Chúa Nhật V Phục Sinh – Năm C


 CN.5.PS.C

(Cv 14,21-27; Kh 21,1-5; Ga 13,31-35)

28-4-2013

“Kinh Hòa Bình” lời của thánh Phanxicô, cha Kim Long phổ nhạc. Kinh Hòa Bình ai cũng biết, ai cũng hát. Nhưng lịch sử, gốc tích Kinh Hòa Bình có lẽ ít ai biết.

Đức giáo hoàng Hô-nô-ri-ô III kêu gọi thành lập Đạo Binh Thánh Giá để đánh  người Hồi giáo và chiếm lại Đất Thánh.

Năm 1219 một hạm đội hùng hậu chở đoàn quân Công giáo đổ xuống đất Ai Cập và chiếm được hải cảng Đa-mi-ét-ta.

Thánh Phanxicô cũng tới Ai Cập, không phải dùng gươm giáo để chém giết, nhưng dùng Lời Chúa để hòa giải.

Trước hết ngài nói với quân Thánh Giá : “Hỡi anh em, hãy tỉnh dậy và suy nghĩ lại. Không phải quân Hồi giáo kìm hãm anh em, mà là ma quỉ trong anh em. Anh em quên rằng  anh em đang mang Thánh Giá trên áo giáp. Anh em cũng hãy mang Thánh Giá trong lòng mình. Nếu anh em hành động trong tình yêu thương, quân Hồi sẽ tự nhổ trại đi…Gươm giáo chỉ đem lại máu, còn tình yêu chinh phục được các linh hồn… Hãy thanh tẩy linh hồn anh em…” Binh sĩ Công giáo cười nhạo ngài…

Tháng 8-1219 cuộc chiến bùng nổ. Chỉ trong một ngày đã có hơn 6000 quân Công giáo bị giết. Tư lệnh Đạo Binh Thánh Giá xin ngừng chiến… Thánh Phanxicô xin phép tới trại quân Hồi giáo để hòa giải…Ngài bị đe dọa : ‘Ngày mai đầu ông sẽ bị cắm trên ngọn giáo’” (Đặng Xuân Thành dịch, Thánh Phanxicô Assisi, Vị Thánh Của Tình Yêu, trang 150-151).

Mặc cho lời cảnh cáo, thánh Phanxicô tiến vào lãnh thổ quân Hồi giáo. Ngài bị bắt, bị trói, bị đánh đập. Ngài bị dẫn đến vua Ai Cập đang ở trong túp lều chỉ huy.

Vua Ai Cập hất hàm hỏi : “Này ông, ông muốn làm gì ?

Thánh Phanxicô thưa : “Thưa ngài, tôi chỉ muốn mang đến cho ngài sự bình an, một sự bình an cao cả.

Vua cười nói :  “Nhưng ta lại muốn chiến tranh. Ta đang chinh phục thế giới cho Đấng Allah. Ta được sinh ra vì mục tiêu đó và được Đấng Allah sử dụng vào mục tiêu đó”.

Thánh Phanxicô đáp : “Thưa ngài, tôi không muốn nói đến sự bình an, kết quả của sự chiến thắng trong cuộc chiến. Tôi muốn nói đến sự bình an trong tâm hồn, một sự toại nguyện, một niềm vui tuôn trào từ con tim, như rượu ngon tuôn chảy lai láng

Vua hỏi : “Thế thì điều gì đem lại bình an cho người chiến sĩ hơn là niềm vui chiến thắng”.

Thánh Phanxicô đáp : “Thưa ngài, đó là cầu nguyện”.

Vua nói : “Cầu nguyện. ta chẳng cầu nguyện với Đấng Allah hằng ngày sao ?

Thánh Phanxicô đáp : “Thưa ngài, ngài cầu nguyện nhiều hơn chúng tôi. Tuy nhiên tôi muốn chia sẻ với ngài lời cầu nguyện mà tôi học được qua những trận chiến với chính mình, những trận chiến với quỉ dữ trong tâm hồn…. Tôi xin chia sẻ với ngài một lời cầu nguyện.

Vua đồng ý : “Ngươi hãy cầu nguyện cho ta đi”.

Thánh Phanxicô quì xuống, ngước mắt lên trời và cầu nguyện : “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…

Nghe thánh Phanxicô cầu nguyện, vua Ai Cập xúc động, truyền tha cho ngài, và ban phép ngài được đi thăm Đất Thánh, nơi Chúa Giêsu đã sống và đã chết (Nguyễn Ngọc Kính OFM dịch, Thánh Phanxicô Hành Trình & Ước Mơ, trang 78-82).

 

BTM : Sống nhân hậu và từ bi, mà thánh Phanxicô chủ trương, chính là giới răn yêu thương của Chúa Giêsu. BTM thánh lễ hôm nay nhắc lại giới răn đó. Trên bàn tiệc ly, Chúa Giêsu nói với các tông đồ : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).

Đạo Do Thái và các đạo khác cũng dạy yêu thương, nhưng yêu như người ta yêu, yêu vì con người. Còn yêu thương của Chúa Giêsu là yêu như Chúa yêu, yêu vì Chúa. Vì thế Chúa Giêsu gọi giới răn yêu thương của Chúa là mới, giới răn mới.

 

Bđ1 : Yêu như Chúa yêu, tức là thà chịu thua thiệt hơn là báo thù, hơn là dùng bạo lực. Nên bđ1 thánh lễ, sách Công Vụ Tông Đồ, đã kể : khi hai thánh Phaolô và Banaba trở lại thăm các giáo đoàn, thấy họ bị xỉ nhục hành hạ, thì hai ngài đã an ủi khích lệ : Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).

 

Bđ2 : Nước Thiên Chúa chính là cảnh mà sách Khải Huyền trong bđ1 gọi là “trời mới và đất mới” (Kh 21,1), nơi “không còn sự chết, cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ” (Kh 21,4), nơi không còn oán thù, không còn bạo lực.

Xã hội chúng ta hôm nay từ trong gia đình đến đường phố, đầy bạo lực và đâm chém, kể cả nữ giới.
Chiều ngày 26-4 vừa rồi, Chu Thị Ngọc Hiền, trú tại phường Phước Hải, TP Nha Trang cùng 2 hai cô gái trong nhóm, đến khu vực ngã tư đường Bà Triệu – Hoàng Văn Thụ, đánh nhau với 1 nhóm có 5 đối tượng. Hiền đã dùng súng bắn đạn cao su làm bị thương 1 người. Sau đó ném súng vào nhà dân phi tang, rồi cùng dồng bọn bỏ chạy.

Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…

 —————————–

CN.5.PS.C

2-5-2010

 

Bài TM thánh lễ chúa nhật vừa rồi là dụ ngôn “Người Chăn Chiên Nhân lành”. Dụ ngôn nói đến tình yêu của người chăn với con chiên. Người chăn chiên yêu các con chiên. Tình yêu này xuất phát vì là người chăn, chứ không phải là người làm thuê.

Còn BTM thánh lễ chúa nhật hôm nay nói đến tình yêu của con chiên với con chiên. Chiên với chiên yêu nhau vì cùng một đàn, như lời Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ trên bàn tiệc ly : “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu anh em” (Ga 13,34)

“Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” như thế nào ?

– Đó là rửa chân cho nhau : “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Đối với người Do Thái, việc rửa chân là việc của đầy tớ, việc của nô lệ. Đối với Chúa Giêsu, việc rửa chân không còn là việc dành riêng cho ai, mà là việc của mọi người. Mọi người phải cúi xuống để yêu thương nhau.

– Khi rửa chân xong, Chúa Giêsu loan báo việc Giuđa phản bội Chúa : “Thầy bảo thật anh em có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21). Vậy yêu, thì dù người đó có bán mình, mình vẫn yêu.

– Khi Giuđa đi bàn bạc với các nhà lãnh đạo Do Thái để bán Chúa, thì Chúa loan báo ông Phêrô sẽ chối Chúa : “Thầy bảo thật anh cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Ga 13,38).

Yêu như Chúa là rửa chân, là yêu cả Giuđa bán mình, là yêu cả Phêrô chối mình.

Người đời tốt mới yêu, xấu thì bỏ. Còn Chúa, tốt yêu, xấu càng yêu hơn. Trên Núi Bát Phúc, Chúa Giêsu dạy : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nêncon cái của Cha trên trời, vì Người cho mặt trời mọc lên soi s1ng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất trung” (Mt 5,43-47).

Hôm nay là đầu tháng 5, tháng Đức Mẹ. Hãy nhìn lại những nơi Đức Mẹ hiện ra ở Việt Nam. Đó là La Vang năm 1798, thời Tây Sơn bắt đạo; đó là Trà Kiêu 1885, thời nhà Nguyễn bắt đạo; đó là La Mã Bến Tre năm 1950, thời chiến tranh Việt-Pháp. Thời chúng ta Đức Mẹ hiện ra ở Tà Pao Phan Thiết, Măng Đen Kontum, Thác Mơ Bình Long.

Đức Mẹ yêu như Chúa Giêsu : nơi nào càng đau khổ Đức Mẹ càng yêu thương.

 ————————–

 CN.5.PS.C

6-5-2007

 

Đức Mẹ hịên ra ở Fatima, nước Bồ Đào Nha ngày 13-5-1917. Năm nay là năm 2007. Như thế Đức Mẹ đã hiện ra đúng 90 năm.

Fatima là tên con gái của ông Mahômét, vị sáng lập đạo Hồi. Nước Bồ Đào Nha là một nước hòan tòan Công giáo. Tại sao lại lấy tên con gái người sáng lập đạo Hồi đặt tên cho một ngôi làng của mình ? Tương truyền rằng, quân Hồi giáo đánh nước Bồ Đào Nha bị thua. Trong số tù binh có cô công chúa Fatima. Về sau cô theo đạo Công giáo và lập gia đình vói ông bộ trưởng quốc phòng.

Về tình hình nước Bồ, năm 1910 chế độ quân chủ bị sụp đổ, chế độ công hòa lên thay. Chế độ cộng hòa ghét đạo Chúa. Bộ trưởng tư pháp đã tuyên bố : “Anh sáng chính trị chỉ cần chiếu soi hai thế hệ là đủ để tôn giáo bị tiêu diệt.

Còn về tình hình thế giới, Ngày mùng 5 tháng 5 năm 1917, lúc chiến tranh thế giới lần I (1914-1918), bước vào giai đoạn khốc liệt, ÐTC Bênêđíctô XV (1914-1922) kêu gọi người Công giáo trên cả thế giới tham dự chiến dịch cầu nguyện, để xin Ðức Maria bầu cử, cách riêng trong tháng năm, tháng dâng kính Mẹ Thiên Chúa, hầu chấm dứt những cuộc tàn phá, đau khổ, chết chóc. Ngoài ra, ngài còn đặt tượng Ðức Mẹ bế Chúa Con bằng cẩm thạch, trong Ðền thờ Ðức Bà Cả, với hàng chữ : “Regina Pacis ” (Nữ vương hòa bình).

Tám ngày sau, tức 13 tháng 5-1917, tại thung lũng Cova da Iria (Fatima), Ðức Trinh Nữ Maria hiện ra với ba em mục đồng: Lucia, Phanxicô và Giaxinta.

Luxia là con út trong gia đình 6 người con. Cha là ông Antôn, một nông dân giản dị, chịu khó. Mẹ là bà Maria Rôsa, đạo đức, nhưng nghiêm khắc. Mỗi tối sau giờ đọc kinh gia đình, bà thường kể chuyện Kinh Thánh và các thánh cho các con. Luxia mạnh khỏe, vui tính, thông minh và có tài ca hát.

Phanxicô và Giaxinta là hai anh em ruột. Mẹ của hai em là em gái của ông Antôn, cha của Luxia. Phanxicô đẹp trai, mập mạp, biết thổi sáo. Giaxinta tính tình hiền dịu, chơi thân với Luxia.

Khi Đức Mẹ hiện ra Luxia 10t, Phanxicô 9t, Giaxinta 7t. Phanxicô qua đời sớm nhất, vào ngày 5-4-1918 sau 1 năm Đức Mẹ hiện ra. Hai năm sau Giaxinta qua đời vào 20-2-1920. Luxia mới qua đời ngày 13-1-2005. Cả ba đều được an táng trong nhà thờ Fatima.

Chúa nhật ngày 13-5-1917 ba em dẫn đàn chiên lên đồi Cova da Iria, một cánh đồng cỏ, cho chiên ăn. Bỗng ba em thấy một luồng ánh sáng. Ba em sợ. Rồi chỉ Luxia và Giaxinta trong thấy một Bà Đẹp trong ánh sáng. Bà sáng hơn ánh sáng mặt trời. Bà nói, nhưng chỉ  Luxia nghe được :

– Đứng sợ ! Ta không làm hại các con. Ta từ trời xuống.

Luxia lấy hết can đảm hỏi :

– Bà muốn gì ?

Bà Đẹp nói :

Ta muốn các con đến đây sáu tháng liên tiếp vào ngày 13 mỗi tháng, đúng vào giờ này. Sau này Ta sẽ nói Ta là ai và tại sao Ta đến với các con.”

Luxia e ngại hỏi :

Thưa Bà Đẹp, con có được lên trời với Bà không ? Cả Giaxinta và Phanxicô có được lên trời không ?

Bà Đẹp nói :

Tất cả các con sẽ được lên trời với Ta, nhưng Phanxicô phải lần chuỗi nhiều.

Lúc ấy Phanxicô không trông thấy Đức Mẹ, chỉ thấy ánh sáng, nhưng nghe được Đức Mẹ nói với Luxia. Bà Đẹp nói với Luxia :

       – Phải lần chuỗi thì em Phanxicô mới thấy đựoc Ta.

Phanxicô ngay lập tức lần chuỗi. Sau một chục thì Phanxicô trông thấy Đức Mẹ.

Bà Đẹp nói :

Chúng con có muốn dâng mình cho Chúa, để chịu mọi đau khổ Chúa gửi tới để đền tội  người ta xúc phạm đến  Chúa và cầu cho những người tội lỗi không?

Cả ba em đều thưa :

Chúng con sẽ làm như Bà muốn.

Bà Đẹp từ trời mở đôi bàn tay. Luồng sáng từ đôi tay chiếu xuống ba em. Về sau Luxia kể lại : “Ánh sáng chiếu vào tận đáy lòng chúng con, đến nỗi chúng con thấy chúng con ở trong Chúa rõ hơn chúng con soi gương. Rồi như có ai thúc dục chúng con qùi gối xuống và lặp lại lời thiên thần trước đây đã hiện ra dạy chúng con : “Lạy Ba Ngôi chí thánh, chúng con tôn thờ Ba Ngôi. Lạy Thiên Chúa của chúng con, lạy Thiên Chúa của chúng con, chúng con yêu mến Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Trước khi về trời, Bà Đẹp căn dặn  :

Hãy lần chuỗi hằng ngày để thế giới được hòa bình và chiến tranh chấm dứt !

Về sau Giaxinta kể : “Khi Đức Mẹ về trời, các cửa trời dường như đóng rất nhanh, đến nỗi em cảm thấy như chân em kẹt vào cánh cửa trời.

Với lần hiện ra thứ nhất, Đức Mẹ xin các em hai điều :

1- Chịu đau khổ để đền tội và cầu nguyện cho người tội lỗi,

2- Lần hạt hằng ngày.

Bài Tin Mừng thánh lễ hôm nay, Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ : “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em”.

Đạo nào cũng dạy yêu thương, nhưng chỉ có đạo Chúa dạy yêu như Chúa, chứ không yêu như con người yêu con người. Yêu như con người yêu thì còn dâm chém nhau, còn chiến tranh. Yêu như Chúa yêu thì không còn giết nhau, không còn chiến tranh, thế giới sẽ hòa bình. Vì yêu như con người yêu còn ích kỷ, yêu để lấy lợi cho mình, cho gia đình mình, cho phe phái mình. Còn yêu như Chúa yêu là hy sinh lợi ích cho người khác, dù là kẻ thù của mình, như Đức Mẹ yêu ngừoi tội lỗi và thế gian.

 ————————————

CN.5.PS.C

                                                  9-5-2004                                                

Lời Chúa trong thánh lễ Chúa nhật vừa qua nói đến cách sống, cách đối xử giữa chủ chiên và đàn chiên : “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10,27). Từ “biết” trong ngôn ngữ  Kinh Thánh có nghĩa là “yêu”. “Biết” không chỉ ở trong phạm vi trí khôn, tri thức; mà còn ở trong phạm vi tâm hồn, tình cảm. Chúa Giêsu “biết” chiên của Người, nghĩa là Chúa Giêsu “yêu” chiên của Người. Về phần chiên thì “nghe tiếng tôi”, có nghĩa là “gắn bó” với chủ chiên, là “yêu” chủ chiên.

Lời Chúa thánh lễ hôm nay nói đến cách sống, cách đối xử giữa các chiên với nhau.

 

Bài Tin Mừng : Bài TM đọc trong sách TM của thánh Gioan. Sách chia làm hai phần : từ đoạn 1-12 gọi là sách của “những dấu lạ”, từ đoạn 13-21 gọi là sách của “vinh quang”. Bài TM hôm nay ở trong phần “sách của vinh quang”.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói “Giờ đây Con Người được tôn vinh và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31a). “Giờ” theo thánh Gioan là giờ chết của Chúa trên thập giá. Từ “Giờ” thánh Gioan dùng 26 lần (Alain Marchadour, L’Évangile de Jean, trang 166). Giờ Chúa Giêsu chết cũng là giờ Chúa Giêsu làm cho Chúa Cha vinh quang : “Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người”. Đồng thời cũng là giờ Chúa Cha làm cho Chúa Giêsu vinh quang : “Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người” (13,31b). Thập giá vừa là vinh quang của Chúa Cha, vừa là vinh quang của Chúa Giêsu. Nói đến thập giá tức là nói đến tình yêu, một tình yêu thí mạng sống : “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (15,13).

Chúa Giêsu đã yêu như thế, thì đến lượt các con chiên cũng phải yêu như vậy : “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (13,34).

Chúa Giêsu nói đến lòng yêu thương xen giữa chuyện Giuđa ra đi bán Chúa : “Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giêsu nói : Thầy bảo thật anh em có một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Ga 13,21), và lời tiên báo thánh Phêrô chối Chúa : “Anh sẽ thí mạng vì Thầy ư ? Thật, Thầy nói thật cho anh biết : gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (13,37).

Như thế, yêu nhau là trung thành như Chúa, chứ đừng như Giuđa phản Thầy, như Phêrô chối Thầy; là biết khiêm nhường phục vụ như Chúa đã rửa chân.

Chúa Giêsu nhắn nhủ điều này trong giây phút ly biệt, giã từ. Những gì được trăn trối trước giờ chết đều là quan trọng. Chúa Giêsu nhấn mạnh : “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này : là anh em có lòng yêu thương nhau” (13,35). Lòng yêu thương không những là giới răn quan trọng; mà còn là điều làm nên tư cách, phẩm chất, và giá trị  của một con chiên, của người có đạo.

 

Bài đọc 2 : Bđ 2 trong sách Công Vụ Tông Đồ của thánh Luca. Bđ thánh lễ Chúa nhật trước kể phần đầu, tức là phần đi đến các thành phố trong cuộc truyền giáo lần thứ nhất. Thánh Phaolô và Banaba đi từ Antiôkhia của nước Syri, tới Sê-lêu-ki-a, lấy tầu đi tới đảo Sýp, đến Xa-la-min, xuyên qua đảo đến Pa-phô, rồi vượt biển tới At-ta-li-a, tới Péc-ghê, tới Antiôkhia của nước Thổ Nhĩ Kỳ, tới I-cô-ni-ô, tới Lýt-ra, chặng cuối cùng là Đéc-bê.

Bđ hôm nay là phần cuối của cuộc hành trình, phần trở lại thăm các cộng đoàn mà các ngài đã rao giảng, đã thiết lập : “ Hai ông trở lại …củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin” (Cv 14,21.22). Hai ngài đã khuyến cáo họ : “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (14,22).

Chính hai ngài cũng chịu nhiều gian khổ : tại Pa-phô bị tên phù thủy Ba-giê-su chống đối ngăn cản (13,6-12), tại Antiôkhia bị người Do thái xách động, trục xuất (13,50-52), tại Icôniô bị làm nhục và ném đá (14,8), tại Lýt-ra bị lôi ra ngoài thành ném đá và tưởng đã chết (14,19).

Chịu gian khổ như thế cũng vì yêu Chúa và yêu đồng loại. Như thế, yêu nhau là phải cùng chia vui sẻ buồn với nhau.

Trên đường trở về, đi thăm các giáo đoàn, thánh Phaolô và Banaba còn thiết lập các vị lãnh đạo :”Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục” (14,23). Kỳ mục tiếng Hy Lạp là “presbyteros”. Từ tiếng Hy lạp sang tiếng Pháp là “prêtre, presbytère” có nghĩa là linh mục. Thánh Phaolô đặt các linh mục lãnh đạo. Như thế, yêu nhau là phải tôn trọng nhau, có trên có dưới, phải có tôn tri trật tự.

 

Bài đọc 2 : Bđ2 đọc trong sách Khải Huyền của thánh Gioan. Sau khi nói đến những cuộc chiến phải trải qua, thánh Gioan nói đến cuộc chiến thắng khải hoàn, được diễn tả qua hình ảnh  “Trời mới đất mới”: “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất và biển cũng không còn nữa” (Kh 21,1). “Biển” tượng trưng cho sự dữ, kẻ ác. Nay “biển không còn”, nghĩa là sự dữ không còn, Satan không còn, chỉ còn có Chúa hiện diện : “Tôi thấy Thành Thánh Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống…Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to : ‘Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ” (21,2-3). Thiên Chúa trong sách Khải Huyền là : “Thiên-Chúa-ở-cùng-họ”, là Emmanuel. Như thế, yêu nhau phải sống với nhau, ở cùng nhau, xa mặt thì cách lòng.

Cuộc đời của các vị thừa sai, các linh mục ngoại quốc sang Việt Nam giảng đạo biểu lộ lòng yêu thương vô bờ của các ngài. Thánh Augúttinô Đông, linh mục thừa sai Paris, tử đạo ngày 1-5-1851, tại pháp trường Năm Mẫu, Hải Dương. Khai trước tòa, cha Đông nói : “Tôi tên là Augúttinô, quê ở nước Pháp, năm nay 29 tuổi. Tôi đến đây chỉ để giảng đạo Đức Chúa Trời. Tôi biết nước An Nam cấm đạo, nhưng tôi không sợ chết”. Tới pháp trường, cha Đông qùi gối, cầm Thánh Giá đeo nơi cổ hôn ba lần, rồi nói với lý hình : “Anh làm nhiệm vụ nhanh lên”. Đầu vị tử đạo bị bỏ trôi sông mất tích. Thi thể của ngài được chôn tại chỗ. Sau hai đêm giáo dân cải lên, đem về chôn tại họ Bách Lộc.

Linh mục Nguyễn Trung Thành