CHúa Nhật V Phục Sinh Năm B


CHÚA NHẬT V PHỤC SINH.

Ngày 28/4/2024

Thánh vịnh tuần I.

Giáo xứ Phước Tường Chầu Thánh Thể.

 

GIÁO HUẤN SỐ 21

TIÊU CHUẨN LỚN

“Trung tín với Tôn Sư” (tiếp theo)

 “Trước những đòi hỏi bất khả nhượng của Chúa Giêsu, tôi có bổn phận mời gọi các Kitô hữu đón nhận trong tinh thần cởi mở chân thành, không kỳ kèo mặc cả. Nói cách khác, hãy đón nhận mà không đặt ra bất kỳ điều kiện nào, kẻo làm suy giảm tính quyết liệt của các đòi hỏi ấy. Chúa chúng ta cho thấy rất rõ rằng sự thánh thiện không thể được hiểu hay được sống tách rời khỏi những đòi hỏi này, vì lòng thương xót là “trái tim đang đập của Tin Mừng”. (Tông huấn Hãy Vui mừng Hoan hỉ, số 97).

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Cv 9,26-31; 1Ga 3,18-24; Ga 15,1-8

Bài Ðọc I: Cv 9, 26-31

“Ngài thuật lại cho các ông biết trên đường đã thấy Chúa thế nào”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, khi tới Giêrusalem, Saolô tìm cách tiếp xúc với các môn đệ; nhưng mọi người đều sợ ngài, không tin rằng ngài đã trở thành môn đệ. Barnaba dẫn ngài đến gặp các Tông đồ, và ngài thuật lại cho các ông biết trên đường ngài đã thấy Chúa thế nào, đã được Chúa phán dạy, và tại Ðamas ngài dạn dĩ xưng danh Ðức Giêsu thế nào. Và từ đó, ngài ra vào Giêrusalem với các ông, và dạn dĩ xưng danh Chúa. Ngài cũng giảng dạy cho dân ngoại, và tranh luận với những người Hy-lạp, nên họ tìm cách giết ngài. Các anh em biết việc đó, nên đem ngài xuống Xêsarêa, rồi tiễn đưa ngài về Tarsê.

Hội Thánh được bình an trong miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được xây dựng và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28 và 30. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong đại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”.

Xướng: Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa; bao kẻ nằm xuống bụi tro sẽ sấp mình trước thiên nhan. Và linh hồn con sẽ sống cho chính Chúa.

Xướng: Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: “Ðiều đó Chúa đã làm”.

Bài Ðọc II: 1 Ga 3, 18-24

“Ðây là giới răn của Người: là chúng ta phải yêu thương nhau”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.

Các con thân mến, chúng ta đừng yêu bằng lời nói và miệng lưỡi, nhưng bằng việc làm và chân thật. Do đó, chúng ta biết mình thuộc về sự thật, và sẽ được vững lòng trước mặt Chúa. Vì nếu lòng chúng ta có khiển trách chúng ta, thì Thiên Chúa còn lớn hơn lòng chúng ta và Người thông biết mọi sự.

Các con thân mến, nếu lòng chúng ta không khiển trách, thì chúng ta tin tưởng nơi Thiên Chúa, và bất cứ điều gì chúng ta xin, thì chúng ta cũng được Người ban cho, vì chúng ta giữ giới răn Người và làm điều đẹp lòng Người.

Và đây là giới răn của Người: Chúng ta phải tin vào thánh danh Con của Người là Chúa Giêsu Kitô, và phải thương yêu nhau, như Người đã ban giới răn cho chúng ta. Ai giữ các giới răn của Người, thì ở trong Người và Người ở trong họ. Do điều này mà chúng ta biết Người ở trong chúng ta, đó là Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 15, 4 và 5b

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Các con hãy ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con; ai ở trong Thầy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 15, 1-8

“Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở trong Thầy.

“Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như ngành nho, và sẽ khô héo, người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì cứ xin, và sẽ được. Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.

Ðó là lời Chúa.

SUY NIỆM I

NHỰA SỐNG TỪ CÂY NHO

Lm. Giuse Nguyễn Cao Luật, O.P.

Những lời tâm huyết

Hãy hình dung ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các môn đệ  Lúc ấy là buổi chiều, Đức Giêsu cũng với các người bạn thân tín họp nhau trong bữa ăn cuối cùng trước khi Người chịu khổ nạn  Thời điểm này thật quan trọng, và chính lúc này, Đức Giêsu nói lên những điều sâu kín nhất được gọi là “diễn từ cáo biệt”

Tuy nhiên, diễn từ này không phải là một bài thuyết trình dài, nhưng là một cuộc trò chuyện  Các ông Phêrô, Tôma, Philípphê và Giuđa lên tiếng đặt ra những câu hỏi và Đức Giêsu trả lời  Bài “giảng thuyết” này được khởi đầu bằng một cuộc chia sẻ. Sau đó, như trình thuật Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu bắt đầu trình bày sứ điệp của Người – vào lúc Người sắp ra đi – như thể muốn nhấn mạnh đến điều Người coi là cốt yếu  Cả phần này cũng không là một diễn từ suông, đúng hơn phải gọi là những lời tâm huyết: những điều người ta nói với nhau trong các cuộc chia tay  Có thể coi đây là sứ điệp cuối cùng, bề ngoài không khác gì lắm với những điều Người đã giảng dạy, nhưng thật ra, có tính cách quyết liệt hơn và thân mật hơn  Đây là sứ điệp của tình yêu

Trước và sau dụ ngôn cây nho, cành nho, Đức Giêsu đưa ra lời mời gọi về tình yêu  Lược đồ này rất đơn giản: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Chính điều này làm cho dụ ngôn có được ý nghĩa đầy đủ  Để đi vào trong tiến trình tình yêu, xuất phát từ Chúa Cha đến Chúa Con và từ Chúa Con đến nhân loại, rồi sau đó lan tỏa ra giữa con người với nhau, người tín hữu phải luôn kết hợp chặt chẽ với Đức Kitô: Người là cây nho và chúng ta là cành  Không có sự liên kết này, người ta sẽ ra khỏi tình yêu, trở thành những cành khô, đáng để quăng vào lửa. Do đó, đây là một chọn lựa rõ ràng: ở lại trong Đức Kitô và sinh hoa kết quả, hay là chết khô mà chẳng đem lại hoa trái nào

Ở đây, người ta thấy được từ ngữ làm chìa khóa cho toàn bộ bản văn: “Ở lại” – Từ ngữ này được lặp lại nhiều lần: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em”… “Anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy…”  “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy…” và xa hơn: “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn…”

Như thế, sứ điệp này có tính bó buộc: phải ở lại trong Đức Kitô, phải kết hợp chặt chẽ với Người để được sống. “Ở lại”, đó là không bao giờ mất liên lạc, đó là kiên trì theo đuổi, là bám chắc, mặc dù có những biến động, những chao đảo, những khó khăn  “Ở lại”, đó là trung tín

“Ở lại” trong Đức Kitô, đó là “giữ” các điều răn của Người  Nhưng cuối cùng, chỉ có một điều răn: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau” theo cách thức “như Thầy đã yêu thương anh em” – Điều này có nghĩa là yêu thương mà không giữ lại phần nào cho riêng mình, không hạn chế, không ngần ngại, dù phải hy sinh mạng sống

Phải sinh hoa kết quả

Có nhiều cách để hiểu trình thuật Tin Mừng hôm nay:

Cách thứ nhất là sự ổn định  Trong mọi sinh hoạt cộng đoàn, khi gặp những khó khăn, người ta siết chặt hàng ngũ, củng cố tinh thần các thành viên  Người ta tìm về quá khứ như là hướng về một phương thế giúp cho họ bám vào một điều vững chắc và có lần người ta đã trải qua  Ngoài ra, quyền bính cũng được đưa ra để tái lập sự ổn định: người ta trục xuất những “kẻ lầm lạc”, những kẻ phá hỏng tình trạng an toàn của nhóm

Cách thứ hai là suy nghĩ về những đòi hỏi giúp người ta trở thành những người “sinh hoa trái”, đem lại kết quả, kết quả dồi dào  Cách thức này không chỉ nhằm là duy trì, nhưng là làm phát triển Hội Thánh, tức là nhân loại mới  Bởi vì Hội Thánh được thành lập để “sinh hoa trái”

 Ngoài ra, Đức Giêsu còn nói đến việc cần phải thanh tẩy  Đây là một bình diện hoàn toàn khác hẳn việc sẳn xuất theo khía cạnh vật chất và kỹ thuật  Điều cần lưu ý là phải biết cách hành động, cách riêng sự hiện diện, bởi vì công trình cần hoàn thành không thuộc bình diện vật chất: công trình này liên hệ đến điều người ta có thể gọi là “phẩm chất cuộc sống”, với điều kiện là phải nâng cao vượt trên mức độ những kiểu quảng cáo của con người  Nhưng người ta chỉ có thể tạo nên phẩm chất đời sống thuộc về Thiên Chúa bằng cách phản ánh cuộc sống ấy  Để làm được điều đó, phải trở nên trong sáng, phải được thanh tẩy  Những khoảng tối trong cuộc sống con người chỉ có thể tan biến đi qua những thử thách

Điều này đưa tới điều kiện thứ hai của việc sinh hoa kết quả, và điều kiện này là căn bản: phải tháp vào Đức Giêsu, tức là phải hòa nhập vào dòng sống, phải ở trong dòng sống  Ở đây, đúng hơn có lẽ nên nói đến nhựa sống, nhưng không phải thứ nhựa sống phát xuất từ con người

Những suy nghĩ trên làm cho người ta nhớ đến quả quyết thường xuyên của Thánh Gioan: ân sủng, tình yêu, ơn cứu độ  Tất cả đều là ân huệ Thiên Chúa ban qua Đức Giêsu  Chỉ có Người mới dạy cho nhân loại biết thế nào là sống bởi Thiên Chúa, như Thiên Chúa, trong Con Thiên Chúa.

Hãy ở lại trong tình yêu

“Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”.

Suốt bao thế kỷ, câu nói này vẫn được tìm hiểu, giải thích và chưa bao giờ chúng ta sống trọn vẹn… Tình yêu, đó cũng là lòng nhẫn nại trước tất cả những gì chống đối lại mình  Bởi vì thật là dễ chịu khi đón nhận tình cảm thân thiết, yêu thương  Nhưng thật khó mà yêu thương suốt cả cuộc đời, tất cả mọi ngày, ở lại trong tình yêu, và yêu thương hết những ai có dịp tiếp xúc với ta dù tâm hồn họ có như thế nào

Cuộc sống của nhân loại vẫn có những người dám đón nhận mọi khổ đau để cứu người khác khỏi nguy hiểm, khỏi đói khát  Tuy thế, con số này không nhiều  Các Kitô hữu, theo gương Đức Kitô, sẽ là những người lập lại cho trần gian nhớ rằng tình yêu có giá trị quan trọng hơn tiền bạc, hơn cả quyền lực và danh vọng  Người Kitô hữu phải làm chứng về những giá trị cao quý như: thái độ đón nhận, lắng nghe, chia sẻ, cảm thông, đấu tranh cho công lý và vì hạnh phúc của những con người đang bị đè bẹp  Điều này cần có lòng kiên nhẫn và sáng tạo không ngừng

Tình yêu quả là con đường dài của lòng nhẫn nại  Yêu thương như Đức Kitô không phải là một thứ tìn cảm ngẫu hứng, nhưng là hành động của người trưởng thành, can đảm, biết sử dụng tự do của mình. Chúng ta nghĩ đến những cam kết trong đời sống hôn nhân và tu trì  Làm sao có thể yêu thương mãi trong khi cuộc đời cứ thay đổi không ngừng? Chỉ có thể yêu thương cách đúng nghĩa khi biết hy vọng và tin tưởng nơi Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta trước  Chính Người kêu gọi và chọn chúng ta, Người vẫn yêu thương chúng ta đến cùng

SUY NIỆM II

 CÂY NHO VÀ CÀNH NHO SINH NHIỀU HOA THƠM TRÁI NGỌT

Lm. Giuse Nguyễn Quốc Quang

Vườn nho là hình ảnh quen thuộc được nhắc đến hàng trăm lần trong Thánh Kinh, vì vườn nho gắn liền với đời sống của người Do-thái cũng tựa như ruộng lúa đối với người Việt chúng ta vậy. Cũng rất nhiều lần Thánh Kinh dùng hình ảnh vườn nho để nói về Ít-ra-en, chẳng hạn, Ngôn sứ I-sai-a nói : “Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh chính là nhà Ít-ra-en đó!” (Is 5,7). Thứ đến, các ngôn sứ dùng hình ảnh vườn nho hay sản phẩm từ cây nho để miêu tả về sự phồn thịnh của dân Ítraen: “Nào lúa thơm rượu mới dầu tươi, nào bò bê cùng với chiên cừu. Lòng thoả thuê như vườn cây tưới nước, họ chẳng còn mỏi mệt héo hon” (Gr 31,12). Và đây chính là phúc lành Thiên Chúa dành cho dân Người. Và các Ngôn sứ cũng thường ví Người trồng nho là Thiên Chúa để cảnh cáo, đe doạ, khiển trách dân Israel, chẳng hạn, Ngôn sứ Giêrêmia đã nói: “Ta trồng người như cây nho sai trái, được tuyển chọn giống tốt. Sao người lại trở thành cây nho dại, sinh trái chua lòm” (Gr 2,21). Ngôn sứ Isaia cũng đã có cả một bài ca về vườn nho, vì dân Israel như nho quí, nhưng đã trở thành nho dại, khiến chủ vườn nho phải bỏ hoang phế: “Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ. Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho. Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại” (ls, 5, 1-2).

Cho nên, chẳng lạ gì đến Tân Ước, Chúa Giêsu tự nhận là “cây nho thật” và “Chúa Cha là người trồng nho”. Cụ thể, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Thầy là cây nho thật và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh trái nhiều hơn”… “Thầy là cây nho, anh em là cành”.

Như cành gắn liền với thân cây nho mới sống được và sinh hoa trái. Nếu cành nào tách rời khỏi thân cây nho, sẽ khô héo và làm mồi cho lửa. Cũng vậy, người tín hữu phải sống kết hợp với Chúa Kitô mới có sự sống của Thiên Chúa và được sống đời đời, nếu không, sẽ chết đi và bị quăng vào lửa. Vì vậy, mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và các Kitô hữu là một mối quan hệ mật thiết đến nỗi cả hai trở nên như một, vì cùng sống chung một sự sống. Chúa Kitô và các Kitô hữu tạo thành một cộng đồng sự sống, như các chi thể trong một thân thể mà Thánh Phaolô gọi là Nhiệm Thể, hay là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Kitô. Trong Nhiệm Thể ấy, các chi thể liên kết với nhau và liên kết với một đầu như các cành nho liên kết với thân cây nho và một gốc nho. Cũng như nhựa sống giao lưu từ gốc nho đến các cành cây, thì sự sống của Thiên Chúa cũng được chuyển đến các chi thể như trong một thân thể. Như thế, các Kitô hữu được gắn với nhau vào một gốc là Chúa Giêsu: “Anh em ở trong Thầy và Thầy ở trong anh em”.

Một điểm được Chúa Giêsu nhấn mạnh ở đây, đó là “cành nho phải sinh hoa trái”. Người Kitô hữu không chỉ gắn với thân cây mà còn phải sinh hoa trái nữa. Bởi vì, không thiếu những cành gắn chặt với cây mà không sinh trái nào mặc dầu bên ngoài vẫn là một cành “xanh rờn”, um tùm nhưng chẳng có trái nào. Như có lần Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? “Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7,21-230. Vì vậy, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy”.

Thế nào là sinh hoa kết trái? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời ngay trong bài đọc 2 hôm nay, Thánh Gioan nói: “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. Do đó, chúng ta có thể hiểu được rằng để “sinh hoa trái” là yêu thương nhau như Chúa thương yêu và dạy chúng ta: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy” (Ga 15,13).

Tình yêu hy sinh được ví như hình ảnh của sự cắt tỉa cành nho phải chịu  cắt tỉa mất mát, đau đớn mới sinh hoa trái. Tình yêu Chúa và tha nhân cũng vậy, chúng ta hãy để tình yêu Chúa đong đầy và thúc bách chúng ta hãy ra đi làm khí cụ bình an của Chúa cho tha nhân để chúng ta đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để chúng ta đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậy vào nơi thất vọng, rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu. Để chúng ta biết tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi chúng ta hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi chúng ta thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời (Kinh hòa bình).

Như cành liền cây mới sống được và phải cắt tỉa mới sinh nhiều hoa trái, người Kitô hữu phải sống nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô mới có thể sống như Chúa Kitô, sống cho Thiên Chúa và cho mọi người anh chị em chúng ta gặp gỡ, đó là đòi hỏi căn bản của đời sống Kitô hữu. Người Kitô hữu nào yêu thương mọi người anh chị em một cách chân thành, có hiệu quả bằng việc làm cụ thể: giúp đỡ, bảo vệ, sẻ chia, phục vụ, hy sinh, tha thứ… người Kitô hữu ấy mới thật là người ở trong Thiên Chúa, kết hợp với Chúa Kitô, mới thật là cành nho gắn liền với cây nho. Và nói như Lời Chúa trong bài đọc 2 rằng: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta” (1Ga 3,24). Amen

 

SUY NIỆM III

HÃY Ở LẠI TRONG THẦY

(Hội An 28/4/2024)

Lm. Giuse Nguyễn văn Thú

Tác phẩm “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nhà văn Colleen McMcullough nổi tiếng một thời dựa vào truyền thuyết về một loài chim. Có một loài chim chỉ hót một lần trong đời và chỉ hót được giữa bụi mận gai, nên bay tìm cho bằng được mận gai mới thôi. Khi tìm được, từ trên cao, chim kia đâm xuống giữa đám gai của bụi mận, lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất, để cất lên tiếng hót ứ nghẹn trong lồng ngực suốt một đời. Vượt trên nỗi đau khôn tả, nó cất tiếng hót, tiếng hót từ trái tim, tiếng hót chỉ một lần trong đời, tiếng hót khiến sơn ca và họa mi phải ghen tỵ, tiếng hót duy nhất có một không hai phải đổi bằng cả mạng sống mới có được. Nhân loại mọi thời ước mơ được nghe tiếng hót của tình yêu ấy trong đời thực của mình.

            Chúa Giê-su không thể nén giữ trong lòng Ngài tiếng yêu thương dành cho con người. Cuộc nhập thể làm người, cuộc vượt qua: thương khó, chết và sống lại của Chúa cũng chỉ cốt nói lên lời yêu thương từ đáy trái tim của Ngài: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con” (Ga 15,4).

  1. Chúa khát khao tín hữu ở lại trong Ngài

            “Ở lại” trong Chúa không chỉ là tiếp xúc bên ngoài hay ở bên cạnh, mà là một tương quan mật thiết và sống còn như cành nho gắn liền và tiếp nhận nhựa sống từ thân nho. Chúa Giê-su dùng lối ẩn dụ ai cũng hiểu về cây nho và cành nho để nói về mối tương quan của Ngài là cây nho và tín hữu là cành nho. Thân nho là nguồn sự sống nuôi dưỡng cành nho. Cành nho không có sự lựa chọn nào khác nếu muốn sống và sinh hoa trái, nó phải gắn liền và sống nhờ sự sống của thân nho. Nhân loại, cách riêng Ki-tô hữu phải gắn kết mật thiết với Chúa Giê-su, bấy giờ Ki-tô hữu mới có sự sống của Thiên Chúa và sinh hoa trái thiêng liêng.

            “Ở lại” trong Chúa không mang tính tạm thời hay thời vụ, lúc buồn đến chơi, lúc vui rời xa. Dường như Giu-đa và nhiều môn đệ thuộc loại ngươi này, lúc Chúa đi rao giảng được nhiều người ca ngợi thì hăng hái đi với Chúa, nhưng khi Chúa đi vào con đường khổ nạn thì rút lui. “Ở lại” trong Chúa phải có tính cách bền vững và sâu xa của tình yêu chân thành đòi hỏi. Tình yêu dối lừa là tình yêu tạm thời, chờ thời để xa cách. Chúa Giê-su không hề muốn chúng ta dành cho Ngài thứ tương quan không đáng gọi là tình yêu đó, bởi vì Ngài là Tình Yêu, Ngài mong chờ chúng ta dành cho Ngài tình yêu trọn vẹn và đến cùng. Bản tính Ngài là thế và tình yêu của Ngài trở thành nguồn tình yêu trong chúng ta. Đó là lý do Chúa Giê-su van vỉ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con.”

  1. Những dấu chứng ở lại trong Chúa

            Làm thế nào ở lại trong Chúa? Dấu chứng trước hết là yêu quý và tuân giữ lời Chúa. Chúa nói: “Nếu các ngươi ở lại trong lời Ta, thì các ngươi thật là môn đệ Ta” (Ga 8,31). Chúa Giê-su chính là Ngôi Lời của Chúa Cha. Mọi lời yêu thương Chúa Cha muốn ngỏ với con người, Ngài nói trọn vẹn trong Chúa Giê-su, Con Một yêu dấu của Ngài. Vì thế, một khi nghe lời Chúa trong Thánh Kinh với lòng xác tín đang nghe Chúa nói và đem ra thực hành, là lúc chúng ta đang ở lại trong tình yêu của Chúa.

            “Ở lại” trong Chúa là có đời sống liên kết với Chúa qua đời sống cầu nguyện. Cầu nguyện vừa là phương tiện, vừa là hoa trái của “ở lại” trong Chúa. Là phương tiện, vì tất cả niềm xác tín vào Chúa, lời nài xin lên Chúa, những khao khát sống thánh thiện với Chúa Giê-su, lòng thống hối chân thành đều được thốt ra trong lời cầu nguyện. Là hoa trái của việc “ở lại” trong Chúa, bởi nhờ cầu nguyện, tín hữu đắm mình trong tình yêu Chúa và kết hiệp mật thiết với Chúa, nhờ đó, tín hữu yêu quý đời sống thánh thiện hơn.

            Nhất là, “ở lại” trong Chúa được minh chứng rõ ràng trong sự kết hiệp với Chúa Giê-su Thánh Thể. Chúa Giê-su đã nói: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở lại trong Ta, và Ta ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Thánh Thể là Thịt Máu Chúa Giê-su, là chính Chúa Giê-su. Chúa Giê-su vẫn cứ ở với chúng ta trong bí tích Thánh Thể chỉ vì yêu thương chúng ta, vì vậy, Chúa muốn chúng ta rước lấy, ăn thịt Chúa và uống máu Chúa để Chúa ở trong chúng ta và chúng ta được ở trong Chúa. Thánh Cyrillo thành Alexandria nói, Con Thiên Chúa nghĩ ra phương kế kỳ diệu để thánh hóa và làm cho tín hữu trở nên một với Ngài là dùng Thân Mình Ngài làm của ăn cho tín hữu.

            Như vậy, cầu nguyện, say mê đọc và sống lời Chúa, yêu mến sống với Thánh Thể là đáp lại tiếng yêu thương của Chúa: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong các con.”

            Nói đến đây, chúng ta nhìn vào Chúa và trả lời: tôi đang là cành nho khô héo vì thiếu cầu nguyện, lơ là việc đọc và sống lời Chúa, dửng dưng với thánh lễ và rước Chúa; hay tôi đang là cành nho sống liên kết với Chúa Giê-su và đang sinh hoa trái bằng việc chống trả tội lỗi, có kế hoạch cho gia đình và giáo xứ hướng về Chúa và hăng say truyền giáo. Cành khô là cành chết, cành không có sự sống của Chúa, chỉ cần cơn gió, cành khô gãy rụng. Cành sinh hoa trái là những Ki-tô hữu đang miệt mài sống với Chúa, gắn kết với Chúa. Giáo Hội cần những cành nho sẵn lòng để Chúa cắt tỉa để sinh hoa trái thiêng liêng. Bạn trả lời sao với Chúa?

 

GIA VỊ CHO BÀI GIẢNG

Nguồn: giaophancantho.org

  1. KHÔNG KẾT NỐI

Một linh mục truyền giáo ở châu Phi sống trong một ngôi nhà nhỏ giữa một khu dân cư nghèo. Ngài có một máy phát điện nhỏ cung cấp điện cho nhà thờ và nhà xứ của mình. Một số người bản xứ từ những vùng xa xôi đến dự thánh lễ trong nhà thờ. Họ nhìn thấy có ánh sáng điện treo trên trần phòng khách của nhà xứ. Họ tròn xoe mắt nhìn ngài bật công tắc nhỏ và đèn bật sáng trưng. Một trong những người đến thăm hỏi xin cha một bóng đèn nhỏ đó. Vị linh mục nghĩ có lẽ ông ấy muốn dùng nó như một thứ đồ trang sức nên ngài cho một bóng đèn đã cháy. Trong lần thăm mục vụ đến miền truyền giáo xa xôi ấy, vị linh mục dừng lại ở túp lều của người đàn ông đã xin bóng đèn. Vị linh mục hết sức ngạc nhiên khi ngài nhìn thấy bóng đèn treo trên một sợi dây gân dùng để câu cá! Ngài phải giải thích rằng người ta phải có nguồn điện và một dây dẫn để đưa dòng điện đến bóng đèn thì đèn mới sáng. Không có kết nối thì không có điện!

– Trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giêsu nói về sự “kết nối” này qua hình ảnh cây nho và cành nho. Cành nho chỉ sinh hoa trái nếu kết nối với cây nho.

  1. VƯỜN NHO VÀ NGƯỜI LÀM VƯỜN

Trong cuốn sách Điều trước làm trước, tác giả Roger Merrill kể lại câu chuyện về một người đàn ông bận rộn quyết định cải tạo khu đất của mình. Ông đã liên hệ với một người phụ nữ tài năng có bằng tiến sĩ về khoa làm vườn và có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế cảnh quan; ông bày tỏ mong muốn thuê chị ấy làm vườn. Nhưng ông nhấn mạnh với chị ấy rằng ông cần tạo lập một khu vườn mà không cần phải chăm sóc bảo trì, với vòi phun nước tự động và các thiết bị tiết kiệm lao động khác vì ông quá bận rộn không có nhiều thời gian cho việc bảo dưỡng. Nhưng chị ấy nói: “Có một điều ông cần phải giải quyết trước khi chúng ta đi xa hơn. Nếu không có người làm vườn, thì sẽ không có khu vườn!”

 – Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định rằng mỗi cây nho phải được cắt tỉa và chăm bón để nó có thể sinh nhiều trái. Cành nho không được cắt tỉa và săn sóc có thể sinh trái được không?

  1. CÔNG NƯƠNG DIANA

Trở lại năm 1981, có lẽ cả thế giới đều tập trung chú ý vào đám cưới của Thái tử Charles và phu nhân Diana, ở nước Anh. Phóng viên của một tờ báo mô tả sự xuất hiện của đoàn tùy tùng đến Nhà thờ lớn, nơi đám cưới sẽ diễn ra với quang cảnh thật lộng lẫy tưng bừng. Ông mô tả hình ảnh tất cả gia đình hoàng tộc được chở trên những chiếc xe ngựa đặc biệt của hoàng gia đến Nhà thờ, trong khi phu nhân Diana đến bằng xe riêng của một thường dân. Sau đó, có một câu rất đáng chú ý này trong nội dung bài báo: “’Lady Diana’ đến Nhà thờ với tư cách là một thường dân; cô ấy trở về với tư cách một thành viên của hoàng gia.”

* Đây là một mô tả sống động về ân sủng là gì. Chúng ta đến với Chúa trong tư cách là tội nhân, nhưng ân sủng biến chúng ta thành những người thừa kế, và đồng thừa kế với Chúa Kitô. Chúa nói: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em. Non vos me elegistis sed ego elegi vos” (Ga 15,16).

  1. KHÔNG CÓ NƯỚC

Vào cuối mùa hè năm ngoái, một trận hỏa hoạn lớn đã phá hủy hoàn toàn một tòa nhà ở chung cư phía đông Sài Gòn. Báo động đã vang lên inh ỏi, các xe tải và nhân viên đã có mặt kịp thời để chữa cháy. Người ta thấy các cửa thoát hiểm hoạt động bình thường. Các bậc cầu thang đều trống thoáng. Mọi người chạy ra khỏi tòa nhà một cách nhanh chóng và trật tự. Tuy nhiên, ngọn lửa bùng cháy ngoài tầm kiểm soát và tòa nhà phải bị phá bỏ. Khi những người lính cứu hỏa đến, họ quan sát các ống nước trên tường và thấy hệ thống nước đã được lắp đặt đúng cách. Có những đường ống dài hàng trăm mét, rõ ràng là đủ để dập lửa. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra quá muộn rằng đường nước thành phố chưa bao giờ được kết nối với phần này của hệ thống nước. Một sơ xuất chết người!

 * Sống cuộc đời một con người bị tách rời khỏi Thiên Chúa hằng sống là một điều bi thảm. “Ai không ở ại trong Thầy thì bị quăng ra ngoài, và sẽ khô héo”.

  1. ĐHY PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN

Sau ngày 30 tháng tư năm 1975, ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận bị bắt tù giam mười ba năm vì bị nghi ngờ hoạt động chính trị. Nhà của ngài là một phòng biệt giam cho phép người ta chỉ có thể đi ba bước tới lui về bất kỳ hướng nào. Tuy nhiên, trong những năm tháng khó khăn không thể tưởng tượng đó, ngài luôn cầu nguyện tha thiết với Chúa: “Chúa ơi, xin giúp con biết dùng thời gian này để kết hợp với Chúa hơn.” Ngài đã tận dụng hoàn cảnh tồi tệ này và sử dụng nó như một thời gian để gia tăng đời sống thiêng liêng: cầu nguyện, sống mầu nhiệm tự hủy và kết hợp với Chúa. Mặc dù chỉ có thể giao tiếp với các tù nhân đồng cảnh ngộ của mình bằng cách gõ vào bức tường của phòng giam, nhưng ngài cùng với các tù nhân khác đã cố gắng học thêm tiếng Nga. Điều tuyệt vời hơn cả là ĐHY đã giúp cho những người bạn tù của mình giữ vững được lòng tin và niềm vui qua khiếu hài hước của ngài, để họ có thể vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã. Thời gian sau, tình trạng nhà tù được cải thiện, ĐHY có thể tiếp xúc với các giám ngục. Lúc đầu ngài dạy họ ngoại ngữ rồi tận dụng cơ hội, ngài còn giới thiệu với họ về đạo, và về Chúa Giêsu nữa. Và nhiều người bắt đầu yêu mến ngài. Những trải nghiệm năm tháng lao tù được ngài kể lại trong tập sách Năm chiếc bánh và hai con cá, được nhiều người trên thế giới biết đến.

* Kể lại hoàn cảnh khó khăn khắc nghiệt này ĐHY Phanxicô cho biết chỉ nhờ kết hợp mật thiết với Chúa ngài mới có thể sống sót.

  1. SỨC MẠNH CỦA MỘT QUẢ BÍ

Chúng ta có thể biết rằng thí nghiệm hấp dẫn này đã diễn ra tại trường đại học Amherst vài năm trước đây: người ta đem trồng một hạt bí vào một thửa đất tốt. Được vài tháng nó sinh ra một quả bí có kích thước bằng đầu của một người. Các nhà nghiên cứu đã đặt một đai bằng thép cuốn quanh nó để xác định lực giãn nở của quả bí khi nó cố gắng lớn lên. Họ ước tính rằng nó có thể đạt được lực đẩy 230 kg. Nếu thế thì đó đã là một điều tuyệt vời rồi. Tuy nhiên trong tháng thứ hai nó đạt đến mức 690 kg, sau đó tăng lên 920 kg. Lúc này họ phải gia cố cái đai thép. Cuối cùng, nó đã đạt đến một lực đẩy 2300 kg ​và làm đứt dây đai thép. Họ bổ quả bí ra và nhận thấy nó chứa đầy những bó sợi rất bền, kết lại để chống lại chướng ngại vật cản trở sự phát triển của nó. Bộ rễ của cây bí vươn ra khoảng hơn một chục mét về mọi hướng, vì cây bí cần phải vươn ra ngoài để giúp tăng cường chất xơ.

* Chúng ta không thể nghĩ rằng mình ít khả năng hơn một quả bí. Chúa đã ban cho chúng ta rất nhiều ơn để chúng ta có thể sinh ra những hoa trái xứng với một cành được liên kết với Cây Nho là Chúa Giêsu.

  1. CHUYỆN NHÀ TOÁN HỌC A. EINSTEIN

Có một câu chuyện vẫn được truyền tụng về nhà bác học Albert Einstein. Ông đã đi khắp đất nước từ trường đại học này đến trường đại học khác để giảng về lý thuyết tương đối của mình. Ông ta di chuyển bằng xe limousine có tài xế riêng. Một ngày nọ, sau khi họ đã đi trên đường được một lúc, người tài xế của Einstein mới nói với ông: “Thưa tiến sĩ Einstein, tôi đã nghe ông giảng về thuyết tương đối rất nhiều lần, tôi dám cá là tôi có thể tự mình giảng bài.” Nhà bác học tốt bụng trả lời: “Rất tốt, tôi sẽ cho bạn cơ hội đó tối nay. Những người ở trường đại học nơi tôi sẽ giảng bài chưa bao giờ nhìn thấy tôi. Trước khi chúng ta đến đó, tôi sẽ đội mũ lưỡi trai và mặc đồng phục của bạn và bạn sẽ giới thiệu tôi là tài xế riêng của bạn, còn bạn sẽ đóng vai của tôi. Sau đó, bạn có thể thuyết trình.” Mọi thứ tối hôm đó diễn ra theo đúng kế hoạch. Người tài xế đã giảng bài một cách hoàn hảo. Nhưng khi bài giảng kết thúc, một giáo sư trong khán phòng đứng dậy và hỏi một câu hỏi phức tạp liên quan đến các phương trình và công thức toán học. Người tài xế có tư duy nhanh nhạy trả lời: “Thưa ông, giải pháp cho vấn đề đó quá đơn giản, tôi thực sự ngạc nhiên tại sao ông lại yêu cầu tôi giải đáp vấn đề đó. Thật vậy, để chứng minh cho ông thấy điều đó đơn giản đến mức nào, tôi sẽ yêu cầu tài xế riêng của mình bước tới và trả lời cho câu hỏi của ông.”

* Còn Chúa Giêsu là cây nho “thật”, không ai có thể thay thế được Người. “Thật” theo ý của nguyên bản không phải để phân biệt với người khác là cây nho giả. Thật có nghĩa Người là Đấng duy nhất thực hiện trọn hảo ơn gọi của Israel là sống tuân phục ý Thiên Chúa.

  1. “HÃY Ở LẠI TRONG THẦY”

Marian Anderson có lẽ là người phụ nữ có chất giọng contralto hoàn hảo nhất đã từng sống. Tuy nhiên điều đáng nói là bà có một mối tương giáo tuyệt vời với mẹ bà. Người ta có thể nói về cuộc đời của bà Anderson: âm nhạc của bà khiến người ta rơi lệ; cuộc sống của bà khiến người ta phải bái phục. Bà ấy đã từng được phỏng vấn và hỏi về khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của mình. Chắc hẳn bà sẽ nói đến thời điểm khi Arturo Toscanini vĩ đại nói với bà rằng bà là giọng ca siêu phàm của thế kỷ. Hoặc bà sẽ đề cập đến thời khắc bà được hát trước gia đình tổng thống Roosevelts và vua và nữ hoàng Anh. Hoặc bà sẽ kể lại vinh dự đã giành được một giải thưởng danh giá, mà qua đó được tôn vinh là người có công lớn nhất cho quê hương Philadelphia của bà. Hoặc cũng có lần bà hát trước đám đông 75.000 người vào Chúa nhật Phục sinh bên dưới bức tượng tổng thống Lincoln. Bà sẽ chọn khoảnh khắc nào trong những khoảnh khắc tuyệt vời này?- Thưa không một chọn lựa nào trong số đó. “Khoảnh khắc tuyệt vời nhất của tôi,” bà nói, “là khi tôi về nhà với mẹ và nói: “Mẹ ơi, mẹ sẽ không bao giờ phải ra tay giặt giũ nữa!”

* Nếu mối tương giao này có thể tồn tại giữa mẹ và con gái, thế thì mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu còn như thế nào nữa? Chúa Giêsu nói: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,5).

Linh mục Giuse Ngô Quang Trung sưu tầm