Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm B


CN.5.MC.B

(Gr 31,31-34; Dt 5,7-9; Ga 12,30-34)

Niềm Vui Yêu Thương

Yêu là Phục Vụ Người Khác : “Từ ngữ kế tiếp mà Thánh Phao-lô dùng là chresteuetai. Trong toàn bộ Thánh Kinh, từ này chỉ được dùng ở đây mà thôi. Nó có gốc ở từ chrestos, có nghĩa là một người tốt qua các việc làm của mình. Ở đây trong quan hệ song song chặt chẽ với động từ đi trước, nó phục vụ như một sự bổ sung. Thánh Phao-lô muốn nêu rõ rằng ‘nhẫn nhục’ không phải là một thái độ hoàn toàn thụ động, nhưng là một thái độ gắn liền với hoạt động, với một tương tác năng động và đầy sáng tạo với người khác. Từ ngữ này cho thấy rằng tình yêu giúp ích cho người khác. Vì vậy nó được dịch là ‘nhân hậu’, yêu thì luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ” (Số 93).

“Xuyên suốt bản văn, rõ ràng Thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh rằng tình yêu không phải là một cảm xúc thuần thúy. Đúng hơn, nó phải được hiểu theo động từ ‘yêu’ của tiếng Hip-ri, nghĩa là ‘làm điều tốt’. Như Thánh I-nha-xi-ô Loy-o-la nói : ‘Tình yêu được thể hiện bằng việc làm nhiều hơn bằng lời nói’. Như vậy, nó cho thấy hoa quả của nó và cho phép chúng ta cảm nghiệm niềm hạnh phúc của việc trao ban, sự cao quí và vĩ đại của việc dâng hiến chính mình một cách hào phóng, mà không yêu cầu được đền đáp, nhưng chỉ thuần thúy vì niềm vui của việc trao ban và phục vụ” (số 94 – Lê Công Đức chuyển ngữ).

 CN.5.MC.B

 

Các cha dòng Tên đem hạt giống Tin Mừng đến Đà Nẵng ngày 18-1-1615, thì  năm 1644, 29 năm sau, có một người bị bắt vì đạo, một “hạt lúa phải chết đi, để sinh nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Đó là cụ già Anrê. Cụ được vinh dự là người bị bắt vì đạo đầu tiên tại Quảng Nam và cả Miền Nam.

 Tháng 7-1644, quan trấn Quảng Nam ra lệnh cấm đạo và bắt cụ già Anrê. Cha Đắc Lộ kể  : “Tôi đi chào quan tổng trấn (Vĩnh Điện) mà không hề biết các âm mưu của ông chống chúng tôi. Tôi chỉ được báo tin, khi tới cửa dinh quan trấn, do một người Bồ Đào Nha nói cho biết những gì xảy ra… Tôi tới gặp quan tổng trấn làm như thể không hay biết gì về những việc ông đã làm. Ông nói chuyện với tôi một cách rất cứng cỏi và tôi biết rõ không thể lay động ông được. Tôi đi tới trại giam để thăm ông lão tốt lành. Tôi thấy ông mang gông, nhưng vui vẻ như đang ở trong dinh thự. Tôi muốn ở lại với ông suốt đêm, nhưng người cai ngục không cho” (Trương Bá Cần, Lịch Sử Công Giáo Việt Nam, T.I, trang 88).

Cha Đắc Lộ viết về gia thế của cụ như sau : “Cụ thuộc vào số những người theo đạo trước hết, không những trong tỉnh Quảng Nam quê quán của cụ, mà trong cả xứ Nam. Hơn nữa cụ còn được hân hạnh là người chịu thử thách đầu tiên vì Danh Chúa, không phải một lần mà bốn lần. Lần nào cụ cũng can đảm chiến đấu, đứng về phía  Thầy mình., vượt thắng những kẻ thù đức tin. Cụ là người đầu tiên bị giam tù vì đạo…

Phu nhân của cụ tên là bà I-nha-xu. Bà sinh hạ được hai người con là cậu Emmanuel và Louis… Nhà ông bà là nơi trú ẩn của những người có đạo trong thời bình cũng như khi gặp cơn gió bão. Ông cụ đã cất một ngôi nhà thờ rộng rãi, nhiều người ngoại đã được giáo huấn và được lãnh nhận phép rửa ở đó… Vì thế, hai ông bà và các con luôn bị người ta phiền nhiễu, và khu nhà của cụ cũng nhiều lần bị phá phách. Nhưng tất cả những cái đó không làm cho cụ mất lòng mến Chúa Giêsu Kitô. Là một vị quan có địa vị và được kính nể trong vùng Quảng Nam, cụ đã biết yêu ô nhục của thập giá hơn những vinh dự xứ Ai Cập. Quan trấn ngược đãi cụ mãi cũng phải chán tay. Cụ vẫn mong muốn được chịu khổ vì đạo…

 Theo những bức thư cuối cùng ở xứ Nam mà tôi nhận được, viết vào khoảng năm 1648, thì cụ đã chết một cách thánh thiện tại tư gia của cụ. Cụ luôn bền vững trong đức tin và đầy vinh dự vì bao khổ nhục cụ đã chịu đựng vì đạo Chúa” (Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo Ở Việt Nam, T.I, trang 169).

Lý tưởng người đời là tiền bạc, là quyền hành và là danh vọng. Tiền để tiêu xài; quyền hành để sai bảo, và danh vọng để được tiếng tăm. Nhưng Chúa Giêsu và các thánh hay cụ Anrê thì khác : không phải tiền bạc, không phải quyền hành, không phải danh vọng, mà là phục vụ.

BTM : Lời Chúa Giêsu nói trong BTM thánh lễ hôm nay là lời Chúa nói vào ngày thứ hai Tuần Thánh tại Đền Thờ Giêrusalem. Chúa Giêsu nói : “Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha Thầy sẽ quí trọng người ấy” (Ga 12,26).

Phục vụ đến nỗi chết. Chúa Giêsu nói : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (Ga 12,23). Giờ là giờ chết. Chúa sẽ được Chúa Cha tôn vinh khi Chúa chết. Chúa dùng hình ảnh hạt lúa để diễn tả cái chết vinh quang của Chúa : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó cứ trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24). Chúa còn diễn giải rằng : “Ai quí trọng mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).

Trước cái chết ai cũng sợ, bị đau khổ ai cũng than van. Chúa Giêsu cũng vậy. Chúa đã than van : “Tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây ? (Ga 12,27a). Theo sách Phúc Âm thánh Gioan ba lần Chúa Giêsu xao xuyến : Lần 1 : Chúa “xao xuyến” bên mộ anh La-da-rô (Ga 11,33); lần 2 : Chúa “xao xuyến” khi nghĩ đến cái chết trong BTM hôm nay; lần 3 : Chúa “xao xuyến” khi loan báo Giuđa sẽ phản Chúa (Ga 13,21). Chúa không muốn chết đau khổ. Chúa đã cầu nguyện : “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này”  (Ga 12,27b).

Bđ2 : Bđ2 thư Do Thái còn nói Chúa khóc trước đau khổ, trước cái chết : “Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5,7).

Dù không muốn đau khổ, không muốn chết, song Chúa vẫn sẵn sàng : “Nhưng chính vì giờ này mà Con đã đến” (Ga 12,27c).

Bđ1 : Con người sống ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, vơ vét cho mình. Người khác bị thiệt thòi mặc kệ. Chính vì thế, Thiên Chúa muốn cải đổi tâm tính con người. Luật Chúa không chỉ còn ở trên môi trên mép, trên giấy trên bàn, song phải được ghi trong lòng, trong tim. Qua ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong bđ1, Thiên Chúa phán : “Ta sẽ ghi vào lòng dạ của chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta” (Gr 31,33).

Hôm nay là chúa nhật cuối cùng của Mùa Chay cũng gần ngày lễ Thánh Giuse. Xin thánh Giuse giúp chúng ta nhận ra được cái chết phục vụ của Chúa. Cũng như cụ Anrê ở Quảng Nam đã nhận ra được cái chết phục vụ của Chúa, để rồi cụ cũng sẵn sàng phục vụ Chúa và tha nhân, dù có bị  phiền nhiễu, bị lao tù (25-3-2012)

——————————————-

CN.5.MC.B

CN.5.MC hôm nay cũng là chúa nhật gần ngày lễ Thánh Giuse. Các sách Phúc Âm không nói đến thánh Giuse chết khi nào và chết cách nào. Căn cứ vào sách Phúc Âm người ta đóan thánh Giuse qua đời trước khi Chúa đi rao giảng, vì trong phép lạ đầu tiên Chúa Giêsu biến nước thành rượu ngon tại tiệc cưới Cana không có thánh Giuse hiện diện, chỉ có Đức Mẹ và các thánh tông đồ.

Theo cuốn “Thành Đô Huyền Nhiệm”, cuốn sách do Thánh nữ Ma-ri-a A-grê-đa dòng Phan sinh viết năm 1660 tại Tây Ban Nha, dưới sự soi sáng của Đức Mẹ, thì thánh Giuse qua đời năm 60 tuổi, khi Đức Mẹ 41 tuổi, Chúa Giêsu 27 tuổi. Như thế thánh Giuse qua đời được 3 năm thì Chúa Giêsu mới đi rao giảng.

Cũng theo cuốn sách trên, vì nghề thợ mộc vất vả, 8 năm trước khi qua đời thánh Giuse bị nhiều thứ bệnh đau đớn. Ba năm cuối thánh Giuse đau đớn nhiều. Đôi khi thấy bệnh tật hành hạ, Đức Mẹ muốn Chúa Giêsu làm phép lạ cho thánh Giuse bớt đau.

BTM : Một vị thánh cao cả như thánh Giuse mà chẳng thóat được khổ đau. Điều đó chẳng lạ, bởi vì BTM thánh lễ hôm nay Chúa Giêsu đã phán : “Nếu hạt lúc gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

Chúa Giêsu phán tiếp : “Ai yêu quí mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).

Cha mẹ không thức khuya dậy sớm kiếm tiền nuôi con ăn học, làm sao có những đứa con thành tài nên người ?

Người học trò không chăm chỉ học hành, làm sao đủ điểm lên lớp, và lấy được những mảnh bằng để giúp đời ?

Con người không tu sửa tính hư tật xấu, làm sao tránh được những thú tính làm hại người, làm hại đời ?

Nếu cha ông chúng ta ngày xưa sợ đau khổ mà bỏ đạo, thì ngày nay làm gì còn đạo để chúng ta theo ?

Ông Víctor Hugo, nhà văn Pháp, nói : “Đầu đường thập giá cuối đường vinh quang”.

Ông Ter-tu-li-a-nô thì nói : “Máu các Thánh Tử Đạo là hạt giống đức tin”.

Chúa Giêsu trong BTM thánh lễ hôm nay đang ở trong tuần lễ cuối đời, mà chúng ta gọi là Tuần Thánh. Chúa Giêsu không sống trong ảo mộng. Vừa được dân chúng cầm lá tung hô như một ông vua, nhưng Người cũng biết : “ chính những người hoan hô Người cũng là những người sẽ treo Người lên cây thập tự.

Nghĩ đến thập giá, Chúa Giêsu cũng rùng mình kêu lên : “Tâm hồn Thầy xao xyến, biết nói gì đây ?” (Ga 12,27a). Chúa Giêsu cũng xin Chúa Cha giải thóat khỏi thập giá : “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (Ga 12,27).

Bđ2 : Thư Do Thái trong bđ2 đã diễn tả sự lo âu sợ hãi của Chúa Giêsu như sau : “Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5,7).

Đau khổ tột cùng, lo sợ kinh khiếp, Chúa Giêsu đã không đầu hàng. Người hiên ngang cầu nguyện tiếp : “Nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (Ga 12,27b-28a). Trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cầu nguyện : “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự,  xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn’ (Mc 14,36).

Cả đời, nhất là 8 năm cuối đời bệnh tật, thánh Giuse trải qua nhiều đau khổ, nhưng thánh nhân vẫn can đảm chịu đựng. Xin thánh Giuse giúp chúng con theo gương Chúa Giêsu : ngẩng đầu hiên ngang trước những đau khổ của cuộc đời (29-3-2009).

—————————————-

CN.5.MC.B

Ngày 2-4-2005, Đgh GP.II tạ thế. Hãng thông tấn AP của Mỹ viết với một tít lớn “Khóc Khi Loan Báo”. Rồi tường thuật như sau :

“Hàng ngàn người tập họp tại quảng trường thánh Phêrô. Thật lạ lùng, khi nhân viên Tòa Thánh Vaticanô  loan báo Đức Gioan-Phaolô II qua đời, mọi người đều im lặng.

Rồi theo tục truyền của người Ý, họ vỗ tay để tỏ bày lòng biết ơn  đối với những nhân vật quan trọng qua đời.

Một nhóm thanh niên bắt đầu hát “Halleluia, Ngài sẽ sống lại”. Một người gẩy đàn guitar. Những người khác thì lần chuỗi. Một linh mục vẫy cờ Ba Lan cột một mảnh vải đen.

Khi cờ Vaticanô, Ý và Liên Hiệp Âu châu kéo xuống tới nửa cột cờ (gọi là cờ rũ, cờ để tang), ở Vaticanô và Roma người ta kéo chuông.

Cô Guilio La Rosa, một sinh viên ở Roma 23 tuổi bật khóc và nói : “Tôi không phải là tín hữu, nhưng tôi đến đây vì tôi tin Đức Giáo hòang là ngưới xây dựng tự do”.

Chừng 3 giờ sau khi Đức Giáo hòang qua đời, một đám đông lại vỗ tay cả vài phút và một linh mục đứng trên bậc thềm đền thờ thánh Phêrô hướng dẫn người ta cầu nguyện và hô to : “Hoan hô Đức Giáo hòang”.

Cô Concetta Sposato, khi nghe tin Đức Giáo hòang qua đời, đã đến quảng trường, vừa khóc vừa nói : “Ngài là một người kỳ diệu. Bây giờ ngài không còn phải chịu đau đớn nữa”.

Cô Elisabetta Pamacaica, 25 tuổi, người Pêru sống ở Roma, nói : “Cha tôi chết năm vừa rồi. Bây giờ tôi cũng cảm thấy như thế.

Cô Katie Brennan, sinh viên đại học Maryland, nhìn đám đông nói : “Tất cả mọi người khác nhau, khác chủng tộc, khác tôn giáo. Tất cả họ đến đây vì cùng một lý do : Đó là tôn dương một người vừa qua đời, Ngài đã làm nhiều việc cho thế giới”.

Anh Simone Bellato, sinh viên 22 tuổi, ngồi xếp bằng trên nền đá, theo dõi lời loan báo. Chung quanh anh, nến, thiệp chia buồn và hoa huệ. Anh nói : “Khi Đgh chịu đau đớn, cả thế giới cùng nhau cầu nguyện. Công giáo, Do thái, Hồi giáo, Chính thống, chỉ có ngài mới được như thế”.

Khắp nơi trong quảng trường nến được thắp sáng. Một nhóm lấy nến đặt trên nền đá xếp thành một cây thánh giá. Những người khác đặt nến trên thành bồn nước hay trên các trụ đèn. Vài người lấy nến đốt những lời cảm tưởng dâng lên Đgh. Người khác thì rải những cánh hoa hồng và đặt những vòng hoa.

Cô Cristiana Bianco, 24t, nói : “Tôi không mất Đgh, nhưng tôi đã mất Đgh này, chỉ có ngài tôi nhớ suốt đời.

Xe cộ trên đường phố hướng về Vaticanô đã bị dừng lại vì hàng ngàn người tiến về quảng trường.

Người ta ước tính sáng sớm Chúa nhật đám đông tới 100.000 người”

Như bất một ai, Đgh đã chết, Đgh cũng đã xa lìa cõi đời này, nhưng người ta đã khóc, đã ca ngợi, và đã nhớ mãi, chỉ vì  ngài “là ngưới xây dựng tự do”,  “Ngài là một người kỳ diệu”, “Ngài đã làm nhiều việc cho thế giới”.

Ngài như Chúa Giêsu nói trong bài TM thánh lễ hôm nay : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24), hay “Ai yêu qúi mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời” (Ga 12,25).

Đgh đã chết đi, nên Đgh đã sinh được nhiều hạt khác. Đgh đã coi thường mạng sống, nên Đgh đã giữ lại được cho sự sống đời đời.

Đgh đã giống như con người đau khổ của Chúa Giêsu được diễn tả trong bài TM : “tâm hồn xao xuyến..xin cứu khỏi giờ này…, nhưng chính vì giờ này mà đã đến…, bị giương cao khỏi mặt đất, để kéo mọi người lên” (Ga 12,27.32).

Ngày 13-5-1981, Đgh bị anh Mehmet Ali Agca bắn hai phát. Trong “Ký Ức và Căn tính”, tập sách cuối cùng ngài viết, Đgh nhìn vụ ám sát này với ý nghĩa như sau : “Trong khi hy sinh tất cả cho chúng ta, Chúa Kitô cho chúng ta một ý nghĩa mới của sự đau khổ, mở ra một chân trời mới, một trật tự mới : trật tự của tình yêu… Chính sự đau khổ thiêu đốt sự dữ với ngọn lửa yêu thương và từ tội lỗi xuất phát sự bùng nổ sự thiện” (tr 189-190).

Trong bài giảng ngày lễ an táng, Đgh Bênêđíctô nói : “Thúc bách bởi cái nhìn này, Đgh đã chịu đau khổ và yêu thương, để thông hiệp với Chúa Kitô, và đó là lý do tại sao sứ điệp đau khổ và im lặng minh chứng một cách hùng hồn và sinh hoa kết qủa như thế.

Thế giới ngày nay, trong xã hội, trong gia đình, trong tu viện không còn trật tự tình yêu, chỉ vì người ta không còn chịu được đau khổ, không còn nhịn được nhau, không còn thông hiệp với đau khổ của Chúa Kitô.

Ngày xưa người ta nhịn ăn, nhịn uống, nhịn mặc, nhịn nói, chịu thiệt thòi, chịu đau khổ theo gương Chúa Kitô. Ngày nay người ta chẳng còn theo gương ai, sống thỏa mãn theo ý riêng. Chính vì thế mà chia rẽ, giận hờn, tranh giành, báo thù, ly dị…Một trật tự của sự dữ, của tội lỗi thay thế cho một trật tự của tình yêu, của tha thứ, của đại lượng.

Cái chết của Đgh GP.II và cái chết của Chúa Giêsu trên thánh giá làm sáng lên bài học đau khổ, nhịn nhục và yêu thương (2-4-2006).

——————————————–

CN.V.MC.B

Hôm nay là Chuá nhật V, Chúa nhật cuối cùng của Mùa Chay. Chúa nhật tuần sau là Lễ Lá, là bước vào Tuần Thánh, là những ngày cuối đời của Chúa Giêsu. Với ba bài đọc của thánh lễ hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta suy ngắm sự thương khó của Chúa Giêsu, đồng thời từ sự đau thương này phát sinh niềm vui cứu rỗi, như  “hạt lúa gieo vào lòng đất …, nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

 

Bài đọc 1 : Bài đọc 1 đọc trong sách ngôn sứ Giêrêmia. Ngôn sứ Giêrêmia sinh khoảng năm 645 trước Chúa giáng sinh. Thời trẻ tuổi, ông được hưởng niềm vui của cuộc cải cách tôn giáo của vua Giôsia, một ông vua thánh thiện của miền nam. Lúc ông được gọi làm ngôn sứ là lúc dân tộc của ông phản bội Thiên Chúa. Israel, miền bắc, đã rơi vào tay quân Assyri từ năm 721 tCGS; còn Giuđa, miền nam, đang đi vào cảnh suy vong, mất nước, và cuối cùng cũng bị rơi vào tay quân Assyri năm 587 trước Chúa giáng sinh. Song chính trong cảnh đau thương nhục nhã đó, qua ngôn sứ, Thiên

Chúa đã hứa : “Này sẽ đến những ngày Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới” (31,31). Từ “giao ước mới” được dùng lần đầu tiên. Giao ước mới tức là khác với những giao ước cũ. Những giao ước cũ chỉ là những dấu hiệu ở bên ngòai, ở ngòai da : cây giữa vườn  thời ông Ađam, cắt bì thời ông Abraham, bảng đá thời ông Môsê. Giao ước mới này “sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng” (33). Ngôn sứ Êdêkien cũng viết tương tự : “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (11,19). Giao ước mới này Thiên Chúa sai Con Một của Người, Đức Giêsu Kitô, thực hiện.

 

Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay cho biết  “giờ tôn vinh” của Chúa Giêsu đang đến : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh” (12,23).

Trong phần đầu của sách Tin Mừng thì “giờ” chưa đến. Khi Đức Mẹ xin Chúa Giêsu giúp giải quyết việc thiếu rượu trong đám cưới ở Cana, Chúa Giêsu trả lời : “Giờ của tôi chưa đến” (2,4). Khi người Do thái “tìm cách bắt Chúa, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến” (7,30). Ông Cai-pha nói : “Thà một người chết thay cho dân còn hơn là tòan dân bị tiêu diệt”(11,50) và thánh Gioan bình luận : “Điều đó, ông không tự mình nói, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giêsu sắp phải chết thay cho dân, và không phải chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để qui tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (11,51-52). Vậy, với cái chết, Chúa Giêsu lôi kéo mọi người (12,32). Hôm nay, những người Hi lạp đến với Chúa Giêsu là dấu hiệu “giờ đã đến”.

Những người Hi lạp này không phải là những người Do thái sống ở Hi lạp hay nói được tiếng Hi lạp, mà là những người Hi lạp, đại diện cho các dân ngoại, những “con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi”, “những chiên khác không thuộc ràn này” (10,16) . Họ  đến dự lễ Vượt Qua của người Do thái, chứng tỏ họ đã có cảm tình với đạo Do thái. Đến dự lễ, được nghe Chúa nói, thấy việc Chúa làm, nên họ muốn gặp Chúa. Gặp có nghĩa là tin. Từ niềm tin vào đạo Do thái họ chuyển sang niềm tin vào Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đến cũng là để làm cho đạo Do thái nên trọn, cho niềm tin được hòan hảo.

Những người Hi lạp đến gặp tông đồ Philípphê. Philípphê là tên Hilạp. Quê ông ở Bết-xai-đa, phần đông là người ngoại. Chắc chắn ông biết nói tiếng Hilạp. Ông Anrê cũng quê ở Bết-xai-đa. Hai ông đã dẫn họ tới Chúa Giêsu. Gặp họ, Chúa Giêsu tuyên bố : “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh”. Trong các sách Tin Mừng khác cũng nói đến “giờ”, chẳng hạn trong Máccô : “Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được”(14,35).

Nhưng từ “giờ” được thánh Gioan dùng nhiều nhất 26 lần, và “giờ” không phải chỉ là giờ chết, mà còn là giờ được tôn vinh. “Giờ” vừa nói đến cái chết trên thập giá, vừa nói đến sự sống lại và cả lên trời của Chúa Giêsu. Để diễn tả sự vinh quang của cái chết, Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh quen thuộc của người nông dân : “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (24).

Như vậy, cái chết của Chúa không chỉ là con đường đưa tới vinh quang cho Chúa, mà còn là điều kiện để Hội thánh được sinh ra và tăng trưởng. Cái chết khiến Chúa trở thành người sáng lập cộng đòan Kitô hữu, một cộng đòan phục vụ Chúa : “Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng ở đó” (26),  một cộng đòan phó thác vận mạng cho Chúa : “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được sự sống đời đời” (25).

Theo ngôn ngữ của thánh Gioan, yêu mạng sống mình tức là qúi trọng bóng tối, yêu thế gian, thích vinh quang của mình hơn. Câu này tương tự như câu “ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ?” (Mc 8,35-36). Chúa Giêsu còn nói : “Ai phục vụ Thầy thì hãy theo Thầy” (26), nghĩa là : là môn đệ thì phải theo con đường thập giá mà Thầy đã đi, như Thầy đi vào cõi chết mới được thông phần vinh quang.

Chết là con đường đau thương. Khi tường thuật biến cố Chúa ở vườn Cây Dầu, thánh Gioan đã bỏ những tâm tình xao xuyến, sợ hãi. Song ở đây, ngài lại tường thuật giống như trong các sách Tin Mừng khác khi tường thuật biến cố vườn Cây Dầu : “Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến ! Thầy biết nói gì đây. Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” (27).

Câu “Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha” cũng giống như câu “Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin làm cho Danh thánh Cha cả sáng” của kinh Lạy Cha, mà thánh Gioan đã không viết lại như hai sách Tin Mừng Mátthêu và Luca. Mặc dầu con đường thập giá là  đau thương, nhưng Chúa Giêsu vẫn một mực vâng lời, để tôn vinh Danh Cha.

 “Có tiếng từ trời vọng xuống”(28). Tiếng từ trời xuất hiện lần đầu tiên trong sách Tin Mừng thánh Gioan, không xuất hiện trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa hay biến hình như trong các sách Tin Mừng khác, mà lại xuất hiện trong cảnh thập giá đau thương. Vậy, Chúa Cha đã đích thân và long trọng công nhận : Chúa Giêsu chết đau thương chính là Con và là sứ giả đích thực của Người. Thánh Giá là dấu hiệu của chiến thắng : “Khi được giương cao lên khỏi mắt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi”(32). “Được giương cao” vừa có nghĩa giương cao trên thập giá, vừa được lên trời cao với Chúa Cha.

 

Bài đọc 2 : Bài đọc 2 là thư gửi người Do thái. Trước đây người ta cho thư này là do thánh Phaolô viết; nhưng sau này, khi nghiên cứu nội dung của lá thư, thì không phải là của thánh Phaolô. Thư đề cao vai trò thượng tế của Chúa Giêsu trong giao ước mới, cao trọng hơn các tư tế của giao ước cũ; và lễ hiến dâng của Chúa Giêsu thì hòan hảo, còn của giao ước cũ thì bất tòan. Thánh Phaolô không bao giờ gọi Chúa Giêsu là tư tế.

Thư viết gửi cho những người Do thái đã theo Kitô giáo, nhưng còn mơ màng đến đạo Do thái. Chắc chắn là viết trước năm 70, khi Đền thờ Giêrusalem chưa bị quân Rôma phá hủy, vì tác giả viết về các nghi lễ phụng vụ trong Đền thờ như vẫn đang tồn tại.

Đoạn thư chúng ta đọc trong thánh lễ hôm nay cũng diễn tả nỗi xao xuyến của Chúa Giêsu trước giờ chết : “Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết ” (7). Câu tiếp theo : “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (8). Câu này như muốn nói rằng : đau khổ là trường học dạy đức vâng lời; và lòai người chỉ tiến bộ, khi phải trải qua những kinh nghiệm đau thương. Chính nhờ thập giá thương đau, Chúa Giêsu đã “trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu”.

Tấm khăn liệm thành Turinô ở Ý đã được 100 nhà khoa học trên thế giới khảo nghiệm năm 1978. Họ đã khám phá thấy người in trong tấm khăn là một người đàn ông có râu, cao khoảng 1m77, tuổi từ 30-35, nặng chừng 78k75, thân hình cân đối, bắp thịt nở nang, bàn tay là bàn tay thuộc giới lao động. Người trong khăn liệm đã chết một cách thảm thương. Mặt mang nhiều vết sưng húp và dập nát, sống mũi bị dập và sưng húp vì ngã sấp mặt xuống đất. Trên đỉnh đầu có nhiều lỗ đinh đâm rất sâu do mạo gai. Các vết roi với nhiều chỗ thịt bị móc ra. Có hai tên lý hình thay nhau đánh đòn, một tên cao hơn và say máu hơn, tên này thích đánh hai chân. Các vết roi sau lưng từ trái sang phải có thể đếm được 120 vết đòn. Luật Do thái chỉ cho đánh 40 roi. Vết đòn trên hai vai rất sâu và lột ra hai miếng da rộng, vì phải vác một cây gỗ rất nặng. Hai đầu gối bị dập và rách nhiều chỗ, nhất là xương bánh chè đầu gối trái, vì đã ngã nhiều lần trên đường đi. Bị đâm giữa xương sườn thứ năm và thứ sáu về phía ngực bên phải, vết đâm dài 2 phân 8 tấc và rộng 8 ly, lưỡi đòng đâm thủng phổi bên phải rồi mới đâm vào trái tim. Dấu đinh ở cổ tay mặt  và dấu đinh ở hai chân; còn tay trái để dưới tay phải nên không thấy.

Các nhà khoa học đã công nhận rằng : khăn liệm thành Turinô đích thực là khăn liệm xác một người bị đóng đinh và người in hình trong khăn liệm có tất cả những đặc tính của Chúa Giêsu treo trên thập giá.

Qua tấm khăn liệm, Chúa Giêsu chịu đau đớn không thể kể xiết. Có lẽ chẳng ai ở trên đời chịu đau đớn như Chúa. Ước gì mỗi khi nhìn Thánh Giá Chúa, chúng con nhận ra sự đau đớn của Chúa vì yêu chúng con (2003)

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành