Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C


CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM C

15-5-2022

CHẦU THÁNH THỂ

Giáo xứ Phước Tường

GIÁO HUẤN SỐ 25

NGƯỜI TRẺ VỚI NHỮNG GỐC RỄ

Các giấc mơ và các thị kiến (tt)

Có lẽ các bậc cha mẹ của chúng ta đã gìn giữ một ký ức có thể giúp chúng ta hình dung giấc mơ mà các ông bà nội ngoại đã từng mơ về chúng ta. Tất cả chúng ta, ngay cả trước khi chúng ta sinh ra, đã nhận lãnh – như phúc lành từ các ông bà – một giấc mơ  đong đầy tình yêu và hy vọng, giấc mơ về một đời sống tốt đẹp hơn. Nếu đó không phải là ông bà nội ngoại, thì chắc hẳn  các vị ông bà cố tổ trước đó đã mơ giấc mơ hạnh phúc ấy khi các vị ngắm nhìn con cái hay cháu chắt mình nằm trên nôi. Giấc mơ đầu tiên là giấc mơ đầy sáng tạo của Thiên Chúa là Cha, nó đi trước và đồng hành với đời sống của tất cả con cái Ngài. Ký ức về phúc lành này, chuyển trao từ thế hệ này sang thế hệ khác, là một gia sản quí báu mà chúng ta phải giữ sống động để rồi chúng ta cũng có thể chuyển trao tiếp tục (Tông huấn Đức Ki-tô hằng sống, số 194).

—————

CHÚA NHẬT V PHỤC SINH – NĂM C

(Cv 14,21b-27; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35)

Đạo yêu nhau

“Vỏ quít dầy có móng tay nhọn”, bổn đạo đã liều lĩnh liên lạc với hai cha (Marques và Alexandre de Rhodes, Đắc Lộ) bằng mấy cách sau đây: thứ nhất là một số người cải trang thành kẻ ăn xin, mặc quần áo rách rưới xin lính gác cho vào kiếm cơm hai cha; thứ hai vì nhà ở của hai cha liền với mấy nhà bên cạnh là nhà bổn đạo, nên họ bí mật khoét một lỗ (nhà vách đất) để họ đến gặp hai cha, hơn nữa ban đêm cha Đắc Lộ đánh liều qua lỗ đó sang nhà bên cạnh giảng dạy. Chính nhờ những cách trên, cha viết thư an ủi bổn đạo và gửi các bài giảng cho họ. Nhận được người ta chép thành nhiều bản để đọc cho bổn đạo âm thầm tập họp trong 6 khu. 

Việc quản thúc xem ra không nghiêm ngặt mấy, vì có lần chúa Trịnh cho phép cha Đắc Lộ đi làm lễ an táng long trọng cho một viên quan là bổn đạo chết do bất cẩn khi bắn súng đại bác trong một dịp lễ tổ chức tại Kinh đô (Hà Nội). Nhận thấy tình hình bớt căng thẳng, nên sau 4 tháng trời gặp gỡ bổn đạo bằng những cách nguy hiểm cho bản thân họ như trên, bây giờ chính cha Đắc Lộ ban đêm lẻn ra ngoài gặp bổn đạo để giảng dạy, rửa tội, giải tội và dâng thánh lễ theo lời yêu cầu và sắp xếp của bổn đạo.

Tất cả những việc trên chứng tỏ lòng nhiệt thành sốt sắng của bổn đạo thời kỳ đầu tiên, bất chấp mọi nguy hiểm xem ra làm cho “Đạo Ta”cũng có cái gì khác với “Đạo Tây” ! Đọc kinh, xem lễ, xưng tội, rước Mình Thánh Chúa là những thứ họ khao khát dù về mặt  thông hiểu “lẽ đạo” thì còn kém là cái chắc ! Phải công nhận rằng : bổn đạo thời xa xưa đã sống Lời Chúa trọn vẹn trong việc kính Chúa yêu người. Phải nói các vị ấy đã sống đạo chứ không phải chỉ giữ đạo, bằng cớ là nhiều nhà truyền giáo đầu thế kỷ 17 ở Đàng Ngoài đã khen “đứt lưỡi” về lòng thương yêu nhau của anh chị em bổn đạo. Chính trong bản báo cáo dài 98 trang khổ lớn của cha Gaspar d’Amaral viết bằng tiếng Bồ Đào Nha từ Kinh đô Thăng Long ngày 31-12-1632 gửi cha Anrê Palmeiro ở Macao, chẳng những thuật lại những kết quả truyền giáo lớn lao, mà còn ghi nhận rằng “người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau”. Tuyệt vời ! (Đỗ Quang Chính, Tàn Mản Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, trang 60-62).

Cha Nguyễn Công Đoan viết : “Trong lịch sử Hội Thánh ở quê hương chúng ta, ngay những năm đầu tiên khi Tin Mừng được loan báo cho tổ tiên chúng ta ở miền Bắc (bắt đầu từ tháng 3 năm 1627), bản báo cáo của cha Gaspar d’Amaral gửi về Rô-ma ngày 31-12-1632 đã kể : “Các tín hữu ở đây được chừng  hơn 1.000 người. Họ yêu thương nhau đến nỗi những người chung quanh chưa biết tên đạo mới này là gì, nhưng thấy cách họ yêu mến nhau như vậy thì gọi họ là những người theo đạo yêu nhau (Tĩnh Tâm với Tin Mừng Gio-an, trang 56).

Bài đọc 1 (Cv 14,21b-27): Cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất của thánh Phao-lô là ngắn nhất trong ba cuộc hành trình, chỉ có 2,5 năm. Lúc khởi đầu đi  tàu, sau đó đi bộ, chừng 600 dặm, trên núi cao, trên những chặng đường gồ ghề Ngài ăn bánh do bàn tay làm ra. Ngài chịu đói, lạnh lẽo, có lần bị người Do Thái ném đá, để nằm như chết. So sánh với hai cuộc hành trình khác, đây còn tương đối dễ chịu (Cha Sullivan, The Sunday Readings C, trang 172)

Ngài đi rao giảng với thánh Ba-na-ba. Thường thánh Phao-lô rao giảng trước tiên cho người Do Thái. Khi bị họ khước từ, ngài đến với dân ngoại. Nhiều người trong các tỉnh thành miền Ga-la-ti-a đón nhận (Sullivan, sđd trang 171).

BTM (Ga 13,31-33a.34-35): Lòng yêu thương đã được truyền dạy trong Cựu Ước, nhưng giới hạn trong cộng đoàn Do Thái. Lòng yêu thương của Đức Giêsu vươn ra mọi người, toàn thể nhân loại. Lòng bác ái của Đạo là tình yêu đích thật, giống như Chúa Ki-tô hiến mạng sống cho nhân loại.

Bài đọc 2 (Kh 21,1-5a): Đức cha Ba-tô-lô-mê-ô Nguyễn Sơn Lâm viết về bđ2 như sau: “Chắc chắn đây là những điều viết về Nước Trời sau này, nhưng lại căn cứ vào thực tại đã có và đang có. Đức tin cho chúng ta biết, từ ngày Đức Giê-su được tôn vinh trong mầu nhiệm chết và sống lại, cũ đã qua và mới đã đến. Giê-ru-sa-lem cũ đã nhường chỗ cho Giê-ru-sa-lem mới là Hội Thánh. Và Chúa Giê-su luôn ở cùng Hội Thánh hằng ngày cho đến tận thế, nên Người là Thiên Chúa ở cùng Hội Thánh và là Đức Lang Quân của Hội Thánh. Và Thiên Chúa cũng đang làm mới mọi sự trong Hội Thánh, không phải ở bình diện nào sâu xa và rõ ràng hơn bình diện bác ái.

Thật vậy, người ta có thể thấy Hội Thánh là thế này hay thế kia, tùy theo thời đại và quan điểm của mỗi người. Nhưng luôn luôn và mãi mãi, cơ bản Hội Thánh là công đoàn có lòng yêu mến nhau, không phải bất cứ tình yêu mến nào, nhưng là tình yêu mến làm cho mọi người thấy Hội Thánh là công đoàn môn đệ của Chúa Ki-tô và thi hành điều răn mới của Người. Nhưng khi nào lòng yêu mến đó càng nổi, Hội Thánh càng là tân nương trang sức chờ đón Đức Lang Quân” (Giải Nghĩa Lời Chúa, Năm Pụng Vụ C, trang 141).

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng,

trong những ngày vui này

xin cho tất cả chúng con biết đem lòng sốt sắng

mừng Đức Ki-tô phục sinh

để Người hiện diện trong cuộc đời chúng con

và làm cho chúng con được đổi mới

thành cộng đoàn yêu thương nhau.

Chúng con cầu xin

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành