Chúa Nhật Phục Sinh Năm C


CHÚA NHẬT PHỤC SINH. MỪNG CHÚA SỐNG LẠI.

Lễ trọng với tuần bát nhật. Lễ cầu cho giáo dân (Lễ họ).

 

GIÁO HUẤN SỐ 21

Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ

PHÂN ĐỊNH (tiếp theo)

 “[Sự không ngoan phân định] càng quan trọng hơn khi một cái gì mới mẻ bỗng xuất hiện trong đời sống. Bấy giờ chúng ta phải xác định xem nó có phải là rượu mới do Thiên Chúa đem lại, hay chỉ là một ảo ảnh đánh lừa được tạo ra bởi tinh thần thế tục hay tinh thần của ma quỉ. Có những lúc khác, xảy ra điều ngược lại, khi các sức mạnh của sự dữ xúi ta đừng thay đổi, cứ giữ mọi sự y như thế, và chọn thái độ khư khư đề kháng chống lại thay đổi. Nhưng như vậy là cản trở hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta tự do, với sự tự do của Đức Kitô. Tuy nhiên, Người mời gọi ta khảo sát những gì ở bên trong mình – những dục vọng, lo lắng, sợ hãi và nghi nan – và những gì diễn ra xung quanh mình – “các dấu chỉ của thời đại” – và qua đó nhận ra những nẻo đường dẫn tới sự tự do hoàn toàn. “Hãy khảo sát mọi sự; hãy bám vững những gì là tốt lành” (1Tx 5,21). (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 168).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Cv 10,34a.37-43, Cl 3,1-4; Ga 20,1-9

Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

“Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: “Ðức từ bi của Người muôn thuở”.

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng:  Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

 

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

“Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

 

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. – Alleluia.

 

PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9

“Người phải sống lại từ cõi chết”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

CHÚA GIÊSU PHỤC SINH, NGUỒN HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Mầu nhiệm Chúa Kitô phục sinh qủa là mầu nhiệm “sống còn” đối với niềm tin Kitô giáo chúng ta vì chưng việc Đức Kitô phục sinh chính là bảo chứng cho phần phúc và nguồn hy vọng của chúng ta. Cho nên, Sách giáo lý Hội Thánh công giáo dạy rằng việc sống lại của Đức Kitô mãi vẫn là mầu nhiệm đối với những người tin. Đức tin là ân sủng Thiên Chúa ban, nhưng cũng là sự đáp trả của con người không chỉ bằng ý chí mà con bằng cả lý trí và con tim. Đức tin của chúng ta tin vào Chúa Giêsu sống lại nhờ không chỉ ơn Chúa còn nhờ lời chứng của các Tông đồ và Thánh Kinh là nền tảng cho đức tin và nguồn hy vọng của chúng ta. Vâng đúng thế, bài đọc 1, Sách Công vụ tông đồ, Thánh Phêrô nói: “Chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Giê-ru-sa-lem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (Cv 10,40-41). Còn thánh Phaolô nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì lời rao giảng của chúng ta ra uổng công và đức tin của anh em cũng ra vô ích” (1Cr 15,14).

Và đến bài Tin Mừng, Thánh Gioan thuật lại sự việc ông thấy và tin Chúa Giêsu đã sống lại. Chúng ta để ý trong câu chuyện có 3 người đều “chạy”: Madalêna chạy tìm Simon-Phêrô. Ông Phêrô và môn đệ kia liền chạy ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Ông thấy cái gì? Ông thấy Thiên Chúa đặt sẵn những dấu chỉ giúp 3 người chạy tìm Chúa sống lại: đó là một ngôi mộ trống, những khăn vải liệm còn đó được xếp gọn gàng và những lời tiên báo việc Chúa Giêsu sống lại theo Thánh Kinh. Và nhất là ông Gioan vừa chạy vừa cố ôn lại những gì Thầy đã đôi ba lần nói trước kia rằng: Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại” (Mc 9,31). Vì vậy, khi nhìn ngôi mộ trống, khăn liệm, xếp gọn gàng, “môn đệ kia” đã đọc được ý nghĩa của những dấu chỉ ấy nên đã thấy và đã tin Chúa Giêsu đã sống lại.

Sống trong đời sống, chúng ta nuôi dưỡng nhiều niềm hy vọng khác nhau: sống lâu và bền bỉ hơn, mọi người trở thành người tốt, làm ăn thịnh vượng, hạnh phúc, mạnh khỏe, mau mắn, không có đau khổ…. Tất cả những điều này đều tốt nhưng chúng ta không thể chắc chắn rằng nó sẽ xảy ra hay không. Có thể là có nhưng cũng có thể là không. Vậy thì chúng ta có thể đặt niềm hy vọng vào điều gì sẽ không làm chúng ta thất vọng. Thánh Augustinô trả lời: “Chúa sống lại là niềm hy vọng của chúng ta” (Sermon:1). Cho nên, chúng ta đặt niềm hy vọng nơi Chúa Giêsu trỗi dậy từ trong kẻ chết thì chính con người và cuộc sống của chúng ta sẽ được cứu độ đời này và đời sau vì chưng Thánh Phaolô nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm10,9). Vì thế, chúng ta không chỉ mong ước điều gì đó tốt đẹp sẽ đến và chúng ta tin tưởng hy vọng chắc chắn vào Chúa Giêsu phục sinh thì nói như Lời Chúa trong bài đọc 2 rằng: “Sự sống mới của chúng ta hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Khi Đức Ki-tô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, chúng ta sẽ được xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3,4).

Qua các bài Lời Chúa hôm nay, chúng ta tái khám phá niềm hy vọng của chúng ta vào Chúa Giêsu Phục Sinh. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô thứ XVI đã từng nói: “Nếu chúng ta loại bỏ Đức Kitô và sự phục sinh của Người, con người chẳng còn lối thoát, và niềm hy vọng của mỗi người chúng ta cùng trở nên rỗng tuếch” (Sứ điệp Phục Sinh Urbri et Orbri 2009). Vì vậy, sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô giúp mỗi chúng ta biết hướng về Thiên đàng để được sống thay vì chỉ biết nhìn xuống và sống trong đau khổ và tội lỗi. Hướng về Thiên đàng để rồi từ nay mỗi chúng ta không sống trong sự thất vọng nhưng luôn sống trong tinh thần lạc quan và hy vọng. Vì từ con người phải chết và chết đời đời do tội, nay nhờ sự Phục Sinh, chúng ta sẽ được sống muôn đời. Cũng như Đức Giê-su đã phải trải qua đau khổ và Cái Chết mới được Sống Lại, chúng ta cũng được vững tin và hy vọng dẫu có những khó khăn, gian nan và thử thách vì biết rằng “Hạt giống có chết đi mới sinh ra bông hạt khác”(x.Ga 12,24). Chúa Giêsu Phục Sinh là nguồn hy vọng của chúng ta, vì thế, chúng ta cố gắng sống vươn lên, bình an và hy vọng mỗi ngày dù tội lỗi, có gặp những khó khăn, thử thách đau khổ vì phải trải qua thập giá mới đến vinh quang như Chúa Giêsu. Sự phục sinh của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao vì chưng chúng ta có thể sống cuộc sống sung mãn Người ban cho ngay bây giờ trên mặt đất này cùng với lời hứa của Chúa Giêsu về cuộc sống vĩnh cửu trên Thiên Đàng, “Các con hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33); “Các con đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi, Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban cho các con bình an của Thầy” (Ga 14,27); “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Nhiều lúc chúng ta sống không có niềm hy vọng, có lúc thất  vọng, nhưng vì chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đừng bao giờ mất hy vọng, mất đức tin và mất bình an vì chưng Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta và cứu chuộc trong mọi hoàn cảnh vì chưng chính Thiên Chúa đã trỗi dậy từ cõi chết, thì chúng ta cũng sẽ trỗi dậy và sống mật thiết với Ngài trong đức tin, đức hy vọng, bình an của Ngài. Cho nên, trong mùa Phục Sinh này, chúng ta hãy luôn sẵn sàng để nói với mọi người rằng chúng ta luôn đặt hy vọng vào sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô vì Ngài là Đấng Cứu độ chúng tôi từng giây từng phút và từng hoàn cảnh trong đời. Amen.

 

SUY NIỆM I

CHÚNG TÔI XIN LÀM CHỨNG

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

Buổi sáng vội vã

Vào buổi sáng ngày lễ Vượt Qua này, theo các trình thuật Tin Mừng, dường như mọi người đều ở trong tâm trạng bồn chồn, có vẻ rất vội vã. Ngay từ sáng sớm, đã có nhiều người tìm đến một ngôi mộ, mỗi người có hoàn cảnh và mục đích riêng.

Theo Tin Mừng Maccô, “sáng tinh sương, ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc …”, các phụ nữ đã chứng kiến việc an táng Ðức Giêsu vào ngày thứ sáu, đã ra mộ, mang theo dầu thơm để ướp xác Ðức Giêsu… Sau đấy, khi đã nhìn thấy ngôi mộ trống, và gặp một nhân vật lạ, các bà đã rời nơi ấy, “cắm đầu chạy, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía”.

Còn theo Tin Mừng Gioan, cô Maria Mácđala ra thăm mộ và “thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”. Mấy ngày trước đây, cô đã trải qua những giờ phút đầy phiền muộn khi chứng kiến Vị Thầy yêu quý của mình chịu chết và được an táng trong mộ. Lúc này, cô cảm thấy sợ hãi: cô nghĩ rằng ai đó đã lấy cắp thi thể của Ðức Giêsu và đem đi mất. Trong đầu cô xuất hiện một mối hoài nghi: Ðức Giêsu đã là nạn nhân của lòng thù ghét, phải chăng Người còn bị truy đuổi ngay cả khi đã nằm trong mộ? Thế là cô chạy về báo tin cho những người bạn của Ðấng đã từng giải thoát cho cô.

Nghe lời thuật lại của cô Maria Mácđala, hai ông Phêrô và Gioan liền đi ra mộ. Cả hai người đều chạy. Tới mộ, các ông đã nhìn thấy “những băng vải, và khăn che đầu Ðức Giêsu, được cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”. Trước bằng chứng này, các ông gạt bỏ giả thuyết thi thể Ðức Giêsu bị đánh cắp.

Nhưng trong khi ông Phêrô còn phân vân, chưa hiểu được sự kiện xảy ra có ý nghĩa gì, thì người môn đệ Ðức Giêsu yêu quý đã hiểu rõ: ông nhận ra rằng không có chuyện đánh cắp thi thể Ðức Giêsu. Qua các tấm khăn được xếp lại và để riêng, ông đọc thấy những dấu chỉ về một cuộc Phục Sinh đích thực; sự sống đã đánh bại vương quốc tử thần. Chỉ có tình yêu mới đem lại cho người môn đệ ấy cặp mắt sáng ngời, biết nhìn ra mầu nhiệm giấu ẩn đằng sau những sự kiện. Nhờ tình yêu ấy, ông đã nhìn và đã tin, đồng thời khám phá ý nghĩa trọn vẹn của con người Giêsu – Ðấng đang sống.

Trở lại chuyện với cô Maria Mácđala, cũng do tình yêu thúc đẩy, cô đã tìm đến mộ mà than khóc. Nhờ đó, cô là người đầu tiên được gặp gỡ Ðức Giêsu Phục Sinh, và sau đó trở thành người đầu tiên loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Quả là một buổi sáng nhiều vội vã, dồn dập sự kiện quanh một ngôi mộ. Nhiều người đã tìm đến ngôi mộ, và rồi lại từ đó ra đi, bắt đầu một hành trình mới, tin tưởng hơn, hăng hái hơn.

Phục Sinh, một hứng khởi kỳ diệu

Nếu không có Phục Sinh thì cuộc đời Ðức Giêsu đã chấm dứt với một thất bại rõ ràng: chết trên thập giá, những người bạn thân tín bỏ trốn hết.

Tuy nhiên, vấn đề được nêu lên là làm sao có thể giải thích được cái chết ấy là khởi đầu cho một hứng khởi kỳ diệu là niềm tin Kitô giáo? Trong thế kỷ đầu, mặc dù những cuộc bách hại khốc liệt diễn ra khắp nơi, nhưng Ðức Giêsu đã được biết đến, được yêu mến, được tiếp nối và thờ kính ở khắp vùng ven Ðịa Trung Hải và cả những miền lân cận.

Về vấn nạn này, các Tông đồ và các môn đệ đã giải thích: “Ðức Kitô đã sống lại. Chúng tôi xin làm chứng.” Cụ thể như trường hợp ông Gioan: “ông đã thấy và đã tin”. Khởi đầu từ những yếu tố khác nhau như ngôi mộ trống và những lần Ðức Giêsu hiện ra, tất cả trở nên sáng tỏ trước mắt ông: ông nhớ lại những điều Ðức Giêsu nói, những việc Người làm, và ông tin. Nhờ ánh sáng của Thần Khí, ông cảm nghiệm được rằng: Ðức Giêsu đã chỗi dậy, Người đang sống.

Với tất cả các Tông đồ khác cũng vậy. Các ông xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh và xác tín này làm thay đổi cuộc đời các ông: thái độ sợ hãi được nhường chỗ cho thái độ can đảm trong lòng tin. Các ông sẵn sàng làm chứng về Ðức Giêsu Phục Sinh dù phải hy sinh tính mạng. Cũng nhờ xác tín đó, nhờ thái độ can đảm và kiên quyết, các ông đã lôi kéo cả một đám người, mỗi ngày một đông hơn, Do Thái lẫn dân ngoại, đi theo các ông và cùng tin như các ông. Sau đó, đến lượt mình, những người này cũng quả quyết Ðức Giêsu đã sống lại, Người là Chúa.

Thật thế, sự chỗi dậy từ cõi chết là đỉnh cao trong cuộc đời Ðức Giêsu, giúp cho các Tông đồ thấy rõ cuộc đời và con người Ðức Giêsu. Ðối với các ông, những lời Người nói, những việc Người làm, lời Người cầu nguyện, nhất là cái chết của Người, tất cả đều có ý nghĩa thâm sâu và phong phú. Sự Phục Sinh này đã mở mắt các ông, cho các ông nhận ra Ðức Giêsu thực sự là Con Thiên Chúa, Người là ánh sáng trần gian.

Do đó, cái chết của Người trên thập giá có ý nghĩa đặc biệt: đó không phải là dấu chứng về thất bại, nhưng là chứng tá tuyệt vời về tình yêu. “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”(Ga 15,13). Trước mắt các ông, Ðức Giêsu thật là Ðấng Cứu Thế.

Mở đường hướng tới tương lai

Cuộc Phục Sinh của Ðức Giêsu cũng soi chiếu cuộc đời chúng ta và lôi kéo chúng ta. Ðức Giêsu, Ðấng đã trải qua cái chết, chính Người là Thiên Chúa, đồng thời cũng vẫn là một người như chúng ta, là anh em của chúng ta. Lễ Phục Sinh đem lại cho chúng ta biết bao hứng khởi để cố gắng bênh vực con người, để mỗi người cũng được phục sinh như Ðức Kitô.

Quả thế, lễ Phục Sinh cho thấy tất cả mọi khía cạnh trong câu nói của Ðức Giêsu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở trong tình thương của Thầy… hãy yêu thương nhau …”

Những việc Ðức Giêsu làm, những lời Người nói giúp chúng ta nhìn cuộc đời theo một cách thức mới; chính Người là Thầy, nhưng lại sống trong thân phận một tôi tớ. Người đã nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó… ai hiền hoà… xây dựng hoà bình …” và Người đã sống đến cùng. Chính Thiên Chúa nói trong Ðức Giêsu Kitô và thúc đẩy chúng ta bước theo Người, hành động như Người.

Lễ Phục Sinh còn mở ra cho chúng ta những cánh cửa hướng tới tương lai. Phục Sinh, đó là vượt qua. Ðức Giêsu là người đầu tiên vượt qua để làm cho chúng ta cũng vượt qua với Người. Phục Sinh, đó là cánh cửa hướng đến sự sống không bao giờ tận: từ nay cuộc đời trần thế của chúng ta đã có một chiều kích mới, chiều kích vĩnh cửu.

Với Ðức Giêsu Phục Sinh, không có con đường nào là con đường cùng, không lối ra; cái chết không còn phải là rào cản; tội lỗi có thể được thứ tha và tội nhân có thể được giải thoát. Chúng ta luôn có thể lên đường lại, và không bao giờ thất vọng về chính mình cũng như người khác, bởi vì từ nay, Ðức Giêsu đã làm nảy sinh tình yêu, khởi đầu từ những hận thù đổ xuống trên chính Người.

* * * * *

“Này Mzaria,

hãy mau tìm các môn đệ của Thầy, hãy cất tiếng hát đem lại bình an cho những người bạn của Thầy đang sợ hãi, để họ thức dậy và đến gặp Thầy, để họ thắp lên những ngọn đuốc.

Này các Tông đồ, hãy xua đi mọi ưu sầu phiền muộn, vì Thầy đã chỗi dậy và đem lại sự sống cho loài người đang tuyệt vọng.” (theo Romanos le Melode)

SUY NIỆM III

Bắt Đầu Từ Ngôi Mộ Trống

Jn.nvh

Anh chị em thân mến. Hôm nay, chúng ta cùng nhau cử hành đại lễ Phục Sinh – ngày Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết. Tiếng chuông vang lên sáng nay không chỉ là âm thanh báo hiệu một ngày lễ, mà là lời loan báo Tin Mừng lớn lao: Chúa đã chiến thắng sự chết, và Người mời gọi chúng ta bước vào niềm vui của sự sống mới. Lời Chúa hôm nay, từ sách Công vụ Tông đồ, thư Thánh Phaolô, đến Phúc Âm Thánh Gioan, như ngọn gió mát lành thổi qua cuộc sống bận rộn của chúng ta, mang theo hy vọng và sức mạnh để chúng ta sống xứng đáng là con cái của Đấng Phục Sinh.

Hãy tưởng tượng cảnh Thánh Phêrô đứng giữa đám đông, mạnh mẽ tuyên bố: “Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại”. Lời ấy không chỉ là một ký ức xa xưa, mà là một trải nghiệm sống động. Phêrô và các môn đệ không chỉ thấy Chúa sống lại qua sách vở hay lời kể, nhưng qua chính những giây phút gần gũi, thân tình: cùng ngồi bên bàn ăn, cùng chia sẻ niềm vui. Với người Việt chúng ta, “ăn uống cùng nhau” là dấu chỉ của tình thân, của sự hiệp thông sâu đậm. Chúa Giêsu Phục Sinh đã chọn cách ấy để gặp gỡ các môn đệ, để củng cố niềm tin của họ, và rồi sai họ đi làm chứng cho Người giữa muôn dân.

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô từng nói: “Chúa Giêsu không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một Đấng sống động, vẫn đang đồng hành với chúng ta hôm nay” (Tông huấn Christus Vivit, số 124). Người vẫn hiện diện giữa chúng ta, đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể. Anh chị em sống giữa Đà Nẵng, nơi nhịp sống nhanh đến chóng mặt, có bao giờ chúng ta dừng lại để nhận ra rằng mỗi lần rước lễ, chúng ta đang “ăn uống” với Chúa Phục Sinh không? Tu đức Kitô giáo dạy chúng ta rằng: gặp gỡ Chúa không chỉ là việc đến nhà thờ, nhưng là để Người bước vào cuộc sống thường ngày của mình. Giữa những con đường tấp nập, giữa những lo toan cơm áo gạo tiền, hãy để Chúa Phục Sinh đồng bàn với chúng ta, để Người biến đổi lòng chúng ta, từ lo lắng thành bình an, từ nghi ngờ thành tin tưởng.

Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Côlôxê, nhắc nhở chúng ta một cách rất thực tế: “Nếu anh em đã sống lại với Đức Kitô, hãy tìm những sự trên trời”. Lời này như một lời cảnh tỉnh giữa cuộc sống đô thị hôm nay. Đà Nẵng của chúng ta đẹp lắm, với sông Hàn lộng lẫy, với những cây cầu lung linh, nhưng cũng đầy những cám dỗ kéo chúng ta xuống: chạy theo vật chất, đua đòi ganh đua, hay thờ ơ với tha nhân. Phục Sinh mời gọi chúng ta ngẩng đầu lên, hướng lòng về những giá trị vĩnh cửu. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô từng chia sẻ: “Người Kitô hữu là người mang niềm vui Phục Sinh, và niềm vui ấy phải được trao ban cho người khác” (Bài giảng Lễ Phục Sinh 2020).

Nhưng làm sao để sống niềm vui ấy giữa đời thường? Tu đức thực tế dạy chúng ta: niềm vui Phục Sinh không phải là thứ cảm xúc thoáng qua, mà là một chọn lựa kiên trì. Chẳng hạn, khi chúng ta mỉm cười với người bán hàng rong bên đường, khi chúng ta dành chút thời gian lắng nghe một người đang buồn khổ, hay khi chúng ta tha thứ cho ai đó đã làm tổn thương mình – đó chính là cách chúng ta “tìm những sự trên trời”. Thánh Phaolô còn nói: “Hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới, là bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật”. Men cũ là gì? Là lòng ích kỷ, sự giả dối, những thói quen xấu mà chúng ta đôi khi để mặc. Hãy để Chúa Phục Sinh giúp chúng ta gột rửa men cũ ấy, để trở thành những con người mới, mang hương vị của tình yêu và hy vọng giữa lòng thành phố này.

Rồi chúng ta đến với Phúc Âm, nơi Thánh Gioan kể lại câu chuyện ngôi mộ trống. Maria Mađalêna chạy ra mồ từ sáng sớm, lòng đầy hoang mang vì thấy tảng đá đã lăn ra. Phêrô và Gioan cũng vội vã chạy đến, và khi Gioan cúi xuống nhìn thấy khăn liệm được xếp gọn gàng, “ông thấy và tin”. Ngôi mộ trống không phải là dấu chấm hết, mà là khởi đầu của niềm tin. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô từng nói: “Ngôi mộ trống là lời mời gọi chúng ta bước vào mầu nhiệm Phục Sinh, để khám phá rằng sự sống luôn mạnh hơn sự chết” (Sứ điệp Phục Sinh 2021). Chúng ta quá biết, cuộc sống ở Đà Nẵng hôm nay không thiếu những “ngôi mộ” của đau khổ: bệnh tật, thất bại, hay những mất mát trong gia đình. Nhưng Phục Sinh nói với chúng ta rằng: không có ngôi mộ nào là cuối cùng, vì Chúa đã lăn tảng đá ra khỏi cuộc đời chúng ta.

Tu đức nhắc chúng ta một điều rất đơn sơ: tin vào Chúa Phục Sinh không chỉ là tin vào một biến cố cách đây 2000 năm, nhưng là để Người sống trong từng giây phút hiện tại. Khi chúng ta đứng bên bờ sông Hàn, ngắm ánh đèn lung linh, hãy nhớ rằng Chúa Phục Sinh đang đi trước chúng ta, như Người đã đi trước các môn đệ đến Galilêa. Người chờ chúng ta trong những nụ cười của con trẻ, trong bàn tay chai sần của người lao động, trong lời kinh của cộng đoàn. Hãy để niềm tin ấy thắp sáng cuộc sống chúng ta, để mỗi ngày đều trở thành một ngày Phục Sinh.

Anh chị em thân mến, Hôm nay là ngày của niềm vui lớn lao, như Thánh Vịnh chúng ta vừa hát: “Đây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan”. Giữa lòng Đà Nẵng, tôi mời anh chị em sống niềm vui Phục Sinh bằng những việc rất cụ thể: một lời nói yêu thương với người thân, một cử chỉ giúp đỡ người nghèo, một khoảnh khắc tĩnh lặng để cầu nguyện. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhắn nhủ: “Hãy để Chúa Phục Sinh bước vào cuộc đời bạn, và bạn sẽ thấy mọi sự được biến đổi” (Bài giảng Lễ Phục Sinh 2022).

Xin Chúa Giêsu Phục Sinh, Đấng đã chiến thắng sự chết, ban cho anh chị em sức mạnh và bình an, để chúng ta trở thành những chứng nhân sống động của Người giữa thành phố này. Ngài đã sống lại thật! Alleluia! Amen.

 

SUY NIỆM IV

CHÚA PHỤC SINH, NỀN TẢNG ĐỨC TIN CỦA HỘI THÁNH

(Hội An 20/4/2025)

Lm. Giuse Nguyễn văn Thú

Cuộc phục sinh của Chúa Giê-su là nền tảng đức tin của toàn thể Hội Thánh và Chúa Nhật Phục Sinh là ngày Ki-tô hữu vui mừng sống điều không thể hiểu, đó là Đức Giê-su Nazareth từ cõi chết sống lại. Biến cố phục sinh này giải thích sự tồn tại và phát triển của Giáo Hội hơn 2.000 năm qua và là lý do tại sao chúng ta ở đây, tại sao hơn 2 tỷ người trên thế giới vui mừng trong ngày lễ này. Niềm vui của Hội Thánh khởi từ điều lạ lùng vĩ đại, đó là tảng đá rất lớn che cửa mộ đã được lăn sang một bên, ngôi mộ Chúa Giê-su mở ra và mãi mãi trống rỗng, bấy giờ Hội Thánh tuyên xưng Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại.

  1. 1. Từ tảng đá bị lăn ra khỏi mộ

Chúa phục sinh là biến cố vượt ngoài trí hiểu của con người. Trong lịch sử thế giới, chỉ ngôi mộ của Chúa Giê-su, Đấng mà người Do Thái và Rôma xem là kẻ tử tội, lại có những người lính đến canh mộ để cho người chết bên trong không thể sống lại đi ra bên ngoài và ảnh hưởng bên ngoài. Họ canh gác một người mà họ xác nhận đã chết, một người không thể đi lại và trái tim không còn đập nhịp. Họ sợ lời Chúa báo trước rằng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại ứng nghiệm, nên canh giữ mộ và niêm phong cả tảng đá lớn lấp cửa mộ.

Ngay cả những người thân thuộc với Chúa Giê-su cũng không thể nghĩ đến cuộc sống lại của Chúa, bởi điều đó xa lạ dù với óc tưởng tượng của họ. Họ chạy ra mộ và chỉ nghĩ đến việc xức dầu cho xác đã chết, một hành động xuất phát từ tình yêu tuyệt vọng, chứ không tin Chúa sống lại, bởi chính họ đã chứng kiến việc an táng Chúa trong mộ. Nếu họ tin Chúa sống lại, thì chỉ sống lại vào ngày tận thế, chứ không tin Chúa sống lại vào giữa lịch sử của họ. Họ nhớ đến cái chết nhiều hơn nhớ đến sự phục sinh của Chúa, trí óc họ nghĩ đến ngày thứ Sáu buồn thảm hơn là nghĩ đến ngày thứ nhất trong tuần vinh quang. Vì thế, dù đã đến ngày thứ nhất trong tuần rồi mà họ vẫn tiến ra mộ để lo việc xức xác Chúa, không mong đợi Chúa sống lại. Họ lo sợ: “Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi mộ cho chúng ta?” Đó là tiếng kêu của những tâm hồn thiếu vắng đức tin.

Một khi các tín hữu chưa tin vào lời Chúa đã báo trước và chưa nhận ra Chúa sống lại trong đời sống Giáo Hội và đời sống của tín hữu, họ không thể có niềm vui đích thực trong cuộc sống. Thay vì tin tưởng Chúa đã sống lại và nhận ra “Chúa Ki-tô đang trước mặt tôi, Chúa Ki-tô bên cạnh tôi, Chúa Ki-tô trong tôi, không bao giờ rời xa,” như kinh nghiệm đức tin của thánh Patrick “tông đồ của Ireland”, thì đời của những người thiếu vắng đức tin sẽ là cuộc đời câm nín nói về Chúa và thỏa sức sống theo ý riêng mình, bất chấp tội lỗi. Cuộc đời họ đầy dẫy câu hỏi: ai sẽ lăn tảng đá buồn phiền ra khỏi cuộc đời tôi, ai sẽ giúp tôi và gia đình tôi an bình và yêu thương, ai sẽ giúp cho tôi điều này, điều khác… như một kẻ vô vọng giữa cuộc đời, vì họ chỉ nghĩ đến ngày thứ Sáu và không ngờ rằng có ngày thứ nhất trong tuần.

  1. Đến sự hăng hái truyền giáo của Hội Thánh

          Mọi sự biến đổi vào ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa sống lại. Khi ra đến mộ, những phụ nữ thấy tảng đá lớn được lăn sang một bên, bên trong mộ trống, nhưng họ không vội kết luận Chúa đã sống lại; trái lại, họ nghĩ rằng ai đã mang xác Chúa đi. Vì vậy, các tín hữu đầu tiên tin Chúa đã sống lại không chỉ vì thấy mồ trống, mà còn vì nhớ lại lời Chúa đã báo trước về sự phục sinh của Ngài từ cõi chết, nhất là sự xông xáo loan báo Tin Mừng của những người trước đó thiếu vắng lòng tin, nay được biến đổi, hăng hái đi khắp nơi, bất chấp phải chịu tử đạo để làm chứng Chúa đã sống lại và đang sống giữa thế giới này. Họ không còn là người tuyệt vọng, mà trở thành người tràn trề hy vọng. Đặc biệt là sự biến đổi của Phaolô, từ một kẻ bách hại các tín hữu, đã trở thành tông đồ nhiệt thành say mê rao giảng Tin Mừng Chúa sống lại khắp thế giới ngoại giáo. Như nhà bác học Pascal đã nói: “Tôi chỉ tin những chứng nhân đã sẵn sàng chịu chém cổ để làm chứng lời mình nói” và như giáo phụ Tertullianô quả quyết: “Máu các thánh tử đạo trổ các tín hữu,” thì nơi đâu có những tín hữu can trường sống đức tin vào Chúa Giê-su phục sinh, nơi đó cộng đoàn Giáo Hội càng lớn mạnh và Tin Mừng Chúa sống lại được loan báo.

Vì thế, sự sống lại của Chúa Giê-su là nền tảng của đức tin Ki-tô giáo và của chúng ta, vì sự sống lại của Ngài minh chứng Ngài là Thiên Chúa cứu độ. Đức tin của Hội Thánh xây dựng trên chân lý “Chúa Giê-su là Chúa; Người đã sống lại!” (Rm 10,9) và chân lý này là nền tảng lời rao giảng của Hội Thánh. Có một câu chuyện về hai người phụ nữ đứng trước Nhà thờ Đức Bà Paris. Một người hỏi, “Tại sao chúng ta không thể xây dựng những công trình như thế này nữa?” Người bạn của cô trả lời, “những người xây dựng công trình này phải có đức tin. Ngày nay chúng ta chỉ có những ý kiến. Và bạn không thể xây dựng một nhà thờ bằng ý kiến.” Nhà thờ tượng trưng cho Hội Thánh. Tín hữu chỉ xây dựng giáo xứ, Giáo Hội bằng đức tin và loan báo Tin Mừng, chứ không bằng chỉ trích, phê bình.

          Chính bà Maria Mađalêna đã tin và gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su phục sinh, bà liền chạy về báo tin mừng này cho mọi người: “Tôi đã thấy Chúa.” Ước gì mọi tín hữu được sống lại với Chúa hôm nay, được tham dự vào phụng vụ trong đại này và được rước Chúa Giê-su phục sinh vào lòng, thì môi miệng mỗi người không nín thinh, nhưng lời nói và đời sống của mỗi người là lời loan báo đầy xác tín cho mọi người chưa biết Chúa và củng cố đức tin của anh chị em mình.

          Xin bình an của Chúa phục sinh ở mãi trong Giáo hội, gia đình và trong mỗi tín hữu Chúa hôm nay.

Gia Vị Cho Bài Giảng

Nguồn: giaophancantho.org

“Chúng ta là những người muốn nghe các câu chuyện về đời sống hằng ngày cũng như về đời sống đức tin…Các câu chuyện đi sâu vào những nơi kín ẩn nhất trong chúng ta và mở ra cho chúng ta những cách thế mới và thân tình để hiểu nhau” – Nuala Kenny

  1. NGƯỜI KHÔNG CÒN Ở ĐÂY

Kim tự tháp ở Ai Cập là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Nhưng nó thực sự chỉ là những ngôi mộ khổng lồ chứa xác ướp của các Pharaô Ai Cập. Tu viện Westminster, Anh quốc cũng nổi tiếng, hàng ngàn người đến thăm nó mỗi năm, vì ở đó xác chết của các nhà văn, triết gia và chính trị gia nổi tiếng được chôn cất. Có một Đền thờ Mộ Thánh ở Giêrusalem, cũng rất nổi tiếng. Tuy nhiên những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới đến kính viếng ngôi mộ đó, thì gặp dòng chữ ở lối vào ghi rằng: “Người không còn ở đây.” Nó nổi tiếng vì Chúa Giêsu, Đấng đã từng được chôn cất ở đó, đã sống lại từ cõi chết, để lại ngôi mộ trống như Người đã báo trước với các môn đệ. Chúa Giêsu đã làm phép lạ quan trọng nhất trong cuộc đời Người, để chúng ta nhận biết Người là Thiên Chúa. Chúng ta vui mừng trước biến cố trọng đại và độc đáo này bằng lễ mừng Phục Sinh.

  1. CHIM PHƯỢNG HOÀNG

Cố Tổng Giám mục Công giáo của bang Hartford, John Whealon, (mất ngày 2 tháng 8 năm 1991), đã trải qua cuộc phẫu thuật ung thư dẫn đến cắt bỏ ruột già vĩnh viễn. Trước biến cố cuộc đời này ngài đã viết những lời rất tâm tư trong sứ điệp Phục sinh cuối cùng của mình: “Bây giờ tôi là thành viên của hiệp hội những người ung thư. Hiệp hội đó có biểu tượng là chim phượng hoàng, một loài chim trong thần thoại Ai Cập. Nhà thơ Hy Lạp Hesiod, người sống tám thế kỷ trước Chúa Giêsu ra đời, đã viết về loài chim huyền thoại này trong bài thơ của mình. Khi con chim cảm thấy cái chết gần kề (cứ sau 500 đến 1461 năm), nó sẽ bay đến Phoenicia, xây một cái tổ bằng gỗ thơm và tự thiêu. Khi con chim bị ngọn lửa thiêu rụi, một con phượng hoàng mới bay ra từ đống tro tàn. Vì vậy, phượng hoàng tượng trưng cho sự bất tử, sự phục sinh và cuộc sống sau khi chết. Nó tóm tắt sứ điệp Phục sinh một cách hoàn hảo. Chúa Giêsu đã từ bỏ mạng sống của Người, và từ ngôi mồ niêm kín Người đã sống lại vào ngày thứ ba. Cuộc sống mới trỗi dậy từ đống tro tàn của cái chết. Hôm nay, chúng ta đang kỷ niệm chiến thắng của Đức Kitô trên nấm mồ và sự chết, hồng ân của sự sống đời đời cho tất cả những ai tin vào Người. Đó là lý do tại sao chim phượng hoàng là một trong những biểu tượng sớm nhất của Chúa Kitô Phục Sinh. Phượng hoàng cũng tượng trưng cho sự vươn lên hàng ngày của chúng ta trong cuộc sống mới. Mỗi ngày, giống như chim phượng hoàng, chúng ta trỗi dậy từ đống tro tàn của tội lỗi để được Chúa hằng sống và Đấng Cứu Thế phục hồi và đổi mới bằng sự tha thứ của Người và sự bảo đảm rằng Người vẫn yêu thương chúng ta và sẽ tiếp tục ban cho chúng ta sức mạnh mà chúng ta cần.”

* Đức Tổng Giám mục John Whealon có thể đã sống trong một ngôi mộ u ám của sự cô đơn, đau đớn  nơi thân xác và nỗi buồn tinh thần, nhưng đức tin vào Chúa Phục sinh đã mở ra cho ngài tầm nhìn mới về cuộc sống.

  1. MŨI HẢO VỌNG

Chúng ta có thể nhớ một bài học địa lý từ trường tiểu học, khi đó chúng ta biết rằng điểm cực phía nam của châu Phi là một khu vực mà trong nhiều thế kỷ đã trải qua những cơn bão lớn. Trong nhiều năm, không ai biết điều gì nằm ngoài cái mũi đó, vì không có con tàu nào đi vòng qua điểm đen đó mà có thể quay trở lại để kể câu chuyện của nó. Theo lời kể của người xưa, nó được gọi là “Mũi Bão” chính vì lý do để nhắc nhở cho các thủy thủ và thuyền trưởng. Nhưng một thời gian sau đó, một nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha vào thế kỷ XVI, Vasco De Gama, đã du hành thành công về phía Đông,  quanh chính tử điểm đó và ông nhận thấy ngoài những cơn bão dữ dội hoành hành, có một vùng biển êm đềm trải dài đến khu vực xa hơn nữa là bờ biển Ấn Độ. Tên của mũi đất đó đã được đổi từ “Mũi Bão” thành “Mũi Hảo Vọng”.

* Cho đến khi Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, cái chết đã là “Mũi Bão” đối với nhân loại. Không ai biết điều gì về thế giới mai sau cho đến khi vào buổi sáng phục sinh, Chúa Giêsu xuất hiện. Người nói: “Vì Ta sống, nên các con cũng sẽ được sống.”

  1. CHỌN CÁI CHẾT BĂNG TUỔI GIÀ

Cách đây khá lâu, có một tên hề cực kỳ thông minh phục vụ trong hoàng cung, bị đem xử tại tòa án của vua Hồi giáo tại Baghdad. Trong nhiều năm, anh ta chưa bao giờ làm triều đình thất vọng bất cứ khi nào họ gọi anh ta đến. Nhưng một ngày nọ, trong một tích tắc bất cẩn, anh ta đã tỏ thái độ xúc phạm đến nhà vua, và ông đã ra lệnh xử tử anh. Nhà vua nói: “Tuy nhiên, vì nhận thấy nhiều năm anh phục vụ tốt đẹp và trung thành, tôi sẽ cho phép anh chọn cách anh muốn chết.” “Ồ, muôn tâu đức vua”, gã hề đáp. “Tôi cảm ơn lòng tốt của ngài. Tôi chọn cái chết…bằng tuổi già”.

* Ai trong chúng ta cũng muốn sống! Nhưng điều đó chỉ làm trì hoãn câu hỏi lớn: sau đó nữa thì sao? Chỉ có Chúa Giêsu mới có câu trả lời, Người nói: “Tôi là sự sống lại và sự sống. Ai tin Tôi, thì dù có  chết, cũng sẽ được sống.”

  1. ANH ẤY LUÔN HUÝT SÁO

Bạn đã nghe câu chuyện về một người đàn ông có sở thích trồng hoa hồng chưa? Khi làm việc trong vườn hồng của mình, anh ấy luôn huýt sáo. Đối với mọi người, dường như anh ta đang huýt sáo to hơn nhiều so với mức cần thiết để làm cho anh ta thích thú. Một ngày nọ, một người hàng xóm hỏi anh tại sao anh luôn huýt sáo rất to. Người đàn ông sau đó đưa người hàng xóm vào nhà để gặp người vợ. Người phụ nữ đó không chỉ là một người tàn tật mà còn hoàn toàn bị mù. Bạn thấy đấy, người đàn ông huýt sáo, không phải vì khoái cảm của mình, mà là vì lợi ích của vợ anh ta. Anh muốn người vợ mù của mình biết rằng anh đang ở gần đây, và cô ấy không đơn độc.

* Lời loan báo “Chúa Kitô đã sống lại!” nhắc nhở chúng ta rằng Chúa luôn gần gũi chúng ta. Kinh nghiệm về sự hiện diện của Người củng cố con người yếu đuối của chúng ta trong cuộc đời.

  1. TÔI MUỐN THẤY SỰ PHỤC SINH CỦA BẠN

Cha Basil Pennington, một tu sĩ Công giáo, kể về cuộc gặp gỡ mà ngài từng có với một thiền sư. Cha Pennington đang thực hiện thời gian linh thao. Theo chương trình, mỗi người có thể gặp vị thiền sư là một phần cuộc cuộc tĩnh tâm. Cha Pennington nói rằng trong cuộc gặp gỡ của mình, vị thiền sư đã ngồi đó trước mặt ngài, ông ta mỉm cười chào đón, nói khá nhỏ và vui vẻ lắc người qua lại… Cuối cùng, vị thiền sư nói: “Tôi yêu mến Kitô giáo. Nhưng tôi sẽ không thích Kitô giáo nếu không có sự Phục sinh. Tôi muốn nhìn thấy sự Phục sinh của chính ngài!”

* Cha Pennington muốn nói rằng: “Với tính bộc trực của mình, vị thiền sư đã nói điều mà mọi người khác ngầm nói với các Kitô hữu: Bạn là một Kitô hữu, bạn đã sống lại với Đức Kitô, hãy chỉ cho tôi thấy điều này có ý nghĩa thế nào đối với bạn trong cuộc sống của bạn để tôi có thể tin Chúa.

  1. CÓ HI VỌNG

Khi Thế chiến thứ hai mới bùng nổ, một tàu ngầm Hải quân Mỹ bị đánh chìm dưới đáy bến cảng ở Thành phố New York. Dường như tất cả thủy thủ đã chết. Bởi không có điện và oxy lại nhanh chóng cạn kiệt. Trong một nỗ lực cuối cùng để giải cứu các thủy thủ khỏi chiếc quan tài thép khổng lồ này, Hải quân Hoa Kỳ đã gửi gấp một con tàu được trang bị các thợ lặn thiện nghệ tới vị trí chiếc tàu ngầm bị chìm. Một số thợ lặn Hải quân đã bơi qua mạn tàu xuống một độ sâu nguy hiểm trong nỗ lực cứu hộ cuối cùng. Các thủy thủ bị mắc kẹt nghe thấy tiếng ủng kim loại của thợ lặn trên bề mặt bên ngoài, và họ mau mắn di chuyển đến nơi mà họ nghĩ rằng sẽ có người cứu hộ. Trong bóng tối, họ gõ vào bản mã Morse: “Có hy vọng nào không?” Người thợ lặn ở bên ngoài nhận ra thông báo, báo hiệu lại bằng cách gõ mạnh vào mạn ngoài con tàu: “Có, có hy vọng.”

* Đây là bức tranh về tình cảnh thế giới của chúng ta. Nhân loại đang bị chìm đắm trong một hoàn cảnh vô vọng, đầy đe dọa. Xung quanh chúng ta đang cạn kiệt niềm hy vọng; chỉ một Đấng từ bên ngoài mới có thể giải cứu chúng ta. Đó chính là Chúa Kitô phục sinh.

  1. MƯỢN ĐẾN CUỐI TUẦN

(Chuyện vui)

Ông Giuse thành Arimathê là một người Pharisêu rất giàu có, thành viên của Thượng Hội đồng, và là một môn đệ bí mật của Chúa Giêsu. Chính ông đã đến gặp Philatô và xin hạ xác Chúa Giêsu xuống sau khi Người chết. Và cũng chính Giuse là người cung cấp ngôi mộ để chôn cất Chúa Giêsu. Có ai đó đã kéo riêng ông ấy ra một nơi và hỏi: “Giuse, đó là ngôi mộ đục bằng tay quá đẹp và đắt tiền. Tại sao anh lại để nó cho người ta mượn chôn?” Ông Giuse đã trả lời. “Tại sao không nhỉ? Ngài chỉ cần nó vào tới cuối tuần thôi mà!”

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm