Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm A
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM A
10-5-2020
CHẦU THÁNH THỂ
Giáo xứ Hoằng Phước
Giáo họ Thạnh Mỹ
GIÁO HUẤN SỐ 23
MỘT GIÁO HỘI LUÔN SẴN SÀNG CANH TÂN (tt)
Đương nhiên, trong tư cách là thành viên của Giáo hội, chúng ta không được đứng tách rời khỏi những người khác. Mọi người phải nhìn thấy chúng ta là bạn hữu, láng giềng của họ, như các tông đồ “hoan hỉ với thiện chí của mọi người” (Cv 2,47; 4,21;5,13). Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải dám khác biệt, dám hướng chỉ những lý tưởng khác với những lý tưởng của thế gian này, dám làm chứng cho thế gian này, dám làm chứng cho vẻ đẹp của sự quảng đại, tinh thần phục vụ, sự trong sạch, nhẫn nại, tha thứ, trung thành với ơn gọi riêng của mình, cầu nguyện theo đuổi công lý và thiện ích chung, yêu thương người nghèo và tình thân hữu với mọi người.
(Tông huấn Đức Ki-tô Hằng Sống, số 36)
————————————————————
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM A
(Cv 6,1-7, 1Pr 2,4-9; Ga 14,1-12)
Trong tập sách “Dòng Tên Trong Xã Hội Đại Việt 1615-1773”, cha Đỗ Quang Chính SJ viết : “Chuyến tầu Bồ Đào Nha rời Áo Môn ngày 18-2-1631, nhưng gặp gió bão, nên 1-3-1631 mới đến một cửa sông Đàng Ngoài (Miền Bắc). Hai tuần sau, 15-3, tầu bỏ neo tại Kẻ Chợ (Hà Nội), sau khi Chúa Trịnh cho phép ngược lên kinh đô.
Mừng ơi là mừng ! Anh chị em bổn đạo đâu có ngờ được gặp các cha sớm thế, dù trong phái đoàn chỉ có một cha thân quen là Gaspar d’Amaral. Các thầy giảng cũng như bổn đạo ở Kinh đô và vùng phụ cận quá sung sướng mà cha Rhodes viết là “không giải thích nổi”. Còn các cha thì sao ?
Thật là hết ý ! Vì thấy tận mắt giáo đoàn quả là vững mạnh, nhiệt tình với đức tin. Đón tiếp các cha thì khỏi nói : tận tâm, chân thành, và trìu mến các cha hơn hẳn bổn đạo Áo Môn, Trung Hoa.
Ngoài ra các cha còn được vui mừng vì ba sự việc cụ thể sau :
– Thứ nhất, lòng nhiệt thành của ba thầy giảng Phanxicô Đức, Anrê Tri, Inhaxiô Nhuận…
– Thứ hai lòng đạo đức sốt sắng của các tân tòng, chẳng những sống đức tin mạnh mẽ, can trường, lại còn góp công của, dựng được 20 nhà thờ trong 10 tháng…
– Thứ ba tình đoàn kết, yêu thương của bổn đạo coi nhau như anh chị em, kẻ giầu sang quyền quí cũng đối xử hiền từ, nhã nhặn với mọi người, tôn trọng cả đám dân nghèo hèn mà trước khi theo Đạo họ thường tỏ ra khinh bỉ. Bổn đạo tốt lành quá, đến nỗi khi giải tội các cha không thấy “đủ chất liệu” để ban phép xá giải. Một người Bồ Đào Nha khi thấy đời sống tinh tuyền của bổn đạo, phải thốt lên rằng, chẳng những có thể so sánh họ với những tín hữu đạo đức ở Âu châu, mà cả với những tập sinh trong các Dòng tu. Quả thực, bổn đạo thương yêu nhau tới mức độ, đồng bào lương gọi họ là những kẻ theo “đạu yêu nhău” như Gaspar d’Amaral kể lại năm 1632, thay vì gọi là theo “đạu Hoa Lang”. “đạu Chúa Blời”, ‘đạu Thiên Chúa”.
Lại có cả một mẫu gương can đảm, một chứng tá ”đạu yêu nhau”, một vị tử đạo ông Phanxicô ! Sự việc xảy ra năm 1630 khi ông đã theo đạo được hai năm. Phanxicô là người hầu hạ, khiêng kiệu cho một ông lớn, anh em với Chúa Trịnh Tráng. Viên quan này cấm Phanxicô không được vác xác người chết (bị bỏ rơi) trên vai đi chôn cất vì lòng thương người, bởi lẽ làm thế không xứng đáng với kẻ thường xuyên khiêng kiệu quan. Phanxicô chân thành, thẳng thắn bẩm quan là, ông luôn luôn muốn chu toàn luật yêu thương của Đức Kitô, đồng thời cũng chu toàn việc phục vụ quan. Quan đuổi ông khỏi dinh. Nghe biết Phanxicô vẫn tiếp tục vác xác đi chôn, quan liền dùng quyền bắt tống giam vào ngục tối, tra tấn hành hạ, và sau cùng xử trảm quyết. Cha Rhodes gọi đây là ‘của lễ’ đầu tiên dâng lên Đức Kitô, của lễ bằng máu mình hiến cho Giáo hội Đàng Ngoài, là bông hoa đầu mùa giáo đoàn dâng lên Thiên Chúa, hoa tỏa mùi hương làm hoan lạc cho các tín hữu xứ này và các tay thợ vừa mới đến (bốn Giêsu hữu); các cha hy vọng rất nhiều về những thành quả các cha sẽ thấy sau này do hạt giống được gieo vãi bằng những giọt máu đầu tiên … (trang 155-156).
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng đầy những hình ảnh đoàn kết yêu thương, để chúng ta soi gương bắt chước.
Bài Tin Mừng : Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay là một trong những lời từ biệt của Chúa Giêsu với các tông đồ ( Ga 13,31 đến 17,26). Chúa Giêsu nói : “Không ai có thể đến với Chúa Cha, mà không qua Thầy, anh em biết Thầy cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ anh em biết Người và đã thấy Người” (Ga 14,6-7).
Trong ngày lễ Cung Hiến Đền Thờ, Chúa Giêsu còn tuyên bố : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30). Vậy mà thánh Philipphê vẫn nói lại : “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con biết Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (Ga 14,8).
Chúa Giêsu phải nói như trách mắng : “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philipphê, anh chưa biết Thầy ư ? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói : Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao ? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những công việc của mình. Anh em hãy tin Thầy : Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy, bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thấy đến cùng Chúa Cha. (Ga 14,9-12).
Nhóm CGKPV giải nghĩa : “Chúa Cha được mặc khải nơi Chúa Giêsu, Con của Người (x.1,1; 12,45 ; 14,7); tất cả đời sống của Chúa Giêsu, lời nói và việc làm của Người, là nơi Chúa Cha được tỏ bày cách hoàn hảo, vì Đức Giêsu luôn chặt chẽ kết hợp với Chúa Cha nhờ một sự hiệp thông hết sức sâu xa (10,30) (Kinh Thánh năm 2011, trang 2384).
Bài đọc 1 : Bài đọc 1 kể chuyện chọn 7 “phó tế”, nhằm hai việc:
– Thứ nhất là để các tông đồ lo việc rao giảng Lời Thiên Chúa : “Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói : Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải” (Cv 6,2)
– Thứ hai là để các phó tế phân phát lương thực : “Các tín hữu Do Thái sống ngoài nước theo văn hóa Hy Lạp kêu trách những tín hữu Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm bị bỏ quên” (Cv 6,1).
Như thế, chức phó tế giúp đoàn kết, hiệp nhất giữa hai nhóm Do Thái bản xứ và nhóm Do Thái kiều bào.
Bài đọc 2: Bđ2 là lá thư thứ nhất của thánh Phê-rô. Nhóm CGKPV giới thiệu lá thư như sau : “Nội dung bức thư cho thấy Hội Thánh gặp chống đối khắp nơi… Vì thế, ta có thể đặt thư này trước cuộc bắt hại của hoàng đế Nê-rô, nghĩa là giữa năm 62 và 64… Tác giả kính gửi các cộng đoàn Ki-tô hữu rải rác khắp năm tỉnh của đế quốc Rô-ma thuộc miền Tiểu Á tức là vùng Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay…
Họ là những “viên đá sống động” của Đền thờ mới, xây dựng trên Đức Ki-tô (2,5). Họ là giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa (2,9), bị người đời chê ghét là thường tình…
Họ phải hiệp nhất và thương yêu nhau (3,8-9), vâng phục hàng kỳ mục (5,5), nhẫn nhục đối với người bách hại (#,14), đoạn tuyệt đối với tội lỗi (4,1…) và chờ đợi Chúa quang lâm (4,7…) (Kinh Thánh 2011, trang 2707).
Lạy Mẹ Trà Kiệu mến yêu, xin Mẹ giúp các con cái Mẹ sống thương yêu, hiệp nhất với nhau.
Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành