Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A
CN 5 PS A
07/5/2023
Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9; Ga 14,1-2
CHẦU THÁNH THỂ
Gíao xứ Phước Tường
GIÁO HUẤN SỐ 24
LỜI MỜI GỌI NÊN THÁNH
Sống Động Hơn, Nhân Bản Hơn
Bạn đừng sợ nên thánh. Sự thánh thiện không tước đi năng lực, sức sống hay niềm vui của bạn. Trái lại, bạn sẽ trở thành điều mà Chúa Cha nhắm đến khi tạo nên bạn, và bạn sẽ trung thành với bản ngã sâu xa nhất của mình. Việc ta phụ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải phóng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và giúp ta nhận ra phẩm giá cao cả của nình, Chúng ta thấy điều này nơi thánh Josephine Bakhita : “bị bắt có và bị bán làm nô lệ ở tuổi lên 7 rất mong manh, ngài đã chịu nhiều thống khổ trong tay của các người cha tàn nhẫn. Nhưng ngài dân hiểu ra sự thật thẳm sâu rằng: Thiên Chúa, chứ không phải con người, mới là chủ đích thực của mọi người, mọi sự sống con người. Kinh nghiệm này đã trở thành một nguồn khôn ngoan lớn lao cho cô con gái khiêm nhường này của Phi châu (Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, số 32).
SUY NIỆM I
Lm. Giuse. Nguyễn Trung Thành
Linh mục thừa sai JEAN BAPTISTE BRUỲERE, (CỐ NHƠN)
Ngài sinh ngày 1-6-1852 tại Bloie, Pháp.
Năm 1873 ngài gia nhập MEP (Hội Thừa Sai Truyền Giáo Nước Ngoài Paris)
Ngày 23-9-1876 thụ phong linh mục.
Ngày 30-11-1876 lên đường truyền giáo
Một thánh lễ đưa tiễn được cử hành long trọng tại nguyện đường của MEP. Thánh lẽ do Cha Bề trên Tổng quyền chủ tế; với các linh mục và dân Chúa, nhất là thân nhân tham dự. Sau thánh lễ, tất cả tiến ra Đài Đức Trinh Nữ Maria. Sau vài giây phút cầu nguyện, cha Bề trên trao tặng mỗi thừa sai một cây Thánh Giá làm báu vật.
Ngày 29-1-1877 chuyến tầu chở ngài cập bến Miền Nam Việt Nam. Ngài được đưa đến giáo phận Qui Nhơn. Đức cha Charbonnier (Đc Tri) gửi ngài ra Thạch An, giáo xứ Phú Hòa, Quảng Ngãi học tiếng Việt với một thầy giảng. Sau 6 tháng, cha nghe và nói sỏi tiiếng Việt. Cha thánh thiện và nhơn đức, được đặt tên Việt là “Nhơn”. Cha được sai về làm cha sở Trà Kiệu thay cố Lợi (Galibert) về Qui Nhơn làm Tổng Đại diện, 2 năm sau được tấn phong giám mục.
Vì đi lại nhiều, lên đồi xuống suối, nên cố Nhơn thường bị té ngựa. Ngày 26-10-1909 cố bị té nặng. Ngày 25-11-1909 đi chữa ở bệnh viện Đà Nẵng. Ngày 24-4-1912 phải nhập viện Sài Gòn. Ngày 27-4-1912 phải giải phẫu. Sau 48 giờ ngài qua đời lúc 3g14 phút chiều 29-4-1912. Cha được an táng tại nghĩa trang Lăng Cha Cả. Sau 1975 Lăng Cha Cả giải tỏa, hài cốt của cha được đưa về nhà nguyện Chủng viện Sài Gòn.
Cha Antôn Nguyễn Trường Thăng chưa kịp rước hài cốt cha về Trà Kiệu, thì ngài đổi về Nhà thờ Chính Tòa Đà Năng. Ngày 29-10-2002 cha Anphong Nguyễn Hữu Long (nay là gíam mục giáo phận Vinh) và ông Nguyễn Văn Lang (trưởng Ban Đại diện giáo xứ) rước về Vườn Nghĩa Trà Kiệu.
4 việc lớn, cố ‘Nhơn’ thực hiện :
- Giải quyết nạn đói năm 1877-1878.
- Qui hoạch địa điểm nhà cô nhi viện, nhà xứ và nhà thờ từ khóm đông ra khu đất khóm Tây mua của tộc Lưu.
- Lãnh đạo cuộc tự vệ chống lại cuộc xâm chiếm 21 ngày tháng 9-1885 của Văn Thân.
- Hạt giống Tin Mừng lan rộng tới La Tháp, Mỹ Sơn, Lệ Bắc, Phú Nhuận, Chà Là, Hoằng Phước.
(Tóm lược tài liệu của anh Phạm Cảnh Đán)
xxx
Cám ơn Chúa, Chúa đã cho Giáo phận ngày xưa cũng như ngày nay nhiều mục tử đầy tinh thần ‘phục vụ’ như cố Nhơn và sống theo Lời Chúa dạy trong thánh lễ hôm nay. Bđ1 nói đến ‘tinh thần phục vụ’; BTM nói đến nơi chúng ta sẽ đến; Bđ2 nói đến niềm vui của người được tuyển chọn, được làm tư tế, là ‘được vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền’.
Bài đọc 1 (Cv 6,1-7) : Sách Kinh thánh ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’ viết về bđ1 hôm nay như sau : “Chắc chắn Chúa Giê-su đã không chỉ dẫn cho các Tông đồ biết chi tiết cho các ông phải tổ chức Hội Thánh như thế nào. Nhưng một cuộc xung đột lại bùng nổ giữa hai nhóm người : nhóm người Do Thái bản xứ chưa bao giờ ra khỏi xứ và nói tiếng A-ram, và nhóm người Do Thái theo văn hóa Hy Lạp, đã từng sống ở nước ngoài và thường dùng tiếng Hy-lạp. Dường như nhóm sau này theo trào lưu nhóm Ết-xê-nô và không tham dự các nghi lễ ở Đền thờ. Do đó họ không cảm thấy thoải mái trong đời sống phụng vụ và cũng như cộng đoàn, và chỉ có thể thấy mình ngày càng bị ức chế. Trong thực tế, các Tông đồ dễ dàng tự đồng hóa với nhóm người bản xứ hơn, và tới lúc cần phải cho nhóm Hy-lạp hóa có một quyền tự trị nào đó, với những vị phụ trách riêng biệt. Rất có thể đang hình thành ở đây một Giáo hội dùng ngôn ngữ Hy-lạp, với một lối phụng tự Hy-lạp .
“Cộng đoàn chọn ra 7 người. Quyền bính của họ phải dược Chúa Ki-tô trao ban, vậy phải được các Tông đồ truyền lại cho họ. Các ứng viên phải được đầy Thần Khí và khôn ngoan (c.3). Ấy là vì họ không chỉ có đó để làm những dịch vụ vật chất; vả lại nếu chỉ lo việc tài chánh không thôi, thì Hột thánh cũng sẽ đủ cực lòng với những vị quản lý tài ba nhưng lại không có tinh thần của Tin Mừng .
“Bảy người này có phải là 7 phó tế đầu tiên hay không ? Thánh Lu-ca chỉ nói là họ phục vụ. “Phó tế’ trong tiếng Hy-lạp có nghĩa là ‘người phục vụ’, thường là người quản gia. Trên thực tế, từ ‘phó tế’ này ngay từ đầu tạo ý nghĩa xác đáng cho mọi thừa tác vụ trong Hội thánh: đó là việc phục vụ (1Cr 12,5 : có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa). Điều quan trọng chính là cộng đoàn được Chúa Thánh Thần qui tụ để ở giữa loài người. Đức Giê-su bảo các ông, họ làm chứng về ơn cứu độ Chúa Giê-su ban tặng. Qua bao nhiêu thế kỷ, các thừa tác viên trong Hội thánh sẽ bị cám dỗ lạm quyền, dùng tác vụ vốn được trao ban để mưu ích cho cộng đoàn làm bàn đạp tiến thân. Điều được nêu lên đây để nói về nghững vị được trọng vọng hơn trong Hội thánh, thì cũng nên áp dụng cho bất cứ ai được giao phó những trách nhiệm ít quan trọng hơn, linh mục hay giáo dân, tất cả mọi người hãy ghi nhớ lời Chúa Giê-su đã nói (Lc 22,24-27 : Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất. Đức Giê-su bảo các ông : Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân. Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ) (trang 1882).
Bài Tin Mừng (Ga 14,1-2) : Cha Nguyễn Công Đoan viết : “ Thủ lãnh thế gian đã đến. Kẻ bị nó nhập để làm công cụ phản nộp đã đi ra theo lời Chúa giục : ‘Anh làm gì thì làm mau đi’ (Ga 13,27). Đêm đã xuống. Bóng tối đã sẵn sàng xông vào cuộc chiến quyết liệt với ánh sáng.
“Với giọng âu yếm khác thường, Chúa Giê-su nói thẳng về một cuộc tạm biệt đang diễn ra : ‘Hỡi anh em, những người con bé nhỏ của Thầy : Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy ; nhưng như Thầy đã nói với người Do Thái : nơi tôi đi các người không thể đến được; bây giờ Thầy cũng nói với anh em như vậy. (Ga 13,33).
“Chúa để lại như một lời trăng trối, một kỷ vật, một của gia bảo, một dấu hiệu để họ nhận ra nhau và mọi người nhận biết họ là môn đệ của Chúa :’Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em’ (Ga 13,34).
Ông Phê-rô nhanh nhạy hỏi ngay : ‘Thưa Thầy, Thầy đi đâu vậy ? (Ga 13, Ga 13,36). Chúa trả lời : ‘Nơi Thầy đi , bây giờ anh không thể theo đến được, nhưng sau này anh sẽ đi theo’ (Ga 13,36b). Ông Phê-rô nôn nóng : ‘Sao con lại không thể đi theo Thầy ngay bây giờ được ? Con sẽ thí mạng con vì Thầy’ (Ga 13,37). Thật là nồng nhiệt và chân thành, Nhưng Chúa Giê-su biết ông rõ hơn ông biết ông, nên không ngần ngại cho ông biết chuyện gì sẽ xảy ra với ông ngay đêm nay.
“Sau những lời tâm huyết vừa nghe, các môn đệ chưa hiểu gì , nhưng cũng xao xuyến vì đã cảm thấy có gì nghiêm trọng sắp xảy ra. Chúa Giê-su đi thẳng vào tâm trạng của họ : ‘Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,13).
“Người cho các ông biết Người đi đâu và đi làm gì : ‘Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, nếu không Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em , thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy để Thầy ở đâu , anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi” (Ga 14,1-4).
Điều khác biệt và hơn hẳn giữa Chúa Giê-su với ông Mô-sê là đây. Ông Mô-sê dẫn dân tới bờ Đất Hứa nhưng ông không được vào. Ông chỉ phân chia trước cho họ (Ds 32-35) rồi nhắc lại Luật Giáo Ước (Đnl) cho họ, sau đó ông được Thiên Chúa cho lên núi Nê-bô, đưa mắt nhìn qua Biển chết và sông Gio-đan, thoáng một vòng từ Bắc chí Nam , rồi xum họp với tổ tiên. Dân chẳng bao giờ được thấy lại, cả đến cái xác của ông (Đnl 34,1-12). Chúa Giê-su đi dọn chỗ trong nhà Cha trên trời, rồi đến đem chúng ta lên ở với Chúa mãi mãi (Tĩnh Tâm với Tin Mừng Gio-an, trang 65)
Bài đọc 2(1Pr 2,4-9) : Bđ2, thánh Phê-rô kêu gọi chúng ta : ‘Hãy từ bỏ mọi thứ gian ác, mọi điều xảo trá, giả hình và ghen tuông cùng mọi lời nói xấu gièm pha (c.1). .. và hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị ngươi ta loại bỏ (c.4)… thì ‘vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền (c.9).
Cầu nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng,
nhờ Đức Ki-tô, Con Một Chúa,
Chúa đã thương cứu chuộc chúng con
và nhận làm nghĩa tử :
xin lấy tình Cha mà âu yếm đoái nhìn ;
này chúng con là những kẻ tin kính Đức Ki-tô
thì xin cho chúng con
được trở nên những người tư do đích thực
và đáng được hưởng gia nghiệp muôn đời.
Chúng con cầu xin
SUY NIỆM II
CON ĐƯỜNG GIÊSU
Lm Giuse Nguyễn Quốc Quang
Chúa Giêsu hôm nay nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Một câu nói thật uy hùng, dũng cảm, uy tín mạnh mẽ và chân lý đến nỗi trước Chúa Giêsu và sau Chúa Giêsu không ai dám tuyên bố câu này. Cụ thể, Đức Phật sinh trước Chúa Giêsu, (Đức Phật sinh ra được 256 năm Phật Lịch– Còn Chúa Giêsu mình được 2022), ấy thế mà Đức Phật tự xác nhận Ngài là Đấng đã đạt đến giác ngộ. Còn ông Socrate một triết gia lỗi lạc sinh 469 TCN, cũng trước Chúa Giêsu xa, ấy thế mà ông vẫn rất bình tỉnh vui cười bưng chén thuốc độc uống cạn, chấp nhận cái chết để bảo vệ chân lý nhưng Socrate không bao giờ dám nói như Chúa Giêsu: “Ta là đường là sự thật và là sự sống và ai thấy Tôi là thấy Chúa”. Vâng, chỉ có mình Chúa Giêsu mới có thể nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Như vậy, duy chỉ có Chúa Giêsu là con đường đến với Chúa Cha, con đường cứu độ duy nhất và ai đi con này này sẽ đến cùng đích trong vinh quang với Ngài. Chính vì vậy, Chúa Giêsu là Đấng duy nhất cho mình biết về Thiên Chúa đích thực là ai, tâm tư Ngài như thế nào. Vì vậy, Ngài là Người duy nhất cho chúng ta biết sự thật về con người: nguồn gốc, cùng đích của đời người, vì con người là hình ảnh về Thiên Chúa. Cho nên, đối với người Kitô Giáo, Chúa Giêsu là đường là sự thật và là sự sống. Khi tuyên xưng và nhìn nhận như thế, chúng ta phải đặt bàn chân của mình lên con đường đó.
Trước hết, Chúa Giêsu là đường sự thật và chân lý sống động, làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi cuộc đời chúng ta ở chỗ nào? Thưa, đường chân lý ấy, không phải là một mớ những tín điều, những sự phải tin, nhưng là toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu, từ tư tưởng cho đến lời nói và việc làm. Tất cả đều hướng tới chân trời cứu độ. Sự thật là thế này: Chúa Cha đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần cho Ngôi Hai “nhập thể trong lòng Trinh nữ Ma- ri- a và đã làm người”. Chúa Giêsu sinh tại hang Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hê-rô đê, cha nuôi là Thánh Giuse thuộc con cháu dòng dõi Đa-vít, làm nghề thợ mộc, mẹ là Ma-ri-a lo việc nội trợ. Đến năm trạc 30 tuổi Chúa Giêsu rời khỏi gia đình, khởi sự đi rao giảng Tin mừng và thực hiện ơn cứu độ. Sau khi Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa, được Thánh Thần dẫn vào trong sa mạc, ăn chay, cầu nguyện 40 đêm ngày, chịu quỷ dữ cám dỗ. Sau đó, Đức Giêsu trở về miền Ga-li-lê và bắt đầu giảng dạy trong các hội đường Do thái, dùng những ngụ ngôn giảng dạy và được mọi người tôn vinh. Người đã dùng quyền năng của mình đi rao giảng khắp nơi và chữa lành cho nhiều người bị quỷ ám, đau yếu, bị phong hủi, bại liệt được lành bệnh, kẻ điếc được nghe, kẻ mù được thấy, kẻ câm nói được, kẻ què được đi và kẻ chết sống lại. Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh để ban ơn cứu độ cho loài người bằng việc chọn và thiết lập Mười Hai người lại làm Tông Đồ, huấn luyện và ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Chúa đã đặt Phêrô làm đầu, chính công Đoàn này là hạt nhân làm phát triển Hội Thánh, Người sai các ông đi rao giảng nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân khắp mọi nơi. Chúa Giêsu đã làm nhiều phép lạ để chứng minh sứ mệnh của Người, Người phải chịu nhiều đau khổ và phải chết để cứu độ hết mọi người. Vì thế, trong bữu ăn tối Vượt Qua với các Tông đồ ,Chúa Giêsu hoá bánh và rượu trở thành Mình và Máu Người cách nhiệm mầu để ở lại với họ và những người Chúa yêu trong mọi thời đại. Chúa còn rửa chân cho các môn đệ để dạy họ bài học yêu thương phục vụ. Lúc đêm khuya, Chúa vào vườn Cây Dầu cầu nguyện. Giuđa, một trong 12 môn đệ đã phản bội vì tham tiền, ông dùng cái hôn tình nghĩa để chỉ điểm cho lính bắt Chúa. Chúa bị Philato kết án tử hình. Chúa bị trao cho các lý hình, chúng đánh đập, nhạo báng, ấn vòng gai lên đầu Người như mũ triều thiên, bắt Người vác thập giá lên Núi Sọ. Vào giờ trưa chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với 2 tên trộm cướp. Người đã tắt thở vì cực hình tàn bạo ấy lúc 3 giờ. Chập tối, ông Nicôđêmô đến xin Philato cho tháo xác Người, xác Người được mai táng trong mồ, còn linh hồn thì xuống ngục tổ tông để loan báo Tin Mừng cứu độ cho những người công chính đã chết trước khi Người đến thế gian. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định ngày thứ ba Người đã sống lại như Người đã báo trước. Sau khi sống lại, Chúa Giêsu còn hiện ra dạy dỗ, an ủi các môn đệ trong 40 ngày, sai các ông đi rao giảng Tin Mừng rồi Người lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Rồi Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Vì vậy, sự sống lại của Chúa Giêsu là mở lối cho chúng ta bước vào sự sống mới đồng thời là khơi nguồn và bảo đảm sự sống lại sau này của chúng ta. Sự thật là thế!
Cho nên, Chúa Giêsu là đường sự sống dĩ nhiên bởi vì Ngài là nguồn phát sinh mọi sự sống tự nhiên cũng như siêu nhiên: Sự sống phần xác trong công trình tạo dựng, cũng như sự sống phần hồn trong công trình cứu chuộc. Ngài đã chết để mọi người được sống và Ngài đã sống lại để mãi mãi mở ra một con đường dẫn vào cõi sống vĩnh cửu. Sự sống vật chất một ngày nào đó sẽ tan biến, nhưng sự sống mà Ngài trao ban sẽ là một sự sống trường tồn bất diệt. Chính vì thế mà chúng ta thường kết thúc lời cầu nguyện bằng câu: “Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”.
Với kinh tế thị trường và lòng tham sân si trong con người hôm nay như cơn lốc xoáy nó xô đẩy làm chúng ta lao mình đi tới mà chẳng biết đường biết hướng ở đâu. Chúa là con đường nhưng vật chất, tài, tiền danh vọng lạc thú làm chủ tốc độ, nó dẫn chúng ta đi nhiều khi ta tưởng đó là đúng mục đích nhưng thực ra chúng ta đi đến tội lỗi và chết chóc. Là Kitô hữu, tức những người thuộc về Chúa Giêsu Kitô, chúng ta luôn môi miệng tuyên xưng Chúa là con đường con con bước đi nhưng thực tế trong cuộc sống, chúng mình đặt cuộc sống của mình lên con đường Chúa Giêsu đi ngày xưa không? Cụ thế, chúng ta dám đặt cuộc sống mình vào con đường của những Lời dạy Phúc Âm: Tám Mối Phúc Thật, 10 điều răn Đức Chúa Trời… Vì thế, chỉ con đường Phúc âm, con đường Giêsu mới dẫn chúng ta tới địa chỉ Nhà Cha và ngược lại, muốn đến nhà Cha thì phải đi trên con đường Giêsu. Có nghĩa là muốn được bước vào quê hương Nước Trời, chúng ta phải thực thi và sống Lời Chúa dạy đó là: yêu thương, tha thứ, phục vụ, hy sinh, hiền hậu, nhân từ như Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã về với Chúa Cha trong vinh quang sau khi đã sống một đời yêu thương tự hiến. Xin cho chúng con cũng biết đi trên con đường của Chúa, là yêu thương phục vụ anh em, để cuối con đường thập giá và đau khổ chúng con được hợp hoan với Chúa trong vinh quang nước trời. Alleluia.
SUY NIỆM III
GIÊ-SU – ĐƯỜNG DẪN ĐẾN CHÚA CHA
(Hội An 07/5/2023)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thú
Có nhiều con đường lên đỉnh núi, nên nhiều người nghĩ rằng có nhiều con đường đến với Thiên Chúa. Nhưng đường lên núi không phải là đường lên trời và đường đến với Thiên Chúa không phải là con đường của vu vơ, mộng tưởng. Vì thế, câu hỏi của Tôma với Chúa Giê-su là câu hỏi rất quan trọng trong đời con người, câu hỏi cốt yếu của đời người: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết đường đi?” Làm sao biết đường đi về trời? làm sao biết đường đến với Thiên Chúa?
- Con đường nào dẫn đến Chúa Cha
Nhiều người nghĩ thánh Tôma là người hay nghi ngờ, mà quên rằng câu hỏi của ngài hệ trọng đối với Ki-tô hữu, đến nỗi ai cũng phải biết hỏi Chúa Giê-su như Tôma. Như bao người được sách Châm Ngôn nói đến, Tôma cũng nghĩ có nhiều con đường ngay chính, nhưng thực ra cũng có nhiều con đường dẫn đến cạm bẫy, sa vào cõi chết. Vì thế, khi nghe Chúa Giê-su nói Chúa đi về Chúa Cha và dọn chỗ cho các môn đệ, Tôma muốn biết con đường đó là con đường nào. Đối với Tôma, con đường đó phải rõ ràng trên bản đồ, phải cụ thể. Ông chờ đợi Chúa chỉ cho ông hướng nào để đi, con đường nào dẫn tới, rõ ràng như ông đòi phải được chứng nghiệm những vết thương ở tay chân và cạnh sườn Chúa sau khi nghe tin Chúa sống lại. Dù vậy, Tôma không phải là người thuộc trào lưu tục hóa hay chủ nghĩa tương đối như trong thời đại hôm nay.
Nhiều người ngày nay cho rằng con đường nào mình thích là con đường dẫn đến hạnh phúc, không nhất thiết là con đường Giáo Hội chỉ dẫn, nên họ xa rời Hội Thánh, thờ ơ lãnh đạm với việc thờ phượng Chúa và sống theo ý riêng của mình mà không cần một chuẩn mực luân lý hay đạo đức nào. Thánh Tôma không như thế, Tôma hỏi Chúa để hiểu, vì có nhiều lời Chúa nói ông không hiểu, và ông hỏi để biết con đường đích thực dẫn đến hạnh phúc là được đến với Chúa Cha.
- Con đường Giê-su
Chúa Giê-su đã cho Tôma câu trả lời. Chúa nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Chúa Giê-su không chỉ cho Tôma và các môn đệ con đường nào khác bên ngoài Chúa, vì chỉ có một con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha là con đường mang tên Giê-su. Chúa Giê-su là con đường duy nhất, con đường đích thực không hề sai lầm và là con đường đem con người vào sự sống của Thiên Chúa, ngoài Chúa Giê-su không có con đường nào khác dẫn đến Chúa Cha.
Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người đến ngự giữa chúng ta. Đó là lý do Chúa Giê-su khẳng định với Philipphê và chúng ta: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha,” nghĩa là Thiên Chúa khả giác nơi con người Chúa Giê-su. Cuộc nhập thể, cái chết, sự sống lại của Chúa Giê-su, cũng như sự hiện diện của Chúa Giê-su giữa thế giới, giữa cộng đoàn cử hành hôm nay, trong lời Chúa và Thánh Thể cho chúng ta thấy Chúa Cha, bởi khi Chúa Giê-su nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống,” Ngài cho chúng ta thấy nơi con đường đi tới và đích đến đó là Chúa Cha.
Ông Philatô đứng trước Đấng là đường là sự thật và là sự sống, nhưng ông không nhận biết Chúa Giê-su là gương mặt của Thiên Chúa, ông cũng không nhận ra chỉ nơi Chúa Giê-su con người mới đến được với Thiên Chúa, ông không thấy Chúa Giê-su là gương mặt của sự thật đang đứng trước ông và cũng không thấy chỉ Chúa Giê-su mới là Đấng ban sự sống cho nhân loại. Nhiều người cũng như ông, dù tiếp xúc với Chúa nhiều như Philipphê và các môn đệ, dù nhìn thấy Chúa như Philatô, vẫn chưa nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Chúa Cha sai đến đưa con người về với Chúa Cha, ban cho con người sự thật trong lời Chúa và sự sống trong Thánh Thể của Chúa. Dù vậy, hôm nay Chúa vẫn khẳng định: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy,” không chỉ nói với Philipphê và các môn đệ, mà còn nói với chúng ta hôm nay nữa.
Tuy nhiên, con đường Giê-su không là con đường được trưng bày trên “google map” hay trên tấm bản đồ nào, mà đòi hỏi chúng ta tích cực bước theo Chúa, ngay cả trong hoàn cảnh chúng ta do dự, ái ngại, bởi theo Chúa là đi theo con đường về với Chúa Cha, không sợ sai lầm, mà còn có sự sống thần linh nữa. Như vậy, biết Chúa Giê-su là đường, là sự thật và là sự sống là bước vào hành trình đi theo Chúa Giê-su, là hoạt động quan trọng nhất của đời Ki-tô hữu.
Muốn biết Chúa, Ki-tô hữu cần học giáo lý. Đức Phanxicô quả quyết như thế. Học giáo lý chưa đủ, còn phải biết quỳ gối xuống mà cầu nguyện với Chúa. Cầu nguyện mà thôi thì chưa đủ, còn phải siêng năng tham dự thánh lễ và các bí tích, vì bí tích ban cho chúng ta sự sống của Chúa và cuối cùng bắt chước Chúa. Điều gì Chúa nói, điều gì Chúa làm, cuộc đời Chúa thế nào, chúng ta theo gương Chúa. Chúa Giê-su bảo đảm đó là con đường theo Chúa về với Chúa Cha, con đường hạnh phục đích thực.
Xin Chúa cho chúng con luôn đi theo con đường Giê-su, con đường là chính Chúa, nắm chặt tay Chúa, phó thác cho Chúa và tin yêu Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng con biết đó là con đường đích thực dẫn đến Chúa Cha, vì Chúa đã nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.”
Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Phục Sinh Năm A
(Ga 14,1-12)
« Thầy đi dọn chỗ cho anh em . »
Lm. Đaminh Phạm Văn Tụ .SSS
Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong tác phẩm: Một Cõi Đi Về có những ca từ sau: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi. Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt… Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ. Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.”Phải chăng với những ca từ này, cố nhạc sỹ Trịnh Cộng Sơn đã muốn bày tỏ khát vọng đi tìm một “chốn về ”, nhưng chốn về ấy vẫn là một khái niệm mơ hồ, một hoài bão, một ước mơ, nên vẫn phải đến trăm năm vô biên mà chưa từng hội ngộ, để cuối cùng chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “ Lòng anh em đừng xao xuyến ! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà cha Thầy có nhiều chỗ ở. Nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em .”. khác hẳn với quan niệm của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, người Ki-tô hữu chúng ta thật diễm phúc, vì không phải lần mò tìm kiếm một chốn về, không phải đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, mà chúng ta chỉ cần tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu Ki-tô mà thôi. Chắc chắn chúng ta sẽ không phải tốn công hao sức để tìm về một chốn nơi nao là mái nhà, là quê hương của mình. Nhưng chúng ta sẽ có một chỗ ở chắc chắn trên trời, vì Chúa đã chọn chỗ cho chúng ta, khi chúng ta biết chọn con đường Ngài mời gọi để đi và chọn chính Ngài làm tiêu chuẩn để sống.
Thế giới hôm nay, dường như con người thích sở hữu nhiều chỗ ở, nhiều nơi chốn, nhiều nhà cửa, đất đai, ruộng vườn. Nhưng cuối cùng, tất cả những điều ấy vẫn không thể làm thỏa mãn được khát vọng sâu xa nhất nơi tâm hồn con người. Cho nên, con người càng tìm kiếm của cải vật chất để tạo cho mình một chỗ ở an toàn, thì con người lại càng cảm thấy mình bất an và thấy rằng chẳng nơi nào trên trái đất này là an toàn cả. Chỉ có một chỗ nương tựa an toàn duy nhất là khi con người biết tìm về với Đức Giêsu để được bổ dưỡng và nghỉ ngơi sau những bế tắc đau khổ của phận người : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” ( Mt 11,28). Tìm đến với Đức Giêsu để được Ngài cho tham dự vào sự sống của Ngài, đó là sự sống vĩnh cửu mà con người chúng ta chỉ cần tin tưởng và phó thác trong bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Ngài; đồng thời, hiệp thông với Ngài bằng việc tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể đời này, để được đồng dự tiệc Thánh Thể trên trời với Ngài ở đời sau : “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” ( Ga 6,54 ). Tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể mỗi ngày, là chúng ta luôn được hiệp thông với Đấng có quyền năng vô biên và yêu thương con người đến tận cùng. Ngài đã mở kho tàng sự sống thần linh ban tặng cho chúng ta ngay khi chúng ta còn ở tại thế. Để mỗi khi được rước Mình và Máu Người nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta không những được hiệp thông sự sống nơi chính bản thân Ngài, mà còn chắc chắn có một chỗ ở trên trời mà Người đã dọn sẵn cho chúng ta. Nơi không còn phải đau khổ và khóc than, không còn phải những giọt nước mắt lăn dài. Bởi chính Ngài là: “Sự thật và là sự sống.” . Chính vì thế, chúng ta càng xác tín cách chắc chắn hơn về con đường chúng ta đi, đó là chọn Đức Giêsu làm gia nghiệp của đời mình và chọn Ngài là con đường dẫn chúng ta đến với Chúa Cha.
Phụng vụ Mùa Phục Sinh, Giáo Hội cho chúng ta nghe các bài trình thuật Tin Mừng về sự sống. Để mỗi người chúng ta có cơ hội suy nghĩ và phản tỉnh về thái độ sống của mỗi chúng ta, để mình biết nhận ra những lầm lỗi và sự lạc đường của mình qua cách sống buông thả, hưởng thụ, hẹp hòi, ích kỷ, vụ lợi, chỉ biết lo cho chính bản thân mà đánh mất những người nghèo bên cạnh mình, đánh mất tình bạn hữu, tình anh chị em trong gia đình, đánh mất tình hiệp nhất, sự san sẻ và sự dấn thân phục vụ. Xin Chúa cho chúng ta biết quên mình để phục vụ anh chị em mình, nhất là những mảnh đời bất hạnh, đau khổ, đang cần sự chia sẻ cơm, áo của mỗi chúng ta; đồng thời, biết cảm thông, tha thứ và vực dậy những con người đang lầm đường lạc lối, giúp họ nhận ra chính Chúa là đường là sự thật và là sự sống, để họ biết trở về đón nhận tình thương và sự sống Chúa trao ban. Xin Chúa cũng ban cho mỗi người chúng ta luôn được hiệp thông với Chúa trong mầu nhiệm Thánh Thể. Để mai ngày, chúng ta cũng được hiệp thông trọn vẹn với Chúa trên quê hương nước trời, nơi chính Đức Giêsu đã dọn chỗ cho chúng ta. Amen.