Chúa Nhật Phục Sinh – Mừng Chúa Sống Lại


CHÚA NHẬT PHỤC SINH

MỪNG CHÚA SỐNG LẠI

12-4-2020

 GIÁO HUẤN SỐ 19

CHÚNG TA HỌC TỪ TUỔI TRẺ CỦA CHÚA GIÊSU (tt)

Lịch Giáo Phận trang 68

Đàng khác, Đức Giêsu đã phục sinh, và Người muốn đưa chúng ta vào tham dự trong sự sống mới của cuộc phục sinh ấy. Người là nét thanh xuân đích thực của một thế giới đang già đi, thanh xuân của một vũ trụ đang chờ “sinh nở” (Rm 8,22), để được phủ trùm bởi ánh sáng của Người và được sống sự sống của Người. Có Người bên mình, chúng ta có thể uống từ nguồn mạch đích thực có sức làm sống động mọi giấc mơ của chúng ta, mọi kế hoạch và mọi lý tưởng cao cả của chúng ta., đồng thời chúng ta đươc thúc đẩy  rao giảng về điều làm cho đời sống thực sự có ý nghĩa. Hai chi tiết thú vị trong Tin Mừng Máccô cho thấy cách mà những người sống lại với Đức Kitô Phục Sinh được mời gọi sống tươi trẻ đích thực. Trong cuộc khổ nạn của Chúa chúng ta thấy một thanh niên muốn đi theo Đức Giêsu, nhưng vì sợ hãi nên đã vứt áo bỏ chạy trần truồng (x, 14,51-52), anh ta thiếu sức mạnh để đương đầu với mọi sự khi theo Chúa. Trong khi đó tại ngôi mồ trống, chúng ta thấy một thanh niên khác, “mặc áo trắng” (16,5), báo các phụ nữ đừng sợ nhưng hãy loan báo niềm vui Phục Sinh (x.16,6-7).

(Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống, số 32).

——————————————————-

CN PHỤC SINH

MỪNG CHÚA SỐNG LẠI

(Cv 10,34a-43, Cl 3,1-4; Ga 20,1-9)

Trong tập sách “Tường Trình Về Đàng Trong 1645”, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) viết về những giờ phút cuối cuộc tử đạo của Thầy Anrê-Phú Yên như sau : “Sau những nhát đâm liên tiếp thì đầu Thầy hơi nghiêng về bên phải, một tên đao phủ khác chém một phần lớn cổ, đao mã tấu chém hai nhát, thế là thầy Anrê của chúng ta ngã lăn xuống đất như thể cây tốt về bên tay phải, thầy còn lặp lại, lúc đầu rơi xuống đất, như các người Bồ có mặt trong tấn bi kịch đẫm huyết đã khai là nghe rõ ràng, qua lỗ mở của cuống họng, giữa một dòng suối máu tuôn trào, danh thánh Giêsu, nhờ công nghiệp Người và việc tử đạo vội vã này mà Thầy đã chiếm được triều thiên vinh quang (bởi vì cả việc cầm tù, việc tra khảo, việc xét xử, cả việc kết án và cái chết đều được thi hành chưa đầy trong vòng một ngày).

 “Tức thì chúng tôi cầm khăn chạy đến hứng máu quí giá tuôn ra tới tấp từ những mạch máu đến nỗi nơi Thầy nằm ướt đẫm. Những người Bồ quen giữ lòng đạo đức, có mặt trong cuộc đại thắng vinh quang này, họ cẩn thận thu nhặt các di tích thánh, cắt áo chia nhau mỗi người một mảnh, còn đất và cỏ thấm máu vị tử đạo dành riêng cho một người Kitô hữu của chúng ta : có người tên là Antôn đã đưa tới một tấm áo rất có giá để bọc xác thánh.

 “Lương dân rất bỡ ngỡ thấy những điếu mới lạ và những vinh dự dành cho thi hài và tưởng nhớ người mệnh một. Tôi lợi dụng cơ hội nói cho họ biết những lý do chính đáng của những việc đạo hạnh này rằng : trước mắt những kẻ không hiểu biết thì vị tử đạo như đã chết, nhưng trước mặt Thiên Chúa là Đấng thấy tương lai như hiện tại, thì vẫn còn sống, hoặc là hồn vĩnh viễn từ đây sống trên trời, hoặc thân xác đến thời thì sẽ sống lại đầy hiển vinh và tuyệt mỹ để muôn đời ngàn kiếp nơi Thiên Chúa (Sđd trang 51).

Như thế, cha Đắc Lộ cho rằng : Thầy Anrê-Phú Yên dám chết là vì sự sống lại và những đồng đạo quí báu đòng máu và áo của Thầy cũng vì sự sống lại.

Ba bài đọc thánh lễ Phục Sinh hôm nay đều đề cập đến sự sống lại của Chúa.

Trong bài đọc 1 sách Công Vụ Tông Đồ thánh Luca viết : “Họ đã treo người trên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường” (Cv 10,39a-40).

Trong bài Tin Mừng thánh Gioan viết : “Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,9).

Trong sách Tin Mừng thánh Mát-thêu thì viết : “Có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết một việc đã xẩy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn và bảo :‘Các anh hãy nói như thế này : Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đến lấy trộm xác” (Mt 28,11-12).

Thánh Goan còn viết : “Môn đệ kia (Gioan) chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn  ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại xếp riêng ra một nơi…Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20,3-9).

Cha Brown viết : “Các học giả cho rằng  chính sự còn tồn tại của các khăn liệm trong mồ đã dẫn ‘người môn đệ yêu dấu’ kết luận là thân xác Đức Giêsu không bị ăn cắp,song đã sống lại. Vì nếu có người đánh cắp xác, thì hắn làm gì có giờ mà cởi các dải khăn quấn quanh thi thể, chỉ mang xác trần trụi đi mà thôi” (Cha Hoàng Minh Tuấn, Yêu Đến Cùng, trang 441).

Cha Hoàng Minh Tuấn còn viết : “Một đoạn ngụy thư Cóp-tích kể : Các giới chức Do Thái mời Philatô đến xem mồ trống để bá cáo với ông là môn đệ Giêsu đã đến ăn cắp xác. Nhưng khi ông tổng trấn thấy các khăn liệm còn đó, đã đưa ra nhận xét : nếu người ta ăn cắp xác, họ sẽ mang cả các khăn ấy đi. Thánh Gioan Kim Khẩu đã lập luận : nếu ai cất xác đi, họ sẽ không lột trần xác ra trước, cũng chẳng hơi đâu mà cởi khăn bó đầu, cuộn lại rồi đặt riêng ra một chỗ như thế

Cha viết tiếp : “Mặt khác, chúng ta không chắc vị Thánh sử có ngụ ý thần học nào khi nêu các khăn liệm ấy, tỷ dụ chúng bị bỏ lại đó là tượng trưng Đức Giêsu không còn cần đến chúng bao giờ nữa. Đức Giêsu một khi sống lại từ cõi chết thì không bao giờ còn chết nữa (Rm 6,9), đang khi nói về Ladarô từ mồ sống lại, đi ra vẫn còn quấn khăn liệm, là để tượng trưng ông còn phải chết lại nữa” (Cha Hoàng Minh Tuấn, sđd, trang 441).

Trong bài đọc 2, thư Côlôsê thánh Phaolô khuyên nhủ : “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).

Lạy Mẹ Trà Kiệu xin ban thêm cho chúng con niềm tin Chúa sống lại.

——————————-

Chúng ta, nhất là những người trẻ, cố gắng đọc những trang sách trong Youcat (Sách Giáo Lý Cho Người Trẻ trang 100-102) sau đây, để tăng thêm niềm tin Chúa sống lại,và hiểu được lời kinh trong kinh Tin Kính : “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy Amen

Câu 104 : Bạn có thể là Kitô hữu mà không tin Chúa Giêsu đã sống lại không ?

-Không. Thánh Phaolô viết : “Nếu Chúa Kitô đã không sống lại thì lời chúng tôi rao giảng sẽ vô ích, và đức tin của bạn cũng vô ích.

Câu 105 : Làm thế nào mà các môn đệ của Chúa Giêsu đã đi đến chỗ tin Người sống lại ?

  • Đầu tiên các ông mất hết hy vọng, nhưng dần dần, các ông đã đến chỗ tin Chúa sống lại, vì sau khi Người chết họ đã thấy Người trong nhiều dịp khác nhau, các ông đã nói chuyện với Người, đã có kinh nghiệm rõ ràng là Người đang sống.

Những biến cố Phục Sinh diễn ra ở Giêrusalem khoảng năm 30 không phải là chuyện bày đặt ra. Bị sốc vì cái chết của Chúa và vì sự nghiệp chung thất bại, các môn đồ đã trốn mất. Chúng tôi hy vọng rằng Người là Đấng giải thoát Israel (Lc 24,21). Hoặc các ông ẩn núp sau những cửa đóng kín. Chỉ nhờ gặp gỡ Chúa Kitô sống lại, họ mới được giải thoát khỏi bị ức chế và được đầy niềm tin phấn khởi vào Chúa Giêsu, Chúa của sự sống và sự chết.

Câu 106 : Có những bằng chứng về việc Chúa Giêsu sống lại không ?

Không có bằng chứng theo khoa học về việc Chúa Giêsu sống lại. Nhưng có những chứng cớ rất mạnh của cá nhân cũng như tập thể của nhiều người đương thời tại Giêrusalem.

Bằng chứng cổ xưa nhất ghi chép Chúa Giêsu sống lại là thư của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô, viết khoảng 20 năm sau cái chết của Chúa Giêsu : “Trước hết tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là Chúa Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Sau đó Người đã hiện ra với năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ (1Cr 15,3-6). Ở đây thánh Phaolô nói về một truyền thống sống động ngài gặp trong cộng đồng Kitô giáo sơ khởi, khi chính ngài vừa mới trở thành Kitô hữu, hai ba năm sau cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, theo sau cuộc gặp gỡ với Chúa đã phục sinh. Các môn đệ đã cho rằng ngôi mộ trống là chỉ dẫn đầu tiên về thực tại Chúa sống lại (Lc 24,5-6). Đây là việc các phụ nữ đã khám phá thấy- theo luật thời đó thì bằng chứng của họ không đước chấp nhận. Dù người ta nói rằng tông đồ Gioan đến mộ đã thấy và đã tin (Ga 20,8), việc xác tín rằng Chúa Giêsu sống lại chỉ phát triển nhờ một loạt các lần hiện ra. Chỉ sau khi Chúa về trời mới không còn những gặp gỡ với Đấng đã sống lại. Nhưng cho đến ngày nay, vẫn tiếp tục có những gặp gỡ với Chúa Giêsu, Người vẫn sống.

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành