Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm C


CN.5.MC.C

(Is 43,16-21; Pl 3,8-14; Ga 8,1-11)

Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui !

Thứ  bẩy này lễ thánh Giuse.

Năm 1870, đất đai và quyền thế của Tòa Thánh bị “Nhóm Ý Trẻ” đánh chiếm. Đức giáo hoàng kêu gọi mọi người chạy đến thánh Giuse, và nhận Ngài làm thánh Bổn Mạng của Giáo Hội, để xin Ngài bảo vê và che chở Giáo Hội.

Giáo Hội Việt Nam cũng nhận thánh Giu-se làm bổn mạng.

Năm 1626 cha Baldinotti (Ban-đi-nốt-ti) đến miền Bắc truyền giáo. Thấy cha ăn mặc đơn sơ giản dị, còn thuyền trưởng ăn mặc sang trọng, nhưng cha vẫn được thuyền trưởng kính trọng nhường bước đi trước, chúa Trịnh Tráng tiếp đón niềm nở cha. Chúa sai một vị sư danh tiếng tiếp chuyện. Vì không biết nói tiếng Việt, cha đành rút lui, về bá cáo với cha Bề trên ở Ma-cao : “Tính tình người xứ Bắc tốt lành, có nhiều thuần phong mỹ tục hợp với tinh thần đạo Công giáo, nếu có những vị thừa sai thông thạo tiếng nói, rất hy vọng thu được một mùa gặt phong phú”.

Năm 1627, Bề trên sai cha Pedro Marquez (Phê-rô Mác-kê), tuy không biết tiếng nói, nhưng già dặn nhiều kinh nghiệm, làm bề trên; còn cha Alexandre de Rhodes (A-léc-xan đơ Rốt), tuy là bề dưới, nhưng biết tiếng nói, vì cha đã đến Vĩnh Điện học tiếng Việt với cha Pina và cậu bé quê Cây Trâm, từ năm 1624.

Ngày 12-3-1627 hai cha xuống tàu đi miền Bắc. Sau 6 ngày thuận buồm xuôi gió, tầu gặp bão. Suốt một đêm đương đầu với sóng gió. Chính ngày lễ thánh Giuse 19-3-1627, tầu cập bến Cửa Bạng, Thanh Hóa. Cha Đắc Lộ đã nhận thánh Giuse làm bổn mạng Giáo hội miền Bắc. Năm 1670, Đức cha Lambert de la Motte (Măm-be đờ la Mốt), chọn thánh Giuse làm bổn mạng toàn thể Giáo Hội Viết Nam

(Nguyễn Hồng, Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam, trang 94-95).

Thánh Giuse, chẳng những là bổn mạng của Giáo Hội hoàn vũ, Giáo Hội Việt Nam, mà còn được Đức giáo hoàng Phanxicô truyền đọc trong kinh nguyện Thánh Thể.

 Thứ tư ngày 13-3-2013, Đức Phan-xi-cô, người Ac-gen-ti-na, 76 tuổi, được bầu làm giáo hoàng thứ 266.

Ngài là 1 trong 5 người con của một gia đình người Ý nghèo khổ, tản cư sang Ac-gen-ti-na. Bố là công nhân xe lửa, mẹ là nội trợ. Cha mẹ đặt tên là Jorge Mario  Bergoglio, tức là Grêgôriô Maria Bergoglio.

Đức giáo hoàng Phanxicô có ba điều mới :

      1.Vị Giáo Hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Châu Latinh.

      2.Vị Giáo Hoàng đầu tiên xuất thân từ Dòng Tên.

      3.Vị Giáo Hoàng đầu tiên chọn danh hiệu Phanxicô.

 

Đi tu

Cảm nghiệm được lòng Chúa thương xót nơi tòa giải tội, người thanh niên 17 tuổi đi tu. Năm 1967 chịu chức linh mục dòng Tên. Có bằng tiến sĩ. Nói 5 thứ tiếng : Tây Ban Nha, Latinh, Đức, Ý và Anh.

Giám mục

       Năm 1992 là Giám mục

       Năm 1998  là Tổng giám mục

Tòa Tổng giám mục ngài bán lấy tiền cho người nghèo. Ngài ở trong một căn hộ nhỏ ở gần nhà thờ chánh tòa. Ngài dùng phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện ngầm, không đi xe với tài xế riêng. Ngài tự nấu ăn.

Ngài thức dậy từ 4 giờ 30 và kết thúc ngày làm việc lúc 21 giờ. Ngài ăn bánh mì vào bữa trưa cùng các cộng sự.

 

Hồng y

Năm 2001 được phong hồng y cùng với Đức HY Nguyễn Văn Thuận.

Ngài dùng phẩm phục hồng y của Đức Hồng y tiền nhiệm để lại.

Trong lễ phong chức hồng y tại Rôma, ngài xin hàng trăm người ở Argentina đừng bay qua Roma dự lễ phong chức của ngài. Hãy dùng số tiền vé máy bay cho người nghèo.

Sau khi nhận chức hồng y, vào thứ năm Tuần thánh năm 2001, ngài rửa chân cho 12 người bị nhiễm HIV.

 

Giáo hoàng

Thứ ba ngày 13-3, 19g6’ khói trắng bay lên. 1g5’, Đức giáo hoàng ra mắt.

Những lời đầu tiên của ngài vô cùng giản dị : “Chào anh chị em. Như chúng ta biết, các vị hồng y đến tận cùng trái đất, để chọn vị giám mục Roma. Trước hết, chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Bênêdictô XVI,  xin Thiên Chúa chúc lành cho ngài và xin Đức Mẹ luôn gìn giữ ngài”

Ngài mời tất cả cùng đọc kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh

Đọc kinh xong, ngài nói tiếp : “Bây giờ, giám mục và giáo dân, chúng ta bắt đầu cuộc hành trình huynh đệ, đầy yêu thương và tin cậy. Tôi muốn xin anh chị em một ân huệ, trước khi tôi ban phép lành cho anh chị em, tôi xin anh chị em đọc kinh xin Chúa chúc lành cho vị tân giám mục Roma. (Ngài cúi đầu để nhận sự chúc lành của các tín hữu). Ngày mai, tôi sẽ đi cầu xin Đức Trinh Nữ che chở kinh thành Roma. Hẹn anh chị em ngày mai. Xin chúc anh chị em ngủ ngon.’’

Ngài là vị giáo hoàng đầu tiên đọc đủ kinh Lạy Cha, Kính Mừng và Sáng Danh. Phần cầu nguyện kéo dài hơn cả phần diễn văn.

Đức giáo hoàng xuất hiện trong bộ áo chùng trắng đơn giản. Lần đầu tiên Đức giáo hoàng xin dân chúng cầu xin Chúa ban phép lành cho ngài.

Ngài vẫn mang thánh giá của ngày ngài được tấn phong giám mục và không mặc áo choàng đỏ như Đức Benedict XVI đã mang khi ra mắt lần đầu năm 2005.

Ngài không dùng tước hiệu “giáo hoàng”, mà dùng tước hiệu “giám mục Rôma”.

 

Thứ năm ngày 14-3

9 giờ 50, ngài đến Vương cung Thánh đường Đức Bà Cả để cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ là Đấng che chở người dân Roma.

Ngài từ chối sử dụng xe hơi dành cho giáo hoàng mang bảng số CV1 (Cité du Vatican 1). Ngài  đi xe buýt nhỏ (minibus) chung với các vị hồng y.

Ngài đặt bó hoa dâng kính Đức Mẹ. Ngài mặc áo trắng, đi gầy đen (thay vì giầy đỏ giáo hoàng), đeo nhẫn hồng y và đeo thánh giá bằng bạc. Trước khi ra về, Ngài bắt tay từng người. Ngài xin mỗi người cầu nguyện cho ngài. Cuộc gặp gỡ thật là cảm động, ngài tỏ ra rất mực thương yêu và khiêm nhường.

Ngài đã ghé khách sạn lấy hành lý và tự ý trả tiền phòng

 

Thứ sáu ngày 15-3

Sau thánh lễ Đgh gặp gỡ tất cả các Hồng y, kể cả các vị trên 80 tuổi. Ngài mời gọi các ngài đừng bi quan, nản chí, hoặc có thái độ cay đắng.

Tại Lưu xá Thánh Mátta, Đức Giáo Hoàng chỉ cần ngồi ở một vị trí còn trống trong phòng ăn.

Khi chọn tước hiệu Phanxicô, Đức Tân Giáo Hoàng đã rõ ràng muốn cho thế giới biết là chẳng những ngài luôn sẵn sàng canh tân, nhưng còn muốn  làm mới lại mọi sự theo tinh thần thánh Phanxicô Khó Khăn! Không với tư cách một người làm đầu chỉ tay năm ngón, mà là một người phục vụ khiêm tốn,

       Người ta nói : Sự giản dị, khiêm tốn và nghèo khó của ngài, rồi đây sẽ làm thay đổi hàng loạt các nếp sống vốn nặng tính nghi thức và đôi khi xa rời với đời sống thời nay.

Đức giáo hoàng Phanxicô chẳng những được chọn làm giáo hoàng vào thánh thánh Giuse, mà ngài chọn ngày đăng quang vào chính ngày lễ thánh Giu-se.Và sống giản đơn theo tinh thần của người thợ mộc thành Na-da-rét.

Chúng ta hay chạy đến thánh Giu-se.

———————–

       13-3-2016.

 

CN.5.MC.C

 

Cho tới hôm nay dư luận vẫn còn xôn xao về một đoạn clip quay một cảnh nữ sinh bị một nữ sinh cùng lớp 10 của trường Trấn Nhân Tôn, Hà Nội, đấm đá vào lúc 4g30 chiều ngày 3-3-2010.

Nhà báo Khánh Chi kể : “Theo hình ảnh trong video, sự việc diễn ra ngay ở khu vườn hoa phía sau tượng đài vua Lý Thái Tổ (sát hồ Gươm). Một nữ sinh mặc áo sọc sẫm mầu, liên tục túm tóc, kéo lê, dùng chân đi giầy đá vào mặt người bạn gái mặc áo phông trắng (lột cả quần áo). Ở ghế đá cạnh đó, một số học sinh đeo cặp sách thản nhiên ngồi xem, thậm chí còn xông vào đánh hội đồng. Sau khi nhận hàng tá cú đá vào mặt, mặt nữ sinh bị đá thâm tím”.

Hằng ngày không chỉ một, mà cả hàng ngàn vụ học sinh đánh nhau.

Vụ đấm đá chiều ngày 3-3 công an đã tìm ra được 10 khuôn mặt. Chiều ngày 15-3 tại trụ sở công an Hà Nội, Tường Vi mặc chiếc áo sọc gần giống với hôm trực tiếp đánh Quỳnh Anh. Gương mặt không biểu hiện một chút sợ hãi. Thỉnh thoảng cô gái 17 tuổi này còn nói chuyện pha trò với cảnh sát.

Vì tự nhận từng đi học võ hồi câp 2, nên đã sử dụng một số “ngón nghề” với nạn nhân. “Em đánh thế đã ăn thua gì, vẫn nhẹ mà. Ở ngoài đời còn có những vụ đánh nhau ác liệt hơn thế”.

Bố mẹ ly dị và ở với bố, và năm 2008 bỏ học. Sau đó cô tham gia các hoạt động vui chơi trong đó có nhảy hip hop. Vi hồn nhiên nói : “Nhóm em toàn con trai, nên chúng chiều em lắm”.

Vi kể đây không phải là lần đầu đánh nhau. Những lần trước cả nhóm lao vào đấm đá, chứ không độc diễn với đối phương như lần ở vườn hoa Pasteur. Vi nói : “Chuyện chẳng có gì. Nếu có bị đi tù thì em không sợ. Tội em đến đâu thì xử đến đó”.

Phương Năm, một độc giả, đã viết những cảm nghĩ như sau : “Tôi quá sốc và đau lòng. Thật tình tôi không hình dung nổi, đạo đức học sinh ngày nay xuống cấp như vậy. Bạn gái với nhau dù có lỗi gì chăng nữa thì cũng không thể cư sử như vậy. Thời chúng tôi đi học không có nhiều sách để đọc, không có nhiều giờ để nghe thầy cô giảng gỉải, và cũng không có nhiều phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao trí thức như bây giờ, nhưng chúng tôi chỉ biết nhường nhịn và chia sẻ cho nhau. Một lời nói làm tổn thương bạn là cả tuần đó thấy lòng bất ổn rồi, nói chi đến chuyện xúc phạm đến thân thể của nhau như thế”.

Bảo Trinh, một độc giả, than thở : “Đạo đức con người ở đâu rồi ? ? ? Nhất là mầm non tương lai của đất nước mà đạo đức và hành động như thế, thì giáo dục hiện nay ra sao ? Gia đình và nhà trường đã và đang làm được những gì cho con em…

Nghe những lời Tường Vi nói với công an khó mà tưởng tượng nổi. Một cô gái mới 17t mà chai lì, dữ tợn, giống như một tên côn đồ giết mướn.

So với những Lời Chúa trong thánh lễ khác nhau một trời một vực. Một bên thì đấm đá, chém giết; còn một bên thì thương yêu, âu yếm.

Bđ1 : Trong sách ngôn sứ I-sai-a Thiên Chúa quên hết mọi lỗi lầm của dân Chúa. Thấy cảnh khổ lưu đày ở Babylon, Thiên Chúa chỉ biết chạnh lòng thương tìm cách cứu vớt. Đến nỗi dân Do Thái phải thốt lên : “Khi Chúa dẫn tù nhân Xi-on trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ. Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng”.

Chúa không muốn nghe tiếng khóc của dân, Chúa chỉ muốn nghe tiếng cười thôi. Chúa không muốn nhìn thấy những khuôn mặt u sầu, Chúa chỉ muốn nhìn thấy những khuôn mặt chứa chan niềm vui.

BTM :  Vì thế, trong BTM, Chúa Giêsu không bảo ném đá người phụ nữ ngọai tình, Chúa tìm cách cứu. Chúa bảo những ai muốn ném đá : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Rồi Chúa ngồi xuống viết trên cát.

Có lẽ Chúa chẳng viết gì. Chúa chỉ nghuệch ngoạc vài nét ngang nét dọc, để mọi người im lặng, mọi người hồi tâm, nghe tiếng nói của lương tâm mình. Chứ không chỉ nghe tiếng miệng mình thốt ra.

Ngẩng đầu lên, Chúa chỉ thấy còn Chúa và chị phụ nữ ngoại tình. Mọi người đã nghe tiếng nói lương tâm mà bỏ về. Thánh Âu-tinh ví von : “Chỉ còn sự khốn khổ và lòng thương xót ”. Tiếng latinh là mi-se-ri-a và mi-se-ri-cor-di-a. Từ khốn khổ đến lòng thương xót chỉ cách xa một “cor-di-a”, nghĩa là một trái tim, một tấm lòng.

Bđ2 : Trong thư Phi-lip-phê bđ2, thánh Phao-lô đã có một tấm lòng, một con tim với Chúa Ki-tô, nên ngài viết : “Vì Người, tôi đánh mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô” (Pl 3,8).

Cô gái 17t không còn trái tim, không còn tấm lòng, nên làm cho bạn phải khốn khổ.

Các người kinh sư và Pha-ri-sêu không còn tấm lòng, không còn trái tim, nên chỉ muốn kết án chết cho chị phụ nữ ngoại tình.

———————–

 21-3-2010

CN.5.MC.C

Hôm nay là chúa nhật cuối cùng của Mùa Chay, để rồi chúa nhật tới, lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, Tuần Thương Khó.

Chúng ta đọc lại 5 bài Tin Mừng trong 5 chúa nhật Mùa Chay :

Bài TM CN.1 : Ma qủi cám dỗ Chúa Giêsu

Bài TM CN.2 : Chúa Giêsu biến hình trên núi

Bài TM CN.3 : Cây vả không bị chặt, được hõan lại tới sang năm.

Bài TM CN.4 : Ngừơi Cha nhân hậu

Bài TM CN.5 : Người phụ nữ ngọai tình.

Ba bài TM chúa nhật cuối đều nói đến lòng nhân hậu từ bi của Chúa, đồng thời nói đến ác tâm và óan hờn của lòai người.

Câu chuyện “Người Phụ Nữ Ngọai Tình” được thánh Gio-an kể như sau : từ Ga-li-lê miền Bắc Chúa Giêsu lên Giu-đê miền Nam, để dự lễ Lều. Lễ Lều được cử hành trong 8 ngày. Ban ngày Chúa dự lễ ở Đền Thờ Giê-ru-sa-lem; ban đêm Chúa Giê-su ra vườn Cây Dầu cầu nguyện và nghỉ đêm (Ga 8,1).

Sáng hôm đó, Chúa Giê-su trở lại Đền Thờ và giảng dạy, thì các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, tức là những chức sắc đạo Do Thái, dẫn một người phụ nữ ngọai tình đến trước mặt Chúa. Họ nói với Chúa : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngọai tình. Trong Sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” (8,4-5).

Muốn độc giả chú ý đến ý đồ của các chức sắc, thánh Gio-an ghi lại câu này : “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (8,6a). Như thế, việc xét xử người phụ nữ chỉ nhằm mục đích làm hại Chúa Giêsu. Đó là cái bẫy họ gài để cho Chúa sa vào.

Nếu Chúa bảo tha, không ném đá, thì Chúa chống lại luật Mô-sê, vì luật Mô-sê dạy phải ném đá (Lv 20,10; Đnl 20,22-24).

Nếu Chúa bảo ném đá, thì Chúa chống lại người Rô-ma. Chính quyền Rô-ma không cho phép người Do Thái lên án tử, vì sợ người Do Thái lấy cớ tôn gíao mà giết những người ủng hộ chính quyền Rô-ma.

Trong vụ án xét xử Chúa Giê-su, quan Phi-la-tô bảo người Do Thái : “Các người cứ đem ông ta đi mà xét xử theo luật của các người. Người Do Thái đáp : Chúng tôi không có quyền xét xử ai” (Ga 18,31).

Song, lý do quan trọng hơn cả là : Chúa dạy sống hiền lành và tha thứ, nay Chúa lên án ném đá, thì Chúa nói một đàng Chúa làm một nẻo, lý tưởng Chúa đề ra đã không thật .

Các nhà lãnh đạo Do Thái đã giăng một cái bẫy rất hiểm. Không có cách nào Chúa thóat được. Bảo ném đá hay không ném đá cũng đều bị sa bẫy.

Thánh Gio-an kể tiếp : “Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (8,6b).

Trong các sách Tin Mừng đôi khi cũng cho biết những chi tiết đặc thù về cuộc đời của Chúa : Chúa đói (Mt 4,2), Chúa mệt (Ga 4,6), Chúa khóc (Ga 11,35), Chúa buồn (Lc 22,44), Chúa khát (Ga 19,28), và bài TM hôm nay là Chúa viết (8,6b).

Chúa đã viết gì trên đất ?  Các nhà Kinh Thánh suy diễn :

  • Thánh Giê-rô-ni-mô nói Chúa viết tội lỗi của những người tố cáo chị.
  • Người khác cho rằng : Chúa viết lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a : “Những kẻ quay lưng lại với Đức Chúa sẽ bị bứng khỏi đất” (17,13).
  • Người khác nữa nghĩ rằng : Chúa viết lời dạy của ông Mô-sê : “Đừng làm chứng gian mà tiếp tay cho kẻ xấu” (Xh 23,1b). Nếu là chứng thật, thì tại sao chỉ mình chị phụ nữ bị tố cáo; còn người đàn ông phạm tội ở đâu ?
  • Suy diễn thứ bốn : Chúa theo thói tục của tòa án Rô-ma, quan tòa viết án xử vào một tờ giấy, sau đó mới đọc lên để tuyên án.
  • Có lẽ suy diễn thứ năm đúng hơn : Chúa Giêsu ngồi xuống viết trên đất, để mọi người có một thời gian im lặng. Im lặng để mọi nóng nẩy, hằn thù được lắng xuống. Im lặng để suy nghĩ. Im lặng để xét mình. Im lặng để thấy cái xà trong con mắt mình.

Thánh Gio-an kể tiếp : “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng đầu lên và bảo họ : ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi’. Rồi người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (8,7-9a).

Tại sao những người lớn tuổi bỏ đi đầu tiên ? Có người cho rằng : càng nhiều tuổi càng nhiều tội; cũng có người cho rằng : lớn tuổi thì khôn ngoan hơn, nên hiểu lời Chúa nói hơn. Dù lớn hay nhỏ, thảy đều bỏ về hết, vì tất cả đều phạm tội, và “chỉ còn lại một mình Đức Giêsu và người phụ nữ” (8,9b).

Thánh Au-gút-ti-nô nói : chỉ còn lại lòng thương xót (cor-di-a) và sự khốn khổ (mi-se-ri-a). Có khốn khổ mới cần lòng thương xót, có lòng thương xót mới thấy được sự khốn khổ. Chị phụ nữ ngọai tình khốn khổ nên cần lòng thương xót của Chúa, và Chúa có lòng thương xót nên đã thấy sự khốn khổ của chị.

Biết bao nhiêu người khốn khổ ở bên cạnh chúng ta, mà chúng ta đã không thấy, vì chúng ta không có lòng thương xót, chúng ta chỉ có lòng ác độc, nên không có tha thứ, mà chỉ lên án thôi.

Chúa thì thương xót, còn lòai người thì lên án !

Lòai người lại lên án lòai người

————————-

25-3-2007

CN.5.MC.C

      Lời đáp ca của Chúa nhật cuối cùng Mùa Chay hôm nay :

Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại.

Ta thấy mình chan chứa một niềm vui !”.

      Ba bài đọc của thánh lễ sẽ cho ta thấy “việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại” và “ta  thấy mình chan chứa một niềm vui” !

 

Bài đọc 1 : Bđ1 đọc trong sách ngôn sứ I-sai-a. Sách ngôn sứ I-sai-a được chia làm 3 phần, mỗi phần phản ảnh một thời kỳ lịch sử  của dân Is-ra-el : phần I là thời kỳ bị đế quốc As-sua xâm chiếm; phần II là thời kỳ lưu đày ở Ba-by-lon; và phần III là thời kỳ thoát cảnh lưu đày, trở về tái thiết quê hương.

Bđ1 hôm nay ở trong phần II, cũng được gọi là phần “an ủi”, an ủi dân Is-ra-el đang sống trong cảnh lưu đày, hy vọng vào ngày Thiên Chúa giải cứu.

Trước hết, ngôn sứ I-sai-a nhắc lại biến cố vĩ đại Thiên Chúa đã làm, để giải thoát dân Is-ra-el thoát cảnh nô lệ ở Ai-cập, vượt qua Biển Đỏ để về lại đất Ca-na-an. Ngôn sứ  đã kể lại biến cố vĩ đại đó như sau : “Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng. Đấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnh binh hùng : tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy, đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (Is 43,16-17).

Biến cố xuất hành là một biến cố vĩ đại Thiên Chúa đã làm, hằng năm ngày xưa cũng như ngày nay người Is-ra-el vẫn cử hành lễ Vượt Qua này. Thế mà Thiên Chúa bảo “đừng nhớ lại”, như ngôn sứ I-sai-a kể : “Thiên Chúa phán như sau : ‘Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?” (43,18-19).

Trong cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, 40 năm trong sa mạc, dân Is-ra-el khát và Thiên Chúa cho tảng đá vọt nước cho dân uống, dân Is-ra-el đói và Thiên Chúa cho ăn man-na và chim cút.

Cuộc xuất hành ra khỏi cảnh lưu đày Ba-by-lon lần này, Thiên Chúa làm mọi sự sẵn sàng cho dân thoải mái đi về quê hương : “Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc” (43,19); “Khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn”, con sông chẳng những cho dân “khỏi khát” (43,20), mà cho cả các con vật sống trên đó : “Loài dã thú, chó rừng và đà điểu” (43,20). Qủa thật, 50 năm sau Thiên Chúa đã giải cứu dân Is-ra-el khỏi cảnh lưu đày. Vua Ky-rô đã cho phép dân Is-ra-el trở về dưới sự lãnh đạo của hai ông Ét-ra và ông Nơ-khê-mi-a.

 

Bài Tin Mừng : Qua câu chuyện Chúa Giê-su tha tội cho chị phụ nữ ngoại tình trong bài Tin Mừng, Thiên Chúa còn làm một cuộc xuất hành vĩ đại hơn là cuộc xuất hành khỏi Ai-cập thời ông Mô-sê và cuộc giải thoát khỏi cảnh lưu đày Ba-by-lon dưới thời vua Ky-rô. Đó là cuộc xuất hành khỏi nô lệ tội lỗi.

Câu chuyện được diễn tả qua ngòi bút của thánh Gio-an như sau : “Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người : ‘Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt qủa tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?’” (Ga 8,3-5).

Đây không chỉ là vấn đề xét xử bình thường, mà là cái bẫy : “Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (8,6). Nếu tha không cho ném đá, Chúa Giê-su phạm luật Mô-sê. Nếu chấp nhận luật ném đá, thì Chúa Giê-su mắc phải hai điều :

1/ Chiếm quyền ra án tử hình của người Rô-ma, vì từ khi người Rô-ma đô hộ, người Do Thái đã bị tước quyền xử tử;

2/ Chúa Giê-su tự chối bỏ lòng thương xót người tội lỗi, Chúa cũng giống như những nhà lãnh đạo Do Thái, chẳng hơn gì. Vương quốc thương yêu công bình mà Chúa thiết lập sẽ sụp đổ. Đàng nào Chúa Giê-su cũng bị mắc bẫy.

Thánh Gio-an kể tiếp : “Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất” (8,6). Đức Giê-su cúi xuống viết cái gì ?  Có mấy ý kiến sau :

1/ Thánh Giê-rô-ni-mô cho rằng Ngài viết tội của những người tố cáo,

2/ Chúa Giê-su viết lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a : “Những ai lìa bỏ Ngài sẽ phải xấu hổ, những kẻ quay lưng lại Ngài sẽ bị bứng khỏi đất” (17,13).

3/ Lời Chúa phán với ông Mô-sê trong sách Xuất Hành : “Ngươi không được phao tin đồn nhảm. Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu. Ngươi không được hùa theo số đông để làm điều trái; trong vụ kiện, ngươi không được ngả theo số đông mà làm chứng, khiến công lý bị sai lệch. Ngươi không được thiên vị người yếu thế khi họ có việc kiện tụng” (23,1-3),

3/ Theo như  thói quen của người Rô-ma, quan tòa viết bản án trước khi tuyên án.

Tất cả chỉ là ý kiến, là suy đoán. Chúa Giê-su cúi xuống viết là muốn họ yên lặng để suy nghĩ. Và bây giờ đến lúc cái bẫy được tháo gỡ : “Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : ‘Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá ném trước đi” (Ga 8,7).

Như thế, Chúa Giê-su cúi xuống viết để bắt họ tra vấn lương tâm : Họ có tội hay không ? Họ xét xử có đúng luật hay không ? Tội ngoại tình bị bắt qủa tang dĩ nhiên phải có hai người cùng làm. Còn người kia đâu ? Hay vì hắn là đàn ông nên được bỏ qua ? Chiếu theo luật Mô-sê, hắn cũng phải bị ném đá.

Sau khi tra vấn lương tâm, thấy mình có tội, họ “bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi” (8,9). Những người lớn tuổi bỏ đi trước hết, vì càng nhiều tuổi càng nhiều tội. Người lớn tuổi thường trọng danh dự của mình. Nếu họ nán lại, có khi bị Chúa vạch tội sẽ mất mặt. Kết cục “chỉ còn lại mình Đức Giêsu, và người phụ nữ đứng ở giữa” (8,9).

Thường trong các vụ xử  án, tội nhân lợi dụng lúc lộn xộn này cũng cao chân chạy thoát, nhưng chị đã đứng lại, vì chị biết lòng nhân từ và tha thứ của Chúa. Chúa Giê-su đã tuyến bố trắng án cho chị : “Tôi không lên án chị đâu ! Thôi cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (8,11).

Thánh Au-gút-ti-nô đã mô tả giây phút kỳ diệu này bằng câu : “Còn ở lại có hai : sự khốn cùng và lòng thương xót”. Thánh Augúttinô đã chơi chữ  bằng tiếng Latinh : mi-se-ri-a (sự khốn cùng) nay trở thành mi-se-ri-cor-di-a (lòng thương xót). Từ misericordia (lòng thương xót) chỉ khác từ miseria (sự khốn cùng) ở vần cordia (trái tim, tấm lòng), nghĩa là nếu có tấm lòng thì sẽ biến sự khốn cùng thành lòng thương xót.

Chúa Giêsu đã có tấm lòng. Chúa Giêsu đã không tiêu diệt chị, nhưng đổi mới chị, như  Lời Chúa trong sách ngôn sứ Ê-dê-ki-en : “Ta lấy mạng sống Ta mà thề : Ta chẳng vui gì khi kẻ gian ác phải chết, nhưng vui khi nó thay đổi đường lối để được sống” (33,11). Đúng như lời đáp ca : “Việc Chúa làm cho ta ôi vĩ đại, ta thấy mình chan chứa một niềm vui”.

 

Bài đọc 2 : Lòng thương xót của Chúa Giê-su không chỉ dành cho chị phụ nữ ngoại tình, mà dành cho tất cả nhân loại. Trong thư gửi giáo đoàn Phi-líp-phê, thánh Phao-lô đã so sánh niềm vui được cứu thoát như là phần thưởng của người lực sĩ chạy đua : “Tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt…Lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi trong Đức Giêsu Ki-tô” (3,12.13.14). Với phần thưởng vĩ đại ấy, thánh Phao-lô đã “coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Ki-tô Giê-su…đành đánh mất hết…coi tất cả như rác, để được Chúa Kitô” (3,8).

Trong số 118 vị Thánh tử đạo ở Việt Nam, có một mình bà thánh Anê Lê thị Thành là phụ nữ. Bà bị bắt vì đã chứa các linh mục. Bà bị bắt cùng với cha Lý, hai nữ tu dòng Mến Thánh Giá, ông trùm Cơ và 4 giáo chức. Tất cả bị đeo gông đưa về giam ở tỉnh Nam Định.

Sáu ngày sau, bà bị đem ra trước công trường. Quan bắt bà chối đạo, bà đáp : “Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa”. Lính lấy roi đánh bà, bà vẫn không bỏ đạo. Lính lấy những thanh củi to quật vào bà. Bà vẫn không nản lòng. Khi chồng vào tù thăm, bà nói : “Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức Mẹ giúp sức”. Quan thả rắn độc vào trong áo, bà bình tĩnh đứng yên, rắn không cắn, mà bò ra. Lính lại ra tay đánh bà. Cô gái út Luxia Nụ đến thăm, thấy áo mẹ thấm đầy máu, cô đã khóc, nhưng bà nói : “Con đừng khóc, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giê-su, sao con lại khóc ?”.

Vì bị đánh đòn nhiều, bà đã kiệt sức và chết rũ trong tù ngày 12-7-11842, sau ba tháng bị giam cầm. Trước khi tắt thở bà đã cầu nguyện rằng : “Giê-su, Ma-ri-a, Giu-se, con phó linh hồn con và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo thánh ý Chúa trong mọi sự”.\

Linh mục Nguyễn Trung Thành