Chúa nhật I Mùa Vọng năm B


CN.1.MV.B

(Is 63,16-17.19;64,2-7; 1Cr 1,3-6; Mc 13,33-37)

Năm 1627 cha Alexandre de Rhodes, tên Việt là Đắc Lộ, ra truyền giáo ở Đàng Ngoài, tức là Miền Bắc. Nhiều người đón nhận Tin Mừng của Chúa, kể cả các sư sãi. Trong tập sách “Lịch Sử Xứ Đàng Ngoài”, cha kể lại một câu chuyện như sau : “Ở làng Vũ Xá, cách Kẻ Chợ (Hà Nội) một hai ngày đường, có một thầy sãi. Thầy được dân làng cắt cử trông coi ngôi đền do một bà vương phi dựng nên. Trong đền không có tượng thần nào. Trên bàn thờ chỉ có một chiếc ngai sơn son thiếp vàng. Sau khi chết, hồn bà sẽ về ngự trên ngai đó, và dân làng sẽ làm cơm cúng giỗ bà như một vị thần của làng… Nhận ra lẽ phải của đức tin Công giáo, hai ông bà xin theo đạo (Tên thánh của ông là Antôn, của bà là Paula). Câu chuyện đến tai bà chúa, Bà không cho coi đền, mà còn đuổi hai ông bà ra khỏi làng. Hai ông bà phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn ra đi. Điều đó không làm nao núng tâm hồn ông bà. Ông bà chỉ buồn vì phải xa những người mà ông bà đã khuyên dạy theo đạo. Trú nhờ ở làng mới, hai ông bà vẫn khuyên dạy người ta theo đạo. Mỗi khi có việc đi Hà Nội, ông đem theo hai ba chục người đến xin chịu phép rửa tội” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, trang 118-119).

Qua câu chuyện hai ông bà Antôn và Paula, chúng ta thấy hai ông bà yêu Chúa biết bao: không những vui lòng mất mọi của cải vì Chúa, mà còn làm cho người khác cũng theo Chúa.

Chúa là ai mà ông bà theo Chúa, yêu Chúa như thế ? Lời Chúa trong thánh lễ CN.1.MV hôm nay giúp chúng ta khám phá ra Chúa là ai.

Bđ1 : Với ngôn sứ I-sai-a trong bđ1, Chúa là cha chúng ta, vì đã tạo dựng nên loài người chúng ta. Sau 50 năm bị lưu đày ở Babylon được trở về, dân Do Thai đã cầu nguyện : “Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài, chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (Is 64,7).

Chúa là Cha, nên đã tha thứ tội lỗi cho con cái, cứu chữa con cái. : “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con : đó là danh Ngài từ muôn thuở” (Is 63,63b).

Chúa còn là vị thần, chẳng có thần nào bằng : “Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy, có vị thần nào ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy mình” (Is 64,3).

Bđ2 : Trong bđ2, thánh Phaolô  cũng xác nhận Chúa  là cha chúng ta, vì qua Đức Giêsu, Chúa cho chúng ta biết bao ân huệ. Thánh Phaolô viết : “…Thiên Chúa là Cha chúng ta… Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa vì anh em, về những ân huệ Người ban cho anh em nơi Đức Giêsu Kitô” (1Cr 1,3.4)).

BTM : Thiên Chúa là Cha chúng ta. Người tạo dựng chúng ta, tha thứ tội lỗi cho chúng ta, nhất là ban cho chúng ta Đức Giêsu Kitô. Trong cuộc đời  ở trần gian, chúng ta đã nhận biết bao ân huệ Chúa ban. Vậy chúng ta phải làm gì để đáp đền ơn Chúa ban ? BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu dạy chúng ta “phải tỉnh thức” như người đầy tớ đợi chủ nhà về (Mc 13,33).

Tỉnh thức là gì ? Là để khỏi sa chước cám dỗ. Trong vườn Cây Dầu, sau khi cầu nguyện, trở lại thấy các tông đồ ngủ, Chúa Giêsu căn dặn : “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mc 14,38).

Thánh Phêrô còn bảo chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a).

Mùa Vọng, mùa chờ mong Chúa đến. Vậy chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để xa lánh những cám dỗ, xa tránh phạm tội, noi gương hai ông bà Antôn và Paula một lòng đi theo Chúa đến cùng (27-11-2011).

————————————————-

CN.1.MV.B

Chúa nhật hôm nay bắt đầu một năm phụng vụ mới. Ngày đầu năm mới ở đời là vào ngày 1-1. Còn ngày đầu năm phụng vụ mới khởi đầu vào Mùa Vọng.

Mùa Vọng là mùa mong đợi. Vì thế, áo lễ trong Mùa Vọng là mầu tím, mầu của nhớ nhung, của mong chờ. Mong chờ Chúa đến, đến với cuộc đời chúng ta, đến với từng biến cố vui buồn sướng khổ của chuỗi ngày sống ở trần gian. Lời Chúa trong thánh lễ CN.1.MV hôm nay cho chúng ta thấy Chúa đến giúp chúng ta như thế nào.

Bài đọc 1 : Bđ1 thánh lễ hôm nay đọc trong sách ngôn sứ Isaia. Bài đọc nói đến tâm trạng buồn chán của người Do Thái khi trở về quê hương xứ sở. Sau 50 năm lưu đày ở Babylon, nay được thóat ách nô lệ ở xứ người, được tự do sống nơi quê cha đất tổ, đáng lý người Do Thái phải vui. Thế mà họ lại chán nản. Chỉ  vì họ gặp những khó khăn trong việc làm lại cuộc đời, trong việc tái thiết quê hương, trong việc xây lại Đền Thờ Chúa. Thêm vào đó là sự phá phách của người Samari. Buồn nản đến nỗi họ phải thốt lên : “Phải chi Ngài xé trời mà xuống, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan” (Is 63,19b).

Khi xin Chúa “xé trời mà xuống”, người Do Thái liên tưởng đến biến cố Chúa xuống trên núi Sinai khi ban 10 giới răn cho ông Môsê. Một biến cố độc đáo. Chúa tỏ quyền năng, như lời cầu nguyện của người Do Thái trong bài đọc hôm nay : “Ngài ngự xuống và núi non rung chuyển trước Thánh Nhan. Người ta chưa từng nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy, có vị thần nào, ngòai Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình” (64,2b-3).

Chúa chẳng những oai phong, mà còn gần gũi thân thương, đến nỗi họ gọi là “Cha”. Dĩ nhiên Chúa là Cha, vì Chúa đã dựng nên đất trời và dựng nên loài người, nhưng người Do Thái chưa bao giờ dám gọi Chúa là Cha. Thế mà hôm nay trong lời cầu nguyện, họ đã gọi Chúa là Cha ba lần.

Lần thứ nhất là : “Chẳng lẽ Ngài không còn động lòng thương chúng con nữa. Quả chính Ngài là Cha chúng con” (63,15-16).

Lần thứ hai là : “Lạy Đức Chúa, Ngài mới là Cha, là Đấng cứu chuộc chúng con” (63,16).

Và lần thứ ba là : “Lạy Đức Chúa, Ngài là Cha chúng con; chúng con là đất sét, còn thợ gốm là Ngài. Chính tay Ngài đã làm ra tất cả chúng con” (64,7).

Sở dĩ hôm nay dân Do Thái đã dám gọi Thiên Chúa là Cha, vì trong thời gian lưu đày khốn khổ ở Babylon, họ đã cảm nghiệm được tình của Chúa. Đáng lý tội lỗi của họ khiến Chúa bỏ họ, nhưng Chúa đã không bỏ, mà còn cứu thóat họ, dẫn đưa họ trở về quê cha đất tổ. Chỉ có cha mẹ mới thương yêu như vậy.

Bài Tin Mừng : Năm nay năm B, bài TM Giáo hội cho chúng ta đọc sách TM thánh Mác-cô. Thánh Máccô viết cho cộng đoàn con cái Chúa ở Rôma. Bài TM hôm nay chứng minh điều đó, vì thánh Mc nói đêm chia làm 4 canh như câu 35 ngài viết : “Anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến : lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng” (Mc 13,35). Người Rôma mới chia đêm làm 4 canh, còn người Do Thái chia đêm có 3 canh. Người Việt Nam thì “5 canh sáu khắc”.

Bài TM của thánh Mc cũng giống của thánh Mt và Lc là ông chủ đi xa, giao cho các gia nhân mỗi người một việc phải làm và đợi ông chủ về, về vào giờ nào không biết. Tuy nhiên thánh Mc có một điểm khác là nói ông chủ về ban đêm.

Đêm tượng trưng cho thế giới của ma qủi, của sự dữ, của sự ác, của cái chết. Sở dĩ Mc nói đến “đêm”, vì công đòan con cái Chúa ở Rôma đang bị bắt hại, bị người ta lùng bắt. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã tử đạo ở đó. Nên đối với thánh Mc, người ta phải canh thức, người ta phải chờ cái chết, chờ cuộc tử đạo.

Song đêm, cũng chính là đêm Chúa đến cứu thóat. Người Do thái hằng ghi nhớ 4 đêm quan trọng Chúa đến cứu :

Đêm thứ nhất là đêm Chúa tạo dựng, sách Sáng thế kể : “Lúc khởi đầu Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. TC phán : ‘Phải có ánh sáng, liền có ánh sáng’” (1,1-2).

Đêm thứ hai là đêm Chúa hứa ông Apraham có con cái, cũng sách Sáng thế kể : “Chúa đưa ông ra ngòai và phán : ‘Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Chúa lại phán : Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó’” (15,5).

Đêm thứ ba là đêm Chúa giải cứu dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, đưa về đất hứa, sách Xuất Hành kể : “Đó là đêm Đức Chúa canh thức để đưa họ ra khỏi đất Ai Cập” (Xh 12,42).

Và đêm thứ tư là đêm của Đấng cứu thế xuất hiện, sách Đanien viết : “Trong những thị kiến ban đêm tôi mải nhìn thì kìa : có ai như một Con Người, đang ngự giá mây trời mà xuống” (7,13). Con Người sách Đanien ám chỉ đến tập thể dân Chúa, nhưng dần dần ám chỉ đến cá nhân Đấng Cứu Thế. Chính Chúa Giêsu xưng mình là Con Người và Chúa sinh vào ban đêm.

Bài đọc 2 : Bđ2 đọc thư thứ nhất Côrintô của thánh Phaolô. Côrintô là một thành phố của nước Hy Lạp ngày nay. Thánh Phaolô đã đến đây giảng đạo vào năm 50, 51, quãng chừng 18 tháng. Kể cũng khá lâu. Giáo đòan Corintô gặp nhiều trở ngại, khó khăn, chia rẽ… Chính vì thế thánh Phaolô đã khuyến khích : “Trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (1,7-8).

Tóm lại, thời lưu đày trở về gặp vất vả, người Do Thái kêu cầu Chúa đến giúp; thời thánh Mc dân Chúa ở Rôma bị bắt bớ, họ sẵn sàng chờ đón sự dữ, vì tin Chúa sẽ đến cứu; thời thánh Phaolô, dân Côrintô gặp những khó khăn nội bộ, họ cũng được thánh nhân cho biết Chúa sẽ làm cho họ vững vàng.

Người xưa khi gặp khốn khó, họ chạy đến với Chúa; còn chúng ta ngày nay, khi gặp đau khổ, chán nản, chúng ta chạy đến Chúa, có kêu cầu Chúa, có mong Chúa đến giúp không, hay chạy đến cầu cạnh ai, cầu cạnh cái gì ? (27-11-2005).

———————————————-

CN1.MVB

Hơm nay bắt đầu vào MV, mùa đợi trông Chúa đến. “Xưa mong Chúa giáng sinh, nay mong Chúa đến trong ngày quang lâm”.

Người Do Thái mong cả ngàn ngàn năm. Sự mong mỏi của họ da diết vời vợi, như ta thấy trong bđ1 mà ngôn sứ I-sai-a mô tả : “Lạy Chúa, phải chi Ngài xé mây trời mà xuống, cho núi non rung chuyển trước thánh nhan” (64,1).

Nhất là khi họ nhận ra nỗi khổ vì tội lỗi của họ, họ càng khao khát Chúa : “Ngài phẫn nộ vì chúng con đã phạm tội…Chúng con đã úa tàn như lá úa và những tội ác của chúng con tựa con gió cuốn chúng con đi… Ngài đã ngoảnh mặt đi không nhìn đến chúng con, đã để mặc cho tội lỗi chúng con hành hạ” (64,4.5.6).

Thế mà khi Chúa đến trong Đức Giêsu Kitô tại Belem, thì họ không nhận ra. Đã không biết, lại con khước từ và sát hại.

Muốn đón nhận Chúa thì phải “coi chừng”, phải “tỉnh thức” như Chúa Giêsu căn dặn trong BTM , bởi vì ngày giờ Chúa đến chẳng thể nào biết được. Chúa Giêsu đã ví việc Chúa đến như  chủ nhà về.

Thánh Luca ghi lại lời dạy  tỉnh thức của Chúa Giêsu cụ thể là : “Anh em chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, nhưng phải tỉnh thức và cầu nguyện luôn” (Lc 21,34).

Thánh Phaolô trong bđ2 đã ca ngợi đức tin của giáo đòan Côrintô như sau : “Tôi hằng cảm tạ Thiên Chúa, vì ân huệ Người đã ban cho anh em nơi Đức Giêsu Kitô” (1 Cr 1,3).

Những người chúng ta gọi là vô thần đang lấy Chúa làm ân huệ giầu sang “phong phú” (1Cr 1,5).

Nhà văn Ai-ma-tốp, Ủy viên Hội Đồng Tổng Thống Liên Xô, đã viết : “Tôi rất bi quan về tình trạng lòng nhân ái ngày một trở nên hiếm hoi. Chúng ta phải tìm lại con đường nhân ái. Chính nền tảng đạo đức Kitôgiáo là một trong những kho tàng quí giá nhất chứa đựng lòng nhân ái. Dù lịch sử đạo Thiên Chúa đã có những trang đau thương và đen tối… Tôi biết thế – nhưng luôn tin rằng lòai người vẫn biết rút ra  cho mình những bài học, từ kinh nghiệm lịch sử nhiều thế kỷ những gì tốt đẹp nhất, điều thiện và lòng cao thượng”.

Kịch gia Liên Xô Radzinski bày tỏ : “Chúng ta phải xây dựng một nền đạo đức mới, tươi vui, chân thật và tự do. Trong đó Giáo Hội sẽ đóng một vai trò quan trọng. Quan niệm Kitôgiáo về đạo đức và những giá trị về tinh thần, về hôn nhân với tư cách là một bí tích hài hòa, trong đó vẻ đẹp của tinh thần đạo đức cao cả… sẽ giúp cho thế hệ trẻ hiểu được những mầu nhiệm cuộc đời”.

Thứ bảy ngày 24-11-1990, lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, Đức giáo hòang Gioan-Phaolô II đã khuyên phái đòan Giám Mục Việt Nam, trong đó có Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách của chúng ta như sau : “Chư huynh thân mến, hãy lôi cuốn tòan thể dân Chúa được trao phó cho anh em, trong phong trào cầu nguyện sốt sắng, để họ có thể lãnh nhận ơn Chúa  và tiến lên trên con đường thánh thiện, với lòng khiêm nhường chân thành không vụ lợi. Ước chi các tín hữu biết tỏa chiếu ánh sáng đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội, tỏa chiếu tình thương được thông phần trong bí tích Thánh Thể. Ước chi các tin hữu cố gắng hành động để canh tân Giáo Hội và Đất Nước của họ trong tinh thần hòa giải, hòa giải giữa người Công Giáo với nhau, hòa giải giữa người Công Giáo và người dân trong nước có những xác tin khác nhau, có những chống đối trở nên cứng ngắc. Ước chi không còn những tâm tình chua cay giữa anh em với nhau của cùng một dân tộc. Ước chi tất cả mở rộng tâm hồn đón nhận điều mới mẻ của Phúc Âm, và đón nhận niềm hy vọng một thế giới được hòa giải trong hòa bình”.

Ước chi Mùa Vọng năm nay, chúng ta chân nhận Chúa là Đấng Cứu Thế, chúng ta đi tìm cho được Chúa đến tâm hồn chúng ta  (2-12-1990).

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành