Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm A
CN.5.MC.A
(Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45)
Cha Vinh Sơn Đỗ Yến người làng Trà Lũ, xứ Phú Nhai, Bùi Chu. Ngài làm quản xứ Kẻ Sặt, giáo phận Đông, gồm các giáo phận Hải Phòng, Bùi Chu, Thái Bình và Bắc Ninh ngày nay. Trong thời vua Minh Mạng, việc bắt đạo rất gay gắt.
Có người báo cho quan huyện là cha Vinh Sơn Đỗ Yến đang có mặt ở Kẻ Sặt. Quan cho lính bao vây. Ban đêm cha trốn về Hưng Yên. Giữa đường cha bị bắt. Quan huyện giải cha về tỉnh Hải Dương. Quan tỉnh biết cha là người khôn ngoan, vui vẻ, hiền từ, nên không muốn giết cha.
Ông xin cha khi ra tòa án, đừng nhận mình là linh mục, mà khai là một lang y. Cha đáp:
– Thưa quan, tôi không phải là thầy lang. Tôi là linh mục chuyên lo giảng đạo, và dâng lễ tế lên Thiên Chúa. Tôi sẵn lòng chịu chết, chứ không thể nói dối để được sống.
Ông quan lại tìm cách khác, để cha khỏi bị tòa kết án. Ông bày cho cha : tôi vẽ một hình vòng tròn, chứ không phải là hình Thánh Giá. Ông bước qua vòng tròn thôi.
Cha thưa : “Làm như thế không khác nào tôi chối đạo”.
Không thể cứu cha khỏi án tử hình, quan đành phải thi hành theo lệnh vua Minh Mạng. Quan thương cha, biếu cha một tấm khăn lớn để tẩn liệm cha. Cha bị chặt đầu ngày 30-6-1838, thọ 74 tuổi.
Quan cho phép giáo dân đem về an táng tại nhà thờ Bình Lao. 8 tháng sau thì cải táng đem về chôn tại nhà thờ Thọ Ninh. Khi mở hòm cha ra, lạ lùng : thân xác cha còn nguyên vẹn như đang ngủ. Ông Trường Dong, ngoại đạo, được chứng kiến tận mắt phép lạ, đã kêu lên : “Thật là người sống khôn, thác thiêng. Đã 8 tháng mà không tiêu hao, thối rữa, lại còn tỏa mùi thơm tho.” (Nguyễn Đức Việt Châu, Hạnh Tích Các Thánh Tử Đạo VIệt Nam, trang 202-203).
Những thân xác chết mà không thối rữa, theo bà Carrol Cruz, ít ra đã có 102 thân xác. Thân xác mới nhất không thối rữa là thân xác của Đức giáo hoàng Gioan 23. Ngài tạ thế năm 1963. Năm 2000 Hội Thánh phong chân phước cho ngài. Mộ ngài được mở ra và thân xác ngài vẫn nguyên vẹn sau 37 năm. Hiện thân xác ngài được đặt trong tủ kính và trưng bày trong Đền thờ thánh Phê-rô, để mọi người đến cầu nguyện.
BTM: Xác cha Vinh Sơn Đỗ Yến, sau 8 tháng chôn, vẫn còn nguyên vẹn, tươi thơm, hay xác của Đức Gioan 23 sau 37 năm, là hình ảnh xác loài người ta sống lại, như Chúa Giêsu nói với cô Mátta trong BTM : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,25-26).
Bđ1: Xác loài người ngày sau sẽ sống lại đã được loan báo cả hàng 600 năm trước, tức là từ thời ngôn sứ Ê-dê-ki-en vào thế kỷ thứ 6 trước Chúa giáng sinh. Ngôn sứ thay mặt Thiên Chúa loan báo, được đọc trong bđ1 : “Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta” (Ed 37,13).
Bđ2: Khoảng năm 57, 58 sau Chúa giáng sinh, thánh Phao-lô nhăc lại niền tin xác sống lại với dân thành Rô-ma, trong bđ2 : “Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giê-su sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8,11).
Thân xác người ta sẽ sống lại. Tuy nhiên, để thân xác được hưởng phúc trên trời, thì khi sống, người ta không bị xác thịt tội lỗi chi phối. Thánh Phao-lô nhắn nhủ trong thư Rô-ma : “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa” (Rm 11,8).
Gia đình chúng ta cũng vậy, hạnh phúc hay không, tùy mỗi người trong gia đình sống đạo đức hay sống trong tội lỗi, được Chúa chi phối hay tội lỗi xác thịt chi phối (6-4-2014)
@
Đức cha Va-len-ti-nô Vinh, giáo phận Trung, Bùi Chu, người Tây Ban Nha, dòng Đaminh, bị chém đầu ngày 1-11-1861 tại pháp trường Năm Mẫu, Hải Dương, được an táng tại Thọ Ninh, rồi Kẻ Mốt. 4 tháng sau cải táng đem về Bùi Chu, xác ngài vẫn còn tươi tốt (Nguyễn Đức Việt Châu, Hạnh Tích Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, trang 403).
Đức cha Stêphanô Thể, người Pháp, giám mục Tây Đàng Trong, bị bắt tại nhà bà Ma-đa-lê-na Huỳnh Thị Lựu ngày 24-10-1861. Vì bệnh kiết lỵ, Đức cha đã chết rũ tù tại Bình Định ngày 14-11-1861 và được đem chôn. 8 ngày sau, theo lệnh phải bị quăng xuống sông, xác ngài được đào lên. Ông cai Phương xác nhận : “Xác Đức cha vẫn còn tươi tốt, không có mùi hôi thối, mà còn phảng phất mùi thơm của hoa hồng, râu tóc còn y nguyên như người nằm ngủ” (Nguyễn Đức Việt Châu, sđd, trang 463-464).
Đức cha Phêrô Borie Cao, giám mục Tây Đàng Trong, người Pháp, bị chém đầu tại pháp trường Đồng Hới ngày 24-11-1838. Ngài được an táng tại pháp trường Đồng Hới cùng với cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm, và cha Phêrô Vũ Đăng Khoa. Một năm sau được cải táng, đem về chôn tại nhà thờ Kẻ Gốm, Nghệ An.
Thầy Phêrô Trần Văn Thiềng đã kể lại như sau : “Cha chính Masson Nghiêm coi sóc xứ Nghệ, sai tôi là kẻ giảng vào Quảng Bình sảng, Bình Chánh huyện, năm 1839, năm An Nam là Kỷ Hợi, vua An Nam là Minh Mạng thập cửu niên”.
Cha chính Nghiêm dặn tôi : “Con vào trong ấy mà lo liệu cất xác các đấng về cho cha, mà có đưa về cả được thì tốt, chẳng liệu được cả thì cha cho phép lấy hài cốt các ngài cho dễ như thói An Nam đã quen”.
Thầy kể tiếp : “Tháng 10 ta năm ấy tôi ở tại Quảng Bình, có thầy Tự là con thiêng liêng của Đức cha và ông Năm phải giam tại đó. Hai ông bảo tôi rằng : Ông phải liệu đưa xác các đấng ấy đi cho chúng tôi xem thấy, kẻo sau này quan xứ chúng tôi thì chẳng có ai đến đây làm chi nữa, mà bỏ các ngài ở đây mãi thì không được”
Thầy còn kể : “Tôi nhờ thầy Nguyên và chị Mễ giúp tôi. Sau đó chúng tôi vào xin quan phủ cho chúng tôi được lãnh xác ba ông đạo trưởng, kẻo để nơi đây trâu bò đi lại thì chúng tôi sợ lắm”.
Quan nói : “Đương lúc này, quan còn ghét đạo lắm. Ta không dám cho phép.Nhưng các người lấy trộm được ta cho phép”.
Thầy Thiềng lại kể : “Biết trước ý của các quan huyện như vậy, ban đêm chúng tôi cùng nhau lấy trộm xác các ngài. Trong khi mở nắp xăng của Đức cha Borie Cao ra thì xác còn nguyên, không thối, không thâm, trong xăng có nước đứng đến cổ chân. Ngài phải chém đầu cho nên khi ấy tuất (tuốt ?) một cái thì thịt ra một đàng, xương ra một đàng. Chân thừa ra ngoài xăng độ hơn một gang tay thì thịt có mềm, nhưng không tuất ra được. Còn từ vai trở xuống thịt còn cứng không lấy xương ra được, phải khiêng lên đem vào nhà tế dượng mà lấy xương ra, cũng không lấy được, vì thịt chắc lắm, nên phải đem vội xuống thuyền chở tới chợ Đồng Hới một ngày một đêm. Khi đem vào nhà tế dượng có phỏng chừng 15 người được xem thấy, trong số 15 người này thì chỉ có 5 người Công giáo, còn những người khác là lương dân cũng đều xem thấy và chứng kiến như vậy”……
Thầy Thiềng kể tiếp tục : “Đến tối hôm sau, chúng tôi mới lấy được xác cha Vũ Đăng Khoa, thịt ngài còn mềm hơn, nhưng không lấy xương ra được, phải khiêng xác xuống thuyền. Đến hôm sau lại đưa cả hai xác lên nhà thầy Nguyên ở làng Mỹ Hương huyện Lệ Thủy. Về tới làng Mỹ Hương chúng tôi đào lỗ xuống đất và để xác các ngài xuống, rồi đổ vôi vào hai xác ấy cho nát thịt ra để chỉ lấy xương, nhưng thịt cũng không nát. Sau phải xẻ thịt ra mà lấy xương, rồi mới lấy giấm và rượu để rửa, đoạn lấy giấy và vải bọc xác hai đấng ấy và bỏ vào bồ đậy lại, rồi đưa về Nghệ An, xã Thuộc Dược, huyện Chân Lộc, thôn Kẻ Gốm”.
“Cha chính Nghiêm đã rất hối tiếc vì thầy giảng Trần Văn Thiêng đã làm theo lệnh từng chữ, khiến không mang toàn thân thể nguyên vẹn của các ngài về được. Thật là vô cùng đáng tiếc” (Nguyễn Đức Việt Châu, sđd, trang 486-487).
Trong tập sách “The Incorruptibles” (Những Thân Xác Không Bị Tan rữa), bà Joan Carroll Cruz đã kể 102 thân xác các thánh còn nguyên vẹn.
Tất cả các câu chuyện xác còn nguyên vẹn sau khi chết, để minh chứng lời Chúa Giê-su nói trong BTM thánh lễ chúa nhật cuối của Mùa Chay hôm nay : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11,26).
Niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy” mà chúng ta đọc trong kinh Tin Kính là một trong những niềm tin quan trọng. Đến nỗi thánh Phao-lô xác quyết với các tín hữu Cô-rin-tô : “Vì nếu kẻ chết không chỗi dậy, thì Đức Ki-tô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Ki-tô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền… Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Ki-tô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,16-17.19).
Người lương dân cũng tin thân xác người ta còn sau khi chết, vì thế họ mới làm vàng mã trong ngày giỗ, nhất là trong những ngày Tết.
———————————-
CN.5.MC.A
Năm 1661 mất 7 huyện, 7 huyện ở phía nam sông Lam lọt vào tay nhà Trịnh ở Đàng Ngoài, Miền Bắc. Nhà Nguyễn ở Đàng Trong, Miền Nam trút cơn giận lên người Công giáo. Ngày 29-1-1661 bà Matta bị đâm chết cùng với hai ông Đamasô và Simon ở Dinh Cát, Quảng Trị ; lại thêm 5 ông nữa và bà Monica. Hai năm sau, ngày 22-12-1663, 4 quân nhân tử đạo. Vài hôm sau ba ông Phêrô Kỳ, Micae Miên và Inhaxu Vang bị chém đầu.
Hai năm sau, ngày 5-1-1665, 11 vị giáo dân Dinh Cát bị điệu vào Huế và bị án tử, trong đó có 2 anh em ruột tên thánh là Raphaen 16 tuổi và Têphanô 14 tuổi. Cha mẹ cả hai cậu chối đạo, nên hai cậu bỏ nhà vào Huế xưng đạo.
Trước khi vào Huế, hai anh em nói với cha sở : “Cha mẹ chúng con muốn ở lại dưới đất, còn chúng con muốn về Nước Trời”. Vào Huế, trước tòa án, người anh Raphael nói với quan : “Chúng cháu không còn cha mẹ, chúng cháu đến xin quan gởi chúng cháu về trời, nơi có cha của chúng cháu”. Quan hỏi : “Ai là cha của chúng bay ?”. Người anh đáp : “Bẩm quan lớn, chính là Thiên Chúa, Đấng dựng nên trời đất”. Hai anh em bị quan cho voi giầy đạp.
Chứng kiến hai anh em Raphael và Têphanô can đảm tuyên xưng đức tin, cô bé Luxia mới 9, 10 tuổi, con ông Phêrô Kỳ, tử đạo vào dịp lễ Giáng Sinh hai năm trước, năm 1663, tại Dinh Cát. Cô rẽ đám đông vào quì gối hôn chân hai cậu. Cậu Raphael đã biết cô từ trước, nâng cô đứng dậy và nói : “Em hãy vững tâm, chúng ta rồi sẽ gặp nhau trên thiên đàng”.
Hai năm sau, ngày 4-2-1665, nghe tin 4 giáo dân Quảng Ngãi bị dẫn ra Hội An xét xử, cô bé Luxia cũng từ Huế vào Hội An để được phúc tử đạo. Cô nói với quan : “Cháu là con gái ông Phêrô Kỳ mà các quan đã giết chết vì theo đạo Chúa Kitô. Cháu cũng muốn được chết với bố cháu, nhưng các quan chê cháu còn bé … Hôm nay cháu vào đây xin quan cho cháu được chết, để được phúc trên trời”.
Cô bé Luxia cũng bị kết án voi giầy. Con voi tiến lại, lấy vòi quấn cô Luxia tung lên trời, rồi lấy chân đạp. Giáo dân kính cẩn đưa xác cô về an táng, riêng cái đầu của cô được trao cho cha Chevreuil. Một tháng sau, ngày 7-3-1665 cha Chevreuil đem đầu cô về Thái Lan dâng cho Đức cha Lambert de la Motte. Đức cha đã chôn đầu cô bé anh hùng Luxia dưới chân bàn thờ trong nhà thờ thánh Giuse (Bùi Đức Sinh, Lịch Sử GHCG Ở VN, I, trang 211.251-255).
Các thánh tử đạo VN đã can đảm tuyên xưng đức tin và chấp nhận cái chết, vì các ngài tin vào sự sống đời sau. Những lời các ngài nói biểu lộ niềm tin sự sống đời sau. Hai anh em Raphaen và Têphanô nói với quan tòa : “ Chúng cháu đến xin quan gởi chúng cháu về trời, nơi có cha của chúng cháu”. Cô bé Luxia thì nói : “Hôm nay cháu vào đây xin quan cho cháu được chết, để được phúc trên trời”.
Lời Chúa chúa nhật hôm nay cũng nhấn mạnh đến sự sống đời sau.
Bđ1 : Trong bđ1, qua ngôn sứ Ê-dê-ki-en, Thiên Chúa phán : “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en” (Ed 37,12).
Thật ra lời Chúa phán đó là để an ủi dân Ít-ra-en đang quằn quại trong kiếp lưu đày ở Ba-by-lon, và loan báo ngày cứu thoát trở về quê hương xứ sở. Song Giáo Hội đã hiểu lời tiên báo này cũng là lời tiên báo về sự sống đời sau.
BTM : Trong BTM, thánh Gioan kể phép lạ Chúa làm cho anh La-da-rô chết đã 4 ngày được sống lại. Phép lạ này rõ ràng là dấu hiệu về sự sống đời sau. Chúa Giêsu quả quyết với cô chị Mác-ta : “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).
Bđ2 : Có đời sau, có sự sống, chứ không phải chết là hết, nên thánh Phaolô khuyên các giáo hữu Rôma sống theo Thần Khí, theo Thánh Thần, sống ngay lành thánh thiện; chứ đừng sống theo xác thịt, sống bê bối tội lỗi. Thánh nhân khuyên dạy : “Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Hướng đi của xác thịt là sự chết; còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an…Dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống” (Rm 8,5-6.10).
Chúng ta được Chúa dạy cho biết đời sau như thế nào; còn người lương không được biết rõ đời sau như chúng ta. Tuy không biết rõ, nhưng người lương vẫn tin có đời sau. Và vì tin có đời sau, nên họ cũng cố gắng ăn ngay ở lành. Họ thường nói : “Ăn ở có đức, để đức cho con” (10-3-2011)
—————————–
CN.5.MC.A
BTM chúng ta đọc đã dài. Chúng ta chú ý đến ba điểm này :
1- Đau khổ như mù, chết … làm con người đau khổ. Song nếu chịu đựng trong đức tin, đau khổ “bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa” (Ga 11,4).
2- Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người. Là người, nên Chúa Giêsu biết đói, biết khát, biết khóc (Ga 11,33.35.38), để chia vui sẻ buồn với loài người.
3- Thời xưa người ta quan niệm : chỉ Thiên Chúa mới có ba quyền năng này :
– quyền năng làm mưa to gió lớn,
– quyền năng làm thụ thai trong lòng người nữ
– quyền năng làm cho người chết sống lại.
Chúa Giêsu làm cho người chết sống lại, vậy Chúa Giêsu là Thiên Chúa.
Người chết sống lại là phép lạ lớn nhất, cũng là niềm tin trọng đại nhất của đạo Công giáo. Kinh Tin Kính chúng ta đọc : “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen” (29-3-2008)
————————
.CN.5.MC.A
Chúa nhật tới là lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, tuần tưởng niệm Chúa chết và sống lại. Bài TM chúa nhật của Mùa Chay hôm nay tường thuật phép lạ Chúa Giêsu làm cho anh Ladarô chết sống lại. Phép lạ biểu tượng cho cái chết và sống lại của Chúa và của chúng ta
Bài đọc 1 : Trước hết chúng ta đọc câu chuyện “Những bộ xương khô hồi sinh” của ngôn sứ Êdêkien trong bđ1. Câu chuyện không có trong văn chương sách vở của lòai người. Cuốn phim “Những Cánh Đồng Chết” của một người Kampuchia, để diễn tả những đống xương của những người Kampuchia bị Khờme Đỏ giết hại. Nhan đề của cuốn phim có lẽ đã mượn ở câu chuyện “Những bộ xương khô hồi sinh” của ngôn sứ Êdêkien.
Đọan văn đọc trong thánh lễ hôm nay chỉ là phần kết của câu chuyện. Ngôn sứ kể rằng : “Tay Chúa đặt trên tôi. Đức Chúa dùng thần khí đem tôi ra, đặt tôi giữa thung lũng; thung lũng ấy đầy xương cốt. Người đưa tôi đi ngang, đi dọc giữa chúng. Những xương ấy nằm la liệt trên mặt thung lũng và đã khô đét.” (Ed 37,1-2).
Thiên Chúa hỏi ngôn sứ : “Liệu các xương này có hồi sinh được không ?” (37,3a). Ngôn sứ Êdêkien đáp : “Chính Ngài mới biết điều đó.” (37,3b).
Thiên Chúa bảo ngôn sứ : “Ngươi hãy tuyên sấm trên các xương ấy; ngươi hãy bảo chúng : Các xương khô kia ơi, hãy nghe lời Đức Chúa… Đức Chúa phán thế này với các xương ấy : Đây Ta sắp cho thần khí nhập vào các ngươi và các ngươi sẽ được sống. Ta sẽ đặt gân trên các ngươi, sẽ khiến thịt mọc trên các ngươi, sẽ trải da bọc lấy các ngươi. Ta sẽ đặt thần khí vào trong các ngươi và các ngươi sẽ sống. Bấy giờ các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa.” (37,4-6).
Ngôn sứ tuyên sấm như Chúa đã ra lệnh. Một cảnh tượng chưa từng xảy ra bao giờ. Ngôn sứ kể : “Có sự rung chuyển và các xương xích lại gần, ăn khớp với nhau. Tôi nhìn thì thấy trên chúng đã có gân; thịt đã mọc lên và da đã trải ra ở bên trên” (37,7-8).
Thiên Chúa bảo ngôn sứ : “Ngươi hãy tuyên sấm gọi thần khí : Từ bốn phương trời, hỡi thần khí, hãy đến thổi vào những người đã chết này cho chúng được hồi sinh.” (37,9). Ngôn sứ gọi thần khí. Thần khí nhập vào những người đã chết. Chúng được hồi sinh và đứng thẳng lên.
Câu chuyện “những bộ xương khô hồi sinh” diễn tả thảm cảnh dân Do thái bị mất nước nhà tan, bị lưu đày ở bên Babylon vào năm 587 trước CGS. Họ chẳng khác gì những bộ xương khô héo tàn, bị chôn vùi dưới huyệt sâu. Chẳng còn hy vọng ngày trở về quê hương xứ sở. Thế nhưng, Thiên Chúa phán : “Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi. Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Israel.” (37,12). Và qủa đúng như vậy, sau 50 năm lưu đày, dân Israel đã được giải phóng, được trở về xây lại quê hương xứ sở, giống như những bộ xương khô hồi sinh.
Bài Tin Mừng : “Những bộ xương khô hồi sinh” thì mới chỉ dân Israel hồi sinh thôi, phải đợi đến Chúa Giêsu ra đời thì tất cả nhân lọai mới được hồi sinh. Phép lạ Chúa Giêsu làm cho anh Ladarô sống lại minh chứng cho điều đó. Đây là phép lạ cuối cùng trong 7 phép lạ thánh Gioan kể. Phép lạ trọng đại nhất. Chính phép lạ này khiến các nhà lãnh đạo Do thái quyết định giết Chúa. Theo 3 sách Tin Mừng Mt, Mc và Lc thì việc Chúa đuổi quân buôn bán ra khỏi Đền thờ đã làm cho Chúa phải chết; song theo sách TM thánh Ga thì chính do phép lạ Ladarô sống lại.
Ladarô có nghĩa là “ước chi Thiên Chúa thương xót”. Không chỉ có Ladarô cần lòng thương xót của Chúa, mà cả nhân lọai cần lòng thương xót của Chúa. Vì nhân lọai cũng đã chết như Ladarô. Tội lỗi đã làm cho nhân lọai chết. Thiên Chúa thương xót nhân lọai chết chóc và đau khổ. Trước cái chết của Ladarô, Chúa Giêsu đã 3 lần khóc và thổn thức xao xuyến (11,33.35.38).
Khi được tin Ladarô chết, Chúa Giêsu đang ở bên kia sông Giócđan, “chỗ trước kia ông Gioan làm phép rửa” (Ga 10,40). Chỗ đó cũng gọi là Bêtania. Bêtania có nghĩa là “nhà của người nghèo”. Nhân lọai là những người nghèo, đáng Chúa thương.
Bêtania cũng là nơi ba chị em Ladarô ở, cách Giêrusalem khỏang 3 cây số. Hai Bêtania cách nhau chỉ một dòng sông Giócđan. Thế nhưng chỉ một lời mời là Chúa đến cứu. Hai cô Mácta và Maria, chị của Ladarô, đã cho người đến báo tin, là Chúa đến. Sự chết và sự sống chỉ cách nhau một niềm tin. Chúa phán với cô Mácta : “Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không.” (Ga 11,25-26).
Chúa đi, nhưng Chúa không đi ngay. Chúa vẫn còn ở lại Bêtania bên kia sông Giócđan 2 ngày nữa, để cho Ladarô đã chôn dưới huyệt được 4 ngày, như cô Mácta nói với Chúa : “Thưa Thầy nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được 4 ngày.” (11,39). Theo phong tục người Do thái, người chết được một ngày thì đem chôn, nhưng hồn còn lảng vảng và tìm cách nhập vào thân xác lại. Sau 4 ngày chôn mới coi là đã chết. Chúa Giêsu còn ở lại bên kia 2 ngày, để Ladarô chết thật. Như thế, đích thật Chúa đã làm cho người chết sống lại.
Cũng thánh Gioan, khi tường thuật Chúa sống lại, ông viết : “Ông Phêrô vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.” (Ga 20,6-7). Còn khi tường thuật Ladarô sống lại, thánh Gioan viết khác : “Chúa Giêsu kêu lớn tiếng : Anh Ladarô hãy ra khỏi mồ ! Người chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo : Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.” (Ga 11,43-44).
Tại sao Ladarô còn quấn vải, còn phủ khăn; còn Chúa Giêsu thì không ? Có người cho rằng : Ladarô còn chết, còn phải quấn vải; còn Chúa thì sống lại mãi, không còn chết nữa. Có người cắt nghĩa rằng : bị trói chân tay là bị tù. Ladarô là người tù của tử thần. Nhờ có Chúa mới thóat được tử thần. Chỉ duy Chúa Giêsu mới là người đánh bại tử thần. Chỉ có Chúa mới là “sự sống lại và là sự sống” (11,25).
Khi làm cho Ladarô sống lại, Chúa Giêsu cũng nói như khi chữa anh mù: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa : qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.” (11,4).
Theo thánh Gioan, lúc Chúa nằm trên thập giá, chính là lúc Chúa được tôn vinh. Cho nên, khi Chúa bảo : “Ladarô bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” (11,11), thì ông Tôma phản ứng : “Cả chúng ta nữa chúng ta cùng đi để chết với Thầy” (11,16).
Bài đọc 2 : Đọan thư Rôma của thánh Phaolô đọc trong thánh lễ hôm nay là những lời khuyên những người đã rửa tội, những người tín hữu : hãy sống theo Thần Khí, sống theo Thánh Thần. Người được rửa tội là người đã chết cho xác thịt và sống theo Thần Khí. Họ giống như những bộ xương khô được thần khí nhập vào đã hồi sinh.
Chết cho xác thịt là không sống theo sự chỉ dẫn của ý riêng, của thế gian. Sống theo Thần Khí là sống theo ý Chúa. Ý riêng, ý của thế gian phải chết để ý Chúa sống. Nếu chúng ta sống và xử sự với nhau theo ý Chúa, chứ không theo ý riêng, chính là chúng ta sống lại, chính là chúng ta an vui hạnh phúc. Cả những người chung quanh cũng sống lại, cũng an vui hạnh phúc (13-3-2005) .
Linh mục Nguyễn Trung Thành