “Có lời chép rằng : người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Dân Do Thái đã sống vì miếng ăn.

Sách Đệ Nhị Luật viết : “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà TC đã dẫn anh em đi suốt 40 năm trong sa mạc, để bắt anh em phải cùng cực. Như vậy Người thử thách anh em cho biết lòng dạ anh em, xem anh em có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn manna…ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng : người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng TC phán” (8,1-3).

2- Thử thách Thiên Chúa : Quỉ đặt Chúa trên nóc Đền thờ Giêsu-ru-sa-lem và cám dỗ : “Nếu ông là Con TC thì gieo mình xuống đi. Vì có lời chép rằng : TC sẽ truyền cho thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Chúa Giêsu-su chống lại : “Cũng có lời chép rằng : ngươi chớ thử thách TC của ngươi”. Dân Ít-ra-en đã thử thách TC. Sách Đệ Nhị Luật chép : “Anh em đừng thách thức TC của anh em, như anh em đã thách thức ở Ma-xa” (Đnl 6,16).

3- Vinh hoa trần thế : Quỉ đem Chúa Giê-su lên ngọn núi cao, cho Chúa thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa của các nước. Rồi quỉ cám dỗ : “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi”. Chúa Giê-su chống lại : “vì có lời chép rằng : ngươi phải bái lạy TC của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. Dân Iít-ra-en đã bỏ Chúa, nên trước khi vào Đất Hứa, ông Mô-sê đã căn dặn : “Khi anh em được ăn no nê thì phải ý tứ đừng quên TC”.

Bđ2 : Dù loài người vô ơn, bạc nghĩa, phản bội, chống lại Chúa, Chúa vẫn thương. Ngay khi ông A-đam và bà E-và phạm tội, TC đã hứa ban Đấng Cứu Thế. Chúa nói với con rắn : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15). Ai cũng hiểu : người đàn bà và dòng giống ấy là Đức Ma-ri-a và Chúa Giê-su.

Ngoài lời hứa này, TC còn yêu thương cho hai ông bà quần áo mặc : TC làm cho con người và vợ con người những chiếc áo bằng da và mặc cho họ”. Nếu trần truồng có nghĩa là đánh mất mình, tay trắng, thì TC mặc áo cho, tức là TC phục hồi danh dự cho con người, ban lại những gì đã mất.

Trong thư Rôma, thánh Phaolô-lô đã ca ngợi ơn tha thứ của Chúa : “Sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ơn huệ của TC. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, và muôn người phải chết, thì ân sủng của TC ban nhờ một người duy nhất là Đức Ki-tô còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” (Rm 5,17).

        Mùa Chay là mùa giúp chúng ta thấy mình tội lỗi, đồng thời nhận ra lòng Chúa thương xót, để trở về với Chúa (13-2-2005)

Linh mục Nguyễn Trung Thành