Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm A
Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm A
29-3-2020
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Phú Thượng
GIÁO HUẤN SỐ 17
CHÚNG TA HỌC TỪ TUỔI TRẺ CỦA ĐỨC GIÊSU
Lịch Giáo Phận trang 56
Những khía cạnh này trong đời sống của Đức Giêsu rõ ràng có thể truyền cảm hứng cho tất cả các bạn trẻ đang lớn lên và sửa soạn đảm nhận sứ mạng của mình trong đời. Điều này đòi hỏi việc lớn lên trong mối tương quan với Chúa Cha, trong ý thức mình là thành phần của một gia đình và một dân tộc, trong sự mở lòng ra để được lấp đầy bởi Thánh Thần và được hướng dẫn để thi hành một sứ mạng mà Thiên Chúa trao cho mình, tức ơn gọi riêng của mình. Không được bỏ qua điểm nào ở đây khi làm việc mục vụ giới trẻ, nhằm tránh việc lập ra những dự án gây tách biệt người trẻ khỏi gia đình và cộng đoàn rộng lớn hơn, hoặc biến họ thành một thiểu số ưu tuyển được bảo vệ khỏi mọi sự uế nhiễm. Đúng hơn, chúng ta cần những dự án có thể kiện cường các bạn trẻ, đồng hành với họ và thúc đẩy họ gặp gỡ những người khác, dấn thân vào những việc phục vụ quảng đại trong sứ mạng. (Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống số 30)
——————————————————–
CN 5 MC NĂM A
(Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45)
Cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) kể trong tác phẩm ‘Hành Trình Và Truyền Giáo’ của người một phép lạ sống lại như sau : “Có một nữ giáo dân rất đạo đức tên là Benoite, mẹ cậu thanh niên mới được rửa tội ít lâu nay tên là Benoit, bà này chết khi tôi đi vắng, vì thế không được xứng tội. Người con hết sức đau khổ vì mất mẹ, nhất là mẹ chưa được xưng tội trước khi chết. Cậu khóc lóc thảm thiết, thật là sầu khổ đôi đường. Do ơn Chúa thúc đẩy, cậu xin giáo dân tới chia buồn đọc kinh cầu nguyện bên giường người chết, xác đã cứng lạnh và bất động từ sáu giờ đồng hồ. Họ đến quì gối, Benoit đọc lớn tiếng kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng, rồi rẩy nước thánh lên mặt mẹ, tức thì bà mở mắt, không những bà sống lại mà còn hoàn toàn khỏi bệnh. Bà chỗi dậy rồi cùng quì xuống với mọi người khác đồng thanh ngợi khen Chúa đã ban cho phép lạ rất hiển nhiên. Mấy ngày sau khi tôi tới thôn đó thì cả mẹ cả con đều kể cho tôi nghe về ơn họ đã nhận được” (Hồng Nhuệ chuyển ngữ, sđd, trang 75).
Bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước Chúa làm phép lạ chữa người mù được sáng mắt, Chúa là ánh sáng (Ga 8,12). Bài Tin Mừng Chúa nhật tuần này Chúa làm phép lạ cho anh La-da-rô chêt 4 ngày được sống lại, Chúa là sự sống lại và là sự sống (Ga 11,25).
Bài đọc 1 : Bài đọc 1 đọc câu chuyện “Những Bộ Xương Khô” trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Ê-dê-ki-en có nghĩa là “Chúa làm cho mạnh sức”. Người được Thiên Chúa chọn làm ngôn sứ tại đất khách lưu đày. Sách Kinh Thánh ấn bản 2011 của nhóm CGKPV giải nghĩa câu chuyện “Những Bộ Xương Khô” như sau : “Chương 37 này là đỉnh cao của lời loan báo : thời lưu đày chấm dứt, thời mới đã khởi đầu. Đồng thời đây cũng là lời giải đáp những thắc mắc nghi ngại có thể có từ phía những người đang lưu đày khi nghe ngôn sứ loan báo, ví dụ : Làm sao Giu-đa lại có ngày phục hưng được hoàn toàn tự do, trước hiện tại quyền lực của vua Na-bu-cô-đô-nô-xo vẫn kể như bá chủ ? Và như thế tình cảnh lưu đày sẽ còn tiếp tục hết đời này sang đời khác. Ngôn sứ xác nhận rằng dân Ít-ra-en hoàn toàn không còn khả năng phục hồi, ví như bộ xương khô đét, nhưng quyền năng vô song của Thiên Chúa có thể phục hồi sinh lực cho những khúc xương khô ấy. Nhờ quyền năng đó, Ít-ra-en sẽ được phục hưng, trở thành một dân tộc thống nhất, không còn chia cắt như xưa” (Sđd trag 1871).
Bài Tin Mừng : Sách Tin Mừng của thánh Gioan kể 7 phép lạ. Phép lạ anh La-da-rô chết 4 ngày sống lại là phép lạ thứ 7. Vì phép lạ này, các nhà lãnh đạo Do Thái quyết định giết Chúa Giêsu : “Trong số những người Do Thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói : ‘Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta… Từ ngày ấy, họ quyết định giết Đức Giê-su” (Ga 11,45-48.53).
Cha Hoàng Đắc Ánh chia sẻ : “Đứng trước cái chết của người bạn và sự đau đớn của người thân, Đức Giê-su đã phản ứng như một con người : Người xao xuyến (Ga 11,33), Người khóc (Ga 11,35). Nhưng đồng thời, Người cũng phản ứng như Người Con Thiên Chúa : Người đã cho ông La-da-rô sống lại, vì Người xin điều gì, Chúa Cha ban cho điều ấy.
“Đối với chúng ta và nhất là người thời Đức Giê-su, một phép lạ như thế thật là tuyệt đẳng. Lúc ấy người ta chưa biết rõ sẽ có sự sống lại hay không. Thực thì, từ thế kỷ 2 và thứ 1 trước Công Nguyên đã xuất hiện một niềm tin thật kỳ diệu và mới mẻ, là dù có chết, con người cũng sẽ sống lại ngày sau hết (Đn 12,1-3; 2Mcb 7,9-14.22-24;12,43-45). Nhưng niềm tin này chưa được mọi người chia sẻ. Nhóm tư tế thì không tin, còn nhóm Pha-ri-sêu thì tin (Cv 23,6-9; Mt 22,23-33) . Cô Mát-ta cũng tin như nhóm thứ hai (Ga 11,24). Nhân dịp ông La-da-rô đau và chết, Đức Giê-su đã biến hy vọng của nhân loại thành sự thực : cho ông La-da-rô sống lại. Người tiên báo Người sẽ ban sự sống cho nhân loại đã phải khổ đau chết chóc vì tội lỗi. Người sẽ giải thoát, chỉ đòi nhân loại tin Người là Con Thiên Chúa” (Tin Mừng Theo Thánh Gio-an trang 186).
Bài đọc 2 : Tội lỗi đem sự chết đến cho con người. Chúa Ki-tô đã chết trên Thánh Giá để đem lại sự sống cho con người. Trong bài đọc 2, thánh Phao-lô đưa ra phương thế để được sự sống. Sách Kinh Thánh ấn bản 2011 của Nhóm CGKPV viết : “Thánh Phao-lô trở lại với đề tài đã bỏ lửng ở 5,1-11. Sau khi đã thắng tội lỗi (ch.5), sự chết (ch.6)…nhờ liên kết với chiến thắng của Chúa Ki-tô, một đời sống mới đã khai mạc. Tất cả ch.8 này là cao điểm của thư Rô-ma và nói lên nền tảng đời sống mới của người tín hữu : sống theo sự tác động của Thấn Khí, chứ không theo sự thúc đẩy của tội lỗi (8,1-13), được Thiên Chúa nhận làm con, bảo đảm được sống đời đời với Chúa Ki-tô (8,14-17); tin chắc sẽ được hưởng vinh quang Thiên Chúa dành cho con cái Người (8,18-27) (Sđd trang 2498).
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, Mẹ đầy ơn phước và quyền năng… Chúng con xin Mẹ thương đến chúng con : cho mọi tín hữu biết can đảm tuyên xưng đức tin, biết cải thiện đời sống, để trở thành một cộng đoàn hiệp nhất, chia sẻ và yêu thương.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành