Chúa Nhật V Mùa Chay Năm C


CHÚA NHẬT V MÙA CHAY.

Thánh vịnh tuần I.

Giáo xứ Cẩm Lệ Chầu Thánh Thể.

GIÁO HUẤN SỐ 19

Tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ

SỰ HƯ HỎNG TÂM LINH (tiếp theo)

 “Sự hư hỏng tâm linh thì tệ hại hơn cả sự sa ngã của một tội nhân, vì đó là một dạng mù quáng mà người ta cảm thấy thỏa mãn và yên ổn. Bấy giờ mọi sự được chấp nhận: dối trá, vu khống, tự cao và các hình thức qui ngã khác, vì “thậm chí Satan đội lốt một thiên thần của ánh sáng” (2Cr 11,14). Salômôn đã kết thúc cuộc đời như thế, trong khi Đavit, từng phạm tội tày đình, đã có thể sửa chữa lỗi lầm của mình. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta chống lại sự tự lừa dối này, điều vốn dễ dẫn ta tới hư hỏng. Người nói về một người được giải thoát khỏi tên quỉ, nhưng nghĩ rằng đời sống của mình giờ đây đã ổn, vì thế cuối cùng bị khống chế bởi bảy thần dữ khác (x. Lc 11,24-26). Một bản văn Thánh Kinh khác diễn tả điều này một cách khủng khiếp: “Chó mửa ra, chó liền ăn lại” (2Pr 2,22; x. Cn 26,11).” (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 165).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11

Bài Ðọc I: Is 43, 16-21

“Ðây Ta sẽ làm lại những cái mới và sẽ cho dân Ta nước uống”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Chúa là Ðấng mở đường dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước; Chúa là Ðấng dẫn dắt xe, ngựa, quân binh và dũng sĩ. Tất cả đều ngủ và không chỗi dậy nữa; chúng bị ngộp thở và tắt đi như tim đèn. Người phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng, và đừng để ý đến việc thời xưa nữa. Ðây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện, như các ngươi sẽ biết; Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6

Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan (c. 3).

Xướng: Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.

Xướng: Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan.

Xướng: Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa.

 

Bài Ðọc II: Pl 3, 8-14

“Vì Ðức Kitô, tôi đành chịu thua thiệt trong mọi sự, và tôi trở nên giống Người trong sự chết”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Ðức Giêsu Kitô, Chúa tôi. Vì Người, tôi đành chịu thua thiệt, và coi mọi sự như phân bớn, để lợi được Ðức Kitô, và được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Ðức Giêsu Kitô: sự công chính bởi Thiên Chúa là sự công chính bởi đức tin để nhận biết Người và quyền lực phục sinh của Người, để thông phần vào sự đau khổ của Người và trở nên giống Người trong sự chết, với hy vọng từ cõi chết được sống lại.

Không phải là tôi đã đạt đến cùng đích, hoặc đã trở nên hoàn hảo, nhưng tôi đang đuổi theo để chiếm lấy, bởi vì chính tôi cũng đã được Ðức Giêsu Kitô chiếm lấy. Anh em thân mến, chính tôi chưa tin rằng tôi đã chiếm được, nhưng tôi đinh ninh một điều là quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b

Chúa phán: “Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống”.

 

Phúc Âm: Ga 8, 1-11

“Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?” Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

CUỘC SỐNG MỚI TRONG ÂN SỦNG

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Có một bạn trẻ hỏi tôi rằng: Thưa cha, con thấy nhiều lúc xưng tội xong được vài hôm thì phạm tội lại, rồi lại tiếp tục đi xưng tội. Nhiều khi con chán nản, chẳng muốn đi xưng tội nữa. Xưng tội rồi phạm tội, vậy xưng làm gì? Và Giáo hội khuyên con cái mình như thế nào trong việc lãnh nhận Bí tích Giao hòa? Bạn thân mến, hẳn rằng ai trong chúng ta sau khi xưng tội xong đều muốn được sống trong sạch, sống thánh và luôn cố gắng để không phạm tội nữa. Thế nhưng, với bản tính mỏng dòn và yếu đối của con người, nhiều lúc chúng ta đã không thể chiến thắng được sự yếu đuối của bản thân, và rồi chúng ta đã phạm tội. Có lẽ chính sự thất vọng vì cứ xưng tội rồi lại phạm tội khiến chúng ta nhiều lúc chán nản, muốn buông xuôi, hoặc không muốn đi xưng tội, hay cũng có khi nảy sinh ý nghĩ chờ đến lúc cuối đời rồi xưng tội cho chắc ăn. Bạn thân mến, với các bài Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta biết nhìn lại giá trị và ân sủng của Bí tích Hòa giải mà Chúa Giêsu đã ban cho nhân loại, qua đó, giúp chúng ta thấu hiểu hơn về tình thương tha thứ của Thiên Chúa dành cho nhân loại, cũng như biết nỗ lực vươn lên với ơn thánh Chúa sau mỗi lần xưng tội, hầu sống với Thiên Chúa và tha nhân trong ân sủng, trong tình yêu của Chúa, thể hiện qua những giá trị đích thực trong ơn gọi làm người và làm con Chúa nơi hành trình dương thế của chúng ta.

Trong bài đọc thứ nhất, tiên tri Isaia loan báo cho dân Chúa thời lưu đày ở Babylon sắp chấm dứt. Ngài nhắc lại cho họ thấy trong quá khứ, Chúa đã thương họ, đã cứu họ ra khỏi Ai Cập bằng cuộc vượt qua Biển Đỏ lạ lùng. Dầu hành động uy hùng đó đã xảy ra, nhưng Chúa phán: “Các ngươi đừng nhớ đến dĩ vãng và đừng để ý tới việc thời xa xưa nữa. Đây Ta sẽ làm những cái mới và giờ đây chúng sẽ xuất hiện“. Vậy những cái mới đó là cái gì? Đó là mở đường trong hoang địa, đồng hoang khô cằn trở thành vùng đất phì nhiêu mầu mỡ, có đường đi lại tấp nập, có sông thấm nhuần tươi mát. Và với tư cách là tiên tri, Isaia cũng loan báo tất cả những sự cứu thoát kia vẫn chưa lạ lùng bằng sự cứu thoát khỏi làm nô lệ tội lỗi, trở thành con cái Chúa có sức sống mới, bình an hơn, thánh thiện hơn, vui tươi hơn và hạnh phúc hơn. Cho nên, Chúa bảo Dân Chúa xưa hãy quên đi quá khứ vì Chúa đang làm những việc mới lạ phi thường, không biến cố, không sự kiện nào so sánh được. Từ cõi lòng tội lỗi chai đá, khô khan của con người, ơn Chúa như dòng sông tươi mát tình yêu, Chúa mở lối đi vào để xâm nhập, để hoán cải. Còn gì lạ lùng nào bằng và bỡ ngỡ nào bằng những việc kỳ diệu đó của Thiên Chúa, đến nỗi chúng ta chỉ còn biết thốt lên với thánh vịnh 125 mà chúng ta vừa hát: “Chúa đã đối xử nhân từ với chúng con, nên chúng con mừng rỡ hân hoan” (Tv 125).

Vì vậy, ý tưởng bỏ quên đi dĩ vãng đau buồn, tội lỗi bắt đầu lại cuộc sống mới được chỉ dạy một cách rõ ràng với câu Chúa Giêsu nói với người đàn bà phạm tội ngoại tình bị dân chúng định ném đá trong Bài Phúc Âm rằng: “Ta không kết tội chị, vậy hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa“. Đây là một sự sống lại trong đời sống thứ hai của người đàn bà tội lỗi đó. Không phải sống lại vì những người muốn ném đá bà còn có lương tri là nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi không dám cầm viên đá để ném vào đầu bà, nhưng sống lại vì sự tha thứ của Đấng Cứu Thế và lời dặn: “Từ nay đừng phạm tội nữa“. Chắc chắn người đàn bà đó sẽ không phạm tội nữa, sẽ ăn năn sám hối không phải vì được tha chết, nhưng vì được chính Đấng Cứu Thế tha tội: “Ta tha tội cho chị, vậy chị hãy về bình an và từ nay nhớ đừng phạm tội nữa“. Dĩ vãng đau buồn tối tăm tội lỗi kia ra sao? Đừng nhìn lại nữa, đừng bận tâm nữa, đừng lo âu nữa. Từ nay hãy sống đời sống mới trong ân sủng, trong tình yêu, trong an bình, trong hạnh phúc, trong niềm vui Nước Trời. Tất cả những ơn lành đó chỉ dành những ai dứt khoát được với dĩ vãng tội lỗi, trở về sống với Chúa mới cảm nghiệm được. Hạnh phúc thiên đàng không phải chỉ được hưởng ở đời sau nhưng ngay cả ở đời này khi con người biết sống và tin vào Chúa Giêsu vì chưng Ngài khẳng định: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ không còn đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12).

Vì vậy, trong bài đọc thứ hai, thánh Phaolô xác tín rằng từ khi biết được Chúa Giêsu Kitô, Thánh nhân đã người coi mọi sự ở đời này như rác rưởi, nhưng giá trị đích thực của đời sống chính là làm sao được ở trong Chúa Kitô và sinh lợi ích cho đời sống ân sủng và trở nên công chính. Thánh nhân nói tiếp: “tôi được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Mô-sê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Ki-tô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Đức Ki-tô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3,8-11).

Ước gì qua Lời Chúa hôm nay, chúng ta nghiệm thấy rằng mỗi lần chúng ta xưng tội, thì tình yêu và ân sủng Chúa giúp ta nhận ra được vẻ đẹp của đời sống thánh thiện, giá trị của sự bình an nội tâm, và sự dạt dào của tình yêu thương được chữa lành. Từ đó, chúng ta hãy biết nỗ lực quyết tâm từ bỏ tội lỗi, sống thánh thiện và tiến bước trong niềm vui và ân sủng của Thiên Chúa cách dạt dào và đầy sức sống do Bí Tích Hòa giải mang lại. Vì thế, Bí tích Giao hòa không nhằm hủy diệt sự yếu đuối và hướng chiều về tội nơi con người tự nhiên của chúng ta, nhưng là giúp chúng ta hoán cải, và biến đổi mỗi ngày nhằm có khả năng chọn lấy những tốt, điều thiện để đưa chúng ta đạt tới sự thánh thiện trong đời sống Kitô hữu, như lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Anh  em phải nên hoàn thiện, như Cha anh  em ở trên Trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Amen.

 

SUY NIỆM II

ĐỐI DIỆN VỚI TÌNH THƯƠNG

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

 

Hai con người, hai chuyện tình

Với những lời giảng phát xuất từ một tâm hồn tràn đầy tự do và ánh sáng, Đức Giêsu luôn làm cho người nghe thích thú: dân chúng tuốn đến với Người. Những người có quyền chức cảm thấy khó chịu khi đám thỉnh giả vây quanh vị ngôn sứ quê mùa càng lúc càng đông. Đám đông vây quanh Đức Giêsu khao khát Lời chân thật của Thiên Chúa, họ chán ngán thứ tôn giáo hình thức gồm toàn những luật lệ cứng ngắc.

Sáng sớm hôm ấy, sau khi qua đêm tại núi Ôliu – chắc chắn là để cầu nguyện (x. Lc 21,37-38), Đức Giêsu vào Đền thờ và giảng dạy. Đám đông những người dân quê, những người thấp hèn kéo đến vây quanh Người. Các kinh sư và người Pharisêu cũng có mặt. Họ dẫn đến một người đàn bà bị bắt quả tang đang ngoại tình. Chị bị dồn đi, như một con vật và bị đẩy vào giữa đang khi Đức Giêsu giảng day.

Trong sự việc này, các kinh sư và người Pharisêu đặt Đức Giêsu đối diện trực tiếp với Lề Luật. Đức Giêsu vẫn giảng dạy về ơn tha thứ của Thiên Chúa và từng tuyên bố là Người đến vì các tội nhân, Người sẽ nói gì trong trường hợp này?

Nếu Đức Giêsu đồng ý xét xử người đàn bà theo luật Môsê, thì toàn bộ các lời giảng của Người về tình thương trở nên sáo rỗng. Ngược lại, nếu Người nói rằng người đàn bà này vô tội thì Lề Luật không còn là điểm quy chiếu tối hậu nữa.

Ai là kẻ tố cáo nhiều hơn? Người phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình hay vị ngôn sứ trẻ tuổi đang bị những kẻ có quyền chức săn đuổi? Cả hai đều đang bị đe dọa sẽ phải chết, và điều này hoàn toàn hợp pháp. Một nền luật pháp không có trái tim mà người ta vẫn thi hành. Câu chuyện muôn đời!

Cả hai đều có thể bị kết án: người phụ nữ vì tội ngoại tình; Đức Giêsu vì tội lộng ngôn, nếu Người vi phạm luật Môsê. Quả là phức tạp!

Người phụ nữ đáng bị xử ném đá. Đức Giêsu cũng vậy: Người đã dám làm cho một nền luật pháp trống rỗng trở nên nhân bản hơn, gần gũi với con người hơn. Ở đây, người ta liên tưởng đến một điều đã được Đức Giêsu khẳng định: Chữ viết thì giết chết nếu không có tinh thần.

Cả hai đều có một trái tim: người phụ nữ bị bắt vì những chuyện tình đen tối, còn Đức Giêsu là Nguồn mạch tình yêu, là sức mạnh thanh tẩy và tràn đầy tình thương.

Hai chuyện tình gặp gỡ: hai mắt xích của một thực tại duy nhất. Trong yên lặng, tình yêu khốn khổ gặp gỡ với tình yêu của Thiên Chúa làm người. Một cuộc đối thoại kỳ thú!

Khi Đức Giêsu kêu mời đám đông trở về với cõi thâm sâu của mình, ngay lập tức, những kẻ tố cáo trở thành quan tòa của chính mình. Họ tự kết án mình bằng cách trốn chạy, bỏ lại con

mồi. Những bước chạy xa dần, còn lại điều gì đó lơ lửng: đó là sự yên lặng vô tận, một sự yên lặng dài hơn mọi cuộc kiện tụng ở trần gian.

Đức Giêsu đã không nói gì. Chính Người, Lời Tình Yêu của Thiên Chúa, lời sống động và có sức giải thoát, Người yên lặng. Sự yên lặng của Người có giá trị vĩ đại hơn mọi lời nói.

Trong cuộc sống đầy xao động, mỗi người có nhận ra điều gì gần gũi với mình khi nghe Đức Giêsu nói với người phụ nữ bất hạnh: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu”!

Đối diện với Đức Giêsu, mỗi người sẽ tự phán đoán về mình. Và khi đặt phán đoán đó trước Đức Giêsu, trong yên lặng, dưới cái nhìn soi sáng của Người, mỗi người trở thành một người tự do – như người phụ nữ.

“Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi!”

Yên lặng để khám phá

Không phải một người phụ nữ được dẫn đến trước mặt Đức Giêsu, nhưng là một trường hợp. Điều mong muốn của những kẻ tố cáo, đó là kiểm tra lại những nguyên tắc. Người phụ nữ chỉ là một cái cớ. Chị không được quyền lên tiếng nói. Chị chỉ là một “điểm” do những người sắp xếp các vấn đề muốn đưa ra tranh luận. Người bị xét xử thực sự chính là Đức Giêsu.

Đây là một tình trạng vẫn thường xảy ra: các đảng phái – kể cả Hội Thánh, vẫn cứ theo đuổi các cuộc tranh luận, trong khi những người là đối tượng cho nỗ lực bảo vệ của họ lại suy liệt đi.

Tuy nhiên, Đức Giêsu không đi vào trong hệ thống ấy. Người biết rõ mọi người, cả người bị xô ngã lẫn kẻ tố cáo. Người biết rõ mọi sự bên trong con người. Người biết rằng “trên mặt đất, chẳng có người công chính nào làm điều thiện mà không phạm tội” (Gv 7,20).

Chính vì thế, Người yên lặng. Và thái độ yên lặng của Người tạo điều kiện để nêu lên vấn đề thực sự.

Phải củng cố Lề Luật hay là làm nhẹ đi? Người ta vẫn thường nghĩ đến cách giải quyết của Lề Luật: phải xác định điều nào tốt, điều nào xấu. Những người chủ trương nhẹ nhàng mong rằng điều họ cho phép tự nó sẽ biện minh cho mình. Còn những người chủ trương cứng rắn lại củng cố đòi hỏi của mình, và vì vậy, họ coi thường người khác.

Đức Giêsu không quan niệm Lề Luật theo cách đó. Dầu vậy, Người không chối bỏ tội lỗi. Đám người có mặt hôm nay hẳn còn nhớ Người đã mạnh mẽ quả quyết tính bất khả phân ly của hôn nhân, cũng như không hề chấp nhận việc chiếm đoạt phụ nữ… Nói chung, Người không chiều theo tính dễ dãi của chủ trương tự do.

Thật ra, so với những kẻ tố cáo, Đức Giêsu là người đòi hỏi nhiều hơn bởi vì Người nhìn thấy họ cũng có tội như họ đã tố cáo người phụ nữ. Bởi vậy, Người không đặt vấn đề là các phán quyết họ đưa ra có hợp pháp hay không, và cũng không xem xét các bằng chứng có trung thực hay không. Người chỉ kêu mời những kẻ tố cáo xét lại ý hướng đã thúc đẩy họ hành động chống lại sự sống của một con người. Người trả mỗi người về lại với chính mình, với lương tâm của mình. Người yên lặng và mỗi người cũng không thể làm gì khác hơn là yên lặng.

Như thế, thay vì chống đối Lề Luật, Đức Giêsu mời gọi tôn trọng Lề Luật, đồng thời mặc khải chiều kích mới của Lề Luật: đem lại sự sống.

Chính thái độ yên lặng của Đức Giêsu giúp mỗi người có thể khám phá vấn đề thực của mình. Họ lại có thể lên đường: “Thôi cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa!”

Lao mình về phía trước

Đọc lại câu chuyện này, tất cả chúng ta đều nhận ra hình ảnh của mình: vừa là người có tội, vừa là người được tha thứ. Một số người trong chúng ta quá quan tâm đến khía cạnh luân lý, một số khác lại quá thoải mái cho rằng chẳng có tội, chẳng có lỗi lầm nào cả.

Đức Giêsu đề ra một con đường, không khắt khe cũng không dễ dãi, nhưng là một thái độ tín thác hoàn toàn vào tình thương của Thiên Chúa, vào lời mời gọi, vào tình yêu cũng như lòng thương xót của Người.

Điều này có nghĩa là sự hoán cải Kitô giáo là sự quy hướng từ bên trong về chính Đức Giêsu Kitô, để rồi Thần Khí mà Người hứa ban cho ta sẽ dẫn ta đến với Cha của Người, cũng là Cha chúng ta. Mỗi người chúng ta không được đặt trước một bản văn Lề Luật để tự đánh giá về mình và cuộc đời của mình, nhưng là trước một người Cha đầy tình thông cảm.

Vì thế, mỗi người, cũng như cả Hội Thánh luôn phải để cho Đức Giêsu nắm lấy mình và để cho Thần Khí của Người thanh tẩy hết những “gỉ sét”.

Sống Mùa Chay là “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (Pl 3,13), tức là hướng về Đức Giêsu và tình thương của Người.

* * * * *

Nếu có lời viết rằng ân sủng của Người vượt trội

và tình yêu của Người là vực sâu thăm thẳm; nếu có lời hứa rằng

lỗi lầm xấu xa nhất vẫn luôn gặp được lời thứ tha; nếu quả thực Chúa vẫn nhìn thấy con ngay cả khi con nói lời từ chối; nếu quả thực lời của Chúa

vẫn dành ân huệ cuối cùng cho kẻ điên dại là con; A! Vậy lạy Chúa, xin ngừng sự yên lặng cao cả đó.

Này con đây, một mình hiện diện trước nhan Ngài Con trần trụi trong máu và mồ hôi.

(Theo H. Capieu)

SUY NIỆM III

Từ Tha Thứ Đến Đổi Mới: Lời Mời Gọi Hoán Cải

Jn.nvh

Kính thưa quý ông bà và anh chị em.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta một chân trời mới về lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa và lời mời gọi hoán cải dành cho mỗi người. Hình ảnh người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong Tin Mừng theo Thánh Gioan không chỉ nói về một con người cụ thể mà còn là hình ảnh của tất cả chúng ta trước mặt Thiên Chúa: yếu đuối, dễ sa ngã nhưng luôn được Ngài yêu thương và tha thứ.

Thiên Chúa không đóng khung chúng ta trong quá khứ của lỗi lầm, nhưng Ngài luôn mở ra một tương lai mới. Ngôn sứ Isaia trong bài đọc I đã khẳng định: “Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô cằn” (Is 43,19). Câu nói ấy không chỉ dành cho dân Israel ngày xưa mà còn dành cho từng người chúng ta hôm nay. Biết bao lần chúng ta cảm thấy đời sống đức tin của mình khô hạn, tâm hồn rơi vào bế tắc. Nhưng Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi, Ngài không ngừng tạo ra những con đường mới để chúng ta trở về.

Thánh Phaolô, một con người từng lầm lạc nhưng đã hoàn toàn được biến đổi, cũng chia sẻ kinh nghiệm cá nhân: “Tôi coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô” (Pl 3,8). Lời của thánh nhân như một lời mời gọi mỗi chúng ta: đừng bám víu vào quá khứ, đừng để những lỗi lầm của ngày hôm qua giam hãm ta, nhưng hãy can đảm bước vào hành trình đổi mới cùng Chúa Kitô.

Trong Tin Mừng, những người biệt phái và luật sĩ dẫn một người phụ nữ đến trước mặt Chúa Giêsu, buộc tội chị đã phạm tội ngoại tình và đòi ném đá theo luật Môsê. Họ không chỉ muốn kết án người phụ nữ, mà sâu xa hơn, họ muốn thử thách Chúa Giêsu. Nếu Ngài nói tha, họ sẽ buộc tội Ngài coi thường Lề Luật; nếu Ngài đồng ý ném đá, Ngài sẽ đi ngược lại chính sứ điệp yêu thương mà Ngài rao giảng.

Thế nhưng, Chúa Giêsu không sa vào cạm bẫy của họ. Ngài chỉ cúi xuống, viết trên đất và nhẹ nhàng nói: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi” (Ga 8,7). Một câu nói khiến lương tâm từng người phải chấn động. Và từng người một, từ những người lớn tuổi nhất, họ lặng lẽ rút lui. Để rồi cuối cùng, chỉ còn lại Chúa Giêsu và người phụ nữ. Một cuộc gặp gỡ giữa lòng thương xót và tội lỗi, giữa ánh sáng và bóng tối.

Điều tuyệt vời là Chúa Giêsu không chỉ cứu chị khỏi hình phạt thể xác, mà còn mở ra cho chị một cơ hội mới: “Chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Đây không phải là một sự tha thứ dễ dãi, nhưng là một lời mời gọi hoán cải thực sự. Lòng thương xót của Chúa không phải là một tấm vé miễn trừ để tiếp tục sống trong tội lỗi, nhưng là sức mạnh để thay đổi.

Anh chị em thân mến, điều này cũng đúng với mỗi người chúng ta. Chúng ta không chỉ cần một sự tha thứ trên lý thuyết, nhưng cần một sự biến đổi tận căn trong đời sống. Hoán cải không phải là một khẩu hiệu, mà là một hành động cụ thể. Có thể là một quyết tâm buông bỏ một thói quen xấu. Có thể là một nỗ lực để làm hòa với ai đó mà chúng ta đã bất hòa bấy lâu. Có thể là một bước tiến để đến gần Chúa hơn qua Bí tích Hòa Giải và đời sống cầu nguyện.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ, chỉ có chúng ta mới mệt mỏi khi xin ơn tha thứ.” (Bài giảng tại Nhà nguyện Thánh Marta, 17/3/2014). Lòng thương xót của Chúa luôn chờ đợi, luôn sẵn sàng. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có dám bước ra khỏi vũng lầy cũ của mình hay không? Chúa Giêsu không kết án, nhưng Ngài mời gọi. Không áp đặt, nhưng khuyến khích. Không ép buộc, nhưng mở ra một con đường.

Vậy thì, chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải học lấy cái nhìn của Chúa Giêsu: một cái nhìn không dừng lại ở tội lỗi, nhưng vươn tới sự đổi mới. Chúng ta dễ dàng xét đoán người khác, nhưng lại dung túng chính mình. Chúng ta khắt khe với lỗi lầm của tha nhân, nhưng lại nhẹ nhàng với chính tội lỗi của mình. Hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn lại bản thân, hãy can đảm hoán cải.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp những người đang lầm lỡ, yếu đuối. Chúng ta có thái độ nào với họ? Chúng ta có học theo Chúa Giêsu để yêu thương, nâng đỡ, tạo cơ hội cho họ làm lại cuộc đời? Giáo hội không phải là một toà án để kết án con người, nhưng là một bệnh viện dã chiến để chữa lành những vết thương tâm hồn.(cuộc phỏng vấn với tạp chí La Civiltà Cattolica vào tháng 9 năm 2013)

Mùa Chay là thời gian thuận tiện để chúng ta nhìn lại chính mình, để Chúa làm mới lại đời sống chúng ta. Hãy để Ngài bước vào những vùng tối của lòng mình, hãy để Ngài chạm đến những yếu đuối của ta, để ta có thể đứng lên và bước đi trên con đường mới—con đường của lòng thương xót, của tình yêu, của sự thánh thiện. Hãy để hoán cải không chỉ là một mong ước, nhưng trở thành một thực tế sống động trong cuộc đời chúng ta. Amen.

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY, NĂM C

Nguồn: giaophancantho.org

  1. ĐỒNG HÌNH ĐỒNG DẠNG

Một mẫu gương giúp chúng ta suy niệm trong Mùa Chay là thánh Gemma Galgani. Chỉ trong vòng vài năm, nữ giáo dân người Ý này (1878-1903) đã nên giống Chúa Giêsu đau khổ thật đáng kể. Gemma là một nhà thần bí – một trong số ít những linh hồn được mời gọi kết hợp với Chúa ở mức độ cao đến nỗi những Kitô hữu bình thường chúng ta không thể hiểu hết được. Ơn gọi của chị là đồng cam cộng khổ với Chúa Kitô. Chị vừa phải chịu những thử thách thiêng liêng mà còn mang đau đớn thể xác là mắc bệnh lao cột sống. Trong nhiều năm, chị mang dấu tích về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô: không chỉ là những dấu đinh mà còn vết thương và mão gai của Người. Thậm chí chị còn trải qua sự đổ mồ hôi đẫm máu nữa. Việc suy ngẫm liên lỉ về cái chết của Chúa Giêsu đã giúp chị cảm nhận được sự hiện diện thường xuyên của Người; và khi ở trong những trạng thái ngây ngất này, chị đã có nhiều cuộc trò chuyện với Chúa bằng một giọng trầm lắng và ngọt ngào. Về những hiện tượng này, Giáo hội không có những phán quyết chính thức nào. Khi Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên bố Gemma Galgani là một vị thánh vào năm 1933, đó là vì chị đã tỏ lòng kiên nhẫn dịu dàng và đức tính anh hùng trong những năm tháng đau đớn. Dường như đôi khi Thiên Chúa ban cho thế giới chúng ta những người thánh thiện nào đó giống với Chúa Kitô hơn khi họ được mang dấu tích về sự đau đớn và sự đóng đinh của Người. Một số người nghĩ rằng thánh Phaolô có thể là người đầu tiên nhận được “dấu hiệu” trên trời này. Phaolô nói: Trong mọi việc, “Tôi ước…cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người.” (Trong bài đọc hai hôm nay)

* Tại sao như vậy? Bởi vì chỉ khi chúng ta kết hợp với Chúa Kitô trong sự chết của Người thì chúng ta mới có thể xứng đáng được kết hợp với Người trong sự phục sinh. Toàn bộ nghịch lý của Mùa Chay là “chết để sống”. Theo nghĩa đó, chúng ta có thể nói rằng thánh Gemma Galgani đã nêu gương sống động cho chúng ta trong Mùa Chay. (Cha Robert F. McNamara).

  1. BÍ TÍCH GIẢI TỘI

Trong khi Mẹ Têrêsa chắc chắn nổi tiếng về lòng bác ái vì Mẹ đã hết mình phục vụ những người đau khổ nghèo hèn, Mẹ cũng là “Thừa sai của Lòng Thương Xót” trong việc kêu gọi mọi người đón nhận tình yêu tha thứ của Chúa Giêsu trong Bí tích Giải tội, một Bí tích mà Mẹ đã lãnh nhận ít nhất một lần mỗi tuần. Mẹ đã khuyên những người khác: “Một điều cần thiết cho chúng ta là Xưng tội. Xưng tội không là gì khác ngoài thể hiện lòng khiêm tốn trong hành động. Chúng ta gọi đó là Sám hối, nhưng thực sự đó là Bí tích của Tình yêu, một Bí tích của sự tha thứ. Đó là nơi mà tôi để cho Chúa Giêsu lấy đi khỏi tôi mọi thứ chia rẽ và hủy diệt. Xưng tội là một hành động đẹp của tình yêu cao cả. Chỉ khi xưng tội, chúng ta mới có thể đi vào như một tội nhân, và đi ra như người không có tội. …Chúng ta không cần phải tuyệt vọng, không cần phải tự tử, không cần phải nản lòng, nếu chúng ta hiểu được sự dịu dàng của tình yêu thương của Thiên Chúa.”

* Mẹ nói ở nơi khác, rất đơn giản: “Xưng tội là chỉ có Chúa Giêsu và tôi, không ai khác.” Và sau đó Mẹ nói với chúng ta:  “Hãy ghi nhớ điều này trong cuộc đời.”

  1. CÓ TỘI

Tiến sĩ Karl Menninger, bác sĩ tâm thần nổi tiếng, đã viết một cuốn sách cách đây vài năm có tựa đề Dù trở thành tội nhân. Trong cuốn sách đó, ông thuật lại việc một người đàn ông nghiêm nghị, ăn mặc giản dị đứng ở một góc sầm uất của Chicago’s Loop. Khi người ta đi ngang qua, ông nghiêm trang đưa cánh tay lên và chỉ vào một người qua đường và chỉ nói một từ: “Có tội!” Sau đó, không thay đổi biểu cảm, ông hạ cánh tay xuống. Sau một vài giây, ông lại giơ cánh tay lên chỉ vào một người khác buộc tội, lại thốt ra bản cáo trạng dài chỉ một từ: “Có tội!” Hiệu quả của hành động này đối với những người trên là khá bất ngờ. Một số nhìn chằm chằm vào ông ta, bắt đầu cười, sau đó dừng lại, do dự, nhìn xung quanh bằng những cái nhìn trộm, và vội vã bước nhanh hơn. Một người nọ qua đường quay sang một người bạn đồng hành và thốt lên: “Nhưng làm sao ông ta biết được?”

* Chúng ta không cần phải có một nhà thuyết giáo đường phố lập dị chỉ tay buộc tội để nhắc nhở chúng ta về tội. Chúng ta có nhiều thông tin xác thực hơn, mà chúng ta gọi đó là lương tâm hoặc tiếng Chúa nói trong chúng ta.

  1. LẬT LẠI

John R. Aurelio, trong cuốn sách Những mẩu chuyện về Nước Trời, mang đến cho chúng ta một bức chân dung tuyệt đẹp về bản tính của Thiên Chúa. Ông viết: Vào ngày thứ sáu, Thiên Chúa tạo ra Ađam và Evà. Vào ngày thứ bảy, khi Thiên Chúa đang nghỉ ngơi, họ hỏi Ngài rằng liệu Ngài có ban cho họ một điều gì đó đặc biệt để kỷ niệm ngày sinh của họ không. Vì vậy, Thiên Chúa thò tay vào trong kho báu của Ngài và lấy ra một đồng tiền thiêng liêng. Viết trên đồng tiền đó là từ “Tình Yêu.” Vào ngày thứ tám, Ađam và Evà phạm tội. Khi rời khỏi Vườn Địa Đàng, họ cầu xin Thiên Chúa bảo đảm rằng Ngài sẽ không bỏ rơi họ. Ngài nói với họ: “Các con đã có đồng tiền”. Họ trả lời: “Nhưng đồng tiền viết Tình Yêu, chúng con đã đánh mất tình yêu. Liệu chúng con có tìm lại được nó không?” Chúa nói: “Hãy lật nó lại. Trên mặt kia của đồng tiền được viết từ “Tha Thứ.”

* Có một sự thật tuyệt vời trong đó. Không có tình yêu mà không có sự tha thứ và không có sự tha thứ mà không có tình yêu. Đó là hai mặt của một đồng tiền. Và Tin Mừng là Chúa yêu chúng ta bất kể chúng ta đã làm gì hay đã mắc lỗi gì.

  1. TA KHÔNG NHỚ

Trong cuốn sách của mình, Chúa tha thứ trong một thế giới không khoan dung, Ron Lee Davis kể câu chuyện có thật về một linh mục ở Philippines, một người rất được Chúa yêu thương, nhưng đã mang gánh nặng về một tội giấu kín mà ngài đã phạm nhiều năm trước. Ngài đã ăn năn sám hối nhưng vẫn chưa an tâm về điều đó. Trong giáo xứ của ngài có một phụ nữ rất đạo đức, đã tuyên bố được nhìn thấy và nói chuyện với Chúa. Tuy nhiên, vị linh mục hoài nghi về điều đó. Để kiểm tra bà ấy, ngài nói: “Lần tới khi bà nói chuyện với Chúa, hãy hỏi Chúa xem tôi đã phạm tội gì khi còn học trung học.” Người phụ nữ đồng ý. Vài ngày sau, vị linh mục hỏi: “Này, Chúa Giêsu có đến thăm bà trong giấc mơ không?” Bà trả lời: “Có, Ngài có đến và nói chuyện với con.” “Và bà có hỏi Chúa tôi phạm tội gì không? – Bà ấy cười và trả lời: “Chúa nói: Ta không nhớ.”

  1. NGƯỜI ÍCH KỶ

Câu chuyện của văn hào Oscar Wilde “Người khổng lồ ích kỷ” mang một thông điệp tuyệt vời. Mỗi buổi chiều, bọn trẻ thường đến chơi trong khu vườn của Người khổng lồ. Đó là một khu vườn rộng lớn xinh xắn với thảm cỏ xanh mềm. Đây đó, trên cỏ mọc lên những bông hoa đẹp như sao, và có mười hai cây đào vào mùa xuân nở ra những bông hoa hồng ngọc mỏng manh, đến mùa thu thì đơm hoa kết trái phong phú. Những con chim đậu trên cây và hót ngọt ngào đến nỗi lũ trẻ thường dừng trò chơi lại để lắng nghe. Chúng nói nhau: “Chúng ta ở đây thật là hạnh phúc!” Một ngày nọ, Người khổng lồ trở về; ông đã đi thăm người bạn của mình là Cornish Ogre, và đã ở lại đó bảy năm. Khi về đến nhà, ông thấy lũ trẻ đang chơi trong vườn. Người khổng lồ nói: “Khu vườn của tôi là của riêng tôi, tôi sẽ không cho phép ai chơi trong đó ngoài bản thân tôi.” Vì vậy, ông đã xây một bức tường cao xung quanh vườn, và đặt một bảng thông báo: Ai vi phạm sẽ bị phạt. Những đứa trẻ khốn khổ bây giờ không có nơi nào để chơi. Rồi mùa Xuân đến, khắp nơi trên đất nước này đều có hoa và chim chóc. Chỉ trong khu vườn của Người khổng lồ ích kỷ, trời vẫn còn mùa đông. Những con chim không còn màng đến hót trong đó vì không có trẻ em, và cây cối cũng quên mất việc nở hoa. “Tôi không thể hiểu tại sao mùa xuân đến muộn đến vậy”, Người khổng lồ ích kỷ nói, khi ông ta ngồi bên cửa sổ và nhìn ra khu vườn trắng toát lạnh lẽo của mình; “Tôi hy vọng sẽ có sự thay đổi về thời tiết.” Nhưng mùa Xuân cũng như mùa Hạ không bao giờ đến. Một buổi sáng nọ, ông nhìn thấy một cảnh tượng tuyệt vời nhất. Qua một lỗ nhỏ trên tường lũ trẻ chui vào, và chúng ngồi trên mỗi cành cây. Trong mỗi cái cây mà ông có thể nhìn thấy đều có một đứa trẻ. Và cây cối rất vui mừng khi có lũ trẻ trở lại, chúng đã phủ đầy mình bằng những bông hoa đẹp. Và trái tim của Người khổng lồ tan chảy khi ông nhìn ra ngoài. Ông ta nói: “Tôi đã ích kỷ biết bao!” Rồi ông lấy một chiếc rìu lớn và đánh sập bức tường.

* Câu chuyện của Oscar Wilde trình bày về một người đàn ông đã nhận ra những gì mình làm là sai và tự sửa chữa bằng cách phá bỏ những bức tường mà ông đã xây dựng. Tin Mừng hôm nay đưa ra trước chúng ta hình ảnh một người phụ nữ nhận thức rằng mình đã phạm tội và chị ấy sẵn sàng thay đổi đời sống của mình. Câu trả lời của Chúa Giêsu dành cho chị thật tuyệt vời: “Hãy đi và đừng phạm tội nữa.” (Cha Bobby).

  1. HƯỞNG LÒNG THƯƠNG XÓT

Câu chuyện kể về một người lính trẻ Pháp đã đào ngũ khỏi quân đội của Napoléon, nhưng người này đã bị bắt lại trong vòng vài giờ sau đó. Để ngăn chặn những người lính từ bỏ nhiệm vụ của mình, hình phạt cho tội đào ngũ là tử hình. Mẹ của người lính trẻ nghe thấy những gì đã xảy ra và đến cầu xin Napoléon tha mạng cho con trai bà. Tướng Napoléon lắng nghe lời cầu khẩn của bà nhưng nói rằng vì tính chất nghiêm trọng của tội trạng mà con trai bà đã phạm, rõ ràng nó không đáng được thương xót. Người mẹ trả lời: “Tôi biết nó không đáng được thương xót. Nhưng sẽ không có lòng thương xót nếu nó lại bị như vậy.”

* Đó là đặc điểm về lòng thương xót: không ai xứng đáng được hưởng nó. Nó được trao ban một cách tự do! (Trích dẫn bởi Jude Botelho & Fr. Lakra)

  1. TẨY VẾT NHƠ

Báo Người tiêu dùng đã đưa ra một tập sách nhỏ có tựa đề, Cách làm sạch các vết bẩn hiệu quả. Cuốn sách cho bạn biết nên sử dụng dung môi nào đối với hầu hết các loại vết bẩn. Ở đây chỉ đưa ra một ít. Glycerin loại bỏ vết bẩn bằng bút bi. Nước sôi sẽ loại bỏ vết bẩn của trái trứng cá. Giấm tẩy vết bút chì màu. Để làm sạch vết rỉ sét trên quần áo bảo hộ lao động bằng vải cotton, hãy làm ẩm vết gỉ bằng một ít giấm đậm đặc, sau đó chà xát với một chút muối. Amoniac sẽ loại bỏ vết máu. Rượu sẽ tẩy các vết cỏ. Trộn một thìa nước oxy già 3% với một ít kem đánh răng, rồi dùng khăn mềm chà xát hỗn hợp lên vết bẩn; rửa sạch; vết bẩn dù là gì đi nữa cũng biến mất. Hãy dùng một ít chất làm mềm thịt để loại bỏ các vết bẩn thuộc về protein như sữa, sôcôla và máu trên quần áo. Dùng thuốc tẩy đối với nấm mốc. Nước chanh có tác dụng tốt đối với các vết rỉ sét, v.v…

* Nhưng bạn biết không? Cuốn sách hoàn toàn không nói gì về việc tẩy các vết nhơ tội lỗi. Và lý do nó không đề cập đến là vì chỉ có một Người có thể làm được điều đó. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô, Hiện Thân của Lòng Thương Xót Chúa, như được mô tả trong Tin Mừng hôm nay, mới có thể tha thứ tội lỗi cho chúng ta khi chúng ta ăn năn, sám hối.

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm